Trong năm vừa qua mọi người rất là xôn xao về các cuốn sách dạy tiếng Việt tại quê nhà. Ngoài bài học vỡ lòng gồm các ô vuông, tam giác – không phải chữ viết a, b, c – các trẻ em còn được dạy đánh vần sai như con dơi bị viết lộn ra thành “con rơi”, hình con heo được ghi chú là “Chú Ỷ”. Bậc phụ huynh thắc mắc có ai ra chợ muốn mua một ký thịt heo mà lại nói là bán cho tôi một ký “chú ỷ” bao giờ. Thế mà sách Việt Cộng lại dạy như thế. Giữa lúc các vấn đề sách giáo khoa, tiếng Việt theo lối Bùi Hiền tạm thời lắng đọng để mọi người hồ hởi mừng các trận đá banh, có nàng vui đến nỗi cởi hết cả quần lẫn áo, thì năm mới Kỷ Hợi lại đang đến. Chúng ta sắp sửa đón thêm một cái Tết, dù buồn hay vui, dù giàu hay nghèo, dù ở Việt Nam hay Hải Ngoại thì mùa Xuân truyền thống cũng về. Thôi thì hãy tạm quên các chuyện rắc rối trong năm cũ, để cùng nhau bàn về chuyện “Chú Ỷ” trong Xuân Kỷ Hợi 2019 này nhé.
Chuyện xưa kể rằng khi Ngọc Hoàng mở đại hội và triệu tập các loài vật để đặt tên cho 12 con giáp, thì con chuột là con vật đến phó hội sớm nhất nên được đứng đầu bảng. Vì thế người ta bắt đầu đếm từ Tý, rồi tới Sửu, Dần, Mẹo… cuối cùng là Hợi vì con heo chậm chạp nên đến sau cùng. Thế nhưng trong thực tế Heo có chậm nhất không, có ở dơ không, có ngu không? Mời bạn cùng tôi điểm qua các sách báo, thơ nhạc về loài thú đặc biệt này nhé.
Từ xưa, tục ngữ ca dao ta đã nhắc nhiều tới loài heo qua các câu:
“Đàn bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác”
“Con gà cục tát lá chanh, con lợn ủ ỉn mua hành cho tôi”.
“Cưới em một thúng xôi vò, một con lợn béo, một vò rượu tăm”.
hoặc câu “Nói toạc móng heo”.
Người ta cũng so sánh miệng lưỡi cứ “trơn như mỡ heo”, “đẻ như heo” “mập như heo”, “làm biếng như heo”, hoặc chê trách người gian dối “mượn đầu heo nấu cháo”, vụng về chữa “lợn lành thành lợn què”, vô duyên gian tà mắt nhìn “thao láo như mắt lợn luộc”, “lấc cấc như quạ vào chuồng lợn”. Để hù các ông lôi thôi ham hố nhiều vợ, người ta cũng đã có câu “Hai vợ nằm chèo queo, ba vợ ra chuồng heo mà nằm!” coi bộ rất đúng với thực tế.
Thời trước, con lợn được vẽ trên các bức tranh dân gian Đông Hồ, trên tấm lịch treo tường của gia đình là để thể hiện sự sung mãn, hạnh phúc.
Thời thơ Đường Luật còn thịnh hành, nhà thơ Nguyễn Khuyến trong thơ gửi bạn đã viết:
Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu
Lụt lội năm nay bác ở đâu?
Mấy ổ lợn con rày lớn bé,
Vài gian nếp cái ngập nông sâu?
Ông đã nhắc tới “ổ lợn” tức là hình ảnh điển hình trong căn nhà ở vùng quê Việt Nam.
Thi sĩ nổi tiếng Vũ Hoàng Chương cũng nhắc tới con heo trong bài Vịnh tranh gà lợn:
Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
Gà lợn om sòm rối bức tranh.
Một nhân vật đặc biệt trong tiểu thuyết Tây Du Ký là Trư Bát Giới – với hình ảnh con heo trên đường đi thỉnh kinh với Tam Tạng – cũng rất đáng nhắc tới trong bài tản mạn này. Bát Giới luôn làm những người đi chung bị rắc rối vì tính lười biếng, thói háu ăn và háo sắc trước những cô gái đẹp. Thế mà cuối cùng chàng mặt heo Trư Bát Giới cũng đã tu thành chánh quả. Điều này cho thấy dù hoàn cảnh, tâm tính có xấu như thế nào, vẫn còn nhiều cơ hội để tu thân tích đức, miễn đừng cố chấp không nhận ra mình sai và phải biết mở lòng ra để thay đổi. Sau này, các Tú Bà ở Trung Hoa có thói quen cúng Trư Bát Giới để cầu nguyện cho làm ăn được khấm khá. Chắc vì muốn thân chủ mang chút “lợn lòng”, có máu hiếu sắc như họ Trư nên bà chủ Hooker mới van vái cùng ông Tổ họ Trư như thế.
Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu đã dùng một chuyện ngụ ngôn về đứa con trai hoang đàng để nói lên lòng nhân từ của Chúa. Câu chuyện này hầu như ai đạo Công Giáo cũng biết và có liên hệ tới con heo. Sau khi đòi người cha chia gia tài rồi ăn chơi hết tiền, cậu em đã phải xin làm người chăn lợn thuê. Nó đói quá muốn ăn nồi cám của lợn như không ai cho. Sau này đứa con hoang đàng hối hận quay về và người cha nhân từ đã tha thứ. Cũng trong Phúc âm ghi lại một chuyện khác, Chúa Giêsu đã thực hiện một phép lạ đuổi quỷ ám để con quỷ phải nhập vào một bầy lợn, sau đó bầy lợn này đã phải chết.
Ở Hy Lạp từ thời thượng cổ, theo trường ca Odyssée của Homère, lợn được cho là quý và không nuôi trong chuồng mà thả rong (nếu theo kiểu ngày nay thì nói là “Lợn đi bộ”, giống như nuôi gà đi bộ – thịt ngon không bị mềm như gà công nghệ). Nhiều chuyện thần thoại, truyền thuyết về các thần có liên hệ đến heo đã được truyền tụng.
Tại nước Pháp, lợn cũng được thả đi lại tự do tại ngay thủ đô Paris. Mãi đến năm 1131 khi đàn heo gây tai nạn lưu thông làm thiệt mạng con của vua Louis le Gros thì mới bị cấm. Thế đấy, chết bao nhiêu phó thường dân thì luật cấm vẫn chưa có, cho đến khi con vua mất mạng thì triều đình thấy quan tài mới đổ lệ, nên mới cho ra luật cấm heo đi lang thang. Nước Pháp ngày nay cũng đang phải đối đầu với nhiều rắc rối, dân chúng biểu tình rất bạo động gây rối loạn. Tội nghiệp ông tổng thống trẻ Macron. Ông rất thông minh giỏi giang, được cô giáo dạy học lớn hơn mình 24 tuổi vừa làm vợ, vừa làm cố vấn mà cũng chưa giải quyết được “loạn”. Đáng khen là ông Macron đã dám đứng lên chính thức nhận mình nói sai, xin lỗi dân chúng. Có người nói cứ đem những người dân Pháp quá khích, đòi hỏi quá đáng về Việt Nam để bị Cộng sản đàn áp, sẽ “thuần” được ngay!
Từ xưa, thịt heo là một thực phẩm ngon lành bổ dưỡng cho loài người. Ở Việt Nam, thịt heo được dùng rất nhiều đặc biệt trong cưới hỏi, lễ giỗ, đình đám, có thể chế biến ra hàng trăm món khác nhau. Từ giò heo, da heo, lỗ tai heo, lòng heo… hầu như không bỏ sót phần nào, được chế biến thành các món ăn rất độc đáo. Bên cạnh những lợi ích về mặt dinh dưỡng, ngày nay một số bộ phận của heo cũng được các nhà khoa học sử dụng để thay thế những bộ phận hư hỏng của con người qua phương pháp ghép dị chủng “xenotransplantation”.
Lợn quý như vậy, nhưng người Hồi giáo lại coi là con vật dơ bẩn, cấm không được ăn thịt. Trong đạo Do Thái cũng cấm không cho ăn thịt heo. Ngược lại Kinh Thánh Công giáo lại cho phép vì trong Matthew đoạn 15, câu 10 đã giải thích “Không có gì đi vào miệng của con người làm cho con người dơ bẩn. Chỉ có những gì đi ra từ miệng người mới có thể làm con người dơ bẩn.”
Cũng như có tôn giáo thờ bò, có đạo kiêng không dám động tới con chuột, trong khi đối với người khác thì thịt bò là ngon số một, chuột là loài vật dơ dáy ghê tởm, điên gì mà thờ! Bởi mới thấy tư tưởng phong tục các nơi rất trái ngược nhau. Không ai có thể khẳng định đâu là sai, đâu là đúng, chỉ phải hiểu biết và hành xử “theo thuở, theo thì” thì mới tránh rắc rối mà thôi.
Người Tây Đức đã thành công trong việc huấn luyện heo ngửi mùi để tìm ra ma túy thay cho chó quân cảnh nhưng người đạo Hồi lại phản đối, nên chương trình này ngưng phát triển.
Báo chí cũng đăng đã có người làm phụ tá hành chánh cho công ty Rising Star – một cơ sở có liên hệ mật thiết với Hồi giáo – bị sa thải vì ăn thịt heo. Và mặc dù Kinh Qur’an chỉ cấm ăn thịt heo, nhưng chuyện cấm kỵ nhiều khi đã leo thang tới mức cấm cả hình tượng, sách truyện viết về heo. Như tại thành phố Leicester miền Trung nước Anh, cảnh sát đã tịch thu một bộ sưu tập gồm 17 con heo làm bằng sứ, được trưng bày tại cửa sổ nhà bà Nancy Bennett. Căn nhà này nằm trên cùng con đường với một ngôi đền Hồi giáo. Tín hữu đi qua, cảm thấy bộ heo sứ xúc phạm tới tôn giáo của mình, bèn yêu cầu cảnh sát ra tay. Thế mới rõ mỗi tôn giáo, mỗi người đều suy nghĩ rất khác nhau, mình nên tôn trọng và ngược lại cũng đừng bắt người khác phải nghĩ theo cách của mình.
Theo tin báo The Guardian, bà Barbara Harris, hiệu trưởng trường Park Road ở Batley, Tây Yorshire, đã ra lệnh cho nhân viên loại bỏ hết sách vở có liên hệ tới heo, như cuốn sách nổi tiếng Ba Chú Heo Con (Three Little Pigs), vì sợ xúc phạm tới trên 60% học sinh theo Hồi giáo. Ủy Ban Hồi giáo Anh quốc (Muslim Council of Britain) đã phải can thiệp để sửa lại lệnh cấm, cho giữ lại sách truyện trẻ em về heo, chỉ cấm ăn thịt.
Thế nhưng một đoạn trong phim “Peppa Pig” cũng là phim hoạt họa nổi tiếng cho trẻ em làm tại Anh cũng đã bị cấm chiếu. Gia đình Heo con trong phim chuyện này rất dễ thương, cả thế giới theo dõi và đồ chơi, hình tượng “Peppa Pig” bán khắp nơi, thậm chí được xâm trên người giới trẻ. Nơi bị cấm là nước Úc khi chiếu đoạn phim cho là loài nhện rất dễ thương, vô hại trong khi tại Úc có nhiều giống nhện độc, sợ các em lầm mà chơi với nhện độc. Cũng có đoạn phim bị chỉ trích vì vẽ gia đình “Peppa Pig” ngồi xe hơi mà không cài dây an toàn (seat belt). Thế mới biết giáo dục trẻ em rất là quan trọng, các nước Tây Phương quan tâm từng chi tiết, còn giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa hiện nay thì sao?
Một chuyện khác cũng xảy ra tại Anh, vào tháng 3 năm 2005. Ông Leroy Trought, chủ tiệm rượu ở Bristol bị quan tòa bắt phải đổi tên bãi đậu xe từ “Porking Yard” thành “Parking Yard”. Ông Trought bị kết tội vì đặt tên bãi đậu xe của mình có chữ “pork” là thịt heo, làm phiền lòng các tín đồ Hồi giáo người Somali – thường lui tới ngôi đền gần đó. Thế đấy, đâu phải ở xứ Tự Do rồi muốn làm gì thì làm. Chẳng hạn muốn đặt tên con cái là gì thì đó quyền chọn lựa của cha mẹ, nhưng hình như chưa thấy ai dám đặt tên con là Hồ Chí Minh. Thế nhưng mới đây ở Canada lại có người viết sách ca tụng Hồ Chí Minh theo lệnh của Đảng, dù biết là ngày nay sự thật đã phơi bày, hiếm có ai tin vào huyền thoại bác Hồ nữa. Biết sai, biết gian dối mà vẫn cứ làm thì bị liệt kê vào “tội trọng” đó quý vị ạ!
Tại Liên Xô, Tổng bí thư Nikita Khrushchev đã hãnh diện về nguồn gốc chăn lợn của mình, kể chuyện thuở ấy đi chăn heo tiền lương rất rẻ. Chắc quý vị cũng biết Tổng bí thư nhà nước Việt cộng Đỗ Mười xuất thân từ nghề hoạn lợn. Khác cái là bí thư nước Nga không ngại nói về quá khứ của mình, còn ai ở Việt Nam mà dám nói xấu về nghề xưa của bí thư Đỗ Mười thì chắc phải đổ tới mười cuốn lịch trong khám, cũng không ai dám viết tắt hai chữ Đỗ Mười thành Đ.M.
Một vài nhân vật cầm tinh con lợn khá nổi tiếng như tổng thống Mỹ Ronald Reagan, sinh năm Tân Hợi – 1911, Lý Quang Diệu của Singapore sinh năm Quý Hợi – 1923. Tưởng Giới Thạch – Tổng thống Trung Hoa, Cựu Thống Đốc Arnold Schwarzenegger (California, USA) cũng sinh vào năm Hợi. Những nhân vật này không làm biếng, không ăn hại như heo mà đã tạo tên tuổi.
Nam tài tử đẹp trai George Clooney trong điện ảnh Hollywood đã khóc thảm thiết khi chú heo mọi nặng 136 ký mà ông nuôi trong 18 năm, tên là Max từ giã cõi sống. Max được xem là “người tình” của George Clooney, có mối quan hệ với ông lâu hơn bất cứ một phụ nữ nào khác.
Trong Tam Quốc Chí, cũng có câu chuyện liên hệ tới Lợn. Đó là chuyện Tào Tháo đa nghi giết lầm cả nhà Lữ Bá Xa gồm 8 người, chỉ vì họ Lữ chuẩn bị giết heo đãi quan quân của Tào Tháo, mà Tháo tưởng lầm họ đang tìm cách giết mình. Ôi tiếc thay “tấm lòng” của Lữ đã bị “tống lầm” vào cõi chết chỉ vì sự nghi kỵ. Bản thân tôi cũng có khi nghi ngờ, ghen hờn, hiểu lầm sự việc. Năm mới này tôi sẽ quyết tâm sửa tánh xấu này.
Tôi cũng để ý tìm xem trong chuyện Chưởng của Kim Dung có bộ môn võ công nào nhắc tới con heo như thế giới võ lâm đã có bộ môn võ Hầu của con khỉ, Đả cẩu bổng pháp của Cái Bang theo cử động của loài chó, mà chưa tìm ra. Thế nhưng trong ngành Võ của Việt Nam ta, nổi tiếng có võ sư Phan Thọ đã hạ gục một con heo rừng rất hung tợn phá hoại mùa màng hoa màu, tấn công cả người. Con heo này nặng gần 2 tạ hung hăng xông vào húc Phan Thọ, không hổ danh là “Người có bộ tay hay nhất Bình Định”, ông đã chiến thắng và để lại di tích để chưng bày là bộ răng nanh dài quá khổ của nó.
Người ta vẫn chê nhau là “Ngu như Heo”, có cha mẹ chửi con là “Tao có cho mày ăn cám heo đâu mà mày ngu dữ vậy hả con?” Điều này oan cho heo vì thực tình nó là giống vật rất tinh khôn.
Từ xưa heo rừng đã biết chà thân mình vào cây thông có nhựa, rồi nằm xuống cát để lông trở thành chiếc áo giáp chai cứng bảo vệ mình. Như vậy có phải heo đã rất tân tiến trong ngành “fashion” tạo quần áo thời trang cho mình không? Heo cũng rất thông minh đoàn kết, chúng biết cùng nhau kết hợp để đẩy sập hàng rào cùng trốn thoát. Nói tới hai chữ “đoàn kết” tôi lại hỡi ơi, trong công cuộc tranh đấu cho Tự Do Dân Chủ Việt Nam hiện nay, đoàn kết rất cần thiết nhưng rất khó để làm được. Đôi khi vô tình lại đánh lộn, tức là đánh lầm, đánh sai “target” trúng người phe ta, không đánh trúng kẻ thù chung là Cộng Sản. Mong rằng khi lộn rồi thì hãy tỉnh táo ngưng ngay, đừng đánh đấm nhau nữa.
Cũng có câu chuyện bà Jo Altsman sống một mình, bà nuôi con heo con để làm bạn. Vào một buổi sáng, bà bị ngất xỉu vì bệnh tim. Chú heo con này liền chạy thẳng ra đường, nằm giả chết cho người ta chú ý. Thế nên có một thanh niên dừng lại nhìn. Con heo chồm lên, cắn quần anh ta lôi vào nhà. Chàng thanh niên nhờ thế đã gọi được xe cấp cứu đến giúp bà lão.
Hiện nay có một vài loại heo Việt Nam được bán tại Hoa Kỳ làm thú vật nuôi trong nhà như “pet” với giá khá mắc. Heo này được huấn luyện rất tinh khôn.
Heo cũng là một trong những động vật nuôi con bằng sữa mẹ và biết thương con, có tình mẫu tử chăm lo cho đàn con. Loài này cũng bị cho là ở dơ như heo, nằm đâu ị đó nhưng thực ra heo rất thích sạch sẽ, ưng được người ta vỗ về, gãi lưng và nói chuyện. Mỗi khi được tắm sạch sẽ, chúng kêu ủn ỉn sung sướng và “ngoan” hẳn ra. Sỡ dĩ heo thường hay ủi vào các vũng sình là vì nó muốn dùng cách đó để chống thoát nước khi trên mình heo không có tuyến bài tiết mồ hôi. Vậy giống lợn này thông minh lắm chứ nhỉ!
Dưới thời vua Boabdil (1482-1492), có câu chuyện về chàng thiếu niên tên là Benito đã ráng đi săn lợn rừng dâng lên cho vua để cứu mạng em gái. Khi đi săn, Benito đã gặp một con lợn rừng bẩm sinh mù cả hai mắt, ngậm đuôi con lợn rừng đi trước để được dắt đi, nghĩa là chúng biết nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau.
Thời Việt Vương Câu Tiễn, nếu trong nhà có con gái mới sanh sẽ được làng thưởng cho 2 bình rượu và một con heo, nếu đẻ con trai thì được thưởng một con chó. Vậy tính ra đẻ con gái được lợi hơn phải không?
Năm 1918, trận dịch cúm Tây Ban Nha (Spanish Flu) đã giết hại hơn 20 triệu người trên khắp thế giới mà virus gây ra dịch này có nguồn gốc từ bệnh cúm heo. Gần đây năm 1998, virus Nipah xuất phát từ heo đã làm trên 100 người thiệt mạng ở Mã Lai, ngoài ra còn có dịch “lở mồm long móng” rất nguy hiểm. Ấy chết, con người cũng có bệnh lở mồm, long móng đó, khi mồm miệng ác độc nói gian nói xấu hại nhau, khi dùng móng vuốt hãm hại người ngay, thay vì động viên khuyến khích nhau cùng làm người Việt nở mày nở mặt, thì biến nhau thành “lở này, lở mặt”!
Một bất công khác nữa là hình ảnh heo trong thơ nhạc rất hiếm hoi. Trong chuyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, người ta thống kê được 49 loài vật như Uyên, Phượng, Rồng, Hùm, Sói, Mèo, Gà, Trâu, Ngựa …. nhưng thi hào không hề nhắc tới Heo Lợn trong tác phẩm lớn này. Trong các bài hát ngoại trừ nhạc thiếu nhi như nhạc sĩ Ngọc Lễ trong bài “Con heo đất” thì ít thấy hình tượng con heo trong đó. Khi tôi “gú-gồ” ráng tìm có câu hát nào thì thấy được mấy bài có chữ Heo, nhưng là heo… may, tức là loại gió nhẹ không dính líu gì tới loài lợn cả!
Cuối cùng thì thấy được bài Đám Cưới Trên Đường Quê của Hoàng Thi Thơ có câu:
Chà! nhà ai có ông rể quý.
Chà! nhà ai có cô dâu hiền.
Ồ! ngộ thay có con lợn quay…
Bạn có biết thêm bài hát nào khác không? Các nhạc sĩ năm nay xin hãy sáng tác thêm nhạc có tên loài heo này, 12 năm nữa nếu còn sức tôi sẽ viết bài nhắc tới tác phẩm của quý nhạc sĩ.
Khi loài người đóng phim nhà nghèo không mặc quần áo để khiêu dâm, thì người ta lại gọi đó là phim “con heo”. Tội con heo chưa, nếu tính tới chuyện ấy thì heo thua xa các con thú khác mà. Sẵn đây cũng xin mở ngoặc là báo chí Tây phương đã báo động sự việc ghiền phim con heo đã trở thành một căn bệnh của thế kỷ 21.
Ngộ cái là loại thịt heo “Ba Chỉ” tức là 3 lớp thịt, lớp mỡ liền với nhau, tiếng Anh lại gọi là Bacon- cũng bắt đầu cùng bằng chữ “Ba”, không biết có liên hệ ý nghĩa gì đây! Sẵn đây cũng xin nhắc tới món thịt heo xông khói, món “ham”, “hotdog”, “saugage” rất nổi tiếng của Tây phương nhiều chất bổ, ít chất béo, ăn liền không phải tốn nhiều giờ chuẩn bị. Phía ta thì có món cháo lòng dồi rất khoái khẩu, ăn kèm với đĩa lòng heo luộc chấm mắm tôm thì tuyệt vời. Người ta đo được bộ ruột con heo có thể dài tới 21 mét, tha hồ làm thành dồi! Rồi tới giò chả tức là món chả lụa, chả quế, xong ăn thêm vào cái nem nướng cuốn bánh tráng thì “hết phản”. Ngày Tết thì phải có món thịt heo cổ truyền kho Tàu với trứng, Tàu ở đây không phải là ba Tàu Trung Cộng đâu nhé. Rồi phải kể tới món lỗ tai heo ngâm dấm mà dân nhậu rất thích:
Ngày tư, ngày Tết,
Mứt ngọt ăn ớn chết
Thủ cái tai heo
Nhậu kiệu, ngon ra phết!
Các món bún với thịt heo thì có bún mọc, bún thang, bún thịt nướng vừa thơm, vừa béo, vừa đậm đà. Ấy là còn chưa kể tới món thịt đông không thể thiếu trong những ngày đầu năm, món sườn sốt chua ngọt, thịt heo nấu với măng hầm, cơm tấm bì, mà bì là làm từ da heo… Các bà đẻ ăn kiêng mà có thịt heo kho khô thì rất đúng sách vở. Nếu nhà có đám cưới, tiệc tùng mà đặt nguyên con heo quay thì sang ơi là sang. Nếu tô phở miền Bắc nổi tiếng nhờ thịt bò, thì món hủ-tíu thịt heo của người miền Nam cũng vang danh không kém. Đến bánh ngọt mà cũng có loại bánh Tai Heo dòn rụm ngọt ngào, không được gọi là bánh Tai Lợn hay Tai Chú Ỷ bạn nhé, tên bánh Tai Heo đã được cầu chứng rồi, đổi khác không ai hiểu đâu. Ngược lại bánh có ba lớp có màu xanh lá cây, màu trắng với lớp nước dừa béo ngậy thì phải gọi là bánh Da Lợn, không phải bánh Da Heo đâu nhé!
Thời quý anh chiến sĩ, công chức Việt Nam Cộng Hòa bị bắt đi tù Cải tạo, nếu người nhà dành dụm được tiền để làm món “chà bông” (người miền Bắc gọi là ruốc) đi thăm nuôi thì quý vô cùng. Tới bây giờ ở Canada đã gần 40 năm, tôi vẫn mê món chà bông này. Một người bạn từng sống ở trong trại “Lao động Cải tạo” kể lại chuyện họ đói rách khổ nhục vô cùng. Mỗi năm ngày Tết hoặc “Lễ Độc Lập 2 tháng 9” tù cải tạo mới được vài miếng thịt heo nhỏ bằng ngón tay. Món canh rau dại hôm ấy mới có chút váng mỡ do cán bộ luộc thịt ăn với nhau, còn nước luộc bỏ rau vào nấu canh cho anh em tù. Anh bạn bảo nồi canh hôm đó đã được “heo lội ngang” qua. Nhờ heo “quá cảnh” mà dù sao cũng có chút nước béo, chất thịt. Lao động nói lái lại là Long Đạo, hèn chi Cộng Sản không tiếc lời ca tụng Lao động là vinh quang!
Ngày 1 tháng 1, 2019 luật An Ninh Mạng được chính thức áp dụng tại Việt Nam. Luật này đã thêm vào để gọng sắt kềm kẹp của Cộng Sản đối với người dân càng mạnh hơn. Chữ an ninh mạng đọc gần giống như chữ “animal” trong tiếng Anh – nghĩa là thú vật – nên dân cư mạng gọi là luật Súc Vật. Người luôn trà trộn vào các diễn đàn, sinh hoạt cộng đồng, gây xáo trộn mất đoàn kết trong hàng ngũ chống Cộng bị gọi là “Dư Lợn Viên” (bắt nguồn từ chữ “Dư Luận Viên”). Mới đây vụ cưỡng chiếm vườn rau Lộc Hưng đã làm biết bao người uất ức. Thật khổ với chế độ tàn ác này, năm mới này chúng ta nên có thái độ ra sao?
Người Nhật nổi tiếng có món thịt bò Kobe, tức là bò được nuôi bằng âm nhạc, đấm bóp và thức ăn đặc biệt nên mềm ngon và rất mắc tiền. Người ta gần đây cũng thí nghiệm cho heo nghe nhạc. Chưa biết kết quả rõ ràng ra sao, nhưng chủ trại chăn nuôi thấy chúng ăn uống đều, lớn nhanh và tốt nhất là đằm tính hẳn. Khi heo đằm tính thì các hiện tượng như cắn nhau, nhảy loạn xạ, nổi điên giảm xuống tránh được các hiện tượng gãy chân, dập xương. Kể cả người làm trong trại chăn nuôi cũng thấy dễ chịu hẳn khi đi trong trang trại có tiếng nhạc, quả là một công đôi ba chuyện.
Người lớn, nhất là trẻ em thường để dành tiền lẻ trong cái ống heo hay con heo đất, khi được khá nhiều tiền thì đập ra mà xài. Báo Việt Nam có loan tin những màn ”đập heo” trăm triệu tặng vợ khiến bà con rất ngưỡng mộ.
“Nuôi heo chọn giống, đẻ con chọn dòng” loài heo đực Yorshire, Ladrace, Duroc với bảo đảm 100% giống Mỹ rất được nhà chăn nuôi ưa chuộng.
Nếu heo nhà mắc chứng heo gạo, hay nhiễm vi khuẩn tiêu chảy, chứng cảm cúm thì người nuôi rất khổ tâm. Người quen với tôi kể chuyện nuôi heo ở quê nhà, có khi phải cho heo ăn lá cần sa để chữa bệnh. Cứ kiểu này ăn thịt heo coi chừng bị ghiền cần sa. Sẵn đây cũng xin nhấn mạnh tiếng Việt khi dùng phải cẩn trọng, đừng đánh dấu lộn, thí dụ viết:
Heo, Gạo là món ăn chính của người Việt, nếu bỏ mất dấu phẩy ở giữa thành: Heo gạo là món ăn chính của người Việt thì bỏ bu! Ăn heo mắc bệnh gạo thì không tốt chút nào, nói chi là món ăn chính!
Nghĩ lại đời một con heo cũng sung sướng, không phải cày sâu cuốc bẫm, được chăm sóc nằm ăn cho béo, dù bị “thịt” sau đó nhưng người đời phải mang ơn vì đã cống hiến thực phẩm quý cho con người. Đến chất thải của heo cũng được dùng làm phân bón trồng trọt rất tốt.
Có một giống cá đặc biệt tiếng Anh tên là Dolphin, không hiểu sao tên tiếng Việt là cá Heo. Có lẽ vì giống cá này có vú và tròn trùng trục giống như heo? Cá heo rất thông minh, diễn được nhiều trò hay. Nếu bạn chưa đi thăm Marine Land ở Niagra Falls Canada, SeaWorld ở San Diego California, hoặc Florida Hoa Kỳ xem cá voi múa, thì nên đi sớm đi nhé, hay lắm.
Để tạm kết bài tản mạn năm Hợi nói chuyện heo này, tôi xin ghi lại một câu chuyện rất ác xảy ra thời Lưu Bang Hán Cao Tổ. Lưu Bang hồi ấy rất sủng ái người phi tần tên là Thích Cơ. Vì ghen ghét nên sau khi Lưu Bang băng hà, Thích Cơ đã bị Lữ Thái hậu (vợ Lưu Bang) sai người chặt chân tay, móc mắt, đốt tai, bắt uống thuốc thành câm, cho ở nơi tối tăm dơ dáy rồi gọi đó là “Nhân Trư”, nghĩa là người lợn.
Lữ thái hậu cho gọi Huệ Đế vào để xem nhân trư, biết đó là Thích phu nhân, Huệ Đế phải khóc rống lên. Bị ám ảnh, Huệ Đế mắc bệnh và chết yểu khi mới 22 tuổi. Thế mới biết lòng ghen hờn đã làm người ta trở nên xấu xa tàn ác như thế nào. Trong cuộc sống, chúng ta có thể không quá ác như bà họ Lữ này, nhưng “ác với dân” như bọn cầm quyền hiện tại, ác với nhau cũng hay xảy ra. Làm sao để tránh làm việc ác và chống cái ác?
Năm Kỷ Hợi đang đến, ước gì chúng ta ai cũng ngày một hoàn thiện hơn, đất nước được ánh sáng Tự Do Dân Chủ chiếu soi, Việt Nam có thể bắt đầu lại để phát triển hơn. Tôi vẫn hay bi quan, nghĩ rằng mảnh đất hình chữ S này đã mắc phải lời nguyền, nên nguy cơ bị Tàu Cộng biến thành nô lệ kiểu mới rất có thể xảy ra trong tương lai gần – nếu người dân im lìm không tranh đấu. Bản đồ Việt Nam hình cong như chữ “S”, chữ “S” là bắt đầu của chữ “Sầu”, nhưng thôi năm mới mình hãy cố gắng lạc quan, đổi chữ “S” thành chữ “Sướng”. Muốn sung sướng, phát triển thì phải cố gắng để thực hiện, không phải một sớm một chiều, không phải ngồi chờ sung rụng.
Có làm thì mới có ăn
Không dưng đâu dễ mà rằng Trời cho!
Được làm người, hẳn phải hơn loài vật, loài heo, vậy hãy sống ích lợi nhất trong hoàn cảnh của mình. Vâng, để bản thân, gia đình, đất nước được ích lợi, tốt đẹp, hãy sử dụng cả khối óc và con tim để hành động, đừng chần chừ nữa…
Nguyễn Ngọc Duy Hân
danlambaovn.blogspot.com
Be the first to comment