Đầu Năm 2022, Hàng Ngàn Chuyến Bay Bị Hủy Bỏ Vì Covid – Bão Tuyết: 5 Người Chết, 400,000 Nhà Bị Cúp Điện

ĐẦU NĂM 2022, HÀNG NGÀN CHUYẾN BAY BỊ HỦY BỎ VÌ COVID

Chủ Nhật 2 tháng 1 là một ngày đầy xáo trộn đối với hàng triệu hành khách đi máy bay vào dịp đầu năm dương lịch 2022, vì các hãng hàng không đã hủy bỏ hơn 4,000 chuyến bay trên toàn thế giới, phần lớn do trở ngại về nhân sự liên quan đến đại dịch Covid-19 và một phần khác do ảnh hưởng thời tiết mùa Đông.

Theo thống kê trên trang mạng FlightAware.com, chỉ riêng ở nước Mỹ tính đến 8 giờ tối Chủ Nhật đã có tới 2,400 chuyến bay bị hủy bỏ ở hầu hết mọi phi trường. Hai hãng máy bay bị hành khách phàn nàn nhiều nhất là SouthWest và SkyWest. Hình ảnh tràn ngập mạng xã hội cho thấy rất nhiều người ôm hành lý nằm ngủ la liệt trong phi trường, vì không phải ai cũng có điều kiện để đi khách sạn mướn phòng ngủ qua đêm chờ chuyến bay ngày hôm sau.

Mặc dù Chủ Nhật 2 tháng 1 là “cao điểm” nhưng thật ra ngay từ hôm Thứ Sáu 31 tháng 12 các hãng hàng không đã phải hủy bỏ 1,625 chuyến bay ở nước Mỹ. Và hôm Thứ Bảy 1 tháng 1 cũng chẳng khá gì hơn, với 2,581 chuyến bay ở nước Mỹ bị hủy bỏ, vẫn theo số liệu trên trang mạng FlightAware.com. Nếu tính chung toàn thế giới thì tổng số có thể lên tới hơn 10,000 chuyến bay bị hủy bỏ.

Nguyên nhân chính đưa tới tình trạng này là vì virus biến thể Omicron lan tràn khiến con số các trường hợp lây nhiễm Covid đang tăng vọt, một số phi công và tiếp viên bị xét nghiệm dương tính và phải cách ly, một số khác không muốn cáng đáng thêm công việc vì lo sợ bị lây nhiễm, kết quả là rất nhiều hãng hàng không thiếu phi hành đoàn, còn các phi trường thì thiếu nhân viên kiểm soát an ninh và không lưu.

Bên cạnh mối rủi ro về Covid-19, bản tin thông tấn Reuters còn ghi nhận rằng đa số nhân viên phi hành của những hãng máy bay Hoa Kỳ không muốn làm thêm giờ trong mùa nghỉ lễ cuối năm, mặc dù họ được đề nghị trả “overtime” gấp đôi gấp ba. Ngoài ra, theo các nghiệp đoàn cho biết, thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ hành khách bất chấp luật lệ, cãi vã xung đột trên máy bay, khiến cho giới tiếp viên hàng không lo ngại và nhiều người không muốn nhận thêm việc ngoài nhiệm vụ của họ.

Tất cả những yếu tố nêu trên, cộng với đợt bão tuyết cuối năm 2021 và đầu năm 2022 từ miền tây qua miền đông Hoa Kỳ, đã góp phần đưa tới cuộc “khủng hoảng” của ngành du lịch hàng không, với 8,000 chuyến bay bị hủy bỏ chỉ trong ba ngày cuối tuần. Cơ Quan Quản Trị Hàng Không (Federal Aviation Administration – FAA) báo động là tình hình sẽ còn tệ hại hơn nữa nếu biến thể Omicron tiếp tục lan tràn. Một phát ngôn viên của FAA nói với báo The Wall Street Journal: “Để bảo đảm an toàn cho mọi người, có thể chúng tôi sẽ buộc lòng phải cắt giảm lịch trình các chuyến bay, mặc dù biết điều đó sẽ gây trở ngại cho rất nhiều người”.

Cũng nên ghi nhận, không phải chỉ riêng ngành du lịch hàng không mà đại dịch Covid-19 còn tác động luôn cả đến ngành du lịch đường biển. Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) vừa lên tiếng báo động về số lây nhiễm gia tăng trên các tàu du lịch (cruise ships) trong hai tuần gần đây, và khuyến cáo mọi người, bất kể đã chích ngừa đầy đủ hay chưa, nên tạm hoãn chương trình đi chơi biển cho đến khi tình hình sáng sủa hơn.

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH COVID ĐẦU NĂM 2022

Trước hết, do sự hoành hành của virus biến thể Omicron nên chương trình bắn pháo bông và ca vũ nhạc đón mừng Năm Mới 2022 tại nhiều thành phố đã phải hủy bỏ hoặc thu hẹp. Tiêu biểu nhất là lễ hội nổi tiếng “New Year’s Rockin Eve” ở Times Square, năm nào cũng thu hút từ 50,000 đến 60,000 khán giả, nhưng năm nay bị chính quyền New York hạn chế ở mức 15,000 người và đòi hỏi tất cả mọi người phải có giấy chứng nhận chích ngừa (tuy vậy vẫn còn là may mắn, so với hồi cuối năm ngoái vì lúc đó chương trình chích ngừa chỉ mới bắt đầu nên công chúng hoàn toàn không được vào Times Square đón mừng Năm Mới).

Đúng ngày đầu năm dương lịch, các bản tin thông tấn cho biết số trường hợp mới bị lây nhiễm Covid-19 trên toàn quốc Hoa Kỳ hôm Thứ Bảy 1 tháng 1 lên tới 346,869 người, có nghĩa là đã tăng gấp đôi trong vòng tám ngày.

Cùng thời gian tám ngày đó, số người vào bệnh viện để chữa trị Covid được ghi nhận khoảng 98,000 người, có nghĩa là tăng 32%, tỷ lệ cao nhất là ở hai tiểu bang Ohio, Maryland và thủ đô Washington D.C.

Trong hai năm vừa qua, kể từ khi đại dịch bắt đầu cho tới nay, nước Mỹ đã có trên 56 triệu người bị lây nhiễm Covid-19 (cụ thể là 56,189,547), và tổng số bệnh nhân tử vong là 828,562 người.

Qua tới hôm Thứ Hai 3 tháng 1 lại có thêm một con số vượt kỷ lục nữa: 1,082,549 trường hợp mới lây nhiễm, theo thống kê cập nhật của Đại Học Johns Hopkins.

Như vậy, tính trung bình mỗi ngày đều có thêm 480,273 người Mỹ bị xét nghiệm dương tính với coronavirus, đa số gần đây là do lây nhiễm virus biến thể Omicron. Tuy nhiên con số 98,000 người vào bệnh viện để chữa trị Covid trong vòng 8 ngày gần đây thì rõ ràng là thấp hơn nhiều so với thời điểm một năm trước, vì vào mùa Đông năm ngoái các bệnh viện đều nhận thêm mỗi ngày khoảng 137,000 bệnh nhân Covid.

Về số tử vong, trong tuần lễ vừa qua trung bình mỗi ngày nước Mỹ có 1,200 người chết vì Covid-19. Con số này cũng thấp hơn thời điểm cách đây một năm, vì hồi đầu năm 2021 trung bình mỗi ngày có 3,000 người chết.

Tỷ lệ nhập viện cũng như tỷ lệ tử vong đều thấp, chứng tỏ tác dụng của chương trình chích ngừa và công hiệu của các loại thuốc chữa trị Covid-19, mặc dù tỷ lệ lây nhiễm vẫn còn rất cao do sự lan tràn của Omicron. Theo dữ liệu do Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) công bố, biến thể Omicron là tác nhân của 58.6% trường hợp mới bị lây nhiễm, trong khi biến thể Delta chỉ chiếm 41%.

Sau đây là vài tin tức cập nhật về đại dịch vào thời điểm đầu năm 2022:

– Hôm Chủ Nhật 2 tháng 1, bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Nghiên Cứu Dị Ứng và Bệnh Truyền Nhiễm Toàn Quốc cho biết Trung Tâm CDC đang cân nhắc để cập nhật tài liệu hướng dẫn việc rút ngắn thời gian cô lập (isolation) đối với những người bị lây nhiễm Covid-19.

Tưởng cần nhắc lại, hồi tuần rồi CDC phổ biến thông cáo như sau: “Dựa trên các dữ kiện mới nhất về Covid-19 và về virus biến thể Omicron, CDC cắt giảm thời gian cô lập từ 10 ngày xuống còn 5 ngày đối với những người bị lây nhiễm Covid-19, nếu họ không có triệu chứng gì, và sau 5 ngày này họ vẫn phải mang khẩu trang mỗi khi tiếp xúc với người khác để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm”. CDC giải thích là vì “bằng chứng khoa học cho thấy đa số những người bị lây nhiễm coronavirus (SARS-CoV-2) thường truyền bệnh cho người khác trong thời gian một hoặc hai ngày trước và hai hoặc ba ngày sau khi bắt đầu có các triệu chứng”.

Tuy nhiên hướng dẫn ngày 27 tháng 12 của CDC bị một số chuyên gia y tế chỉ trích vì không nhấn mạnh đến nhu cầu tái xét nghiệm sau thời gian cô lập, và như vậy có thể sẽ tạo ra rủi ro lây nhiễm. Theo lời bác sĩ Fauci, “khi xem lại, chúng tôi thấy rằng nên có thêm thủ tục tái xét nghiệm, và CDC sẽ loan báo trong nay mai”.

Điều này đã được cụ thể hóa qua thông báo hôm Thứ Ba 4 tháng 1 trên trang mạng của Trung Tâm CDC, theo đó người nào bị xét nghiệm dương tính với Covid-19 mà không có triệu chứng gì thì cần cô lập ít nhất 5 ngày, sau đó tái xét nghiệm (antigen test), nếu kết quả dương tính thì cần tiếp tục cô lập cho đủ 10 ngày, nếu kết quả âm tính thì có thể làm việc trở lại nhưng vẫn phải mang khẩu trang để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm.

Cũng nhân dịp trả lời phỏng vấn trên chương trình “This Week” của đài ABC, bác sĩ Fauci cho rằng nếu đại đa số dân Mỹ chích ngừa đầy đủ và tuân thủ các biện pháp phòng chống thì “không bao lâu nữa cuộc sống sẽ trở lại gần như bình thường”, cho dù đại dịch chưa hoàn toàn chấm dứt. Ông nói: “Chúng ta hy vọng là sau khi lên tới cao điểm, có thể vào tháng 2 hoặc tháng 3, sự lan tràn của biến thể Omicron sẽ giảm xuống đến một mức độ đủ thấp để không làm gián đoạn các sinh hoạt kinh tế và xã hội của chúng ta”.

–  Một tin đáng chú ý khác: Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm Dược Phẩm (FDA) hôm Thứ Hai tuần này đã chuẩn thuận việc chích liều vaccine tăng cường cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi.

Những em nào đã chích hai liều vaccine của Pfizer / BioNTech thì có thể được chích liều “booster” sau 5 tháng (chứ không cần chờ tới 6 tháng), tuy nhiên những em nào đã chích hai liều vaccine của Moderna thì vẫn phải chờ đủ 6 tháng mới được chích liều “booster”.

Ngoài ra Cơ Quan FDA cũng chuẩn thuận liều vaccine tăng cường cho các trẻ em nhỏ tuổi hơn (5 đến 11) nếu thuộc thành phần mà hệ miễn nhiễm bị suy yếu (immuno compromised).

Khi loan báo quyết định trên đây, bác sĩ Peter Marks, giám đốc đặc trách nghiên cứu sinh học của FDA nói rằng “liều booster có thể giúp tăng cường khả năng phòng chống cả hai chủng loại virus biến thể Delta và Omicron”. Ông cho biết thêm là đối với trẻ em ở lứa tuổi từ 5 đến 11 thì FDA đang theo dõi tiến độ chích ngừa rồi sẽ cứu xét việc chuẩn thuận liều vaccine tăng cường. Hiện nay mới chỉ có khoảng 25% trẻ em thuộc lứa tuổi này đã được chích ngừa đầy đủ.

Tiếp theo Cơ Quan FDA, hội đồng cố vấn của Trung Tâm CDC đã nhóm họp và sẽ thông báo chi tiết về việc phân phối liều “booster” cho trẻ em trong thời gian sớm nhất.

Sau kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch, học sinh các trường tiểu học và trung học trên toàn quốc đang bắt đầu trở lại lớp học vào tuần này – ngoại trừ ở một số tiểu bang gặp trở ngại về thời tiết (bão tuyết), và một số học khu vẫn quyết định tạm thời cho các em học “online” để tránh rủi ro lây nhiễm.

Nhưng với các trường đại học thì nói chung đều tỏ ra ngần ngại chưa muốn cho các sinh viên trở lại lớp học trong mùa Đông, vì biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ chóng mặt. Danh sách các đại học thông báo mở đầu học kỳ mới dưới hình thức “online” càng lúc càng tăng thêm, bao gồm Stanford University, Harvard University, Kean University, Duke University, American University, Michigan State University, University of California, University of Illinois Urbana-Champaign, v.v…

BÃO TUYẾT ĐẦU NĂM: 5 NGƯỜI CHẾT, 400,000 NHÀ BỊ CÚP ĐIỆN

Vừa bước qua Năm Mới 2022 chưa được hai ngày là một trận bão tuyết dữ dội đã quét ngang thủ đô Washington D.C. và các tiểu bang Virginia, Maryland, Delaware, Pennsylvania, New Jersey, Tennessee… trút xuống những lớp tuyết dày từ 7 đến 15 inches khiến giao thông toàn vùng bị trở ngại và xa lộ I-95 bị tắc nghẽn hơn 24 tiếng đồng hồ.

Tin tức cập nhật cho biết bão tuyết đã gây ra ít nhất 1,000 tai nạn, làm gãy đổ cây cối khiến 5 người thiệt mạng, chưa kể gần nửa triệu đơn vị gia cư bị cúp điện. Theo công ty điện lực Dominion Electric, chiều Thứ Ba 4 tháng 1 vẫn còn 234,000 khách hàng ở Virginia và 22,000 khách hàng ở Maryland chưa có điện, qua tới trưa Thứ Tư mới chỉ giải quyết được khoảng phân nửa.

Tuyết bắt đầu đổ từ khuya Chủ Nhật tới chiều Thứ Hai. Sở Khí Tượng Quốc Gia ghi nhận lớp tuyết dày nhất ở thành phố Huntingtown, Maryland (15.5 inches), thành phố Fredericksburg, Virginia (14 inches), và thành phố Egg Harbor Township, New Jersey (13.5 inches).

Trở ngại lớn nhất do trận bão tuyết này là đoạn xa lộ I-95 hơn 50 miles từ Ruther Glen ở phía nam (gần Richmond) lên Dumfries ở phía bắc bị tắc nghẽn hơn 24 tiếng đồng hồ, bắt nguồn chỉ từ một tai nạn dây chuyền vào buổi trưa, sau đó vì trời lạnh dưới 32 độ F nên mặt đường lầy lội, tuyết đóng băng, khiến hàng trăm xe hơi và xe vận tải bị kẹt cứng trên xa lộ nguyên cả ngày và suốt đêm Thứ Hai.

Mãi đến chiều Thứ Ba, chính quyền tiểu bang Virginia mới loan báo tình trạng đã được giải tỏa, sau khi các nhân viên giao thông xúc bớt tuyết trên mặt đường, di chuyển một số xe chết máy và lần lượt hướng dẫn từng đoàn xe vào các exits gần nhất.

Tuy xa lộ I-95 vẫn thường bị kẹt xe, nhưng chưa bao giờ xảy ra tắc nghẽn hơn 24 giờ đồng hồ. Đa số người lái xe không chuẩn bị đối phó với hiện tượng như vậy, nên rất nhiều xe hết xăng nằm la liệt, ai nấy đều phải chịu đựng đói khát qua đêm, giữa thời tiết lạnh cóng. Mạng xã hội tràn ngập tin nhắn và hình ảnh, bao gồm hàng loạt tin nhắn chỉ trích chính quyền địa phương vì đã không can thiệp kịp thời.

Buổi tối Thứ Hai, Bộ Giao Thông của tiểu bang Virginia gửi tin nhắn Twitter đến những người bị kẹt xe, mong họ thông cảm vì “hiện trong vùng đang có quá nhiều tai nạn do bão tuyết, và chúng tôi không thể ước đoán đến giờ nào sẽ giải tỏa được xa lộ I-95”. Tin nhắn viết thêm: “Chúng tôi biết quý vị rất bực bội. Xin quý vị tin rằng các nhân viên của chúng tôi đang làm việc không ngừng, và sẽ làm suốt ngày đêm, cho đến khi nào mọi ngả đường đều an toàn cho xe cộ lưu thông”.

Trong số những nạn nhân bất đắc dĩ có phóng viên Josh Lederman của đài NBC tường thuật tại chỗ về vụ kẹt xe hy hữu này. Bà Meera Rao và ông chồng Raghavendra gửi tin nhắn kể lại rằng trên đường từ North Carolina về Virginia họ bị kẹt xa lộ I-95 và phải chờ 16 tiếng đồng hồ mặc dù chỉ còn khoảng 100 feet nữa là vào tới exit. Thượng Nghị Sĩ Tim Kaine cho biết ông rời Richmond từ 1 giờ chiều Thứ Hai mà mãi 4 giờ chiều Thứ Ba mới tới được Washington D.C. để vào làm việc tại Quốc Hội.

Phát ngôn viên Bộ Giao Thông của tiểu bang Virginia, bà Kelly Hannon gửi lời xin lỗi đến tất cả những người lái xe và gia đình họ, nói thêm rằng chính quyền “sẽ xem xét tường tận sự kiện đã xảy ra” để có biện pháp chấn chỉnh. Mặt khác, chính quyền cũng nhắc nhở dân chúng là nên tránh dùng xa lộ xuyên bang khi có bão tuyết, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho nhân viên giao thông xúc tuyết và làm sạch mặt đường.

Trận bão tuyết đầu năm 2022 chẳng những làm gián đoạn sinh hoạt tại Virginia mà còn ảnh hưởng đến nhiều tiểu bang khác, bao gồm Maryland, Delaware, New Jersey, North Carolina, Pennsylvania, Tennessee và Kentucky. Hầu hết các trường trung tiểu học đều ra thông cáo cho học sinh nghỉ học cả hai ngày Thứ Hai, Thứ Ba. Những công sở liên bang ở Washington D.C. cũng đóng cửa. Tổng Thống Joe Biden trên đường từ Delaware về thủ đô đã không thể đáp trực thăng xuống Tòa Bạch Ốc mà phải đi xe hơi từ căn cứ Không Quân Joint Base Andrews ở Maryland.

Bão tuyết cũng khiến cho các phi trường Reagan National, Dulles, BWI và Richmond đều phải loan báo hủy bỏ cả ngàn chuyến bay. Chỉ riêng phi trường Reagan đã có 680 chuyến bay bị hủy bỏ.

Về thiệt hại nhân mạng, tin tức cho biết trong số 5 nạn nhân tử vong có một bé gái 7 tuổi ở thành phố Townsend (Tennessee) và một bé trai 5 tuổi ở thành phố Decatur (Georgia) chết vì cây đổ làm sập mái nhà, ngoài ra có 3 người lớn ở quận hạt Montgomery (Maryland) chết vì tai nạn giao thông khi chiếc SUV của họ lao vào chiếc xe ủi tuyết đang hoạt động.

Bản tin đài WTOP hôm Thứ Tư trích dẫn nguồn tin từ Sở Khí Tượng Quốc Gia (National Weather Service) khuyến cáo dân chúng vùng thủ đô nên chuẩn bị vì sẽ còn một đợt tuyết kế tiếp vào khuya Thứ Năm rạng sáng Thứ Sáu 7 tháng 1. Theo chuyên viên khí tượng Matt Ritter thì đợt tuyết này tuy không lớn như trận bão tuyết vừa qua nhưng cũng sẽ mang lại từ 3 đến 4 inches tuyết ở hai tiểu bang Virginia, Maryland và thủ đô Washington D.C.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, USA Today, NBC News ngày 6/1/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*