Trong số 12 con giáp của lịch ta chỉ có con rồng là chưa ai được thấy dung nhan. Có chứ! Trong sử, trong sách thiếu gì rồng. Mặc dù không xuất đầu lộ diện giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng rồng vẫn luẩn quẩn quanh vua chúa. Chuyện lạ! Phải nhờ các sử gia giải thích giùm.
Rồng của vua chúa
Nhớ cái thuở được nghe thầy kể truyện cổ tích: “Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh ra trăm trứng). Một hôm vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thuỷ hoả xung khắc nhau, khó lòng đoàn tụ”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (hay Nam hải). Lạc Long Quân phong con trưởng là Hùng Vương nối ngôi vua” (1).
Đám “học trò thò lò mũi xanh” ngồi nghe như vịt nghe sấm. Mặt mũi rồng, tiên ra sao thầy chẳng nói gì cả.
Sau này đọc Sử ký của Tư Mã Thiên thấy chép lời Khổng Tử nói với học trò: “Con chim, ta biết nó biết bay; con cá, ta biết nó biết lội; con thú, ta biết nó biết chạy. Đối với loài chạy thì ta có thể dùng lưới để săn; đối với loài lội thì ta có thể dùng câu để bắt; đối với loài bay thì ta có thể dùng tên để bắn; đến như con rồng cưỡi mây cưỡi gió lên trời, ta không sao biết được! Hôm nay gặp Lão Tử, ông ta có lẽ là con rồng chăng?” (2).
Xem vậy thì con Rồng có từ thời xa lắc xa lơ. Sử của ta có khá nhiều Rồng.
Năm 549, vua (Triệu Việt Vương) ở trong chằm, thấy quân Lương không lui, mới đốt hương cầu đảo, khấn vái trời đất thần kỳ. Bấy giờ được phép lạ mũ đâu mâu ngù móng rồng dùng để đánh giặc; từ đấy quân thanh lừng lẫy, đến đâu cũng không ai địch nổi. (Tục truyền rằng thần nhân trong chằm là Chử Đồng Tử thường cỡi rồng tự trời xuống, trút móng của rồng cho vua, bảo gài lên mũ đâu mâu để đánh giặc).
Năm 557, Lý Phật Tử đem quân xuống miền Đông, đánh nhau với vua ở huyện Thái Bình, năm lần giáp trận, chưa phân thắng phụ mà quân của Phật Tử hơi lùi, ngờ là vua có thuật lạ, mới giảng hoà xin thề (…). Sau Phật Tử có con trai là Nhã Lang, xin lấy con gái của vua là Cảo Nương, vua bằng lòng gả. Vua yêu quý Cảo Nương lắm, cho Nhã Lang ở gửi rể.
Năm 570, Nhã Lang bảo vợ rằng: “Trước vua cha chúng ta cừu thù với nhau, nay là thông gia, chẳng cũng hay lắm ư ! Nhưng cha nàng có thuật gì mà có thể làm lui được quân của cha tôi?”. Cảo Nương không biết ý của chồng, lấy giấu mũ đâu mâu móng rồng cho chồng xem. Nhã Lang ngầm đổi cái móng rồng ấy. Rồi bảo riêng với Cảo Nương rằng: “Tôi nghĩ ơn sâu của cha mẹ nặng hơn trời đất, vợ chồng yêu quý nhau không nỡ xa nhau, nhưng tôi hãy tạm dứt tình về nhà thăm cha mẹ”. Nhã Lang về, cùng với cha bàn mưu đánh úp vua chiếm lấy nước.
Truyện tình Cảo Nương-Nhã Lang gần giống truyện Mỵ Châu-Trọng Thuỷ. Chỉ khác nhau ở chỗ Nhã Lang đổi móng rồng của mũ đâu mâu, Trọng Thuỷ đổi móng rùa của lẫy nỏ.
Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: “Đến như sử chép An Dương Vương bại vong là vì nỏ thần bị đổi lẫy, Triệu Việt Vương bại vong là vì mũ đâu mâu mất móng rồng, đều là lối giả thác ra để làm thành vật thiêng mà thôi. Bằng như giữ nước chống giặc, tự có đạo lý, đúng đạo thì được nhiều người giúp mà nước hưng thịnh, lỗi đạo thì ít người giúp mà nước bại vong, không phải là vì những thứ ấy”.
Móng rùa, móng rồng giúp vua đánh giặc là… hơi quá. Sử thần đời sau chép nhẹ nhàng hơn.
– Một bữa, ngài (Đinh Bộ Lĩnh) hội hết trẻ các làng ở ngoài đồng, nhân có con bò của chú cho đi chăn, mổ ngay ra làm cỗ để khao các chúng. Chú ở nhà nghe tin, vác gậy ra đồng xem làm sao, thì thấy chúng đã ăn tiệc xong rồi. Chú tức giận lắm, vác gậy đuổi đánh, ngài sợ hãi, chạy đã bí đường, phải nhảy choàng xuống sông, bỗng dưng có con rồng vàng ở dưới sông hiện ra đội ngài lên, người chú thấy vậy kinh hoàng, vội vàng bỏ gậy mà lạy phục xuống đất.
– Vua Lý Thái Tổ thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác… Mùa thu, tháng 7 năm 1010, vua dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của Kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long.
– Tháng 6 năm 1029, rồng hiện ở nền của điện Càn Nguyên. Vua (Lý Thái Tôn) bảo các quan hầu rằng: “Trẫm phá điện ấy, san phẳng nền rồi, mà rồng thần còn hiện, hay là chỗ ấy là đất tốt đức lớn dấy nghiệp ở chính giữa trời đất chăng?”. Bèn sai quan theo quy mô rộng hơn, nhắm lại phương hướng, làm lại mà đổi tên làm điện Thiên An. Bên tả làm điện Tuyên Đức, bên hữu làm điện Diên Phúc; thềm trước điện gọi là thềm rồng (Long trì); bên đông thềm rồng đặt điện Văn Minh, bên tây đặt điện Quảng Vũ; hai bên tả hữu thềm rồng đặt lầu chuông đối nhau để nhân dân ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên; bốn xung quanh thềm rồng đều có hành lang giải vũ để các quan hội họp và sáu quân túc vệ. Phía trước làm điện Phụng Thiên, trên điện dựng lầu Chính Dương làm nơi giữ giờ khắc; phía sau làm điện Trường Xuân, trên điện dựng gác Long Đồ làm nơi nghỉ ngơi chơi ngắm. Bên ngoài đắp một lần thành bao quanh gọi là Long Thành.
– Năm 1299, Thượng hoàng (Trần Nhân Tôn) nói: “Nhà ta vốn là người ở vùng hạ lưu (thuỷ tổ quê ở Hiển Khánh), đời đời ưa chuộng hùng dũng, thường thích hình rồng vào đùi; nếp nhà theo nghề võ, nên thích hình rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc”. Bấy giờ người thợ thích đã đợi sẵn ở ngoài cửa cung, vua (Trần Anh Tôn) rình khi Thượng hoàng ngảnh đi chỗ khác, về ngay cung Trùng Hoa. Một lúc lâu, Thượng hoàng hỏi quan gia đi đâu rồi. Các quan tả hữu trả lời là đã trở về cung Trùng Hoa rồi. Thượng hoàng nói: “Quan gia đã trốn rồi chăng? Thích cho Huệ Vũ vương Quốc Chẩn”. Quốc phụ có thích rồng ở đùi. Về sau vua nối ngôi không thích đùi nữa, là bắt đầu từ Anh Tôn. Lại khi mới dựng nước, quân lính đều thích rồng ở bụng, lưng và hai đùi, gọi là vẽ rồng. Vì khách buôn người Tống thấy dân Việt ta thích hình rồng ở mình, cho là thuồng luồng biển sợ hình rồng, lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám phạm đến, cho nên gọi là vẽ rồng.
Vua Trần Anh Tôn (1293-1314) không chịu theo tục cũ “thích hình rồng vào đùi”. Năm 1323, vua Trần Minh Tôn “kén chọn quân lấy người béo trắng làm hạng trên, cho nên quân sĩ không thích vẽ mình là bắt đầu từ đây”.
Vua thích rồng. Bầy tôi bèn dâng tặng mặt rồng, chân rồng cho vua.
Vua Lý Nhân Tôn “trán cao, mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn thì sợ, nước nhỏ thì mến, thần giúp đỡ, người ứng theo…”.
Vua Trần Thái Tôn “mũi cao, mặt rồng, giống như Hán Cao Tổ”
Vua Lê Thái Tổ “sinh ra thiên tư tuấn tú khác thường, thần sắc đẹp mạnh, mắt sáng, mồm rộng, mũi cao, vai có nốt ruồi, tiếng to như tiếng chuông, đi như rồng, bước như hổ, kẻ thức giả biết là người phi thường”.
Vua Lê Thần Tôn “sống mũi cao, mặt rồng, thông minh, học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, đáng khen là bậc vua giỏi”.
Chẳng bao lâu, rồng trở thành biểu tượng của nhà vua.
“Vua làm chủ tể trong một nước, khắp trong nước từ quan đến dân, ai ai cũng là tôi tớ nhà vua.
Vua thay mặt trời để cai trị muôn dân, cho nên uy quyền của vua rất trọng, vị trí của vua rất tôn. Mà phàm danh hiệu gì cũng có một danh hiệu đặc biệt cho khỏi lẫn với danh hiệu của người thường (…).
Vua quý cũng như thần long, cho nên phàm đồ dùng của vua, thức gì cũng vẽ rồng. Áo thêu rồng gọi là Long cổn, sập chạm rồng gọi là Long toạ, kiệu vua ngự gọi là Long giá, thuyền vua ngự gọi là Long thuyền, mà sân cùng bệ nhà vua cũng gọi là sân rồng, bệ rồng ” (3).
Rồng được nói đến nhiều nhưng các sử thần, các thầy địa lí, phong thuỷ chắc chắn chưa có ai được thấy tận mắt hình dáng con rồng. Bởi vì:
“Rồng là động vật huyền thoại mà thần thoại của Trung Hoa và An Nam miêu tả với một cái đầu của lạc đà, đôi sừng của hoẵng, đôi mắt của quỷ sứ (nghĩa là lồi ra khỏi tròng), hai tai của trâu, cái cổ của rắn, vẩy của cá chép, móng của diều hâu và chân của hổ. Ở mỗi bên mõm treo lủng lẳng một sợi râu dài. Dưới lưỡi có một viên ngọc. Đỉnh đầu trang điểm một cục lồi bằng xương, dấu hiệu của một trí tuệ cao. Đặc điểm cuối cùng là một cái mào mang 81 cái vẩy nhọn dọc cột sống (…) ” (4).
Tự điển Tàu có tả con rồng như sau này:
Rồng có sừng như sừng hươu, đầu thời giống đầu lạc đà (?) ; mắt thật là mắt quái vật, cổ rắn, bụng cá sấu, có vẩy như vẩy cá, có móng như móng diều hâu, tai như tai bò nhưng rồng lại nghe bằng sừng. Trong mấy câu tôi vừa kể đây có thể đánh được ba bốn cái dấu hỏi.
Nói chuyện “con rồng” nó viển vông có lẽ hơn chuyện phong thần, kiếm hiệp. Nên tôi chỉ xin nói mấy điều thường thức, như rồng thời tiêu biểu nhà vua thiết triều, nhà vua ngồi ngai chạm rồng và mặc áo đại triều thêu rồng v.v. Cung điện nhà vua thời trang hoàng bằng “lưỡng long chầu nguyệt”, “lưỡng long tranh châu” hay rồng có mây phủ chung quanh gọi là “long ẩn vân” hay rồng cuốn nước với cá gọi là “ngư long hí thuỷ”.
Rồng là tiêu biểu nhà vua, nên mọi thức ngự dụng đều có rồng (xin nhớ là rồng năm móng) (5).
Có lẽ rồng đã theo đạo Phật từng bước vào với người Việt, nó từ một thần riêng biệt gắn với Phật giáo đồng thời gắn với nguồn nước, tượng trưng cho mây mưa, chúa của mọi linh vật, hiện thân của sự được mùa…, dần dần nó bị chế độ quân chủ bá chiếm để trở thành con vật bản mệnh nhà vua. Vua đồng nhất với rồng khiến cho dưới thời Lý chỉ di tích nào gắn với vua mới có rồng. Tới các đời sau, sự đấu tranh dành lại con rồng của nhân dân khiến nó đã xuất hiện ở chùa làng. Từ thời Lê sơ (thế kỷ XV) rồng bị phân hoá để hiện thân cho vua là rồng năm móng, của thần linh thì ít hơn. Ở mặt tạo hình, dưới thời Lý (thế kỷ XI-XII) rồng nhỏ không có vẩy rồng lớn có vẩy kép, chúng không có cả sừng và tai, sống mào và răng như vòi và ngà của voi, dưới thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) chúng đã dần có tai và sừng, ở thời Lê sơ rồng theo kiểu Trung Hoa với mắt quỷ, miệng lang, sừng nai, tai thú, trán lạc đà, thân rắn, vẩy cá chép, chân cá sấu, móng chim ưng… thân rồng rất dài. Ở thế kỷ XVI rồng có nhiều dạng nổi lên với đao mảnh dài lượn sóng. Từ thế kỷ XVII, đao mác (gồm một hai khúc uốn nối với một mũi nhọn thẳng) gắn với rồng là phổ biến. Từ cuối thế kỷ XVIII về sau chủ yếu rồng có đao đuôi nheo ngắn, nhiều khi lông đuôi xoắn lại. (6).
Sách Lịch sử Việt Nam nhận xét:
Nghệ thuật điêu khắc trên đá và trên gốm đời Lý cũng thể hiện một phong cách đặc sắc và một trình độ kĩ thuật cao (…). Đặc biệt con rồng đời Lý là một hình tượng nghệ thuật độc đáo và phổ biến. (Hoa văn trang trí đời Lý vẽ con rồng có chân ba móng).
Sang nửa sau thế kỉ XV, nghệ thuật đời Lê biến đổi dần và chuyển sang một phong cách mới (…).
Sự biến đổi đó thể hiện rõ trên các đồ án trang trí mà tiêu biểu là con rồng. Con rồng đời Lê Thánh Tông đã chuyển hoá thành hình rồng khoẻ đầu to, có sừng và lông gáy tua tủa, có chân năm móng quặp vào. Hình rồng đó có những nét ảnh hưởng của hình rồng đời Minh và trở thành hình ảnh tượng trưng của uy quyền phong kiến (7).
P. Albrecht nói rằng ngày xưa rồng được phân biệt bằng số móng và số chòm lông bờm, lông đuôi. Rồng năm móng, năm chòm lông bờm là rồng dành cho nhà vua và được dùng trong những buổi tế lễ của triều đình. Rồng bốn móng dành cho hàng quyền quý, nhưng không được trang hoàng lộng lẫy. Còn rồng của thường dân thì móng, bờm và đuôi không được trình bày đầy đủ (8).
Rồng đời Lý
Rồng của dân gian
Rồng là con vật tưởng tượng, chưa ai được thấy tận mắt, nhưng lại được nhiều người mang ra bàn, tranh cãi. Rồng được phân biệt, đánh giá theo số móng. Đời Lý là rồng ba móng, sang đời Lê là rồng năm móng, đến đời Nguyễn (?) có thêm rồng bốn móng.
Từ ngày nước ta bị thực dân Pháp cai trị, rồng được phóng thích, bay ra khỏi hoàng thành, bò vào đời sống dân gian. Rồng không còn là của riêng của vua.
Có người thắc mắc rồng màu gì?
– Sử chép con rồng màu vàng.
– Có lần được ăn trái “thanh long” nên cứ nghĩ là bên cạnh rồng vàng còn có rồng xanh.
Sách Tục ngữ, phong dao của Nguyễn Văn Ngọc có thêm:
Rồng đen lấy nước thì nắng,
Rồng trắng lấy nước thì mưa.
Trẻ em chơi đùa, ca hát:
Dạ rồng kia?
– Dạ
Rồng đen hay rồng trắng?
– Rồng trắng
Rồng trắng lấy nước gạo mùa
Rồng đen lấy nước cho vua đi cày
Anh em ta kéo lúa về ồ! ồ! ồ! (9).
Thậm chí sách Thành ngữ, điển tích của Diên Hương có cả Chó cỏ rồng đất.
Thành ngữ được giải thích là “Xưa kia ta cúng tế thường bện chó bằng cỏ, nắn rồng bằng đất để dùng lễ cúng; chừng cúng xong thì đem liệng bỏ. (Nói rộng ra) người hoặc vật, mà người ta hết cần dùng, công thần đã đem mối nước lại cho nhà vua, mà bây giờ bị nhà vua sa thải” (10).
Tạm cho là rồng đất màu đỏ hay màu nâu.
Rồng của dân gian có đủ năm màu, giống hổ.
Rồng vàng bị hạ bệ, mất thiêng
Rồng mà thất thế thì cũng như giun (hay như rắn )
(Ngỗi Ngao).
Rồng trở thành con vật của trò chơi Rồng rắn của trẻ con.
Báo L´Illustration đăng bài Vua An Nam thơ ấu của chúng ta (Notre petit roi d´Annam) đề ngày 26 tháng 10 năm 1907, có tấm ảnh chụp vua Duy Tân mặc long cổn thêu rồng năm móng.
Vua Duy Tân
Trong lúc vua khoác con rồng năm móng trong cung điện thì ngoài đường trẻ con rủ nhau ca hát:
Bồng bồng cõng rồng đi chơi
Gặp khi tối trời
Rồng rơi cái bịch
Các quan lích kích
Cõng rồng lên ngai
Rồng vươn vai
Rồng tái mặt
Quan vuốt mắt
Rồng nằm im
Ba hồi trống chiêng
Hạ rồng xuống lỗ (11).
Rồng năm móng muốn đi đâu thì đi
Chùa Linh Quang (Lâm Đồng) được tạo lập năm 1931, được xem là ngôi Tổ đình đầu tiên của thành phố Đà Lạt. Mái chùa được trang hoàng bằng rồng năm móng.
Tranh Oger (1909) có hai tấm vẽ Múa rồng ngoài đường phố. Một tấm vẽ rồng năm móng, tấm kia (và tấm của hiệu Thanh An) vẽ rồng bốn móng.
Giậu đổ bìm leo! Đám dân đen mới ngày nào còn “câm như hến”, nay dám bạo miệng phê bình quan lại ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa.
Bây giờ ai cũng có quyền ăn những món có rồng. Nào là long nhãn (mắt rồng, quả nhãn), được dân gian gọi nôm na thành… nhãn lồng, long nha (răng rồng, một loại vải), long hà (tôm rồng, ta gọi là tôm hùm), long tu (râu rồng), Génibrel gọi là măng tây (asperge), Huard và Durand gọi là ruột cá (intestin de poisson), ngọa long (rồng nằm, một loại ngao sò)…
Cây cối cũng có rồng: long não (óc rồng, dùng làm dầu thơm), giáng long (cây xương rồng). Có hoa móng rồng v.v.
Xưa kia, có một nghề sống bám vào “rồng xanh, hổ trắng” (thanh long, bạch hổ) là nghề tìm đất để mả, nhắm hướng làm nhà của các thầy địa lí, phong thuỷ.
Phép địa lí trước hết phải phân biệt hình đất. Có 5 hình chính là thuỷ, hoả, mộc, kim, thổ. Thuỷ là hình miếng đất lè phè, hoả là hình miếng đất nhọn, mộc là hình miếng đất dài, kim là hình miếng đất tròn, thổ là hình miếng đất vuông (…).
Mỗi đất lại có kiểu riêng, kiểu nào trông địa thế giống như hình gì thì gọi là kiểu ấy. Có kiểu gọi là lục long tranh châu; có kiểu gọi là phượng hoàng ẩm thuỷ; tê ngưu vọng nguyệt; quần tiên ẩm thuỷ; nhất hổ trục quần dương v.v. Đất có hợp vào kiểu mới là đại địa (…).
Phép đi tìm đất, trước hết phải tìm tổ sơn, rồi dò theo long mạch mà tìm huyệt. Long mạch có chỗ cao như gò đống núi non thì gọi là âm long, chỗ đất bình dương thì gọi là dương long (…). Khi nào đến chỗ có hai dòng nước giao với nhau, chỗ ấy mới là gần đến huyệt trường.
Huyệt trường tất phải có tiền án, hậu trẩm, tả long, hữu hổ v.v. và v.v.
Nhà phong thuỷ đại để chia làm 3 môn: nhật gia học, hình gia học, pháp gia học. Địa lí giỏi thường kiêm cả 3 môn.
Làm đất cần phải có cái tróc long và địa bàn (…).
Nghe lời các ông (phong thuỷ, địa lí) bàn bạc thì rắn trong lỗ cũng phải bò ra, ai chưa học đến địa lí cũng phải chịu. Song chỉ hiềm tai nghe thì hay mà mắt không được trông thấy cái hay đó. Hoặc giả sách vở đời trước, cũng như lời các anh chăng?
Vả địa lí chính bởi Tàu mà ra, mà Tư mã Ôn công là danh tiếng nước Tàu lại xin cấm hết sách địa lí đi, cho là một sự càn dở, làm cho cổ hoặc nhân tâm. Ngươi Lữ Tài cũng bài bác phép địa lí là yêu vọng, xem vậy thì đủ biết người xưa cũng đã nhiều người không tin” (12).
– Hòn đất mà biết nói năng
Thì thầy địa lí hàm răng không còn.
Rồng lẳng lặng xen vào đời sống hàng ngày của giới bình dân.
– Rồng vàng tắm nước ao tù
Người khôn ở với người ngu bực mình
– Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá vượt Vũ môn hoá rồng
Ở đời dễ gì biết được ai ngu, ai khôn? Có người hôm trước thì hớn hở Gái có chồng như rồng có mây, hôm sau gặp chuyện bực mình, tru tréo rằng Gái có chồng như gông đeo cổ.
Thời phong kiến, dân đen than thở, ví von số phận phải chịu bất công:
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu
Nguyễn Văn Mại, năm 1914 giữ chức Bố chánh sứ Thanh Hoá, giải thích rằng:
“Từ khi Lạc Long Quân sinh ra một trăm người con trai thì hàng ngàn hàng vạn con cháu sinh ra biên thành bộ sổ, đời đời nắm giữ chủ quyền.
Còn giống Lạc dân kể trước (người Man, người Di và người Lam) đều là hàng tôi tớ, nô lệ.
Nay 25 triệu đồng bào nước Nam ta đều là dòng dõi con cháu của giống cha Rồng mẹ Tiên, cho nên lấy Rồng ví với giống da vàng, lấy liu điu loài rắn sống dưới nước ví giống người Man, người Lão, người Di, người Lam. Đó là nói giống nòi có khác nhau.
Xét về người bản thổ sống ở thượng du nước ta có rất nhiều giống khác nhau (…). Đại để họ là bốn giống: Man, Lão, Di, Lam, phong tục khác lạ, mỗi giống đều giữ lấy phong tục từ trước của mình, không qua lại với nhau. Họ được giáo hoá nhưng họ không hoá cải theo” (13).
Theo Nguyễn Văn Mại thì… dân ta là rồng, các dân tộc thiểu số khác là rắn, không hoá cải được.
Có lẽ vì “cha mẹ của dân” không hiểu dân, dân mới nhắc lại với quan lớn rằng câu “trứng rồng, liu điu” có ý nghĩa giống câu:
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa lại quét lá đa
“Con vua, con sãi” đều là “con Rồng cháu Tiên”. Câu nói dễ hiểu, không cần giải thích dài dòng.
Múa Rồng
Rồng bị lẫn lộn
Chữ Hán gọi con rồng là Long (bộ Long). Chữ Hán có từ đồng âm Long (bộ Phụ) nghĩa là tốt, thịnh, to lớn. Tên vua Gia Long được viết bằng chữ Long (bộ Phụ) này.
Chữ Nôm có chữ Long (Huỳnh Tịnh Của viết bằng chữ Long (bộ Long), Génibrel viết bằng chữ Long (bộ Phụ).
Huỳnh Tịnh Của giải thích Long trâu qua sông là lùa trâu lội qua sông.
Génibrel định nghĩa Long là qua sông.
Lùa trâu ngựa lội qua sông (Faire passer un fleuve à la nage par des buffles, des chevaux etc).
Ăn trộm trâu long qua bên cù lao (Les voleurs ont fait passer les buffles dans l´île).
Cả hai định nghĩa (Long là lùa trâu lội qua sông hay qua sông) đều chưa hoàn toàn đúng.
Ngày xưa đến mùa nước lớn, nông dân miền Nam phải Long trâu qua sông, nghĩa là phải lùa trâu qua sông hay lùa trâu qua bên cù lao, với mục đích là đưa trâu đến chỗ cao ráo hơn, tốt hơn. Qua sông chỉ là giai đoạn trung gian, phải trải qua để đạt mục đích.
Chữ Long (bộ Phụ) của Long trâu không có nghĩa là lùa trâu hay qua sông.
Long có nghĩa là tốt, thịnh, cao lớn. Long trâu là Đưa trâu đến chỗ cao hơn, tốt hơn.
Génibrel viết chữ Nôm “khéo” hơn Huỳnh Tịnh Của.
Vì kị huý chữ Long (Gia Long) nên người miền Nam nói trại thành len(g). Hoàn cảnh của nông dân phải “long trâu qua sông” được Sơn Nam trình bày hấp dẫn, cảm động qua truyện ngắn Mùa “len” trâu nổi tiếng. Truyện được đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh quay thành phim.
Hai chữ Long của chữ Hán thỉnh thoảng bị lẫn lộn.
Sách Việt Nam danh lam cổ tự của Võ Văn Tường viết tên chùa Long Sơn của thành phố Nha Trang bằng chữ Long (bộ Long). Long Sơn nghĩa là Núi Rồng. Sự tích Núi Rồng ra sao? Chưa được nghe ai kể.
Lại thắc mắc. Lại phải tra tìm.
Chùa Long Sơn được rất nhiều du khách thăm viếng. Chùa đẹp, có tượng Phật cao lớn. Tên Chùa Long Sơn được viết bằng chữ quốc ngữ trên cổng tam quan (mặt trước, phía ngoài đường). Rõ ràng, không có gì để thắc mắc. Chữ quốc ngữ không phân biệt hai chữ Long. Phải tò mò ngước nhìn phía sau cổng (phía sân chùa) mới thấy hàng chữ Hán Sắc tứ Long Sơn tự.
Chữ Long của tên chùa là chữ Long (bộ Phụ). Long Sơn là Núi cao to. Ban đầu chùa được xây trên núi Trại Thuỷ, sau được di dời xuống chân núi. Long Sơn ám chỉ núi Trại Thuỷ cao to ngày xưa.
Một lẫn lộn tương tự khác của sách Việt Nam danh lam cổ tự là chữ Long tại mặt tiền và trên chánh điện chùa Long Thiền (Đồng Nai). Chữ Long (bộ Phụ) bị nhầm thành chữ Long (bộ Long) (14).
Tên chùa Long Thiền có nghĩa là Thiền tông cao siêu chứ không phải là Con rồng tu Thiền.
Long là rồng thì nước ta có Thăng Long (rồng bay lên), Hạ Long (rồng đáp xuống) Bạch Long Vĩ (đuôi rồng trắng), Cửu Long (chín con rồng) v.v. Long là thịnh, lớn thì có Long An (Phồn thịnh, bình an), Long Thành (Thành cao), Vĩnh Long (Phồn thịnh mãi mãi), v.v.
Mái chùa Linh Quang
Con rồng cuối cùng của lịch sử nước ta là vua Bảo Đại. Ông lên ngôi năm 1926, thoái vị năm 1945, trở lại cộng tác với Pháp, bị Ngô Đình Diệm truất phế năm 1955. Ông sống tại Pháp từ năm 1954, viết hồi kí Con rồng An Nam (Le dragon d´Annam, Plon, 1980), mất tại Paris ngày 31/7/1997.
Ba hồi trống chiêng, hạ rồng xuống lỗ.
Rồng rắn lên mây, có cây núc nác, có nhà điểm binh….
Nguyễn Dư
(Lyon, 10/2021)
(1)– Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, 4 tập, KHXH, 1968. Các đoạn sử trích dẫn trong bài được chép từ bộ sách này.
(2)– Tư Mã Thiên, Sử ký, tập 1, bản dịch của Phan Ngọc, Văn Học, 1988, tr. 330.
(3)– Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Tổng hợp Đồng Tháp, 1990, tr. 206.
(4)– Edmond Nordemann, Quảng tập viêm văn, Nguyễn Bá Mão biên dịch và chú thích bổ sung, Hội Nhà Văn, 2006, tr. 329.
(5)– Nguyễn Xuân Nghị, Lược khảo về Mỹ thuật Việt Nam, Quốc học thư xã, 1942, tr. 30, 31.
(6)– Nhiều tác giả, Hỏi và đáp về Văn Hoá Việt Nam, Văn Hoá Dân Tộc, 2000, tr. 262.
(7)– Uỷ ban KHXH Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, tập 1, KHXH, 1971, tr. 165, 283.
(8)– Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1-1915, tr. 2.
(9)– Nguyễn Nghĩa Dân, Đồng dao Việt Nam, Văn Hoá Thông Tin, 2005, tr. 212.
(10)– Diên Hương, Thành ngữ điển tích, Phương Lai, 1954, tr. 80.
(11)– Nguyễn Nghĩa Dân, sđd, tr. 16.
(12)– Phan Kế Bính, sđd, tr. 301-305.
(13)– Nguyễn Văn Mại, Việt Nam phong sử, Lao Động, 2004, tr. 27, 28.
(14)– Võ Văn Tường, Việt Nam danh lam cổ tự, KHXH, 1993, tr. 162, 269, 270.
Be the first to comment