
MÙA LỄ CUỐI NĂM, BIẾN THỂ OMICRON ĐE DỌA CẢ THẾ GIỚI
Giữa thời tiết giá lạnh của những ngày cuối năm và trong lúc mọi người đang chuẩn bị đón chào Lễ Giáng Sinh và Năm Mới 2022, giới chuyên gia y tế báo động rằng virus biến thể Omicron đang lây lan khắp nơi với tốc độ mau chóng vượt bực so với các virus biến thể khác.
Kể từ khi bắt đầu xuất hiện ở Nam Phi ngày 24 tháng 11, chỉ trong vòng hơn ba tuần lễ – tính đến ngày 20 tháng 12 – biến thể Omicron đã lan tràn tới 43 tiểu bang Hoa Kỳ và 89 quốc gia trên thế giới.
Theo dữ liệu của Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC), tỷ lệ nhiễm Omicron hiện chiếm tới 73% tổng số các trường hợp lây nhiễm Covid-19 ở nước Mỹ. Trước đó, nghĩa là từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 11, biến thể Delta là nguyên nhân đưa tới 99.5% các trường hợp lây nhiễm Covid-19, nhưng nay Omicron đã thay thế Delta để trở thành mối lo ngại lớn nhất. Vào tuần đầu tiên của tháng 12, trung bình mỗi ngày có 85,139 trường hợp mới lây nhiễm Covid-19, nhưng con số đã tăng vọt sau hai tuần lễ và lên tới 127,692 trường hợp mỗi ngày.
Bác sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung Tâm CDC dự đoán tỷ lệ lây nhiễm Omicron còn tiếp tục tăng trong mùa đông, và mô hình nghiên cứu của CDC cho thấy nước Mỹ có thể sẽ có thêm 40,000 bệnh nhân tử vong vì Covid-19 trước ngày 8 tháng 1 năm 2022. Mô hình này căn cứ trên tốc độ lan tràn của biến thể Omicron, cộng với yếu tố thời tiết giá lạnh khiến mọi người ở trong nhà nhiều hơn, nhất là với những sinh hoạt tụ tập đông đúc nhân mùa lễ cuối năm.
Trường hợp tử vong đầu tiên vì Omicron ở Mỹ được ghi nhận hôm Thứ Hai 20 tháng 12, là một bệnh nhân trên 50 tuổi, chưa được chích ngừa, cư ngụ tại quận hạt Harris của tiểu bang Texas.
Hồi đầu tháng 12, nước Anh ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì Omicron, và đến tuần này Phó Thủ Tướng Dominic Raab cho biết đã có thêm 11 bệnh nhân chết vì lây nhiễm Omicron.
Tổng Thống Joe Biden hôm Thứ Ba 21 tháng 12 lên TV nói chuyện với dân chúng Mỹ và loan báo một số biện pháp cấp thời để đối phó với tình hình mới. Biện pháp thứ nhất là chính phủ liên bang đặt mua 500 triệu bộ thử nghiệm nhanh (rapid tests), và sẽ gửi miễn phí qua bưu điện đến cho người dân theo yêu cầu, để ai cũng có thể thử nghiệm Covid-19 ngay ở nhà. Biện pháp kế tiếp là thành lập thêm các địa điểm thử nghiệm, bắt đầu ở New York ngay từ tuần này, nhằm tăng cường cho 20,000 địa điểm đang hoạt động trên toàn quốc.
Tổng Thống Biden cũng loan báo sẽ điều động 1,000 nhân viên y tế của quân đội đến hỗ trợ các bệnh viện, đặc biệt là ở những tiểu bang đang thiếu nhân sự (như Michigan, Indiana, Wisconsin, Arizona, New Hampshire, Vermont) đúng vào lúc virus biến thể Omicron lan tràn.
Khi kêu gọi mọi người tham gia mạnh mẽ hơn vào chương trình chích ngừa, Tổng Thống Biden đề cập trực tiếp đến những cử tri bảo thủ của đảng Cộng Hòa – là thành phần có tỷ lệ chích ngừa thấp nhất – và nhắc nhở họ rằng ngay chính cựu Tổng Thống Donald Trump cũng vừa loan báo tại Dallas hôm 19 tháng 12 là ông đã chích liều vaccine tăng cường (booster) để phòng chống Covid-19.
Tính đến nay, hơn 240 triệu người dân Mỹ (tức 72.5% dân số toàn quốc) đã nhận được ít nhất một liều vaccine. Nhưng nếu kể riêng thành phần được chích ngừa đầy đủ thì chỉ mới có 203 triệu người dân Mỹ (tức khoảng 61.3% dân số toàn quốc) đã nhận đủ 2 liều vaccine của Pfizer / Moderna hoặc 1 liều vaccine của Johnson & Johnson. Điều này có nghĩa là hai thành phần cách biệt nhau tới 11%, một tỷ lệ cao hơn nhiều quốc gia tân tiến khác. Ở các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu tỷ lệ cách biệt này chỉ ở mức trung bình 2.6%, và ở Anh Quốc là 6.7%.
Hôm Chủ Nhật 19 tháng 12, hai Thượng Nghị Sĩ trong Quốc Hội Hoa Kỳ là bà Elizabeth Warren (72 tuổi, Massachusetts) và ông Cory Booker (52 tuổi, New Jersey) cùng lúc loan báo kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, nhưng cả hai cho biết chỉ gặp những triệu chứng nhẹ. Thượng Nghị Sĩ Warren gửi tin nhắn trên mạng xã hội Twitter, viết rằng bà “biết ơn các liều vaccine và booster đã giúp bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh nặng”, đồng thời thúc giục mọi người dân Mỹ nên đi chích ngừa. Thượng Nghị Sĩ Booker cũng gửi tin nhắn tương tự và nói thêm “tôi biết chắc là nếu không chích ngừa đầy đủ thì tôi sẽ gặp trường hợp nặng hơn nhiều”. Nhân đó hãng thông tấn Reuters nhắc lại, hồi tháng 8 vừa qua có bốn Thượng Nghị Sĩ bị xét nghiệm dương tính, là các ông Roger Wicker (Mississippi), John Hickenlooper (Colorado), Angus King (Maine) và Lindsey Graham (South Carolina). Cả 4 vị này đều chích ngừa đầy đủ, và đã phục hồi sau thời gian cách ly. Trước đó nữa, có sáu Thượng Nghị Sĩ bị xét nghiệm dương tính với Covid-19 và cũng đã phục hồi, gồm các ông Rick Scott (Florida), Mike Lee (Utah), Rand Paul (Kentucky), Thom Tillis (North Carolina), Chuck Grassley (Iowa) và Bill Cassidy (Louisiana).
Hôm Thứ Sáu 17 tháng 12, Lực Lượng Đặc Nhiệm Chống Covid-19 tại Tòa Bạch Ốc gồm ông Jeff Zients (phối trí viên) cùng bác sĩ Anthony Fauci (cố vấn) và bác sĩ Rochelle Walensky (giám đốc Trung Tâm CDC) đã mở cuộc họp báo để nói về tầm quan trọng của việc chích ngừa nhằm bảo vệ cơ thể trước sư lan tràn của virus biến thể Omicron.
Theo ba chuyên gia y tế hàng đầu này, các kết quả nghiên cứu sơ khởi cho thấy những ai đã được chích ngừa đầy đủ nếu có bị lây nhiễm Omicron thì cũng chỉ gặp triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, tuy nhiên, những ai chưa được chích ngừa không thể mong đợi sự may mắn như vậy. Ông Jeffrey Zients nhấn mạnh: “Những người chưa chích ngừa đang phải đối đầu với một mùa Đông đầy đe dọa, có thể đưa tới nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hoặc cái chết cho chính cá nhân họ cũng như người thân trong gia đình. Và khi họ phải tìm đến bệnh viện thì lúc đó các bệnh viện đã đầy nghẹt bệnh nhân”.
Bác sĩ Anthony Fauci cho biết hiện nay chưa cần tới liều vaccine đặc biệt để chống virus biến thể Omicron, do đó những ai đã chích hai liều vaccine của Pfizer / Moderna hoặc liều vaccine duy nhất của Johnson & Johnson có thể vẫn đủ khả năng phòng chống Omicron, không phải vào bệnh viện chữa trị. Do đó, Lực Lượng Đặc Nhiệm Chống Covid-19 tại Tòa Bạch Ốc kêu gọi ai chưa chích ngừa hãy đi chích ngừa càng sớm càng tốt, và ai đã chích ngừa hai liều, nên chích thêm liều tăng cường (booster).
Các chuyên gia y tế cũng đưa ra lời khuyến cáo đặc biệt đối với thành phần trên 60 tuổi, là dù cho nay mai các cuộc nghiên cứu đi tới kết luận là Omicron không nguy hiểm bằng Delta, thì biến thể này vẫn có thể gây tổn hại cho hệ miễn dịch trong cơ thể những người cao niên.
OMICRON ĐÃ LAN TRÀN Ở HẦU HẾT CÁC QUỐC GIA
Cách đây mới hơn ba tuần lễ, vào ngày 24 tháng 11, giới y tế tại Cộng Hòa Nam Phi phát giác trường hợp đầu tiên lây nhiễm virus biến thể mang mã số B.1.1.529, tức Omicron, và báo cáo ngay tức khắc cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization – WHO). Đến ngày 1 tháng 12, tức chỉ sau một tuần lễ, đã có trên 200 người bị lây nhiễm Omicron ở 25 quốc gia.
Mỹ, Canada, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu (EU) cùng một số quốc gia vùng Trung Đông và Châu Mỹ La Tinh đã lập tức loan báo biện pháp kiểm soát biên giới, hạn chế du lịch, và giới khoa học gia ráo riết thử nghiệm để tìm hiểu mức độ nguy hiểm của Omicron cũng như khả năng đề kháng của Omicron đối với các loại vaccine hiện có.
Nhưng trong khi đó Omicron vẫn tiếp tục lan tràn với tốc độ đáng sợ, nhanh hơn bất kỳ biến thể Covid-19 nào khác và bất chấp mọi biện pháp phòng chống của các chính phủ.
Hồi tuần trước, trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) hôm Thứ Ba 14 tháng 12, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám Đốc Tổ Chức WHO báo động “cho tới nay trên thế giới có 77 quốc gia báo cáo trường hợp lây nhiễm Omicron”, và nói thêm “trên thực tế, có lẽ Omicron đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia, cho dù chưa được phát giác”. Chỉ một tuần sau đó, con số 77 quốc gia đã tăng lên thành 89 quốc gia.
Tại cuộc họp báo hôm Thứ Hai 20 tháng 12, ông Tổng Giám Đốc WHO xác nhận “virus biến thể Omicron lan tràn với tốc độ mau lẹ hơn virus biến thể Delta”, và “ngay cả những ai đã chích ngừa hoặc đã phục hồi sau khi mắc bệnh Covid-19 cũng vẫn có thể bị lây nhiễm Omicron”.
Cùng xuất hiện với ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nữ bác sĩ Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học gia của Tổ Chức WHO phát biểu: “Thật không khôn ngoan chút nào nếu chúng ta nghĩ Omicron là biến thể nhẹ hơn Delta và sẽ không gây bệnh nặng; trái lại, khi nhìn những con số đang tăng vọt, tôi e rằng tất cả hệ thống y tế của các quốc gia đều sắp phải đối phó với tình trạng quá tải”.
Bác sĩ Swaminathan lưu ý, “Omicron né tránh được một số phản ứng miễn nhiễm”, và theo bà, “điều đó có nghĩa là chương trình chích ngừa tăng cường (booster programmes) mà nhiều quốc gia đang thực hiện sẽ phải chuyển hướng để chú trọng đến thành phần dân chúng mà hệ miễn nhiễm bị suy giảm”.
Bác sĩ Swaminathan cũng nhắc lại, vì Omicron chỉ vừa xuất hiện cách đây một tháng nên các cuộc thử nghiệm vẫn đang tiếp tục để tìm hiểu thêm về virus biến thể mới mẻ này, và “chúng ta đang gặp một thách thức là việc chữa trị bằng nhiều loại monoclonals không công hiệu đối với Omicron”. Tuy nhiên bà không đưa ra thêm chi tiết, vì Tổ Chức WHO còn đang chờ kết quả nghiên cứu của các hãng Regeneron, Moderna, Eli Lilly về tác dụng của phương pháp dùng các loại dược phẩm mô phỏng kháng thể tự nhiên để điều trị bệnh nhân bị lây nhiễm biến thể Omicron.
Ngay trước mắt, vấn đề cần quan tâm là “sinh hoạt tụ tập đông người nhân mùa lễ cuối năm sẽ tạo cơ hội để các trường hợp lây nhiễm tăng vọt, những bệnh viện sẽ bị tràn ngập, và con số bệnh nhân tử vong cũng sẽ nhiều hơn”. Do đó, Tổng Giám Đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đề nghị mọi người nên suy nghĩ để nếu có thể thì tạm hoãn chương trình hội họp vui chơi trong mùa lễ, vì theo ông, “hủy bỏ một sinh hoạt vẫn tốt hơn là hủy diệt cả cuộc đời”.
Tuy nhiên theo các bản tin thông tấn, không một chính phủ nào muốn ban hành lệnh “đóng cửa toàn diện” thêm lần nữa, vì sẽ gây ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt xã hội, giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang cố gắng hồi phục sau hai năm trời gần như tê liệt vì đại dịch Covid-19.
Tại Hoa Kỳ, bác sĩ Francis Collins, giám đốc Viện Y Tế Quốc Gia (National Institutes of Health – NIH), cũng như bác sĩ Anthony Fauci, cố vấn Lực Lượng Đặc Nhiệm Chống Covid-19 tại Tòa Bạch Ốc, đều đồng ý với dự đoán của bác sĩ Rochelle Walensky, giám đốc Trung Tâm CDC, là con số các trường hợp lây nhiễm biến thể Omicron sẽ tăng cao trong mấy tuần lễ sắp tới, nhưng cả ba vị đều không đề nghị người dân Mỹ hủy bỏ chương trình sinh hoạt mùa lễ mà chỉ nhắc nhở mọi người chích ngừa trước khi đi du lịch và nhớ mang khẩu trang ở tất cả những nơi công cộng như phi trường, nhà ga, shopping mall v.v…
Tại vương quốc Bỉ, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen dự đoán biến thể Omicron sẽ là tác nhân chính khiến Covid-19 lại lan tràn ở 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu (EU) vào thời điểm đầu năm 2022. Bà von der Leyen khẳng định “EU đã sẵn sàng để đối phó với Omicron”, chỉ có điều “cũng như nhiều người trong chúng ta, tôi cảm thấy buồn vì một lần nữa ngày lễ Giáng Sinh sẽ bị đám mây đại dịch bao phủ”.
Giới truyền thông ghi nhận một lời phát biểu lạc quan trong cuộc họp báo hôm Thứ Hai 20 tháng 12 tại Thụy Sĩ, đó là khi bác sĩ Mike Ryan, người đứng đầu nhóm chuyên viên khẩn cấp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, nói rằng 2022 có thể sẽ là năm đánh dấu sự kết thúc đại dịch Covid-19. Theo ông Ryan, với thành quả nghiên cứu và bào chế các loại thuốc chích ngừa đợt hai, đợt ba, cũng như việc phát triển những phương pháp điều trị mới mẻ, “chúng ta hy vọng sẽ hạ thấp tầm mức tác hại của Covid-19 xuống ngang với một chứng bệnh có thể phòng ngừa được và có thể chữa trị được”. Bác sĩ Ryan nói thêm: “Nếu chúng ta thành công trong nỗ lực giảm các trường hợp lây nhiễm xuống mức thấp nhất, thì chúng ta sẽ chấm dứt được trận đại dịch này”.
HAITI: 12 NGƯỜI BỊ BĂNG ĐẢNG BẮT CÓC ĐÃ TRỐN THOÁT
Sau hai tháng trời bị giam giữ ở một vùng núi của đảo quốc Haiti, 12 trong số 17 con tin thuộc một nhóm truyền giáo Tin Lành đã trốn thoát khỏi bọn bắt cóc vào buổi tối Thứ Tư 15 tháng 12. Họ dắt díu nhau đi suốt đêm trong rừng, nhìn sao để định hướng và lần lượt vượt qua từng cánh rừng. Đến sáng sớm hôm sau thì họ gặp một người dân địa phương giúp họ gọi điện thoại báo tin, và Lực Lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ đưa họ lên phi cơ bay qua tiểu bang Florida.
Trong cuộc họp báo hôm Thứ Hai 20 tháng 12, ông Weston Showalter, phát ngôn viên của tổ chức Christian Aid Mininistries thuật lại cuộc đào thoát đầy mạo hiểm này, cho biết tình trạng sức khỏe của 12 người kể cả 4 em bé đã ổn định, và họ đã đoàn tụ với 5 con tin được phóng thích trước đó.
Tổ chức Christian Aid Mininistries được thành lập từ năm 1981, trụ sở chính đặt tại thành phố Berlin, tiểu bang Ohio. 17 thiện nguyện viên của nhóm truyền giáo (gồm 7 phụ nữ, 5 nam giới và 5 trẻ em, trong đó có một bé mới ra đời 8 tháng – xem hình chụp) đều là công dân Mỹ, đã cùng với một công dân Canada tình nguyện qua Haiti làm công tác truyền giáo và cứu trợ nạn nhân thiên tai. Trận động đất kinh hoàng ngày 14 tháng 8, với cường độ 7.2 Richter, đã giết chết 2,200 người, chưa kể hàng ngàn người khác bị thương và ít nhất 5,000 căn nhà bị đổ sập.
Trong lúc đáp chuyến xe bus đến thăm một trại nuôi trẻ mồ côi, cả nhóm 17 người đã bị băng đảng võ trang mang tên “400 Mawozo” bắt cóc từ ngày Thứ Bảy 16 tháng 10. Theo lời thanh tra cảnh sát Frantz Champagne của Haiti thì vụ bắt cóc xảy ra tại khu cộng đồng Ganthier thuộc vùng Croix-des-Bouquets ở phía đông bắc thủ đô Port-au-Prince, được coi như “lãnh địa” của băng đảng này.
Bọn bắt cóc giam giữ các nạn nhân và liên lạc với tổ chức truyền giáo của họ ở Ohio, đòi số tiền chuộc $17 triệu dollars (tức $1 triệu dollars cho mỗi người). Ngày 21 tháng 11, bọn chúng trả tự do cho hai con tin, rồi hai tuần sau đó phóng thích thêm ba con tin nữa vào ngày 5 tháng 12.
Theo lời tổng giám đốc David Troyer thì những người ủng hộ tổ chức Christian Aid Mininistries đã gây quỹ để giúp trả tiền chuộc con tin, nhưng ông Troyer từ chối cho biết có trả khoản tiền chuộc nào hay không.
Tại cuộc họp báo của Christian Aid Mininistries, phát ngôn viên Weston Showalter thuật lại rằng trong thời gian hai tháng bị giam giữ, mặc dù các nạn nhân không bị bọn bắt cóc hành hạ về thể chất nhưng họ phải chịu đựng nắng nóng, muỗi chích, đồng thời phải tắm rửa bằng nước ô nhiễm khiến họ bị lở loét da và một vài đứa trẻ mắc bệnh.
Bọn bắt cóc cho phép các nạn nhân ra ngoài lúc ban ngày, đến đêm thì nhốt họ trong một căn phòng dài 12 feet rộng 10 feet, không đủ chỗ để họ nằm ngủ. Họ được cho ăn spaghetti, trứng luộc, bắp, cơm và đậu, đôi lần có nước dừa và thịt luộc, nhưng nói chung không bao giờ đủ no.
Vẫn theo lời phát ngôn viên Showalter, nhóm 12 người bi bắt cóc đã nương dựa vào nhau, giữ vững nghị lực và niềm tin tôn giáo bằng những bài thánh ca và các buổi cầu nguyện hàng ngày: “Niềm tin của họ, cùng với lời cầu nguyện của những người thân và mọi người trên khắp thế giới, đã giúp họ vượt qua nghịch cảnh”.
Họ đã nhiều lần bàn bạc về kế hoạch trốn khỏi bọn bắt cóc, và mặc dù biết rằng điều đó vô cùng nguy hiểm, nhưng họ bảo nhau kiên nhẫn chờ đợi Thượng Đế ban cho một tín hiệu để thực hiện kế hoạch. Sau cùng một người trong nhóm nói là đã nhận được tín hiệu, và tất cả đồng ý cùng nhau đào thoát vào đêm 15 tháng 12.
Cuộc trốn tù thành công như một phép lạ. Sau khi mở được cửa phòng giam, nhóm người – gồm một cặp vợ chồng, bốn thanh niên, hai phụ nữ – thoát ra khỏi căn nhà mà không bị bọn canh gác phát hiện. Bốn đứa trẻ (trong đó có một bé gái 10 tháng và một bé trai 3 tuổi) được cha mẹ quấn chặt trong những tấm chăn để tránh gai góc. Họ lặng lẽ tiến về vùng rừng núi, dắt díu nhau đi suốt đêm dưới ánh trăng, nhìn sao để định hướng và lần lượt vượt qua từng cánh rừng. Tờ mờ sáng hôm sau, họ gặp một người dân địa phương và người này giúp họ gọi điện thoại liên lạc với Lực Lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ.
SẼ TIẾP TỤC CÔNG TÁC CỨU TRỢ Ở HAITI
Gần một năm nay đảo quốc Haiti đã rơi vào tình trạng mất an ninh và bất ổn nghiêm trọng. Nhiều băng đảng lộng hành, thường xuyên bắt cóc người để đòi tiền chuộc. Từ tháng 1 tới tháng 10 năm 2021 đã xảy ra ít nhất 328 vụ bắt cóc (so với 234 vụ trong cả năm 2020). Nạn nhân thuộc đủ thành phần, từ các học sinh, y sĩ cho đến các tu sĩ, và luôn cả nhân viên cảnh sát cũng bị bắt cóc. Tiền chuộc từ vài trăm dollars cho tới cả triệu dollars tùy trường hợp, và một số nạn nhân đã từng bị giết chết.
Cơ quan công lực Haiti hồi năm ngoái ra thông cáo truy nã Wilson Joseph, kẻ cầm đầu băng đảng “400 Mawozo”, về các tội sát nhân, bắt cóc, đốt phá, cướp tài sản v.v… Y được đặt cho biệt hiệu “Lanmò Sanjou”, có nghĩa là “tử thần xuất hiện bất cứ lúc nào”. Mới hồi tháng Tư, Joseph gọi điện thoại đến một đài phát thanh, tuyên bố vừa bắt cóc 7 nam nữ tu sĩ và 3 thân nhân ở vùng Croix-des-Bouquets và đòi tiền chuộc $1 triệu dollars. Sau đó các nạn nhân (trong đó có vài công dân Pháp) được phóng thích, không rõ có trả tiền chuộc hay không và trả bao nhiêu.
Mặc dù tình hình như vậy, tổng giám đốc David Troyer nói rằng các thiện nguyện viên của tổ chức Tin Lành Christian Aid Ministries vẫn thực hiện những chuyến đi Haiti cho công tác truyền giáo và cứu trợ nạn nhân thiên tai, bởi vì “nếu chỉ chọn những nơi an toàn để đến thì chẳng thà chúng tôi ở nhà còn hơn”.
Sau vụ bắt cóc này, ông Troyer cho biết chương trình công tác Haiti sẽ chỉ tạm ngưng một thời gian rồi lại tiếp tục, lý do đơn giản là “chúng tôi không thể bỏ rơi những người dân khốn khổ đang cần được giúp đỡ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần”. Ông Troyer thay mặt tổ chức bày tỏ lòng tri ân đến tất cả mọi người đã cầu nguyện cho nhóm truyền giáo thoát cảnh giam cầm, đồng thời cảm ơn sự giúp đỡ tích cực của chính phủ Hoa Kỳ và giới truyền thông đã phổ biến tin tức trong mấy tháng vừa qua.
Phát ngôn viên Weston Showalter nói với báo chí rằng các thành viên của nhóm truyền giáo quyết định không yêu cầu truy nã bọn bắt cóc, bởi vì: “Chính những kẻ bắt cóc mới đích thực là những con tin. Chúng tôi tha thứ cho họ. Chúng tôi sẽ cầu nguyện để họ sớm hối cải và trở về trong vòng tay yêu thương của Chúa Kitô”.
Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, RFI, NPR, The Independent ngày 23/12/2021
Be the first to comment