Một buổi tiệc “cám ơn” – Thanksgiving. Hình minh họa.
Trong ngày Lễ Tạ Ơn, chúng ta nói “cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn …” với những ai, cảm ơn bao nhiêu lần? Cuối ngày hôm qua, nghĩ lại, tôi mới thấy mình nói “cảm ơn, cảm ơn” nhiều nhất khi viết email hay “bấm text” trên điện thoại. Bà con, bạn bè chúc “Lễ Tạ Ơn Vui Vẻ” mình phải đáp lại “Cảm Ơn” ngay, không nhớ bao nhiêu lần nữa.
Nhưng có hai lần tôi nhớ mình đã chân thành nói “Cảm Ơn.” Buổi trưa, tôi đem cái bánh ngọt do nhà tôi nướng qua tặng một anh hàng xóm. Tôi không biết số điện thoại của anh, qua gõ cửa nhà. Tôi cũng nói “Happy Thanksgiving” khi đưa chiếc bánh còn nóng hổi. Nhưng tôi nói thật lòng.
Năm trước, bữa chính quyền California ra lệnh “lockdown” đề phòng Covid, buổi tối có người gõ cửa. Nhà tôi mở, rồi đóng sập lại ngay. Giải thích: Người lạ hoắc! Không đeo mạng che miệng! Tiếng đập cửa tiếp tục. Tôi mở, té ra là anh hàng xóm rất quen. Anh trẻ hơn con út tôi, làm nghề gì về tin học, thường làm việc ở nhà, cũng giống tôi, lâu ra đường đi bộ. Nhiều lần ngừng chân, trò chuyện.
Buổi tối nghe lệnh “lockdown,” anh gõ cửa nhà tôi chỉ để hỏi: “Nếu ông bà không muốn đi tới chỗ đông người, tôi có thể đi chợ giúp! Cứ viết ra, ông bà cần mua những gì?”
Chúng tôi không cần anh giúp, nhưng biết ơn anh, một người hàng xóm tốt. Đó là một người tôi đã thành thật nói “Cảm Ơn” trong ngày lễ “Thanksgiving.”
Năm nay tôi nhận được nhiều lời chúc “Happy Thanksgiving” hơn mọi năm. Người Việt Nam, sau hơn 40 ở nước Mỹ, bắt đầu tập thói quen này – mặc dù nhiều người còn cương quyết không ăn món “turkey,” gà Tây. Có lẽ cũng vì chịu bệnh Covid nên mình rảnh chúc tụng nhau nhiều hơn.
Tôi đã ở Canada hơn 20 năm, chưa bao giờ “ăn lễ Tạ Ơn” hết. Thật tình, tôi biết ngày lễ này là do một ông bạn ở Mỹ! Có lần, ông bạn từ California gọi điện thoại cho tôi. Nói dăm ba câu chuyện, tôi bảo, “Có chuyện gì cần nói không? Không thì ngưng, cho ông đỡ tốn tiền.” Hồi đó gọi điện thoại “viễn liên” tốn lắm, mà cả hai cúng tôi đều đang làm việc lao động, rất nghèo. Ông bạn giải thích: “Hôm nay ở Mỹ là ngày lễ Thanksgiving. Đến ngày này tôi lại muốn điện thoại cho ông để cảm ơn.” Tôi ngạc nhiên hỏi ơn cái gì? Ông mới nhắc lại hồi tháng Tư năm 1975 tôi đưa cả gia đình ông vào được Tân Sơn Nhất, lên máy bay chạy thoát.
Ông bạn tôi đã “Mỹ hóa” sớm. Người Việt Nam, giữa bạn bè, thường chúng ta không cảm ơn lẫn nhau như vậy. Ai cũng sẵn sàng giúp bạn bè, bất cứ lúc nào. Nói và nghe nói “cảm ơn” thấy ngượng ngùng làm sao ấy!
Nhưng bây giờ thì tôi cũng theo phong tục Mỹ. Hôm qua, có lúc nhìn thấy hình mẹ tôi trên tủ, tôi đã thắp nén nhang khấn mẹ. Tôi cảm ơn mẹ đã nuôi dạy chúng tôi, một mình, trong bao nhiêu năm, sau khi thầy tôi mất. Thường người Việt cảm ơn mẹ bất cứ ngày nào, giờ phút nào, không cần phải chọn một ngày “Thanksgiving!” Tôi đã “Mỹ hóa” rồi!
Việt Nam không có ngày lễ Thanksgiving nhưng từ nhỏ chúng ta vẫn được dạy phải biết ơn, ơn cha ơn mẹ, ơn trời đất, ơn xã hội, biết ơn tất cả mọi người. Sách luân lý giáo khoa dạy phải biết ơn những người cầy ruộng, cấy lúa vất vả cho nên chúng ta có gạo ăn. Bây giờ dạy trẻ em ở Mỹ điều đó chắc sẽ bị chế nhạo là chưa “giác ngộ kinh tế học.” Ông Adam Smith đã chỉ ra rằng những người thợ nướng bánh mì vì họ muốn kiếm tiền, không phải vì để giúp mình có bánh ăn! Tất cả mọi người đều làm việc cho người khác hưởng, như có “bàn tay vô hình” điều khiển!
Tôi có học kinh tế, nhưng vẫn cảm thấy mình chịu ơn biết bao người khi mình được hưởng đủ thứ tiện nghi mà các thế hệ trước không có! Tuần báo Time trong tuần này liệt kê 100 Sáng Chế trong năm 2021! Từ thứ lớn đến thứ nhỏ, không ngờ nhiều đến thế!
Tất nhiên, ai cũng biết những sáng chế như vaccine chủng ngừa bệnh Covid-19. Thêm vaccine ngừa bệnh sốt rét, hiện nay giết 500,000 người mỗi năm, sẽ cứu sống hàng triệu người ở Phi châu. Công ty Quip sắp bán loại nước súc miệng mới, ngậm rồi không cảm thấy cay! Công ty SupPlant chế ra thứ “máy dò” (sensor) giúp các nhà vườn biết chỗ nào cây cần tưới nước, tưới bao nhiêu, đã bán trên 14 quốc gia. Một vườn xoài ở Mexico thấy đã tiết kiệm được 15% số nước dùng và hoa lợi tăng thêm 20%! Anh Olugbenga Olubanjo ở Nigeira chế ra cái “pin điện” dùng ánh sáng mặt trời sẽ giúp 85 triệu đồng hương ở nơi không có điện.
Anh Mick Ebeling ở Mỹ lập ra mạng Bento nối những người đang thiếu thức ăn với các nhà từ thiện và tiệm ăn, đã cung cấp 150,000 bữa ăn cho những người đói, một cách kín đáo. Hai giáo sư đại học đã làm ra một cái “app” giúp 50 thành phố tìm ra 15,000 đường ống dẫn nước làm bằng chì, có thể hại sức khỏe, sang năm 2022 sẽ giúp miễn phí cho các nơi khác, nhờ $30 triệu đô la do Google tặng. Một công ty đã làm cái “app” giúp những người họp mặt trên mạng có thể nói 90 ngôn ngữ khác nhau mà được thông dịch tức khắc, với giá $3,000 dùng trong 30 giờ!
Công ty Kuleana chế ra cá thu làm bằng thảo mộc, đã bắt đầu bán ở các siêu thị, và đang chế cá hồi nhân tạo, giúp những người ăn chay muốn thưởng thức sushi. Từ tháng Ba năm nay khách hàng đã mua gần 150,000 ký “mì ống” mới do Dan Pashman sáng chế: sau ba năm nghiên cứu. Thứ mì này ngắn, dễ gắp lên, một nửa ống để hở dễ thấm các “nước xốt.” Có người còn chế ra một kiểu võng mới, có thể nằm phẳng chứ không co dúm dó như trước.
Công ty Ford làm cho loại xe tải F-150 có thể biến thành máy phát điện, đề phòng bão lụt làm mất điện, đã có 150,000 người đặt mua. Công ty Nike chế ra kiểu giày không cần dây buộc, sỏ chân vào rất dễ dàng, người tàn tật cũng tự làm được, vì cái giày có thể bẻ cong để “mở ra” rồi gấp lại như bình thường.
Trong một năm qua người ta đã nghĩ và chế ra hàng trăm thứ giúp nhân loại sống thoải mái hơn!
Những người được hưởng các tiện nghi mới không thể nói cảm ơn tất cả các bộ óc đã nẩy ra các sáng kiến đó. Nói chung thì họ, cũng như các nông dân chân lấm tay bùn ngày xưa, đã dầy công suy nghĩ, tìm tòi cũng chỉ vì lợi ích cho chính mình, như Adam Smith đã nói!
Nhưng chúng ta vẫn có thể tỏ lòng biết ơn. Tất cả đều chịu ơn cái hệ thống xã hội đã khích lệ mọi người luôn “nặn óc” ra các sáng chế mới! Đó là cuộc sống tự do dân chủ dựa trên pháp luật; đặc biệt là quyền tự do kinh tế.
Ngô Nhân Dụng
Theo VOA tiếng Việt ngày 27/11/2021
Be the first to comment