Tất cả các hãng thông tấn quốc tế hôm Thứ Ba 26 tháng 10 đều loan tin Công Chúa Mako của nước Nhật chính thức kết hôn với người yêu là Kei Komuro và kể từ nay sẽ chỉ mang tên họ Mako Komuro, có nghĩa là cô không còn được giữ tước vị Công Chúa sau khi lập gia đình với một thường dân, chiếu theo đạo luật năm 1947.
Buổi sáng cùng ngày, Cơ Quan Đại Diện Hoàng Gia Nhật nói rằng hồ sơ kết hôn đã được nộp tại văn phòng hành chánh địa phương. Trong khi đó, Mako từ biệt cha mẹ cùng cô em gái Kako và rời khỏi cung điện Hoàng Gia.
Tin tức cho biết Mako và Kei Komuro không tổ chức lễ cưới, không mở dạ tiệc theo thông lệ, họ chỉ tiếp xúc với giới truyền thông tại một buổi họp báo. Được hỏi cảm tưởng về cuộc hôn nhân từng bị đình hoãn gần ba năm trời, Mako phát biểu: “Đối với riêng tôi, Kei-san là người không thể thay thế được. Đối với cả hai, đây là sự lựa chọn cần thiết để chúng tôi có thể sống theo tiếng gọi của trái tim”. Tiếp đó, Komuro nói với các phóng viên: “Tôi yêu Mako. Tôi chỉ có một cuộc đời để sống và tôi muốn sống với người tôi yêu thương, Tôi hy vọng sẽ xây dựng mái gia đình ấm cúng với Mako-san, chúng tôi cùng nhau chia xẻ ngọt bùi, và tôi sẽ tiếp tục làm tất cả mọi điều để phụ giúp cho nàng”.
Trước khi kết hôn, Mako mang tước vị Công Chúa vì là con của Hoàng Thái Tử Akishino và Công Nương Kiko, và là cháu ruột gọi Nhật Hoàng Naruhito bằng bác. Luật Hoàng Gia quy định chỉ có phái nam được kế tục ngôi vua, do đó Hoàng Thái Tử Akishino và con trai ông (Hoàng Tử Hisahito, em trai của Mako) là hai nhân vật sẽ lần lượt lên ngôi sau khi Nhật Hoàng Naruhito thoái vị hoặc băng hà.
Hoàng Gia Nhật cho biết, khi Mako quyết định kết hôn với một thường dân và từ bỏ tước vị Công Chúa, cô có quyền nhận số tiền 140 triệu yen (tương đương $1.23 triệu dollars) do Hoàng Gia chu cấp để xây dựng gia đình. Nhưng cô đã từ chối số tiền này vì thấy trong dư luận dân chúng có nhiều người phản đối cuộc hôn nhân của cô.
Theo nhật báo The Japan Times tường thuật, Mako gặp Kei Komuro hồi năm 2012 khi cô đang là sinh viên trường Đại học International Christian University ở Tokyo. Với số tuổi bằng nhau (sinh năm 1991), hai người cùng đến tham dự buổi hội thảo dành cho các sinh viên muốn đi ngoại quốc du học. Sau một thời gian quen biết, họ yêu nhau và muốn tiến đến hôn nhân. Cơ Quan Đại Diện Hoàng Gia Nhật (Imperial Household Agency – IHA) loan báo lễ đính hôn sẽ được tổ chức vào tháng 9 năm 2017 và lễ thành hôn vào tháng 11 năm 2018.
Thế nhưng chỉ hai tháng sau lễ đính hôn, dư luận bắt đầu sôi nổi vì tờ báo Mainichi Shimbun “khui” vụ rắc rối tiền bạc giữa bà mẹ của Kei Komuro và người chồng sắp cưới lúc trước của bà. Ông này rêu rao rằng bà vợ sắp cưới nợ ông ta hơn 4 triệu yen (tương đương $36,000 dollars) chưa thanh toán.
Trước những bài báo bất lợi cho cả gia đình Komuro lẫn Hoàng Gia Nhật, Hoàng Thái Tử Akishino lên tiếng cho biết ông không phản đối cuộc hôn nhân của cô con gái, nhưng ông yêu cầu Kei Komuro phải sớm giải quyết vấn đề. Tuy nhiên vì nội vụ tiếp tục dây dưa, nên đến tháng 2 năm 2018 Hoàng Gia thông báo đình hoãn lễ thành hôn.
Kei Komuro đi Mỹ du học vào đầu năm 2018, ghi danh vào Đại học Fordham University School of Law tại New York. Anh tốt nghiệp Tiến sĩ Luật năm 2021, đã được nhận tập sự với tổ hợp luật sư Lowenstein Sandler, và vừa trở về Nhật vào tháng 9. Vài tháng trước đó, luật sư đại diện Komuro phổ biến thông cáo nói rằng “vụ rắc rối gây ra nhiều tin đồn thất thiệt sẽ được giải quyết ổn thỏa”, đồng thời Komuro loan báo sẽ kết hôn với Mako ngày 26 tháng 10.
Nguồn tin từ Hoàng Gia cho biết luồng dư luận phản đối cuộc hôn nhân, cũng như vụ rắc rối tiền bạc bị báo chí khai thác rùm beng, là những yếu tố tác động mạnh đến tinh thần Mako, và các bác sĩ tại Tokyo Medical Center chẩn đoán đây là một trường hợp chấn thương tâm lý phức tạp (complex post-traumatic stress disorder) khiến cho cô đến bây giờ mới tạm phục hồi. Khi viết câu trả lời gửi đến giới truyền thông (thay vì trả lời trực tiếp tại cuộc họp báo) Mako đã phàn nàn về việc “mọi người dựa theo tin tức không trung thực để lan truyền những câu chuyện bịa đặt, làm cho chúng tôi vừa kinh hãi vừa phiền muộn”.
Cặp vợ chồng mới cưới cho biết họ dự định rời Nhật Bản đi Mỹ và sẽ cư trú ở New York để xây dựng cuộc sống mới. Theo lời Mako: “Chắc chắn cuộc sống mới sẽ có nhiều khó khăn, nhưng cũng giống như giai đoạn vừa qua, chúng tôi sẽ nương dựa vào nhau để bước tới”, và nhân đó, cô gửi lời cảm ơn tất cả những người đã ủng hộ cuộc hôn nhân của cô.
Mako cũng nói rằng cô vừa nộp đơn xin cấp sổ thông hành (passport) lần đầu tiên trong đời với tư cách một công dân – vì các thành viên Hoàng Gia Nhật có quyền du lịch ngoại quốc mà không cần passport. Với tước vị Công Chúa, Mako đã từng du học ở Anh từ năm 2014 đến 2016, và tốt nghiệp Cao học về ngành nghiên cứu Bảo Tàng Viện (Museology) tại trường Đại học University of Leicester.
Trong khi chờ đợi sổ thông hành, Mako sẽ tạm cư ngụ ở một căn nhà trong quận Shibuya của thủ đô Tokyo, cách cung điện Hoàng Gia gần 8 cây số, nơi mà cô vừa từ giã vào sáng Thứ Ba tuần này.
Thật ra Mako không phải là thành viên thứ nhất của Hoàng Gia Nhật đã hy sinh tước vị khi kết hôn với một thường dân, mà chỉ là trường hợp thứ ba. Hồi năm 1960 Công Chúa Suga (con gái của Nhật Hoàng Showa) rời bỏ cung điện để kết hôn với Hisanaga Shimazu, một nhân viên ngân hàng, sau đó vì mất tước vị nên được gọi bằng họ tên mới là Takako Shimazu. Đến năm 2005, Công Chúa Nori (em ruột của Nhật Hoàng Naruhito) cũng rời bỏ cung điện để kết hôn với Yoshiki Kuroda, một công chức, và sau đó được gọi bằng họ tên mới là Sayako Kuroda. Điều khác biệt là Công Chúa Suga cũng như Công Chúa Nori không từ chối khoản tiền chu cấp của Hoàng Gia để giúp xây dựng gia đình. Do sự khác biệt này nên các bản tin thông tấn ghi nhận Công Chúa Mako là người đầu tiên đã hy sinh cả tước vị lẫn tiền bạc để đi theo tiếng gọi của tình yêu.
Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, The Japan Times, www.ipsos/org ngày 28/10/2021
Be the first to comment