Mỹ Trục Xuất Hàng Ngàn Di Dân Từ Texas Về Haiti – Trẻ Em Từ 5 Đến 11 Tuổi Sắp Được Chích Ngừa Covid

MỸ TRỤC XUẤT HÀNG NGÀN DI DÂN TỪ TEXAS VỀ HAITI

Cơ Quan Biên Phòng thuộc Bộ An Ninh Nội Địa hôm Thứ Hai 20 tháng 9 cho biết 6,000 người trong số hơn 14,000 di dân từ Haiti vượt biên giới đến “cắm lều” ở thị trấn Del Rio của tiểu bang Texas đã bị di chuyển qua trại tam trú để thanh lọc, sau đó được đưa đến phi trường San Antonio và trục xuất về lại Haiti trên các chuyến bay kể từ ngày Chủ Nhật. Đây là cuộc trục xuất di dân lớn nhất của chính phủ Mỹ kể từ gần 30 năm qua.

Theo các bản tin thông tấn thì 320 di dân bất hợp pháp đầu tiên đã về tới phi trường Port-au-Prince trên ba chuyến bay hôm Chủ Nhật 19 tháng 9, tiếp đó sẽ có liên tục mỗi ngày từ sáu đến bảy chuyến bay để đưa người về hai phi trường Port-au-Prince và Cap-Haitien. Từ Haiti, giám đốc Sở Di Trú là ông Jean Negot Bonheur Delva đã lên tiếng xác nhận lịch trình này; và tân Thủ Tướng Ariel Henry cũng tuyên bố sẵn sàng đón nhận trở lại những công dân Haiti bị chính phủ Mỹ trục xuất.

Hơn mười ngàn người Haiti nói trên đã tới thành phố Ciudad Acuna của Mexico vào trung tuần tháng 9, sau đó vượt qua khúc sông cạn Rio Grande – con sông được coi là biên giới thiên nhiên giữa Mỹ và Mexico – để đặt chân lên thị trấn Del Rio ở phía tây nam tiểu bang Texas.

Hôm Thứ Hai, Bộ Trưởng An Ninh Nội Địa Alejandro Mayorkas đến thị sát tình hình ở Del Rio, nói với báo chí “thật đau lòng” khi thấy hàng ngàn người Haiti chen chúc cắm lều dưới gầm cầu xa lộ, nhưng đồng thời cũng nói thẳng là chính phủ Hoa Kỳ không thể làm gì khác hơn là phải trục xuất họ. Theo lời ông Mayorkas: “Chúng tôi e rằng những người Haiti này đã bị các tổ chức buôn lậu tuyên truyền bịa đặt là Mỹ mở cửa biên giới hoặc Mỹ sẽ cấp cho họ quy chế tạm cư. Nhưng tôi cần phải nói rõ, sự thật không phải như vậy. Nếu quý vị vượt biên giới vào Mỹ, quý vị sẽ bị trục xuất về nguyên quán. Thật không đáng để thực hiện cuộc hành trình gian nan, tốn kém, nguy hiểm, chẳng mang lại kết quả gì mà chỉ gây rủi ro cho tánh mạng của quý vị và gia đình”.

Tuy nhiên tin tức cho biết, bất chấp cuộc trục xuất hàng loạt với những chuyến bay dồn dập mỗi ngày, rất nhiều người dân Haiti vượt biên vẫn kiên trì chờ đợi và bám víu vào niềm hy vọng mong manh “sẽ được Mỹ cho tỵ nạn”, thay vì quay trở lại lãnh thổ Mexico ở bên kia sông Rio Grande. Điều này có thể được giải thích là vì họ biết rằng nếu quay trở lại, họ cũng sẽ bị trục xuất về Haiti. Chính phủ Mexico đã nói rõ chỉ nhận các công dân Mexico hoặc người di dân từ ba nước Trung Mỹ là Guatemala, Honduras và El Salvador sau khi những người này bị Hoa Kỳ từ chối quy chế tỵ nạn, không nhận người di dân từ Haiti hoặc bất cứ quốc gia nào khác.

Buổi chiều Chủ Nhật 19 tháng 9, sau khi chính phủ Mỹ đưa 320 di dân Haiti lên ba chuyến bay từ phi trường San Antonio để về phi trường Port-au-Prince, thì chính phủ Mexico cũng dùng hai chuyến xe buýt để chở 90 di dân Haiti rời khỏi thành phố Ciudad Acuna – theo lời ông Luis Angel Urraza, một chủ nhân nhà hàng và cũng là chủ tịch Phòng Thương Mại. Ông Urraza nói với thông tín viên hãng AP: “Chúng tôi không thể giúp họ thêm được nữa. Thành phố này đã quá đông đúc rồi”.

Một giới chức chính phủ Mexico cho biết người di dân Haiti được xe buýt chở đến một trong hai nơi là Monterrey ở miền bắc hoặc Tapachula ở miền nam, từ đó sẽ có các chuyến bay đưa họ về Port-au-Prince trong vài ngày sắp tới.

TẠI SAO CÓ LÀN SÓNG DI DÂN?

Cộng Hòa Haiti là một đảo quốc ở vùng biển Caribbean, nằm về phía đông của Cuba và Jamaica, với diện tích hơn 10 ngàn dặm vuông và dân số 11 triệu người.

Thế nhưng mặc dù Haiti chỉ cách tiểu bang Florida 831 miles (1,338 cây số), những người di dân Haiti nêu trên đã không chọn cách vượt biển để vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Đó là tại vì từ hơn 10 năm qua họ đã rời bỏ đất nước Haiti để sinh sống và làm việc tại một số quốc gia vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ, như Brazil, Chile, Venezuela, Panama.

Năm 2010 đánh dấu làn sóng di cư của gần 1 triệu rưởi người dân Haiti. Nguyên nhân là vì đời sống của họ vốn dĩ đã cơ cực (kết quả thăm dò của Ngân Hàng Thế Giới cho thấy 60% dân số Haiti có mức thu nhập dưới $2 dollars một ngày) mà lại còn phải gánh chịu một thiên tai khủng khiếp – trận động đất ngày 12 tháng 1-2010 khiến 250,000 người thiệt mạng và 3 triệu người mất hết nhà cửa.

Cùng thời điểm đó, Brazil đang lâm vào tình trạng thiếu nhân công, vì phải chuẩn bị tổ chức Giải Vô Địch Túc Cầu Thế Giới 2014 rồi Thế Vận Hội Rio de Janeiro 2016, nên khoảng 143,000 người dân Haiti đã được Brazil đón nhận và cấp thẻ thường trú. Đồng thời hàng trăm ngàn người Haiti khác cũng rời bỏ quê hương để đi tìm kế sinh nhai ở Venezuela, Chile, Panama, và Hoa Kỳ. Chỉ có một số nhỏ lập nghiệp tại các nước này, trong khi đa số vẫn tiếp tục cuộc sống bấp bênh cả về kinh tế lẫn quy chế di trú.

Thế rồi từ năm 2020 đến năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát, làm suy sụp các nền kinh tế từ Bắc Mỹ đến Trung Mỹ và Nam Mỹ. Tuy đời sống càng lúc càng khó khăn, nhưng hầu hết những người dân Haiti sống ở nước ngoài vẫn không muốn trở về quê hương vì lo sợ tình hình chính trị rối ren, nạn băng đảng leo thang, xã hội quá bất ổn. Ngày 7 tháng 7-2021, Tổng Thống Jovenel Moise bị một nhóm võ trang tấn công và giết chết trong tư dinh ngay tại thủ đô Port-au-Prince. Hơn một tháng sau đó, thiên tai lại giáng xuống lần nữa: trận động đất với cường độ 7.2 Richter xảy ra vào sáng Thứ Bảy 14 tháng 8 khiến hơn 2,200 người thiệt mạng, trên 10,000 người bị thương và hàng trăm người mất tích.

Những biến cố dồn dập đó, cộng với cuộc sống bấp bênh của họ ở các nước Châu Mỹ La Tinh, đã thúc đẩy hàng ngàn người dân Haiti đi ngược lên miền bắc Mexico để tìm đường vượt biên vào đất Mỹ, và kết quả là họ đang bị đưa lên máy bay để trục xuất về nguyên quán.

Bộ Trưởng Alejandro Mayorkas trong cuộc họp báo hôm 20 tháng 9 có đề cập đến việc những di dân bất hợp pháp này đã bị các tổ chức buôn lậu tuyên truyền bịa đặt là “Mỹ mở cửa biên giới” hoặc “Mỹ sẽ cấp quy chế tạm cư”. Thật ra hồi đầu tháng 9 chính phủ Biden có công bố quyết định gia hạn 18 tháng quy chế tạm cư TPS (temporary protected status) cho hơn 400,000 người tỵ nạn từ Haiti, Honduras, El Salvador và Nicaragua. Nhưng sở dĩ những người này được Bộ An Ninh Nội Địa gia hạn quy chế tạm cư là vì họ vốn đã được phép cư trú và làm việc trước ngày 29 tháng 7, vì vậy hàng ngàn người mới vừa vượt biên vào đất Mỹ không được hưởng quyền lợi tương tự.

Tuy nhiên tin tức hôm Thứ Tư 22 tháng 9 ghi nhận có một số không bị trục xuất sau khi qua thủ tục thanh lọc, và sẽ được cứu xét hồ sơ xin tỵ nạn. Số người này đã được di chuyển bằng xe buýt từ Del Rio đến các thành phố lân cận như El Paso, Laredo, Rio Grande Valley. Cơ Quan Biên Phòng đã thông báo cho họ biết là sẽ phải trình diện tại một văn phòng di trú địa phương trong vòng 60 ngày.

Cũng cần nói thêm là hiện nay trên đất Mỹ đang có khoảng nửa triệu người Haiti, đa số đến Mỹ trong đợt di cư sau trận động đất năm 2010, một số khác đi từ Brazil ngược lên biên giới Mexico để xin chính phủ Mỹ cho tỵ nạn vào khoảng năm 2016 vì lúc đó Thế Vận Hội Rio de Janeiro đã kết thúc và họ không còn việc làm.

Số liệu thống kê cập nhật cho thấy có 346,358 người Haiti sống ở tiểu bang Florida, 130,080 người ở New York, 60,203 người ở Massachusetts, 44,670 người ở New Jersey, 15,896 người ở Pennsylvania, 15,717 người ở Georgia, 13,917 người ở Connecticut, 10,640 người ở Maryland, 7,134 người ở California và 4,103 người ở Washington.

NHỮNG HÌNH ẢNH GÂY SÓNG GIÓ

Bộ Trưởng Alejandro Mayorkas cho biết, để thực hiện cuộc trục xuất người di dân bất hợp pháp từ Texas về lại Haiti, Bộ An Ninh Nội Địa đã phải điều động 600 nhân viên, bao gồm một số thuộc Lực Lượng Tuần Duyên, đồng thời kêu gọi Bộ Quốc Phòng tiếp tay trong việc vận chuyển.

Theo ông Brandon Judd là chủ tịch Nghiệp Đoàn Nhân Viên Biên Phòng (National Border Patrol Council) thì tính đến ngày 18 tháng 9, tổng số người Haiti “cắm lều” dưới gầm cầu xa lộ Del Rio là 14,872 người.

Bộ Trưởng Mayorkas nói rằng việc trục xuất dựa trên căn bản pháp lý chính yếu là Điều 42 của Đạo Luật Dịch Vụ Y Tế Công Cộng (Public Health Service Act) năm 1944, vì trong lúc đang phải đối phó đại dịch Covid-19, “tình trạng di dân bất thường này tạo ra một nguy cơ đáng kể cho sự an sinh và sức khỏe chẳng những của dân chúng vùng biên giới mà còn của chính những người di dân nữa”.

Hồi tháng 3 năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chính phủ Mỹ dưới thời Tổng Thống Donald Trump đã viện dẫn Điều 42 nói trên để đóng cửa biên giới ở phía nam cũng như phía bắc, ngăn cấm di dân từ Mexico và Canada không được vào Mỹ. Qua thời Tổng Thống Joe Biden, mặc dù hầu hết các biện pháp hạn chế di dân của chính phủ tiền nhiệm đều bị bãi bỏ, nhưng riêng Điều 42 vẫn được duy trì và hiện đang được áp dụng đối với làn sóng di dân bất hợp pháp từ Haiti.

Cuộc trục xuất hàng ngàn người Haiti thoạt đầu chỉ bị những tổ chức bảo vệ di dân hoặc bảo vệ nhân quyền phản đối, và có thể chính phủ Biden đã không phải gánh chịu sự chỉ trích nặng nề của dư luận nếu không xảy ra sự lan truyền một số hình ảnh cho thấy nhân viên Cơ Quan Biên Phòng cưỡi ngựa rượt đuổi và ngăn cản những người di dân Haiti bên bờ sông Rio Grande, không cho họ đặt chân lên đất Mỹ.

Ngoài đoạn video được lan truyền rộng rãi, một tấm ảnh đã thật sự gây sóng gió khi được một nhà lập pháp thuộc đảng Dân Chủ trong Quốc Hội Hoa Kỳ đưa lên mạng xã hội với nhận định “hoàn toàn không thể chấp nhận hành động như vậy”. Tấm ảnh do nhiếp ảnh gia Paul Ratje chụp cho thấy một người đàn ông Haiti, tay xách hai túi đồ ăn, bị một nhân viên Biên Phòng nhoài xuống từ trên lưng ngựa để túm chặt áo không cho bỏ chạy. Dân Biểu Veronica Escobar (Địa hạt 16, tiểu bang Texas) viết: “Bất kể tình hình ở Del Rio có căng thẳng đến mấy thì cũng không thể biện minh cho việc dùng bạo lực đối với những người di dân tìm đến đất nước này để xin tỵ nạn”.

Nhiếp ảnh gia Paul Ratje cho biết người đàn ông nói trên cùng với một số di dân Haiti khác lội sông đi qua thành phố Ciudad Acuna của Mexico để mua đồ ăn mang về cho gia đình đang cắm lều ở Del Rio, nhưng khi trở lại thì bị nhân viên Biên Phòng chận đường, đuổi về phía Mexico.

Tấm ảnh này cùng với đoạn video và các tấm ảnh tương tự đã khiến cho Tùy Viên Báo Chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki trong cuộc họp báo hôm Thứ Hai phải dùng chữ “gớm ghiếc”, và nói thêm: “Tôi không tin rằng bất cứ ai nhìn thấy những hình ảnh này mà lại cho rằng hành động như vậy có thể được chấp nhận là chính đáng”.

Bộ Trưởng Alejandro Mayorkas cũng bị báo chí đặt câu hỏi trong lúc đang có mặt ở Del Rio để thị sát tình hình cùng với ông Raul Ortiz, chỉ huy trưởng Cơ Quan Biên Phòng. Ông Mayorkas trả lời là sẽ cho mở cuộc điều tra để thu thập đầy đủ dữ kiện và tìm hiểu thực hư. Buổi tối cùng ngày, Bộ An Ninh Nội Địa phổ biến thông cáo báo chí, khẳng định “chúng tôi không tha thứ cho việc ngược đãi người di dân, và chúng tôi sẽ cứu xét vấn đề một cách nghiêm túc”. Theo thông cáo, nội vụ đang được Văn Phòng Trách Nhiệm Chức Nghiệp (Office of Professional Responsibility) của Cơ Quan Biên Phòng điều tra, đồng thời đã được thông báo cho Văn Phòng Tổng Thanh Tra của Bộ An Ninh Nội Địa.

Bản tin cập nhật của hãng thông tấn AP hôm Thứ Năm 23 tháng 9 trích dẫn lời Tùy Viên Báo Chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết Bộ Trưởng Alejandro Mayorkas đã ra lệnh cho các nhân viên Cơ Quan Biên Phòng tại thị trấn Del Rio không được tiếp tục dùng ngựa để thi hành công tác. Một ngày trước đó, Đặc Sứ Mỹ tại Haiti là ông Daniel Foote cũng đã nộp đơn xin từ chức, đồng thời lên tiếng xin lỗi về các sự kiện xảy ra trong mấy ngày vừa qua cho thấy “cách đối xử vô nhân đạo” với những người di dân từ Haiti.

TRẺ EM TỪ 5 ĐẾN 11 TUỔI SẮP ĐƯỢC CHÍCH NGỪA COVID-19

Ở thời điểm bắt đầu niên học mới, và giữa bối cảnh số trẻ em bị lây nhiễm Covid-19 đang gia tăng ở mức độ đáng ngại khiến nhiều bậc phụ huynh nóng lòng mong đợi con em sớm được chích ngừa, có một tin vui vừa được ghi nhận vào đầu tuần này. Đó là hai công ty dược phẩm Pfizer và BioNTech hôm Thứ Hai 20 tháng 9 loan báo rằng các kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 cho thấy vaccine của họ “an toàn” “tạo kháng thể chống Covid mạnh mẽ” đối với các trẻ em từ 5 tới 11 tuổi.

Qua thông cáo báo chí, công ty Pfizer nói là sau khi hoàn tất cả ba giai đoạn thử nghiệm, họ sẽ đệ nạp hồ sơ với đầy đủ dữ liệu cho Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) “trong một ngày rất gần”, hy vọng vào cuối tháng 9, để xin cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (Emergency Use Authorization) vaccine cho trẻ em. Bác sĩ nhi khoa Bill Gruber, phó chủ tịch Pfizer, nói thêm rằng ngay cả sau khi được cấp giấy phép, Pfizer cũng sẽ vẫn theo dõi thật sát chương trình chích ngừa để kịp thời đối phó nếu xảy ra bất cứ rủi ro nào.

Theo bác sĩ Scott Gottlieb – cựu Giám đốc Cơ Quan FDA và hiện là thành viên Hội Đồng Điều Hành của Pfizer – thì tùy theo thời gian FDA cứu xét hồ sơ, thuốc chích ngừa Covid có thể được chuẩn thuận sớm nhất là vào dịp lễ Halloween, tức cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Trước đó, quyền Giám đốc Cơ Quan FDA là bác sĩ Janet Woodcock cũng như Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thẩm định của FDA là bác sĩ Peter Marks cũng đã phổ biến thông cáo nói rằng hồ sơ về vaccine cho trẻ em, sau khi đệ nạp, sẽ được cứu xét trong vòng từ 4 đến 6 tuần lễ thay vì nhiều tháng trời.

Sau khi vaccine được FDA cấp giấy phép, Cơ Quan Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) sẽ quyết định về việc phân phối và hướng dẫn các cơ sở y tế sử dụng thuốc chích ngừa. Theo bác sĩ Francis Collins là Giám đốc Viện Y Tế Quốc Gia (National Institutes of Health), như vậy có thể các bậc phụ huynh sẽ phải chờ đến khoảng cuối năm thì chương trình chích ngừa cho trẻ em mới được vận hành đồng bộ trên toàn quốc.

Cuộc thử nghiệm giai đoạn 2 của Pfizer và BioNTech được thực hiện với 2,268 tình nguyên viện tuổi từ 5 đến 11 đang học mẫu giáo hoặc tiểu học. Để bảo đảm an toàn, người ta không chích cho các em liều thuốc ngừa Covid 30-microgram giống như người lớn, mà các em chỉ được chích hai liều vaccine cách nhau 21 ngày, mỗi liều 10-microgram. Sau đó các nhà nghiên cứu theo dõi mức độ kháng thể trong máu các em, để so sánh với một nhóm khác gồm các tình nguyện viên tuổi từ 16 đến 25, được chích hai liều vaccine 30-microgram. Thông cáo báo chí của Pfizer cho biết, một tháng sau khi liều thứ nhì được chích cho cả hai nhóm tình nguyện viện nói trên, vaccine đều “tạo kháng thể chống Covid mạnh mẽ”. Đồng thời những phản ứng phụ không đáng kể – như đau, nhức, sốt – cũng được ghi nhận tương tự như nhau ở cả hai nhóm. Pfizer còn nói thêm rằng trong quá trình thử nghiệm không hề xảy ra biến chứng myocarditis, là bệnh viêm cơ tim mà người ta cho rằng có liên quan đến các loại “mRNA vaccines”.

Bản tin thông tấn AP trích dẫn lời em bé gái Maya Huber, 10 tuổi, ở New Jersey, hỏi là tại sao cha mẹ em và hai anh trai của em đều đã được chích ngừa Covid mà riêng em lại không được chích ngừa? Khi phóng viên hỏi, “vậy nếu được chích ngừa thì sau đó em sẽ làm gì”, Maya nói rằng mục tiêu đầu tiên của em là “xin ba má cho qua nhà các bạn chơi một buổi tối và ngủ đêm ở đó”. Vẫn theo lời Maya thì “trước giờ em rất sợ bị chích” nhưng em vẫn muốn tham gia cuộc thử nghiệm vaccine vì “chích xong rồi thì thấy vui lắm và cũng không đau gì mấy”. Được biết thân mẫu của Maya là bác sĩ Nisha Gandhi, hiện làm việc tại bệnh viện Englewood Hospital, đã ghi tên cho em vào cuộc thử nghiệm của Pfizer tại Đại học Rutgers University. Tuy nhiên Maya vẫn tiếp tục phải mang khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn, vì gia đình không được cho biết là em được chích cả hai liều vaccine “thật” hay chỉ là giả dược (placebo).

Tưởng cần nhắc lại, Cơ Quan FDA đã chính thức chuẩn thuận thuốc chích ngừa Covid của Pfizer/BioNTech cho những người dân Mỹ từ 16 tuổi trở lên, và kể từ tháng 5-2021 cũng đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) thuốc chích ngừa Covid cho các thiếu niên ở lứa tuổi từ 12 đến 15.

Như vậy, nếu từ nay tới cuối năm 2021, vaccine của Pfizer/BioNTech được Cơ Quan FDA cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ em từ 5 tới 11 tuổi (khoảng 28 triệu em, tức 9% dân số, theo U.S. Census 2020), thì trên nước Mỹ sẽ chỉ còn lại những trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi là chưa được chích ngừa. Hãng dược phẩm Pfizer cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine cho nhóm tuổi nhỏ nhất này “trong ba tháng cuối năm”. Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành của BioNTech là ông Ugur Sahin nói thêm rằng việc nghiên cứu đã được khởi sự từ tháng 3, với mục tiêu “hoàn tất thử nghiệm vaccine cho tất cả trẻ em mọi lứa tuổi trước mùa đông năm nay”.

Theo lời ông Albert Bourla, Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành của Pfizer, thì sở dĩ hai hãng dược phẩm này đẩy mạnh chương trình nghiên cứu và thử nghiệm là bởi vì “kể từ tháng 7, số lượng các trường hợp trẻ em bị lây nhiễm Covid-19 ở Mỹ đã tăng với mức 240%, cho thấy nhu cầu để được chuẩn thuận thuốc chích ngừa cho trẻ em phải là ưu tiên hàng đầu. Trong chín tháng trời vừa qua, hàng trăm triệu người trên khắp thế giới ở lứa tuổi từ 12 trở lên đã được chích ngừa bằng vaccine của chúng tôi. Bây giờ là lúc đặt trọng tâm vào lứa tuổi nhỏ hơn, để kịp chận đứng sự lây lan của virus biến thể Delta và mối đe dọa của virus này đối với con em chúng ta”.

Mặc dù các bác sĩ và giới chức y tế nói là so với người lớn thì trẻ em nếu bị lây nhiễm Covid thường chỉ có các triệu chứng nhẹ, ít có nguy cơ phải vào bệnh viện chữa trị; thế nhưng thực tế cho thấy con số trẻ em hiện được chữa trị trong các bệnh viện nhiều hơn các đợt bùng phát trước đây của đại dịch, và lý do chính là vì virus biến thể Delta đang lây lan dữ dội.

Hội Y Sĩ Nhi Khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) hồi tuần trước báo cáo rằng chỉ trong một tuần lễ đã có tới 226,000 trẻ em bị xét nghiệm dương tính với Covid-19. Kể từ khi đại dịch bùng phát tới nay, số trẻ em bị lây nhiễm đã lên tới trên 5 triệu em, chiếm gần 29% tổng số các trường hợp lây nhiễm trên toàn quốc, và ít nhất 460 em đã tử vong vì Covid-19. Chính vì vậy nên các chuyên gia y tế đều lên tiếng kêu gọi đặt ưu tiên vào việc chích ngừa cho trẻ em, nhấn mạnh rằng biện pháp này chẳng những nhằm bảo vệ chính các em mà còn để bảo vệ cho các trẻ em khác và các thành viên trong gia đình.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, CNN, USA Today, The New York Times ngày 23/9/2021

1 Comment

  1. Lý do nào mà Nội các ông Biden chỉ trục xuất người di dân hay tỵ nạn Haiti khi mà hàng triệu di dân bất hợp pháp khác đến từ khắp Thế-giới lại được đón vào Mỹ tại biên giới Mỹ, Mễ? Các chính khách ủng hộ di dân, ủng hộ bình đẳng di dân Mỹ, Việt đã từng kêu gào và đổ tội cho Nội các Trump là kỳ thị di dân bây giờ ờ đâu?

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*