Canh Bầu Chị Huệ Và Triết Lý Đời Thường

“Miên, chị có bầu em ăn không?”
“Đương nhiên chị. Em sang lấy ngay.”

Tôi đáp lời chị rồi đọc lại lời nhắn và mỉm cười thú vị. Nếu còn sinh hoạt với trung tâm Việt Ngữ ở Randolph, tiểu bang Massachussetts, chắc chắn tôi sẽ nhờ các cô giáo cho học sinh dịch câu văn chị Huệ gửi sang Anh Văn. Câu nhắn vô tư dễ thương của chị Huệ được Google dịch là: “Mien, I’m pregnant, can you eat?” Tiếng Việt nhiều nghĩa và mông lung quá.

Bây giờ một số báo chí Việt có lẽ sử dụng nhu liệu Google Translate để dịch tin từ Anh Văn sang Việt Văn, nhiều câu đọc lên rất tiếu lâm. Và dường như lối hành văn của thời đại Xã Hội Chủ Nghĩa sau chiến tranh, nhiều lúc đọc lên rất lạ mắt, và nghe cũng rất lạ tai đến nhức đầu.  Thí dụ như câu văn tôi trích từ nguồn congnhe.tuoitre.com co đoạn tin: “Theo Hãng tin AFP, xuất hiện trên hai nền tảng mạng xã hội quen thuộc của giới trẻ là TikTok và Instagram, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chia sẻ thông tin bác bỏ những điều sai lệch về vắc xin COVID-19 đang khiến một bộ phận người trẻ do dự chưa tiêm ngừa.” (Ngày 5 Tháng 8, 2021). Đọc các chữ  “nền tảng mạng xã hội” hay “một bộ phận người trẻ” làm mình có cảm tưởng đang đọc tiếng Việt cải biên, mới mẻ quá.

Trên mạng nguoi-viet.com cũng có bài về dịch Covid: “Mục tiêu 70% dân số được chích ngừa do Tổng Thống Joe Biden đặt ra vào Tháng Năm được giới chức y tế liên bang xem là một bước quan trọng để đạt được tình trạng miễn dịch cộng đồng, nghĩa là khi có đủ số người có kháng thể chống lại một căn bệnh cụ thể trong một quần thể dân cư nhất định,” (August 2, 2021). Nếu bạn là thanh niên thời Việt Nam Cộng Hoà thì từ “miễn dịch” cũng có nghĩa không phải đi lính dù “thi hỏng tú tài.” Trong câu văn trên, tôi cũng thấy từ “miễn dịch cộng đồng” nghe kỳ cục quá. Trong “Đại Từ Điển Tiếng Việt” do Nguyễn Như Ý chủ biên và được Trung Tâm Ngôn Ngữ Và Văn Hoá Việt Nam thuộc Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo xuất bản (1998) chưa có từ này. Với tôi, những chữ như “căn bệnh cụ thể” hay “quần thể dân cư” đọc cũng gai mắt mà nghe cũng ngứa tai. Tuy nhiên, ngôn ngữ thuộc về văn hoá mà văn hoá đương thời thì sống động và luôn biến đổi không ngừng. Bởi vậy, lời nhắn bà chị láng giềng gửi tôi “Chị có bầu, em ăn không?” ngắn gọn và sống động, thích hợp cho cách nói chuyện với nhau bằng bấm chữ trên smart phone ngày nay.

Tôi đã ghé nhà chị Huệ nhận quả bầu xanh mướt và chị còn cho thêm trứng gà chị mới nhặt trong chuồng. Trước khi tôi cảm ơn anh chị ra về, chị bảo đã ươm cho tôi hai cây bầu, khi nào cây lớn đủ, chị sẽ báo để tôi sang lấy về trồng bên hàng rào sau nhà. Anh Bảy, nhìn tôi cầm quả bầu, dặn tôi dùng tôm tươi hay tôm khô nấu canh mới ngon.

“Em sang lấy bầu về trồng.” Khoảng tuần lễ sau, chị nhắn tin.
“Vâng, chiều đi bộ ghé xin chị.” Tôi vội vã đáp lời, dĩ nhiên, bằng ngón tay.
“Đi xe sang, chậu nặng lắm.” Chị bảo.

Đúng vậy, hai cây bầu chị ươm trong chậu đất, mình tôi không thể mang bỏ vào cốp xe được, nếu anh Bảy không giúp.

“Em phải đào đất sâu chừng nào để trồng hai cây bầu này?” Tôi hỏi chị.
“Chị ươm trong chậu đất lớn, em chỉ cần đặt bên cạnh hàng rào rồi tưới hàng ngày là sẽ có quả sớm.”

Về đến nhà tôi phải nhờ con trai giúp khiêng chậu bầu đặt lên chiếc đòn bẩy hai bánh (dolly cart), đưa chậu ra bên hàng rào nơi không bị cành cây che nắng cho dây bầu sớm leo. Cứ mỗi sáng sớm trước khi đi bộ, tôi ra vườn sau tưới nước cho hai cây bầu và chờ cho ngọn vươn lên bám vào hàng rào. Chỉ hơn tuần lễ là hai ngọn bầu đã lên cao đủ để bám vào hàng rào sắt.

Nhìn Bầu Chị Huệ Nhớ Bầu Anh Phong.

Nhìn hai ngọn bầu vươn lên mỗi ngày tôi chợt nhớ đến giàn bầu sau sân nhà cũ ở ngoại ô Boston, và nhớ anh Nguyễn Ngọc Phong, người bạn đàn anh thân quý của gia đình. Có một ngày tôi đang ngồi làm việc, chợt nghe thấy những tiếng động lạ tai bên ngoài. Lúc đầu tôi tưởng những người làm vườn bên đại học đang đóng lại hàng rào hay xây cất gì mới. Nhà tôi ở sát sân đại học, chỉ cách hàng rào gỗ đã cũ nên tôi nghĩ đại học sửa lại hàng rào. Nhưng tiếng động, nhất là tiếng người di chuyển và tiếng đóng đinh không giống như những tiếng động quen thuộc. Không thể chú ý vào việc đang làm nên tôi ra vườn và đã ngạc nhiên vì người đóng đinh chính là anh Phong. Sợ làm anh giật mình bị ngã nên im lặng chờ anh ngừng tay mới lên tiếng.

“Anh Phong!”
“Tưởng lên trường rồi nên không báo.”
“Anh làm gì vậy?”
“Đóng giàn trồng bầu. Mai kia bầu ra trái mình ngồi uống rượu ngắm.”

Phía sau nhà tôi có sân gạch và cũng là nơi mùa Hè và mùa Thu chúng tôi thường mời bạn bè đến uống rượu văn nghệ. Anh Phong đã mua gỗ đến dựng giàn bầu công phu như tôi đã kể trong mội bài tuỳ bút đã phổ biến. Mỗi sáng mai tôi cũng ra vườn tưới cây bầu anh Phong ươm trong chậu rồi chờ từng ngày để bầu leo giàn nở hoa đơm quả. Tôi cũng viết một ca khúc để hát nghêu ngao mỗi khi ra sân nhìn giàn bầu anh Phong.

Bình minh ra đứng sân vườn sau
Nhìn bông hoa trắng trên giàn bầu
Rồi nghe thương nhớ quê nhà xưa
Lòng tôi rưng rức như trời mưa….

Giàn bầu anh Phong ra nhiều hoa, nhưng chỉ được một quả. Tôi không dám hái, cứ để quả bầu đong đưa trên giàn cho đến lúc vỏ cứng như gỗ. Tôi chụp hình quả bầu đi khoe các bạn, và đã được bạn gửi những tấm hình họ chụp từ giàn bầu giàn bí nhà họ; giàn nào cũng tốt tươi và sai quả không như giàn bầu nhà tôi.

Hai cây bầu chị Huệ cho đã nở hoa nhiều mà vẫn chưa có quả.  Tôi hỏi thì chị bảo phải hái hoa đực rồi cho chạm nhuỵ hoa cái thì mới có quả.  Chả nhẽ hoa cũng như người, cũng cần ân ái sao? Tôi đã nghe vài người bạn ở Boston nói điều này, nhưng làm sao phân biệt hoa đực-hoa cái đây?  Sang nhà chị Huệ được chị dẫn ra giàn bầu hướng dẫn cách phân biệt hoa đực hoa cái, nhưng về đến nhà lại quên bẵng. Trí tuệ di truyền từ cội nguồn nông dân của tôi chưa đủ để hiểu biết những điều đáng lẽ con nhà nông phải biết từ thời thơ ấu. Tôi nhớ lần đầu ghé thăm, chị dẫn ra xem chuồng gà và bảo

“Em nên làm chuồng nuôi gà, lấy trứng mà ăn.” Tôi nghe khoái tai hỏi chị.
“Chuồng có mấy gà trống và mấy gà mái?”
“Chị nuôi gà mái để lấy trứng.” Chị trả lời với ánh mắt hơi ngạc nhiên.
“Không có gà trống làm sao gà mái đẻ trứng?” Tôi hỏi.
“Ai bảo em gà mái cần gà trống mới có trứng?” Chị cười thành tiếng và trong ánh mắt dường như muốn bảo “Sao khờ vậy!”

Tôi cảm thấy mình khôn lên vì học được điều mới lạ rằng gà mái đẻ trứng chẳng cần gà trống. Về nhà khoe vợ điều mới học được từ chị Huệ.

“Anh nói gì?” Vợ tôi hỏi một cách ngạc nhiên.
“Chị Huệ bảo gà mái không cần gà trống vẫn đẻ trứng.” Tôi thong thả giải thích.
“Anh thật sự không biết gà mái đẻ trứng không cần gà trống?” Vợ tôi tỏ vẻ từ ngạc nhiên đến kinh ngạc vì sự hiểu biết của tôi.
“Lần đầu tiên anh biết điều này.” Tôi thú nhận.
“Anh đã học xong tiểu học trường làng chưa?” Cô ấy cười khoái trá về sự u tối của tôi.

Dù vẫn hãnh diện kể cho vợ nghe gốc gác ruộng đồng của mình, và nàng vẫn tưởng tôi có nhiều kinh nghiệm nuôi gà và trồng rau. Hơn 30 năm nàng theo tôi di cư đi nhiều nơi ở nhiều chỗ, nhưng chưa bao giờ tôi trồng được cây cỏ gì sau vườn ngoài ngõ, từ vùng tuyết lạnh như Boston sang đến miền nằng vàng Cali, rồi bây giờ ở xứ sở mùa hè nóng như lò nướng Pizza mà tôi vẫn chưa ra tay trổ tài nông dân cho nàng thấy. Bây giờ tự chăm sóc cây bầu chị Huệ cho, nhìn dây bầu leo lên hàng rào xanh tươi, tôi thấy mình hãnh diện về gốc gác nông dân, nhưng vẫn không biết làm gì cho hoa bầu đậu quả.

Nghe chị Huệ dạy cách cho hoa đực hôn hoa cái, sáng nào tôi cũng ra nhìn hoa bầu trên hàng rào, nhưng không tài nào phân biệt được hoa nào là cái hay hoa nào là đực. Một người quen khác bảo nên ngắt tỉa ngọn và lá để bầu sớm có quả. Nếu làm vậy mà không kết quả thì lấy lưỡi dao rạch gốc dây bầu rồi nhét viên sỏi nhỏ vào giữa, bầu sẽ sớm sai quả. Điều này nghe như khoa học giả tưởng. Chẳng lẽ dây bầu ngứa mình vì viên sỏi vướng thân nên phải vội cho ra quả như người ăn cá mắc xương vào cổ, phải loay hoay khạc nhổ, hay cào cấu cổ họng để xương cá rơi ra. Cắt ngọn tỉa lá nghe được, nhưng xẻ thân dây bầu nhét hạt sỏi vào thì có vẻ bạo hành ghê gớm quá. May là ở thời đại siêu truyền thông nên có rất nhiều tài liệu về cách trồng bầu được giải thích trên các mạng du-túp. Lời khuyên cắt ngọn tỉa lá xem ra có lý và tôi đã làm theo. Không đầy hai tuần lễ, hai cây bầu chị Huệ cho đã được hai trái xinh đẹp hấp dẫn.

Nấu Canh Bầu

Phải nấu đến ba nồi canh bầu tôi mới tìm ra cách nấu cho hợp khẩu vợ con. Nồi canh đầu tiên không thành công vì tôi lười gọt vỏ. Thấy quả bầu chị Huệ cho non xanh mượt mà nên mình tưởng là để cả vỏ nấu canh được. Con trai và ông cụ bố vợ ăn ngon lành không phê bình điều gì. Nhưng vợ vừa chan canh vào bát đã phán ngay rằng sao không gọt vỏ trước khi nấu. Vỏ bầu dù mềm, nhưng làm bớt hương vị đi. Tôi dùng những con tôm khô cỡ lớn để nấu canh, nhưng nước không ngọt vì tôm ngâm nước chưa lâu đủ. Tôm khô tôi dùng nấu canh là loại tôm trinh nữ chứ không phải loại thường. Gọi là tôm trinh nữ vì tôm được bàn tay một nữ tu chọn lựa, bóc vỏ, rồi phơi khô trước khi cho vào bao được hút hết không khí. Vị nữ tu này làm tôm khô bán để kiếm đồng ra đồng vào tiêu xài lặt vặt. Ông bạn linh mục tôi mới quen đã giới thiệu nên tôm bảo đảm là tôm đồng trinh.

Đến lúc bầu chị Huệ lớn đủ, tôi ra vườn sau hái hai trái xinh đẹp nấu nồi canh thứ hai. Lần này tôi ngâm tôm khô đồng trinh một giờ rồi xay tôm ra trước khi cho vào nồi. Để tạo hương vị, tôi thái vài miếng gừng tươi và thái củ hành vàng thành những miếng nhỏ cho vào nồi xào đến khi hành lên mầu vàng rồi đổ nước tôm xay vào nồi nấu. Khi nước canh sôi, tôi cho những miếng bầu đã thái sẵn vào nấu thật nhanh để bầu khỏi bị nhão. Nồi canh thứ hai cũng chưa đạt vì dù đã gọt vỏ bầu, nhưng cắt không đều tay, miếng dày miếng mỏng nên cô em chủ nhà vẫn chưa hài lòng.

Phải đợi thêm một tuần, giàn bầu mới thêm được một trái lớn đủ để nấu nồi canh cho nhà ăn. Quá tam ba bận. Tôi vừa bỏ giờ tìm tòi trên mạng vừa điện thoại người quen để học nấu canh bầu cho phải đạo.  Người bảo nấu với tôm khô hoặc tươi, người dạy nấu với thịt heo, hay sườn heo non, người khác thì khuyên nên dùng nước cốt xương gà nấu canh, hay nồi canh phải nêm tí mắm tôm. Nhưng chi tiết hay nhất là cách thái bầu theo kiểu Julienne hay thái sợi. Thái bầu thành những miếng tròn như tôi đã nấu hai nồi canh truớc xem thô thiển quá, thiếu tính nghệ thuật ẩm thực. Các cụ đã bảo: “Không thầy đố mày làm nên” luôn luôn đúng cho những người khả năng trí tuệ bình thường như tôi. Bởi vậy từ việc trồng bầu đến nấu canh cũng cần phải học. Nồi canh thứ ba được tôi cẩn thận làm theo những điều đã học trên du-túp hay từ bạn. Tôi gửi các đấng mày râu chưa nấu canh bầu cho vợ con ăn bao giờ công thức nấu canh do tôi biên soạn.

Nguyên liệu

  1. Một quả bầu nặng khoảng 1 kg hay trên 2 lbs.
  2. Khoảng một nắm tôm khô đồng trinh cỡ lớn hay chừng 20 con.
  3. Ba lon nước cốt gà hiệu Swanson, loại ít muối.
  4. Một thẻ gừng tươi cỡ ngón chân cái.
  5. Nửa củ hành vàng.
  6. Một bó hành xanh khoảng 3-5 nhánh.
  7. Một bó ngò thơm cỡ vừa.

Cách sửa soạn

  1. Ngâm tôm khô vào nước ấm khoảng 30 phút rồi xay nhuyễn thành nước cốt.
  2. Gọt bầu một cách nhẹ nhàng và kiên nhẫn để không “xâm phạm” vào “thịt bầu.”
  3. Thái bầu thành sợi không quá nhỏ hay quá dài tránh làm mất “ẩm mỹ.”
  4. Rửa gừng, cạo vỏ, và cắt sợi càng mỏng càng tốt.
  5. Lột vỏ củ hành vàng, dùng nửa quả và cắt thành những miếng vuông nhỏ nhắn như hạt bắp.
  6. Rửa hành xanh và ngò, làm khô nước, thái mỏng đế rắc lên tô canh gây thêm hương vị.

Cách Nấu

  1. Đặt nồi nấu lên bếp, mở lửa cỡ trung bình, dùng một muỗng dầu thực vật, chờ dầu nóng, cho gừng và hành củ đã thái mỏng vào nồi xào đến khi gừng và hành đổi mầu.
  2. Từ từ cho nước cốt gà vào nồi, tăng nhiệt độ bếp lên cao, chờ nước sôi sủi bọt rồi thong thả cho nước tôm xay vào nồi.
  3. Khi nước trong nồi sôi lại, nhẹ nhàng cho bầu thái chỉ vào nồi. Nếu nước nổi bọt vì tôm xay, vớt bọt ra hay để vậy cũng không sao.
  4. Từ từ nêm nước mắm hay mắm tôm cho canh vừa đủ mặn. Tôi không nêm bột ngọt hay đường vì nước cốt xương gà và nước tôm khô xay nhuyễn đã đủ ngọt.
  5. Múc bầu vào tô rồi rắc hành xanh và ngò thơm thái mỏng lên.

Cách thưởng thức

Bữa cơm chiều thanh đạm nên có ba món: cơm, canh và món mặn. Bạn kho khoảng nửa kg hay 1 lbs  thịt heo loại ít mỡ với tiêu, tỏi, hành và nước mắm để làm món mặn. Nên để dành vài thìa hành xanh và ngò thơm đã thái mỏng để rắc lên địa thịt kho, làm tăng sự hấp dẫn và hương vị của đĩa thịt. Không nên dùng cơm trắng vì chúng ta cần ăn nhiều chất xơ (fiber) để tránh bệnh tiểu đường. Ở các chợ thực phẩm Á Châu bên Hoa Kỳ có nhiều loại gạo để bạn chọn. Nên đọc số phần trăm của chất xơ (fiber) trước khi mua. Bạn có thể múc canh bầu vào chén nhỏ để thưởng thức như một loại súp chúng ta thường ăn trước những bữa tiệc. Sau khi mọi người trong nhà ngồi vào bàn, bạn nên cảm tạ Trời, Phật, hay Thiên Chúa trước khi thưởng thức canh bầu và bữa ăn vì mọi sự chúng ta được hưởng trên mặt đất này hẳn phải bắt nguồn từ một quyền lực nào ấy chứ khồng thể từ hư không. Hãy khoan thai từ tốn múc canh đưa lên miệng, đừng cúi mặt xuống bát, và đừng húp sùm sụp, gây tiếng động không cần thiết lại thiếu thanh tao. Bạn cũng có thể chan canh vào bát cơm, nhưng tôi thì thích thưởng thức canh bầu nguyên chất để cho vị giác trên lưỡi thẩm thấu đầy đủ mùi vị của canh. Mình có thể bắt chước câu lục bát truyện Kiều để diễn tả việc nấu và ăn canh bầu.

Nghề chơi cũng lắm công phu,
Làng chơi ta phải biết cho đủ điều.
(Kiều)

Tôi xin đổi lại thành:

Canh bầu nấu “cũng lắm công phu”
Muốn ăn “ta phải biết cho đủ điều.”

Triết Lý Nấu Canh Bầu

Bạn tôi, có người khuyên tôi nên bỏ thời giờ viết về những đề tài nghiên cứu, đừng viết tùm lum. Lời khuyên nghe chí lý, nhưng tôi chỉ muốn vui chơi với đời. Mà muốn vui chơi với đời thì mình phải yêu mến những gì đang ở quanh ta từ ngọn cỏ ven đường đến những tàng cây xum xê. Từ mùa Hè nắng cháy đến mùa Đông buốt giá. Đời người không dài nên tôi muốn ngày nào còn được đi trên mặt đất, còn hơi thở trên môi,  tôi phải tìm cho ra những điều đáng yêu trong mọi hoàn cảnh, mọi sự việc và nơi chốn.

Những năm gần đây, tôi đã khám phá ra hạnh phúc trong việc chợ búa và bếp núc trong nhà. Tôi nhận trách nhiệm đi chợ và nấu bếp thay cho vợ vì công việc của cô lu bu bận bịu nhiều hơn công việc của tôi.  Vả lại, khi đi chợ tôi được tự do mua thức ăn nào mình thích và nhất là cứ tà tà đến tiệm rượu tìm mua rượu ngon nhưng phải vừa túi tiền. Vì được nuôi dưỡng và lớn lên ở xã hội có nền văn hoá xem công việc chợ búa bếp núc là việc đàn bà nên nhiều bạn đàn ông gốc Việt và gốc Á Châu của tôi vẫn còn xem nội trợ là việc không đáng làm. Theo tôi đấy là thiếu sót lớn. Nếu bạn không đi chợ, không nấu bếp, làm sao bạn có thể hưởng được hạnh phúc của người đi chợ lúc mua được bó rau tươi hay con cá ngon về nấu cho gia đình ăn.

Bởi vậy, những điều cao siêu cứ để cho những ngài cao siêu viết. Tôi chỉ muốn nghĩ và viết về những điều ở ngay giữa đời sống như việc trồng bầu, hái bầu, và nấu canh bầu. Tại sao? Thưa vì nếu bạn trồng bầu, bạn được nhìn ngọn leo lên giàn hay hàng rào, và bạn sẽ khám ra sự diệu kỳ của những cọng dây bầu, tưởng là mềm yếu nhưng lại rất dẻo dai. Nếu hoa bầu kết thành quả, bạn sẽ nhìn được quả bầu to ra và dài ra mỗi ngày. Nếu bạn chưa hái quả bầu bao giờ, bạn có thể nghĩ rằng chỉ lấy tay ngắt cọng dây là hái được quả. Nhưng không đơn giản vậy, dây bầu có sức kéo được quả bầu nặng một hai kg là thường. Muốn hái quả bầu, bạn phải dùng kéo hay dao. Khi bạn cầm trên tay quả bầu xanh tươi mang vào nhà là bạn cầm trên tay sự nhiệm mầu của trời đất. Lúc bạn gọt vỏ bầu và sửa soạn những nguyên liệu để nấu canh, bạn cũng tìm ra được hạnh phúc ngọt ngào khi nghĩ rằng vợ con mình sẽ được ăn bát canh tươi ngon trong bữa cơm chiều.

Việc trồng bầu đến hái bầu nấu canh là triết lý sống có nhiều ý nghĩa hơn là những trường phái triết học âm u mịt nù từ hiện sinh đến hiện tượng học. Nâng bát canh bầu lên thưởng thức mùi thơm của canh đương nhiên thích thú và lợi hơn nghiền ngẫm những phạm trù triết học khô cứng, trừu tượng, và không cho ta cảm giác khoái khẩu như lúc thưởng thức muỗng canh bầu ngon ngọt. Lúc ta nấu bếp cho vợ con, người thân hay bạn bè là lúc ta thực hành việc biểu lộ tình yêu, tình bạn, tình người rõ ràng nhất. Chẳng hạn như lúc tôi cầm quả bầu trên tay, tôi nhớ ơn chị Huệ đã ươm cây cho mình, nghĩ về anh Nguyễn Ngọc Phong đã biểu lộ mối thân tình bằng cách âm thầm đến nhà đóng giàn bầu năm xưa. Như vậy quả bầu là duyên cớ cho mình học bài học thương yêu gia đình, biết ơn đời và trân quý tình bạn.

Hơn nữa, cỏ cây cũng như đời người, có thì có hạn. Dây bầu không leo giàn mãi được, và quả bầu không to và xanh tươi mãi. Dây bầu sẽ héo chết, và quả sẽ khô cứng. Ta rồi sẽ nhắm mắt thiên thu nên lúc còn sống phải yêu lấy cuộc đời để được vui chơi với người.

Trần thu miên
Hè 2021

1 Comment

  1. Dân gian có câu,
    “Râu tôm nấu với ruột bầu,
    Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon.”

    Tự điển nấu ăn lại có lời nhắn,
    “Tôm khô nấu bát canh bầu,
    Gọt vỏ, bỏ ruột, mưa ngâu cũng huề.”

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*