Việt Nam: Chính Quyền Chậm Trễ, Dân Tự Chạy Xe Về Quê Tránh Dịch

(NGUỒN HÌNH ẢNH, NGƯỜI HUẾ Ở SÌ GÒN)

Người dân nhiều địa phương đã tìm mọi cách, từ đi bộ, đạp xe đến đi xe máy, rời TP HCM để tránh dịch. Câu hỏi nhiều người đặt ra là: Chính quyền ở đâu?

Trong những ngày gần đây, hình ảnh những đoàn người chạy xe máy rời TP HCM đã gây xôn xao dự luận. Rất nhiều người trong số này là người gốc Thừa Thiên-Huế đang sống tại TP HCM, địa phương đang ở giữa đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất cả nước.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Tổ trưởng tổ tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế, trả lời báo chí:

“Sau khi rà soát thì việc đăng ký số lượng quá nhiều. Một số đăng ký theo phong trào với mong muốn được duyệt, một số đăng ký về toàn bộ gia đình, một số có gia đình ở TP HCM rồi nhưng vẫn muốn về để tránh dịch, một số muốn về thăm thân nhân… Vì vậy, Sở đang xác minh trường hợp nào cấp bách để đón về trước. Trong giai đoạn này sẽ ưu tiên các đối tượng: người cao tuổi, có bệnh, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ đi theo, người bán vé số, làm thuê… đối tượng dễ tổn thương vì dịch bệnh. Sở sẽ có thông báo sau khi có kết quả phê duyệt”.

Vạn lý hồi hương

Trên trang cá nhân, nhà báo Hoàng Xuân viết: “Người Huế ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương đang phải chạy về quê bằng xe máy. Đụng đâu nghỉ đó, mang theo cơm nước, chọn bóng râm nằm, không ghé đâu, không mua bán đâu để tránh dịch cho mình và cho người.”

Quãng đường từ TP HCM về Huế dài khoảng 1.000 km, tùy theo tuyến đường. Hành trình này đi xe máy trung bình mất hai ngày. Đó là một hành trình gian nan đối với những công nhân, lao động tự do, người làm thuê… nghèo vốn đã mất việc, mất thu nhập từ nhiều ngày qua. Đó cũng là một hành trình tạo ra nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh lớn, khi hàng trăm người không được kiểm soát về y tế có thể đi lại, tiếp xúc với người khác dọc hành trình thiên lý của mình, dù rằng nhiều người tuyên bố họ sẽ tự “giãn cách” để phòng dịch.

Người Huế ở Sì Gòn

Người Huế ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương đang phải chạy về quê bằng xe máy. Đụng đâu nghỉ đó để tránh dịch cho mình và cho người (NGUỒN HÌNH ẢNH, NGƯỜI HUẾ Ở SÌ GÒN)

Bà Hoàng Xuân liên hệ với các địa phương khác: “Bình Định quê nội mình, Đà Nẵng, Thanh Hóa đón dân quê mình về bằng máy bay, Hà Tĩnh, Nghệ An thuê nguyên đoàn tàu, Quảng Nam đón bằng máy bay và xe, lập danh sách ưu tiên người già yếu, bịnh, phụ nữ, trẻ em…”

Rồi bà đặt câu hỏi: “Huế có đón công dân của mình về không? ‘Cả nước yêu thương ôm Huế vào lòng’, thế còn Huế, Huế có yêu thương ôm chính người dân của mình vào lòng không?”

Một người dùng Facebook có tên Hương Phạm viết: “Thời sống chung với Covid-19 rồi mà chưa chuẩn bị tinh thần gì cả. Không có phương án đón người là sao? Không có các kịch bản, các phương án dự phòng thì lại toang thôi.”

Không chỉ có người dân Thừa Thiên-Huế mới tự tìm đường về quê. Trong những ngày qua, nhiều câu chuyện tương tự đã được báo chí và cộng đồng mạng phản ánh.

Chụp màn hình

(NGUỒN HÌNH ẢNH, CHỤP MÀN HÌNH)

Vào lúc 7 giờ sáng 9/7, bốn mẹ con bà Nguyễn Thị Hương đã khởi hành đạp xe từ huyện Trảng Bom ở tỉnh Đồng Nai hướng về quê nhà Nghệ An. Với tốc độ trung bình 28km mỗi ngày trên những chiếc xe đạp “cà tàng”, họ phải mất hơn một tháng mới tới nơi. May thay, sau khi đạp được 282km, họ đã được hỗ trợ cho đi tàu lửa từ TP Phan Rang-Tháp Chàm ở tỉnh Ninh Thuận về quê.

Hồi giữa tháng 7, hàng chục người lao động đã từ Bình Định đi bộ hướng về quê là huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi trong tình trạng đói khát. Họ nằm trong số hàng trăm người dân tộc thiểu số tại Quảng Ngãi đi làm ăn ở các tỉnh lân cận phải đi bộ về quê trong đợt này.

Báo Công an Nhân dân ngày 22/7 dẫn lời ông Phạm Văn Thái ở huyện Ba Tơ, kể: “Chờ cả tuần không có xe, đồ ăn cũng hết nên bà con mình quyết định đi bộ. Từ 5 giờ sáng hôm kia, bà con xuất phát, đến tối thì tụm lại ngủ ven đường. Bây giờ mới đặt chân lên đất Quảng Ngãi”.

Nhiều người dân tự tìm đường về quê cũng đã rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: tỉnh nhà không tiếp nhận mà TP HCM cũng chặn đường trở lại. Báo Tuổi Trẻ ngày 24/7 đưa tin rất nhiều người dân quê Bến Tre trên đường từ TP HCM về quê bị chặn lại tại các chốt kiểm tra trên quốc lộ 1, đoạn giáp ranh TP HCM – Long An và buộc phải quay đầu.

Tờ báo này dẫn lời một người dùng Facebook viết: “Chào mọi người! Sáng nay mình đi về Bến Tre. Mình đã chuẩn bị giấy tờ đầy đủ nhưng đến đoạn Long An thì tất cả mọi người đều không được qua. Và khi quay lại TP HCM thì lại có một chốt tại huyện Bình Chánh không cho mình vào.”

Tại sao đón chậm?

Sau khi dịch bệnh bùng phát dữ dội tại TP HCM, một số địa phương đã tổ chức đón người dân của mình về. Tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng… đã tổ chức xe, máy bay để đón người, dù chưa đón hết được nhưng cũng đã giúp cho những trường hợp cần kíp nhất có cơ hội về quê. Trong khi đó, một số tỉnh khác lại chậm trễ trong việc này.

Tại Thừa Thiên-Huế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh này đã có thông báo UBND tỉnh quyết định tổ chức đón công dân trở về quê, dự kiến đợt 1 từ ngày 20/7 đến 25/7, đón khoảng 300 công dân từ TP HCM về bằng tàu hỏa.

Tuy nhiên, báo Thanh Niên ngày 24/7 cho biết đến thời điểm bài báo đăng, Thừa Thiên-Huế vẫn chưa chính thức đón được người nào như kế hoạch công bố, trong khi đã có hơn 10.000 người đăng ký trở về quê.

Tờ báo này dẫn lời ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Tổ trưởng tổ tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết:

“Sau khi rà soát thì việc đăng ký số lượng quá nhiều. Một số đăng ký theo phong trào với mong muốn được duyệt, một số đăng ký về toàn bộ gia đình, một số có gia đình ở TP HCM rồi nhưng vẫn muốn về để tránh dịch, một số muốn về thăm thân nhân… Vì vậy, Sở đang xác minh trường hợp nào cấp bách để đón về trước. Trong giai đoạn này sẽ ưu tiên các đối tượng: người cao tuổi, có bệnh, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ đi theo, người bán vé số, làm thuê… đối tượng dễ tổn thương vì dịch bệnh. Sở sẽ có thông báo sau khi có kết quả phê duyệt”.

Do TP HCM đang là vùng dịch, mọi người đi từ địa phương này tới các nơi khác đều phải thực hiện xét nghiệm, cách ly y tế theo thời gian quy định. Một số địa phương do chưa chuẩn bị được phương án đón dân, cụ thể là các phương án về cách ly, xét nghiệm, chăm sóc y tế… cho số công dân hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người hồi hương, nên đã chậm trễ trong việc đón người.

Người Huế ở Sì Gòn

Nhiều người chạy xe máy về quê, không dám ghé đâu, không mua bán đâu để tránh dịch cho mình và cho người (NGUỒN HÌNH ẢNH, NGƯỜI HUẾ Ở SÌ GÒN)

Một khi không kiểm soát tốt, nguy cơ dịch bệnh từ TP HCM thông qua người hồi hương sẽ lan ra nhiều tỉnh thành khác là rất lớn. Đây chính là mối quan ngại của các địa phương, khiến họ chần chừ. Trên thực tế, chính quyền Thừa Thiên-Huế, do lo ngại lây lan dịch, từng từ chối đón 26 người có hộ khẩu tỉnh này xuống ga Huế, khiến họ phải đi tiếp và xuống ở ga Đông Hà thuộc tỉnh Quảng Trị.

Trong khi chính quyền đang “họp bàn” thì người dân tự tìm lối thoát cho mình. Hình ảnh những người dân tự đi bộ, đạp xe, chạy xe máy hay tìm bất cứ phương tiện nào để rời Sài Gòn, về quê tránh dịch. Nhiều người đặt câu hỏi về năng lực và vai trò của chính quyền.

Mặt khác, việc người dân tự tìm đường về sẽ tạo ra những lỗ hổng về kiểm soát dịch, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao hơn so với việc hồi hương theo sự sắp xếp của chính quyền. Trên thực tế, một số người tự chạy xe về quê sau đó đã bị phát hiện dương tính, trường hợp mới nhất là một thanh niên ở Thừa Thiên-Huế tự chạy xe, khi về đến tỉnh này đã bị phát hiện nhiễm bệnh.

Bài viết trên báo Thanh Niên đánh giá: “Chính việc người dân tự phát tìm cách đi về bằng nhiều con đường, qua nhiều chặng, tiếp xúc nhiều người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ hiện hữu trong kiểm soát dịch Covid-19.”

Theo BBC tiếng Việt ngày 25 tháng 7, 2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*