Giữa Hàng Loạt Những Vụ Tấn Công, Các Lão Niên Người Mỹ Gốc Á Học Cách Tự Vệ Bằng Gậy Và Nắm Đấm

Những người lớn tuổi tập sử dụng gậy trong lớp học tự vệ với võ sư Mai Du (đứng giữa) tại khu phố Fields Corner. (Hình của DAVID L. RYAN / GLOBE STAFF)

Cô Minh Hoàng không sợ. Cô đứng bình tĩnh. Sẵn sàng đấm thẳng. Giỡn mặt với cô, cô sẽ làm đúng như lời “thày võ” dạy cô.

“Tôi sẽ chỉa vào mắt họ”, người phụ nữ 64 tuổi giải thích qua một thông dịch viên tiếng Việt, biểu diễn bằng ngón trỏ và ngón giữa. “Hoặc tôi sẽ đập thẳng vào họ để khống chế họ.”

Cô Hoàng đang học cách tự vệ trước mối đe dọa không thể tưởng tượng được trước đây: một loạt các vụ tấn công ác ý nhằm vào những người Mỹ gốc Á lớn tuổi ở nhiều thành phố, kể cả Boston, nơi cô Hoàng và những người cao niên khác đang ở. Vì vậy, vào mỗi sáng thứ Năm, họ tập trung tại hội trường của trung tâm cộng đồng VietAID ở Fields Corner. Dưới sự hướng dẫn của võ sư Mai Du, họ tập quặp ngón tay cái làm nắm đấm, đứng tấn vững vàng rồi tung ra một cú đấm.

Cô Du nói với họ bằng tiếng Việt: “Tư thế của chúng ta phải cứng rắn như rễ cây, nhưng các vận động phải uyển chuyển như nước.”

Các người tham dự ngồi ghế vòng hình bán nguyệt xung quanh cô Du, hồi hộp theo dõi. Số người tham dự tăng dần lên kể từ khi các lớp học hàng tuần bắt đầu vào giữa tháng 6, thu hút gần bốn chục người lớn tuổi, hầu hết ở độ tuổi 70 và 80, tham gia một buổi học gần đây. Cô Du, 45 tuổi, hướng dẫn cả lớp với một tinh thần tự tin quyết đoán, và các học viên của cô hưởng ứng nồng nhiệt. Khi họ tập tư thế cưỡi ngựa (hai chân dang rộng, đầu gối chùng xuống), ông Ngọc Lê, 80 tuổi, người nhỏ nhắn, mặc ka ki và đội mũ Cubs, tung một vài cú đấm dượt thử về phía cậu Thomas Trần, con trai trẻ của cô Du.

“Giỏi lắm!” cô Du khen lớn, và các người lớn tuổi vỗ tay gọi nhau trước khi vào chỗ ngồi nghỉ.

Bà Linh Mạch, 88 tuổi, tập đấm trong một buổi học về cách đánh kẻ tấn công tại trung tâm cộng đồng VietAID ở Fields Corner, có võ sư Mai Du (phải) cầm tấm đệm. Cô Du đang dạy cách tự vệ cho người cao niên để đối phó với những vụ hành hung người Mỹ gốc Á lớn tuổi ở nhiều thành phố. (Hình của DAVID L. RYAN / GLOBE STAFF)

Trong hơn một năm rưỡi qua, người Mỹ gốc Á – vật tế thần cho virus coronavirus – đã bị xô đẩy, đấm đá, khạc nhổ và đánh đập trong một chuỗi diễu hành bạo lực không ngớt. Một số vụ tấn công tàn bạo và ác liệt nhất là nhắm vào những người lớn tuổi châu Á. Ở San Francisco, một người đàn ông Thái lan 84 tuổi khi đi dạo buổi sáng, đã bị đập đầu xuống vỉa hè, chết hồi tháng Giêng đầu năm. Tại New York, một phụ nữ Phi luật tân 65 tuổi trên đường đến nhà thờ, đã bị hất văng lên lề và bị đá liên tục vào mặt.

Cô Du bắt đầu lo lắng cho sự an toàn của chính gia đình mình lối vài tháng trước. Cha mẹ cô thuộc thành phần của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam, họ di cư đến Boston vào năm 1984, khi cô mới lên 8. Vào khoảng Tết Nguyên đán tháng Hai, mẹ cô điện thoại bảo cô không được ra khỏi nhà. Cô Du, người tập võ hơn 30 năm, đã khuyên ngược lại mẹ cô bằng một lời cảnh báo tương tự.

Vào ngày 16 tháng 3, cha cô Du qua đời sau một cơn bạo bệnh. Cùng ngày hôm đó, sáu phụ nữ gốc Á bị bắn chết trong một vụ cuồng sát tại ba tiệm spa ở khu vực Atlanta. Sáng hôm sau, bà Xiao Zhen Xie, 75 tuổi, bị một kẻ tấn công ở San Francisco bất ngờ đấm vào mặt. Hôm đó, bà Xie đã chống lại. Một đoạn video lan truyền được quay sau vụ tấn công cho thấy bà Xie đau đớn, hét lớn bằng tiếng Đài loan và đang nắm chặt một tấm gỗ, trong khi kẻ tấn công bà, mặt đẫm máu được cáng khiên đi.

Như cô Du cho biết, cô đã chạm “đáy vực”. Rồi cô nảy ra một ý tưởng. Nếu cô có thể dạy những người lớn tuổi trong cộng đồng tự mình đứng lên, giống như bà Xie đã làm và đánh trả lại? Cô Du, người làm chủ Học viện Wah Lum Kung Fu và Tai Chi, chưa bao giờ dạy tự vệ cho người lớn tuổi trước đây. Cô biết khi không có sức lực hoặc lanh lẹ, ta sẽ cần học cách sáng tạo và linh động.

Trong lớp, cô Du chỉ rõ vào những bộ phận dễ bị tổn thương trên cơ thể mà họ có thể tấn công đối thủ: mắt, tai, họng, sườn, háng, ống chân và đầu gối. Cô nhắc họ tập trung sức mạnh từ bản năng của họ, luôn cảnh giác đề phòng, lắng nghe tiếng bước chân, đi bộ trong khu vực có ánh sáng, nắm chặt chìa khóa, và la thật to.

Bà Tôn Đỗ, 75 tuổi, tập đấm trong một lớp học tự vệ tại trung tâm cộng đồng VietAID ở Fields Corner. (Hình của DAVID L. RYAN / GLOBE STAFF)

Cô khuyến khích họ bằng tiếng Việt: “Mình làm được mà! Cho dù chúng có thể cao to lớn hơn!”

Các lão niên thay phiên nhau tập đấu với tấm đệm chắn, bẻ quặt cùi chỏ và tung nắm đấm, giống như cô Du đã chỉ cho họ. Tiếng giày thể thao và tiếng dép nghiến ken két trên sàn gạch.

Cô Du nói, ráng tìm các từ phù hợp trong tiếng Việt: “Khi bạn đấm, bạn phải có quyết định dứt khoát.”

Tự tin. Mạnh mẽ. Sống còn. Cô Du, người thông thạo tiếng Anh và tiếng Quảng Đông hơn tiếng Việt, khá vất vả để chuyển quyết tâm này sang ngôn ngữ mẹ đẻ của nhóm học viên.

Bằng tiếng Việt, cô Hoàng gợi ý, “Muốn chết hả, thử đụng tới tôi!” Cả lớp vỗ tay đồng ý và cười thích thú.

Cô Du cùng hợp tác phát triển chương trình tự vệ với cô Lisette Lê, Giám đốc Điều hành của tổ chức phi lợi nhuận VietAID, và cô Jean Wu, một giáo sư hồi hưu chuyên nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Đại học Tufts. Cô Lê lo ngại rằng những người lớn tuổi gốc Việt đang sinh hoạt tại trung tâm cộng đồng VietAID trước đại dịch, nay càng cảm thấy sợ hãi và bị cô lập.

Nhiều người đến Hoa Kỳ tị nạn và gánh chịu những đau thương từ chiến tranh. Theo cô Wu, những di dân gốc Á lớn tuổi thường ngần ngại nói về sức khỏe tâm thần của họ, ngay cả ở trong vòng gia đình. Trong các đại gia đình gồm nhiều thế hệ, con cháu của họ có thể đã mất khả năng ngôn ngữ cần thiết để giao tiếp với họ.

Bà Linh Mạch, 88 tuổi, đang được Thomas Trần (giữa) và Nhân Trương chỉ cho cách thoát khỏi tay kẻ tấn công tại VietAID. (Hình của DAVID L. RYAN / GLOBE STAFF)

Cô Du và nhóm người cộng tác với cô hy vọng những người lớn tuổi này cuối cùng rồi sẽ buông lỏng và nhẹ bớt phần nào nỗi lo lắng của họ. Cô được nghe một số câu chuyện từ các học viên. Một phụ nữ cho biết lớp của cô là nơi duy nhất bên ngoài nhà mà bà cảm thấy an toàn. Một người khác kể lại về lần bà bị một tên cướp hành hung, khiến đùi bà bầm tím vì bị kéo lê trên mặt đất.

Chương trình được tài trợ thông qua khoản trợ cấp $ 7.500 từ Ủy ban Cao Niên của thành phố Boston, số tiền này được chuyển sang từ ngân sách giờ phụ trội của Sở Cảnh sát. Cô Du dùng một phần kinh phí này để mua những chiếc gậy đi bộ làm bằng gỗ cứng cho mỗi học viên trong lớp. Gần cuối buổi học, cô Du và các tình nguyện viên phát gậy, mỗi cây gậy được bọc bằng giấy nhựa, cho những người tham gia, ngoại trừ những người đã có gậy riêng. Các học viên sẽ mang luôn những cây gậy này về nhà khi các buổi học kết thúc vào cuối tháng.

Họ đã tập cách tấn công bằng gậy tài chi. Giờ đây cô Du đang biểu diễn cách dùng cù quéo đầu gậy để gài cổ kẻ tấn công, cách đẩy người thật lẹ, cách đạp mạnh trên bàn chân hung thủ.

Khi buổi học kết thúc, một số học viên nán lại quanh cô Du, có cả bà Linh Mạch, 88 tuổi, ở phố Ashmont. Bà hướng dẫn lớp tập thể dục dưỡng sinh tại VietAID, được nhiều người lớn tuổi ưa thích vì giúp họ tăng thêm khỏe mạnh và dai sức chịu đựng. Bà xem lớp của cô Du là phần bổ sung cho lớp học của mình.

“Tôi cầu mong tôi sẽ không bao giờ phải sử dụng những bài học này”. Bà Mạch nói bằng tiếng Việt qua một thông dịch viên.

Người bạn thân nhất, bà Thôi Phán, 95 tuổi, cũng đồng ý. “Nhưng nếu cần đến,” bà nói thêm bằng tiếng Việt, “chúng tôi sẽ không ngần ngại.”

Deanna Pan
Ban biên tập báo Boston Globe
Ngày 11 tháng 7 năm 2021
Liên lạc với Deanna Pan tại deanna.pan@globe.com.
Theo dõi trên Twitter @DDpan.

(Bản phỏng dịch của BBT/NVB)

Nguồn: https://www.bostonglobe.com/2021/07/11/metro/amid-rash-assaults-asian-american-elders-practice-self-defense-with-canes-fists/

1 Comment

  1. Trong mọi hoàn cảnh, yếu tố tinh thần quan trọng nhất! Vì thế người Việt và người Á-đông nói chung nên thận trọng hơn là đối đầu với bạo hành:
    1. Không nên đi 1 mình nếu có thể cùng đi chung.
    2. Tránh những nơi hẻo lánh hay thiếu ánh sáng.
    3. Trước khi ra khỏi nhàn hay bắt đầu đi về nên chuẩn bị đường đi an toàn hay tháo chạy nếu bị tấn công.
    4. Không nên cầm gậy gộc ra đường vì sẽ chọc giận những thành phần quá khích, chỉ nên mang theo vật dựng thông thường như dù, gậy chống té…Nên thủ sẵn còi tu huýt để thổi to nếu bị đe doạ.
    5. Quần áo, giày vớ nhẹ nhàng.
    6. Tránh những vùng có thể nguy hiểm như trạm xe vào giờ ít khách, các nơi không an toàn.
    7. Không nên mang theo nhiều vàng bạc nữ trang.
    8. Không nên để bị lôi cuốn vào các trò chính trị ” chống bạo hành ” mà thực tế là việc đã xảy ra cả trăm nay nay. Thực tế là trong Cộng đồng Á-đông cũng đâu phải đoàn kết, thương yêu nhau hết đâu.
    Cầu mong đồng hương, nhất là các cụ cao niên luôn bình an!

Leave a Reply to Binh T Nguyen Cancel reply

Your email address will not be published.


*