Dân Cuba Xuống Đường Phản Đối Chính Quyền Cộng Sản – Miền Tây Hoa Kỳ Khốn Khổ Vì Nắng Nóng

DÂN CUBA XUỐNG ĐƯỜNG PHẢN ĐỐI CHÍNH QUYỀN CỘNG SẢN

Ngày Chủ Nhật 11 tháng 7 đánh dấu một sự kiện rất hiếm hoi, nếu không muốn nói là chưa từng thấy xảy ra trên đất nước Cuba, đó là hàng ngàn người dân đồng loạt đổ xuống đường biểu tình phản đối chính quyền cộng sản, hô to những khẩu hiệu “tự do cho nhân dân Cuba” “đả đảo chế độ độc tài”, thể hiện sự phẫn nộ của họ trước tình trạng kinh tế suy sụp, giá cả leo thang, thực phẩm khan hiếm, thiếu thuốc men, nhất là thiếu vaccine trong lúc đại dịch Covid-19 lan tràn.

Các cơ quan truyền thông quốc tế ghi nhận tin tức và hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy làn sóng xuống đường bắt đầu từ thành phố San Antonio de los Banos nhưng ngay sau đó đã lan rộng khắp nước, kể cả thủ đô Havana.

Mặc dù cảnh sát võ trang và công an chìm được điều động tức thì để đàn áp, bắt bớ, hợp cùng một “lực lượng đặc biệt” gồm thành phần ủng hộ chế độ mà chủ tịch nước Miguel Diaz-Canel đích thân kêu gọi “chiến đấu bảo vệ cách mạng”, nhưng không dập tắt được làn sóng phản kháng của dân chúng. Ngày hôm sau, 12 tháng 7, một cuộc biểu tình quy tụ hàng trăm người lại diễn ra tại thị trấn La Guinera ở vùng ngoại ô Havana. Ngoài khẩu hiệu “tự do”, những người biểu tình còn hô khẩu hiệu “đả đảo cộng sản” và đòi chủ tịch Diaz-Canel từ chức.

Cuộc xuống đường tại La Guinera bị đàn áp thẳng tay bằng võ lực và súng đạn. Một người biểu tình thiệt mạng, nhiều người khác – bao gồm một số công an – bị thương, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hôm Thứ Ba 13 tháng 7 Bộ Nội Vụ Cuba xác nhận tin này, cho biết danh tánh nạn nhân là Diubis Laurencio Tejeda, 36 tuổi, tử thương trong lúc xung đột với cảnh sát. Thông cáo của Bộ Nội Vụ không quên buộc tội những người biểu tình “đập phá nhà dân và cửa hàng quốc doanh, phá hủy cột điện, đốt xe cảnh sát, dùng dao và gạch đá tấn công nhân viên công lực”.

Theo tổ chức Cubalex – gồm một số luật sư và ký giả cùng hợp tác để theo dõi tình hình nhân quyền tại Cuba – thì đã có 148 người biểu tình bị chính quyền cộng sản bắt hoặc mất tích một cách bí mật. Cho tới nay mới chỉ có 12 người được thả ra khỏi trụ sở công an. Hôm Thứ Ba 13 tháng 7 một nhà báo độc lập 25 tuổi là cô Dina Stars đang tường trình tin tức cho đài truyền hình Todo Es Mentira thì bị công an đập cửa nhà bắt đem đi. Trước đó một ngày, một nữ phóng viên người Cuba làm việc cho nhật báo ABC tại Tây Ban Nha (Spain) là Camila Acosta cũng bị công an đến tận nhà bắt và giam giữ. Từ thủ đô Madrid, Ngoại Trưởng Tây Ban Nha José Manuel Albares đã chính thức lên tiếng đòi hỏi chính quyền Cuba phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận và trả tự do cho cô Acosta.

Ngay từ hôm Thứ Hai, các trang mạng xã hội như Facebook, WhatsApp, Instagram, Telegram đã bị chính quyền Cuba ra lệnh ngăn chận, với mục đích tước bỏ phương tiện liên lạc của những người biểu tình cũng như ém nhẹm tin tức đối với thế giới. Chuyên viên Louise Tillotson của tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) cho biết “mạng internet bị đóng nên rất khó phối kiểm và cập nhật về những gì đang diễn ra ở Cuba”. Trong khi đó các cơ quan truyền thông quốc doanh giấu diếm tin tức liên quan đến làn sóng biểu tình, không loan báo đã bắt bao nhiêu người, giam giữ họ ở đâu, và nếu họ bị truy tố thì về tội gì.

Từ Chủ Nhật đến Thứ Ba, chủ tịch nước Miguel Díaz-Canel đã ba lần xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia, bác bỏ các tin tức hình ảnh cho thấy hàng ngàn người biểu tình trên đường phố, nói rằng chỉ có “một đám đông những tên lính đánh thuê được trả tiền để xuống đường gây bất ổn”, đồng thời cáo buộc chính phủ Mỹ và giới truyền thông ở Mỹ “tung chiến dịch chống Cuba, khai thác cảm xúc của người dân để khích động hành vi bất tuân luật pháp”.

Miguel Díaz-Canel (chủ tịch nước kiêm tổng bí thư đảng Cộng Sản từ 2018, sau khi Raul Castro từ chức) thừa nhận rằng dân chúng đang bất mãn do tình hình kinh tế gặp khó khăn, nhưng đổ lỗi cho “chính sách bóp nghẹt kinh tế” của Hoa Kỳ qua những biện pháp chế tài đối với Cuba kể từ năm 1962 tới nay và nhất là các biện pháp chế tài được gia tăng dưới thời Tổng Thống Donald Trump. Nhật báo Granma (cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng Sản Cuba) cũng đưa ra luận điệu tương tự, nói rằng sự kiện hôm Chú Nhật 11 tháng 7 “chỉ nhằm phục vụ lợi ích của những kẻ được chính phủ Mỹ trả tiền và điều khiển để thực hiện chủ trương xâm phạm vào nội bộ các nước khác”.

Cuba hiện đang phải “vật lộn để sống còn” giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 lan tràn với mức độ báo động mà lại thiếu trầm trọng thuốc chích ngừa. Chỉ riêng ngày 10 tháng 7 đã có thêm 6,900 người mới bị lây nhiễm và 47 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số trường hợp lây nhiễm lên tới gần 245,000 người. Đó là lý do các đoàn biểu tình hô khẩu hiệu yêu cầu chính quyền cải tổ kế hoạch chích ngừa cho dân chúng và đòi hỏi các giới chức bất lực trong công tác chống đại dịch phải từ chức.

Một lãnh vực quan trọng hàng đầu của nền kinh tế Cuba là ngành du lịch đã khựng hẳn lại và gần như sụp đổ vì những hạn chế để phòng chống đại dịch. Một nguồn thu nhập chính yếu khác là xuất cảng đường cát, nhưng mùa thu hoạch năm nay cũng kém hẳn, và công ty độc quyền xuất cảng đường cát là Azcuba chỉ biết đổ lỗi cho việc thiếu nhiên liệu, hư hỏng máy móc và yếu tố thiên nhiên. Tình trạng này kéo dài cả năm khiến dự trữ ngoại tệ của chính quyền bị cạn kiệt, mà lệnh chế tài lại không cho phép nhập cảng để bổ sung sự thiếu hụt lương thực cũng như nhiên liệu để sản xuất nông nghiệp. Hậu quả là mức phát triển kinh tế năm ngoái của Cuba bị giảm 10.9% và tiếp tục giảm 2% tính đến tháng 6 năm nay.

Dù vậy, theo ghi nhận của các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông thì việc hàng ngàn người tràn xuống đường trong các cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật cũng vẫn mang ý nghĩa quan trọng đặc biệt, nhất là khi người ta dám hô lớn “tự do cho nhân dân Cuba” “đả đảo chủ nghĩa cộng sản”, vốn là những khẩu hiệu rất dễ dàng đưa tới nhà tù, trên một đất nước mà suốt 62 năm qua (1959 – 2021) vẫn nằm dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản. Chỉ riêng sự kiện này đủ cho thấy mức độ bất mãn của người dân đã bị dồn nén và bộc phát đến mức độ như thế nào.

Tại Havana, có lúc số người biểu tình lên đến vài ngàn người, và mặc dù bị cảnh sát tấn công với những loạt lựu đạn cay, họ tiếp tục tuần hành trên đại lộ Galeano. Nhiều người đứng ở ban-công của dẫy nhà dọc theo trung tâm Centro Habana vẫy tay hoan hô đoàn biểu tình đi ngang qua, và có những người gia nhập cuộc tuần hành.

Khi “lực lượng đặc biệt” gồm khoảng 300 người thuộc thành phần ủng hộ chế độ mà chủ tịch nước Diaz-Canel kêu gọi “hãy chiến đấu bảo vệ cách mạng” kéo ra đường với một lá cờ Cuba lớn và tung hô “cố chủ tịch Fidel Castro”, tiếng hô của họ lập tức bị chìm lấp giữa các khẩu hiệu được người biểu tình hô vang, như “đả đảo chế độ độc tài” “Diaz-Canel hãy từ chức”. Những hình ảnh và âm thanh đó đã lan tràn rộng rãi trên mạng xã hội và chính quyền Cuba không thể nào chối bỏ được.

Dĩ nhiên người biểu tình cũng thừa hiểu là trong những ngày sắp tới họ có thể sẽ phải gánh chịu nhiều hình phạt khắc nghiệt do hành động xuống đường của họ. Thế nhưng một người biểu tình ở Havana, xưng tên là Alejandro, nói với đài BBC: “Không có thức ăn, không có thuốc men, không có tự do. Họ không cho chúng tôi đường sống”. Và một người biểu tình khác ở San Antonio nói: “Chúng tôi không sợ hãi. Chúng tôi muốn thay đổi. Chúng tôi không muốn có thêm bất kỳ chế độ độc tài nào nữa”.

Từ New York, phụ tá phát ngôn viên Farhan Hag của Văn Phòng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc phát biểu: “Lập trường của Liên Hiệp Quốc là sự cần thiết của quyền tự do ngôn luận và tụ tập ôn hòa phải được tôn trọng, và chúng tôi hy vọng đó sẽ là trường hợp hiện nay tại Cuba”.

Từ Washington D.C., Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden bày tỏ sự ủng hộ đối với những người biểu tình, nói rằng “người dân Cuba đòi hỏi một chế độ độc tài phải cho họ được tự do” “chúng ta từ lâu lắm rồi không thấy, nếu không muốn nói thẳng là chưa bao giờ thấy, sự kiện như vậy”.

Tòa Bạch Ốc phổ biến bản lên tiếng chính thức ngày 12 tháng 7 với nội dung như sau: “Chúng ta ủng hộ người dân Cuba và lời kêu gọi khẩn thiết của họ để có được tự do, để thoát khỏi móng vuốt của đại dịch, thoát khỏi nhiều thập niên bị áp bức và khổ sở vì nền kinh tế mà họ phải chịu đựng dưới chế độ độc tài Cuba. Người dân Cuba đang can đảm hành xử những quyền căn bản được cả thế giới công nhận. Và chúng ta kêu gọi giới lãnh đạo Cuba hãy tự chế, đừng dùng bạo lực để dập tắt tiếng nói của người dân”.

Phụ Tá Ngoại Trưởng Julie Chung, đặc trách về Tây Bán Cầu tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, gửi tin nhắn trên mạng xã hội để bày tỏ sự ủng hộ với nội dung tương tự, và hoan nghênh cộng đồng gốc Cuba tại Mỹ đã gây quỹ để yểm trợ các đồng bào của họ đang sống ở đảo quốc.

Tùy Viên Báo Chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki, sau khi đề cập về tình hình Cuba trong cuộc họp báo hôm Thứ Hai, nói thêm rằng chính phủ Mỹ sẵn sàng giúp đỡ Cuba đối phó đại dịch Covid-19, nhưng gặp trở ngại vì chính quyền Cuba cho đến nay vẫn không chịu gia nhập chương trình COVAX mà Tổ Chức Y Tế Thế Giới phát động với mục đích phân phối thuốc chích ngừa đến các nước nghèo.

Bộ Trưởng An Ninh Nội Địa Alejandro Mayorkas – vốn thuộc một gia đình di dân từ Cuba trốn chạy chế độ Fidel Castro – cũng bày tỏ sự sự ủng hộ đối với làn sóng biểu tình, nhưng đồng thời gửi thông điệp tới người dân Cuba, khuyên họ “đừng tìm cách vượt biển qua Mỹ”, vì rất nguy hiểm đến tánh mạng, mà lại có thể bị trả về nguyên quán chứ không được chấp nhận quy chế tỵ nạn dễ dàng như họ tưởng.

MIỀN TÂY NƯỚC MỸ KHỐN KHỔ VÌ ĐỢT NẮNG NÓNG VÀ NẠN CHÁY RỪNG

Từ tuần trước đến tuần này, hơn 60 triệu người dân Mỹ cư ngụ ở sáu tiểu bang California, Washington, Oregon, Utah, Nevada, Arizona đã phải gồng mình chịu đựng một đợt nắng nóng kinh hoàng, cộng thêm tình trạng hạn hán kéo dài khiến cho nạn cháy rừng bùng phát lớn hơn bao giờ hết.

Tin tức cho biết tiểu bang Oregon đã có ít nhất 107 người thiệt mạng và tiểu bang Washington có 30 người thiệt mạng, đa số thuộc thành phần cao niên và hầu như không mấy ai chuẩn bị để đối phó với đợt nắng nóng (heat wave) bất ngờ này. Hàng năm vào mùa hè, khí hậu miền Tây Bắc Hoa Kỳ luôn luôn được coi là dễ chịu nhất, thế nhưng hôm Thứ Ba 6 tháng 7 nhiệt độ ở Portland đã lên tới 116 độ F và ở Seattle lên tới 108 độ F.

Đợt “heat wave” còn tấn công luôn cả tỉnh bang British Columbia của nước láng giềng Canada, gây thiệt mạng nhân mạng nghiêm trọng. Hôm 29 tháng 6 nhiệt độ ở làng Lytton của British Columbia lên tới 121 độ F. Do khí hậu vừa nóng vừa khô nên ngày hôm sau nạn cháy rừng bùng phát, thiêu rụi gần hết ngôi làng này, khiến 486 người chết.

Theo dự báo thời tiết thì mặc dù sức nóng đã dịu bớt phần nào nhưng thời tiết ở miền Tây nước Mỹ suốt tuần này vẫn nóng hơn mức bình thường từ 5 đến 15 độ F. Vì vậy Cơ Quan Khí Tượng Quốc Gia (National Weather Service) ra thông cáo nhắc nhở mọi người phải uống nhiều nước, tìm những nơi có bóng mát, và tuyệt đối không để cho trẻ em hoặc các con thú nuôi ở trong xe một mình.

Đợt nắng nóng của mùa hè năm nay đã phá nhiều kỷ lục trước đây:

– Vào ngày Chủ Nhật 11 tháng 7 nhiệt độ ở Thung Lũng Tử Thần (tức Death Valley trong sa mạc Mojave của tiểu bang California) lên tới 130 độ F (54 độ C).

– Trước đó một ngày, nhiệt độ ở thành phố St. George của tiểu bang Utah được ghi nhận là 117 độ F (47 độ C).

– Cùng ngày, nhiệt độ ở thành phố Las Vegas của tiểu bang Nevada cũng lên tới 117 độ F (47 độ C).

– Miền trung và nam California vốn được coi là khí hậu ôn hòa, thế nhưng hôm Thứ Bảy 10 tháng 7 nhiệt độ ở thành phố Palm Springs lên tới 120 độ F (49 độ C), và nhiệt độ ở thành phố Fresno lên tới 111 độ F (44 độ C).

Các chuyên gia khí tượng thuộc cơ quan National Ocean Service giải thích nguyên nhân đưa tới đợt nắng nóng dữ dội này là một “vòm khí nóng” (heat dome), được tạo thành do sự thay đổi bất ngờ của nhiệt độ nước biển Thái Bình Dương khi di chuyển từ miền Tây qua miền Đông vào mùa đông năm 2020.

Chỉ từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay đã có tới ba đợt nắng nóng quét ngang vùng Bắc Mỹ – một trường hợp bất thường, mà nhiều chuyên gia cho rằng có liên quan đến hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ba đợt nắng nóng, cộng với tình trạng hạn hán từ California đến Oregon, đã đưa tới hậu quả không thể tránh khỏi là nạn cháy rừng bùng phát ở mức độ lớn hơn hẳn mấy năm trước.

Trên 14,000 nhân viên cứu hỏa hiện đang vất vả đối phó với 60 đám cháy rừng ở 10 tiểu bang miền Tây, trải dài trên diện tích gần 1 triệu mẫu rừng – con số cụ thể là 1,562 dặm vuông tức 4,047 cây số vuông, theo Trung Tâm Liên Hợp Chống Hỏa Hoạn (National Interagency Fire Center).

Chỉ riêng đám cháy rừng mang tên Beckwourth Complex Fire (lớn nhất từ đầu năm tới nay) ở miền bắc tiểu bang California đã thiêu rụi ít nhất 140 dặm vuông rừng cây. Đám cháy này bùng phát dọc theo ranh giới tiểu bang Nevada, cách sa mạc Mojave 300 dặm (483 cây số) về hướng Tây Bắc. Lửa bốc cháy từ rừng ra tới xa lộ xuyên bang 395, tấn công thị trấn Doyle của California (hình bên) và đe dọa luôn cả quận hạt Washoe của Nevada. Cho tới bây giờ các nhân viên cứu hỏa mới chỉ dập tắt được khoảng 23%. Trong khi đó ở miền nam tiểu bang California cũng xảy ra cháy rừng khiến chính quyền phải ra lệnh di tản hai khu lãnh thổ tự trị của người da đỏ tại quận hạt San Diego.

Tại tiểu bang Oregon, đám cháy mang tên Bootleg Fire lan rộng 120 dặm vuông (311 cây số vuông) xuyên qua khu vực Rừng Quốc Gia (Fremont-Winema National Forest) gần thị trấn Sprague River của quận hạt Klamath.

Tại tiểu bang Washington, một đám cháy rừng ở vùng tây nam đã lan rộng gần 60 dặm vuông (155 cây số vuông) và đe dọa khu vực Rừng Quốc Gia (Umatilla National Forest).

Tại tiểu bang Arizona, quận hạt Yavapai ở vùng Trung Bắc đã chế ngự được đám cháy rừng gần núi Black Canyon cách thành phố Phoenix 43 dặm về hướng bắc (66 kilometers). Tuy nhiên, một tai nạn thương tâm xảy ra ở quận hạt Mohave, khi chiếc máy bay Beech C-90 bị rớt trên đường đến tiếp cứu đám cháy Cedar Basin Fire khiến hai nhân viên cứu hỏa tử thương.

Ngay cả tiểu bang Idaho cũng không thoát khỏi nguy cơ cháy rừng, khiến Thống Đốc Brad Little phải huy động Vệ Binh Quốc Gia đến tiếp tay để dập tắt đám cháy vừa bùng phát chỉ vì một cơn mưa giông quét qua vùng đất đang bị hạn hán.

Tất cả những sự kiện trên đây được ghi nhận trong hai tuần lễ đầu tháng 7, nối tiếp “tháng 6 nóng kỷ lục kể từ 127 năm qua”, căn cứ theo bản phúc trình của Cơ Quan Quốc Gia Nghiên Cứu Đại Dương và Khí Hậu (National Oceanic and Atmospheric Administration – NOAA). Phúc trình cho biết nhiệt độ trung bình của tháng 6 năm nay là 72.6 độ F, cao hơn mức bình thường 4.2 độ. Kỷ lục trước đó là của tháng 6 năm 2016 với nhiệt độ trung bình mặc dù cũng nóng nhưng thấp hơn năm nay gần 1 độ.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, VOA, BBC, Fox News ngày 15/7/2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*