GS Ngô Bảo Châu trong Thư viện Quốc gia, Hà Nội (Hình của Nguyễn việt Thanh)
Giáo sư Ngô Bảo Châu vừa tạm biệt Facebook và hiện tại trang cá nhân của ông không còn xuất hiện trên mạng xã hội rất phổ biến này ở Việt Nam.
Hôm 26/2, ông viết trên trang cá nhân: ”Tôi nhận thấy rằng trang Facebook này không còn là kênh thích hợp để tôi tiếp nhận thông tin, tri thức cũng như để tôi chia sẻ suy nghĩ của mình nữa.”
Khoảng trống mà ông tạo ra khiến nhiều người đề cập, nhất là khi tại Việt Nam báo chí chính thống và mạng xã hội tiếp tục cạnh tranh dữ dội.
Thậm chí truyền thông nhà nước có lúc gọi đây là “cuộc chiến”, và các báo chính thống luôn phải tự hỏi là ‘sống chung với mạng xã hội ra sao’.
Việt Nam có gần 70 triệu người dùng Facebook, trên 97 triệu dân, theo một số liệu báo chí nước này công bố tháng 11/2020.
BBC News Tiếng Việt ghi nhận ý kiến từ Hà Nội của Tiến sỹ Toán Nguyễn Kỳ Nam, nhiều năm giảng dạy tại các trường đại học Úc, Mỹ, Việt Nam; Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, đang làm việc tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Họa sỹ Lê Quảng Hà, người thường chia sẻ các dòng trạng thái về thời cuộc.
BBC News Tiếng Việt: Cảm giác của quý vị khi biết Giáo sư Ngô Bảo Châu tạm biệt Facebook?
Tiến sỹ Nguyễn Kỳ Nam: “Theo Karl Marx thì trí thức là những người có đủ tri thức để quan tâm và có chính kiến riêng đối với các vấn đề của xã hội nên họ phải là những người “phê bình không nhân nhượng những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính quyền hoặc trước xung đột với chính quyền, bất cứ chính quyền nào”. GS Ngô Bảo Châu và GS Hoàng Xuân Phú của Viện Toán là những ví dụ khá hiếm hoi của của người trí thức mà Karl Marx kỳ vọng. Bởi đó tôi thoáng buồn khi GS Châu tạm biệt Facebook.”
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện: “Tôi biết tin này qua FB của Họa sĩ Lê Quảng Hà. Hoạ sĩ rất nuối tiếc khi GS Ngô Bảo Châu dừng facebook. Cảm giác của tôi là rất bình thường, vì tôi không theo dõi và không kết bạn với Facebook của GS Châu. Tôi chỉ vào theo dõi khi cư dân mạng xôn xao về một status nào đó của GS Ngô Bảo Châu.”
Họa sỹ Lê Quảng Hà: “Đa phần trí thức ở Việt Nam họ tránh bộc lộ ý kiến cá nhân một cách trực tiếp. Ngô Bảo Châu là số hiếm dám bộc lộ chính kiến của mình (có thể đúng có thể sai). Hơn nữa tên tuổi Ngô Bảo Châu gắn liền với sự chính xác của toán học và là niềm tự hào của rất nhiều người Việt Nam. Chính vì thế Châu có uy tín và lượng người theo dõi rất lớn.
Chính vì lý do đó không chỉ Ngô Bảo Châu mà mỗi khi thiếu vắng những cây bút phản biện sắc sảo tôi đều thấy buồn.”
BBC News Tiếng Việt: Theo ông, Giáo sư Châu có chịu áp lực nào không?
Tiến sỹ Nguyễn Kỳ Nam: “Tôi tin là GS Châu có chịu áp lực không ít thì nhiều. Tôi không biết có nên so sánh việc GS Châu đóng Facebook với việc Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS), một viện nghiên cứu chính sách tư nhân độc lập đầu tiên ở Việt Nam giải thể đúng hai năm sau khi thành lập.”
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện: “Tôi nghĩ là có, rất nhiều status của ông Châu đã lan toả và ảnh hưởng lớn; và rồi gây áp lực trở lại với ông ấy.”
Họa sỹ Lê Quảng Hà: “Việc này thì chỉ có Ngô Bảo Châu mới có thể trả lời. Còn nói cho cùng thì mỗi công dân Việt Nam đều là một người tù dự khuyết.”
BBC News Tiếng Việt: Nếu trí thức vắng bóng hết trên Facebook thì tác động của việc đó với công chúng là gì?
Tiến sỹ Nguyễn Kỳ Nam: “Nếu chúng ta xem trí thức là các giáo sư, tiến sĩ nói chung thì việc họ vắng bóng trên Facebook không có tác dụng gì cả. Tuy nhiên nếu chúng ta xem trí thức là những người dám dùng tri thức của mình để phản biện các vấn đề kinh tế, xã hội… như kỳ vọng của Karl Marx về người trí thức thì việc vắng bóng của họ là một thiệt thòi lớn cho dân chúng.”
Một phát biểu của GS Ngô Bảo Châu hồi 2010 đã gây tranh cãi ở VN (Hình của BBC/GETTY IMAGES)
Ông Nam còn nói: “Rõ ràng người thốt lên câu: “Có quý mến ai thì mong họ thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” hoặc “Số tiền này đủ để xây toàn bộ trường, các ký túc xá cho Sơn La và các tỉnh miền núi. Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh” chỉ có thể là GS Ngô Bảo Châu chứ không phải là bất cứ giáo sư nào.”
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện: “Trí thức là tầng lớp có chuyên môn cao, tầm hiểu biết về xã hội rộng, diện tiếp xúc bao quát, nên họ nắm vấn đề nhanh và luôn muốn đưa ra ý kiến giải pháp cho một câu hỏi nào đó của xã hội. Họ lại có một khả năng thiên phú là biết phân tích và tổng hợp nên đưa ta dự báo rất tốt, có nhiều khi như là lời tiên tri.”
Ông Diện còn cho rằng: “Ý kiến của họ được chia sẻ, đồng thời với việc dân trí được khai sáng và chấn hưng. Vì thế việc vắng bóng các nhà trí thức trên không gian mạng xã hội trước hết là thiệt cho dân, sau đó là cho nhà cầm quyền (ở đây là các nhà cầm quyền lành mạnh, tử tế).”
Họa sỹ Lê Quảng Hà: “Truyền thông nhà nước đang muốn biến dân tộc này thành một bày cừu. Không ai khác trí thức Việt Nam phải chịu trách nhiệm chuyện này. Facebook hiện giờ là kênh có nhiều người Việt Nam theo dõi nhất, nên những trí thức còn nặng lòng hãy tận dụng nó như một kênh thông tin để khai thông dân trí. Nếu trí thức Việt Nam từ chối trách nhiệm này, thì hãy chấp nhận ta và con em ta là những con cừu.”
BBC News Tiếng Việt: Ông đánh giá về môi trường Facebook Việt Nam như thế nào?
Tiến sỹ Nguyễn Kỳ Nam: “Gần đây tôi khá thất vọng về môi trường Facebook Việt Nam. Trang của tôi thỉnh thoảng bị đánh phá và tài khoản Facebook của tôi bị cảnh báo về những lý do không thuyết phục, một số bình luận của tôi trên một số diễn đàn được trả lời một cách vô văn hoá hoặc bị xoá một cách vô lý. Tôi thấy nhà nước đã rất thành thực khi chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ ngày 25/12/2017 là ‘hiện nhân sự Lực lượng 47 đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, “vừa hồng vừa chuyên”, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao.”
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện: “Đánh giá về môi trường Facebook Việt Nam hiện nay thì tôi thấy cũng khá ổn. Bản thân Facebook không vấn đề gì! Nhưng người quản lý và người chơi Facebook Việt Nam thì có vấn đề thực sự.”
Người Việt Nam có thói quen bàn luận thời sự ở quán xá (Hình của GETTY IMAGES)
Họa sĩ Lê Quảng Hà: ”Mỗi người đều có những quan niệm khác nhau về một vấn đề đó mới là xã hội. Tất nhiên tôi cũng thấy trên Facebook rất nhiều điều nhảm nhí, học hay tìm kiếm kiến thức thì còn rất nhiều kênh khác. Nhưng theo tôi được biết đến thời điểm này lượng người tham gia Facebook ở Việt Nam là lớn nhất, hơn nữa giao diện chia sẻ theo cấp số nhân, như vết dàu loang nên tính truyền tin của nó rất cao. Ai cũng kêu ca về dân trí. Nhưng nơi dân chúng tập chung đông nhất họ lại tránh xa là sao?”
Nổi tiếng trên thế giới trong giới khoa học
Giáo sư Ngô Bảo Châu sinh 1972, quốc tịch Pháp và Việt Nam. Ông được nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Toán học Field 2010, tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại nhiều đại học trên thế giới, trong đó có Đại học Chicago, Hoa kỳ.
Ông cũng là Giám đốc khoa học của Viện nghiên cứu cao cấp về toán, thuộc Bộ Giáo dục.
Hồi 2016, Giáo sư Ngô Bảo Châu vừa quyết định hiến toàn bộ tiền thưởng giải Fields năm 2010 để tài trợ cho Tạp chí Pi dành cho các học sinh, sinh viên yêu toán.
Ông có nhiều phát biểu nổi tiếng trên mạng xã hội và được truyền thông chính thống trích đăng.
GS Ngô Bảo Châu cũng như các trí thức người Việt ở nước ngoài đã có rất nhiều sáng kiến để thúc đẩy cải tổ giáo dục Việt Nam nhưng ông thừa nhận “có lúc rất nản, khi thấy hiệu quả công việc không tương xứng với nỗ lực”.
Tuy vậy, theo quan sát của BBC News Tiếng Việt thì số fan của trang Facebook của GS Châu và các nhà khoa bảng Việt Nam thấp hơn nhiều so với trang của các danh hài, diễn viên, người mẫu ở Việt Nam.
Một số người như ca sỹ Thủy Tiên chẳng hạn có hơn 10 triệu fan đăng ký vào xem trang Facebook hoặc kênh YouTube của họ.
Theo BBC tiếng Việt ngày 28/6/2021
Be the first to comment