Iran Có Tân Tổng Thống – Virus Biến Thể Delta Lan Tràn – TCPV Hoa Kỳ Bác Đơn Kiện Đòi Hủy Bỏ Obamacare

TÂN TỔNG THỐNG IRAN KHÔNG MUỐN NÓI CHUYỆN VỚI TT MỸ

Hôm Thứ Sáu tuần rồi, nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran tổ chức bầu cử để tìm người kế nhiệm Tổng Thống Hassan Rouhani (sắp kết thúc nhiệm kỳ thứ nhì). Kết quả cho thấy giáo sĩ kiêm cựu thẩm phán Ebrahim Raisi, 60 tuổi, đã thắng cả ba đối thủ với tỷ số phiếu rất cao (gần 62%) và được giới quan sát mô tả sẽ là một Tổng Thống đại diện cho khuynh hướng “cứng rắn” trong hàng ngũ lãnh đạo của Iran, báo trước những tình huống căng thẳng với khối Tây phương trong thời gian sắp tới.

Ngay tại cuộc họp báo đầu tiên vào sáng Thứ Hai 21 tháng 6, Tổng Thống tân cử Raisi đã cho thấy lập trường chính trị cứng rắn này khi ông ta trả lời dứt khoát là sẽ không gặp Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden, không thương thuyết về chương trình nguyên tử của Iran, và không nhượng bộ trước áp lực quốc tế đòi hỏi giới hạn việc hỗ trợ những lực lượng võ trang thân Iran tại Lebanon, Iraq và Yemen.

Theo các bản tin thông tấn, giáo sĩ Ebrahim Raisi là một đàn em thân tín của Đại Giáo Chủ Ayatollah Ali Khamenei, vị lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran. Do mối quan hệ này, một số đối thủ chính trị thuộc khuynh hướng “ôn hòa” đã bị tay chân của Đại Giáo Chủ Khamenei bác bỏ đơn khi họ muốn ra tranh cử Tổng Thống, nhờ đó mà ông Raisi chiến thắng dễ dàng.

Nhưng cũng chính vì hiện tượng phe đảng lộ liễu như vậy nên hàng triệu người dân Iran đã chán nản không muốn đi bầu, đưa tới hậu quả là chỉ có 28.9 triệu cử tri đến phòng phiếu hôm 18 tháng 6, một con số thấp kỷ lục so với dân số toàn quốc (83 triệu người). Đặc biệt nhất là tỷ lệ cử tri ở thủ đô Tehran chỉ đạt được 34% (chưa bằng phân nửa tỷ lệ cử tri những năm trước) và các thông tín viên quốc tế ghi nhận có rất nhiều phòng phiếu vắng hoe suốt từ sáng đến chiều.

Bài phát biểu đầu tiên của Tổng Thống tân cử Ebrahim Raisi cho thấy thái độ mâu thuẫn khi đề cập đến Thỏa Ước Hạt Nhân JCPOA năm 2015. Một mặt ông Raisi cam kết phục hoạt thỏa ước – nhằm cứu vãn nền kinh tế Iran đang khốn đốn vì biện pháp chế tài của Hoa Kỳ – nhưng mặt khác lại không chịu nhượng bộ trước đòi hỏi hạn chế chương trình nguyên tử cũng như giới hạn việc hỗ trợ các lực lượng võ trang thân Iran tại vùng Vịnh Ba Tư. Ông Raisi khẳng định “không có chuyện thương lượng”, và tuyên bố một cách ngang ngược là “Mỹ có bổn phận phải gỡ bỏ những biện pháp chế tài đang áp đặt đối với Iran”.

Tưởng cần nhắc lại, ngày 14 tháng 7 năm 2015 Iran ký kết Thỏa Ước Hạt Nhân JCPOA (viết tắt của Joint Comprehensive Plan of Action tức Chương Trình Hành Động Chung) với Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Đức, Trung Cộng và Liên Hiệp Âu Châu. Thỏa ước này buộc Iran phải hạn chế chương trình nguyên tử để không chế tạo được vũ khí hạt nhân – cụ thể là Iran phải cắt giảm 98% trữ lượng uranium, chỉ được làm giàu uranium tới mức 3.67% trong vòng 15 năm, và cho phép đoàn thanh tra thuộc Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc (IAEA, tức International Atomic Energy Agency) đến kiểm soát tại chỗ. Đổi lại, các cường quốc Tây phương đồng ý gỡ bỏ các biện pháp chế tài đối với Iran, tháo khoán hàng tỷ dollars bị phong tỏa để giúp Iran phục hồi nền kinh tế đang xuống dốc thảm hại.

Vào tháng 4 và tháng 7 năm 2017, căn cứ theo phúc trình của IAEA và nhận định của Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis, Tổng Thống Donald Trump xác nhận Iran đã thực hiện đúng thỏa ước, nhưng đến tháng 10 thì từ chối tiếp tục xác nhận, yêu cầu Quốc Hội Hoa Kỳ cùng các quốc gia ký thỏa ước phải bổ sung một số điều khoản để ràng buộc trách nhiệm của Iran một cách chặt chẽ hơn. Đến ngày 8 tháng 5 năm 2018 Tổng Thống Trump tuyên bố Hoa Kỳ đơn phương rút ra khỏi Thỏa ước JCPOA, đồng thời áp đặt trở lại các lệnh chế tài, đặc biệt là biện pháp ngăn chận xuất cảng dầu thô – nguồn lợi lớn nhất của Iran – khiến nền kinh tế Iran ngay tức khắc bị suy giảm 10%. Mặc dù Pháp, Anh, Nga, Đức, Trung Cộng và Liên Hiệp Âu Châu tuyên bố vẫn duy trì và tôn trọng thỏa ước, nhưng trên thực tế các quốc gia châu Âu đều phải tạm ngưng giao dịch với Iran vì e ngại lệnh chế tài của Hoa Kỳ gây bất lợi cho những hoạt động thương mại trong nước họ.

Đúng một năm sau đó, ngày 8 tháng 5 năm 2019, Iran tuyên bố không còn bị ràng buộc với Thỏa Ước JCPOA, bắt đầu tích trữ uranium và tái khởi động chương trình làm giàu uranium, từ mức 3.67% tăng lên 4.5%, rồi 5%. Đầu năm nay (2021), các chuyên gia nguyên tử của Liên Hiệp Quốc ước lượng rằng với đà này, Iran sẽ chỉ cần khoảng 3 tháng nữa là có đủ khả năng chế tạo bom nguyên tử.

Ngày 6 tháng 4 năm 2021, Iran đồng ý cử đại diện đến tham dự hội nghị tại thủ đô Vienna của Vương Quốc Áo với đại diện của Pháp, Anh, Nga, Đức, Trung Cộng và Liên Hiệp Âu Châu, nhằm mục đích thảo luận về việc phục hoạt và thi hành Thỏa Ước JCPOA. Phái đoàn Hoa Kỳ cũng có mặt nhưng chỉ theo dõi và đóng góp ý kiến qua trung gian phái đoàn Pháp chứ không trực tiếp tham dự. Hội nghị chưa đạt được bước tiến cụ thể nào. Trưởng phái đoàn Mỹ là Đặc Sứ Robert Malley cho rằng trước hết Iran cần chứng tỏ thiện chí, trong khi đó Ngoại Trưởng Iran là Mohammad Javad Zarif cũng khăng khăng nói rằng chính phủ Mỹ phải gỡ bỏ các biện pháp chế tài trước khi đòi hỏi Iran thực hiện cam kết của họ.

Trở lại với việc giáo sĩ Ebrahim Raisi – nhân vật đại diện cho khuynh hướng “cứng rắn”, đàn em thân tín của Đại Giáo Chủ Ayatollah Ali Khamenei – vừa đắc cử Tổng Thống và sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào tháng 8 tới đây. Giới quan sát thời cuộc tin rằng ông Raisi thật sự không phải là người có toàn quyền quyết định chính sách ngoại giao của Iran, tuy nhiên việc ông ta bổ nhiệm nhân vật thay thế Ngoại Trưởng Zarif chắc chắn sẽ mang lại những yếu tố mới trong cuộc thương thuyết trên bàn hội nghị ở Vienna. Một chuyên gia về Iran là giáo sư Barbara Slavin (giám đốc chương trình nghiên cứu mang tên “Future of Iran Initiative” của tổ chức Atlantic Council) nhận định: “Tổng Thống đương nhiệm Hassan Rouhani được coi là một chính trị gia có khuynh hướng cải cách và sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ. Nhưng Tổng Thống tân cử Ebrahim Raisi cần chứng tỏ ông ta là một nhân vật theo chủ nghĩa quốc gia và do đó sẽ thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với khối Tây phương”.

Tại Hoa Thịnh Đốn, khi được hỏi về việc ông Raisi tuyên bố không muốn gặp Tổng Thống Biden, Tùy Viên Báo Chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki trả lời rằng Hoa Kỳ “vốn không có quan hệ ngoại giao với Iran, cũng không có kế hoạch họp hội nghị thượng đỉnh”, do đó việc Iran vừa có Tổng Thống tân cử chẳng làm thay đổi gì cả. Bà Psaki nói thêm là theo quan điểm của Tổng Thống Biden, “người có quyền quyết định ở Iran trước cuộc bầu cử, sau cuộc bầu cử và trong tương lai” lúc nào cũng vẫn chỉ là Đại Giáo Chủ Khamenei.

Thêm một vấn đề rắc rối khác liên quan đến nhân vật vừa đắc cử Tổng Thống Iran: Tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Amnesty International đang kêu gọi thế giới mở cuộc điều tra nhắm vào Ebrahim Raisi, vì có bằng chứng cho thấy ông giáo sĩ này đã phạm những “tội ác chống nhân loại”. Chuyên gia Alireza Nader của sáng hội Foundation for Defense of Democracies nói thẳng với đài NPR: “Ông ta là một tên sát nhân hàng loạt”, và giải thích: “Các nhân vật lãnh đạo Iran từ trước tới nay đều ít nhiều có nhúng tay vào máu, kể cả Hassan Rouhani. Nhưng riêng Raisi phải chịu trách nhiệm về việc ra lệnh xử tử hình khoảng 8,000 tù nhân chính trị hồi năm 1988. Đã vậy mà khi được hỏi về vụ này trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi thắng cử, ông ta còn tỏ ra hãnh diện, nói rằng đó là hành động để bảo vệ nhân quyền, bảo vệ an ninh, bảo vệ cách mạng”.

Theo bản phúc trình năm 1990 của Amnesty International thì chế độ cầm quyền tại Iran – lúc đó dưới sự lãnh đạo của Đại Giáo Chủ Ayatollah Ruhollah Khomeini – chấp nhận ngưng bắn theo đề nghị của Liên Hiệp Quốc để chấm dứt cuộc chiến với lực lượng võ trang Mujahedeen-e-Khalq, là lực lượng kháng chiến được Saddam Hussein giúp đỡ để tràn từ Iraq qua lãnh thổ Iran. Ngưng bắn xong, Iran thành lập các “ủy ban hành quyết”, dàn dựng phiên tòa để xử bắn tất cả những tù binh nào tự xưng là “mujahedeen”, còn những tù binh nào không tự xưng như vậy thì bị đưa vào các toán gỡ mìn. Người ta ước tính hồi năm 1988 đã có từ 5,000 đến 8,000 tù binh thiệt mạng. Ebrahim Raisi chính là Phụ tá Chánh Biện lý của Iran với nhiệm vụ chỉ huy các ủy ban hành quyết.

Tân Thủ Tướng Do Thái Naftali Bennett đã nhắc đến vụ hành quyết tập thể này khi ông lên tiếng cảnh giác các cường quốc “hãy thức tỉnh trước khi tính chuyện phục hoạt Thỏa Ước Hạt Nhân với Iran”, vì nhân vật vừa đắc cử Tổng Thống “là thành viên của một chế độ sát nhân tàn bạo”.

VIRUS BIẾN THỂ DELTA LÂY LAN VỚI TỐC ĐỘ ĐÁNG SỢ

Hôm Thứ Ba tuần này Tòa Bạch Ốc xác nhận mục tiêu chích ngừa Covid-19 cho 70% dân Mỹ như Tổng Thống Biden loan báo sẽ không thể đạt được trước ngày Lễ Độc Lập July 4th, đồng thời các chuyên viên y tế hàng đầu lên tiếng báo động về virus biến thể Delta đang lây lan với mức độ rất nhanh, có thể trở thành mối đe dọa cho nước Mỹ trong vài tuần lễ sắp tới.

Delta là tên được đặt cho chủng loại Coronavirus biến thể mang mã số B.1.617.2, thoạt đầu xuất hiện tại Ấn Độ và gây ra đợt bùng phát dữ dội hồi tháng 4 và tháng 5, giết chết 391,000 người. Sau đó virus biến thể này tiếp tục lan tới 80 quốc gia khác bao gồm Anh, Mỹ, Trung Hoa Lục Địa cùng một số nước ở Phi Châu và Bắc Âu.

Bác sĩ Maria Van Kerkhove, người đứng đầu nhóm khoa học gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) báo động rằng virus biến thể Delta lây lan với tốc độ kinh hoàng, mau gấp đôi Alpha (tức virus biến thể B.1.1.7 ở Anh Quốc), nên các bệnh viện trên thế giới rất dễ bị rơi vào tình trạng tràn ngập với số người bị lây nhiễm cần chữa trị khẩn cấp.

Riêng tại Hoa Kỳ, tin tức cho biết tính đến ngày 17 tháng 6 Delta đã xuất hiện ở 37 tiểu bang, khiến Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) phải quyết định nâng cấp độ của Delta trong bảng xếp hạng các virus biến thể từ “đáng lưu ý” (variant of interest) lên “đáng quan ngại” (variant of concern). Trả lời phỏng vấn trên chương trình “Good Morning America”, bác sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC nói rằng virus biến thể Delta “là nguy cơ lớn nhất” khiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Ba tuần này, bác sĩ Anthony Fauci (Giám đốc Viện Nghiên Cứu Dị Ứng và Bệnh Truyền Nhiễm Toàn Quốc – NIAID) xác nhận là virus biến thể Delta rất nguy hiểm vì lây lan mau hơn và có thể gây bệnh trạng nặng hơn so với Coronavirus nguyên thủy. Theo số liệu của CDC thì vào ngày 22 tháng 5 số người bị lây nhiễm virus biến thể Delta mới chỉ chiếm 2.7% tổng số bệnh nhân Covid, qua tới ngày 5 tháng 6 tăng lên thành 9.9%, nhưng đến ngày 22 tháng 6 thì tỷ lệ này đã lên tới 20.6%, có nghĩa là tăng gấp đôi chỉ trong vòng hai tuần lễ. Với đà này, bác sĩ Fauci lo ngại rằng tình hình nước Mỹ có thể giống như nước Anh, nghĩa là virus biến thể Delta sẽ làm bùng phát một đợt đại dịch mới.

Tuy nhiên vẫn theo lời bác sĩ Fauci, các loại vaccine được Cơ Quan FDA chuẩn thuận để chích ngừa cho dân chúng Mỹ – gồm vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson – đều có tác dụng hữu hiệu để chống lại virus biến thể Delta. Do đó, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi lo ngại nhất là về những người chưa chích ngừa đầy đủ. Bởi vì nếu chưa chích ngừa đầy đủ thì họ vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm”.

Một cuộc nghiên cứu của giới y tế tại Tô Cách Lan (Scotland) cũng cho thấy hai liều thuốc chích ngừa có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại virus biến thể Delta, mặc dù mức độ hữu hiệu của vaccine đối với virus biến thể Delta (B.1.617.2) có thể thấp hơn so với virus biến thể Alpha (B.1.1.7). Đi vào chi tiết, vaccine của Pfizer / BioNTech hữu hiệu ở mức 79% để chống biến thể Delta so với mức 92% để chống biến thể Alpha, trong khi vaccine của AstraZeneca / Oxford hữu hiệu 60% để chống biến thể Delta so với 73% để chống biến thể Alpha. Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet ngày 14 tháng 6 được đúc kết từ cuộc khảo sát 19,543 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và 377 trường hợp nhập viện, trong số đó có 7,723 trường hợp lây nhiễm và 134 trường hợp nhập viện do virus biến thể Delta.

Cuộc nghiên cứu nói trên được thực hiện tại Âu Châu, là nơi chuẩn thuận hai loại vaccine của Pfizer và AstraZeneca. Hiện chưa có kết quả nghiên cứu tác dụng của hai loại vaccine đã được chuẩn thuận ở Mỹ (ngoài vaccine của Pfizer) là Moderna và Johnson & Johnson.

Tình hình lây lan của virus biến thể Delta làm dấy lên mối lo ngại cho các phụ huynh, vì chỉ còn hai tháng nữa là đến mùa khai trường, các trẻ em sẽ đi học trở lại, nhưng hiện nay chính phủ Hoa Kỳ mới chỉ bắt đầu chương trình chích ngừa Covid-19 cho các thiếu nhi từ 12 đến 16 tuổi. Tại cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc hôm 22 tháng 6, khi được hỏi “làm cách nào để bảo vệ các trẻ em dưới 12 tuổi trước nguy cơ lây nhiễm virus biến thể Delta”, bác sĩ Anthony Fauci trả lời rằng “cách tốt nhất để chúng ta bảo vệ cho trẻ em” vào thời điểm này là “làm giảm mức lây lan của virus trong cộng đồng”, và nếu muốn đạt mục đích đó thì “tất cả những người lớn hiện chưa chích ngừa hãy đi chích ngừa càng sớm càng tốt”. Ông Fauci nói thêm: “Chúng ta có võ khí chống lại đại dịch, vậy thì chúng ta hãy dùng võ khí ấy để chiến thắng đại dịch”.

Cũng vào hôm Thứ Ba tuần này, cố vấn cao cấp của Tòa Bạch Ốc về công tác phòng chống đại dịch Covid-19 là ông Jeffrey Zients xác nhận với báo chí rằng phải thêm vài tuần lễ nữa mới có thể hoàn tất việc chích ngừa cho 70% dân chúng Mỹ, nói cách khác là không thể đạt được mục tiêu “trước ngày Lễ Độc Lập July 4th” như Tổng Thống Biden loan báo. Một trong những lý do khiến chính phủ Mỹ không đạt được mục tiêu là vì số người chích ngừa càng lúc càng giảm, từ con số cao nhất là 3 triệu người mỗi ngày hồi đầu tháng 4 và con số trung bình 880,000 người mỗi ngày trong tháng 5, bây giờ chỉ còn khoảng 332,000 người mỗi ngày.

Một cuộc thăm dò dư luận do Kaiser Family Foundation Polls thực hiện cho thấy cứ 5 người lớn ở Mỹ thì có 1 người nói rằng sẽ không chích ngừa hoặc chỉ chích ngừa khi bị bắt buộc. Trong số những người trả lời như vậy, tỷ lệ cao nhất được ghi nhận ở một số thành phần dân chúng – như cử tri ủng hộ đảng Cộng Hòa, người Mỹ da trắng theo đạo Tin Lành (white Evangelical Christians), giới trẻ, và cư dân ở các vùng thôn quê.

Kể từ khi Cơ Quan FDA chuẩn thuận vaccine của Pfizer vào ngày 14 tháng 12 năm 2020 và chương trình chích ngừa được phát động trên toàn quốc, chính phủ Mỹ đã phân phối trên 319 triệu liều vaccine đến các tiểu bang và vùng lãnh thổ. Theo số liệu thống kê của CDC, tính đến ngày 23 tháng 6 đã có 45.4% dân số toàn quốc, tức hơn 150 triệu người (con số cụ thể là 150,787,303 người) được chích ngừa đầy đủ, và 53.6% dân số toàn quốc, tức 177,948,892 người, được chích ít nhất một liều vaccine.

TỐI CAO PHÁP VIỆN HOA KỲ BÁC ĐƠN KIỆN ĐÒI HỦY BỎ OBAMACARE

Hôm Thứ Năm tuần rồi, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã công bố phán quyết (lần thứ ba kể từ năm 2010) bác bỏ đơn kiện của Texas và 17 tiểu bang đảng Cộng Hòa yêu cầu vô hiệu hóa đạo luật bảo hiểm y tế Affordable Care Act, thường được gọi là Obamacare.

Bản tin thông tấn AP ghi nhận rằng, sau hơn mười năm trời đảng Cộng Hòa liên tục thất bại trong nỗ lực hủy bỏ Obamacare – qua những cuộc biểu quyết tại Quốc Hội và qua những vụ tranh chấp pháp lý từ tòa dưới lên tới Tòa Tối Cao – phán quyết ngày 17 tháng 6 là tín hiệu mới nhất để nhắc nhở họ cần phải thay đổi chiến thuật nếu vẫn muốn dùng vấn đề cải tổ bảo hiểm y tế để thu hút lá phiếu của người dân Mỹ.

Điều đáng chú ý về phán quyết lần này là mặc dù thành phần Thẩm Phán thuộc khuynh hướng bảo thủ đang chiếm đa số (6-3) tại Tối Cao Pháp Viện, thế nhưng hai trong số ba Thẩm Phán do cựu Tổng Thống Donald Trump bổ nhiệm lại tán đồng quan điểm của các Thẩm Phán thuộc khuynh hướng cấp tiến, đưa tới kết quả biểu quyết 7-2.

7 người đồng ý bác bỏ đơn kiện và duy trì Obamacare là các Thẩm Phán Stephen Breyer, Sonia Sotomayor, Elena Kagan, John Roberts, Clarence Thomas, Brett Kavanaugh, Amy Coney Barrett. 2 người không đồng ý là các Thẩm Phán Samuel Alito và Neil Gorsuch.

Vụ kiện này được ghi trong hồ sơ của Tối Cao Pháp Viện là “California et al. v. Texas et al.” nhưng bao gồm luôn cả vụ kiện “Texas et al. v. California et al.”. Thoạt đầu nguyên đơn gồm Texas cùng 17 tiểu bang khác khởi tố trước Tòa Liên Bang quản hạt bắc Texas và thắng kiện vào cuối năm 2018. Qua năm 2019 California cùng 20 tiểu bang khác nộp đơn kháng cáo, nhưng vì phán quyết của Tòa Kháng Án Liên Bang tại New Orleans không có kết luận ngã ngũ nên sau cùng vụ kiện được các tụng phương đưa lên Tối Cao Pháp Viện vào đầu năm 2020.

Tưởng cần nhắc lại, luật bảo hiểm y tế ACA (Affordable Care Act, tức Obamacare) được Quốc Hội biểu quyết thông qua và Tổng Thống Barack Obama ký ban hành ngày 23 tháng 3 năm 2010. Điều khoản trong luật mà Tòa Tối Cao nhắc tới, rất quan trọng và gây nhiều tranh cãi, là “sự bắt buộc đối với cá nhân” (individual mandate), đòi hỏi mọi người dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế nếu không sẽ bị phạt tiền thuế lên tới $695 dollars.

Từ năm 2010 đến nay Obamacare vẫn bị các chính trị gia đảng Cộng Hòa chỉ trích kịch liệt, nhưng hơn 60 cuộc vận động tại Quốc Hội để hủy bỏ (repeal) một phần hoặc toàn bộ đạo luật này đều không thành công, ngay cả khi đảng Cộng Hòa kiểm soát cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện. Nỗ lực sau cùng để thông qua dự luật thay thế mang tên “Health Care Freedom Act” đã thất bại khi đưa ra biểu quyết tại phiên khoáng đại Thượng Viện vào ngày 28 tháng 7 năm 2017, vì ba Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa (Susan Collins, Lisa Murkowski, John McCain) bỏ phiếu chống.

Đảng Cộng Hòa cũng không thành công với những vụ tranh tụng từ các tòa dưới lên tới Tối Cao Pháp Viện để yêu cầu hủy bỏ Obamacare. Phán quyết đầu tiên của Tòa Tối Cao là vào năm 2012, kết luận rằng điều khoản quy định tiền thuế phạt đối với cá nhân (individual mandate) không vi hiến, vì Quốc Hội có quyền làm luật về thuế. Đến năm 2015 Tòa Tối Cao công bố phán quyết – lần thứ nhì – rằng các tiểu bang có quyền dùng ngân sách tài trợ của liên bang để trả tiền bảo hiểm theo quy định trong luật Obamacare.

Cuộc tranh tụng lần thứ ba bắt nguồn từ việc đạo luật Cắt Giảm Thuế (Tax Cuts and Jobs Act) được Quốc Hội thông qua và Tổng Thống Donald Trump ký ban hành ngày 22 tháng 12 năm 2017, trong đó có điều khoản giảm mức thuế phạt nếu không mua bảo hiểm xuống số không, tức gián tiếp bãi bỏ điều khoản “individual mandate” của luật Obamacare.

Dựa trên luật thuế mới, Chánh Biện Lý Ken Paxton của Texas cùng 17 tiểu bang khác nộp đơn khởi tố với mục đích yêu cầu tòa tuyên bố điều khoản “individual mandate” vi hiến, và do đó toàn bộ luật Obamacare phải bị hủy bỏ. Tuy nhiên khi California và 20 khác tiểu bang nộp đơn kháng cáo, ba vị thẩm phán của Tòa Kháng Án Liên Bang (Court of Appeals for the Fifth Circuit) đã chỉ tuyên bố vào ngày 18 tháng 12 năm 2019 là đồng ý về tính chất vi hiến của điều khoản “individual mandate” mà không kết luận rằng toàn bộ luật Obamacare cũng vi hiến. Do đó cuộc tranh tụng lại một lần nữa lên tới Tối Cao Pháp Viện, và cuối cùng đã được giải quyết qua phán quyết ngày 17 tháng 6 vừa qua.

Theo luận cứ của đa số (do Thẩm Phán Stephen Breyer viết) thì phán quyết ngày 17 tháng 6 kết luận rằng các nguyên đơn không chứng minh được sự thiệt hại quyền lợi cụ thể nên không có cơ sở pháp lý để đòi hỏi hủy bỏ luật ACA vì một điều khoản mà họ cho là vi hiến, do đó Tối Cao Pháp Viện đảo ngược và vô hiệu hóa phán quyết của Tòa Kháng Án Liên Bang, và khuyến cáo bãi bỏ vụ kiện này. (For these reasons, we conclude that the plaintiffs in this suit failed to show a concrete, particularized injury fairly traceable to the defendants’ conduct in enforcing the specific statutory provision they attack as unconstitutional. They have failed to show that they have standing to attack as unconstitutional the Act’s minimum essential coverage provision. Therefore, we reverse the Fifth Circuit’s judgment in respect to standing, vacate the judgment, and remand the case with instructions to dismiss. It is so ordered).

Các hãng thông tấn và giới truyền thông ghi nhận rằng phán quyết mới nhất này là một sự thất vọng đối với đảng Cộng Hòa, vì khi bà Amy Coney Barrett được Tổng Thống Donald Trump bổ nhiệm để điền khuyết ghế bỏ trống của cố Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg, hầu như ai cũng cho rằng bà Barrett – một chánh án có khuynh hướng bảo thủ và đã từng phê bình luận cứ của Thẩm Phán John Roberts về Obamacare hồi năm 2012 – sẽ biểu quyết để hủy bỏ đạo luật bảo hiểm y tế này. Nhưng thực tế cho thấy khi vụ tranh tụng lên tới Tối Cao Pháp Viện, Thẩm Phán Barrett lại tán đồng quan điểm của các Thẩm Phán thuộc khuynh hướng cấp tiến, thể hiện đúng những lời bà phát biểu trong buổi điều trần tại Thượng Viện ngày 13 tháng 10 năm ngoái: “Tôi không đến đây với sứ mạng hủy bỏ luật Affordable Care Act. Tôi không cam kết bất cứ điều gì với bất cứ ai, ở Thượng Viện cũng như ở Tòa Bạch Ốc, về quyết định của tôi trong các vụ tranh tụng mà Tối Cao Pháp Viện sẽ thụ lý”.

Cần ghi nhận thêm là ngoài Thẩm Phán Amy Coney Barrett còn có ba vị Thẩm Phán cũng thuộc khuynh hướng bảo thủ tại Tòa Tối Cao là John Roberts, Clarence Thomas và Brett Kavanaugh biểu quyết theo đa số để duy trì luật Obamacare, đưa tới tỷ số 7-2.

Phản ứng trước phán quyết ngày 17 tháng 6, đại diện nguyên đơn là Chánh Biện Lý Ken Paxton của tiểu bang Texas cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm mọi phương thức pháp lý để hủy bỏ luật Obamacare, vì theo quan điểm của ông Paxton: “Nếu chính phủ được phép đánh lạc hướng dư luận qua việc làm luật để giành độc quyền bảo hiểm y tế, mà vẫn được Tối Cao Pháp Viện đồng ý, thì những nguyên tắc bảo đảm thể chế Liên Bang và hạn chế quyền lực của chính phủ chẳng còn giá trị gì nữa”.

Chia xẻ quan điểm tương tự, hai Thượng Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa là Bill Hagerty và John Barrasso cùng lên tiếng chỉ trích Tòa Tối Cao đã không thừa nhận tính chất vi hiến của điều khoản “individual mandate” trong luật Obamacare, và kêu gọi Quốc Hội hãy “tập trung vào nỗ lực cải tổ bảo hiểm y tế”. Đồng thời tại Hạ Viện, ba nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa là các Dân Biểu Kevin McCarthy, Steve Scalise và Elise Stefanik cũng phổ biến bản lên tiếng chung, không đề cập đến việc tiếp tục vận động hủy bỏ Obamacare mà chỉ bày tỏ quan điểm như sau: “Mặc dù Tối Cao Pháp Viện cho rằng các tiểu bang không có cơ sở pháp lý để khởi tố, nhưng phán quyết này không làm thay đổi sự thật là luật Obamacare đã không thực hiện được những điều cam kết và đang gây thiệt hại cho biết bao nhiêu gia đình. Đây là lúc Quốc Hội cần phải làm việc để cùng nhau cải tổ bảo hiểm y tế cho dân chúng Hoa Kỳ. Quốc Hội không nên tiếp tục ủng hộ một đạo luật đã thất bại, hoặc tệ hơn nữa là chuyển qua một hệ thống bảo hiểm y tế theo chủ nghĩa xã hội để tước bỏ hoàn toàn quyền lựa chọn của người dân” – ngụ ý nhắc nhở về kế hoạch “Medicare for All” mà một số nhà lập pháp thuộc khuynh hướng cấp tiến trong đảng Dân Chủ đề xướng.

Trong khi đó những nhà lãnh đạo đương nhiệm của đảng Dân Chủ đồng loạt hoan nghênh phán quyết của Tối Cao Pháp Viện. Tổng Thống Joe Biden tuyên bố đây là “một thắng lợi lớn cho người dân Mỹ”, và nhắc nhở: “Hơn bao giờ hết, đây là ngày để mọi người lên trang mạng HealthCare.gov và ghi tên vào chương trình bảo hiểm y tế theo đạo luật Affordable Care Act”.

Ông Biden nói tiếp: “Thắng lợi của ngày hôm nay là cho tất cả những thiếu niên được tiếp tục hưởng bảo hiểm y tế của cha mẹ đến khi họ tròn 26 tuổi, cũng như cho hàng triệu gia đình có thu nhập thấp và những người tàn phế được chăm sóc sức khỏe nhờ đạo luật ACA nới rộng chương trình Medicaid ở tiểu bang nhà của họ”.

Thượng Nghị Sĩ Trưởng Khối Đa Số Chuck Schumer phát biểu: “Ngày hôm nay người dân Mỹ lại chiến thắng thêm một lần nữa. Đạo luật ACA vẫn được duy trì sau hơn 10 năm bị đảng Cộng Hòa tấn công dồn dập”.

Qua thông cáo báo chí, Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi tuyên bố: “Đạo luật Affordable Care Act vẫn đứng vững như một cột trụ để bảo đảm sự an toàn về sức khỏe cũng như kinh tế của nước Mỹ, bên cạnh các chương trình Medicare, Medicaid và An Sinh Xã Hội”.

Cựu Tổng Thống Barack Obama phổ biến bản lên tiếng ngắn gọn: “Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện vừa xác nhận lại một thực tế mà chúng ta đã biết từ lâu: đạo luật Affordable Care Act sẽ tiếp tục hiện hữu”.

Theo thống kê do một tổ chức phi đảng phái là Viện Nghiên Cứu Urban Institute thực hiện, hiện nay đã có khoảng 31 triệu người Mỹ ghi tên vào chương trình bảo hiểm y tế theo luật Obamacare. Vẫn theo tổ chức này thì nếu Obamacare bị hủy bỏ, ít nhất 20 triệu người sẽ mất bảo hiểm y tế, và mặt khác những công ty bảo hiểm tư nhân sẽ lại được quyền từ chối bán bảo hiểm sức khỏe cho những người có bệnh sẵn từ trước (pre-existing health conditions).

Về mặt dư luận, những cuộc thăm dò của công ty Kaiser Family Foundation cho thấy càng ngày đạo luật bảo hiểm y tế Obamacare càng thu hút sự ủng hộ của dân chúng Mỹ. Từ tháng 12 năm 2016 đến tháng 6 năm 2019, người dân nói chung không có thái độ rõ rệt: 46% ủng hộ Obamacare và 40% không ủng hộ. Nhưng qua đến tháng 2 năm 2020 thì thái độ đã thay đổi: 55% ủng hộ và 37% không ủng hộ. Và theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất vào tháng 5 năm nay (2021) thì 53% người trưởng thành ở Mỹ nói rằng họ ủng hộ Obamacare, so với 35% nói rằng họ không ủng hộ.

Nhận định về kết quả thăm dò nói trên, Chủ tịch điều hành công ty Kaiser là ông Drew Altman phát biểu: “Mặc dù không phổ thông và thiết yếu cho bằng Medicare hoặc Medicaid, nhưng rõ ràng luật bảo hiểm y tế Obamacare đang hiện hữu, và khởi đi từ một thành tựu chính trị mang tính chất đảng phái, Obamacare nay đã trở thành một chương trình quen thuộc để bảo vệ quyền lợi và thu hút sự ủng hộ rộng rãi trong dư luận dân chúng”.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, VOA, USA Today, Business Insider ngày 24/6/2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*