Đức Giám mục Phụ tá Mark O’Connell của TGP Boston (giữa), và Cha Phạm Quang Phong (giữa bên trái), cùng các giáo dân của Giáo xứ mới Chân phước Anrê Phú Yên (Ảnh của Kha Trần / Từ Báo Crux)
NEW YORK – Sau nhiều thập niên thỉnh nguyện, người Công Giáo Việt Nam tại Boston giờ đây có thể cử hành Bí tích Thánh Thể bằng tiếng mẹ đẻ với việc thành lập giáo xứ Việt Nam đầu tiên của Tổng giáo phận vào hôm Chúa Nhật 13 tháng 6.
Khoảng 600 tín hữu đã quỳ chật các hàng ghế của nhà thờ Saint Clement ở thành phố Medford – nay là một phần của tân Giáo xứ Chân phước Anrê Phú Yên. Đức Cha phụ tá Mark O’Connell của TGP Boston nói với tờ Báo Crux rằng ngài cảm thấy giống như “một ngày đại lễ” với một dàn hợp xướng lớn, nhiều trống và múa hát.
Cha Phạm Quang Phong, người được Đức Cha O’Connell giới thiệu là chánh xứ quản nhiệm vào ngày Chủ Nhật phát biểu: “Trong thánh lễ hôm qua, tôi thật tràn đầy lòng cảm kích về thời điểm và mọi thứ. Tôi vô cùng tạ ơn Thiên Chúa đã thực sự đáp lại lời van nài của người Công giáo Việt Nam và tôi nghĩ đây đúng là thời điểm hoàn hảo và chỉ có thần khí của Thiên Chúa mà bàn tay của Người xếp đặt trên mọi sự và ngời sáng trên khuôn mặt mọi người”.
“Mọi người đều thật vui, rất hạnh phúc”. Cha nhấn mạnh với Báo Crux.
Các em thiếu nhi tham gia biểu diễn trong tiệc mừng tại Giáo xứ Chân Phước Anrê Phú Yên vào Chủ Nhật, ngày 13 tháng 6 (Ảnh của Kha Tran / Từ Báo Crux)
Đức cha O’Connell lần đầu tiên nhận được yêu cầu thành lập một giáo xứ Việt Nam trong tổng giáo phận vào năm 2017, chưa đầy một năm sau khi ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá. Vào thời điểm đó, ngài chỉ mới hứa sẽ xem xét, nhưng cảnh báo rằng sẽ khó thành hiện thực trừ phi giáo dân sẵn sàng nhận trách nhiệm về mặt tài chính. Đáp lại, giáo dân Việt Nam chính thức đệ đơn lên Đức cha O’Connell xin thành lập một giáo xứ và cam kết sẵn sàng tài trợ cho giáo xứ đó.
Đức cha O’Connell nhớ lại: “Và rồi, tôi nhận được điện thoại từ tổng giáo phận mời đến họp khẩn cấp vì giáo xứ St. Clement đang xuống dốc. Tôi nghĩ, ‘tốt, người Việt Nam đang tìm kiếm một nhà thờ giáo xứ.’ Tôi gọi cho Đức Hồng Y Seán O’Malley và ngài rất mừng vì có được đường hướng giải quyết”.
Với sự hỗ trợ của giáo phận, Đức cha O’Connell nhận được sự đồng tình của các cộng đồng Việt Nam. Tiếp đó, vào tháng 8 năm ngoái, ngài đã bổ nhiệm cha Phạm Quang Phong đến giáo xứ để làm giảm bớt quan ngại của cộng đồng nói tiếng Anh ở đây.
Đầy chật giáo dân vào hôm Chủ nhật, ngày 13 tháng 6 tại nhà thờ St. Clement ở Medford, nay là một phần của Giáo xứ Chân phước Anrê Phú Yên (Ảnh của Kha Tran / Từ Báo Crux)
Cha Phạm Quang Phong cho biết: “Tôi nghĩ mối quan tâm chính của họ là liệu tôi có nói được tiếng Anh hay không và thứ hai là liệu tôi có thể đảm đương công việc hay không nhưng sau lần gặp đầu tiên đó, nỗi sợ hãi của họ được cất bỏ và sự lo lắng cũng dịu đi. Các giáo dân này thực sự đã cởi mở. Họ mở rộng lòng trước lời mời gọi của tinh thần thay đổi”.
Ông cũng thừa nhận rằng có nhiều thách thức tồn tại đối với cả cộng đồng nói tiếng Việt và tiếng Anh. Cộng đồng nói tiếng Anh trước đây có bốn thánh lễ, nay họ chỉ có một thánh lễ và một thánh lễ song ngữ; trong khi đó cộng đồng nói tiếng Việt phải đi xa để dự được một trong hai thánh lễ vào sáng Chúa nhật hoặc thánh lễ song ngữ vào buổi chiều.
Vì những lý do đó, cha Phong cho biết ông phải làm việc cật lực hơn để cho cả hai cộng đồng đều thấy rằng “tổng giáo phận rất quan tâm đến họ”.
Các giáo dân Việt Nam của giáo xứ đến từ ba cộng đồng trong tiểu bang Massachusetts – Chelsea, Malden và East Boston. Và mặc dù đây có thể là một động lực, cha Phong gọi đó là “giấc mơ trở thành hiện thực” cho những cộng đồng truyền thống riêng biệt này để cùng nhau ăn mừng. Ông cũng lưu ý về ý nghĩa tên mới của giáo xứ. Anrê Phú Yên là vị tử đạo Việt Nam đầu tiên.
Cha Phong hân hoan: “Thật là tuyệt vời”.
Linh mục Phạm Quang Phong (phải), đứng trước Giám mục Phụ tá Mark O’Connell của TGP Boston (trái). Cha Phong đã được Đức cha O’Connell bổ nhiệm làm chánh xứ của Giáo xứ Chân phước Anrê Phú Yên vào hôm Chủ nhật, ngày 13 tháng 6 (Ảnh của Kha Tran / Từ Báo Crux)
Tuy nhiên, có một lý do khiến giáo xứ bị thất bại trước khi quyết định này được đưa ra. Theo cha Phong, giáo xứ vẫn còn nợ khoảng nửa triệu đô la, nhưng cha xứ mới không nghĩ rằng ông phải lo lắng về điều đó nhiều hơn là tập trung vào số giáo dân trong toàn giáo xứ.
Cha nói với Báo Crux: “Tôi chỉ lo sao tôi phải có mặt khi giáo dân mở mắt chào đời. Tôi cũng ở đó để tiển họ vào Thiên đàng. Tôi nên hiện diện ở mọi lúc. Mặc dù chúng tôi mang nợ, nhưng tôi tin vào việc mời gọi mọi người trở lại nhà thờ và biết rằng Chúa tốt lành, Chúa nhân từ, và tổng giáo phận đang đứng sau lưng họ và tôi chỉ chú tâm vào điều đó rồi tiền bạc sẽ đến sau và nó đang đến”.
Dưới sự lãnh đạo của cha Phong, giáo xứ cũng đã tiếp tục đóng góp vào việc từ thiện bất kể đang gặp khó khăn về mặt tài chính. Giáo xứ dành ra bảy phần trăm số tiền dâng cúng hàng tuần cho tổ chức từ thiện ngoài việc quyên góp lương thực cho ngân hàng lương thực và cho Việt Nam, một cửa hàng tiết kiệm cho người nghèo sẽ sớm khai trương và xây dựng ba ngôi nhà ở Việt Nam.
Một quyết định xa khác của cha Phong là phải làm gì với hai tòa nhà làm trường học của giáo xứ đã đóng cửa vào năm 2017. Ông cho biết sẽ không bán các tòa nhà đó. Thay vào đó, kế hoạch của ông là biến nó thành một cơ sở hỗ trợ sinh hoạt cho người lớn tuổi, đặc biệt là người Việt Nam.
Ông nói: “Tôi muốn giữ mấy tòa nhà cho các thế hệ sau. Bán đi, chúng ta sẽ mất chúng. Đó chỉ là một vá víu tạm thời. Tôi đang tìm cách làm sao giáo xứ có thể duy trì được chúng trong nhiều năm tới”.
John Lavenburg
Phóng viên quốc gia
Twitter: @johnlavenburg
Ngày 15/6/2021
(Bản phỏng dịch của BBT/NVB)
Nguồn: https://cruxnow.com/church-in-the-usa/2021/06/archdiocese-of-boston-gets-first-vietnamese-parish/
Không biết là tin vui hay tin buồn vì” Theo Cha Phong, giáo xứ vẫn còn nợ nửa triệu đô la “! Lớp giáo dân trẻ họ đi lễ Mỹ vì hiểu được Anh – Ngữ và Nhà thờ gần nơi họ cư ngụ! Thành phần giáo dân lớn tuổi có khi cần chuyên chở nhau đi lễ lại lợi tức thấp thì làm sao đóng góp đủ cho chi phí thường nhật chứ nói chi trả nợ hay hỗ trợ các chương trình tại Việt-Nam? Bao nhiêu năm qua nhiều nơi giáo dân không dám nhận giáo xứ vì lý do tài chánh khi mà chỉ đóng góp tình nguyện !
Cầu xin Thiên-Chúa quan phòng ban xuống ơn lành cho Giáo xứ Andrê Phú-Yên!