Netanyahu Mất Chức Thủ Tướng Do Thái – Hội Nghị G-7 Kỳ 47 – Thượng Đỉnh Biden & Putin Ở Geneva

NETANYAHU MẤT CHỨC THỦ TƯỚNG DO THÁI

Sau bốn cuộc bầu cử được tổ chức trong vòng hai năm trời nhưng không đưa tới kết quả rõ rệt, 8 đảng chính trị của Do Thái cuối cùng đã đạt thỏa thuận thành lập chính phủ liên hiệp để có được đủ thế đa số so với đảng bảo thủ Likud trong Quốc Hội. Kết quả cuộc bỏ phiếu hôm Chủ Nhật 13 tháng 6 cho thấy tỷ lệ cách biệt 60/59, mặc dù rất sít sao, đã khiến cho lãnh tụ đảng Likud là ông Benjamin Netanyahu bị mất ghế Thủ Tướng và phải rời khỏi vị trí lãnh đạo sau 12 năm cầm quyền.

Theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực, Bộ Trưởng Naftali Bennett (49 tuổi, nhân vật đứng đầu đảng cực hữu Yamina) đã tuyên thệ để làm Thủ Tướng 2 năm đầu tiên, nghĩa là tới tháng 9 năm 2023. Sau đó, ông Bennett sẽ trao quyền lại cho Ngoại Trưởng Yair Lapid (57 tuổi, lãnh tụ đảng trung hữu Yesh Atid) làm Thủ Tướng hai năm kế tiếp.

Với kết quả cuộc bỏ phiếu, ông Benjamin Netanyahu tuy vẫn là nhân vật đứng đầu đảng chính trị lớn nhất của Do Thái nhưng phải rời bỏ ghế Thủ Tướng để trở thành lãnh tụ đối lập. Chính vì tỷ lệ cách biệt phiếu rất mong manh (60/59) nên khi kết thúc bài phát biểu hôm Chủ Nhật, ông Netanyahu tuyên bố “Chúng tôi sẽ hiên ngang đảm nhiệm vai trò đối lập”, và hứa hẹn “Chúng tôi sẽ trở lại để lãnh đạo đất nước”, trước khi bước tới bắt tay tân Thủ Tướng Bennett.

Giới quan sát ghi nhận rằng chính phủ liên hiệp, với sự tập hợp của 8 đảng – bao gồm cả đảng Raam của người Do Thái gốc Ả Rập – ngoài nhiệm vụ phục hồi nền kinh tế suy thoái vì đại dịch Covid-19, sẽ cần phải cố gắng vượt lên trên những khác biệt về ý thức hệ nếu muốn giữ thế đa số trong bốn năm sắp tới, bởi vì chỉ cần một đảng “xé rào” là đủ để đảng Likud chiếm thượng phong tại Quốc Hội Knesset và đưa ông Netanyahu trở lại cầm quyền.

Trong số các vấn đề dễ đưa tới bất đồng giữa 8 đảng, chính sách đối với người Palestine ở vùng Tây Ngạn sông Jordan (West Bank) là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất. Bên cạnh đó còn có những khác biệt trong chính sách về tôn giáo và chính sách về xã hội, chẳng hạn như một số đảng muốn công nhận hôn nhân đồng giới tính, nhưng đảng Raam của người Hồi Giáo quyết liệt phản đối, v.v…

Tưởng cần nhắc lại, ông Benjamin Netanyahu đã đạt kỷ lục với 5 nhiệm kỳ Thủ Tướng, nhiệm kỳ đầu từ 1996 đến 1999, rồi sau đó là 4 nhiệm kỳ liên tiếp kéo dài 12 năm, từ 2009 tới 2021. Hồi năm 2019 ông Netanyahu đã tổ chức bầu cử toàn quốc nhưng không có được sự ủng hộ để thành lập một chính phủ liên hiệp. Tiếp theo đó lại thêm hai cuộc bầu cử nữa được tổ chức mà cục diện chính trị vẫn không ngã ngũ, kể cả “chính phủ thống nhất quốc gia” với ông Bennett Gantz cũng thất bại. Để giải quyết bế tắc sau cuộc bầu cử lần thứ tư hồi tháng 3 năm nay, Tổng Thống Do Thái Reuven Riplin đã giao quyền thành lập chính phủ liên hiệp cho ông Yair Lapid. Sau nhiều tuần lễ đàm phán, ông Lapid đã đạt được thỏa thuận giữa 8 đảng (cả khuynh tả và khuynh hữu lẫn trung dung), tuy có rất nhiều khác biệt nhưng chung một mục tiêu duy nhất là đẩy ông Netanyahu ra khỏi vị trí quyền lực.

Trong hơn 10 năm nắm quyền Thủ Tướng, ông Netanyahu – thường được gọi bằng biệt danh Bibi – đã tạo được uy tín đáng kể trên sân khấu chính trị quốc tế. Ông khẳng định lập trường của Do Thái là chống lại việc thành lập quốc gia Palestine, không nhượng bộ trước những cuộc tấn công khủng bố của lực lượng Hamas (ngay cả với trận chiến 11 ngày ở Gaza Strip hồi tháng 5 vừa qua), và phần nào thành công trong việc xây dựng quan hệ với các nước khối Ả Rập để hợp sức đương đầu với Iran. Tuy nhiên về mặt đối nội thì uy tín của ông bị sứt mẻ khá nhiều vì không thành lập được chính phủ liên hiệp sau bốn cuộc bầu cử, và ngay cả những đồng minh thân tín của ông (như Bộ Trưởng Bennett) cũng bước qua phía đối lập. Hồi tháng 11 năm 2019 ông Netanyahu bị truy tố về tội tham nhũng và bội tín, nhưng chẳng những ông kiên quyết không từ chức mà còn tố cáo ngược lại giới tư pháp và truyền thông “âm mưu đảo chánh” để lật đổ chính phủ của ông. Tất cả những sự kiện này đã góp phần đưa tới việc bỏ phiếu hôm 13 tháng 6 vừa qua khiến đảng Likud mất thế đa số và ông bị mất ghế Thủ Tướng.

Phản ứng của thế giới đối với biến cố chính trị này ra sao? Các bản tin thông tấn cho biết Tổng Thống Joe Biden đã gửi lời chúc mừng tới hai tân Thủ Tướng Naftali Bennett, Yair Lapid, nói rằng “Hoa Kỳ mong muốn tăng cường mối quan hệ chặt chẽ và bền bỉ” giữa hai quốc gia, và “cam kết hợp tác với tân chính phủ Israel để củng cố an ninh, ổn định và hòa bình cho cả người dân Do Thái lẫn người dân Palestine”.

Đáp lời, ông Bennett cảm ơn Tổng Thống Biden “từ nhiều năm qua đã hỗ trợ để bảo vệ an ninh cho Israel” “đã đứng về phía Israel trong cuộc chiến chống lại lực lượng võ trang Hamas vào tháng 5 vừa qua”. Tuy nhiên, sau khi hứa hẹn sẽ “duy trì quan hệ tốt đẹp với các chính trị gia Mỹ thuộc đảng Dân Chủ cũng như đảng Cộng Hòa”, ông Bennett lập lại lời cựu Thủ Tướng Netanyahu kêu gọi Hoa Kỳ đừng nên trở lại với Thỏa Ước Hạt Nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc Tây Phương (JCPOA), bởi vì: “Tái ký kết Thỏa Ước Hạt Nhân với Iran là một điều sai lầm, sẽ hợp pháp hóa việc thử nghiệm nguyên tử cho một trong những chế độ bạo ngược và nguy hiểm nhất thế giới”. Từ quan điểm này, ông Bennett khẳng định: “Israel sẽ không cho phép Iran có trong tay vũ khí nguyên tử”.

Trong khi đó, người Palestine tỏ vẻ không mấy quan tâm, như lời phát ngôn viên của Tổng Thống Mahmud Abbas nói với báo chí: “Đây là vấn đề nội bộ của Israel. Quan điểm của chúng tôi trước sau như một: điều chúng tôi muốn là một nước Palestine độc lập với biên giới rõ rệt và với thủ đô là Jerusalem”.

Lực lượng Hồi giáo võ trang Hamas (hiện đang kiểm soát vùng Gaza Strip) cũng khẳng định rằng Do Thái, dù dưới sự lãnh đạo của chính phủ nào, vẫn là “một thực thể chiếm đóng [lãnh thổ Palestine] để áp đặt chủ nghĩa thực dân” “người Palestine chúng tôi cần phải kháng cự bằng võ lực để giành lại quyền tự chủ của mình”.

Chưa đầy ba ngày sau khi Do Thái có chính phủ mới, lập trường cực đoan của Hamas đã thể hiện qua việc kêu gọi dân Palestine “hiên ngang chống lại” cuộc diễn hành của dân Do Thái ở khu vực đông Jerusalem (được tổ chức hàng năm để kỷ niệm “cuộc chiến tranh sáu ngày” hồi năm 1967). Buổi tối cùng ngày Thứ Ba 15 tháng 6, những trái “bong bóng lửa” đã được bắn từ Gaza qua phía lãnh thổ Israel, và ngay tức khắc, Không Lực Israel trả đũa bằng một loạt các vụ không kích nhắm vào căn cứ Hamas ở Gaza.

Mặc dù cả tân Thủ Tướng Naftali Bennett của Do Thái và Thủ Tướng Mohammad Shtayyeh của Palestine đều lên tiếng kêu gọi cả hai bên hãy tự chế, nhưng giới quan sát lo ngại rằng nếu tình trạng căng thẳng cứ tiếp tục như vậy thì thỏa hiệp ngưng bắn hôm 21 tháng 5 sẽ mất hiệu lực và hậu quả là chiến tranh sẽ lại bùng nổ ở vùng đất đầy máu lửa này.

G-7 HỖ TRỢ 1 TỶ LIỀU VACCINE CHO CÁC NƯỚC NGHÈO

Sau khi hội nghị thượng đỉnh G-7 kỳ thứ 46 (dự trù tổ chức ở Mỹ vào tháng 6 năm 2020) bị hủy bỏ vì đại dịch Covid-19, hội nghị thượng đỉnh G-7 kỳ thứ 47 đã diễn ra tại quận hạt Cornwall của Anh Quốc trong ba ngày từ 11 đến 13 tháng 6 năm 2021, quy tụ các vị nguyên thủ của bảy cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới cùng với hai nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu và các nhà lãnh đạo bốn quốc gia được mời tham dự với tư cách quan sát viên.

Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề bao gồm việc đối phó đại dịch, hiện tượng biến đổi khí hậu, chính sách chung về Trung Cộng và Nga, giải pháp cho cuộc chiến Ethiopia… Đáng chú ý nhất là bảy cường quốc cùng cam kết hỗ trợ các nước nghèo 1 tỷ liều thuốc chích ngừa Covid-19, cũng như ủng hộ các công trình nghiên cứu vaccine, thúc đẩy sản xuất vaccine, và cải thiện hệ thống báo động đại dịch trên bình diện toàn cầu.

Thành phần tham dự hội nghị thượng đỉnh G-7 năm nay gồm Thủ Tướng Anh (Boris Johnson), Tổng Thống Pháp (Emmanuel Macron), Thủ Tướng Đức (Angela Merkel), Thủ Tướng Ý (Mario Draghi), Thủ Tướng Nhật (Yoshihide Suga), Thủ Tướng Canada (Justin Trudeau), Tổng Thống Mỹ (Joe Biden), cùng với hai đại diện của EU là Chủ Tịch Ủy Hội Âu Châu (Ursula von der Leyen) và Chủ Tịch Hội Đồng Âu Châu (Charles Michel). Về phía các quan sát viên, Thủ Tướng Boris Johnson với tư cách nước chủ nhà đã mời Thủ Tướng Úc (Scott Morrison), Thủ Tướng Ấn Độ (Narendra Modi), Tổng Thống Nam Phi (Cyril Ramaphosa) và Tổng Thống Nam Hàn (Moon Jae-in).

Ngay từ đầu tháng 5, chủ đề chính của hội nghị đã được thông qua trong buổi họp cấp Ngoại Trưởng, và như lời Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói với báo chí, đây là dịp để các quốc gia G-7 “củng cố quan hệ đồng minh nhằm bảo vệ những giá trị dân chủ và các xã hội mở rộng, cùng nhau xác định và tìm phương án chung để đối phó với những thử thách của thế giới”. Từ ý niệm này, mục tiêu chính của hội nghị thượng đỉnh G-7 kỳ thứ 47 là để thuyết phục dư luận rằng liên minh giữa các nền dân chủ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trên sân khấu chính trị quốc tế.

Nói với giới truyền thông tại buổi họp báo ở Newquay trước khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh, Tổng Thống Joe Biden cho biết các nhà lãnh đạo G-7 đã đồng ý với nhau rằng việc hỗ trợ 1 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo “không phải là cam kết cuối cùng”, vì việc đối phó đại dịch Covid-19 là “một dự án bền bỉ trong một thời gian dài”, và “các nền dân chủ trên thế giới có bổn phận dẫn đầu” để thực hiện dự án.

Nước Mỹ sẽ chịu trách nhiệm cung ứng phân nửa số lượng nói trên, tức 500 triệu liều vaccine, như Tổng Thống Biden đã tuyên bố từ ngày 10 tháng 6 khi mới đặt chân đến thành phố St. Ives, với lời khẳng định “Cũng giống như 80 triệu liều vaccine mà chúng tôi đã công bố trước đây, Hoa Kỳ cung ứng nửa tỷ liều vaccine này mà không có bất cứ sự ràng buộc nào”. Đài BBC trích dẫn nguồn tin từ Tòa Bạch Ốc cho biết giá vốn để mua mỗi liều vaccine của hãng dược phẩm Pfizer là 7 dollars, như vậy chi phí mua 500 triệu liều vaccine vào khoảng $3.5 tỷ dollars. Cuối năm nay Pfizer sẽ bào chế xong 200 triệu liều và sản xuất tiếp 300 triệu liều trong năm 2022.

Được biết các quốc gia G-7 sẽ chuyển một phần của số lượng 1 tỷ liều vaccines của AstraZeneca/Oxford và của Pfizer/BioNTech qua chương trình COVAX do Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) điều hành, phần còn lại đưa thẳng đến những quốc gia đang cần thuốc chích ngừa. COVAX thoạt đầu đặt mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vaccine trên toàn thế giới vào cuối năm 2021, sau đó xác định lại là sẽ cung cấp 1.8 tỷ liều vaccine cho 92 quốc gia vào đầu năm 2022. Tính đến nay COVAX chỉ mới phân phối được 81 triệu liều đến 129 nước thành viên Liên Hiệp Quốc.

Danh sách 92 quốc gia đủ tiêu chuẩn để được coi là có thu nhập thấp và trung bình được COVAX thiết lập dựa theo danh sách của Liên Minh Toàn Cầu Về Vaccine (GAVI). Những nước có thu nhập thấp gồm Afghanistan, Benin, Burkina Faso, Burundi, Cộng Hòa Trung Phi, Chad, Congo v.v… Những nước có thu nhập trung bình gồm Angola, Algeria, Bangladesh, Bhutan, Bolivia, Campuchia, Cameroon, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Nicaragua, Nigeria, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, Senegal, Tunisia, Ukraine, Uzbekistan, Việt Nam v.v…

Ngoài việc đối phó đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh G-7 còn thảo luận vấn đề biến đổi khí hậu, và đồng ý rằng bảy cường quốc kinh tế sẽ phải gia tăng phần đóng góp nhằm đáp ứng lời cam kết hổ trợ $100 tỷ dollars mỗi năm để những nước kém phát triển có điều kiện cắt giảm lượng khí thải carbon và hạn chế nguy cơ hâm nóng toàn cầu. Tuy nhiên theo các bản tin thông tấn thì những nhóm vận động bảo vệ môi trường không hài lòng về kết quả của hội nghị G-7, lên tiếng nhắc nhở rằng họ vẫn không nhận được số tiền cam kết từ hai năm nay. Qua một video đưa lên mạng hôm Chủ Nhật 13/6, nhà vận động David Attenborough của Anh Quốc thúc đẩy nhóm G-7 “hãy thể hiện sự quan tâm hơn nữa đến hiện tượng hủy hoại tài nguyên thiên nhiên”, bởi vì “những quyết định của chúng ta trong thập niên này – đặc biệt là quyết định của các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới – sẽ có vai trò quan trọng nhất đối với lịch sử loài người”.

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh kỳ thứ 47, bảy cường quốc nhóm G-7 phổ biến bản Tuyên Bố Chung, ngoài phần tóm lược quyết định về các chủ đề chính như đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, còn có những điểm đáng chú ý khác, như kêu gọi giải pháp hòa bình tại eo biển Đài Loan, ủng hộ Nhật Bản tổ chức Thế Vận Hội Tokyo, và trình bày quan điểm chung liên quan đến Trung Cộng và Nga.

Liên quan đến Trung Cộng, bản tuyên bố chung kêu gọi Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) tiếp tục cuộc nghiên cứu để tìm hiểu về nguyên nhân đại dịch Covid-19 “một cách minh bạch, nhanh chóng, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia và dựa trên khoa học” (timely, transparent, expert-led and science-based study). Mặt khác, tuyên bố chung nói rằng nhóm G-7 và các quốc gia khác sẽ “tiếp tục tham khảo ý kiến về các phương án chung để đương đầu với những chính sách và hành động mang tính chất phi thị trường làm suy yếu sự vận hành công bằng và minh bạch của nền kinh tế toàn cầu” (we will continue to consult on collective approaches to challenging non-market policies and practices which undermine the fair and transparent operation of the global economy), đồng thời “sẽ cùng nhau cổ xúy các giá trị của dân chủ, bao gồm việc kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản của người dân, đặc biệt ở Tân Cương, cũng như tôn trọng tự do, nhân quyền, và mức độ tự trị của Hồng Kông như đã được ghi rõ trong thỏa hiệp bàn giao giữa Anh Quốc và Trung Quốc”.

Liên quan đến Nga, bản tuyên bố chung kêu gọi chính phủ Nga “mau chóng điều tra để đưa ra lời giải thích đáng tin cậy về việc sử dụng vũ khí hóa học trên lãnh thổ của mình”, đồng thời “hãy chấm dứt hành động đàn áp có hệ thống đối với giới truyền thông và xã hội dân sự độc lập”, cũng như “hãy xác định, chận đứng và truy tố những kẻ từ bên trong biên giới nước Nga đang thực hiện các vụ tống tiền trên mạng, lạm dụng tiền ảo để rửa tiền cùng nhiều hành vi tội ác khác trên mạng”. (We call on Russia to urgently investigate and credibly explain the use of a chemical weapon on its soil, to end its systematic crackdown on independent civil society and media, and to identify, disrupt, and hold to account those within its borders who conduct ransomware attacks, abuse virtual currency to launder ransoms, and other cybercrimes).

Ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh G-7 phổ biến bản tuyên bố chung, phát ngôn viên tòa đại sứ Trung Cộng tại thủ đô Anh Quốc đã lên tiếng phản bác với luận cứ đại ý như sau: “Chúng tôi luôn luôn tin rằng các quốc gia – dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, nghèo hay giàu – đều bình đẳng với nhau, và mọi vấn đề chung của thế giới cần phải được giải quyết bằng cách tham khảo ý kiến của tất cả các quốc gia”, bởi vì (theo quan điểm của Trung Cộng) “giai đoạn mà các quyết định toàn cầu được đưa ra bởi một nhóm nhỏ các quốc gia đã chấm dứt từ lâu rồi”.

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH BIDEN – PUTIN Ở GENEVA

Trước sự quan tâm theo dõi của cả thế giới, hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng Thống Mỹ Joe Biden và Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã khai mạc tại thành phố Geneva lúc 7 giờ 45 phút sáng (giờ Thụy Sĩ) hôm Thứ Tư 16 tháng 6, kéo dài đúug 3 giờ 21 phút và kết thúc vào buổi trưa cùng ngày.

Không có bữa ăn nào sau hội nghị, và cũng không có cuộc họp báo chung, tuy nhiên tại hai cuộc họp báo riêng rẽ, ông Biden cũng như ông Putin đều nói rằng hội nghị đã diễn ra trong tinh thần “tích cực”“xây dựng”.

Một bản lên tiếng chung được phổ biến đến giới truyền thông, cho biết “ngay cả giữa giai đoạn căng thẳng, hai quốc gia vẫn chia xẻ những mục tiêu chung là tự kiểm soát phạm vi chiến lược, giảm thiểu rủi ro xung đột vũ trang và nguy cơ chiến tranh nguyên tử”.

Đi vào chi tiết, bản lên tiếng viết: “Việc triển hạn Hiệp Ước Hạn Chế Vũ Khí Chiến Lược [hết hạn vào tháng 2 năm 2021, được triển hạn đến tháng 2 năm 2026] là bằng chứng cho sự cam kết của hai quốc gia trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Hôm nay, chúng tôi tái xác định nguyên tắc là một cuộc chiến tranh nguyên tử sẽ không thể đưa đến chiến thắng và do đó không bao giờ nên khởi động. Trung thành với những mục tiêu ấy, Hoa Kỳ và Nga sẽ cùng tham gia kế hoạch Đối Thoại Song Phương trong thời gian gần nhất, để thiết lập nền tảng chung cho các biện pháp hạn chế vũ khí”.

Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Villa La Grange (một biệt thự cổ, xây dựng từ thế kỷ 18) bên hồ Geneva, với an ninh bên ngoài rất chặt chẽ. Theo các bản tin thông tấn ghi nhận, khi Tổng Thống Thụy Sĩ Guy Parmelin ra đón chào với tư cách nước chủ nhà, Tổng Thống Biden bắt tay Tổng Thống Putin, nhưng cả hai đều có vẻ tránh nhìn thẳng vào mặt nhau trong lúc đối thoại. Sau nghi thức tiếp tân là buổi họp chính thức gồm hai phần, diễn ra trong hội trường đóng kín cửa, chỉ có sự hiện diện của hai nguyên thủ quốc gia cùng các giới chức ngoại giao cao cấp và cố vấn tháp tùng như Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại Trưởng Nga Sergey Lavrov…

Đây không phải lần gặp gỡ đầu tiên giữa ông Biden và ông Putin – họ đã từng gặp nhau hồi năm 2016 khi ông Biden là Phó Tổng Thống trong chính phủ Obama – nhưng sở dĩ giới chính trị cũng như giới truyền thông đặc biệt chú ý đến hội nghị thượng đỉnh Geneva 2021 là vì quan hệ giữa hai quốc gia hiện đang “ở mức thấp nhất, tệ nhất sau nhiều năm”, như chính Tổng Thống Putin xác nhận khi trả lời phỏng vấn trên đài NBC hôm 12 tháng 6 (lúc Tổng Thống Biden đang tham dự hội nghị G-7 ở Anh Quốc). Chính vì vậy mà các giới chức cao cấp của cả hai bên – như Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan, Cố Vấn Chính Sách Đối Ngoại Yuri Ushakov – đều nói với báo chí trên đường đến Thụy Sĩ là “Chúng tôi không kỳ vọng hội nghị sẽ mang lại nhiều kết quả và đạt được bất cứ thỏa thuận nào”.

Trong những năm gần đây mối quan hệ Mỹ – Nga càng lúc càng xấu đi, đặc biệt từ lúc xảy ra vụ Nga thôn tính lãnh thổ Crimea của Ukraine năm 2014, Nga can thiệp vào nội tình Syria năm 2015, và nhất là sau khi tình báo Mỹ cáo buộc (mặc dù Nga phủ nhận) rằng Điện Kremlin đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2016.

Căng thẳng ngoại giao lên tới cao điểm vào tháng 3 năm nay, khi Tổng Thống Biden nhân cuộc phỏng vấn của ABC News đã gọi Tổng Thống Putin là “kẻ giết người”, một từ ngữ nặng nề chưa từng thấy, khiến chính phủ Nga lập tức phản ứng bằng cách triệu hồi Đại Sứ Anatoly Antonov về nước. Một tuần sau đó chính phủ Mỹ cũng phản ứng ngược lại bằng cách trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga và triệu hồi Đại Sứ John Sullivan.

Giữa bối cảnh như vậy, giới quan sát ghi nhận dấu hiệu tốt đẹp đầu tiên từ hội nghị thượng đỉnh Geneva là lời Tổng Thống Putin loan báo với giới truyền thông rằng “đã có sự thỏa thuận để hai vị Đại Sứ của hai nước trở lại nhiệm sở trong vài ngày tới”.

Nhật báo New York Times ghi nhận Tổng Thống Putin nói với báo chí “không có sự giận dữ nào, trái lại hội nghị đã diễn ra trong tinh thần xây dựng” “hai bên nói cùng một ngôn ngữ”, giải thích thêm là hai bên đã cố gắng tìm hiểu nhau nhiều hơn để xác định những lãnh vực có thể đạt được sự đồng thuận. Ông Putin cũng nhận định rằng Tổng Thống Biden là người “có tinh thần xây dựng, hiểu biết và rất giàu kinh nghiệm”.

Trong khi đó, Tổng Thống Biden phát biểu với báo chí: “Nói chung, hội nghị có kết quả tốt đẹp và tích cực”. Ông cho biết “đã nêu lên với Tổng Thống Putin nhiều vấn đề”, và khẳng định “sẽ tiếp tục nhắc nhở, tiếp tục theo dõi những vấn đề này”, bao gồm vụ tin tặc từ trong lãnh thổ Nga tấn công các cơ sở hạ tầng của Mỹ, sự kiện nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny bị bắt giam mà giờ đây chưa rõ số phận ra sao, cũng như lời yêu cầu chính phủ Nga trả tự do cho Paul Whelan và Trevor Reed là hai công dân Mỹ đang bị giam giữ v.v…

Tuy nhiên theo các bản tin thông tấn thì cách trả lời của cả hai vị nguyên thủ quốc gia tại hai cuộc họp báo riêng rẽ cho thấy giữa hai bên vẫn còn nhiều bất đồng chưa được giải quyết hoặc chưa thể giải quyết.

Tổng Thống Biden đến Geneva gặp Tổng Thống Putin sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại thủ đô Vương Quốc Bỉ, và trước đó là hội nghị thường niên G-7 với các nhà lãnh đạo của bảy cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới tại thủ đô Anh Quốc. Rời Thụy Sĩ để trở về Washington sau chuyến công du Âu Châu, ông nói với báo chí rằng ông tin tưởng đã thành công trong nhiệm vụ chứng tỏ với thế giới là “Nước Mỹ đã trở lại” (America is back). Và ông nhận định một cách ngắn gọn về hội nghị thượng đỉnh Geneva: “Tôi đã làm những điều tôi định làm khi đến đây” (I did what I came to do).

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*