Liệu Thế Vận Hội Tokyo Có Bị Hủy Bỏ Vì Covid-19? – Tổng Thống Belarus “Chận Máy Bay, Bắt Đối Lập”

LIỆU THẾ VẬN HỘI TOKYO CÓ BỊ HỦY BỎ VÌ ĐẠI DỊCH COVID-19?

Chỉ còn hai tháng nữa là đến ngày khai mạc Tokyo Olympics (23 tháng 7), nhưng chưa rõ Nhật Bản có kịp thời chận đứng được đợt thứ tư của đại dịch Covid-19 để Thế Vận Hội có thể diễn ra theo chương trình dự định hay không.

Tin tức hôm Thứ Hai 24 tháng 5 ghi nhận chính phủ Nhật vừa mở thêm hàng loạt trung tâm chích ngừa và kêu gọi các bác sĩ, dược sĩ, y tá khắp nơi cùng tiếp tay đẩy mạnh chiến dịch này, đặc biệt nhắm vào thành phần cao niên, với hy vọng đạt được mục tiêu “chích ngừa cho 36 triệu người trước cuối tháng Bảy” như lời tuyên bố của Thủ tướng Yoshihide Suga.

Trong tinh thần “chạy nước rút”, các trung tâm ở Tokyo và Osaka sẽ hoạt động 12 giờ/ngày, liên tiếp trong ba tháng, với nỗ lực chích ngừa từ 5,000 người đến 10,000 người mỗi ngày.

Vì đại dịch lan tràn, thủ đô Tokyo và 9 thành phố lớn đã ban hành tình trạng khẩn trương từ cuối tháng Tư đến cuối tháng Năm, và gần như chắc chắn sẽ phải gia hạn. Thống Đốc Hirofumi Yoshimura của quận hạt Osaka –khu vực đang bị đại dịch tấn công dữ dội nhất – cho biết sẽ loan báo quyết định gia hạn tình trạng khẩn trương nội tuần này.

Dân số toàn quốc Nhật Bản hiện nay là 126 triệu người. Theo dữ liệu của hãng thông tấn Reuters, mới chỉ có 4.4% dân số đã được chích ít nhất một liều vaccine, và 2% dân số được chích ngừa đủ hai liều. Tỷ lệ này bị coi là thấp nhất so với các cường quốc khác như Mỹ, Anh, Pháp, Đức…

Có nhiều yếu tố gây trở ngại cho việc chích ngừa Covid-19 ở nước Nhật. Trước hết là do nguồn cung ứng vaccine của hai hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech quá giới hạn nên mãi đến trung tuần tháng Hai chiến dịch chích ngừa mới bắt đầu được đẩy mạnh. Sau đó khi lượng vaccine tăng lên thì giới y tế lại gặp khó khăn với tình trạng thiếu nhân lực và hệ thống ghi danh bị trục trặc. Vừa có thêm hai loại vaccines của Moderna và AstraZeneca được Bộ Y Tế Nhật chuẩn thuận hôm Thứ Sáu 21/5. Riêng hãng Johnson & Johnson thì đầu tuần này mới nộp đơn xin chuẩn thuận vaccine (chỉ cần chích một liều duy nhất) của họ, và phải qua tới đầu năm 2022 mới có thể bắt đầu cung cấp cho Nhật Bản.

Tin tức và hình ảnh mấy ngày qua cho thấy trung tâm chích ngừa nào cũng có từ mấy chục đến cả trăm người xếp hàng đứng chờ, nhiều người nói rằng vì lo ngại đi xe lửa đông người phải chen chúc nên họ chọn cách đi xe bus hoặc chấp nhận tốn tiền đi taxi. Ở trung tâm Tokyo và Osaka mỗi nơi đều có khoảng 280 nhân viên y tế (quân đội) và 200 y tá (dân sự) ứng trực để sẵn sàng phục vụ. Ngoài vaccine của Pfizer/BioNTech, các trung tâm còn tăng cường hai loại vaccine của Moderna và AstraZeneca vừa được chuẩn thuận kịp thời cho đợt chích ngừa này.

Kế từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm 2020, cho tới nay Nhật Bản đã ghi nhận 716,000 trường hợp lây nhiễm Coronavirus. Tổng số tử vong là 12,203 người. Số bệnh nhân bình phục và xuất viện là 628,000 người.

Tình hình đại dịch ở Osaka (thành phố lớn thứ nhì của nước Nhật) hiện vẫn đang ở mức báo động. Mặc dù 9 triệu người dân của Osaka chỉ chiếm có 9% dân số Nhật, nhưng số tử vong tại Osaka lại chiếm tới một phần ba số tử vong trên toàn quốc. Một số bệnh viện hết cả giường nằm và máy trợ thở cho bệnh nhân. Hầu hết bác sĩ và y tá đều phải làm việc thêm giờ và lâm vào tình trạng kiệt sức. Bác sĩ Yuji Tohda, giám đốc bệnh viện Kindai University Hospital nói rằng “hệ thống y tế đang sụp đổ” vì số người bệnh quá đông, kể cả những người trẻ tuổi chứ không riêng gì thành phần cao niên, và đa số bị lây nhiễm Coronavirus biến thể từ nước Anh.

Trở lại với Thế Vận Hội mùa hè kỳ thứ 32. Hồi tháng 9 năm 2013 Ủy Ban Quốc Tế Thế Vận Hội (IOC) biểu quyết chọn Tokyo là thành phố tổ chức Olympics XXXII, dự trù diễn ra từ 24 tháng 7 đến 9 tháng 8 năm 2020. Đây là lần thứ nhì Nhật Bản có vinh dự là nước chủ nhà (lần trước là Thế Vận Hội mùa hè 1964, cũng tại Tokyo). Điều không ai ngờ tới là vào đầu năm 2020 đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát và lan tràn khắp thế giới. Do đó, mặc dù thành phố Tokyo đã bỏ ra ít nhất $15.4 tỷ dollars để tổ chức, mặc dù 33 vận động trường đã chuẩn bị sẵn sàng và cả triệu sản phẩm mang huy hiệu “Tokyo 2020” đã được tung ra thị trường, thế nhưng đến tháng Ba năm ngoái thì Ủy Ban IOC và chính phủ Nhật buộc lòng phải quyết định hoãn Thế Vận Hội đến tháng 7 năm 2021, đồng thời loan báo sẽ chỉ có những phái đoàn lực sĩ từ 167 quốc gia cùng ban tổ chức và các thiện nguyện viên, không đón tiếp khán giả đến coi các cuộc tranh tài thể thao.

Hồi tuần trước, Phó chủ tịch Ủy Ban Quốc Tế Thế Vận Hội (IOC) là ông John Coates sau buổi họp trực tuyến kéo dài ba ngày với Ủy Ban Thế Vận Nhật Bản, tuyên bố với báo chí hôm 21 tháng 5 là “Thế Vận Hội sẽ diễn ra theo đúng chương trình chứ không thể đình hoãn lần nữa, bất kể Tokyo và các thành phố khác vẫn ở trong tình trạng khẩn trương”. Theo lời ông Coates thì ban tổ chức đã nhận được lời khuyên từ Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) và nhiều chuyên gia y tế là ban tổ chức phải bảo đảm an toàn cho tất cả mọi người tham gia và dự khán các cuộc tranh tài thể thao – bao gồm 11,000 lực sĩ và 4,400 lực sĩ khuyết tật, cũng như dân chúng nước Nhật. Ủy Ban IOC còn nhấn mạnh rằng trên 80% số người cư ngụ trong Làng Thế Vận (ở bên Vịnh Tokyo) sẽ được chích ngừa đầy đủ và không giao tiếp với bên ngoài.

Trong khi đó, Hiệp Hội Y Sĩ Tokyo (gồm 6,000 thành viên) đã chính thức gửi văn thư đến Thủ Tướng Yoshihide Suga, Thống Đốc Yuriko Koike của quận hạt Tokyo, Bộ Trưởng đặc trách Thế Vận Hội Tamayo Marukawa và chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Hội Seiko Hashimoto, yêu cầu hủy bỏ Thế Vận Hội, vì: “Chúng tôi tin rằng sự lựa chọn chính xác nhất là quý vị hãy hủy bỏ một sự kiện có thể làm tăng thêm số người bị lây nhiễm và chết vì đại dịch”.

Ông Richard Pound, thành viên cao niên nhất của Ủy Ban IOC, nói với hãng thông tấn JiJi Press rằng hạn chót để quyết định về số phận của Tokyo Olympics là vào cuối tháng 6. Cả ông Pound và Ủy Ban IOC đều khẳng định, nếu Thế Vận Hội kỳ thứ 32 không diễn ra thì có nghĩa là bị hủy bỏ hẳn, chứ không phải là đình hoãn lần thứ nhì.

Về mặt dư luận, các bản tin thông tấn ghi nhận kết quả thăm dò hồi tháng Tư cho thấy 40% dân Nhật muốn hủy bỏ Thế Vận Hội trong khi 33% muốn Thế Vận Hội hoãn lại đến một thời điểm khác. Nhưng qua tới ngày 18 tháng 5 thì tỷ lệ dân Nhật muốn hủy bỏ Thế Vận Hội đã tăng lên tới 83%.

Về phía giới doanh thương: Gần 70% chủ nhân các doanh nghiệp ở Nhật muốn hủy bỏ hoặc đình hoãn Thế Vận Hội. Chủ tịch điều hành của đại công ty Rakuten (tập đoàn kinh doanh mạng, tương tự như Amazon ở Hoa Kỳ) là ông Hiroshi Mikitani phát biểu “nước Nhật muốn tự sát thì mới nhất định tổ chức Thế Vận Hội năm 2021”.

Về mặt quốc tế, các bản tin thông tấn cho biết Ủy Ban Thế Vận Hoa Kỳ (USOPC) hôm Thứ Hai 24/5 phổ biến thông cáo nói rằng “những biện pháp phòng chống dịch tại chỗ cũng như thủ tục thử nghiệm ở các phi trường cho phép chúng tôi tin rằng phái đoàn lực sĩ Mỹ có thể tham dự Thế Vận Hội Tokyo một cách an toàn”. Nhưng mặt khác, Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lại khuyến cáo công dân Mỹ “đừng du lịch Nhật Bản trong lúc này” “ngay cả những người đã chích ngừa cũng vẫn có thể bị lây nhiễm và lan truyền virus biến thể gây bệnh Covid-19”. Cũng nên ghi nhận thêm là hồi cuối tháng Tư, Nhật Bản nằm trong danh sách các quốc gia mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp vào “Level 3 – Reconsider travel” (nên xét lại ý định du lịch), nay đã bị đưa lên “Level 4 – Do not travel” (đừng du lịch).

Từ Bắc Kinh, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng cũng phát biểu tại cuộc họp báo sáng Thứ Ba 25/5 rằng “tình hình đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn nghiêm trọng, do đó, để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn, chúng tôi khuyến cáo các công dân Trung Quốc nên tránh du lịch nước ngoài nếu không cần thiết”.

TỔNG THỐNG BELARUS “CHẬN MÁY BAY, BẮT ĐỐI LẬP”

Dư luận châu Âu và cả thế giới đang xôn xao về vụ chiếc phi cơ của hãng hàng không dân sự Ryanair đang chở 126 hành khách trên chuyến bay số 4978 từ Athens (Hy Lạp) đến Vilnius (Lithuania) thì bị Tổng Thống Aleksandr Lukashenko ra lệnh đổi lộ trình, và bị một chiến đấu cơ MIG-29 áp tải, buộc phải đáp xuống thủ đô Minsk của Belarus vào lúc 1 giờ trưa Chủ Nhật 23 tháng 5.

Hãng thông tấn nhà nước BelTA viện lý do “nhận tin báo động có bom trên máy bay”, nhưng thực tế không có trái bom nào cả, và máy bay Ryanair được tiếp tục cất cánh sau bảy tiếng đồng hồ bị giữ lại ở phi trường Minsk.

Tin tức cho thấy hành động của chính quyền Belarus – mà giới lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu gọi là “vụ không tặc” – chỉ nhằm mục đích bắt giữ một hành khách trên chuyến bay Ryanair, đó là nhà báo Roman Protasevich, được coi là nhân vật đối lập nổi tiếng vì mấy năm qua đã không ngừng tố cáo Tổng Thống Lukashenko về những vụ vi phạm nhân quyền, bao che tham nhũng và tổ chức bầu cử gian lận để đắc cử thêm một nhiệm kỳ.

Năm nay 26 tuổi, Roman Protasevich là sáng lập viên và tổng biên tập Nexta Telegram, cơ quan truyền thông duy nhất loan tải tin tức về làn sóng biểu tình phản kháng của dân chúng Belarus. Vì vậy ông bị chế độ Lukashenko cáo buộc các tội danh “kích động thù hận”, “phá rối trị an”, thậm chí còn bị cơ quan an ninh đưa vào danh sách “khủng bố”. Năm 2019 Protasevich trốn thoát mạng lưới công an, qua Ba Lan tỵ nạn và tiếp tục công việc truyền thông. Hồi tuần rồi ông bay qua Hy Lạp để tường thuật về một hội nghị kinh tế ở Athens có sự tham dự của bà Svetlana Tikhanovskaya, nhân vật lãnh đạo phe đối lập Belarus lưu vong. Hôm Chủ Nhật ông đáp chuyến bay Ryanair từ thủ đô Hy Lạp qua thủ đô Lithuania nhưng bị chận bắt ở phi trường Minsk.

Người bạn gái của Protasevich đi cùng chuyến bay là Sofia Sapega, một công dân Nga 23 tuổi. Theo lời bà mẹ cô Sapega nói với đài BBC thì cô cũng bị mật vụ KGB của Belarus bắt và đưa đến nhà tù Okrestina ở Minsk.

Một nhân chứng kể lại rằng ngay khi chuyến bay đổi lộ trình, Roman Protasevich đã đoán được chuyện gì xảy ra, ông tỏ thái độ sợ hãi và nói với hành khách là ông “có thể bị tuyên án tử hình”.

Vào tối Chủ Nhật khi chiếc phi cơ Ryanair đáp xuống phi trường Vilnius của Lithuania, 5 trong số 126 hành khách đầu tiên đã vắng mặt, bao gồm nhà báo Protasevich, cô Sapega, và ba hành khách khác. Theo lời giám đốc điều hành Michael O’Leary của hãng hàng không Ryanair, thì ông “tin rằng một số đặc vụ KGB của Belarus cũng đã rời máy bay tại phi trường Minsk”, tuy nhiên nguồn tin này chưa được phối kiểm. Ông O’Leary phản đối kịch liệt chính quyền Belarus đã vi phạm Công Ước Hàng Không Quốc Tế 1944, gây nguy hiểm cho các hành khách, và cho biết Ryanair sẽ hợp tác với Liên Hiệp Âu Châu và NATO để mở cuộc điều tra tường tận.

Hơn một ngày sau, đài truyền hình Belarus chiếu một đoạn video clip vào tối thứ Hai, qua đó người ta thấy nhà báo Roman Protasevich nói rằng “sức khỏe không có vấn đề gì” “sẽ thú nhận vai trò tổ chức các cuộc biểu tình chống chế độ”. Nhưng ngay tức khắc, nhà lãnh đạo đối lập Svetlana Tikhanovskaya cùng một số thân hữu lên tiếng tố cáo là “rõ ràng Protasevich đã bị ép buộc” – rất có thể đã bị mật vụ KGB tra tấn, để lại vết bầm trên trán và sống mũi – nên phải xuất hiện trên đoạn video được dàn dựng.

Thân phụ của nhà báo, ông Dmitri Protasevich nói với giới truyền thông “chúng tôi thực sự lo sợ con tôi có nguy cơ bị đánh đập, tra tấn”, và chỉ biết “hy vọng Roman sẽ vượt qua được”.

Tin tức cho biết luật sư đại diện ông Roman Protasevich là Inessa Olenskaya không được chính quyền cho phép vào nhà tù Sizo để thăm thân chủ mặc dù bà đã làm đơn liên tiếp trong hai ngày 25 và 26 tháng 5.

Việc Tổng Thống Alexandr Lukashenko đích thân ra lệnh thực hiện vụ “không tặc” để bắt giữ nhà báo đối lập đã làm dấy lên một làn sóng phản đối dữ dội của các chính phủ Âu Châu và Hoa Kỳ.

Phát ngôn viên của văn phòng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói rằng ông “ủng hộ việc mở một cuộc điều tra cặn kẽ, độc lập và minh bạch để tìm hiểu rõ ràng về sự kiện rắc rối này”. Đây cũng là quan điểm của nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu (EU), như Thủ Tướng Bỉ Alexander de Croo, Thủ Tướng Ái Nhĩ Lan Micheal Martin, Thủ Tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Ngoại Trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis, Ngoại Trưởng Đức Haiko Maas, và Chủ Tịch Ủy Hội Âu Châu Ursula von der Leyen.

Một quyết định đã được 27 quốc gia thành viên EU thông qua hôm Thứ Hai, yêu cầu các hãng hàng không thuộc Liên Hiệp Âu Châu ngưng tất cả các chuyến bay đến Belarus, đồng thời cấm những hãng hàng không của Belarus bay ngang không phận các quốc gia thành viên EU.

Từ Hoa Thịnh Đốn, Ngoại Trưởng Antony Blinken tuyên bố: “Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ chế độ Lukashenko về hành động ngang ngược và không thể chấp nhận được là dùng máy bay quân sự ép buộc một chuyến bay dân sự phải đổi hướng và bắt giữ một nhà báo. Chúng tôi yêu cầu mở một cuộc điều tra ở tầm mức quốc tế, và với sự phối hợp của các quốc gia đồng minh, chúng tôi sẽ có những phản ứng kế tiếp”.

Tổng Thống Joe Biden mô tả hành động của Tổng Thống Lukashenko là “cuộc tấn công đáng xấu hổ nhắm vào giới bất đồng chính kiến và quyền tự do báo chí, đáng lẽ không bao giờ nên xảy ra ở thế kỷ 21 và ngay trung tâm châu Âu. Chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế, bao gồm Liên Hiệp Âu Châu, sẽ gây áp lực mạnh mẽ lên chính quyền Belarus, và hy vọng áp lực sẽ có tác dụng giúp họ nhận ra rằng họ đã mắc một lỗi lầm rất lớn”.

Trong khi đó nhiều nhà phân tích thời cuộc tỏ ra nghi ngờ về hiệu lực của các biện pháp chế tài đối với chính quyền Belarus – kể cả những biện pháp chế tài kinh tế và tài chánh mà 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu vốn đã áp đặt từ tháng 8 năm 2020, khi chính quyền Lukashenko thẳng tay đàn áp làn sóng biểu tình của những người dân Belarus phản đối âm mưu gian lận bầu cử, khiến ít nhất 6,700 người bị bắt và 3 người chết khi xung đột với cảnh sát. Theo các quan sát viên thì thực tế cho thấy rõ ràng là Belarus, dưới sự cai trị của Tổng Thống Alexander Lukashenko qua 6 nhiệm kỳ liên tiếp, đã lệ thuộc quá nhiều vào Nga trên mọi phương diện, và áp lực từ phía EU càng đè nặng lên chính quyền Lukashenko bao nhiêu thì càng đẩy Belarus xa rời ảnh hưởng của Âu Châu bấy nhiêu để rồi Belarus sẽ rơi hẳn vào quỹ đạo của Nga.

Trong vụ “không tặc” mới nhất mà nạn nhân là hãng hàng không Ryanair cũng như nhà báo Roman Protasevich, dư luận thế giới không thể bỏ qua một giả thuyết là phải chăng chính Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã “bật đèn xanh” cho đàn em với mục đích giúp Tổng Thống Alexandr Lukashenko dập tắt một tiếng nói đối lập quan trọng để duy trì quyền lực độc tài trên đất nước Belarus.

Ngoại Trưởng Anh Quốc Dominic Raab hôm Thứ Hai đã phát biểu “mặc dù không có bằng chứng cụ thể, nhưng chúng ta rất khó tin rằng Belarus dám thực hiện một hành động như thế mà lại không được sự gật đầu chấp thuận của Moscow”.

Bằng chứng cụ thể thì không có hoặc chưa có, nhưng những phản ứng từ Moscow ít nhất cũng cho thấy là ngay cả sau khi “chận máy bay, bắt đối lập”, Belarus vẫn được Nga bênh vực và che chở.

Phản ứng thứ nhất là của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, qua tin nhắn trên mạng xã hội Facebook viết rằng “Thật kinh ngạc khi Tây phương dùng chữ “kinh ngạc” để gọi sự kiện xảy ra trên không phận Belarus”. Phản ứng thứ nhì, Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov nói thẳng rằng việc Belarus buộc máy bay Ryanair đồi lộ trình là “một hành động hợp lý”. Thứ ba, phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin phát biểu “lúc sau này chuyện gì cũng bị người ta quy kết cho Nga”, “những kẻ nào nghi ngờ chính phủ Nga có liên quan tới vụ này đều là những kẻ mắc hội chứng bị ám ảnh bởi mối sợ hãi nước Nga” (obsessive Russophobia). Và sau cùng, Tổng Thống Vladimir Putin gửi lời mời Tổng Thống Alexandr Lukashenko đến khu nghỉ mát Sochi ở vùng Hắc Hải vào cuối tuần tới để “uống trà”.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, BBC, VOA, CNBC, USA Today ngày 27/5/2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*