Lễ Trao Giải Oscars Giữa Mùa Đại Dịch – “Nomadland”: Phim Hay Nhất Trong Năm

Suốt mấy chục năm qua, năm nào kinh đô điện ảnh Hollywood cũng là nơi diễn ra buổi lễ trao giải Oscars tưng bừng náo nhiệt để các nhà làm phim cùng báo chí và khán giả có dịp gặp gỡ hàng trăm nam nữ diễn viên lừng danh với những kiểu y phục theo thời trang mới lạ trong một buổi tối Chủ Nhật đầy âm thanh, màu sắc. Thế nhưng đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả.

Lễ trao giải Oscars kỳ thứ 93 tuy vẫn được tổ chức ở Los Angeles nhưng thay vì vào cuối tháng 2 thì bị dời đến 25 tháng 4. Địa điểm không phải là hí viện Dolby Theatre với 3,400 khán giả, mà bị trải ra nhiều nơi, với sân khấu chính đặt tại nhà ga xe lửa Union Station, và do số người tham dự bị hạn chế ở mức tối đa 170 người, nên quan khách phải chia thành từng nhóm, người ra kẻ vào theo đúng quy định. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng bao gồm cả tài tử, đạo diễn, chuyên gia v.v… không thể bay về Los Angeles nên chỉ xuất hiện qua các video clips được thâu sẵn từ hơn 20 quốc gia trên thế giới.

Cũng do sự đòi hỏi của những biện pháp phòng chống Covid theo luật California nên mọi quan khách hiện diện hôm 25/4 chỉ được miễn mang khẩu trang khi lên sân khấu trao giải, nhận giải, đồng thời phải giữ khoảng cách an toàn 6 feet kể cả khi nói chuyện với nhau từ các bàn riêng rẽ ở Union Station. Ngoài ra, khác với những năm trước, các ca khúc được đề cử lãnh tượng vàng (bao gồm ca khúc đoạt giải là Fight For You” trong phim “Judas and the Black Messiah”) đều phải thâu âm sẵn chứ không được ca sĩ trình bày trên sân khấu.

Nhưng dù sao buổi lễ trao giải Oscars kỳ thứ 93 vẫn được coi là một cố gắng vượt bực của Hàn Lâm Viện Điện Ảnh Hoa Kỳ, như lời ông chủ tịch David Rubin phát biểu: “Sau khi mọi người đã trải qua hơn một năm trời khốn khổ vì đại dịch, mục tiêu của chúng tôi là phải thực hiện bằng được một sinh hoạt để vinh danh giới làm phim, với đầy đủ nghi thức trao nhận giải thưởng, mà vẫn tuân thủ các biện pháp an toàn. Hy vọng đây là dấu hiệu cho chúng ta nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, để mai đây mọi người sẽ được tái ngộ gia đình, bạn bè, nhất là sẽ lại được đến rạp hát và cùng nhau thưởng thức những cuốn phim hay”.

CHLOE ZHAO VÀ “NOMADLAND”

Không những vượt qua sự thách thức của đại dịch Covid-19 mà Oscars kỳ thứ 93 còn thể hiện một vài sắc thái mới lạ, nói lên tính chất đa dạng và hòa đồng của nghệ thuật thứ bảy, chẳng như lần đầu tiên hai diễn viên gốc Á Châu được đề cử tượng vàng (Steven Yeun và Yuh-Jung Youn), lần đầu tiên có tới hai phụ nữ được đề cử trong danh mục đạo diễn.

Chloe Zhao, 39 tuổi, là một trong hai phụ nữ vừa được nhắc tới – cùng với Emerald Fennell của phim “Promising Young Woman”. Ra đời tại Bắc Kinh, du học ở Anh và Mỹ, hiện cư ngụ tại California, Chloe Zhao (Triệu Đình) mới bước chân vào lãnh vực điện ảnh từ 2015 nhưng đã được coi như một đạo diễn có tài và thành công. Năm nay cô được Hàn Lâm Viện Điện Ảnh Hoa Kỳ trao tượng vàng Oscar dành cho “đạo diễn xuất sắc nhất” với phim “Nomadland”, và trở thành nữ đạo diễn gốc Á đầu tiên đoạt vinh dự này. Tưởng cần nói thêm là trước Chloe Zhao đã có trên 10 nữ đạo diễn từng được đề cử nhưng chỉ có Kathryn Bigelow thắng giải năm 2010.

“Nomadland” cũng là cuốn phim được chọn để trao giải Oscar dành cho “phim hay nhất trong năm”, đồng thời Frances McDormand – vừa là diễn viên chính vừa là một trong 5 nhà sản xuất – cũng lãnh tượng vàng Oscar dành cho “nữ diễn viên chính xuất sắc nhất”. Như vậy “Nomadland” đã có vinh dự đoạt 3 giải quan trọng hàng đầu của Oscars kỳ thứ 93, qua mặt cả 7 phim mà giới phê bình khen ngợi, là “The Father”, “Judas and the Black Messiah”, “Mank”, “Minari”, “Promising Young Woman”, “Sound of Metal” “The Trial of the Chicago 7”.

Dựa trên phóng sự của nữ ký giả Jessica Bruder đã được in thành sách, phim “Nomadland” thuật lại hành trình của những người Mỹ cao niên chọn cuộc sống “du mục” lái xe đi khắp nơi và kiếm sống qua ngày, sau khi kinh tế Mỹ bị suy thoái trầm trọng vào những năm 2007–2009. Nhân vật chính (được thể hiện qua tài diễn xuất của Frances McDormand) là Fern, một giáo viên bị mất sạch tài sản vì cuộc khủng hoảng tài chánh và trở thành một trong những “RVing women”, là nhóm người mà đạo diễn Chloe Zhao đã phỏng vấn để có cảm hứng và chất liệu để làm phim.

Mặc dù nổi tiếng khắp thế giới với các giải thưởng điện ảnh – từ BAFTA, Critics Choice, cho đến Golden Globes và nay là Oscar – nhưng “Nomadland” vẫn chỉ được nhà cầm quyền Bắc Kinh cho phép chiếu một cách rất hạn chế ở Trung Hoa Lục Địa, tin thắng giải Oscar không được loan báo, thậm chí những bản tin liên quan đến nữ đạo diễn Chloe Zhao cũng bị kiểm duyệt và cấm phổ biến.

Năm nay là lần đầu tiên tượng vàng Oscar dành cho “nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất” lọt về tay một phụ nữ Nam Hàn. Yuh-Jung Youn (Doãn Nhữ Trinh), 73 tuổi, là khuôn mặt kỳ cựu trong làng điện ảnh với trên 20 phim lẻ lẫn phim bộ từ thập niên 1970, và được coi như “một Meryl Streep của Nam Hàn”. Bà được chọn nhờ thủ vai “bà ngoại” trong cuốn phim “Minari” do Lee Isaac Chung đạo diễn.

Về phía nam giới, tài tử da đen Daniel Kaluuya được chọn để trao tượng vàng Oscar dành cho “nam diễn viên phụ xuất sắc nhất” nhờ vai diễn trong phim “Judas and the Black Messiah”.

Tất cả các bản tin thông tấn cũng như giới truyền thông đều ghi nhận hai sự kiện bất ngờ trong buổi lễ trao giải Oscars năm 2021. Bất ngờ đầu tiên là ban tổ chức đã quyết định thay đổi thứ tự ba tiết mục quan trọng, trao giải “phim hay nhất trong năm” trước hai giải dành cho nam và nữ diễn viên chính. Chính vì vậy nên mọi người đều sững sờ với tiết mục cuối cùng, khi thấy tượng vàng Oscar dành cho “nam diễn viên chính xuất sắc nhất” lọt về tay tài tử người Anh Anthony Hopkins, mặc dù trước đó hầu như ai cũng đinh ninh rằng giải này sẽ được dành để vinh danh tài tử Chadwick Boseman vừa qua đời hồi tháng 8 năm 2020 – nhất là sau khi ba tổ chức điện ảnh quan trọng (Critics Choice, Golden Globes, Screen Actors Guild) đều chọn Boseman với vai diễn trong phim “Ma Rainey Black Bottom” để trao giải thưởng.

SINH HOẠT GIẢI TRÍ GẶP KHÓ KHĂN VÌ ĐẠI DỊCH

Vì đại dịch, tài tử Anthony Hopkins, 83 tuổi, không thể bay từ London qua Los Angeles nên không có mặt tại buổi lễ trao giải Oscars tối Chủ Nhật. Sáng hôm sau, ông gửi video clip từ Anh Quốc để cảm ơn Hàn Lâm Viện Điện Ảnh Hoa Kỳ về “vinh dự lớn lao và hoàn toàn bất ngờ” này. Cũng qua video, Hopkins vinh danh diễn viên tài hoa yểu mệnh Chadwick Boseman, và bày tỏ lời cảm ơn đạo diễn Florian Zeller của cuốn phim “The Father”, trong đó ông thủ vai người cha già đang vật lộn với chứng bệnh Alzheimer’s trong những ngày cuối đời.

Đối với Anthony Hopkins, cũng như Frances McDormand, đây không phải là giải Oscar đầu tiên của họ. Hopkins từng lãnh tượng vàng năm 1992 với vai diễn trong phim “The Silence of the Lambs”. McDormand lãnh tượng vàng đầu tiên năm 1996 với vai diễn trong phim “Fargo” và tượng vàng thứ nhì năm 2017 với vai diễn trong phim “Three Billboards Outside Ebbing, Missouri”.

Đối với các nhà tổ chức buổi lễ trao giải Oscars kỳ thứ 93 (Jesse Collins, Stacey Sher, Steven Soderbergh), họ đã chuẩn bị tinh thần để đương đầu với những khó khăn khi thực hiện một sinh hoạt thu hẹp giữa mùa đại dịch, và hẳn là họ không chờ đợi một sự đáp ứng nồng nhiệt từ phía khán giả. Quả thật, những dữ liệu thống kê của Nielsen đã chứng minh điều đó.

Hồi năm 2020 có 23.6 triệu khán giả mở TV xem lễ trao giải Oscars vào buổi tối Chủ Nhật 9 tháng 2 – vài tuần lễ trước khi đại dịch bùng phát khắp nước Mỹ. Con số 23.6 triệu của năm ngoái đã bị coi là quá thấp, nhưng chưa phải là thấp nhất, vì năm nay chỉ còn có 10.4 triệu khán giả theo dõi chương trình (cũng trên đài ABC) vào buổi tối Chủ Nhật 25 tháng 4, nghĩa là lại giảm thêm tới 58%. Con số 10.4 triệu của năm nay rõ ràng là khác biệt quá xa so với kỷ lục hồi năm 1998 khi lễ trao giải Oscars thu hút tới 55.25 triệu người theo dõi qua TV.

Sự sụt giảm khán giả không phải chỉ xảy ra đối với giải Oscars (Academy Awards), mà là hiện tượng chung cho nhiều chương trình tương tự trong mùa đại dịch Covid-19. Chương trình trao giải ca nhạc Grammy Awards giảm 51%, với 9.2 triệu người theo dõi trên đài CBS vào tháng 3. Chương trình trao giải điện ảnh Golden Globes Awards cũng giảm 63%, với 6.9 triệu người theo dõi trên đài NBC hồi tháng 2. Trước đó nữa, chương trình trao giải phim ảnh truyền hình Emmy Awards trên đài ABC hồi tháng 9 năm 2020 chỉ thu hút được 6.4 triệu người xem.

Tất cả những con số nêu trên đều thể hiện sự sụt giảm kỷ lục về khán giả, nhưng mặt khác, đều phản ánh sự chuyển biến theo tỷ lệ nghịch đối với con số những trường hợp lây nhiễm Covid-19 từ năm ngoái đến năm nay. Và như vậy, giới âm nhạc điện ảnh vẫn có quyền hy vọng, vì ít nhất những con số đó cũng nói lên rằng đại dịch càng có chiều hướng lui bước thì sinh hoạt giải trí của người dân Mỹ càng có dấu hiệu cải thiện.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, CNBC, Variety ngày 29/4/2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*