30/4: ‘Đỏ’, ‘Vàng’ Và Sự Phân Cực Giữa Giới Trẻ Việt Nam

Sự phân cực giữa những người Việt lại trỗi dậy minh họa sống động cho cuộc thống nhất còn ngổn ngang gần nửa thế kỷ sau biến cố 30/4/1975.

“Gọi NGỤY là NGỤY khi nói về quân đội và chính quyền làm tay sai cho giặc trong quá khứ thì mới có tác dụng giáo dục cho con cháu chúng ta bài học lịch sử không bao giờ được phản bội tổ quốc!”

“Ngày 30/4 là ngày miền Nam bị Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm theo lệnh Trung Cộng và Nga Sô, kết thúc một thời tươi đẹp VNCH, một ngày buồn cho dân tộc này.”

Đấy là hai trong số vô vàn những ý kiến đối nhau chan chát được tung lên các mạng xã hội trước ngày 30/4.

Vẫn như mọi khi, một bên gọi ngày này là “giải phóng”, bên kia gọi là “quốc hận”.

Nhà văn trẻ Khải Đơn, với gần 30.000 người theo dõi trên Facebook nói với BBC News Tiếng Việt: “Cơn cuồng VNCH hay cấm đoán VNCH đều sẽ khoét sâu thêm khoảng cách chia rẽ trong nhận thức của người trẻ về một phần lịch sử của quốc gia họ đang sống.”

‘Cơn cuồng’ của hai phía

Gần nửa thế kỷ sau khi chiến tranh khép lại, sự phân cực trong xã hội vẫn ở cao trào, một “cuộc chiến” giữa “đỏ” “vàng” vẫn hết sức gay cấn.

Điều đáng chú ý là “cuộc chiến” này có sự tham gia rất nhiệt tình của giới trẻ.

Nhà văn Khải Đơn chia sẻ với BBC News Tiếng Việt: “Mỗi phe đều có động cơ của mình: duy trì một câu chuyện thống nhất phù hợp với kỳ vọng đám đông đi theo bên nào. Khi tôi đến Mỹ, gặp một số người chưa về Việt Nam du lịch lần nào từ biến cố đó, họ hỏi tôi những câu như: ‘Ở Việt Nam mọi người đâu biết gì về thế giới đúng không con? Tụi nó muốn làm gì thì làm phải không?’ Nhiều câu hỏi như thế.”

Nhà văn đã trả lời lại bằng câu hỏi: “Tụi nó” là ai: “Tôi đã nói với họ rằng, các nhóm nắm quyền lực chính trị và tập đoàn kinh tế có thể làm hầu hết thứ họ muốn, nhưng người Việt Nam có internet, có học thức và di chuyển rất nhiều, họ biết thế giới có gì”.

“Câu hỏi tôi nhận được xuất phát từ tâm thế đóng băng, không có thêm sự tiến triển góc nhìn về một thời kỳ. Thái độ đó cũng tồn tại ở Việt Nam: một bên lý tưởng hóa VNCH như anh tướng quân đội hào hoa, một bên bôi tro trát trấu cho bọn phản động quặt quẹo tơi bời. Cả hai diễn ngôn tạo ra người tiếp nhận méo mó và nhầm lẫn với các loại ác mộng lịch sử. Chỉ sử dụng diễn ngôn cực đoan cũng sẽ xóa bỏ khả năng nhìn nhận những sai lầm trong lịch sử và không thể hòa giải,” cô phân tích.

Nhà văn cũng nói thêm: “Tự dưng nhóm người trẻ như tôi, sinh sau 1975 hơn một thập niên, cũng bắt đầu nói chuyện hoặc là như thể ông nội tôi là bộ đội, hoặc là như ông cố làm sĩ quan VNCH. Cả hai đều không phải danh tính trực tiếp của chúng tôi, nhưng cả hai đều là lịch sử của thế hệ chúng tôi. Nếu chúng tôi không được đón nhận câu chuyện quá khứ về một thể chế với đầy đủ ánh sáng, màu sắc, chân dung thì nhận thức của chúng tôi sẽ rơi vào diễn ngôn tuyên truyền của một trong hai phe.”

Nguyên nhân từ giáo dục?

Một sinh viên người Việt đang du học tại Mỹ chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 30/4: “Tôi có thể hiểu được lý do của sự phân cực này – nhưng lại không đánh giá cao sự cực đoan hóa của cả hai bên. Chúng ta thừa biết, như Thủ Tướng Winston Churchill nói, rằng lịch sử được viết ra bởi người thắng cuộc và đó là một góc nhìn chủ quan. Ai chính nghĩa, ai phi nghĩa – câu trả lời sẽ mãi gây tranh cãi, nhưng có một điều chắc chắn rằng khi nào còn tranh cãi cực đoan, thì con đường tiến đến sự hòa giải sẽ còn dài và chông gai hơn.”

Nền giáo dục nặng tính tuyên truyền được coi là nguyên nhân ươm mầm những đầu óc “cực đoan” trong xã hội. Những bạn trẻ được giáo dục rằng chế độ VNCH là xấu xa, phải thù hận với chế độ VNCH, khi lớn lên, sẽ duy trì niềm tin và cảm xúc ấy. Ở thái cực ngược lại cũng vậy.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, vlogger “Chuyện của Linh”, nhà báo tự do – Linh Nguyễn, đánh giá rằng giáo dục, với chương trình giảng dạy và sách giáo khoa ở Việt Nam là do bên thắng cuộc viết, muốn duy trì quan điểm cho các thế hệ sau.

“Nhưng may mắn là đây là cuộc chiến mà cả thế giới đều quan tâm. Có thể khác Việt Nam, họ học hỏi nhiều từ thất bại của họ nên chúng ta may mắn có rất nhiều tư liệu quốc tế cũng như nhân chứng sống có thể chia sẻ góc nhìn về cuộc chiến,” cô nói

“Ngay cả những người của chế độ VNCH ngày xưa, hay còn bị cho là bên thua cuộc, thì thực ra họ vẫn đang tiếp tục truyền cho thế hệ sau lịch sử của chính mình. Thực tế đến bây giờ chúng ta vẫn thấy sự tranh cãi giữa đỏ và vàng, càng cho thấy lịch sử hoàn toàn không hề bị áp đảo bởi kẻ chiến thắng mà chính người thua cuộc vẫn không ngừng cất lên tiếng nói của họ.”

Kiên Trịnh, đang sống và làm việc tại Mỹ cũng cho rằng giáo dục chắc chắn là một nguyên nhân và bổ sung: “Không phải chỉ có mỗi nước ta mới có vấn đề này. Tôi đã học chương trình lịch sử ở Mỹ, và cũng nhận ra một điều tương tự.”

“Khi lịch sử được giảng dạy theo hướng giáo điều chủ nghĩa: tất cả những gì nước ta làm đều là công bằng, cần thiết và anh minh – thì rất dễ vẽ nên một hình ảnh rất xấu xí và phản diện cho kẻ thù bên kia chiến tuyến.”

“Hiện tại cách giáo dục trong lịch sử đang là: ta là chính nghĩa, địch là phi nghĩa và chỉ có khi cuộc chiến này là chính nghĩa thì chế độ mới có sự chính danh,” bạn trẻ này nói.

“Nhưng ta biết lịch sử không phằng lì và tuyến tính như thế. Lịch sử có rất nhiều mặt và rất phức tạp. Môn lịch sử không nên chỉ để tô bóng hơn các trang sử nước nhà và chà đạp kẻ thù. Ngược lại, môn lịch sử phải là một nơi để học sinh có thể mổ xẻ đa chiều, và hiểu được những sai lầm của các thế hệ trước, để có thể tránh nó trong tương lai.”

Sinh viên đang du học tại Mỹ nói trên thì cho rằng, bạn không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến tranh nhưng chính sách thời hậu chiến của “bên thắng cuộc” khiến đẩy hai phía đi xa hơn, để lại vết tích của một cuộc tương tàn giữa người Việt Nam với nhau:

“Từ lịch sử được dạy. chúng tôi được hiểu rằng những người theo Miền Nam – thua cuộc – là những kẻ trốn chạy và phản quốc. Còn những người theo phe cộng sản – thắng thế – là bên có công, thế hệ sau như chúng tôi phải biết ơn họ”.

Lối thoát khỏi cực đoan

Trong khi nền giáo dục bị chính trị hóa, bị chi phối bởi các mục tiêu chính trị, vlogger Linh Nguyễn cho rằng, lý tưởng nhất là tất cả các bạn trẻ đều cùng tìm hiểu, sau đó mọi người có thể có những góc nhìn khác nhau, nhưng có thể tôn trọng nhau và thảo luận.

“Hầu hết các bạn trẻ đã tìm hiểu rồi, có kiến thức thì thường nói chuyện trao đổi rất điềm đạm, có tính xây dựng. Đây là điều cần thiết,” cô nói.

Nhà văn Khải Đơn thẳng thắn: “Tôi sẽ không nói về sự mất mát của thế hệ cha ông tôi. Họ cơ bản đã chọn phe và họ chịu trách nhiệm sống với phe họ chọn. Ai VNCH thì đã lênh đênh biển khơi mất mát để tìm sự sinh tồn khác. Ai cộng sản thì đã có được vị trí xã hội viết tên trong sử sách làm người thắng cuộc.”

Từ đó, cô chất vấn: “Thế hệ của tôi và những người trẻ hơn làm gì nên tội mà phải sống với những câu chuyện méo mó và không thành thật? Tại sao chúng tôi lớn lên đã phải chọn nghe chuyện kể từ phe cực đoan này sang phe cực đoan kia? Tại sao chúng tôi không được quyền nhìn thế hệ trước như những con người vật lộn với những biến động khôn lường của lịch sử, mà số phận có thể đã nghiền nát họ hay giúp họ tạo lập giá trị mới?”

“Những câu chuyện đó góp phần giúp người trẻ sống đầy đủ hơn trong sự hiểu biết. Cảm giác hòa giải đến từ sự thấu hiểu nỗi đau và hạnh phúc của những người trước mặt mình, sau lưng mình, phía bên kia của mình. Sự hòa giải không đến từ những diễn ngôn ra rả hòa giải để làm ăn, hòa giải để có đầu tư, hay không thể hòa giải vì thù địch thâm sâu.”

Và nhà văn đúc kết: “Tôi muốn mình như một đứa trẻ, xin ông bà kể chuyện xưa, hãy kể bằng lương tâm – đừng kể bằng sự thù địch. Bởi thù địch chỉ tiếp tục là sự mất mát mà nhóm người lớn lên kế tiếp sẽ tiếp tục phải chịu đựng và tổn thương.”

Vlogger Linh Nguyễn nhấn mạnh sự tự thân vận động của người trẻ: “Tôi nghĩ quan trọng nhất là sự tò mò và tính ham học hỏi. Giờ với internet và mạng xã hội, các bạn gần như có thể tìm thấy mọi tài liệu các bạn cần, quan trọng là các bạn có muốn tìm hiểu hay không và có đủ cởi mở để đón nhận những thông tin trái chiều với mình hay không.”

“Hãy đặt câu hỏi về những gì mình đã biết và tìm hiểu về những gì mình không chắc chắn. Tìm cho mình một cộng đồng những bạn trẻ có khả năng tư duy phản biện để cùng nhau thảo luận. Tranh biện về những vấn đề này sẽ giúp các bạn có góc nhìn bao quát hơn.”

“Các bạn trẻ nên tìm nghe câu chuyện cụ thể của những người thế hệ trước ở cả hai phía để có cái nhìn toàn diện hơn.”

Nhà báo tự do Linh Nguyễn cũng đánh giá rằng giáo dục nhồi sọ không chỉ tạo ra những đầu óc cực đoan, nhất mực tin tưởng vào điều được tuyên truyền, mà còn gây tác dụng phụ:

“Nếu các bạn trẻ trước đó chỉ được giáo dục một chiều thì đến khi nhận ra mình bị che giấu một nửa còn lại của sự thật thì chắc chắn sẽ rơi vào trạng thái hoang mang, mất phương hướng, thậm chí cảm giác bị phản bội, lừa dối,” cô nhận định.

Theo Linh, tùy vào mức độ tin tưởng trước đó của các bạn, nếu càng tín sùng thì khủng hoảng sẽ càng lớn. Nên chính ra giáo dục càng “nhồi sọ”, càng giáo điều bao nhiêu, khi các bạn trẻ nhìn nhận ra thì nó sẽ phản tác dụng bấy nhiêu.

“Tôi nghĩ cả hai bên cuộc chiến đều đã làm không ít điều đúng đắn và cũng không ít điều sai lầm. Chuyện sao thì hãy viết ra vậy vì chiến tranh cũng đã qua. Sách sử và cách giảng dạy đáng lẽ ra không nên nuôi dưỡng lòng căm thù và mà phải hướng tới hòa giải, hòa hợp như nhiều lãnh đạo chính quyền Cộng sản đã luôn kêu gọi chứ,” cô nói.

Đúc kết lại, vlogger này cho rằng “chấp nhận sự thật một cách khách quan nhất” là điều cần thiết.

Cô dẫn lời nhân vật Valery Legasov, là nhân vật có thật, trong phim về thảm họa Chernobyl, để củng cố ý kiến này: “Mỗi lời dối trá chúng ta nói là một khoản nợ với sự thật. Dù sớm hay muộn, khoản nợ đó cũng sẽ phải trả.”

Bùi Thư
Theo BBC News Tiếng Việt ngày 30/4/2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*