Thế Giới Đã Có 3 Triệu Người Chết Vì COVID-19 – Derek Chauvin Bị Bồi Thẩm Đoàn Kết Tội Sát Nhân

THẾ GIỚI ĐÃ CÓ 3 TRIỆU NGƯỜI CHẾT VÌ COVID-19

Lúc 5 giờ 30 sáng Thứ Bảy 17 tháng 4 tại Baltimore, Maryland, các chuyên gia của Đại học Johns Hopkins ghi nhận dữ liệu thống kê cập nhật cho thấy tổng số bệnh nhân tử vong vì Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt quá 3 triệu người. Tình trạng lây nhiễm đang tăng vọt ở ba quốc gia Brazil, Ấn Độ, Pháp, và Tổng Giám Đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) báo động: “Các trường hợp mới nhiễm bệnh tăng gần gấp đôi trong tháng 2 và tháng 3, lên tới mức cao nhất từ trước tới nay”.

Tưởng cần nhắc lại, đại dịch Covid bùng phát hồi cuối năm 2019, đến tháng 9 năm 2020 tổng số người chết trên toàn thế giới vượt mức 1 triệu, qua đến tháng 1 năm nay tăng thành 2 triệu, bây giờ lên tới 3 triệu, như vậy có nghĩa là chỉ vỏn vẹn trong ba tháng vừa qua đại dịch lại cướp đi thêm 1 triệu sinh mạng nữa, chứng tỏ rằng Coronavirus vẫn còn rất nguy hiểm, mặc dù vaccine đã ra đời và chương trình chích ngừa đang được đẩy mạnh khắp nơi.

Hãng thông tấn AP đưa ra vài sự so sánh: Con số 3 triệu người chết tương đương với dân số của cả một thành phố như Caracas (Venezuela), Kyiv (Ukraine), hay Lisbon (Portugal), lớn hơn dân số của thành phố Chicago, và ngang bằng dân số của hai thành phố Philadelphia và Dallas cộng lại.

Về tình hình lây nhiễm, Đại học Johns Hopkins cho biết tổng số người bị lây nhiễm Covid-19 ở 192 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nay đã lên tới hơn 140 triệu, trong đó cao nhất là Hoa Kỳ với gần 32 triệu người bị lây nhiễm, kế đó là Ấn Độ (hơn 15 triệu người), Brazil (gần 14 triệu người), Pháp (trên 5 triệu người), Nga và Anh (mỗi nước trên 4 triệu người).

Tại Ấn Độ chỉ nội ngày Thứ Sáu 16/4 đã có thêm tới 235,000 bệnh nhân mới bị lây nhiễm, gây ra tình trạng báo động do thiếu giường nằm trong các bệnh viện. Thủ Tướng Narendra Modi phải khuyến cáo hạn chế cử hành lễ hội Kumbh Mela, vì hàng chục triệu tín đồ vừa tụ tập làm lễ dọc bờ sông Hằng (Ganga River) vừa xuống tắm gội để rửa sạch tội lỗi theo truyền thống Ấn Độ Giáo, khiến cho cơ quan công lực không thể cưỡng chế thi hành biện pháp mang khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn. Qua đến Thứ Hai 19/4 chính phủ Ấn ban hành lệnh “đóng cửa toàn diện” ở thủ đô New Delhi, tạm ngưng mọi hoạt động thương mại của 29 triệu cư dân.

Trong khi đó tại Brazil, chỉ nội ngày Thứ Sáu 16/4 đã có thêm 86,000 bệnh nhân mới bị lây nhiễm và 3,300 người chết. Đáng chú ý là các giới chức y tế phát giác tới 92 chủng loại biến thể của Coronavirus, trong đó chủng loại P.1 đang lan tràn từ Brazil với mức độ kinh hoàng, khiến cho những quốc gia khác của Nam Mỹ như Peru, Uruguay, Paraguay, Chile, Argentina và Venezuela cũng phải báo động.

Nhưng sự kiện đáng sợ nhất là số trẻ em tử vong quá nhiều – trái với giả thuyết trẻ em ít có nguy cơ bị lây nhiễm như nhiều người vẫn nghĩ. Bác sĩ Fatima Marinho, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học São Paolo, ước lượng đã có tới 2,060 trẻ em dưới 9 tuổi chết trong đợt bùng phát đại dịch hiện nay ở Brazil, trong đó bao gồm ít nhất 1,302 bé sơ sinh. Theo bác sĩ Marinho thì nguyên nhân gây tử vong là hội chứng viêm hệ thống hô hấp (multisystem inflammatory syndrome tức MIS) xảy ra khoảng 6 tuần lễ sau khi các em bị nhiễm Coronavirus.

Theo nhận định của Chủ tịch tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới (Médecins Sans Frontières – Doctors Without Borders) là bác sĩ Christos Christou, thì sở dĩ Brazil đang phải đối phó với đợt bùng phát đại dịch đưa tới con số tử vong cao ghê gớm (374,692 người) là do chính phủ không áp dụng các biện pháp phòng chống kịp thời và đồng bộ trên toàn quốc. Tổng Thống Jair Bolsonaro – một chính trị gia cực hữu, lâu nay không chịu mang khẩu trang và vẫn cho rằng Covid-19 “chỉ là một thứ bệnh cúm” – bị chỉ trích kịch liệt vì ông kiên quyết không ban hành lệnh “đóng cửa”.

Brazil hiện rất lúng túng trong việc chích ngừa cho dân chúng, vì đặt mua quá chậm nên vaccine bị thiếu, khiến nhiều thành phố phải tạm ngưng chương trình chích ngừa. Hầu hết các bệnh viện cũng thiếu luôn cả thuốc men và máy trợ thở, nhất là tại hai thành phố lớn Rio de Janeiro và São Paulo. Được biết chính phủ Brazil đã phải lên tiếng cầu viện, nhưng mãi đến ngày 15 tháng 4 mới nhận được một số dược phẩm khẩn cấp từ Trung Cộng, và đến tuần tới mới có thể nhận thêm tiếp viện từ Tây Ban Nha.

Biện pháp mới nhất của chính phủ Brazil để đối phó với tình hình nghiêm trọng hiện nay là khuyến cáo phụ nữ “khoan mang thai, chờ thời điểm thích hợp hơn” – theo lời phát ngôn viên Bộ Y Tế Raphael Parente trong cuộc họp báo sáng Thứ Sáu 16/4. Ông Parente giải thích thêm rằng “chủng loại virus biến thể P.1 đã được giới chuyên gia y tế ghi nhận là có thể tác hại nhiều hơn đối với các phụ nữ mang thai”.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) trong tuần này lên tiếng báo động về con số những trường hợp mới lây nhiễm Covid-19 gia tăng một cách đáng lo ngại ở Brazil, Ấn Độ và Pháp, đồng thời kêu gọi thế giới tiếp tay giải quyết tình trạng thiếu thuốc chích ngừa ở các nước nghèo, khiến dân chúng của 60 quốc gia phải chờ đến tháng 6 mới được chích ngừa. Cho tới nay tổ chức thiện nguyện quốc tế COVAX (Covid-19 Vaccines Global Access) mới chỉ phân phối khoảng 40 triệu liều vaccine đến 100 quốc gia, tính ra chưa đầy 0.25% dân số toàn thế giới. Con số thực tế này cho thấy một sự chênh lệch quá lớn giữa “nước giàu” “nước nghèo”. Trong khi các “nước giàu” đã đặt mua và được cung ứng gần 700 triệu liều vaccine, và trung bình cứ 4 người dân thì 1 người đã được chích ngừa, thì các “nước nghèo” mới nhận được 40 triệu liều vaccine, và trong số 500 người dân mới chỉ có 1 người được chích ngừa để phòng chống Covid.

Riêng về tình hình nước Mỹ, thống kê cập nhật cho thấy 209 triệu liều vaccine do chính phủ Biden phân phối đến các tiểu bang đã được dùng vào chương trình chích ngừa. Theo Cơ Quan Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC), tính đến Thứ Hai tuần này, gần 130 triệu người – tức phân nửa số người trưởng thành ở Mỹ – đã được chích ít nhất một liều vaccine, và 84.3 triệu người – tức 25.7% dân số toàn quốc – đã được chích ngừa đầy đủ (2 liều vaccine của Pfizer hoặc Moderna, hoặc 1 liều vaccine duy nhất của Johnson & Johnson).

Cũng bắt đầu từ Thứ Hai 19 tháng 4, dân chúng từ 16 tuổi trở lên ở tất cả 50 tiểu bang đều có thể ghi tên để lấy hẹn chích ngừa.

Nhờ việc đẩy mạnh chương trình chích ngừa nên số trường hợp mới lây nhiễm đã chậm hẳn lại – ngoại trừ ở một vài tiểu bang như Michigan vẫn tăng mấy tuần lễ liên tiếp. Và cũng nhờ việc chích ngừa làm bớt rủi ro lây nhiễm cũng như giúp cho số tử vong vì Covid-19 giảm xuống (chỉ còn 723 người mỗi ngày, so với số tử vong cao nhất hồi tháng 1 là 3,400 người mỗi ngày), nên nhiều cơ sở kỹ nghệ thương mại có thể tái hoạt động và thuê mướn nhân viên trở lại làm việc.

Một dấu hiệu cho thấy kinh tế bắt đầu phục hồi là số người mới nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần lễ từ 8 đến 14 tháng 4 chỉ còn 576,000 người, qua đến tuần lễ từ 15 đến 21 tháng 4 lại tiếp tục giảm xuống còn 547,000 người – những con số thấp nhất kể từ khi bùng phát đại dịch. Một năm trước đây, tức đầu tháng 4 năm 2020, khi Covid-19 lan tràn khiến thị trường lao động hầu như tê liệt, số người mới nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã từng lên tới mức kinh hoàng: 6 triệu 200 ngàn người trong vòng một tuần lễ.

Bộ Thương Mại cho biết tháng 3 vừa qua đã có thêm 916,000 công việc làm mới thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, nhờ đó tỷ lệ thất nghiệp – từ đỉnh cao nhất 14.8% hồi tháng 4 năm 2020 – nay đã giảm xuống còn 6%. Mặc dù vậy, tỷ lệ 6% (có nghĩa là khoảng 17.4 triệu người hiện đang nhận trợ cấp thất nghiệp, theo thống kê của Bộ Lao Động) vẫn còn là một vấn nạn cho nước Mỹ, bởi vì ở thời điểm cuối năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát, tỷ lệ thất nghiệp chỉ có 3.5% và được coi là mức thấp kỷ lục trong vòng 50 năm qua.

DEREK CHAUVIN BỊ BỒI THẨM ĐOÀN KẾT TỘI SÁT NHÂN

Sau phiên tòa kéo dài suốt ba tuần lễ, thu hút sự chú ý của dư luận và gây không khí căng thẳng khắp nước Mỹ, bồi thẩm đoàn tại tòa án quận hạt Hennepin công bố phán quyết lúc 4 giờ 10 phút chiều Thứ Ba 20 tháng 4 (giờ địa phương), theo đó bị can Derek Chauvin –  cựu cảnh sát viên 45 tuổi, da trắng – bị kết luận “có tội” đối với cả ba tội danh sát nhân cấp hai, sát nhân cấp ba, ngộ sát cấp hai, vì đã gây ra cái chết của George Floyd, một người da đen 46 tuổi, vào ngày 25 tháng 5 năm 2020 ở thành phố Minneapolis.

Phán quyết được đưa ra với sự đồng ý của tất cả 12 thành viên bồi thẩm đoàn, sau 10 tiếng đồng hồ thảo luận tại một khách sạn – vì theo lệnh cô lập của tòa án, các bồi thẩm không được phép về nhà và tiếp xúc với bên ngoài trong thời gian nghị án.

Bị can Derek Chauvin mất quy chế tại ngoại, bị tống giam ngay sau khi công bố phán quyết. Ông Chánh Án Peter Cahill cho biết 8 tuần nữa tòa sẽ tái nhóm để tuyên án, và bị can có quyền kháng án. Theo luật tiểu bang, chỉ riêng tội sát nhân cấp hai đã có thể đưa tới án tù 40 năm.

Thành phần bồi thẩm đoàn, qua thủ tục tuyển chọn của công tố viện và luật sư biện hộ, gồm 12 thành viên chính thức, 2 dự khuyết, tất cả đều là công dân Mỹ cư ngụ tại quận Hennepin, tiểu bang Minnesota, danh tánh và hình ảnh không được công bố. Trong số 12 bồi thẩm chính thức (5 nam, 7 nữ), có 6 người da trắng, 4 người da đen và 2 người thuộc chủng tộc khác.

Phiên xử khai diễn ngày 29 tháng 3 trong phòng xử án ở tầng lầu thứ 18 của Trung Tâm Hành Chánh Quận Hạt Hennepin. Tuy số người tham dự bị hạn chế và tất cả phải mang khẩu trang để tránh lây nhiễm Covid-19, nhưng ông Chánh Án Cahill cho phép các đài truyền hình chiếu trực tiếp hầu công chúng có thể biết diễn tiến vụ xử án.

Sau khi theo dõi những đoạn video từng gây sôi nổi dư luận hồi năm ngoái được chiếu lại trước tòa, bồi thẩm đoàn đã nghe lời khai của 45 nhân chứng – gồm các giới chức cảnh sát, các chuyên gia y tế, một số người có mặt tại hiện trường, thân nhân của người quá cố – cùng phần phản biện của cả công tố viện và luật sư biện hộ.

Về phía công tố viện, các biện lý Jerry Blackwell, Steve Schleicher dựa vào hình ảnh cùng lời khai của 38 nhân chứng để buộc tội cảnh sát viên Derek Chauvin đã vượt quá quyền hạn khi chẹn đầu gối lên cổ George Floyd suốt 9 phút 29 giây đồng hồ, gây ngạt thở vì thiếu dưỡng khí (oxygen deprivation) và đưa tới tử vong. Trong khi đó, luật sư Eric Nelson cũng mời 7 nhân chứng và biện hộ cho bị can với lập luận cho rằng nguyên nhân cái chết không phải vì bị chẹn cổ mà là do rối loạn nhịp tim (heart arrhythmia) cộng với ảnh hưởng của các thuốc gây nghiện (fentanyl, methamphetamine) mà Floyd đã uống trước khi bị bắt giữ, đồng thời cho rằng sở dĩ cảnh sát viên Chauvin bắt buộc phải mạnh tay là vì Floyd kháng cự mãnh liệt lúc bị bắt.

Ngay trong lúc phiên xử đang diễn ra và nhất là hai ngày sau cùng khi mọi người hồi hộp chờ đợi phán quyết của bồi thẩm đoàn, những hàng rào thép và kẽm gai được dựng lên chung quanh khu vực tòa án nhằm đề phòng xảy ra các vụ biểu tình đưa tới bạo loạn. Ngoài những đơn vị cảnh sát địa phương với trên dưới 1,000 người, còn có 3,000 quân nhân thuộc lực lượng Vệ Binh Quốc Gia được điều động đến tăng cường giữ an ninh trật tự. Hình ảnh trên đài truyền hình cho thấy tất cả mọi cửa tiệm ở gần khu vực tòa án đều đóng cửa và che chắn bằng ván ép vì lo sợ bị đốt phá. Nhiều người mô tả thành phố Minneapolis như đang trong tình trạng thiết quân luật, với sự hiện diện suốt ngày đêm của quân đội và cảnh sát.

Tưởng cần nhắc lại, cái chết của George Floyd đúng vào ngày lễ Memorial Day hồi năm ngoái đã làm dấy lên cả một phong trào “Black Lives Matter” để phản đối cảnh sát về hành động bạo lực mang tính chất kỳ thị người da đen. Làn sóng biểu tình bùng phát ngay sau khi trên mạng xã hội luân chuyển các đoạn video do người đi đường ghi lại. Mặc dù lúc đó đại dịch Covid-19 đang lan tràn, trên 10,000 cuộc biểu tình đã diễn ra ở 140 thành phố, nơi nào cũng có cả ngàn người xuống đường tuần hành. Tuy hầu hết khởi đầu một cách ôn hòa, nhưng các cuộc biểu tình ở một số nơi đã biến thành bạo động, nhất là vào tối Thứ Bảy 30/5 và Chủ Nhật 31/5, khiến chính quyền của 23 tiểu bang phải điều động 17,000 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ Binh Quốc Gia để vãn hồi an ninh trật tự. Lệnh giới nghiêm được ban hành tại 40 thành phố và thủ đô Washington D.C. Ngoài tâm điểm là Minneapolis, những vụ biểu tình bạo động và tình trạng đốt phá, cướp bóc, hôi của còn lan tràn ở St. Louis, Los Angeles, Las Vegas, Atlanta, New York, Louisville, Philadelphia v.v… gây thương vong cho cả người biểu tình lẫn cảnh sát. Trên 1,700 người bị bắt với nhiều tội trạng khác nhau. Đó là chưa kể, song song với làn sóng biểu tình khắp nước Mỹ, cái chết của George Floyd còn làm dấy lên những cuộc biểu tình ở một số quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Úc, Tân Tây Lan, Brazil v.v… tất cả đều nhằm mục đích lên án cảnh sát về các hành động bạo lực và kỳ thị chủng tộc. Phong trào “Black Lives Matter” kéo dài suốt từ cuối tháng 5 qua tới tháng 8 và chỉ lắng dịu khi dư luận chuyển sự chú ý qua cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2020.

Trở lại với tình hình năm nay, giữa lúc không khí tại Minneapolis đang căng thẳng với phiên tòa xét xử cựu cảnh sát viên Derek Chauvin, thì buổi chiều Chủ Nhật 11 tháng 4 lại xảy ra thêm vụ cảnh sát bắn chết một người da đen ở thành phố lân cận Brooklyn Center, chỉ cách địa điểm xử án khoảng 10 miles. Hình ảnh từ camera cho thấy Daunte Wright, một thanh niên da đen 20 tuổi, đang lái xe thì bị cảnh sát chận lại lúc 2 giờ chiều, yêu cầu bước ra khỏi xe vì anh ta vi phạm luật giao thông và có trát tòa truy nã. Sau một lúc giằng co, Wright quay trở vào xe. Cảnh sát viên Kim Potter ngăn lại và hô lớn “Taser!” ba lần, nhưng thay vì rút súng điện (Taser stun gun) thì lại rút súng lục bắn vào anh ta. Wright lái xe đi thêm một quãng thì tông vào xe khác, sau đó được xác nhận đã chết vì trúng đạn.

Chỉ vài giờ sau đã có trên dưới 200 người kéo đến Sở Cảnh Sát để phản đối cái chết của Daunte Wright. Cuộc biểu tình trở thành bạo động, một số xe cảnh sát bị đập phá, những vụ phá cửa tiệm và hôi của xảy ra ở khu thương mại Shingle Creek Mall, khiến chính quyền phải ban hành lệnh giới nghiêm và yêu cầu lực lượng Vệ Binh Quốc Gia tiếp tay vãn hồi trật tự. Bất chấp giới nghiêm, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra vào tối Thứ Hai, Thứ Ba, hàng trăm người ném gạch đá chai lọ vào Sở Cảnh Sát Brooklyn Center và gây những đám cháy, cho tới khi cảnh sát bắn lựu đạn khói để giải tán. 60 người biểu tình bị bắt giữ vì “hành vi bạo loạn”. Mặc dù ông Cảnh sát trưởng Tim Gannon đã từ chức và nữ cảnh sát viên Kim Potter đã bị truy tố về tội ngộ sát cấp 2, nhưng sự phẫn nộ của cộng đồng da đen tại Brooklyn Center vẫn thể hiện qua những cuộc tụ tập kéo dài qua tuần lễ kế tiếp và chỉ tạm thời lắng dịu khi mọi người dồn sự chú ý vào phiên tòa xét xử cựu cảnh sát viên Derek Chauvin.

Phán quyết của bồi thẩm đoàn hôm Thứ Ba 20/4 được đám đông biểu tình trước tòa án ở Minneapolis cũng như các đoàn biểu tình ở nhiều thành phố khác như New York City, Chicago, Portland, Oakland… hoan nghênh nhiệt liệt. Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình, thân nhân của George Floyd cũng như các nhân vật đại diện những tổ chức đấu tranh dân quyền đều bày tỏ phản ứng “vui mừng khi thấy công lý được thực thi”, nhưng đồng thời “hiểu rằng đây mới chỉ là một bước khởi đầu”, và cuộc tranh đấu đòi hỏi cải cách luật lệ cũng như xóa bỏ tinh thần kỳ thị chủng tộc sẽ còn phải tiếp tục với rất nhiều thử thách.

Cựu Tổng Thống Barack Obama phổ biến bản lên tiếng, ca ngợi phán quyết của bồi thẩm đoàn tại Minnesota, kèm theo lời nhắc nhở: “Câu hỏi căn bản vẫn là: liệu công lý có được thực thi? Ở trường hợp này, ít nhất chúng ta đã có câu trả lời. Nhưng nếu tự thành thật với chính mình thì chúng ta đều biết rằng công lý đích thực không phải chỉ đơn thuần là một phán quyết trong một vụ án riêng rẽ, mà phải là nhiều hơn nữa”.

Tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Tổng Thống Joe Biden và Phó Tổng Thống Kamala Harris gọi điện thoại nói chuyện với gia đình George Floyd ngay sau khi theo dõi tin tức về phán quyết của bồi thẩm đoàn ở Minneapolis, và gọi đây là “một bước tiến rất lớn trong cuộc hành trình hướng về mục tiêu thực thi công lý trên đất nước chúng ta”.

Phát biểu trước quốc dân về phiên tòa vừa kết thúc, Tổng Thống Biden nhắc lại một trong những điều ông từng nêu ra khi vận động tranh cử: “Nếu muốn lực lượng cảnh sát vượt qua định kiến về chủng tộc, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để đối đầu với tinh thần kỳ thị đã ăn sâu vào cả một hệ thống”, và nhấn mạnh: “Hầu hết các nam nữ cảnh sát viên tại chức đều phục vụ cộng đồng một cách tận tụy và đáng kính trọng, nhưng có một số nhỏ không đáp ứng tiêu chuẩn nghề nghiệp, và những người đó phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ – như trường hợp chúng ta đã thấy ngày hôm nay”.

Tổng Thống Biden kêu gọi Thượng Viện thảo luận và thông qua dự luật cải tổ ngành cảnh sát càng sớm càng tốt, để nước Mỹ có một đạo luật được chính thức ban hành trong mục đích khôi phục niềm tin của dân chúng đối với các nhân viên công lực và củng cố sự ổn định xã hội.

Dự luật mang tên “George Floyd Justice and Policing Act” (HR-7120), do hai Thượng Nghị Sĩ Cory Booker, Kamala Harris cùng hai Dân Biểu Karen Bass, Jerrold Nadler đồng bảo trợ, đã được đệ trình từ mùa hè năm 2020, tái đệ trình vào tháng 2 năm nay (HR-1280) và được Hạ Viện biểu quyết thông qua ngày 3 tháng 3 vừa qua với tỷ số phiếu 220–212. Được biết dự luật nhận được sự ủng hộ của 100 tổ chức dân quyền trên toàn quốc, nhưng bị các nghiệp đoàn ngành cảnh sát phản đối. Hai Thượng Nghị Sĩ Cory Booker (Dân Chủ), Tim Scott (Cộng Hòa) và Dân Biểu Karen Bass (Dân Chủ) đang tiếp tục thương lượng để tìm cách đưa dự luật ra thảo luận trước Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện.

Chưa đầy nửa tiếng đồng hồ trước khi bồi thẩm đoàn ở Minneapolis công bố phán quyết kết tội Derek Chauvin về cái chết của George Floyd, lại thêm một sự kiện nữa xảy ra tại thành phố Columbus (Ohio), cho thấy sự căng thẳng giữa cảnh sát và cộng đồng da đen khó có thể lắng dịu. Ngay khi nhận điện thoại khẩn cấp 911, cảnh sát đến hiện trường và thấy một thiếu nữ đang cầm dao xung đột với hai phụ nữ khác. Vì lời hô cảnh cáo không có hiệu quả, cảnh sát viên Nicholas Reardon nổ súng. Cô gái cầm dao bị trúng đạn, sau đó qua đời, danh tánh được xác nhận là Ma’Khia Bryant, 16 tuổi, một người da đen. Mặc dù Sở Cảnh Sát đã công bố video ghi lại nội vụ, ông Cảnh sát trưởng Michael Woods và ông Thị Trưởng Andrew Ginther cùng lên tiếng giải thích với báo chí là cảnh sát phải can thiệp kịp thời để bảo vệ người bị tấn công, nhưng cư dân trong vùng phẫn nộ về cái chết của Ma’Khia Bryant nên vẫn biểu tình tuần hành trên đường phố và trước Sở Cảnh Sát Columbus suốt hai ngày liên tiếp. Cảnh sát viên Reardon đã bị tạm ngưng công tác. Cuộc điều tra đang tiến hành, chưa rõ tình hình sẽ diễn biến ra sao.

Liên quan đến phiên tòa vừa kết thúc ở Minneapolis, Chánh Biện Lý Keith Ellison của tiểu bang Minnesota và biện lý Mike Freeman ngay từ tháng 6 năm ngoái đã cho biết cả ba cựu cảnh sát viên có mặt tại hiện trường là Tou Thao, Thomas Lane và J. Alexander Kueng đều bị truy tố về tội đồng lõa. Tuy nhiên vì quan ngại đại dịch Covid-19 nên tòa án quận hạt Hennepin quyết định phiên tòa lần này chỉ có Derek Chauvin là bị can duy nhất. Phiên tòa dành cho ba bị can còn lại được dời đến ngày 23 tháng 8.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, Yahoo News, USA Today ngày 23/4/2021

1 Comment

  1. Thế-giới chết 3 triệu người! # 420.000 chết tại Mỹ 12 tháng dưới thời Trump! # 200.000 chết trong 3 tháng của Biden cho dù vaccines đã chích choát cho dân Mỹ từ 12/2020!
    Thật tình thì không biết Hiến Pháp cả Thế-giới thế nào chứ còn Hiến Pháp Mỹ chiếu theo Tu Chính Án số 10 thì quy định các Tiểu-bang chịu trách nhiệm giải quyết thiên tai, nhân tai! Liên bang chỉ cung cấp phương tiện cho nên 50 Tiểu bang nhận vaccines xong rồi tuỳ nghi cho dân chích theo chương trình riêng của mổi Tiểu bang!
    Việc đổ thừa cho Trump hay Biden làm chết dân vì Wuhan virus chỉ là trò chính trị bẩn thỉu!
    Sao không ai lên tiếng thử điều tra xem Covid-19 đến từ đâu?

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*