Công Trình “Những Ca Khúc Nhạc Ngoại Quốc Lời Việt” Của Hoài Nam

Chỉ với công trình “70 Năm Tình Ca trong âm nhạc Việt Nam”, Hoài Nam đã đủ để lại đời một món quà quý báu hiếm có cho những người yêu chuộng âm nhạc miền Nam nói riêng, và kho tàng văn hóa Việt Nam nói chung.

Nhưng Hoài Nam không chịu ngừng lại (để dưỡng già) ở đó. Sau khi hoàn tất công trình âm nhạc có một không hai nói trên (2012), đầu năm 2013, anh đã bắt tay ngay vào một công trình “đồ sộ” khác. Đó là công việc giới thiệu các “ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt” một cách quy mô, mạch lạc, đầy đủ và chi tiết đến độ khiến người đọc ngạc nhiên thích thú, nhất là những người đã từng sống qua thời kỳ cực thịnh của các nhạc phẩm ngoại quốc (Anh, Pháp, Trung Hoa …) tại miền Nam Việt Nam thời trước biến cố tháng 4 năm 1975, thời kỳ mà không chỉ các bản nhạc ngoại quốc ấy tung hoành trên các băng dĩa, làn sóng truyền thanh truyền hình, mà cả kiểu cách ăn mặc, kiểu cách tóc tai, kiểu cách trang điểm của các ca sĩ trình diễn (các bản nhạc ngoại quốc) ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc sống xã hội của trai thanh gái lịch miền Nam, để rồi chúng trở thành một phần đặc thù của âm nhạc Việt Nam khi được các nhạc sĩ viết lời Việt cho các bản nhạc thời thượng ấy.

Vì thế, cũng như với công trình “70 năm Tình Ca”, công trình “Những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt” chỉ có thể được thực hiện một cách chính xác, đầy đủ và sống động bởi những người đã từng sống qua những ngày tháng khó quên ấy, đã từng tắm hồn trong dòng âm thanh quyến rũ mê hoặc của một thời cùng với những bạn bè đồng trang lứa, đã từng rủ nhau đến hiệu uốn tóc cho một kiểu tóc gợn sóng uốn lượn trước trán của Johnny Hallyday, một kiểu tóc ngắn úp sát hai bên má của Sylvie Vartan. Ngày ấy, âm nhạc đi hẳn vào cuộc sống như một phần không thể thiếu của cuộc sống. Thế nên, viết về âm nhạc những ngày ấy không thể chỉ gói gọn chi tiết trên những trang khảo cứu khô cứng, vô hồn, vô thanh và vô ảnh.

May mắn thay, chúng ta có một Hoài Nam, người hội đủ các điều kiện “khe khắt” nói trên, người sau bao thăng trầm gian nan chiến tranh cải tạo vượt biên vượt biển nay vẫn còn sống sót. May mắn hơn nữa, anh còn sở hữu một trí nhớ tuyệt vời, để có thể ghi lại chính xác những gì xẩy ra hơn 50 năm trước, cộng với một tinh thần làm việc nghiêm túc, bền bỉ trong suốt hơn 7 năm liên tục cho ra đời 96 bài viết gồm các hình ảnh và bộ sưu tập âm thanh (dạng MP3) với hơn 400 bản thu âm đến từ nhiều nguồn.

Trong suốt 7 năm ấy, trang mạng văn học T.Vấn & Bạn Hữu đã thực hiện một chuyên mục cho các bài viết nói trên và sau đó đã thực hiện thành 4 tập sách điện tử gồm hơn 1,600 trang giấy (khổ Executive 7.25 x 10.5) với nội dung phân chia như sau:

Tập Một (ấn hành 2017): Những nhạc khúc, ca khúc cổ điển, bán cổ điển và đầu thời kỳ hiện đại.

Và những ca khúc dân gian truyền thống phổ biến.

Tập Hai (ấn hành 2017): Những ca khúc phổ thông (popular songs) của Anh, Mỹ.

Tập Ba (ấn hành 2018): Những ca khúc phổ thông của Pháp.

Tập Bốn (ấn hành 2021): Một số ca khúc đông phương điển hình và Những ca khúc nổi tiếng trong phim ảnh, trong các vở ca nhạc kịch, hoặc nhạc phim được đặt lời hát.


Để nghe được phần âm thanh (MP3) hay theo dõi đường dẫn đến các video nhạc trích dẫn trong bài, độc giả phải vào xem trực tiếp trên trang mạng văn học T.Vấn & Bạn Hữu (t-van.net). Bỏ qua phần bất tiện này, độc giả có thể tải về máy miễn phí 4 tập sách điện tử ở dạng PDF và mở ra đọc với bất cứ thiết bị đọc điện tử nào (computer, laptop, smartphone, Ipad, Tablet v…v…).

So sánh với  công trình “70 Năm Tình Ca trong âm nhạc Việt Nam”, người ta “nghe” công trình 70 năm Tình Ca, nhưng lại phải “đọc” công trình nhạc Ngoại Quốc lời Việt. Khác biệt ấy chính là sự thiệt thòi không thể tránh khỏi của công trình nhạc Ngọai Quốc lời Việt. Trang T.Vấn & Bạn Hữu đã từng trao đổi với Hòai Nam và đề nghị anh thực hiện phần âm thanh (audio) của lọat bài về nhạc Ngọai quốc như anh đã từng làm với công trình 70 năm Tình ca, trong đó, giọng đọc ấm áp, truyền cảm của tác giả đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của chương trình. Nhưng, tác giả cho biết, trước đây anh thực hiện chương trình 70 năm TC cho đài phát thanh SBS Úc châu với phương tiện kỹ thuật và chuyên viên của họ, nay anh không còn làm việc với SBS nữa nên đành chịu bó tay.

2.

Hơn 7 năm cần mẫn vùi đầu trên những trang sách, Hoài Nam mong lấy lại được những gì?

Đền bù vật chất? chắc chắn là không phải. Vì anh đã có đủ.

Danh tiếng? Lại cũng không phải. Vì anh cũng đã có đủ. Quá đủ với thành công của công trình “70 năm Tình ca” trước đó.

Trong thay lời tạm biệt, in ở tập 4 “Những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt”, Hoài Nam đã nói rõ. Anh chỉ mong ước tạo được một sự đồng cảm nơi những người yêu nhạc. Đó là thứ hạnh phúc con tằm nhả tơ nào cũng thèm khát.

Đồng hành cùng với Hoài Nam từ hơn 7 năm nay, tôi may mắn có dịp làm chứng nhân một tinh thần làm việc cần cù, nghiêm túc, và sẵn sàng sửa sai mỗi khi phạm sai sót, dù rất nhỏ. Mỗi một chữ, hay câu văn in nghiêng in đậm, hay những dấu chấm phẩy đặt sai chỗ; mỗi một bản nhạc đính kèm, hay những đường nối kết (links) đến các youtube trích dẫn, đều được Hoài Nam chăm chút, xem xét tỉ mỉ khi chúng hiển thị trên màn hình trang web (của t-van.net) để yêu cầu phải được sửa chữa cho đúng nếu có chỗ bị sai sót vì nhiều lý do kỹ thuật khác nhau.

Đến khi 96 bài viết của chuyên mục “Những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt” được gom lại thành 4 tập sách điện tử, lại thêm một khoảng thời gian không ngắn rà soát, sửa chữa, thêm bớt, cho phù hợp.

Thái độ ấy phát xuất từ lòng tôn trọng độc giả, thính giả và cũng một phần đến từ bản tính cầu thị, cầu toàn của Hoài Nam. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Tôi học hỏi được nhiều điều từ người bạn ở mãi tận bên xứ Úc xa xôi cũng là nhờ hơn 7 năm làm việc với Hoài Nam trên không gian trang mạng văn học T.Vấn & Bạn Hữu. Nhờ vậy, vóc dáng của TV&BH ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, trưởng thành hơn. Người đọc tinh ý sẽ nhận thấy sự trưởng thành ấy lộ rõ qua hình thức trình bày của 4 tập sách trải dài qua các năm 2017, 2018 và 2021.

3.

Tập 4 “Những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt” được chuẩn bị sắp xếp dàn trang trong suốt thời gian của trận đại dịch kinh hoàng bao trùm khắp nơi trên thế giới, không loại trừ một ngõ ngách giàu sang nghèo hèn nào mà nó không có mặt.

Giữa khoảng cách của sống và chết cứ mỗi ngày mỗi thu hẹp, đã có lúc tôi hoảng sợ vì ý tưởng nếu chẳng may con vi trùng quái ác bắt tôi phải nằm bó tay bó chân bó tim bó não ở một căn phòng hẻo lánh không một bóng người để chờ chết. Công việc đang dang dở rồi sẽ ra sao? Những trang sách còn ngổn ngang ai sẽ là người hoàn tất?

Giờ đây, tôi đã có thể thở ra nhẹ nhõm. Bốn tập sách của Hoài Nam đang nhảy múa reo vui trên màn hình trước mặt. Tôi mừng vì mình đã làm tròn nhiệm vụ với bạn, vì cuối cùng thì công trình “rất” đồ sộ của Hoài Nam đã được bảo đảm sẽ tồn tại lâu dài cho nhiều thế hệ của tương lai. Khi thực hiện trang mạng văn học TV&BH, tôi và các bạn hữu tâm niệm rằng chúng tôi không chỉ làm công việc giới thiệu những tác phẩm văn học nghệ thuật đến với đông đảo người thưởng ngoạn đương thời, mà còn cố gắng bằng mọi cách trong khả năng để lưu giữ những tác phẩm ấy cho con cháu chúng ta mai sau, xem chúng như một phần của di sản văn hóa không thể bị đánh mất.

Với suy nghĩ đó, tủ sách điện tử T.Vấn & Bạn Hữu trân trọng giới thiệu 4 tập “Những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt” của nhà báo Hoài Nam. Tuy được phát hành dưới hình thức sách điện tử, nhưng những tập sách này vẫn có thể được in ấn dưới dạng quy ước (sách giấy) theo nhu cầu của mỗi người mà không cần phải gia công gì thêm ngoài việc làm thêm tấm gáy sách cho trang bìa.

Độc giả có thể tải 4 tập sách về máy theo đường dẫn chung:

Tủ sách điện tử T.Vấn & Bạn Hữu

Hoặc từng đường dẫn riêng đến:

Những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt – tập Một

Những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt – tập Hai

Những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt – tập Ba

Những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt – tập Bốn

Tủ sách điện tử T.Vấn & Bạn Hữu gởi sách miễn phí đến độc giả trong và ngoài nước vì chúng tôi tin rằng, với mục đích giữ gìn di sản văn hóa đương thời cho các thế hệ mai sau, càng nhiều người lưu giữ chúng trong các thiết bị điện tử của mình thì khả năng sống sót qua các biến thiên thời đại của những tác phẩm ấy càng cao hơn. Mặt khác, người thưởng ngoạn nghệ thuật ở bất cứ đâu, ở bất cứ thời nào đều xứng đáng có cơ hội được truy cập những món ăn tinh thần đáp ứng cho nhu cầu thưởng ngoạn và học hỏi của mình.

T.Vấn
Tủ sách T.Vấn & Bạn Hữu
Mùa Xuân năm 2021

Nguồn: http://t-van.net/?p=49014

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*