BIỂN ĐÔNG LẠI NỔI SÓNG VÌ Ý ĐỒ CỦA TRUNG CỘNG
Tình hình Biển Đông lại một lần nữa trở nên căng thẳng sau khi Trung Cộng cho hàng trăm tàu dân quân biển đến bỏ neo ở vùng Đá Ba Đầu rồi đưa một hải đội với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh băng qua hải phận Nhật Bản, song song với sự kiện hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt của Mỹ cũng tiến về Biển Đông từ ngày 4 tháng 4 để tập trận cùng các quốc gia đồng minh.
Các bản tin thông tấn trích dẫn lời phát biểu hôm Thứ Ba tuần này của Đề Đốc Doug Verissimo, tư lệnh Nhóm Tàu Chiến số 9 thuộc Đệ Thất Hạm Đội, nói rằng việc Hải quân Hoa Kỳ trở lại Biển Đông nhằm “tái khẳng định với đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương rằng chúng tôi vẫn giữ nguyên sự cam kết bảo vệ quyền tự do hải hành”.
Nhóm tàu chiến số 9 (Carrier Strike Group Nine) bao gồm phi đội 11 cùng tuần dương hạm USS Bunker Hill và khu trục hạm USS Russell, hồi tháng 2 đã từng đến vùng biển quan trọng này cùng nhóm tàu chiến của hàng không mẫu hạm USS Nimitz để tập trận chung với Hải quân Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mã Lai, Nam Hàn.
Mặc dù việc tập trận chung là một trong những hoạt động thường xuyên (routine operations) của Hải quân Hoa Kỳ, nhưng sự xuất hiện lần thứ nhì chỉ sau hơn một tháng trời của hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt được giới quan sát thời cuộc đặc biệt chú ý, vì cách đây vài ngày cả Phi Luật Tân và Nhật Bản đều báo động rằng Trung Cộng đang tăng cường lực lượng dân quân biển (maritime militia) ở khu vực Đá Ba Đầu, có vẻ muốn chuẩn bị chiếm đóng để xây dựng thêm đảo nhân tạo và đặt căn cứ quân sự.
Khu vực Đá Ba Đầu tức Whitsun Reef (Trung Cộng gọi là Ngưu Ách Tiêu, Phi Luật Tân gọi là Julian Felipe) gồm 23 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhưng chỉ có hai đảo Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông nổi trên mặt nước, còn lại đều là bãi đá san hô, chỉ nhìn thấy khi thủy triều xuống thấp. Trung Cộng, Việt Nam và Phi Luật Tân đều tuyên bố chủ quyền tại đây.
Khi Phi Luật Tân phản đối sự hiện diện của 220 tàu dân quân biển (hình bên), phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng là Triệu Lập Kiên chối cãi rằng đó chỉ là những “tàu đánh cá ghé vào để tránh bão khi biển động”, đồng thời Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Hoàn Cầu Thời báo hăm dọa “nếu Phi Luật Tân hành động liều lĩnh thì chắc chắn Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ”.
Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Phi Luật Tân Hermogenes Esperon đã đề cập đến sự kiện ở khu vực Đá Ba Đầu trong cuộc điện đàm hôm Thứ Tư tuần rồi (31/3) với Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ Jake Sullivan. Được biết ông Sullivan tái khẳng định rằng Hiệp Ước Hỗ Tương Quốc Phòng giữa Phi Luật Tân và Mỹ vẫn còn đầy đủ hiệu lực.
Hôm Thứ Hai tuần này Bộ Trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân Delfin Lorenzana tố cáo rằng vẫn còn 44 tàu dân quân biển bỏ neo ở lại – mặc dù đã hết mùa bão biển, và Bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân gửi tiếp công hàm thứ hai, thúc giục nhà cầm quyền Bắc Kinh rút hết đám “tàu đánh cá” ra khỏi khu vực. Luật sư Salvador Panelo, cố vấn pháp lý của Tổng Thống Rodrigo Duterte gọi thẳng đây là một sự “xâm phạm lãnh hải”, và cảnh cáo rằng ý đồ của Trung Cộng “sẽ đưa tới những hành động thù nghịch mà cả hai nước đều không muốn xảy ra”. Phát ngôn viên chính phủ Phi Luật Tân Harry Roque tuyên bố trong cuộc họp báo: “Chúng tôi sẵn sàng thương thuyết để giải quyết các bất đồng trên căn bản hỗ tương quyền lợi, nhưng có một điều cần nói rõ: chủ quyền quốc gia là điều không thể thương lượng được. Chúng tôi sẽ không để mất một tấc đất nào của lãnh thổ hoặc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)”.
Song song với vụ rắc rối về khu vực Đá Ba Đầu, hôm Thứ Bảy 3 tháng 4 Hải quân Nhật Bản phát giác một hải đội của Trung Cộng đang băng qua vùng biển giữa các đảo Okinawa (Xung Thằng) và Miyakojima (Cung Cổ) của Nhật để đi về phía Biển Đông. Hải đội bao gồm hàng không mẫu hạm Liaoning (Liêu Ninh), một khu trục hạm tàng hình Renhai có trang bị hỏa tiễn, hai khu trục hạm Luyang III có trang bị hỏa tiễn, một khinh hạm Jiangkai và một tàu tác chiến Fuyu.
Đây là lần thứ nhì hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đi qua vùng biển thuộc hải phận Nhật Bản, lần trước cách đây đúng một năm, lần này rõ ràng là để theo dõi cuộc tập trận chung giữa Hải quân Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực, bao gồm cuộc tập trận kéo dài hai ngày hồi tuần trước với Hải quân Úc ở vùng biển phía Đông Thái Bình Dương.
Từ Hồng Kông, nhật báo South China Morning Post ghi nhận tin này hôm Thứ Hai 5 tháng 4, và cho biết Bộ Quốc Phòng Nhật Bản ngay tức khắc đã điều động khu trục hạm JS Suzutsuki cùng phi cơ tuần thám P-1 và phi cơ chống tàu ngầm P-3C để thu thập tin tức cũng như theo dõi hoạt động của hải đội Trung Cộng.
Tưởng cũng cần nhắc lại là mới hồi tháng 3, chính phủ Nhật tố cáo Trung Cộng bắt đầu gia tăng sự hiện diện của các tàu hải cảnh tại vùng đảo trên biển Hoa Đông mà hai quốc gia đang tranh chấp chủ quyền (Nhật Bản gọi quần đảo này là Senkaku và Trung Cộng gọi là Điếu Ngư).
Từ Washington, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lên tiếng nói rằng chính phủ Joe Biden tái khẳng định sự cam kết sẽ phản kháng bất kỳ hành động đơn phương nào đe doạ quyền kiểm soát của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku, và khẳng định rằng Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ trong trường hợp Nhật bị tấn công.
IRAN DỰ HỘI NGHỊ PHỤC HOẠT THỎA ƯỚC HẠT NHÂN JCPOA
Sau vòng đàm phán trực tuyến hôm Thứ Sáu tuần trước, Iran đã đồng ý cử đại diện đến tham dự cuộc hội nghị được tổ chức tại thủ đô Vienna của Vương Quốc Áo với mục đích thảo luận về việc phục hoạt và thi hành Thỏa ước Hạt nhân (JCPOA).
Hội nghị khai diễn lúc 2 giờ rưỡi chiều Thứ Ba 6 tháng 4. Tin tức sơ khởi cho biết Thứ Trưởng Ngoại Giao Abbas Araghchi, người cầm đầu phái đoàn Iran, đã tham dự buổi họp đầu tiên với đại diện của Pháp, Anh, Nga, Đức, Trung Cộng và Liên Hiệp Âu Châu. Phái đoàn Hoa Kỳ cũng có mặt tại Vienna nhưng chỉ theo dõi và đóng góp ý kiến qua trung gian phái đoàn Pháp chứ không trực tiếp tham dự hội nghị.
Các phái đoàn đồng ý thành lập ngay tại chỗ hai nhóm chuyên gia với nhiệm vụ đúc kết các dữ kiện thực tế để làm cơ sở thảo luận tại buổi họp kế tiếp vào Thứ Sáu tuần này (9 tháng 4).
Những diễn biến phức tạp trong 6 năm vừa qua liên quan đến Thỏa ước Hạt nhân khiến cho giới quan sát thời cuộc lo ngại rằng tình trạng bế tắc hiện nay nếu không sớm được giải quyết sẽ có nguy cơ đưa tới chiến tranh Trung Đông, ảnh hưởng đến an ninh và sự ổn định của cả thế giới.
Tưởng cần nhắc lại, Cộng Hòa Hồi Giáo Iran từ lâu vẫn theo đuổi kế hoạch nghiên cứu hạt nhân, nhưng luôn luôn nói rằng chương trình phát triển nguyên tử năng của họ chỉ nhằm “mục đích hòa bình”. Tuy nhiên đến năm 2015 thì tình báo quốc tế tiết lộ một số tin tức cho thấy Iran đã âm thầm mở rộng chương trình làm giàu uranium và sắp có đủ khả năng để chế tạo một trái bom nguyên tử. Trước sự báo động này, quốc tế gia tăng áp lực buộc Iran phải chấp nhận ký Thỏa ước Hạt nhân với Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Đức, Trung Cộng và Liên Hiệp Âu Châu vào ngày 14 tháng 7 năm 2015. Năm trong số các cường quốc ký thỏa ước với Iran là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Thỏa ước Hạt nhân năm 2015 thường được gọi là JCPOA (viết tắt của Joint Comprehensive Plan of Action tức Chương Trình Hành Động Chung). Theo Thỏa ước, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của họ dưới khả năng chế tạo vũ khí nguyên tử – cụ thể là Iran phải cắt giảm 98% trữ lượng uranium, chỉ được làm giàu uranium tới mức 3.67% trong vòng 15 năm, và cho phép đoàn thanh tra thuộc Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc (International Atomic Energy Agency, tức IAEA) đến kiểm soát tại chỗ. Để đổi lại, các cường quốc Tây phương đồng ý gỡ bỏ các biện pháp chế tài đối với Iran, tháo khoán hàng tỷ dollars bị phong tỏa để giúp Iran phục hồi nền kinh tế đang xuống dốc thảm hại.
Sau khi Cơ Quan IAEA xác nhận Iran thực hiện đúng cam kết trong Thỏa ước JCPOA, Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu cùng gỡ bỏ lệnh chế tài đối với Iran vào ngày 16 tháng 1 năm 2016.
Thỏa ước JCPOA được coi là một thành quả ngoại giao dưới thời Tổng Thống Barack Obama vì có tác dụng giúp Liên Hiệp Quốc kiểm soát và ngăn chận tham vọng nguyên tử của Iran, nhưng bị chỉ trích vì không thực sự hạn chế chương trình hạt nhân mà Iran vẫn theo đuổi và cũng không khống chế được những nhóm võ trang mà Iran bí mật hỗ trợ để gây bất ổn tại các nước vùng Trung Đông.
Năm 2017, căn cứ theo phúc trình của Cơ Quan IAEA và nhận định của Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis, Tổng Thống Donald Trump xác nhận Iran đã thực hiện đúng Thỏa ước vào tháng 4 và tháng 7, nhưng đến tháng 10 thì từ chối tiếp tục xác nhận, yêu cầu Quốc Hội Hoa Kỳ cùng các quốc gia ký Thỏa ước phải bổ sung một số điều khoản để ràng buộc trách nhiệm của Iran một cách chặt chẽ hơn.
Ngày 8 tháng 5 năm 2018 Tổng Thống Trump chính thức tuyên bố Hoa Kỳ rút ra khỏi Thỏa ước JCPOA, đồng thời áp đặt trở lại các lệnh chế tài đối với Iran, đặc biệt là biện pháp ngăn chận xuất cảng dầu thô – nguồn lợi lớn nhất của Iran – khiến nền kinh tế Iran ngay tức khắc bị suy giảm 10%. Mặc dù Pháp, Anh, Nga, Đức, Trung Cộng và Liên Hiệp Âu Châu tuyên bố vẫn duy trì và tôn trọng Thỏa ước, nhưng trên thực tế những quốc gia châu Âu đều phải tạm ngưng giao dịch với Iran vì e ngại lệnh chế tài của Hoa Kỳ gây bất lợi cho các hoạt động thương mại trong nước họ.
Phản ứng đầu tiên từ phía Iran là “bảy điều kiện” mà đại giáo chủ Ali Khamenei – lãnh tụ tối cao của quốc gia Hồi Giáo này – đặt ra với châu Âu, đòi hỏi các thành viên Liên Hiệp Âu Châu nếu muốn Iran tiếp tục tôn trọng Thỏa ước JCPOA thì họ cũng phải thực hiện sự cam kết của họ mặc dù Hoa Kỳ đã đơn phương rút lui.
Đúng một năm sau đó, ngày 8 tháng 5 năm 2019, Iran tuyên bố không còn bị ràng buộc với Thỏa ước, bắt đầu tích trữ uranium và tái khởi động chương trình làm giàu uranium, từ mức 3.67% tăng lên 4.5%, rồi 5%. Qua tới đầu năm nay (2021), các chuyên gia về nguyên tử của Liên Hiệp Quốc ước lượng rằng với đà này, Iran sẽ chỉ cần khoảng 3 tháng nữa là có đủ khả năng chế tạo bom nguyên tử.
Đầu năm nay cũng là thời điểm Tổng Thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức để trở thành nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ. Tổng Thống Biden có ý muốn trở lại với Thỏa ước Hạt nhân JCPOA năm 2015, nhưng việc Iran trắng trợn vi phạm điều khoản hạn chế chương trình hạt nhân đã gây trở ngại cho ý định thương thuyết, khiến Liên Hiệp Quốc và các quốc gia ký kết Thỏa ước phải đi tìm một giải pháp tương nhượng để Mỹ và Iran có thể cùng ngồi vào bàn đàm phán.
Cho tới giờ phút này giữa hai chính phủ Washington và Tehran chưa có bất cứ cuộc thảo luận trực tiếp nào, mà hai bên đều chỉ bày tỏ quan điểm qua trung gian là các nhà ngoại giao của Nga, Trung Cộng và Liên Âu.
Một ngày trước khi hội nghị khai diễn tại thủ đô Vương Quốc Áo, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Ned Price xác nhận với báo chí rằng các giới chức đại diện chính phủ Biden “có mặt trong thời gian hội nghị nhưng sẽ không nói chuyện trực tiếp với đại diện của Iran”. Vẫn theo lời ông Price: “Đề tài chính để thảo luận là Iran cần phải thực hiện những bước đi nào để chứng tỏ thiện chí muốn trở lại với Thỏa ước JCPOA, đồng thời Hoa Kỳ cần phải thực hiện những bước đi nào trong việc nới lỏng các biện pháp chế tài đối với Iran để có thể trở lại theo tinh thần của Thỏa ước”. Trong bối cảnh hai bên chưa đồng ý ai sẽ đi “những bước đầu tiên” như vậy, phát ngôn viên Price nói với báo chí: “Chúng tôi không chờ đợi có được một giải pháp tức thời cho vấn đề, nhưng chúng tôi tin rằng hội nghị Vienna là một cách khởi đầu tốt đẹp”.
Trưởng phái đoàn Mỹ là Đặc Sứ Robert Malley – người đã từng góp phần vận động để đi tới Thỏa ước JCPOA hồi năm 2015 – cũng phát biểu với quan điểm tương tự và khẳng định rằng trước hết Iran cần chứng tỏ thiện chí tại hội nghị Vienna. Điều này có vẻ khó xảy ra, vì cho tới nay Ngoại Trưởng Mohammad Javad Zarif của Iran vẫn tiếp tục nói rằng các biện pháp chế tài do chính phủ Trump áp đặt phải bị gỡ bỏ trước khi đòi hỏi Iran thực hiện những cam kết của họ.
Tuy nhiên đại diện của Nga tại Cơ Quan IAEA là Đại Sứ Mikhail Ulyanov đưa ra cái nhìn lạc quan trước việc Iran đồng ý tham dự hội nghị Vienna, ghi nhận rằng “chặng đường phía trước sẽ không dễ dàng và đòi hỏi nỗ lực của tất cả những bên liên quan đến Thỏa ước JCPOA, tuy nhiên tất cả có vẻ đều đã sẵn sàng nỗ lực để khai thông bế tắc”.
Theo phân tích của giới quan sát thời cuộc thì Mỹ và Iran có thể sẽ thỏa thuận giải pháp “nhường nhau từng bước một” để đi tới việc phục hoạt Thỏa ước Hạt nhân JCPOA, nhưng nếu muốn thực hiện điều đó thì Tổng Thống Biden sẽ phải thuyết phục các nhà lập pháp cả hai đảng để có được sự ủng hộ của Quốc Hội Hoa Kỳ, trong khi Iran cũng phải chạy đuổi với thời gian để đạt được một vài kết quả cụ thể trước khi cuộc bầu cử Tổng Thống của họ diễn ra vào ngày 18 tháng 6, vì nếu phe “cực đoan, chủ chiến” đoạt thắng lợi thì tình hình sẽ lại thay đổi theo một chiều hướng hoàn toàn khác.
Be the first to comment