CHUYỆN TÌNH và LOVE STORY được viết hoa vì là tên riêng của tập tiểu thuyết mà tác giả có tên là Erick Segal và bản dịch Việt ngữ do dịch giả Phan Lệ Thanh chuyển ngữ. Tôi không đủ Anh ngữ để đọc trực tiếp bản Anh ngữ, chỉ đọc bản dịch ra tiếng Việt đăng trên nhật báo Sống của ông Chu Tử hồi năm 1968 (tôi nhớ rõ thời điểm vì cùng một lúc tôi cũng đang đọc truyện kiếm hiệp Tiếu Ngạo Giang Hồ của văn hào Kim Dung đăng hàng ngày trên nhật báo Sống). Theo như giới thiệu của ông Chu Tử, dịch giả Phan Lệ Thanh là con gái của học giả Phan Huy Chiêm, du học theo chương trình Colombo từ Australia trở về nước, học giả Phan Huy Chiêm là hậu duệ của các ông Phan Huy Ích – Phan Huy Chú, nổi tiếng từ thời Tây Sơn vào cuối thế kỷ 18.
(Chú thích của người viết: dịch giả Phan Lệ Thanh là chị ruột của Luật Sư Phan Huy Đạt, đương kim Chủ Tịch Công Ty Người Việt và cũng là chủ nhiệm nhật báo Người Việt ở thành phố Westminster – Nam California)
Mãi hơn 3 năm sau, khoảng tháng 3 hay tháng 4 năm 1971, film LOVE STORY mới về đến Sài Gòn trình chiếu tại rạp REX đến hơn 6 tuần liền mà lúc nào cũng đông khán giả. Bọn học trò – sinh viên chúng tôi cúp cours đi xem film vào buổi sáng vì xuất sáng giá vé rẻ hơn xuất chiều tối, cá nhân người viết đi xem đến 3 lần, lần thứ nhất – dĩ nhiên đi xem với cô bạn gái (sinh viên chứng chỉ SPCN bên Đại Học Khoa Học), lần thứ hai và lần thứ ba đi xem với lũ bạn trai là các sĩ quan đóng tại các đơn vị xa Sài Gòn. Anh lớn của một người bạn (sinh viên Y Khoa) là Biện Lý của Tòa Sơ Thẩm, nên khi nhận được giấy mời của Tòa Án, các ông bạn sĩ quan của tôi liền được đơn vị trưởng cấp giấy phép về Sài Gòn trình diện Tòa Án ngay. Bởi vậy đi xem film LOVE STORY lần thứ hai và lần thứ ba, tôi hoàn toàn được free – không tốn đồng xu cắc bạc nào cả.
Nhạc sỹ Phạm Duy đã chuyển sang lời Việt bản nhạc này và ngay lập tức được các ca sĩ tài tử học thuộc lòng và hát lên khắp mọi nơi, tôi còn nhớ câu đầu: “Biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ…”. Nhạc sĩ Trần Vĩnh đã độc tấu bản nhạc này bằng saxophone nghe rất tuyệt, thời điểm đó, phòng trà nào cũng có nhạc sĩ thổi saxophone, nhưng tôi cho rằng tiếng kèn saxophone của nhạc sĩ Trần Vĩnh là hay nhất.
Nam tài tử Ryan O’Neil thủ vai Oliver Barret IV và nữ tài tử Ali Mc Graw trong vai Jennifer Cavelleri, mới đây, ngày 2 tháng 2 năm 2016, đã cùng nhau trở lại nơi bối cảnh của bộ film LOVE STORY là khuôn viên của Viện Đại Học HARVARD. Cả 2 tài tử cùng nhận định rằng chính phần quang cảnh và phối trí tự nhiên của HARVARD đã tạo nên xúc cảm, linh hồn của bộ phim, kể cả bối cảnh HARVARD với các sinh viên của họ, là một phần tử quan trọng không thể thiếu và không thể quên trong bộ phim.
2 diễn viên chính say sưa nói về bộ film mà họ đã từng diễn xuất hơn 45 năm trước, họ quên mất tác giả và độc giả. Erick Segal là một giáo sư đại học dạy về môn Xã Hội Học, ai muốn coi chuyện LOVE STORY của ông là hư cấu cũng được mà coi như là mô tả sự việc thật đã từng xảy ra cũng được. 2 diễn viên chính quên đi tác giả và độc giả vì trước khi quay thành film, truyện LOVE STORY đã là quyển tiểu thuyết best seller bán chạy hàng đầu. Tập sách mỏng, cốt truyện đơn giản, không có những pha hồi hộp, gay cấn hay lâm li bi đát, não nùng chi hết, nhưng người ta tìm đọc nó vì người ta muốn biết các giai tầng của xã hội Hoa Kỳ được sắp xếp ra sao, các giai tầng xã hội liệu có trở thành giai cấp hay không, nếu có hình thành giai cấp thì nếu muốn biến cải xã hội liệu có cần mở ra “đấu tranh giai cấp” như các nước Âu Châu hay các nước Cộng Sản hay không? Động thái vận chuyển xã hội ra sao? Cá nhân mỗi con người trong giai tầng của họ suy nghĩ, ăn nói và hành xử ra sao với người chung quanh?
(Chú thích của người viết: phong trào Quốc Tế Cộng Sản xuất phát từ Âu Châu và các chế độ Cộng Sản cướp được chính quyền tại một số quốc gia ở Âu Châu. Trong khi đó, ngay tại Hoa Kỳ, phong trào Cộng Sản không có một chút quyền lực nào cả, ngay cả Đảng Cộng Sản Hoa Kỳ cũng không có được một văn phòng sinh hoạt: ông Chủ Tịch Đảng Cộng Sản Hoa Kỳ – là một người tàn tật – phải lấy garage của nhà riêng làm trụ sở. Giản dị vì Đảng Cộng Sản Hoa Kỳ không có đảng viên nên không có niên liễm để thuê mướn văn phòng)
Ngay trong cách đặt tên, Erick Segal đã sắp xếp nhân vật nam Oliver Barrett IV vào hàng đại quý tộc. Ở bên Anh, hàng quý tộc có suffix đàng sau last name, chớ ông cố ông sơ, ông nội, cha và hàng cháu mang cùng một tên và cùng họ chỉ khác suffix, thí dụ như trong truyện, chúng ta thấy Oliver Barrett I, Oliver Barrett II, Oliver Barrett III, Oliver Barrett IV (Erick Segal cho độc giả biết Oliver Barrett II đã xây một giảng đường trong trường HARVARD và giảng đường đó mang tên Oliver Barrett II). Thời hiện tại chúng ta thấy nghị sĩ John Mc Cain III của tiểu bang Arizona là cựu Trung Tá phi công của Hải Quân, trong khi John Mc Cain I và John Mc Cain II đều là Đô Đốc Hải Quân.
Những dấu hiệu mà tôi liệt kê sau đây đã chứng tỏ Oliver Barrett IV được giáo dục từ nền giáo dục “quý tộc”:
1. Oliver Barrett IV học Luật tại Harvard vì giai cấp quý tộc giáo dục con cái quan tâm tới giao tiếp. Học Luật có thể trở thành Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ, Thống Đốc, nhà ngoại giao… Trong khi đó giai cấp trung lưu và giai cấp bình dân, giáo dục con cái quan tâm tới học hành. Thí dụ: cộng đồng Việt Nam chưa có ai bước lên hàng giai cấp quý tộc, nên thành quả của chúng ta và con em chúng ta là có nhiều bác sĩ, kỹ sư, khoa học gia, quản trị viên (nghĩa là kiếm được jobs thơm sau khi tốt nghiệp ra trường).
2. Trong film, không thấy Oliver Barrett IV chưng diện hàng hiệu hay fashion gì cả vì giai cấp quý tộc ăn mặc theo sở thích của mình, trong khi giai cấp trung lưu và giai cấp bình dân ăn mặc theo sở thích người xung quanh hoặc ăn mặc theo quy định. Cái mà khán giả thấy Oliver Barrett IV ở trong giai cấp quý tộc vì ngay trong khi còn là sinh viên đang theo học, Oliver Barrett IV đã lái chiếc xe 2 cửa convertible màu đỏ chói hiệu MG.
3. Oliver Barrett IV không dẫn Jennifer vào tiệm ăn sang trọng, mà dẫn đào vào tiệm ăn kín đáo, trong khi mấy anh giai cấp trung lưu và giai cấp bình dân thì lại thích dẫn đào vào những tiệm ăn sang trọng để chứng tỏ mình thuộc về giai cấp “high class”.
4. Trong film, cung cách bước ra khỏi xe hơi rồi đi thẳng của Oliver là cung cách của giai cấp quý tộc. Trong khi giai cấp trung lưu và giai cấp bình dân, khi bước ra khỏi xe là phải nhìn xung quanh, thậm chí có anh còn nhìn lại xem xe của mình có còn bóng loáng hay không? hay là bị trầy do cọ quẹt nhẹ ở parking lot mà mình không biết!
5. Trong truyện cũng như trong film, mặc dù giàu có nhưng Oliver chưa bao giờ đề cập đến tài sản của gia đình anh ta, mà Oliver hay nói về các dự định trong tương lai. Đó là đặc tính của những người đàn ông thuộc giai cấp quý tộc, trong khi những người đàn ông thuộc giai cấp trung lưu và giai cấp bình dân thì thích nói về tài sản, thậm chí có anh còn trang sức bằng những dây chuyền, những tấm plaque, những nhẫn vàng… trông “quê một cục”.
Tác giả Erick Segal cho nhân vật nữ với đầy đủ tên họ là Jennifer Cavelleri, dòng họ Cavelleri khiến cho độc giả biết ngay nhân vật nữ xuất xứ từ Italia. Ở Âu Châu quốc gia Italia không được đánh giá là cường quốc, ít nhất là các quốc gia xung quanh như Pháp, Đức, Áo – Hung… Hoàng Đế Napoleon đệ nhất phong cho con trai còn nhỏ bé của mình tước hiệu Napoléon đệ nhị. Napoléon đệ nhị không sống thọ, cậu bé chết vì bệnh khi Hoàng Đế Napoléon thua trận bị đày ra đảo Elbe trong Địa Trung Hải.
(Chú thích: Khi còn tại vị, Napoléon Đệ Nhất gả con gái riêng của Hoàng Hậu Joséphine cho vua Thụy Điển, con trai của bà hoàng Thụy Điển trở về Pháp khoảng giữa thế kỷ 19 và xưng đế là Napoléon III. Thực ra về mặt di truyền Napoléon Đệ Tam không có liên hệ gì với Hoàng Đế Napoléon Đệ Nhất)
Trong tác phẩm TÂM HỒN CAO THƯỢNG của văn hào AMICIS, dịch giả Hà Mai Anh cho chúng ta thấy rằng vào năm 1815, quân đội Italia còn phải đánh đuổi liên quân Áo – Hung ra khỏi nước với các trận đánh tại các thành phố Lombardi, Solferino, Turin… Đệ nhị thế chiến xảy ra, nước Italia của nhà độc tài Mussolini xâm chiến Lybia và vùng Bắc Phi, nhưng Thống Chế Montgomery của Anh đã đánh bại quân đội Italia của Thống Chế Badiglio khiến Hitler phải cử danh tướng Rommel (biệt danh của Tướng Rommel là Con Hùm Xám Của Sa Mạc ) sang cứu viện. Một ông tướng của Bộ Tham Mưu của quân đội Đức bực mình quá, có “khen đểu” quân đội Italia bằng câu nói đi vào lịch sử: “Binh chủng giỏi nhất của Italia là QUÂN NHẠC”!
Trong các cộng đồng di dân tại Hoa Kỳ, cộng đồng di dân người Italia cũng không lấy gì làm nặng ký cho lắm nếu so sánh với các cộng đồng di dân khác gốc từ Âu Châu: phong trào Phục Hưng đã đưa Italia lên cao tuyệt đỉnh về kiến trúc, hội họa, âm nhạc, nhưng về kỹ nghệ và cơ khí thì Italia thua kém nước Anh, nước Pháp, nước Đức, Na Uy, Thụy Điển… Cho nên đa số di dân đến Hoa Kỳ từ Italia là lý do kinh tế, đến khi Mussolini lên cầm quyền từ năm 1923, nhà độc tài này thẳng tay tiêu diệt và khủng bố các băng đảng Mafia có gốc từ đảo Sicily và các thành phố phía Nam như Palermo, Messina… do vậy cộng đồng di dân Italia lại có thêm những con cháu, những thân nhân liên hệ với Mafia (trốn qua Mỹ để né tránh bàn tay bạo lực của đảng Fascio do Mussolini lãnh đạo).
Khi quân đội Mỹ từ Đại Tây Dương đổ bộ vào thành phố Casablanca của Morocco tiến về phía Đông Châu Phi để đẩy lùi liên quân Đức – Ý ra khỏi Bắc Phi, rồi vượt Địa Trung Hải tiến vào Italia xuyên qua đảo Sicily, một số quân nhân của Italia bị bắt đưa về Mỹ để làm bánh mì vì Hoa Kỳ động viên nhân lực cung ứng cho 2 chiến trường Âu Châu và Á Châu nên kỹ nghệ làm bánh mì thiếu thợ chuyên môn. Sau thế chiến thứ hai, đám lính thợ này lấy vợ (sinh đẻ tại Hoa Kỳ) rồi làm thủ tục ở lại Hoa Kỳ một cách hợp pháp. Đây cũng là lý do bánh pizza phát triển nhanh chóng tại thị trường fast food của Hoa Kỳ với phẩm chất khác hơn và ngon hơn bánh pizza tại chính quốc Italia!
Tác giả Erick Segal giới thiệu thân phụ của Jennifer Cavelleri là một người thợ làm bánh mì nên khi đọc LOVE STORY tôi đã phỏng đoán tới 90%: thân phụ của Jenny là tù binh Italia được đưa qua Mỹ rồi xin ở lại hợp pháp luôn. Di dân gốc Italia theo Công Giáo La Mã 100%, nên khi mẹ của Jenny qua đời, ông cụ ở vậy nuôi con chứ không tục huyền, cũng có thể là kém Anh ngữ nên cũng cảm thấy khó tìm được người đồng điệu về văn hóa nên cha của Jenny ở vậy luôn cho nó khỏe thân.
Những dấu hiệu mà tác giả Erick Segal đã viết ra chứng tỏ Jennifer Cavelleri thuộc về “giai cấp tiểu tư sản”:
1/ Đang theo học năm thứ hai trường đại học Âm Nhạc Juliard.
2/Cặp bồ với “đại gia” nhưng không có hội chứng Cinderella, vẫn tìm cách thăng tiến cá nhân mình bằng con đường học vấn: khi Jennifer ngỏ ý muốn sang Paris học tại một nhạc viện lừng danh thì chính Oliver sợ mất người yêu và Oliver ngỏ lời xin cưới.
3/ Trong buổi lễ ra trường tốt nghiệp của Oliver, Oliver đứng hạng ba, Jennifer đứng nghển cổ để ngó những sinh viên tốt nghiệp khác, nhưng vì thấp hơn một số người nên không thấy toàn thể những sinh viên lãnh bằng đầu tiên. Sau khi lãnh bằng, vẫn còn mặc áo thụng, Oliver đi tìm gặp Jennifer thì thấy Jennifer vẫn ngó giáo giác như thể tìm ai đó. Oliver hỏi: “Em tìm ai đó?’, Jennifer nói: “Em muốn ngó kỹ người đứng hạng nhất, xem anh ta mặt mũi ra sao mà lại học giỏi hơn anh”.
Chỉ một câu trả lời “vô thưởng vô phạt” như vậy, tác giả Erick Segal cho thấy Jennifer đúng là giai cấp tiểu tư sản chính hiệu, vì cô luôn luôn coi trọng vấn đề học hành, thành tích học hành mới được đánh giá đích thực về con người chứ không phải quần áo, vàng vòng hay tài sản của con người đang thủ đắc.
Khi Jennifer bị ung thư máu phải vào bệnh viện điều trị, Oliver Barrett IV về văn phòng của cha để mượn tiền. Kéo hộc tủ ra và ký một tấm check với số tiền lớn (tôi không nhớ rõ là bao nhiêu, dường như 10,000 dollars), nhưng ông bố quý tộc không hỏi ông con luật sư số tiền mượn dùng để làm gì. Tuy nhiên ông bố quý tộc lẳng lặng theo dõi. Đạo diễn quay cảnh Jennifer hấp hối với khuôn mặt trắng bệch và bàn tay từ từ lơi lỏng, Oliver khóc trong yên lặng rồi quày quả bước ra khỏi phòng ra bãi đậu xe lái xe rời bệnh viện. Ông bố quý tộc đứng bên ngoài nhìn thấy hết mọi chuyện vừa xảy ra qua cửa kính, nhưng ông không bước vào phòng để quấy rầy con trai ông đang cần sự cô đơn trong đau khổ.
Ông cũng lái xe theo sau Oliver thì thấy con trai ông chạy về vận động trường nơi mà năm xưa, khi còn là sinh viên con trai ông là tuyển thủ của đội football trường Harvard. Oliver đứng dưới nhìn lên hàng khán giả, ngó vào cái ghế mà Jennifer đã ngồi đó, đã la hét cuồng nhiệt ủng hộ anh khi anh ghi bàn thắng cho đội nhà. Jennifer không còn hiện hữu trên cõi đời nữa, nhưng Oliver và khán giả xem film vẫn thấy hình ảnh sống động của Jennifer linh động như còn sống.
Film chấm dứt với cảnh ông bố quý tộc từ phía sau đặt tay lên vai ông con luật sư nói: “I am sorry…”. Oliver Barrett IV quay lại, nhìn vào mặt người cha nói nhẹ nhàng: “Yêu là không bao giờ phải nói HỐI TIẾC “.
Những Oliver Việt Nam sinh ra từ 1945 đến 1955 thì không có được bối cảnh yên bình và mơ mộng như Oliver Barrett của Hoa Kỳ. Từ 1965 cường độ chiến tranh càng ngày càng ác liệt, nên các Oliver Việt Nam đã phải xếp bút nghiên lo việc đao cung để bảo vệ đất nước. LOVE STORY của Hoa Kỳ thì người nữ ra đi trước, trong khi CHUYỆN TÌNH của Việt Nam thì đa số các chàng trai tử trận nơi chiến trường nên chiều hướng CHUYỆN TÌNH của Việt Nam kết thúc chệch hướng khác với LOVE STORY của Hoa Kỳ.
Thời còn đi học, một trong những bản nhạc tỏ tình được học trò chúng tôi hát nhiều nhất (tôi quên tựa đề và tác giả) trong đó có câu “… tôi ca không hay mà đàn nghe cũng dở …” (xin hiểu theo nghĩa đen, chứ nghĩa bóng của câu này ám chỉ đến nhạc sĩ thổi saxophone, clarinette, trompette, harmonica, sáo hay đánh trống). Chính phủ VNCH ban hành lệnh ĐỘNG VIÊN năm 1965, lệnh TỔNG ĐỘNG VIÊN năm 1968, rồi lệnh ĐÔN QUÂN năm 1972 khiến học trò phải nghĩ đến chuyện “thi hỏng Tú Tài, ta đợi ngày đi“. Còn lại là các Jennifer Việt Nam lên đại học thoải mái vì không cần giấy hoãn dịch của Nha Động Viên cấp.
Biến cố 30 tháng 4/1975 cũng đã đưa đa số Oliver Việt Nam đi tù cải tạo, 5-6 năm sau trở về thì đúng là “… anh trở về dang đở đời em …”. Một số Jennifer may mắn theo gia đình sang Hoa kỳ đợt 30/4/1975, một số khác vượt biên cũng vào Hoa Kỳ vào những năm trước 1990 (tôi không kể một số bị hải tặc giết mất hay một số chìm sâu trong lòng biển…). Tới 1991, chính phủ Mỹ nhận cho các tù cải tạo trên 3 năm được ra đi có trật tự.
Một số Oliver Việt Nam có gặp lại Jennifer của riêng mình, nhưng câu nói của Oliver Barrett nói: “Yêu là không bao giờ phải nói HỐI TIẾC” coi bộ không đúng. Một anh bạn khóa 9C/72 của tôi than phiền về Jennifer của anh ấy. Cô này nói: “Gặp anh ngày hôm nay trên đất nước Hoa Kỳ, tui thầm cảm ơn má của tui quá trời. Nhờ bả cản tui nên tui không lấy anh, chớ lúc đó mù quáng lấy anh thì cuộc đời tui coi như tiêu tán đường rồi”. Rồi Jennifer của anh ta khoe mới mua xe xịn hiệu LEXUS, đổi qua nhà mới bắt được job thơm, lương 18 dollars/ hr…
Thấy nói chuyện không hợp, anh bạn khóa 9C / 72 xin giã biệt người tình cũ nhưng còn nghe loáng thoáng tiếng nói với theo: “Xí, low income mà bày đặt đòi leo lên hàng quý tộc”. Anh bạn khóa 9C/72 chua chát kết luận: “Jennifer của tôi bây giờ trở thành kỹ sư rồi ông ơi, Kỹ sư là “sư tính kỹ” chớ không phải là engineer!”
An ủi ông bạn, tôi đưa ra 2 nhận xét:
1. Người ta có thể yêu nhau nhiều lần, nhưng chỉ có thể tỏ tình có một lần, đó là lần đầu. Lần đầu nên mới ngập ngừng, hồi hộp và mắc cở. Còn những lần sau, tỏ tình vì thói quen.
2. Người đàn bà thường nhớ người đàn ông làm cho mình vui. Còn người đàn ông thì thường nhớ đến người đàn bà làm cho mình đau khổ.
Kết luận của tôi như sau:
1/ Những người đàn bà tương tự như “Kỹ Sư Jennifer“ nói trên, ăn nói sống sượng và tàn nhẫn như vậy tức là người ta hết yêu mình rồi, lúc đó câu nói của Oliver Barrett IV nên sửa lại như sau: “Tôi lấy làm HỐI TIẾC là trong quá khứ, tôi đã yêu bà”.
2/ Cho dù anh bạn khóa 9C/72 của tôi có ghét hay không ưa người tình cũ đi nữa, anh ta vẫn luôn nhớ đến người đàn bà ấy. Động từ NHỚ cần thêm trạng từ “Nhớ một cách đằm thắm” hay “Nhớ một cách căm thù” là chuyện của mỗi người đọc, tôi không thế áp đặt cho bất cứ ai được.
Trân trọng.
San José ngày 4 tháng 3 năm 2016
Trần Trung Chính
Be the first to comment