Ngoại Trưởng Antony Blinken và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan
Thứ nhất. Hồ sơ Ấn Độ – Thái Bình Dương.
1a. Anh quốc – Trung Cộng.
Ngày 16/3/2021, Thủ Tướng Anh quốc Boris Johnson khẳng định rằng: “Anh quốc đang đứng trước một thế giới đầy cạnh tranh với nhiều thách thức lẫn cơ hội, vì vậy mà phúc trình “Chiến lược ngoại giao + an ninh + quốc phòng” của chúng tôi, chuyển hướng chính sách sang khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, bởi Trung Cộng là quốc gia đe dọa thế giới”.
Cùng ngày, Sir Alex Younger – Cựu Giám Đốc Tình Báo Anh quốc (MI6) trả lời BBC News về câu hỏi liên quan đến chiến tranh lạnh: “Không có nhu cầu tuyên bố cuộc “Chiến Tranh Lạnh Mới”, nhưng Anh quốc nhìn Nga và Trung Cộng là mối đe dọa dài lâu của thế giới”.
Theo báo Sunday Times, trong một bài phân tách cuối tuần qua, cho thấy: “Giới chức Anh nhìn Nga là quốc gia đe dọa an ninh và quân sự trực tiếp, sau các vụ tấn công bí mật trên đất Anh, cùng với hằng loạt những chiến hạm và phi cơ Nga bay gần không phận cũng như hải phận Anh quốc. Trong khi Anh quốc xem Trung Cộng là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, cũng là quốc gia vẫn có thể hợp tác được ở một số lãnh vực, cùng lúc Trung Cộng bị Anh quốc và đồng minh vây chặn những lãnh vực khác”.
Còn theo ông James Landale -phóng viên ngoại giao của BBC News- thì: “Chánh phủ Anh đã cam kết bố trí lại chiến lược ngoại giao + an ninh + quân sự, vì thấy hệ thống toàn cầu không phù hợp với quyền lợi của Anh sau khi Anh không còn trong khối Liên Âu. Các liên minh mới sẽ cần được xây dựng quanh việc chuyển hướng, cho thấy trọng điểm trong chính sách ngoại giao và quân sự về hướng Ấn Độ – Thái Bình Dương, liên kết với Ấn Độ + Nhật Bản + Úc, theo nội dung trong chiến lược chuyển hướng. Tóm lại, chánh phủ Anh đang tìm cho mình một vai trò mới trong tình hình hiện nay, và trước mắt là trong tháng 4/2021, Thủ Tướng Anh quốc Johnson sẽ thăm Ấn Độ. (trích trên trang BBC News ngày 16/3/2021).
Theo bản tin của đài BBC chương trình Việt ngữ ngày 16/3/2021, thì ngân sách quốc phòng Anh quốc trong 4 năm tới sẽ tăng thêm 16.500.000.000 bảng Anh (= 23 tỷ mỹ kim), đề thành lập “Bộ Tư Lệnh Không Gian” + tân trang vũ khí + nghiên cứu các loại vũ khí mới + Phòng Theo Dõi Tình Hình” (cũng là nơi trang bị các phương tiện chỉ huy chiến tranh như của Hoa Kỳ).
Anh quốc sẽ điều động hàng không mẫu hạm thế hệ mới HMS Queen Elizabeth vào tuần tra Biển Đông trong thời gian tới.
1b. Hoa Kỳ & Nhật Bản.
Sau khi bộ tứ kim cương Hoa Kỳ + Nhật + Ấn Độ + Australia họp trên hệ thống internet ngày 12/3/2021, Bộ Trưởng Ngoại Giao Antony Blinken và Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin bay sang Tokyo ngày 15/3/2021, để họp với Bộ Trưởng Quốc Phòng Nobuo Kishi và Bộ Trưởng Ngoại Giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi ngày hôm sau 16/3/2021.
Khi đến Tokyo, hai vị Bộ Trưởng nêu rõ mục đích trên một Diễn Đàn, và Thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình trên báo Washington Post (ngày 15/03/2021): “Sức mạnh phối hợp sẽ làm chúng ta càng mạnh hơn, và cùng nhau đẩy lùi những mối đe dọa của Trung Cộng. Chúng ta sẽ đòi Trung Cộng giải trình vi phạm nhân quyền, tuyên bố những yêu sách về quyền hàng hải ở Biển Đông. Nếu chúng ta không hành động quyết đoán và không hành động trước, thì Trung Cộng sẽ hành động”.
Vẫn theo thông tín viên RFI Anne Corpet, thì Hoa Kỳ nối lại với các quốc gia đồng minh, trong mục đích hình thành một mặt trận chung chống Trung Cộng.
Ngày 16/3/2021, sau khi kết thúc ngày họp, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ tuyên bố với báo chí, như sau: “Trong chuyến công du đầu tiên này, mục đích của Hoa Kỳ là củng cố các liên minh Châu Á đối đầu với Trung Cộng, một quốc gia hung hãn giành chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông, nhất là từ khi Luật Hải Cảnh của họ có hiệu lực. Đây là vấn đề ưu tiên của Hoa Kỳ, cũng là mối quan tâm của Nhật Bản về an ninh quốc gia”. (trích bản tin của Reuters)
Bốn vị Bộ Trưởng của Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhìn nhận rằng: “Những hành động của Trung Cộng trái ngược với trật tự quốc tế hiện hành, trở thành những thách thức chính trị, kinh tế, quân sự, và kỹ nghệ. Kìm hãm hành động của Trung Cộng là trọng tâm trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào tuần trước của bốn quốc gia Australia + Nhật Bản + Ấn Độ + Hoa Kỳ”.
Cùng ngày 16/3/2021, Ông Kurt Campbell, điều phối viên của Tổng Thống Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, trả lời cuộc phỏng vấn của báo The Sydney Morning, liên quan đến sự kiện Trung Cộng cưỡng ép Australia, như sau: “Vấn đề này Hoa Kỳ sẽ nêu lên trong cuộc họp với Trung Cộng vào ngày 18 và 19/3/2021 tại tiểu bang Alaska. Chúng tôi nói rõ rằng, Hoa Kỳ không chuẩn bị để cải thiện bang giao song phương với Trung Cộng, trong khi đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ (ý nói Australia. PB Hoa) bị Trung Cộng áp đặt những biện pháp kinh tế”.
Vẫn trong cuộc phỏng vấn nói trên, Ông Kurt Campbell nói thêm rằng: “Trong cuộc họp của bộ tứ kim cương Hoa Kỳ + Nhật Bản + Ấn Độ + Australia trên hệ thống internet hôm 12/3/2021, Tổng Thống Hoa Kỳ nói với Thủ Tướng Australia Scott Morrison như một lời hứa; “chúng ta đồng hành với nhau trong vấn đề này”.
Và sau cùng, Ông Kurt Campbell kết luận: “Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được những gì đang diễn ra, và chúng tôi không chuẩn bị thực hiện các bước quan trọng để cải thiện bang giao với Trung Cộng, cho đến khi bang giao bình thường giữa Australia với Trung Cộng được tái lập. Không chỉ Australia là mục tiêu của những bước đi không báo trước này, mà còn cả Philippines + Việt Nam + Đài Loan + Nhật Bản nữa”. (vẫn bản tin của Reuters)
1c. Hoa Kỳ – Trung Cộng.
Hội nghị đầu tiên giữa Hoa Kỳ với Trung Cộng.
Theo bản tin của Reuters, thì hai phái đoàn Hoa Kỳ và Trung Cộng họp tại thành phố Anchorage, -trong khách sạn Captain Cook- tiểu bang Alaska (Hoa Kỳ), và đây là cuộc họp đầu tiên thời Tổng Thống Joe Biden. Thời gian họp là ngày 18 và 19/3/2021.
Phái đoàn Hoa Kỳ có Ngoại Trưởng Antony Blinken và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan. Phái đoàn Trung Cộng có Chủ Nhiệm Văn Phòng Ủy Ban Đối Ngoại của đảng cộng sản Trung Hoa Dương Khiết Trì, và Ngoại Trưởng Vương Nghị.
Ngày 17/3/2021, Đại Sứ Trung Cộng tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải, như đưa lời cảnh báo với Hoa Kỳ khi phát biểu với giới truyền thông, rằng: “Đối với các vấn đề liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, và thống nhất đất nước của Trung Quốc, thì Trung Quốc quyết không thỏa hiệp và nhượng bộ. Đây cũng là thái độ mà chúng tôi sẽ thể hiện rõ trong đối thoại lần này”.
Ngày 18/3/2021, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu trong phiên họp đầu tiên, như sau: “Chúng tôi -tức Hoa Kỳ- sẽ thảo luận những quan tâm sâu sắc của chúng tôi về những hành động của Trung Cộng, bao gồm các hồ sơ Tân Cương + Hong Kong + Đài Loan + sử dụng hệ thống internet tấn công Hoa Kỳ. Đồng thời, cưỡng ép kinh tế đối với các đồng minh của chúng tôi. Căn cứ trên pháp luật duy trì ổn định thế giới, thì mỗi hành động của Trung Cộng đều nhắm vào đe dọa trật tự ổn định này”.
Phía Trung Cộng đáp trả. Ông Dương Khiêt Trì phát biểu bằng tiếng Trung Hoa và dịch sang Anh ngữ, rằng: “Hoa Kỳ dùng sức mạnh quân sự và bá quyền tài chánh, để mở rộng thẩm quyền và chèn ép các quốc gia khác. Hoa Kỳ lạm dụng cái gọi là an ninh quốc gia, để ngăn chận giao thương bình thường, và kích động một số quốc gia khác công kích Trung Quốc…”.
Phát biểu xong, ông Dương Khiết Trì và các phụ tá của ông, mời giới báo chí ra ngoài, nhưng Ngoại Trưởng Hoa Kỳ vui vẻ mời họ ở lại, như để chứng kiến phản ứng của Hoa Kỳ.
Và Ngoại Trưởng Hoa Kỳ phát biểu:
“Chúng tôi được biết, một số những quan tâm sâu sắc về những hành động mà chánh phủ các vị đã và đang thực hiện. Hoa Kỳ cam kết thực hiện vai trò lãnh đạo với phương thức ngoại giao, nhằm thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ, đồng thời củng cố trật tự quốc tế đúng theo luật pháp.
Và hệ thống luật pháp quốc tế không phải là trừu tượng, mà là một thực thể giúp các quốc gia giải quyết những bất đồng một cách ôn hòa, phối hợp các nỗ lực đa phương một cách hiệu quả, và tham gia vào thương mại trên toàn thế giới, với sự bảo đảm là mọi người cùng tôn trọng hệ thống luật pháp đó”.
Với những hành động nhằm thay thế trật tự trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, để kẻ mạnh tự cho là đúng đắn, và sẽ đoạt được tất cả, thì đó là một thế giới bạo lực, và bất ổn cho tất cả chúng ta”. (theo bản tin của CNN)
Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ Jake Sullivan tiếp lời: “Hoa Kỳ không muốn mâu thuẫn với Trung Cộng, nhưng sẽ mạnh mẽ bảo vệ những nguyên tắc, và những bạn bè đồng minh của chúng tôi”.
Theo bản tin của AFP, thì những phát biểu của Hoa Kỳ với Trung Cộng là sự bày tỏ quan điểm mạnh mẽ trong bang giao giữa hai quốc gia lớn nhất nhì thế giới. Rõ ràng là Hoa Kỳ muốn Trung Cộng cải thiện mối bang giao giữa hai nước, trong khi Trung Cộng lại muốn Hoa Kỳ thỏa thiệp với họ.
Rất có thể là sau những cuộc tiếp xúc với nhiều quốc gia đồng minh vùng Châu Âu và Châu Á, chừng như Hoa Kỳ và các đồng minh đã có được quan điểm chung trong mục đích đối đầu với Trung Cộng, nên phái đoàn Hoa Kỳ đã thật sự cứng rắn với Trung Cộng.
Phiên họp thứ hai diễn ra vào chiều tối cùng ngày. Và trong những bản tin mà tôi có, thì không thấy bản tin nào nói về cuộc họp ngày 19/3/2021. Chỉ nói rằng, sau khi kết thúc và ra khỏi phòng hội nghị, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ nói với giới truyền thông rằng:
“Ông Cố Vấn An Ninh Quốc Gia và tôi, đã dành nhiều thì giờ để nói chuyện với hai nhân vật đồng cấp với chúng tôi trong hai ngày qua. Chúng tôi đã và đang biết rằng, có một số lãnh vực có mâu thuẫn bao gồm các hành động của Trung Cộng ở Tân Cương + Hong Kong + Tây Tạng + Đài Loan. Và chúng tôi nêu ra những vấn đề đó một cách rõ ràng và trực tiếp. Chúng tôi đã nhận định những phản ứng phòng vệ, nhưng chúng tôi cũng đã hội đàm rất thẳng thắn trong nhiều giờ như vậy, về một chương trình nghị sự mở rộng về Iran + Bắc Hàn + Afghanistan + biến đổi khí hậu + những lợi ích chung.
Về kinh tế + thương mại + kỹ nghệ, chúng tôi đã nói với những người đồng cấp rằng, chúng tôi đang xem xét các vấn đề này với sự tham vấn chặt chẽ của Quốc Hội chúng tôi, và các quốc gia đồng minh cùng với các quốc gia hợp tác. Chúng tôi sẽ phát triển theo cách bảo vệ đầy đủ và nâng cao lợi ích của người lao động và các doanh nghiệp.
Nhưng, cần nhìn lại một chút, có hai điều mà chúng tôi muốn làm khi đến gặp những người đồng cấp của Trung Cộng.
Đó là, chúng tôi muốn chia sẻ những vấn đề đáng quan ngại về một số hành động mà Trung Cộng đã thực hiện, cùng với hành động mà Trung Cộng đang thực hiện. Và những lo ngại đó được chia sẻ bởi các quốc gia đồng minh và các quốc gia hợp tác của chúng tôi. Và chúng tôi đã làm điều đó.
Chúng tôi muốn vạch ra rất rõ ràng các chính sách, ưu tiên, và quan điểm của riêng mình. Và chúng tôi đã làm điều đó. Xin cám ơn”
Tiếp theo là lời của ông Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan: “Như Ngoại Trưởng Antony Blinken vừa phát biểu, chúng tôi mong đợi sẽ có cuộc nói chuyện trực tiếp về nhiều vấn đề dù biết là rất khó khăn, vì đó là cơ hội để chúng tôi đưa ra các ưu tiên và quan điểm của mình, cũng như nghe từ phía Trung Cộng về các ưu tiên cùng ý định của họ… Chúng tôi sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của các đồng minh và hợp tác về chặng đường phía trước với các vấn đề từ Iran, đến Afghanistan, thông qua các lãnh vực ngoại giao thông thường. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Trung Cộng trong tương lai”. (ghi lại bản tin trên TV trưa ngày 20/3/2021)
Vậy là hội nghị kết thúc, nhưng không mang lại bất kỳ một kết quả ngoại giao nào, ngoại trừ thỏa thuận biển đổi khí hậu.
Trong khi tại cuộc họp ở tiểu bang Alaska trong không khí căng thẳng, thì tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Bà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas Greenfield, lên án những hành động của Trung Cộng là vi phạm nhân quyền đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ.
Tiếp theo là Phó Đại Sứ Trung Cộng Dai Bing chỉ trích Hoa Kỳ là nói dối rtrắng trợn, trong khi tình trạng kỳ thị, hành hung, và giết hại người gốc Châu Á đang diễn ra tại Hoa Kỳ. (trích bản tin của NMH20/3/2021)
Chuyện bên lề.
Theo hãng tin AFP, ngay khi đến Alaska thì Ngoại Trưởng Hoa Kỳ nói rằng: “Lý do khiến ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị của Trung Cộng lặn lội đến vùng đất băng giá Alaska dự họp, vì Trung Cộng rất kỳ vọng vào cuộc họp này, nên họ đồng ý với chúng tôi về nơi họp, điều kiện họp, nói chung là mọi sắp xếp đều do Hoa Kỳ”.
Mỗi phái đoàn với số thành viên tối đa là 10 người. Tại phi trường ở Alaska, phái đoàn Trung Cộng phải chịu sự xét nghiệm Covid 19, và bắt buộc phải đeo khẩu trang. Đây là biện pháp áp dụng chung cho tiểu bang Alaska, chớ không riêng phái đoàn này. Phái đoàn Hoa Kỳ ở ngay trong khách sạn, cũng là nơi hội họp. Do vậy mà phái đoàn Trung Cộng ở khách sạn khác.
Và có hai điều rất lạ: Một là, phái đoàn Hoa Kỳ không mời phái đoàn Trung Cộng một bữa ăn nào cả, có nghĩa là “mạnh ai nấy lo ăn uống”. Và hai là, sau cuộc họp không có tuyên bố chung gì cả.
Vẫn bản tin của AFP ngày 20/3/2021 thuật lại, thì giới truyền thông Trung Cộng mô tả: “Cuộc đối thoại Hoa Kỳ – Trung Cộng lần này, không đơn giản như khi Trung Cộng nhận lời mời”.
Nhận định.
Căn cứ vào những tin tức mà tôi thu thập được về cuộc họp đầu tiên giữa phái đoàn Hoa Kỳ với phái đoàn Trung Cộng tại Alaska ngày 18 và 19/3/2021 vừa qua, một cách tổng quát là hai bên đều cứng rắn theo quan điểm của mình. Nhưng, lời lẽ của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ lịch sự hơn nhà ngoại giao của đảng cộng sản Trung Hoa là ông Dương Khiết Trì.
Phía Hoa Kỳ như đang thử thách Trung Cộng, cũng là cách thăm dò quan điểm của Trung Cộng đối với Hoa Kỳ thời Tổng Thống Joe Biden. Trong khi Trung Cộng như đặt kỳ vọng vào chính sách mềm mỏng của Tổng Thống Joe Biden, sẽ mang đến những thành công cho họ, mà thời Tổng Thống Donald Trump đã làm họ thất bại.
Với quan điểm mà Ngoại Trưởng Hoa Kỳ trình bày, chỉ nhấn mạnh đến hồ sơ nhân quyền, trong khi hồ sơ Biển Đông và hồ sơ thương mại mở rộng, với những gián điệp Trung Cộng đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ, thì ông không nói thẳng vào hai hồ sơ này, mà chỉ nói một cách chung chung.
Rõ ràng là thái độ và lời lẽ của viên chức ngoại giao đảng cộng sản + ngoại giao của nhà nước Trung Cộng + Đại sứ Trung Cộng tại Hoa Kỳ + Đại Sứ Trung Cộng tại Liên Hiệp Quốc, đều cứng rắn với Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh, điều này trái ngược với thời Tổng Thống Donald Trump.
Đây là lần họp đầu tiên, tôi nghĩ là cần phải thời gian trước mắt với những diễn biến tiếp theo, mới có thể nhận rõ hơn về chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng về hai hồ sơ nói trên.
1d. Trung Cộng – Việt Cộng – Philippines
Báo The Philippine Star ngày 26/3/2021, dẫn tin từ bản báo cáo dài 20 trang của Công Ty Kỹ Nghệ Simularity (Hoa Kỳ), theo đó thì vệ tinh đã chụp hình đoàn tàu cá rất nhiều của Trung Cộng, đã neo đậu sát nhau thành một hàng dài khoảng 200 thước tại Đá Ba Đầu -thuộc cụm Sinh Tồn- quần đảo Trường Sa từ tháng 12/2020. Đoàn tàu này lúc giảm xuống lúc tăng lên, và hình chụp ngày 19/3/2021, ước lượng đoàn tàu này có khoảng 200 chiếc. Trong số đó, có thể có một số là tàu Hải Cảnh thuộc “Dân Quân Biển” của Trung Cộng.
Bà Liz Derr -Giám Đốc Điều Hành Công Ty Kỹ Nghệ Simularity- nói với trang tin khoa học môi trường Mongabay, rằng “Chúng tôi đã nhìn thấy những đội tàu này đến và đi ở Đá Ba Đầu trong nhiều tháng”
Ngày 21/3/2021, Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana, đã gửi Thông Điệp phản đối, và yêu cầu Trung Cộng rút tất cả đoàn tàu khỏi Đá Ba Đầu.
Ngày 22/3/2021, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Hoa Xuân Oánh nói rằng: “Đó không phải là tàu Dân Quân Biển, mà là tàu cá vào đó trú ẩn do thời tiết xấu”.
Ngày 23/3/2021, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại thủ đô Manila, chia sẻ lời báo động nói trên, vì đoàn tàu cá Trung Cộng neo đậu trong nhiều ngày mà bất kể thời tiết, cũng không thực sự đánh cá.
Ngày 24/3/2021, Bộ Quốc Phòng Philippines điều động thêm chiến hạm đến khu vực này theo dõi hoạt động của đoàn tàu cá Trung Cộng.
Ngày 25/3/2021, báo chí Việt Nam trong nước sau khi dự buổi họp báo thường kỳ vào chiều nay, có bản tin như sau: “Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh rằng, hoạt động của đoàn tàu cá Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc vi phạm làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ Quy Tắc Ưng Xử Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. (trích bản tin đài BBC phần Việt ngữ)
Vị trí Đá Ba Đầu ở phía cực đông cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, đang là nơi mà Việt Cộng, Philippines, Trung Cộng, và Đài Loan tranh chấp từ những năm 1990. Hiện nay do lực lượng Việt Cộng trên đảo Sinh Tồn bảo vệ.
Thứ hai. Hồ sơ thương mại với Trung Cộng.
Ngày 24/2/2021, Tổng Thống Joe Biden ký một Sắc Lệnh Hành Pháp nhằm đẩy nhanh hợp tác với các đồng minh -nhất là Đài Loan + Nhật Bản + Australia- để sản xuất “chip toàn cầu” và các sản phẩm quan trọng khác. Trong khi các cơ quan liên bang, trong vòng 100 ngày phải đánh giá lại về sản xuất bốn sản phẩm quan trọng sau đây; “chip bán dẫn + pin năng lượng lớn cho xe điện + đất hiếm + dược phẩm”.
Một ngân khoản 37 tỷ mỹ kim đang chờ Quốc Hội thông qua để hỗ trợ cho sản xuất “chip” giúp các nhà sản xuất cần sản phẩm này sớm hồi phục, và cũng có nghĩa là không cần đến sản phẩm của Trung Cộng.
Tổng Thống Joe Biden phát biểu sau khi ký Sắc Lệnh, rằng: “Chúng ta không nên dựa vào nền kinh tế của bất cứ quốc gia nào không chia sẻ lợi ích hoặc giá trị của chúng ta, để bảo vệ và cung cấp cho người tiêu dùng của chúng ta trong trường hợp khẩn cấp”.
Sắc Lệnh này được ủng hộ từ những người mong muốn gia tăng khả năng sản xuất nội địa trong lãnh vực kỹ nghệ của Hoa Kỳ. Vì tính cách quan trọng như vậy, nên có nhận định của khá nhiều chuyên gia xoay quanh vấn đề thời gian, mà hầu hết đều cho rằng trong ngắn hạn rất khó giải quyết tình trạng thiếu thiết bị bán dẫn, vì hầu hết các nhà máy sản xuất chip đều đang chạy gần như hết công suất, và việc gia tăng sản lượng có thể mất ít nhất từ 3 đến 6 tháng, nếu không nói là sẽ lâu hơn, dù rằng Hoa Kỳ có kinh nghiệm trong nghiên cứu sản xuất thiết bị bán dẫn c ũng vậy.
(1) Ông Bob Bruggeworth -Chủ Tịch Hiệp Hội Kỹ Nghệ Chất Bán Dẫn- chia sẻ: “Làm như vậy sẽ bảo đảm nhiều “con chip” mà chúng ta cần, sẽ được sản xuất tại Hoa Kỳ, đồng thời thúc đẩy sự bền vững của Hoa Kỳ trong lãnh vực kỹ nghệ, củng cố sức mạnh kinh tế, tạo công ăn việc làm, bảo đảm an ninh quốc gia và cơ sở hạ tầng quan trọng”.
(2) Trên blog cá nhân, Ông Jeff Rittener -phụ trách liên lạc với chính phủ của Intel- nhà sản xuất chip hàng đầu tại Hoa Kỳ nhận định: “Sắc Lệnh Hành Pháp của chánh phủ cùng với những nỗ lực thúc đẩy đầu tư, sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh trên thế giới để giành lấy vị trí dẫn đầu lãnh vực sản xuất chất bán dẫn. Điều này cho phép các công ty Hoa Kỳ, cạnh tranh bình đẳng với các công ty ngoại quốc từng nhận được nhiều trợ cấp từ chính phủ của họ”.
(3) Ông Jensen Huang -Giám Đốc điều hành Nvidia- nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu của Hoa Kỳ, nhận định: “Cần rất nhiều thời gian để thực hiện, nên không thể có kết quả ngay lập tức”.
(4) Ông Charlie Chesbrough ‘nhà kinh tế học tại Cox Automotive- cho rằng: “Sắc Lệnh của Tổng Thống có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến ngành kỹ nghệ xe hơi trong thời gian tới, vì kế hoạch sản xuất thường được xác định trước nhiều năm”.
(5) Stacy Rasgon -Giám Đốc điều hành và phân tách chất bán dẫn tại Bernstein Research- nhận định: “Kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất bán dẫn tại Hoa Kỳ, cần số vốn đầu tư ngang tầm với những kế hoạch của ngành không gian Apollo”.
(6) Chuyên gia Mario Morales -hãng nghiên cứu kỹ nghệ IDC- nhận định: “Nền kinh tế của như Đại Hàn hay Đài Loan, đã phải đầu tư rất lớn với thời gian vài chục năm mới sản xuất được chất bán dẫn như hiện nay”.
(7) Ông Gaurav Gupta -Phó Chủ Tịch Nghiên Cứu tại Gartner- nhận định: “Kế hoạch đưa hoạt động sản xuất trở lại Hoa Kỳ, nói thì dễ hơn làm. Vì không chỉ riêng hoạt động sản xuất chip đang dần dần chuyển sang Châu Á, mà các bộ phận khác cũng vậy. Lý do, bởi chi phí lao động tại khu vực này thấp hơn nhiều so với tại Hoa Kỳ, trong khi số lượng nhân sự có năng lực tại đó ngày càng gia tăng”. (Tóm tắt bài viết của Lạc Điệp trên trang boxit.vn, dẫn tin từ SCMP + New York Times + Nikkei Asia + WSJ + Reuters + AP + Washington Post).
Thứ ba. Hồ sơ Nhân Quyền với Trung Cộng.
Các quốc gia cùng trừng phạt Trung Cộng về Nhân Quyền.
Theo hãng tin Reuters, Hoa Kỳ và các quốc gia Phương Tây cùng nhau vận động ngoại giao giữa các quốc gia, với mục đích kết hợp một chính sách chung, đối đầu hiệu quả với Trung Cộng trên hồ sơ Nhân Quyền.
Trong thời gian gần đây, các nhà hoạt động và các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết rằng: “Có ít nhất là 1.000.000 người Hồi Giáo đang bị Trung Cộng giam giữ trong các trại ở Tân Cương, thường xuyên bị tra tấn và cưỡng bức lao động trong các trại giam vùng Tây Bắc Trung Cộng, mà Trung Cộng gọi là “trại huấn nghiệp”. Đồng thời, họ áp dụng mọi biện pháp “triệt sản” người Duy Ngô Nhĩ để tiêu diệt dân tộc này”.
Ngày 22/03/2021, Hoa Kỳ + Liên Hiệp Châu Âu + Anh quốc + Canada, cùng quyết định trừng phạt Trung Cộng, vì những tấm hình chụp từ vệ tinh, cộng với lời khai của các nhân chứng, và các tài liệu của chánh phủ Trung Cộng, là những bằng chứng cho thấy các vụ vi phạm nhân quyền bằng mọi cách lạm dụng hằng triệu người Duy Ngô Nhĩ rất “khủng khiếp”.
Trong số những viên chức Trung Cộng bị Hoa Kỳ trừng phạt, có ông Chen Mingguo -Giám Đốc Sở Công An Tân Cương- và một viên chức cấp cao khác trong khu vực tên Wang Junzheng.
Trong năm 2020, Hoa Kỳ đã trừng phạt viên chức cao cấp nhất của Trung Cộng ở Tân Cương là Chen Quanguo.
Trong khi Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt 4 viên chức của Trung Cộng tại Tân Cương, trong đó có một Giám Đốc An Ninh hàng đầu, và một tổ chức tại đây.
Tiếp theo là Ngoại Trưởng của Australia và New Zealand, cũng ra một tuyên bố bày tỏ rất quan ngại với những báo cáo đáng tin cậy, về những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ, và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương”.
Ngay sau đó, Trung Cộng đáp trả, bằng các biện pháp trừng phạt chống lại khối Liên Hiệp Châu Âu. Bắt đầu bằng một Thông Cáo của Bộ Ngoại Giao, lên án quyết định của khối Liên Hiệp Châu Âu là can thiệp thô bạo vào nội bộ của họ, và đưa ra quyết định dựa trên những dối trá, với các tin tức bịa đặt.
Tiếp theo là Trung Cộng ban hành biện pháp trừng phạt 10 công dân Châu Âu, bao gồm các nhà lập pháp, nhà ngoại giao, các viện, và gia đình của họ. Trong số này có hai Nghị Sĩ, là công dân Pháp Raphaël Glucksmann và công dân Đức Reinhard Bütikofer, vì hai Nghị Sĩ thuộc này thuộc Ủy Ban Chính Trị và An Ninh của Nghị Viện Châu Âu, và phụ trách bang giao với Trung Cộng. Đồng thời cấm các doanh nghiệp của họ buôn bán với Trung Quốc.
Trung Cộng cũng mời Đại Sứ Liên Hiệp Châu Âu -Nicolas Chapuis- và Đại Sứ Vương quốc Anh -Caroline Wilson- đến Bộ Ngoại Giao của họ, và họ phản đối.
Với hành động trả đũa của Trung Cộng, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh, như sau: “Ăn miếng trả miếng, Trung Cộng áp dụng tập quán trả thù nguyên thủy trong bang giao với các quốc gia Châu Âu, tương tự như đã đáp trả các trừng phạt của Hoa Kỳ trong những tháng gần đây.
Các biện pháp trả đũa này nhắm vào những người bị chế độ cộng sản Trung Cộng xác định là có quan điểm ‘‘chống Trung Cộng’’. Nói cách khác, đây là các Nghị Sĩ hay Giảng Viên đại học, vừa lên tiếng tố cáo Trung Cộng vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, vừa bảo vệ người Hong Kong, và ủng hộ Đài Loan”.
“Hoa Kỳ là quốc gia đứng đầu thế giới mà Trung Cộng vẫn đương đầu, thì Trung Cộng không có gì ngần ngại khi đương đầu với khối Liên Hiệp Châu Âu”.
Nhưng biện pháp cấm các viên chức bị trừng phạt, cùng với gia đình họ không được đến lục địa Trung Hoa, Hong Kong, Macao, cũng không được hợp tác trong kinh doanh thương mãi với Trung Cộng.
Một viên chức -trong những viên chức Châu Âu bị phong tỏa tài sản tại Trung Cộng- lên tiếng chế giễu rằng: Tôi không cần đến Trung Cộng, chỉ đến Đài Loan là quá đủ”.
Ngày 23/3/2021, Bộ Ngoại Giao Pháp mời Đại Sứ Trung Cộng Lu Shaye đến để nhấn mạnh những lời nhục mạ và đe dọa nhắm vào giới lập pháp, và một nhà nghiên cứu Pháp là không thể chấp nhận. (trích bản tin của Reuters)
Thứ tư. Họp báo đầu tiên của Tổng Thống Joe Biden. (tóm lược bài nhận định của bà Kim Nguyễn).
Ngày 25/03/2021, Tổng Thống Joe Biden trong cuộc họp báo với truyền thông báo chí trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Các nhà báo muốn tham dự, phải gởi câu hỏi đến tòa Bạch Ốc, để Tổng Thống chọn câu hỏi, và soạn câu trả lời trước.
Mở đầu, Tổng Thống như khoa trương vấn đề chích ngừa, khi ông nói trong vòng 100 ngày sẽ chích ngừa cho 200 triệu người.
Và khi vào cuộc họp. Tổng Thống đọc tên nhà báo, rồi ông nhìn vào bài soạn sẳn mà trả lời. Theo cách này, được hiểu là Tổng Thống không nắm vững tình hình trong nước lẫn trong bang giao quốc tế.
Hồ sơ di dân tràn ngập tại biên giới Mỹ – Mễ.
Tổng Thống nói tại Tổng Thống Donald Trump cắt viện trợ cho các quốc gia vùng Nam Mỹ, nên người dân những nơi đó phải đi kiếm sống.
(Tổng Thống Joe Biden đã quên rằng, ông từng chỉ trích Tổng Thống Donald Trump khi xây hàng rào biên giới ngăn chận di dân bất hợp pháp, cùng lúc Tổng Thống Donald Trump khuyên họ trở về nước và làm thủ tục di dân vào Hoa Kỳ một cách hợp pháp).
Tổng Thống Joe Biden nói thêm rằng: “Ngày hôm qua -24/3/2021- tôi đã chỉ định Phó Tổng Thống Kamala Harris thay mặt tôi, lãnh đạo đối phó vấn đề này. Bà Harris được toàn quyền quyết định, mà không cần tham khảo ý kiến với tôi, vì tiếng nói của Bà ấy là Bà nói thay cho tôi”.
Ngay cả trường hợp một phóng viên có câu hỏi, là khi nào Tổng Thống cho phép phóng viên tới thăm trung tâm tạm trú của trẻ em, thì Tổng Thống trả lời là “hiện nay còn đang xây dựng một trung tâm với 5.000 giường ngủ tại Texas, sẽ cho phóng viên tới thăm khi thuận tiện”.
Hồ sơ Afghanistan và Bắc Hàn.
Tổng Thống Joe Biden trả lời một cách tổng quát rằng: “Hoa Kỳ đang thảo luận với các quốc gia đồng minh về vấn đề này.”
Hồ sơ Trung Cộng.
Phóng viên Justin Sink, hỏi Tổng Thống Joe Biden có duy trì chính sách của Tổng Thống Donald Trump về thương mãi và tài chánh hay không, thì Tổng Thống Joe Biden quay sang ca tụng Tập Cận Bình là người thông minh, và thẳng thắn cũng như Putin.
Dông dài một lúc, Tổng Thống Joe Biden nói là Hoa Kỳ sẽ tiết lập một liên minh để buộc Trung Cộng phải tuân theo những quy tắc liên quan đến Biển Đông và Đài Loan.
Với tôi, Tổng Thống Joe Biden vẫn chưa có chính sách đối ngoại rõ ràng -nhất là đối với Trung Cộng- mà đây là hồ sơ quan trọng bậc nhất.
Kết luận.
Với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, vẫn trong tình trạng bang giao căng thẳng do tham vọng thống trị thế giới của Trung Cộng, mà Hoa Kỳ đang vận động ngoại giao với các đồng minh Nhật Bản + Ấn Độ + Australia + Anh quốc + Liên Hiệp Châu Âu, để hình thành một chính sách đối đầu với Trung Cộng. Bước đầu cho thấy thành công, nhưng có đạt được mục tiêu biến Trung Cộng từ gian trá trở thành “quốc gia bạn hợp tác”, là điều mà tôi không bao giờ tin được, vì bản chất thống trị thế giới từ khởi thủy bên bờ sông Hoàng Hà thời tổ tiên xa xưa của Trung Cộng đến nay chẳng những không thay đổi, mà tham vọng đó càng cao. Nói cách khác, với Trung Cộng hiện nay, không thể vận động họ trở thành một quốc gia hợp tác trong minh bạch và thân thiện, bởi họ là cộng sản, mà cộng sản thì không thể thay đổi. (trích lời của Tổng Thống Nga Boris Yeltsin)
Với hồ sơ thương mại, Hoa Kỳ đang vận động các quốc gia đồng minh cùng nhau thực hiện chính sách “sản xuất các loại sản phẩm ngay trong nội địa của mình”, mà không cần bất cứ nguyên liệu hoặc sản phẩm nguyên liệu nào của Trung Cộng. Chính sách này nhiều hy vọng sẽ thành công, cũng là cách cô lập Trung Cộng trong giao thương, nhưng cần có thời gian.
Với hồ sơ Trung Cộng vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền đối với dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, tôi cho rằng rất khó đạt được thành công, vì bản chất gian trá của cộng sản Trung Hoa -cộng sản Việt Nam cũng vậy- họ cho rằng khi có lợi cho họ thì họ mới áp dụng. Điển hình là trong kỳ họp “Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát Nhân Quyền” lần thứ 18 hồi tháng 1/2014, khi Trung Cộng bị chỉ trích thì họ trả lời rằng: “Vì xã hội chúng tôi chưa thuận tiện, nên chưa áp dụng được”. .
Cuối cùng, tôi muốn Các Anh đọc bài viết dưới đây, để Các Anh nhận ra nỗi đau từ trong tâm hồn người Việt Nam khi nhận thấy thảm trạng trước mắt là quê hương Việt Nam sẽ biến mất trong vòng tay của kẻ thù mà Vua Trần Nhân Tông đã nói đến hồi cuối thế kỷ 13, và nhắn với con cháu Rồng Tiên sau này phải ghi nhớ mà gìn giữ quê hương của mình.
Tôi trích một đoạn trong bài “Hãy Xuống Đường Hôm Nay …” của tác giả Trần Quốc Việt (DânLàmBáo) ngày 7/6/2018:
“…. Thế giới có hàng trăm quốc gia, nhưng chỉ có một nước Việt Nam. Mất nước rồi chốn nào ta quay về. Mặt mũi nào ta nhìn mọi người lúc còn sống, hồn nào ta đối mặt với cha ông ở thế giới bên kia. Tủi nhục của kẻ nô lệ mất quê hương sẽ là vô bờ bến. Con cháu ta dưới bóng roi vọt và trong cơn mưa nước mắt tuyệt vọng cũng sẽ trách chúng ta vô bờ bến. Hãy tin vào sức bật Việt Nam và linh hồn Việt Nam bất diệt tiềm ẩn trong ta. Hãy noi gương những thế hệ tiền nhân để hôm nay ta hãy vượt qua mọi sợ hãi, và tạm gác mọi sự qua bên, chúng ta cùng nắm tay nhau một để bảo vệ Việt Nam đang lâm nguy”.
“Sự tồn vong của Việt Nam là trách nhiệm và lương tâm của mỗi người Việt chúng ta. Vì vậy, mỗi người hãy xuống đường thật đông, hãy lên tiếng mãnh liệt, tạo nên những đợt sóng thần chặn đứng tức thì nguy cơ họa xâm ngay trước mặt trước khi quá muộn. Tương lai sinh tử của Việt Nam nằm trong tay tôi, tay anh, tay chị, tay em, tay ông bà cha mẹ. Tương lai sinh tử của Việt Nam nằm ở đôi chân xuống đường của tất cả mọi người con của Mẹ Việt Nam, với tiếng thét lay động lịch sử, sông núi, và hồn người Việt Nam muôn năm… muôn năm… muôn năm”. (hết trích)
Texas, tháng 4 năm 2021
Phạm Bá Hoa
Theo Thư số 114 gởi Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam
Be the first to comment