Hoài Nghi Tin Vịt Và Sự Thật

Tân Phó Tổng Thống Kamala Harris để tay lên hai cuốn Kinh Thánh lúc tuyên thệ ngày 20 Tháng Giêng, nhưng bị người đưa tin giả nói là để tay lên “bóp.” (Hình minh họa: Saul Loeb/Pool/AFP via Getty Images)

Thế kỷ 21 nhân loại bị hai nạn dịch: COVID-19 và tin vịt (fake news). Tuy không sắc, không mùi, COVID-19 hay vi khuẩn Vũ Hán đã làm thế giới đảo điên. Sinh hoạt toàn cầu xáo trộn tận gốc. Hiện có trên 100 triệu người mắc bệnh và gần 3 triệu người chết, trong đó có hơn nửa triệu người ở Mỹ, nhiều hơn số người Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam (58,000), Triều Tiên (36,000) và Thế Chiến II (405,000) cộng lại (495,000). Toà Bạch ốc đổi chủ một phần vì đạo quân quá lạ kỳ. Theo khám phá của các nhà bào chế thuốc chống dịch, virus này là một tế bào có gai lởm chởm, cực kỳ mạnh, khó trị.

Còn dịch “fake news” thì như những cơn lũ tràn lên trên mạng xã hội, báo nói, báo in, báo hình, và lời đồn đại mang theo một loại virus không tên, không dáng, không màu, không mùi, gieo rắc tính hoài nghi. Đây không phải hoài nghi cha đẻ phát minh (Doubt is the father of invention) của nhà thiên văn học, vật lý học, toán học, triết học người Ý Galileo Galilei (1564-1642) từng nói, mà là bệnh hoài nghi dễ sinh ra vô cảm, ngờ vực, đưa đến trầm cảm, hoang tưởng, vẽ ra mưu này, kế nọ, và có thể khiến mức tin cậy nơi báo chí bị suy giảm.

Lịch sử loài người từng trải qua nhiều trận đại dịch: sốt da vàng ở Philadelphia, đại dịch cúm năm 1889-1890, dịch bại liệt ở Mỹ năm 1916, dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1920, dịch cúm Á Châu 1957-1958, bệnh Aids năm 1981, dịch H1N1 2009-2010, dịch Zika 2015, và ngày nay dịch COVID-19. Trước sau gì chúng cũng bị các nhà khoa học truy diệt. Riệng bệnh hoài nghi thì chỉ có tự chữa, tự biết loại trừ giữa thật và giả, biết truy tầm nguồn tin đáng tin cậy. Khốn nỗi, thời đại này là thời đại đồ giả lộng hành: bác sĩ giả, vaccine giả, khẩu trang giả, bằng giả, vú giả, phi công giả, gạo giả, trai giả, gái giả… Tin tức thì ít xít ra nhiều, cắt xén, thêm mắm muối, kèm theo lời bàn khiến người đọc phân vân: có những chuyện khó tin nhưng là thật, thật nhưng lại khó tin.

Dân gian có câu làm báo nói láo ăn tiền. Đài nói láo, báo nói thêm. Nay còn bị tố: truyền thông thổ tả, kẻ thù của nhân dân. Báo chí bị liệt vào loại báo hại, báo đời, báo cô; không còn là báo bổ nữa. Mấy chữ “fake news,” tin vịt đã có từ lâu, được Tổng Thống Donald Trump nhắc hằng ngày để chỉ trích báo giới. Đối lại, ông bị tờ Washington Post gán cho là “bậc thầy nói dối.” Cuộc tranh cãi giữa Tổng Thống Trump và quyền lực thứ tư gay go đến nỗi thống đốc Dân Chủ ở tiểu bang New York, ông Andrew Cuomo, phải phê bình về những giọng điệu của nhà báo với một tổng thống. Sự kiện đám đông tràn ngập Quốc Hội ngày 6 Tháng Giêng khiến các mạng xã hội Twitter, Instagram, Facebook, và Youtube nhập cuộc, áp lệnh cấm đối với tài khoản của ông Donald Trump vì ông có những lời lẽ kích động đám đông.

Tại sao gọi là tin vịt?

Sau khi Tống Thống Donald Trump rớt đài, mất ghế, các đợt sóng “fake news” cũng lắng đi.

Vậy “fake news” là gì? Là tin giả không được kiểm chứng. Tin vịt cũng là tin giả nhưng sao gọi là tin vịt? Số là con này chạy vô văn hoá nhật trình Sài Gòn hồi thế kỷ 19 thời Pháp thuộc qua chữ “canard.” Theo Wikipedia nó xuất phát từ Châu Âu ở thế kỷ 17, những tin chưa tra cứu đủ được ghi chú ở cuối bài hai chữ NT, viết tắt của “non testatum” tiếng Latin và tiếng Anh là “not testified” hoặc “not true,” đọ theo tiếng Đức âm nghe như con vịt. Từ đó hễ những tin ba xạo, vui, chưa kiểm chúng đều thuộc loại tin vịt. Làng báo Sài Gòn trước năm 1975 có mục “Ao Thả Vịt,” nuôi toàn vịt cồ hay chuyện tào lao xịt bộp, nghe qua rồi bỏ. Còn tin thật là những điều có lợi ích chung, được kiểm chứng là đúng và ngay tình, đáng được phổ biến.

Tiếng Mỹ thật kỳ diệu. Tin là NEWS, nó gồm những gì “new” (mới) có thể đến ở bất cứ phương hướng nào North (Bắc), East (Đông), West (Tây), South (Nam). Nội dung bản tin phải có những sự kiện trả lời được mấy câu hỏi mà nhà báo thường gọi là 5Ws, một H: ở đâu (where), lúc nào (when), ai (who), cái gì (what), tại sao (why), thế nào (how). Đó là sáu đinh vít giữ bản tin – bức tranh, bức hình bằng lời – đứng vững và xác nhận chính xác. Tin không đạt đươc tiêu chuẩn thì người đọc nên hoài nghi là người viết đẻ ra hay họ chỉnh sửa bài viết. Hình ảnh xử bắn một Việt Cộng ở Sài Gòn hồi Tết Mậu Thân 1968 gây chấn động dư luận toàn cầu. Tướng Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc cảnh sát quốc gia VNCH, bị tố là kẻ sát nhân vì báo giới Tây Phương chỉ phổ biến có nửa sự thật. Họ lờ đi chi tiết tại sao Tướng Loan hành xử như vậy. Sau này mới lộ ra kẻ bị xử tử có liên hệ trực tiếp tới một gia đình già trẻ lớn bé bị tàn sát.

Ngoài ra, mấu chốt để xác định giá trị một bản tin là nguồn tin. Nói có sách, mách có chứng, không thể nói khơi khơi được. Tin này phát xuất từ đâu? Các cơ quan, phủ, bộ hay đoàn thể thường có nhân viên đảm nhận việc phổ biến hoạt động của mình. Đó là nguồn tin chính thức. Các hãng thông tấn như AP, Reuters, AFP, UPI… vì là cơ quan bán tin nên họ rất thận trọng trong việc đưa tin. Báo lớn phần nhiều sống nhờ quảng cáo nên tin của họ không được tin cậy bằng nguồn tin từ các hãng thông tấn. Nói chung, khi đọc báo, nghe đài về những tin sốt dẻo thì nên thận trọng. Hoài nghi đây không phải hoài nghi để gạt bỏ, loại trừ, mà hoài nghi để tra hỏi, kiểm chứng, như thi sĩ Bùi Giáng nói “đừng tưởng cứ trọc là sư.” Trực giác, linh tính của người đọc sẽ báo cho người đọc nhận thức ngay về sự việc xảy ra, vì không hẳn những gì loan tải đều đúng hay đều bậy, đều phịa để câu khách.

Giữa mùa tranh cử gay go năm 2020 tờ New York Times – đặt tiêu chuẩn chỉ đăng những gì đáng đăng “all the news that’s fit to print” – tung ra tin về việc Nga treo giải thưởng nếu Taliban gây thiệt hại cho Mỹ. Báo dẫn nguồn từ các viên chức ẩn danh, cho biết ông Trump đã được báo cáo về chuyện trên từ hồi Tháng Ba, 2020, nhưng không có quyết định gì. Tòa Bạch Ốc hôm 27 Tháng Sáu, 2020 phản ứng ngay cho rằng tin của báo thiếu chính xác. Ứng cử viên Joe Biden, cũng trong ngày, chỉ trích Tổng Thống Trump thất bại vì không trả đũa Nga. Taliban bác bỏ tin trên và khẳng định đa số thương vong của Mỹ là do tự họ gây ra. Nga cũng phủ nhận thông tin của New York Times và nói tin này đe dọa trực tiếp đến cán bộ làm việc tại các sứ quán Nga ở Mỹ và Anh.

Thức ăn cần thiết

Chuyện Nga treo giải thưởng nói trên nẩy sinh ra nhiều tin liên hệ. Tin tức như sóng ngoài biển khơi hết đợt này tiếp nối đợt khác. Đôi khi dâng lên những cơn sóng dữ, những đợt sóng thần. Có những tin xe cán chó, vô hại, nhưng cũng có những tin giật gân, nóng hổi, nổ to hơn tạc đạn, gây hậu quả khôn lường. Tin của hai ký giả Bob Woodward và Carl Bernstein trên nhật báo The Washington Post năm 1972 quật ngã Tổng Thống Richard Nixon. Tin hình của phóng viên nhiếp ảnh Eddie Adams cho thấy Tướng Loan xử tử đặc công Việt Cộng Tết Mậu Thân năm 1968 ở Sài Gòn, bức hình của phóng viên ảnh Nick Út cho thấy em bé Phan Thị Kim Phúc bị dính bom Napalm ở Tây Ninh năm 1972 thổi bùng phong trào phản chiến, góp phần làm Sài Gòn mất tên năm 1975.

Ngày nay, tin tức trở nên cần thiết như thức ăn hằng bữa, hết tin thời tiết đến tin điạ phương, tin quốc tế, tin giao thông, tin văn nghệ, tin thể thao, tin chứng khoán, tin mỗi đầu giờ ở các đài phát thanh, tin đặc biệt “breaking news” khi có biến cố lớn và tin giờ chót. Lại thêm, các chương trình trực tiếp truyền thanh, truyền hình để khán thính giả tai nghe, mắt thấy tại chỗ các diến biến đang diễn ra và còn có các mục bình luận hay phân tích thời sự nhằm làm sáng tỏ tin tức trong tuần hay trong ngày. Tin đồn cũng dễ sợ, ảnh hưởng rộng rãi không ít. Cổ học tinh hoa có chuyện bà mẹ chạy trốn vì lời đồn về Tăng Sâm đứa con hiền hoà của mình giết người. Bất luận tin gì hay lời bàn nào khi nghe, đọc hay coi mà cảm thấy không ổn thì nên dè dặt đón nhận để tìm hiểu thêm ngọn nguồn về khuynh hướng chính trị, tôn giáo nơi phát xuất những điều đó.

Đệ tứ quyền gồm báo giấy, báo nói, báo hình giám sát quyền tư pháp, hành pháp, và lập pháp. Ba phương tiện truyền thông là tấm gương phản ảnh mọi sinh hoạt xã hội, ảnh hưởng toàn bộ cuộc sống. Ngày nay, các nhà báo đều chuyên nghiệp, được huấn luyện hẳn hòi. Là những người tôn trọng sự thật nên bài viết của họ phải làm cho độc giả có lòng tin. Châm ngôn của CNN: chỉ có sự kiện, dẫn đầu trên thế giới về tin tức (facts first, the worldwide leader in news). Châm ngôn của Fox News: công bằng và cân bằng (fairness and balance). Khách hàng của CNN thuộc thành phần cấp tiến. Còn khán thính giả của Fox News thuộc giới bảo thủ. Cả hai đài truyền hình CNN và Fox News đều đề cao sự trung thực, khách quan, không thiên vị và trách nhiệm.

Dù vậy, nếu theo dõi các bài tường thuật về buổi nói chuyện của cựu Tổng Thống Trump ngày 28 Tháng Hai tại lễ bế mạc hội nghị phong trào bảo thủ ở Mỹ (CPAC) thì thấy khác biệt một trời một vực. CNN chạy tít: Phát biểu của Trump toàn là láo xạo (Trump delivers CPAC speech filled with lie). Trump cứ lập lại cuộc bầu cử vừa rồi bị đánh cắp. Tin của Fox News: Ông Trump nói về tương lai của đảng Cộng Hoà, chỉ trích chính sách của Tổng Thống Joe Biden chuyển từ Nước Mỹ Trên Hết sang Nước Mỹ Cuối Cùng (We have gone from America First to America Last). Đúng là ông nói gà, bà nói vịt. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Blaise Pascal (1623-1662) nhà vật lý và toán học Pháp có lý khi nói: “Sự thật nằm ở bên này dãy núi Pyrénées, qua bên kia là sai lầm” (Vérité en deçà des Pyrénées, erreur au delà).

Rối loạn thông tin

Tin chính trị của hai đài CNN và Fox News thường đối nghịch như lửa với nước. Họ ngụy tạo hay bẻ quanh quẹo các sự kiện trong phát biểu của cựu Tổng Thống Trump? Không. Họ chắt lọc sự kiện rồi loan tải những gì hợp với tôn chỉ của đài và thuận với cảm tình cùng quan điểm độc giả của họ. Báo chí là thức ăn tinh thần. Cơ quan ngôn luận nào cũng như một tiệm phở. Mỗi tiệm có riêng mùi vị và thành phần khách hàng quen thuộc. Bá nhơn, bá tánh, bá cái đầu. Để cung ứng thị trường chữ nghĩa báo chí có đủ loại, đủ khuynh hướng. Với sự cổ xúy mỗi người là một nhà báo cùng với công nghệ truyền thông mới khiến cho việc “thao túng và chế tạo nội dung” tin tức trở nên dễ dàng. Mạng xã hội, coi như quyền lực thứ năm, tiếp tay khuếch đại các sản phẩm đó, tạo ra tình trạng “rối loạn thông tin của thế kỷ 21.”

Chương Trình Quốc Tế Phát Triển Truyền Thông (International Programme for the Development of Communication – IPDC) của UNESCO đã soạn một cuốn sổ tay giúp phản công cuộc khủng hoảng này. Cuốn sổ tay có mục đích trở thành một giáo trình mẫu trên phạm vi quốc tế, cho phép áp dụng hoặc sửa đổi, để đáp trả vấn nạn tin xuyên tạc đang nổi lên trên toàn cầu. Theo UNESCO, tin có nghĩa là thông tin có thể kiểm chứng vì lợi ích công, nên những thông tin không đáp ứng được tiêu chuẩn này không xứng đáng được gọi là tin. Còn tin giả là tin “phá hoại tính tin cậy của những thông tin thật sự chạm đến ngưỡng cửa của khả năng có thể kiểm chứng và lợi ích công: tin tức thật.” Cuốn sổ tay được phổ biến bằng 21 thứ tiếng trên mạng.

Cũng theo UNESCO, tin sai là thông tin không đúng sự thật, nhưng người phát tán nó lại lầm tưởng nó là thật. Tin xuyên tạc là thông tin không đúng sự thật, và người phát tán nó biết rõ điều này. Tin xuyên tạc là một lời nói dối cố ý, có chủ đích, nhằm vào những người bị những kẻ ác ý chủ động lừa dối. Một phạm trù thứ ba có thể gọi là tin nguy hại, thông tin, dựa trên hiện thực, nhưng được dùng “để gây hại cho một cá nhân, tổ chức hay quốc gia.” Các tin này đều khác với báo chí (chất lượng) vì báo chí tuân thủ những tiêu chuẩn đạo đức và nghề nghiệp. Tin xuyên tạc và tin sai ngày nay có thể khiến công chúng hoài nghi những gì loan qua báo chí. Mọi người sẽ dễ tin tưởng bất cứ nội dung gì trên các mạng xã hội nếu phù hợp với cảm xúc của họ. Ấn phẩm kêu gọi báo chí “tránh xuất bản thông tin không được kiểm chứng.”

Bài giới thiệu trong cuốn sổ tay có lời báo động “tin xuyên tạc thật sự là một vấn đề toàn cầu.” Nó đã trở thành một thuật ngữ đầy cảm tính. Sự thao túng thông tin có từ xa xưa, trước khi báo chí hiện đại thiết lập các tiêu chuẩn về tin và sự liêm chính. Tài liệu UNESCO còn cho biết các chính trị gia và các cơ quan chính sách công ở các quốc gia từ Úc đến Philippines, Canada, Pháp, Anh, Brazil, Indonisa, và Ấn Độ đã dự tính họ phải làm gì để phản hồi. Về mặt luật pháp, Đức là nước đầu tiên ban hành một luật mới để xử phạt các nền tảng kỹ thuật số nếu họ không xóa “nội dung bất hợp pháp,” bao gồm “tin giả” và phát ngôn gây thù hận, trong vòng 24 giờ sau khi bị báo cáo.

Giáo trình được khởi thảo vào đầu năm 2018. Cuốn sổ tay có các đề mục: Tại sao quan trọng: sự thật, lòng tin và báo chí. Suy nghĩ về “rối loạn thông tin:” các hình thức tin sai và tin xuyên tạc. Sự biến chuyển của ngành công nghiệp tin tức: công nghệ số, các nền tảng xã hội và sự lan truyền tin sai và tin xuyên tạc. Kiến thức truyền thông và thông tin. Theo ấn phẩm, quyền lực thứ năm – các trang mạng xã hội, các blogger – đã báo cho biết nhiều chuyện đang xảy ra đáng để theo dõi và thổi còi vạch ra những sai trật của đệ tứ quyền. Cũng chính các trang mạng lại là tác giả thả tin vịt và chuyện ba trợn, tào lao chạy cùng khắp thế giới chỉ bằng một cái nhắp chuột.

Phan Thanh Tâm
Theo Người Việt online ngày 22/3/2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*