Ba Vụ Bắn Giết Ở Atlanta Có Phải Là “Hate Crime”? – TT Biden Bị Chỉ Trích Về Tình Hình Biên Giới Mexico

THẢM SÁT Ở ATLANTA: CÓ PHẢI DO THÙ HẬN NGƯỜI Á CHÂU?

Ba vụ bắn giết liên tiếp đã xảy ra vào buổi chiều Thứ Ba 16/3 tại thành phố Atlanta của tiểu bang Georgia khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á, khiến dư luận xôn xao với giả thuyết cho rằng các nạn nhân bị thảm sát do động lực thù hận đối với người Á Châu. Mặc dù nghi phạm phủ nhận động lực này trong lời khai với cảnh sát, tuy nhiên theo lời Cảnh Sát Trưởng Atlanta thì cơ quan công lực chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng.

Tin tức cho biết nghi phạm Robert Aaron Long, 21 tuổi, mua khẩu súng lục 9mm ở tiệm Big Woods Goods vào buổi sáng Thứ Ba và bắt đầu vụ bắn giết lúc 4:50 giờ chiều. Trước hết nghi phạm vào tiệm Youngs Asian Massage Parlor ở gần đường Bells Ferry Road và xả súng bắn chết 4 người, sau đó lái xe tới tiệm Gold Spa trên đường Piedmont cách đó 30 miles, bắn chết 3 người, rồi đi qua tiệm Aromatherapy Spa ở bên kia đường, bắn chết thêm 1 người nữa.

Hình ảnh nghi phạm Robert Long được cảnh sát công bố ngay tức khắc trên các đài truyền hình, và chính gia đình nghi phạm đã liên lạc để giúp cảnh sát truy lùng. Vì vậy khi nghi phạm lái xe rời tiểu bang Georgia khoảng 150 miles thì bị chận bắt trên xa lộ I-75 vào lúc 8 giờ tối và đưa về giam giữ tại quận hạt Crisp County.

Bà Keisha Lance Bottoms, Thị Trưởng Atlanta, nói rằng nghi phạm định tẩu thoát sang tiểu bang Florida và có thể tiếp tục thủ đoạn bắn giết nhưng may mắn là cơ quan công lực đã ra tay kịp thời để chận đứng ý đồ của y.

Trong số 8 nạn nhân bị thảm sát có 6 phụ nữ gốc Á Châu, 1 phụ nữ da trắng và 1 người đàn ông da trắng, ngoài ra còn có một người đàn ông gốc Hispanic bị thương nhưng không nguy hiểm đến tánh mạng. Tòa Lãnh Sự Nam Hàn tại Atlanta đã xác định 4 trong số 6 phụ nữ bị thảm sát là người Đại Hàn và đang tiếp tục tìm hiểu lý lịch 2 người còn lại.

Trong buổi họp báo chung hôm Thứ Tư 17/3, ông Frank Reynolds, Cảnh Sát Trưởng quận hạt Cherokee cho biết nghi phạm Robert Long khai với nhân viên điều tra là y bị “nghiện tình dục”, “có vấn đề với phim khiêu dâm”, “trước đây thuờng lui tới những tiệm massage”, và khi được hỏi các vụ bắn giết có phải do phân biệt chủng tộc hay không thì y trả lời “không”. Phát ngôn viên Jay Baker của Sở Cảnh Sát Cherokee cũng thuật lại lời nghi phạm thừa nhận tội trạng và khai rằng y coi các tiệm massage như “một sự cám dỗ” mà y “muốn loại bỏ”. Tuy nhiên theo ông Rodney Bryant, Cảnh Sát Trưởng thành phố Atlanta, thì cuộc điều tra vẫn đang tiến hành với sự phối hợp của cơ quan FBI và “còn quá sớm để có thể kết luận” về động lực đưa tới tội ác.

Cũng trong cuộc họp báo, Thị Trưởng Keisha Lance Bottoms gọi đây là “ngày đau buồn của Atlanta”, và nhấn mạnh: “Mặc dù chưa biết rõ động lực của nghi phạm, nhưng chắc chắn là chúng ta không thể có thái độ rẻ rúng đối với các nạn nhân hay đổ lỗi cho các nạn nhân”. Bà Thị Trưởng cho biết cả ba tiệm massage chưa từng bị cảnh sát Atlanta đưa vào danh sách những địa điểm cần theo dõi về tội ác hoặc hành vi phạm pháp.

Được biết Robert Long bị truy tố về 8 tội danh liên quan đến hành động sát nhân và 1 tội danh về hành động đả thương với mức độ nghiêm trọng. Y đã ra tòa vào Thứ Năm tuần này.

Biến cố ở Atlanta khiến một số giới chức chính quyền – cũng như dư luận dân chúng ở Georgia và khắp nước Mỹ – xôn xao với giả thuyết cho rằng các nạn nhân bị thảm sát do động lực thù hận đối với người Á Châu, nhất là giữa lúc những vụ tấn công thô bạo nhắm vào các cộng đồng gốc Á Châu như Trung Hoa, Đại Hàn, Việt Nam… đang gia tăng trên toàn quốc kể từ khi đại dịch Covid-19 lan tràn.

Nhật báo Korea Herald trích dẫn một kết quả thống kê do Trung Tâm nghiên cứu về hiện tượng thù ghét chủng tộc và chủ thuyết cực đoan (Center for the Study of Hate and Extremism) thuộc Viện Đại học California State University ở San Bernardino phổ biến, theo đó chỉ riêng năm ngoái (2020) các tội ác do thù hận người Á Châu đã gia tăng gấp ba lần tại 16 thành phố lớn (bao gồm New York City và Los Angeles), từ 49 vụ tăng lên tới 122 vụ – trong khi các tội ác cũng do thù hận nhưng nhắm vào những cộng đồng khác thì lại giảm bớt 7%.

Atlanta vừa là thủ phủ vừa là thành phố lớn nhất của tiểu bang Georgia. Dân số toàn tiểu bang là 10.6 triệu người, trong đó gần nửa triệu là cư dân gốc Á Châu, theo thống kê của tổ chức Asian American Advocacy Fund. Dân số của thành phố Atlanta là 488,000 người, trong đó có khoảng 21,688 cư dân gốc Á Châu.

Hôm Thứ Tư 17/3, Tổng Thống Joe Biden cho biết, sau khi nghe tường trình, ông đã thảo luận qua điện thoại với Bộ Trưởng Tư Pháp Merrick Garland và giám đốc cơ quan FBI Christopher Wray về vụ bắn giết ở Atlanta, và ông sẽ tiếp tục theo dõi diễn tiến cuộc điều tra. Ông nói thêm: “Bất kể động lực nào đưa tới hành động sát nhân, tôi hiểu rằng cộng đồng người Mỹ gốc Á rất lo ngại vì nhiều hành vi bạo lực đã xảy ra trong thời gian gần đây”.

Tưởng cần nhắc lại là trong bài phát biểu trước quốc dân hôm Thứ Năm tuần trước, Tổng Thống Biden đã lên án các tội ác do thù hận người Á Châu, gọi đó là những hành động đi ngược lại truyền thống của nước Mỹ và phải chấm dứt ngay tức khắc (It’s wrong. It’s un-American. And it must stop).

Trong cuộc họp báo sáng Thứ Tư, khi đề cập đến vụ bắn giết ở Atlanta, Tùy Viên Báo Chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói thẳng: “Rõ ràng là một vài ngôn từ đầy ác ý của chính phủ tiền nhiệm, chẳng hạn như gọi nguyên nhân đại dịch Covid là ‘virus Vũ Hán’, đã đưa tới những cái nhìn sai lạc và bất công về cộng đồng người Mỹ gốc Á và làm tăng thêm sự đe dọa đối với họ”.

Phó Tổng Thống Kamala Harris cũng lên tiếng hôm Thứ Tư, nhấn mạnh là “cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn và chúng ta chưa biết rõ động lực đưa tới vụ bắn giết”. Bà nói tiếp: “Nhưng tôi muốn nói với cộng đồng người Mỹ gốc Á rằng chúng tôi luôn luôn sát vai với quý vị và chúng tôi hiểu sự kiện này khiến quý vị sợ hãi, hoang mang và giận dữ đến mức độ nào”.

Tùy Viên Báo Chí Psaki cho biết Thứ Sáu tuần này Tổng Thống Biden và Phó Tổng Thống Harris sẽ cùng đến thành phố Atlanta, trước hết là để chia xẻ mối quan tâm với các giới chức chính quyền và các nhà lãnh đạo cộng đồng về vụ thảm sát ngày 16/3, sau nữa là để quảng bá tác dụng của đạo luật cứu trợ $1900 tỷ vừa được ban hành nhằm giúp đỡ dân chúng và giới doanh thương vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19.

TỔNG THỐNG BIDEN BỊ CHỈ TRÍCH VỀ TÌNH HÌNH DI DÂN Ở BIÊN GIỚI MEXICO

Một phái đoàn gồm 13 nhà lập pháp do Dân Biểu Kevin McCarthy cầm đầu đã đến thăm vùng biên giới Mỹ – Mexico ở thành phố El Paso của tiểu bang Texas hôm Thứ Hai 15/3, và lên tiếng chỉ trích Tổng Thống Joe Biden không kiểm soát được làn sóng di dân ồ ạt, đưa tới một tình trạng “khủng hoảng nhân đạo” với hàng ngàn trẻ em không thân nhân đang bị Cơ Quan Biên Phòng (CBP) giam giữ.

Thành phần phái đoàn dân cử đảng Cộng Hòa gồm các Dân Biểu Kevin McCarthy (California, Trưởng Khối Thiểu Số tại Hạ Viện), John Katko (New York), Chuck Fleischmann (Tennessee), Clay Higgins (Louisiana), Tony Gonzales (Texas), Michael Cloud (Texas), Carlos Gimenez (Florida), Yvette Herrell (New Mexico), David Joyce (Ohio), Mariannette Miller-Meeks (Iowa), August Pfluger (Texas), John Rose (Tennessee) và Maria Salazar (Florida).

Ngoài việc trẻ em bị giam giữ, phái đoàn còn nêu lên mối quan ngại là những bé gái trên đường từ các quốc gia Trung Mỹ đi tới biên giới Mexico rất dễ trở thành nạn nhân của bọn buôn người, một thảm trạng kéo dài từ nhiều năm nay và có thể sẽ càng nghiêm trọng hơn, mà – theo phái đoàn – tất cả là do Tổng Thống Biden đã đảo ngược những chính sách bảo vệ biên giới dưới thời Tổng Thống Trump.

Các giới chức chính phủ Biden thừa nhận làn sóng di dân ở vùng biên giới là “một vấn đề lớn” và khẳng định “chúng tôi sẽ dồn mọi nỗ lực để giải quyết”, nhưng theo Tùy Viên Báo Chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki giải thích thì vấn đề này bắt nguồn từ việc chính quyền Trump đã “để lại một guồng máy gẫy vụn và bất khiển dụng”, do đó chính phủ đương nhiệm sẽ phải giải quyết từng bước và phải mất vài tháng trời mới có thể ổn định được tình hình.

Bộ Trưởng An Ninh Nội Địa Alejandro Mayorkas hôm Thứ Ba 16/3 họp báo cho biết các di dân bất hợp pháp bị bắt ở vùng biên giới phía nam “có thể lên tới con số cao nhất từ 20 năm qua”, nhưng đó không phải là vì “Tổng Thống Biden nới lỏng chính sách di dân” như lời chỉ trích của các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa. Theo ông Mayorkas thì nguyên nhân đưa tới làn sóng di dân này là do tình trạng nghèo đói, tham nhũng và tội phạm lan tràn ở ba quốc gia vùng Tam Giác Phía Bắc (Northern Triangle) của Châu Mỹ Latinh, gồm El Salvador, Guatemala, Honduras, đó là chưa kể đại dịch Covid-19 và thiên tai bão lụt làm cho cuộc sống của người dân ở đó càng khốn khổ hơn.

Bộ Trưởng Mayorkas cũng đề cập đến việc chính phủ Biden, sau khi tiếp nhận một “bộ máy bất khiển dụng” từ chính quyền trước, đang phải tái cấu trúc hệ thống làm việc giữa những cơ quan có chức năng giải quyết vấn đề di dân, kể cả xây dựng và thiết trí lại nhiều cơ sở, để có thể thực hiện ba mục tiêu “giữ an toàn cho vùng biên giới, giúp đỡ các trẻ em không thân nhân theo quy định của luật pháp, và hỗ trợ việc đoàn tụ gia đình”.

Bản tin AP trích dẫn thống kê do Cơ Quan Biên Phòng phổ biến cho thấy số trẻ em (kể cả trẻ nhỏ và thiếu nhi trong lứa tuổi “teen”) vượt biên giới từ Mexico vào lãnh thổ Hoa Kỳ mà không có thân nhân đi cùng đã tăng 60% từ tháng 1 qua tháng 2, nâng tổng số lên thành 9,400 em.

Tính đến Chủ Nhật 14 tháng 3, trung bình mỗi ngày Cơ Quan Biên Phòng vẫn tiếp tục bắt giữ 565 trẻ em không thân nhân, và riêng hôm Thứ Hai 15/3 lại có thêm 280 em nữa. Nếu tính cả trẻ em lẫn người lớn thì trong tháng 2 đã có tới hơn 100,000 người bị bắt ở biên giới.

Điều đáng ngại nhất là trong số hơn 4,200 trẻ em đang bị tạm giam, có 2,943 em đã bị giam quá thời gian luật pháp quy định (72 giờ đồng hồ).

Chính vì vậy nên ngay từ cuối tuần rồi Bộ Trưởng Mayorkas đã chỉ thị Cơ Quan Đặc Trách Tình Trạng Khẩn Cấp (FEMA) tiếp tay với Cơ Quan Biên Phòng (CBP) trong việc đón nhận, sắp xếp nơi tạm trú và chuyển giao các em qua Văn Phòng Tái Định Cư Người Tỵ Nạn (Office of Refugee Resettlement – ORR) và Bộ Y Tế (Health and Human Services – HHS) để tìm người bảo trợ, giúp các em định cư. Cả FEMA và CBP đều là cơ quan trực thuộc Bộ An Ninh Nội Địa (Department of Homeland Security – DHS).

Tin tức cho biết FEMA đã xây dựng cấp tốc các trung tâm mệnh danh là “decompression centers” ở hai thành phố Dallas và Midland của tiểu bang Texas nhằm đáp ứng mục tiêu nói trên. Trung tâm Midland có thể chứa 700 người và hiện đã nhận 485 em. Trung tâm Dallas đặt tại Kay Bailey Hutchison Convention Center, có thể chứa tới 3,000 người, được dành riêng cho các em trai.

Bên cạnh đó Bộ Y Tế cũng xúc tiến việc mở thêm hai trung tâm, một ở phi trường Moffett Federal Airfield (gần San Francisco, California), một ở thành phố Donna (vùng Rio Grande Valley, Texas), đồng thời mở rộng trung tâm hiện có tại Donna để có thể chứa 2,000 người.

Mặt khác, vì Bộ Y Tế cũng gặp khó khăn do những quy định hạn chế để phòng chống đại dịch Covid-19, nên Tùy Viên Báo Chí Jen Psaki cho biết Tổng Thống Biden đã can thiệp để Cơ Quan Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) tạo điều kiện dễ dàng cho hai bộ Y Tế và An Ninh Nội Địa trong việc chuyển giao, tiếp nhận cũng như tìm người bảo trợ, hầu đẩy nhanh hơn thủ tục định cư cho các em. Tuy nhiên bà Psaki nói thêm với báo chí rằng tiến trình kiểm tra lý lịch người bảo trợ không thể thực hiện vội vã được, vì chính phủ cần bảo đảm các em không bị rơi vào tay những kẻ gian trong đường dây buôn người.

Bộ Trưởng Mayorkas cho biết khoảng 80% trẻ em vượt biên vào Mỹ mà không có thân nhân đi cùng (đa số từ El Salvador, Guatemala, Honduras) đều có bà con họ hàng đang sống tại Hoa Kỳ, 40% trong số này có cha hoặc mẹ đang sống tại Hoa Kỳ, và “chúng tôi cố gắng giúp các em đoàn tụ với gia đình để họ chăm sóc cho các em”.

Song song với việc giải quyết vấn đề trẻ em không thân nhân, ông Mayorkas cho biết đa số những di dân bất hợp pháp bị bắt ở vùng biên giới phía nam, bao gồm cả cá nhân và gia đình, đã bị Bộ An Ninh Nội Địa trục xuất qua lãnh thổ Mexico để tránh xảy ra tình trạng lây nhiễm Covid-19. Việc trục xuất ngay tức khắc các di dân bất hợp pháp – thay vì giam giữ họ – đã được chính phủ Trump thi hành từ năm ngoái, và hiện chính phủ Biden đang tiếp tục áp dụng, dựa trên điều luật “Title 42”.

Chính Tổng Thống Biden khi trả lời ký giả George Stephanopoulos trong cuộc phỏng vấn hôm Thứ Ba 16/3 trên đài ABC cũng nói rõ là chính sách di dân của Hoa Kỳ chưa có gì thay đổi, và ông khuyến cáo người dân các nước Châu Mỹ Latinh “đừng rời bỏ quê hương của họ để đến Mỹ”.

Việc các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa đi thăm vùng biên giới Mỹ – Mexico và chỉ trích Tổng Thống Biden được ghi nhận cùng lúc với việc Hạ Viện đang xúc tiến thủ tục biểu quyết hai dự luật về di dân, một dự luật nhằm cứu xét cấp quốc tịch cho thành phần nhập cảnh bất hợp pháp khi còn nhỏ (tức là các “Dreamers” theo chính sách DACA), và một dự luật nhằm hỗ trợ hàng triệu người làm nghề nông mà không có giấy tờ nhập cảnh. Giới quan sát cho rằng cả hai dự luật này đều sẽ gặp khó khăn khi chuyển qua Thượng Viện vì không được sự ủng hộ của các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa.

Ngay trước khi Dân Biểu Kevin McCarthy phát biểu ở El Paso hôm Thứ Hai 15/3, Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi đã phổ biến thông cáo báo chí nói rằng chuyến đi của phái đoàn McCarthy “là một cố gắng tuyệt vọng để đánh lạc hướng dư luận, muốn người dân Mỹ đừng chú ý tới sự kiện thực tế là tất cả các Dân Biểu đảng Cộng Hòa đều bỏ phiếu chống lại dự luật cứu trợ đại dịch $1,900 tỷ dollars, mặc dù dự luật này giúp đẩy mạnh chương trình chích ngừa, hỗ trợ tài chánh cá nhân cho người dân, giúp các công nhân tìm việc làm và các trường học mở cửa trở lại”.

Trước sự chỉ trích của phái đoàn McCarthy, một nhà lập pháp đảng Dân Chủ là Dân Biểu Veronica Escobar (Texas) đã phản công qua cuộc họp báo trực tuyến cùng ngày. Bà Escobar nhắc lại sự hỗn loạn trong chính sách di dân hồi mấy năm trước: “Lần đầu tiên chúng ta chứng kiến làn sóng di dân ồ ạt là dưới chính quyền Trump. Làn sóng ấy chưa bao giờ ngừng lại. Các gia đình từ Trung Mỹ vẫn tiếp tục kéo đến biên giới. Các chính sách khắc nghiệt, tàn nhẫn, mà chính quyền Trump thực hiện vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ, giữa lúc đại dịch Covid hoành hành, đã không hề chận đứng làn sóng di dân, mà ngược lại còn tạo thêm những tình huống nguy hiểm ở vùng biên giới phía nam”. Theo lời bà Escobar thì các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa chỉ cố tình gây ra tâm lý sợ hãi và thù ghét của người dân Mỹ đối với các di dân thay vì hợp tác để tìm giải pháp rốt ráo cho vấn đề.

Được biết sau phái đoàn McCarthy, sẽ có thêm một phái đoàn dân cử đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện cùng một phái đoàn dân cử đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện do hai Nghị Sĩ Ted Cruz và John Cornyn cầm đầu, lên đường đi thăm vùng biên giới Mỹ – Mexico vào cuối tháng này.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, USA Today, The Korea Herald, Atlanta Journal-Constitution ngày 18/3/2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*