Kể từ ngày 1 tháng 2 khi quân đội đảo chánh và bắt giam các nhà lãnh đạo chính phủ dân sự – trong đó có bà Aung San Suu Kyi, khuôn mặt biểu tượng cho phong trào dân chủ trên đất nước Miến Điện – Chủ Nhật 28 tháng 2 được giới truyền thông mô tả là “ngày đẫm máu nhất” với 18 người thiệt mạng trong các cuộc xuống đường. Nhưng tin tức cập nhật cho thấy ngày 3 tháng 3 còn đẫm máu hơn nhiều, vì lại có thêm ít nhất 33 người nữa bị cảnh sát bắn chết.
Vụ đảo chánh đã làm bùng phát một làn sóng biểu tình phản đối mãnh liệt chưa từng thấy, với hàng chục ngàn người xuống đường gần như mỗi ngày ở nhiều thành phố, bất chấp sự đàn áp tàn bạo của cảnh sát. Từ việc đánh đập, bắt bớ, ném lựu đạn cay, xịt nước bằng vòi rồng, bắn đạn cao su, cảnh sát còn bắn luôn cả đạn thật vào đám biểu tình, giết chết một phụ nữ hôm 20 tháng 2, rồi qua tới ngày 28 bắn chết 18 người và gây thương tích cho hơn 30 người khác. Mặc dù vậy, các cuộc xuống đường vẫn tiếp tục diễn ra khắp nơi, chứng tỏ người dân Miến Điện không sợ hãi, kiên quyết đương đầu với bạo lực. Trích dẫn các nguồn tin độc lập, hãng thông tấn Associated Press cho biết hôm Thứ Tư 3 tháng 3, cảnh sát nổ súng giết hại thêm ít nhất 33 người biểu tình nữa.
Từ Văn Phòng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, phát ngôn viên Ravina Shamdasani phổ biến thông cáo nói rằng “đã có tổn thất nhân mạng sau khi lực lượng an ninh bắn vào người biểu tình ở các thành phố Yangon, Dawei, Mandalay, Myeik, Bago, Pokokku”, và kêu gọi quân đội “hãy ngưng ngay tức khắc việc dùng võ lực đối với những người biểu tình ôn hòa”.
Các phóng viên báo chí làm nhiệm vụ tường thuật tin tức cũng bị đàn áp. 7 nhà báo bị cảnh sát bắt, trong đó có ký giả Thein Zaw của hãng thông tấn AP. Hôm Thứ Ba tuần này ông bị đưa ra tòa cùng với 5 ký giả khác và bị truy tố về tội “phá rối trật tự công cộng” dựa theo một điều luật hình sự vừa được hội đồng quân nhân tu chính. Luật sư Tin Zar Oo đại diện ông Thein Zaw cho biết điều luật này có thể đưa tới bản án 3 năm tù. Hãng thông tấn AP và Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả đang tích cực vận động đòi trả tự do cho các nhà báo đang bị giam giữ.
Kỹ sư điện toán Nyi Nyi Aung Htet Naing hôm Thứ Bảy 27/2 đặt câu hỏi qua tin nhắn trên Facebook “Phải chết thêm bao nhiêu người nữa thì Liên Hiệp Quốc mới chịu hành động?”. Hôm sau, Chủ Nhật, chính ông là một trong 5 người bị bắn chết ở thành phố Yangon. Cũng tại Yangon, một nạn nhân khác tử thương vì đạn bắn trúng vào mắt, và một giáo viên chết vì cơn đau tim khi cảnh sát ném lựu đan cay đúng vào nơi ông đang đứng biểu tình. Tại Mandalay, một người lái xe gắn máy thiệt mạng vì đạn xuyên qua mũ bảo hiểm. Phóng viên hãng thông tấn Reuters nghe rõ lời một sĩ quan cảnh sát hăm dọa người xuống đường: “Nếu không muốn chết thì đi về nhà ngay”.
Nguồn tin từ Văn Phòng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cho biết chỉ riêng hôm 28/2 đã có ít nhất 85 nhân viên y tế và sinh viên y khoa bị bắt trong lúc biểu tình. Kể từ ngày quân đội đảo chánh (1 tháng 2) cho tới nay con số bị bắt đã lên tới trên 1,000 người và phần lớn vẫn đang bị giam giữ.
Bà Aung San Suu Kyi, 75 tuổi, bị bắt và truy tố về tội “nhập cảng bất hợp pháp máy walkie-talkie” – một tội danh không liên quan gì đến việc quân đội cáo buộc đảng Liên Minh Toàn Quốc Vì Dân Chủ (NLD) do bà lãnh đạo đã “gian lận phiếu cử tri” trong cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 năm 2020. Cuộc bầu cử cho thấy đảng NLD được người dân ủng hộ mạnh mẽ nên đã thắng lớn và tiếp tục giữ thế đa số tại Quốc Hội, ngược lại đảng Đoàn Kết Phát Triển (USDP) do quân đội hậu thuẫn bị thất bại nặng nề. Bất chấp ủy ban bầu cử khẳng định không có gian lận, quân đội vẫn viện cớ để đảo chánh, giành quyền lãnh đạo đất nước.
Luật sư Khin Maung Zaw đại diện bà Aung San Suu Kyi nói rằng suốt cả tháng nay không hề được tiếp xúc với thân chủ, vì bà Suu Kyi bị quân đội giam giữ tại một địa điểm không được tiết lộ. Mãi đến hôm Thứ Hai 1 tháng 3 khi phiên tòa khai diễn ở thủ đô Naypyitaw, người ta mới thấy bà xuất hiện lần đầu tiên qua video với lời yêu cầu được gặp luật sư. Bà Suu Kyi bị cáo buộc nhiều tội danh theo bộ luật hình sự như “nhập cảng trái phép”, “vi phạm luật thiên tai”, “vi phạm các hạn chế trong đại dịch”, “khích động bạo lực”, có thể đưa tới bản án 3 năm tù. Đồng minh chính trị của bà là Tổng Thống Win Myint cũng bị giam giữ và cáo buộc tội danh tương tự. Phiên xử kế tiếp được ấn định vào ngày 15 tháng 3.
Tin tức cho thấy sau ngày Chủ Nhật đẫm máu, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều thành phố như Yangon, Mandalay, Dawei… với hàng ngàn người tiếp tục tuần hành, bất chấp việc họ bị cảnh sát ném lựu đạn cay và rượt đuổi tán loạn trên đường phố. Bản tin AP ghi nhận nhiều người dân đứng bên đường hô khẩu hiệu cổ võ đoàn biểu tình, cũng để bày tỏ thái độ phản đối vụ đảo chánh của quân đội. Hầu hết những biểu ngữ trong các cuộc biểu tình đều mang hình ảnh bà Aung San Suu Kyi và hàng chữ “hãy trả tự do cho lãnh tụ của chúng tôi” (Free Our Leader).
Làn sóng biểu tình dồn dập hơn một tháng trời, cùng với hành động đàn áp bằng bạo lực đưa tới tổn thất nhân mạng, đã trở thành áp lực nặng nề đối với giới lãnh đạo quân đội Miến Điện trước dư luận thế giới. Hôm Thứ Hai phát ngôn viên Stephane Dujarric nhắc lại lời Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres gọi các cuộc bắn giết và bắt bớ nhắm vào người biểu tình ôn hòa là điều “không thể chấp nhận được”. Ông Tom Andrews, chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện, phổ biến thông cáo báo chí nói rằng “những lời lên án tuy cần thiết nhưng không đủ”, và cuộc khủng hoảng càng lúc càng leo thang này đòi hỏi “phải có hành động chung của cả thế giới”, như áp dụng biện pháp chế tài đối với những kẻ nào có trách nhiệm, hoặc đưa nội vụ ra trước tòa án quốc tế.
Theo các bản tin thông tấn, rất khó trông mong việc Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết chế tài chính thức, vì sẽ bị hai thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An là Nga và Trung Cộng dùng quyền phủ quyết dựa trên luận cứ cho rằng “không nên can thiệp vào vấn đề nội bộ của Miến Điện”. Tuy nhiên một số quốc gia – như Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Tân Tây Lan – đã và đang cân nhắc những hành động riêng rẽ để chế tài giới lãnh đạo quân đội Miến Điện.
Ngày 11 tháng 2 Tổng Thống Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp với nội dung lên án cuộc đảo chánh, ngay sau đó Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ loan báo quyết định phong tỏa trương mục của 3 tổ chức và 10 cá nhân thuộc hội đồng quân nhân Miến Điện vì họ “có vai trò quan trọng trong vụ lật đổ chính phủ dân sự do dân chúng bầu lên”. Sau vụ người biểu tình bị bắn giết hôm 28 tháng 2, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan cho biết chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục các biện pháp mạnh mẽ hơn trong những ngày sắp tới.
Tin tức cũng ghi nhận đảng Liên Minh Toàn Quốc Vì Dân Chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã thành lập một ủy ban đặc biệt với hy vọng được các quốc gia khác công nhận là chính phủ lâm thời để nói lên tiếng nói trung thực của người dân Miến Điện. Một bác sĩ thuộc sắc tộc thiểu số Chin đã được ủy ban bổ nhiệm làm đặc sứ tại Liên Hiệp Quốc, nhằm đưa vấn đề ra trước diễn đàn quốc tế và tạo áp lực buộc giới lãnh đạo quân đội trả lại quyền lãnh đạo cho chính phủ dân sự.
Tưởng cần nhắc lại, hôm Thứ Sáu tuần trước (26 tháng 2) Đại Sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc là Kyaw Moe Tun (do chính phủ dân sự bổ nhiệm trước khi xảy ra vụ đảo chánh) đã có cơ hội lên tiếng trước Đại Hội Đồng, và gây được tiếng vang đáng kể khi ông lên tiếng kêu gọi quốc tế can thiệp để giúp dân tộc Miến Điện. Tự khẳng định là đại diện cho chính phủ dân sự vừa bị lật đổ, ông Kyaw Moe Tun phát biểu với giọng nói đầy xúc động: “Cộng đồng quốc tế cần phải có những hành động mạnh mẽ hơn nữa để chấm dứt ngay tức khắc cuộc đảo chánh quân sự, ngăn chận việc đàn áp người dân vô tội, trả lại quyền cho người dân và phục hồi nền dân chủ trên đất nước chúng tôi”. Ông kết thúc với cử chỉ đầy biểu tượng là giơ ba ngón tay để bày tỏ sự đồng tâm hiệp lực với những người biểu tình trong nước. Cử chỉ này đã trở thành thông điệp chung của phong trào bất tuân dân sự đang lan rộng trên mạng xã hội, do giới hoạt động xã hội dân sự ở Hồng Kông và Thái Lan khởi xướng qua kiểu chào với ba ngón tay giơ lên.
Bài phát biểu đã nhận được nhiều tràng pháo tay tán thưởng của các thành viên Đại Hội Đồng, và bà Linda Thomas-Greenfield, tân Đại Sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, là một trong những người ca ngợi thái độ “can đảm” của Đại Sứ Miến Điện. Nhưng chỉ một ngày sau đó, đài truyền hình nhà nước Miến Điện phổ biến thông báo cách chức ông Kyaw Moe Tun, buộc tội ông “phản bội đất nước, lên tiếng cho một tổ chức không chính thức, lạm dụng quyền lực và trách nhiệm của một đại sứ”.
Từ New York, ông Phil Robertson, Phó giám đốc đặc trách Á Châu của tổ chức Human Rights Watch, tuyên bố: “Cả thế giới đang quan sát hành động của hội đồng quân nhân Miến Điện, và họ sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình”.
MỸ CHUẨN THUẬN THÊM 1 LOẠI VACCINE ĐỂ ĐẨY MẠNH CHƯƠNG TRÌNH CHÍCH NGỪA COVID-19
Sau khi thuốc chích ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Johnson & Johnson được Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm Dược Phẩm (FDA) chuẩn thuận hôm 27/2, Tổng Thống Joe Biden nói rằng đến cuối tháng 5 sẽ có đủ vaccine để chích ngừa cho tất cả người lớn sống ở Mỹ – có nghĩa là sớm được hai tháng, vì trước đó ông ước tính đến tháng 7 mới hoàn tất chương trình chích ngừa.
Qua bài phát biểu hôm Thứ Ba 02/3 tại Tòa Bạch Ốc, ông Biden tuyên bố “chúng ta đã đi đúng hướng” trong kế hoạch chống đại dịch, nhưng không quên nhấn mạnh rằng kế hoạch chỉ có thể đạt được với hai điều kiện là các hãng dược phẩm sản xuất đủ thuốc chích ngừa và người dân hăng hái ghi tên chích ngừa. Ông cũng nhắc nhở mọi người nên “tiếp tục cảnh giác” vì dịch bệnh đang còn lây lan và virus vẫn không ngừng biến thể.
Tổng Thống Biden loan báo sẽ vận dụng Đạo Luật Sản Xuất Quốc Phòng để thúc đẩy việc bào chế thuốc chích ngừa hầu cung ứng kịp thời cho các tiểu bang. Ông cho biết hãng dược phẩm Merck đã quyết định ngưng chương trình nghiên cứu vaccine của họ và đồng ý hỗ trợ hãng Johnson & Johnson để sản xuất vaccine mau chóng hơn. Tin vui về sự hợp tác này khiến nhiều người ngạc nhiên vì Merck và J&J vốn là hai đối thủ cạnh tranh gắt gao trên thị trường dược phẩm.
Như vậy, sau hai loại vaccines của Pfizer/BioNTech và Moderna được Cơ Quan FDA chuẩn thuận để chích ngừa Covid-19 cho dân chúng Hoa Kỳ từ tháng 12 năm 2020, nay lại có thêm loại vaccine thứ ba để giúp đẩy mạnh chương trình chích ngừa. Khác với vaccines của Pfizer và Moderna phải chích hai liều cách nhau 3 hoặc 4 tuần lễ, vaccine của Johnson & Johnson chỉ cần chích một liều duy nhất mà vẫn phát huy tác dụng chống Coronavirus, đồng thời việc tiếp liệu cũng dễ dàng hơn vì không đòi hỏi phải được tồn trữ ở nhiệt độ rất thấp (âm 76 độ F tức âm 60 độ C). Hãng dược phẩm Johnson & Johnson nói rằng họ có khả năng cung ứng 20 triệu liều thuốc trước cuối tháng 3 và 100 triệu liều thuốc trước cuối tháng 6.
Cơ Quan Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) cho biết tính đến đầu tháng 3 đã có gần 50 triệu người Mỹ – tức 15.16% dân số toàn quốc – được chích ít nhất một liều thuốc ngừa đầu tiên, và 25 triệu – tức 7.55% dân số toàn quốc – đã được chích cả hai liều thuốc ngừa của Pfizer hoặc Moderna.
Hôm Thứ Ba Tổng Thống Biden cũng kêu gọi chính quyền các tiểu bang nên dành ưu tiên cho giới giáo chức từ mẫu giáo đến lớp 12 và nhân viên ngành giáo dục được chích ngừa Covid-19, vì họ là thành phần thiết yếu trong kế hoạch mở cửa lại tất cả trường học trên toàn quốc. Ông đề nghị các vị Thống Đốc giúp đỡ để những người thuộc thành phần này được chích ít nhất một liều thuốc ngừa trước cuối tháng 3.
Được biết hiện nay đã có ít nhất 30 trong số 50 tiểu bang chấp thuận đưa nhân viên ngành giáo dục vào danh sách ưu tiên chích ngừa. Mặc dù quyết định về thứ tự ưu tiên thuộc thẩm quyền tiểu bang chứ không phải của chính phủ liên bang, nhưng ông Biden nói rằng kể từ tuần tới ông sẽ bắt đầu chương trình giao trực tiếp vaccine cho các tiệm thuốc tây ở địa phương để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhân viên ngành giáo dục.
Song song với lời nhắc nhở “tiếp tục cảnh giác” của Tổng Thống Biden, Bác sĩ Rochelle Walensky (giám đốc Cơ Quan CDC) và bác sĩ Anthony Fauci (giám đốc Viện Quốc Gia về Dị Ứng và Bệnh Truyền Nhiễm – NIAID) cũng lên tiếng nhắc nhở dân chúng đừng chủ quan và lơ là khi thấy số người vào bệnh viện chữa trị cũng như số người chết vì Covid-19 đang giảm xuống trong khi số người được chích ngừa mỗi ngày một tăng lên. Theo giới chuyên gia y tế nhận định thì tình hình đại dịch trên thế giới nói chung cũng như ở nước Mỹ nói riêng vẫn còn là mối đe dọa rất lớn, thứ nhất là vì Coronavirus vẫn biến thể liên tục và thách thức hiệu lực của các loại thuốc chích ngừa, thứ hai là ít nhất phải qua tới mùa Thu thì số người được chích ngừa mới đạt mức 75% hoặc 80% để tạo thành hiện tượng “miễn dịch cộng đồng”, là điều kiện tiên quyết để đẩy lui đại dịch và đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Bất chấp những lời nhắc nhở, ngay tuần này một số tiểu bang đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế sinh hoạt trong cả lãnh vực thương mại lẫn xã hội, một mặt để giúp người dân được thoải mái phần nào sau cả năm trời bị gò bó, mặt khác để vực dậy nền kinh tế bị suy thoái trầm trọng vì đại dịch.
Đi đầu là tiểu bang Texas, với lời tuyên bố của Thống Đốc Greg Abbott “Đã đến lúc Texas mở cửa 100%. Quá nhiều chủ nhân cơ sở thương mại đang trong tình trạng sống dở chết dở. Phải chấm dứt tình trạng đó”. Ông Abbott ký ban hành sắc lệnh mới, theo đó tất cả các tiệm được mở cửa toàn diện và lệnh bắt buộc mang khẩu trang trong tiểu bang được dỡ bỏ kể từ ngày Thứ Tư, 10 tháng 3.
Nối tiếp theo Texas, Thống Đốc Tate Reeves (cũng thuộc đảng Cộng Hòa như ông Abbott) ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh bắt buộc mang khẩu trang trong tiểu bang Mississippi ngay từ ngày Thứ Tư, 3 tháng 3.
Một vài tiểu bang khác tuy vẫn duy trì lệnh bắt buộc mang khẩu trang nhưng quyết định nới lỏng những hạn chế trong sinh hoạt xã hội. Thống Đốc Henry McMaster (Cộng Hòa) cho phép người dân tiểu bang South Carolina được quyền tụ tập không giới hạn, và Thống Đốc Charlie Baker (Cộng Hòa) cho phép các tiệm ăn ở tiểu bang Massachusetts được quyền tiếp đón thực khách thoải mái. Ngay cả Thống Đốc Gretchen Whitmer, một khuôn mặt chính trị gia nổi bật của đảng Dân Chủ, cũng ký sắc lệnh cho phép người dân tiểu bang Michigan được tự do tụ tập trong nhà cũng như ở nơi công cộng, và các tiệm ăn được quyền tiếp đón thực khách mà không bị hạn chế số người.
Một trong những sự kiện gây lo ngại cho các chuyên gia y tế là kỳ nghỉ “spring break” vào giữa tháng 3 này sẽ cuốn hút không ít người (kể cả giới trẻ và các bậc phụ huynh) đổ xô đến những bãi biển để tụ họp ăn uống vui chơi, rất dễ tạo điều kiện cho Coronavirus lây nhiễm tràn lan. Trang mạng CovidActNow đề cập đến một số tiểu bang tiêu biểu, gồm Florida, Texas, Connecticut, Delaware, Georgia, New Jersey, New York, Rhode Island và South Carolina.
Trước tình hình thực tế như vậy, bác sĩ Rochelle Walensky giám đốc Cơ Quan CDC lên tiếng báo động: “Coi chừng một đợt bùng phát thứ tư sẽ xảy ra nếu chúng ta thiếu cảnh giác, và khi đó tất cả những thành tựu mà chúng ta đạt được trong thời gian gần đây sẽ mất hết”.
THỐNG ĐỐC NEW YORK BỊ 3 PHỤ NỮ TỐ CÁO SÁCH NHIỂU TÌNH DỤC
Từ cuối năm ngoái và liên tiếp hai tuần lễ vừa qua, ba phụ nữ đã công khai lên tiếng tố cáo hành vi sách nhiễu tình dục của ông Andrew Cuomo, Thống Đốc tiểu bang New York, giữa lúc ông đang bị chính phủ liên bang điều tra về việc giấu diếm số tử vong vì Covid ở các nhà dưỡng lão. Những vụ rắc rối này khiến tỷ lệ dân chúng ủng hộ ông Cuomo sụt giảm đáng kể, và cho dù không đưa tới việc bị luận tội hoặc bãi chức thì triển vọng tái đắc cử của ông vào năm 2022 cũng có thể bị đe dọa nặng nề.
Năm nay 63 tuổi, ông Andrew Cuomo được coi là một nhân vật nhiều quyền lực trong đảng Dân Chủ. Từng là Bộ Trưởng dưới thời Tổng Thống Bill Clinton, ông đắc cử Thống Đốc năm 2011 và tái đắc cử hai nhiệm kỳ tiếp theo. Nhờ tạo được uy tín qua những hành động quyết liệt để đối phó với đại dịch Covid-19 nên sự nghiệp chính trị của ông đang có chiều hướng thăng tiến. Theo cuộc thăm dò dư luận của Siena College hồi tháng 4 năm ngoái thì ông được 71% cử tri ủng hộ, so với 28% không ủng hộ. Thế nhưng kết quả thăm dò hồi tuần rồi của Marist College cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ ông đã giảm xuống 49% trong khi tỷ lệ không ủng hộ tăng lên tới 44%.
(Hình bên từ trái: Ông Cuomo, cô Charlotte Bennett, cô Anna Ruch, bà Lindsey Boylan).
Người đầu tiên tố cáo là bà Lindsey Boylan, 36 tuổi, cựu phụ tá bộ trưởng phát triển kinh tế của tiểu bang New York. Lời tố cáo ông Cuomo được bà Boylan đăng trên mạng xã hội Twitter từ tháng 12 năm ngoái, nhưng không gây được tiếng vang vì lúc đó dư luận đang chú ý theo dõi các vụ kiện tụng của Tổng Thống Trump liên quan đến cuộc bầu cử 2020. Do đó hồi tuần rồi bà Boylan lập lại lời tố cáo trên trang mạng Medium, nêu ra một số sự kiện và kết luận rằng bà đã bị ông Thống Đốc “sách nhiễu trong nhiều năm trời, trước sự chứng kiến của rất nhiều người”.
Người tố cáo thứ nhì là cô Charlotte Bennett, 25 tuổi, cựu phụ tá và cố vấn chính sách y tế của chính quyền tiểu bang. Trả lời phỏng vấn trên nhật báo New York Times hôm Thứ Bảy 27 tháng 2, cô Bennett nói rằng vụ sách nhiễu xảy ra hồi mùa Hè năm 2020, lúc đại dịch đang bùng phát dữ dội. Vào đầu tháng 6, khi chỉ có hai người trong văn phòng, ông Cuomo đã hỏi cô một số điều rất riêng tư, chẳng hạn như cô có từng cặp bồ với người đàn ông lớn tuổi bao giờ chưa. Mặc dù rất khó chịu với những câu hỏi như vậy nhưng cô Bennett chỉ phàn nàn với bà chánh văn phòng Jill DesRosiers, và thừa nhận rằng ông Cuomo chưa bao giờ có hành động đụng chạm trực tiếp nào đối với cô.
Người tố cáo thứ ba là cô Anna Ruch, 33 tuổi, hôm Thứ Hai 1 tháng 3 thuật lại với nhật báo New York Times rằng trong một tiệc cưới ở thành phố New York hồi tháng 9 năm 2019, tuy mới quen biết lần đầu mà ông Cuomo đã đặt tay lên khoảng lưng để trần của cô, rồi ôm mặt cô nâng lên và hỏi “tôi có thể hôn cô được không?”. Cô Ruch cho biết cô rất tức giận nhưng chỉ phản ứng bằng cách quay đi chỗ khác; tấm ảnh chụp cảnh này hiện cô vẫn còn giữ và cho đăng lên báo để làm bằng chứng.
Thống Đốc Andrew Cuomo thoạt đầu phủ nhận hoàn toàn lời tố cáo hồi cuối năm ngoái của bà Lindsey Boylan, và tiếp tục phủ nhận khi bà lập lại lời tố cáo hồi tuần rồi. Nhưng trước áp lực dư luận ngày càng gia tăng, nhất là vì có thêm hai phụ nữ nhập cuộc, ông đã phải lên tiếng qua một thông cáo báo chí hôm Chủ Nhật 28/2. Ông Cuomo thừa nhận rằng trong lúc làm việc đôi khi ông có “đùa rỡn, cợt nhả, trêu ghẹo” các cộng sự viên, bây giờ nghĩ lại ông thấy mình đã đi quá trớn và gây nên hiểu lầm, do đó ông xin lỗi tất cả những người nào cảm thấy bị xúc phạm.
Tuy nhiên lời xin lỗi này không xoa dịu được dư luận, vì nhiều người cho rằng ông Cuomo không thực sự nhận trách nhiệm về hành vi bất xứng của mình. Cô Charlotte Bennett, qua luật sư đại diện Debra Katz, nói là ông Cuomo đang tìm cách đổ lỗi cho các nạn nhân để khỏi phải nhận lãnh hậu quả. Ông Bill de Blasio (Thị Trưởng thành phố New York) cũng đồng ý với lời chỉ trích của cô Bennett.
Tại Nghị Viện tiểu bang New York, Thượng Nghị Sĩ Mike Gianaris, Thượng Nghị Sĩ Alessandra Biaggi và Dân Biểu Ron Kim cùng lên tiếng bày tỏ sự bất bình trước thái độ của Thống Đốc Andrew Cuomo và đề nghị ông nên từ chức nếu không muốn bị bãi chức. Tất cả những nhân vật này đều là chính trị gia đảng Dân Chủ.
Tại Quốc Hội liên bang, cho tới nay mới chỉ có một nhà lập pháp đảng Dân Chủ chính thức kêu gọi ông Cuomo nên từ chức, đó là Dân Biểu Kathleen Rice. Các chính trị gia khác của đảng Dân Chủ như Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer (Trưởng Khối Đa Số tại Thượng Viện), Thượng Nghị Sĩ Phil Murphy, Thượng Nghị Sĩ Kristen Gillibrand… đều nói rằng những lời tố cáo của các phụ nữ nhắm vào Thống Đốc Andrew Cuomo “rất nghiêm trọng, rất đáng quan ngại”, và kêu gọi “mở cuộc điều tra độc lập, tường tận, minh bạch” để tìm hiểu thực hư, ngoài ra chưa có vị nào tỏ thái độ quyết liệt hơn.
Tại Tòa Bạch Ốc, tùy viên báo chí Jen Psaki phát biểu trong cuộc họp báo hôm Thứ Hai 1 tháng 3: “Quan điểm của Tổng Thống Biden rất rõ ràng và trước sau như một: Bất cứ phụ nữ nào công khai tố cáo [các hành vi sách nhiễu tình dục] cũng phải được đối xử một cách đàng hoàng và kính trọng”. Lời phát biểu này cho thấy ông Joe Biden không tìm cách bênh vực ông Andrrew Cuomo trong vụ này, mặc dù hai người vốn có quan hệ thân thiết với nhau từ nhiều năm qua.
Việc điều tra lời tố cáo của ba phụ nữ đang bắt đầu tiến hành. Tin tức cho biết, vì các vị dân cử tại Nghị Viện tiểu bang New York chỉ trích ông Cuomo có ý định chọn một vị chánh án hồi hưu là bà Barbara Jones đứng đầu cuộc điều tra, và chỉ trích luôn cả đề nghị của ông Cuomo muốn có sự tham dự của chánh án tòa phúc thẩm tiểu bang là bà Janet DiFiore, nên sau đó hai bên đã thảo luận và đồng ý đi tới giải pháp: “Bà Letitia James, Chánh Biện Lý tiểu bang New York, sẽ bổ nhiệm một luật sư độc lập và có đủ khả năng, đang hành nghề trong lãnh vực tư nhân, không có liên hệ đảng phái, để tiến hành cuộc điều tra thấu đáo về vấn đề này và sau đó phổ biến bản phúc trình điều tra cho công chúng”. Bà Beth Garvey, cố vấn pháp lý đặc biệt của văn phòng Thống Đốc, khẳng định rằng bản phúc trình “sẽ hoàn toàn do vị luật sư độc lập đó soạn thảo và công bố”.
Vụ rắc rối liên quan đến những lời tố cáo sách nhiễu tình dục không phải là vấn đề duy nhất gây nhức đầu cho Thống Đốc Andrew Cuomo, vì Bộ Tư Pháp liên bang hiện đang mở cuộc điều tra chính quyền tiểu bang New York, bắt nguồn từ việc bà Melissa DeRosa, phụ tá Thống Đốc, thừa nhận đã không cung cấp đầy đủ dữ kiện về số bệnh nhân tử vong ở các nhà dưỡng lão vì đại dịch Covid-19. Sự chênh lệch liên quan đến số tử vong bắt nguồn từ sắc lệnh ngày 25/3/2020 của tiểu bang cho phép các bệnh nhân Covid-19 trong các nhà dưỡng lão được trở về tư gia để sống những ngày cuối cùng của họ. Hậu quả là hồi năm ngoái tiểu bang New York công bố 8,500 người chết ở các nhà dưỡng lão thuộc thành phần bệnh nhân cao niên (long-term care residents), nhưng mới đây đã cải chính và công bố con số thật sự lên tới 15,000 người.
Tin tức mới nhất cho biết Thống Đốc Cuomo đã nhờ luật sư Elkan Abramowitz đại diện tiểu bang trong cuộc điều tra của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ. Mặt khác ông cũng đã tìm luật sư đại diện ông trong vụ tố cáo của ba phụ nữ. Tại cuộc họp báo chiều Thứ Ba 02/3, ông Cuomo cam kết sẽ hợp tác với Chánh Biện Lý James để giúp luật sư độc lập tiến hành cuộc điều tra, và đề nghị người dân New York “đừng vội có ý kiến, hãy chờ kết quả điều tra để biết thực hư ra sao”.
Ông Cuomo lập lại lời xin lỗi những người cảm thấy bị xúc phạm vì cử chỉ hoặc thái độ thân mật của ông, và thừa nhận rằng đó là do “thói quen” mà bây giờ nghĩ lại ông rất ngượng ngùng. Khi trả lời câu hỏi của giới truyền thông, ông Cuomo khẳng định hai điều: Thứ nhất là ông sẽ không từ chức, vì “người dân New York, chứ không phải các chính trị gia, đã bầu tôi làm Thống Đốc, và tôi phải chu toàn nhiệm vụ đối với người dân”. Và thứ hai là “tôi chưa bao giờ đụng chạm vào bất cứ người nào một cách khiếm nhã” (I never touched anyone inappropriately).
Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, BBC, Fox News, USA Today ngày 4/3/2021
Be the first to comment