3 Cách ‘Cắt Cơn Nghiện’ Thiết Bị Điện Tử Của Trẻ

Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên khuyến khích trẻ dưới 2 tuổi sử dụng thiết bị điện tử. (Hình minh họa: StockSnap/Pixabay)

LOS ANGELES, California (NV) – Ngày càng nhiều trẻ em từ 1 đến 3 tuổi ở Mỹ và từ 2 đến 3 tuổi ở Canada bị “nghiện” các thiết bị điện tử. Theo hai nghiên cứu mới được công bố trên trên tạp chí JAMA Pediatrics.

Kết quả nghiên cứu cho thấy ở Mỹ, thời gian sử dụng thiết bị điện tử, như iPad, điện thoại… hằng ngày ở trẻ trong lứa tuổi từ 1 đến 3 tăng lên gấp ba lần, từ mức trung bình 53 phút ở lên hơn 150 phút. Còn tại Canada, hơn 79% trẻ em 2 tuổi và gần 95% trẻ em 3 tuổi đã vượt quá hướng dẫn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) về việc không sử dụng thiết bị điện tử quá một giờ mỗi ngày.

“Kết quả này đã cho thấy thói quen sử dụng thiết bị điện tử của trẻ bắt đầu từ rất sớm,” tác giả cấp cao Edwina Yeung, điều tra viên tại Viện Phát Triển Con Người và Sức Khỏe Trẻ Em Quốc Gia Eunice Kennedy Shriver, cho biết.

Nghiên cứu cũng cho thấy hầu hết trẻ em nằm trong nhóm sử dụng thiết bị điện tử quá mức đều là con đầu lòng, một cặp song sinh hoặc cha mẹ không có nhiều thời gian để chơi cùng con. Những trẻ này còn có thể học từ ba mẹ chúng – những người cũng đang lạm dụng điện thoại, đặc biệt là những bà mẹ chăm sóc con tại nhà. Chính những mối liên hệ đó đã dẫn đến việc trẻ em sử dụng thiết bị điện tử ngày càng tăng và cha mẹ cũng không thể can thiệp được.

Tuổi nào? Và sử dụng trong bao lâu?

Trước thực trạng này, theo CNBC, Học Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ đã công bố các hướng dẫn về thời gian sử dụng thiết bị điện tử của từng độ tuổi.

Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên khuyến khích trẻ dưới 2 tuổi sử dụng thiết bị điện tử. Trẻ dưới 5 tuổi cần được giới hạn tổng thời gian sử dụng màn hình giải trí, phim ảnh, trò chơi điện tử, Facebook, YouTube… xuống còn một giờ mỗi ngày. Tốt nhất là trẻ nên xem với cha mẹ hoặc người chăm sóc và có sự tương tác, bàn luận về những nội dung mà chúng đang xem.

Cha mẹ có thể đưa ra một khoảng thời gian cố định cho việc sử dụng những thiết bị điện tử của con. Ngoài khoảng thời gian đó, cha mẹ có thể xây dựng cho con thói quen khám phá thế giới bên ngoài nhiều hơn, hoạt động thể chất càng nhiều càng tốt. Đối với những trẻ dưới 1 tuổi, WHO khuyến khích cha mẹ nên đọc, kể chuyện cho con nghe và tương tác cùng con nhiều hơn. Trẻ em ở độ tuổi này cũng nên ngủ đủ giấc từ 10 đến 14 giờ mỗi đêm.

Áp dụng cách thức này, bà mẹ Jennifer Alsip ở Robinson, Texas, đã cắt mạng điện thoại khi con hết thời gian sử dụng. Trong khi đó, Melissa Barrios, một bà mẹ hai con ở Ventura, California, trả $5/tháng nếu cô con gái 13 tuổi không dùng iPad, điện thoại từ 9 giờ tối đến 7 giờ sáng.

Các chuyên gia cho rằng, những số liệu trên đây là một lời cảnh tỉnh lớn cho các bậc phụ huynh và ngành giáo dục. “Điều quan trọng là chúng ta phải tiếp cận những thay đổi này một cách có trách nhiệm vì lợi ích lâu dài của con cái chúng ta,” tác giả Edwina Yeung nói.

Cắt “cơn nghiện” của con bằng ba cách

Cơ thể con người luôn cần các chất dinh dưỡng để phát triển toàn diện. Trí não của trẻ cũng như vậy. Việc cấm đoán con trẻ sẽ làm chúng cả ngày chỉ nghĩ đến điện thoại và máy tính. Sự “thèm khát” giống như nghiện, do không được thỏa mãn ham muốn sẽ khiến trẻ bị mất tập trung.

Theo CNN, các chuyên gia đưa ra ba cách để “cắt cơn nghiện” của con trẻ:

1- Cho trẻ tự do kiểm soát

Hầu hết các trường học ở Mỹ và phương Tây, trẻ em ít được tự đưa ra quyết định. Mọi mục tiêu học tập đều được người lớn lên kế hoạch. Thay vì đưa ra nguyên tắc, các ràng buộc với việc sử dụng thiết bị công nghệ của trẻ, cha mẹ nên để con trẻ tự hiểu ranh giới của mình. Mục tiêu là để chúng hiểu vì sao nên hạn chế thời gian nghịch điện thoại, chơi điện tử. Cha mẹ càng để con có thể tự quyết định, chúng càng lắng nghe những lời khuyên răn từ cha mẹ.

Theo nghiên cứu được hai giáo sư tâm lý học Marciela Correa-Chavez và Barbara Rogoff thực hiện, trẻ em Maya (người Maya có nguồn gốc từ vùng Mesoamerica, Trung Mỹ ngày nay) có sự tập trung cao hơn, khả năng học hỏi nhanh hơn mặc dù chúng không có môi trường học tập chính quy như trẻ phương Tây. Gaskins, nhà nghiên cứu khác về các ngôi làng Maya trong nhiều thập niên, kết luận rằng, cha mẹ Maya đã cho con cái họ sự tự do vô cùng lớn. Thay vì mục tiêu học tập được thiết lập bởi phụ huynh, trẻ Maya tự đưa ra mong muốn của mình.

2- Công nhận năng lực của trẻ

Bạn làm rất giỏi điều gì? Nấu ăn? Lái xe? Những việc nhỏ bé đó khiến bạn trở nên tự tin, nghĩ mình là người chiến thắng và thực sự khiến bạn thành công hơn trong cuộc sống. Nhưng thật không may, niềm vui của sự tiến bộ lại là thứ xa xỉ đối với trẻ em ngày nay. Nguyên do là cha mẹ chỉ chăm chăm nhìn vào những gì trẻ làm không tốt, ví dụ như kết quả thi học kỳ chẳng hạn. Chúng ta đã quên rằng mỗi đứa trẻ có sự phát triển khác nhau.

Một trẻ có kết quả học tập kém, không tìm được sự ủng hộ của cha mẹ, chúng có thể thất vọng về bản thân mình, không chịu cố gắng thêm nữa. Một số em sẽ tìm đến trò chơi điện tử để thỏa mãn ước mơ tiến bộ và việc được công nhận của bản thân. Các công ty sản xuất trò chơi điện tử rất hiểu tâm lý này. Họ xây dựng cấp bậc, phân loại các nhiệm vụ từ dễ đến khó cho người chơi. Mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ, họ luôn đưa ra các lời khen và động viên. Chính điều này khiến trẻ đam mê, lún sâu hơn vào thế giới ảo.

Để giải quyết vấn đề này, cha mẹ đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào kết quả học tập, năng lực thể thao của con cái. Thay vào đó, hãy trò chuyện với con nhiều hơn và khuyến khích chúng theo đuổi điều mình thích. Bằng cách ấy, trẻ nhỏ thấy bản thân được công nhận ở thế giới thực, không cần thêm “sự công nhận” từ các nguồn khác nữa.

3- Sự quan tâm

Giống như người lớn, trẻ em luôn mưu cầu sự quan tâm và muốn trở nên quan trọng trong mắt người khác. Nếu như trước kia, trẻ được phép chơi sau giờ học, xây dựng các mối quan hệ qua vui chơi thì hiện nay, do lịch học không bó buộc (vì học ở nhà) khiến trẻ mất đi sự kết nối đó. Để phòng trách lây lan dịch bệnh COVID-19, thời gian vui chơi bên ngoài của trẻ ít đi, khiến các bé phụ thuộc vào các trò chơi trực tuyến, ứng dụng kết bạn ảo. Đây chỉ là một cách để trẻ thỏa mãn nhu cầu xã hội.

Trong khi chờ đợi cuộc sống trở lại bình thường để trẻ có điều kiện kết nối với bạn bè ngoài đời thực, cha mẹ hãy là “bạn” của con trẻ, quan tâm và chơi với các con nhiều hơn.

Đ. Trang
Theo Người Việt online ngày 17/2/2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*