Cảm Nghĩ Của Một Người Đàn Bà Mỹ Về Ngày Tết Việt Nam

Mùa đông lại về trên thị trấn Stonevale. Củi chụm lại được chất đầy kho; khu vườn lại được chuẩn bị để đón cái gió lạnh giá buốt thổi qua thung lũng mang theo băng tuyết. Những cánh đồng bây giờ toàn một màu xám nên trông càng thênh thang hơn là vào mùa hè. Những gốc rạ kêu răng rắc dưới chân và đất cứng đến nỗi làm đau tay tôi. Ở một nơi không ai nghĩ đến và vào khoảng thời gian này, khoảng thời gian lạnh nhất trong năm, chồng tôi, một người Việt Nam, con của chúng tôi và tôi, một người đàn bà Hoa Kỳ, chúng tôi cùng quây quần đón Tết. Tết là ngày lễ quan trọng nhất trong năm đối với người Việt Nam. Tết tương xứng với ngày lễ đầu năm dương lịch, tuy nhiên nó lại giống cả ba ngày lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh và ngày lễ Độc Lập 4-7 hơn là ngày đầu năm dương lịch.
Ðối với người Việt Nam, Tết có nghĩa là ngày khởi đầu một năm âm lịch, vừa là ngày bắt đầu mùa xuân. Hơn thế nữa, đó là dịp để mọi người, bằng mọi cách, trở về dưới mái ấm của gia đình và là dịp để mọi người nhớ đến Tổ Tiên. Phải xa cha mẹ, xa anh chị em, xa bà con thân thuộc trong ngày Tết, thật là một điều đau buồn!
Bạn có lý khi tự hỏi Tết có nghĩa gì đối với một người Mỹ chưa hề đặt chân đến Việt Nam bao giờ, và bạn sẽ cảm thấy tức cười khi biết rằng mỗi khi nghĩ đến Tết là tôi liên tưởng đến tuyết và băng, đến bầu trời ảm đạm và đến màu nắng vàng vọt buồn thảm nhất thay vì đến sự ấm áp, đến hoa đào nở và những cành cây xanh tốt. Nhưng từ khi ngày Tết Việt Nam đi vào đời tôi, tôi chưa bao giờ ăn một cái Tết Mỹ thật sự. Tết Việt Nam đã trở thành ngày “Tết” của tôi.

Tết khởi đầu với tôi vào một buổi sáng trung tuần tháng Giêng khi chồng tôi bước vào nhà, mặt và tay đỏ vì lạnh, khệ nệ mang ba bốn nhánh anh đào anh cắt ở một vườn cây ăn trái gần nhà. Những cành đào được để vào một cái chậu đem đặt trong một gian phòng có nắng. Chúng tôi theo dõi và nuôi dưỡng những nụ hoa một cách trìu mến. Cuối cùng sự kiên nhẫn của chúng tôi cũng được tưởng thưởng bằng một hai nụ hoa anh đào màu hồng chen lẫn trong đám nụ xanh. Những nụ này sẽ trở thành hoa. Chỉ một nụ thôi cũng đủ cho chúng tôi rồi, cũng đã là một gia tài qúy báu, một đại hội cho cặp mắt của chúng tôi. Những cành anh đào này, chín mùi và diễn tả sự ao ước mùa xuân của chúng tôi sẽ được đặt lên bàn thờ gia tiên.
Trong một ngôi nhà Việt Nam, bàn thờ luôn luôn chiếm vị trí quan trọng nhất. Đó là nơi tập trung mọi sinh hoạt ngày Tết. Nơi đó, mọi người trong gia đình sẽ đón và cúng ông bà. Đối với người xuất thân từ Huế như chồng tôi chẳng hạn, thì bao giờ trên bàn thờ gia tiên cũng có một bình mai vàng, nhưng tại miền bắc nước Mỹ không thể tìm ra loại hoa này được cho nên chúng tôi thay thế bằng hoa anh đào.
Thông thường thì một tuần lễ trước Tết, vào một buổi sáng thứ bảy, tôi thấy chồng tôi đem tất cả đồ trên bàn thờ xuống. Cặp chân đèn bằng đồng to tướng, cái lư hương bằng đồng cong cong nhặt được trên đường phố Huế hồi Tết Mậu Thân 1968 mà cha mẹ chồng tôi đã tặng cho anh nhân chuyến về thăm nhà ngắn ngủi của anh vào năm 1974, cái chén bằng đồng đựng tràng hạt màu hổ phách – tất cả phải được đánh thật bóng. Cái bát nhang bằng sứ xanh được thay gạo mới. Và cành hoa anh đào cũ trang trí bằng bông hoa và lá bằng giấy, để trên bàn thờ suốt cả năm qua, được đem xuống và thay bằng cành anh đào mới của chúng tôi.

Sau đó, chồng tôi đem trong phòng làm việc ra hai tờ giấy dài màu đỏ trên đó, viết bằng thủ bút của anh, là hai câu đối của một vị thiền sư Việt Nam đồng thời cũng là một trong những người bạn thân nhất của anh. Và mỗi năm tôi lại được dịp đọc lại hai câu thơ sau đây:

Xuân đáo tha hương, bất kiến hoàng mai sầu việt điểu.
Tâm hoài cố quận, thường chiêm bạch tuyết mộng Nam chi.

Cuối cùng ngày 30 Tết đã đến. Chúng tôi tụ tập trong nhà bếp với một con vịt đang tan đá trên bàn, phía sau là mấy hũ dưa món, một loại dưa chua chúng tôi đã ra sức làm mấy ngày trước đó. Trong tủ lạnh có món thịt đông, một loại giò thủ Việt Nam. Nếp và đậu xanh đãi vỏ được ngâm suốt đêm. Thịt heo cắt miếng to được ướp nước mắm, củ hành và tiêu đen. Tôi lấy trong ngăn kéo hai cái khuôn bánh chưng do chồng tôi làm và mấy mẹ con tôi bắt đầu vào việc. Chúng tôi sẽ gói khoảng 20 đến 25 cái bánh chưng, những cái bánh vuông làm bằng gạo nếp, đậu xanh và thịt heo. Bánh được gói trong lá rong, ngoài bọc giấy bạc và giấy nhựa để giữ cho được khô ráo trong suốt 12 tiếng đồng hồ nấu bánh. Trong khi làm việc, đổ nếp và đậu vào khuôn, gói bánh lại, cột dây, tôi không khỏi nghĩ đến những người đàn bà Việt Nam thật kiên nhẫn và vui tính đã dạy cho tôi làm những món ăn đặc biệt của ngày Tết.
Tôi yêu quý ngày Tết Việt Nam phần lớn là cũng nhờ họ, vì chính họ, cũng như chính chồng tôi, đã biến tôi thành một người tham dự ngày Tết vậy. Chúng tôi đếm bánh trước khi thả vào nồi nấu khổng lồ. Bánh nhiều, dư để chia cho bạn bè, dư để chúng tôi thưởng thức hàng ngày nguyên cả tuần lễ Tết. Tôi sẽ còn cất một vài chiếc trong tủ đông lạnh để đem ra thưởng thức trong tháng Ba hay tháng Tư nữa.

Đêm xuống nhanh, vì dù sao đi nữa, bây giờ cũng là giữa mùa đông. Đêm nay, đêm giao thừa, một bầu không khí trang nghiêm và buồn bao trùm căn nhà của chúng tôi. Cặp chân đèn bằng đồng và cái lư hương sáng choang trên bàn thờ. Vài bông hoa anh đào nở lấp lánh tựa những vì sao rơi rụng li ti. Con vịt quay đã được chặt ra, một cái bánh chưng được mở, hai đôi đũa đỏ và hai cái chén đỏ được đặt lên hai cái mâm. Tiếp đó, chúng tôi xếp đồ lên mâm để cúng ông bà: nào là thịt đông, nào là vịt quay, dưa món, bánh chưng. Hai mâm được đặt trước bàn thờ và chồng tôi bắt đầu thắp nến.
Giờ phút cúng ông bà đã đến. Đối với người Việt Nam đó là lúc khấn vái Ông Bà, đối với tôi đó cũng là lúc khấn nguyện và là lúc tĩnh tâm thật êm đềm. Căn phòng nhỏ bé chẳng mấy chốc đã ngạt ngào mùi nhang thơm. Tôi tưởng tượng làn khói thơm ngát đó sẽ len lỏi qua khe cửa, tràn ngập khu vườn để khiến cho tổ tiên Việt Nam của chúng tôi biết nơi đây mà tìm đến, nơi triền núi trơ trụi của vùng Bắc Maryland này. Cái chuông nhỏ treo trên cành cây mimosa trong khu vườn trước nhà khẽ rung lên một hai tiếng. Đó có thể là một phép lành, một lời chúc đẹp. Chúng tôi đứng cúi đầu, mọi người chờ đến phiên để đốt một cây nhang và khấn nguyện. Trong khoảnh khắc vài phút, chúng tôi như sống ngoài sự ràng buộc của thời gian và không gian. Chúng tôi hiểu được rằng đây là giây phút của sự kết hợp giữa quá khứ và tương lai. Nơi đây và bây giờ, sự trường cữu đang hiện hữu. Tôi chăm chú nhìn con gái út đang khấn vái. Con tôi cầm chặt cây nhang trong tay và khấn nguyện thật lâu. Sau đó chúng tôi ngồi im lặng chờ cho tàn nén hương cuối cùng.

Sáng mồng một Tết, chồng tôi mặc áo choàng và ra khỏi nhà trước lúc điểm tâm. Anh trở về và gõ cửa để vào nhà làm người ‘’khách’’ đầu tiên. Theo phong tục Việt Nam, người khách đầu tiên ngày Tết rất quan trọng, phải là một người bạn được kính mến. Nơi đây, giữa rừng núi bốn bề, thật khó đoán ai sẽ là người đến gõ cửa đầu tiên, vì vậy chồng tôi không muốn lệ thuộc vào may rủi. Một khi người “khách” của chúng tôi đã vào nhà, chúng tôi lại đốt nhang khấn nguyện. Sau cùng chúng tôi nếm chiếc bánh chưng đầu tiên.
Trước giờ ngọ không lâu các con tôi xếp hàng để mừng tuổi nhận bao lì xì. Đây là một phong tục Việt Nam cho trẻ em một ít tiền bỏ trong phong bì đỏ vào ngày mồng một Tết. Khi mọi sự nô nức đã qua, tôi ra đứng bên cửa sổ cạnh chồng tôi. Tôi biết anh đang nghĩ đến gia đình ở Việt Nam, đến cha mẹ già, đến anh chị em và nhớ đến thuở ấu thơ của anh khi còn ở quê nhà. Nhìn ra khu vườn của chúng tôi không biết anh ấy có trông thấy cả một thời xa xưa với những phong tục tập quán, sự quý phái nho nhã, sự tận tụy và những lời khấn nguyện hay chăng? Trong thế giới đó, có những cơn mưa nhẹ trên những cành cây bao giờ cũng xanh tốt; hương thơm của nhang bốc lên thành khói lan từ nhà này sang nhà khác có giống như một lời khấn nguyện âm thầm hay chăng; anh có nghe tiếng mẹ anh tụng kinh hay giọng trầm ấm của cha anh gọi hay không? Tôi khẽ nắm tay anh và anh cúi nhìn tôi.

Mọi năm Tết đến và đi cũng như mọi ngày lễ khác. Tuy nhiên đối với chúng tôi Tết không chỉ là một tuần lễ nhất định vào giữa mùa đông. Vào mùa xuân, mùa hè, mùa thu, mỗi khi mưa phùn rả rích và thời tiết khoảng chừng mười tám đến hai mươi độ thì chồng tôi lại ra đứng tựa cửa sổ, miên man nghĩ ngợi. Tôi biết anh nghĩ gì – trời hôm nay sao giống ngày Tết Việt Nam ở Huế nơi anh sinh trưởng quá. Bởi vì kể từ ngày chúng tôi lấy nhau, kể từ ngày chồng tôi xa quê hương, chưa bao giờ anh được ăn một cái Tết với mưa phùn lất phất tựa như một màn sương, một cái Tết với đầy đủ gia quyến, với tiếng trẻ con chơi đùa những trò chơi Việt Nam. Mặc dầu vậy, tôi vẫn tin chắc rằng sẽ có một ngày anh ấy lại được hưởng một cái Tết như xưa.

Helen Coutant
Hà Bạch Trúc dịch
(Dịch tại Hòa Lan, những ngày trước Tết Nguyên Ðán 1984. Đây là bản dịch từ bài viết của bà Helen Coutant, vợ của nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Võ Đình. Bài này được trích từ tạp chí The Vietnam Forum, số 3 năm 1984, do Viện Ðại Học Yale, Phân Khoa Nghiên Cứu Văn Hóa Đông Nam Á phát hành.)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*