Cú Lội Ngược Dòng Của Trung Tâm Thúy Nga

Chương trình Paris By Night số 131 (Hình của TRUNG TÂM THÚY NGA)

Nếu phải điểm danh những nỗ lực cứu vãn một năm làng văn nghệ Việt Nam khốn đốn vì dịch Covid-19, không thể không nhắc tới hai sự kiện, dù sức lan tỏa ở những dạng thức khác nhau nhưng đều xứng đáng được ghi nhận là những cú lội ngược dòng ngoạn mục.

Ở Việt Nam là thành công và ảnh hưởng ngoài sức tưởng tượng của chương trình Rap Việt kéo dài từ đầu tháng 8 tới trung tuần tháng 11. Tại hải ngoại là sự sáng tạo và kiên cường của Trung tâm Thúy Nga với 25 chương trình Music Box, và đặc biệt là việc ra mắt trên quy mô lớn chương trình Paris By Night số 131 chủ đề Xuân Hy vọng vào dịp Tết Nguyên đán.

Trong khi chương trình Rap Việt tạo ra cơn sốt trong giới trẻ trong nước, các chương trình văn nghệ của trung tâm Thúy Nga tiếp tục duy trì ưu thế đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của khán giả Việt Nam ở nhiều lứa tuổi, nhiều vùng miền và nhiều quốc gia khác nhau.

Trang Facebook của trung tâm hiện có hơn 1,7 triệu người theo dõi. Riêng tác giả bài viết này “phát hiện” có 20 người bạn cũng là thành viên của trang Thúy Nga như mình, phần lớn các bạn đang sống ở Hà Nội.

Có thể nói sự dung hòa khéo léo và chân thành giữa các dòng nhạc, giữa các thế hệ và tầng lớp nghệ sĩ với xuất thân và quá trình cống hiến khác nhau đã giúp Trung tâm Thúy Nga trụ vững và ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.

Thách thức trong việc bước qua những rào cản về văn hóa – chính trị của thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước nay nhường chỗ cho thách thức trong việc nâng cấp công nghệ sản xuất, công nghệ kết nối với khán giả và quan trọng nhất, đảm bảo không khí hòa bình giữa các lực lượng fan hùng hậu của từng nghệ sĩ.

Trong hành trình 40 năm phát triển tại hải ngoại, có lẽ Trung tâm Thúy Nga chưa bao giờ đặt ra cho mình sứ mệnh tham gia hòa giải dân tộc. Nhưng ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị và mốc son tinh thần của người Việt đã giúp Thúy Nga trở thành trung tâm văn nghệ duy nhất có khả năng xóa nhòa, một cách tự nhiên, những ranh giới ý thức hệ mơ hồ cuối cùng còn sót lại: miền Bắc – miền Nam, trước 75 và sau 75, trong và ngoài nước.

Với ý thức tôn trọng dòng chảy lịch sử và tôn trọng trải nghiệm cá nhân của các nghệ sĩ, năm 2020 đánh dấu sự cởi mở và hòa hợp dân tộc rõ nét nhất trong các sản phẩm của Thúy Nga.

Trong Music Box số 10 với lượng người xem đạt gần 1 triệu người, Thanh Tuyền và Phương Hồng Quế tự do trải lòng về những nỗi buồn cá nhân sâu kín gắn liền với thời cuộc và biến cố lịch sử. Music Box số 16 với hơn nửa triệu người xem lại là sự xuất hiện của Đan Trường và Quang Dũng từ trong nước, cộng với Bằng Kiều,Thanh Thảo và nhạc sĩ Lê Quang tại Mỹ kể chuyện thời hoàng kim của Làn Sóng Xanh, chương trình văn nghệ đình đám một thời của Đài tiếng nói TP.HCM.

Ca sĩ Ngọc Anh có riêng một chương trình các tác phẩm của Phú Quang – Lam Phương ở Music Box số 18. Và cũng thật trùng hợp, chính phủ Việt Nam vào tháng 12 năm 2020 đã ra nghị định bãi bỏ việc cấp phép phổ biến các ca khúc trước năm 1975 – một động thái tuy hơi muộn nhưng rất đáng ghi nhận.

Thời gian – 45 năm kể từ năm 1975 – là yếu tố quan trọng nhưng không phải duy nhất góp phần đẩy nhanh việc xóa nhòa những cách biệt trong trong lòng người và làm mờ những vết sẹo quá khứ.

Năm 2020 đánh dấu sự bùng nổ phi thường của mạng xã hội và các công cụ trực tuyến trong việc kết nối và phục vụ con người trong một năm toàn thế giới bị hạn chế di chuyển. Âm nhạc và nghệ thuật không nằm ngoài xu hướng đó. Trung tâm Thúy Nga, với việc phát hành miễn phí các chương trình Music Box trên YouTube lần đầu tiên có thể đo lường được khẩu vị của khán giả và mức độ ảnh hưởng của mình.

Gần nhất, livestream vào sáng ngày 6-2 (giờ Việt Nam) của cô Tô Ngọc Thủy, Giám đốc Trung tâm Thúy Nga giới thiệu chương trình Xuân hy vọng lập kỷ lục người xem với hơn 3,000 người theo dõi cùng lúc. Đây là con số đáng mơ ước với bất kỳ người làm nghệ thuật nào.

Chương trình Tết của Thúy Nga luôn là một sản phẩm được mong chờ với nhiều gia đình.

Nhưng có lẽ sự háo hức không chỉ dành cho danh sách các tác phẩm và nghệ sĩ góp mặt mà còn bởi đây là lần đầu tiên Thúy Nga sử dụng công cụ sự kiện trực tuyến có trả tiền của Facebook để trình chiếu chương trình mang tính thương hiệu của mình “Paris by night”, bên cạnh việc phát hành đĩa DVD như truyền thống.

Tiếp sau chương trình đại nhạc hội tại Singapore vào tháng 11 năm 2019, việc sử dụng Facebook để ra mắt sản phẩm có thể xem là một bước đi mới đầy táo bạo của trung tâm Thúy Nga. Đây là lần đầu tiên có một sự kiện văn nghệ quy mô lớn do người Việt tổ chức được thực hiện trên Facebook.

Chương trình được kỳ vọng có thể kết nối những người con Việt Nam trên khắp năm châu, vào thời điểm không thể phù hợp hơn: mọi người, nhà nhà hướng về gia đình, tình thân và truyền thống dân tộc khi ngày Tết Nguyên đán cận kề.

Trong khó khăn, tiếng hát vẫn vang lên. Đó có lẽ là một phẩm chất đáng quý của người Việt Nam, dù đang sinh sống ở nẻo đường nào của thế giới.


Cẩm Hà

Viết từ Sài Gòn
Theo BBC tiếng Việt ngày 6/2/2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*