100 Triệu Người Lây Nhiễm, 2 Triệu Người Chết Vì COVID-19 – Thượng Viện Luận Tội TT Trump

100 TRIỆU NGƯỜI LÂY NHIỄM, 2 TRIỆU NGƯỜI CHẾT VÌ COVID-19

Ngày Thứ Tư 27 tháng 1 là thời điểm được đánh dấu bằng những con số kinh hoàng: 100 triệu người bị lây nhiễm và 2 triệu người đã chết vì Covid-19 trên toàn thế giới.

Theo bản phân tích của hãng thông tấn Reuters thì kể từ đầu năm 2021 đại dịch đã lan tràn với tốc độ gấp ba lần so với năm ngoái: tính trung bình cứ 7.7 giây đồng hồ lại có thêm một người bị xét nghiệm dương tính, và mỗi ngày đều có thêm 668,250 trường hợp lây nhiễm được báo cáo ở 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là một thực tế vô cùng đáng ngại, bởi vì tuy thuốc chủng ngừa đã ra đời nhưng các hãng dược phẩm chưa bào chế đủ số lượng vaccine để kịp cung ứng cho dân số toàn cầu, trong lúc đó thì virus lại biến thể thành mấy chủng loại khác nhau nên càng thêm nguy hiểm.

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị đại dịch Covid-19 tấn công nặng nhất, với hơn 25 triệu người bị lây nhiễm và hơn 420 ngàn bệnh nhân tử vong (số liệu thống kê cụ thể của Đại học Johns Hopkins là 25,540,561 trường hợp lây nhiễm, 427,513 người chết).

Tuy nhiên cũng cần ghi nhận một dấu hiệu tương đối lạc quan, đó là trong hai tuần lễ gần đây số lây nhiễm và số tử vong ở nước Mỹ đã giảm xuống – trung bình mỗi ngày có 170,000 người mới bị xét nghiệm dương tính (so với đỉnh điểm là 250,000 người hôm 11/1) và 3,100 bệnh nhân tử vong (so với đỉnh điểm là 3,930 bệnh nhân tử vong hôm 13/1). Đầu năm 2021 là thời điểm đại dịch lan tràn dữ dội, nhưng đến tuần này một số tiểu bang ghi nhận số người vào bệnh viện chữa trị giảm bớt, nhờ đó hôm Thứ Hai 25/1 Thống Đốc Gavin Newsom đã giải tỏa lệnh “đóng cửa” (stay-at-home) ở California, cho phép các cơ sở thương mại hoạt động trở lại với điều kiện phải tuân thủ biện pháp an toàn. Hai tiểu bang Minnesota và Illinois cũng bắt đầu cho mở cửa một số trường học.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế có uy tín, như bác sĩ Anthony Fauci (giám đốc Viện Y Tế Quốc Gia) và bác sĩ Caitlin Rivers (chuyên khoa về dịch bệnh tại Đại học Johns Hopkins) thì số lây nhiễm và số tử vong đang giảm bớt là hiện tượng tự nhiên sau khi đại dịch đã lan tràn tới đỉnh điểm vào mùa lễ Giáng Sinh và Năm Mới, chứ không phải do tác dụng của thuốc chủng ngừa, bởi vì số người đã được chích ngừa kể từ ngày 14 tháng 12-2020 tới nay vẫn còn quá ít, ngoài ra họ phải chích đủ hai liều thuốc mới phát huy được 95% phản ứng miễn nhiễm.

Cơ Quan Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) cho biết, tính đến Thứ Ba 26/1, chính phủ liên bang đã phân phối 41 triệu liều thuốc chủng ngừa đến các tiểu bang, nhưng mới có 55% (tức 22.7 liều thuốc) đã được dùng để chích cho các nhân viên y tế và dân chúng. Số người đã được chích đủ hai liều thuốc (cách nhau ba tuần lễ) vào khoảng 3.3 triệu người. Số người đã được chích liều thuốc thứ nhất vào khoảng 19.3 triệu người, tức chưa đầy 3 phần trăm dân số toàn quốc.

Tổng Thống Joe Biden khi tiếp xúc với báo chí vẫn khẳng định mục tiêu của tân chính phủ là trong vòng 100 ngày đầu nhậm chức phải chích ngừa Covid-19 cho 100 triệu người dân Mỹ. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu các tiểu bang nhận đủ lượng vaccine do những hãng dược phẩm cung ứng, đồng thời hệ thống y tế địa phương cần có đủ trang thiết bị và nhân lực để đáp ứng nhu cầu của dân chúng. Hiện nay một số tiểu bang phải hủy bỏ hàng chục ngàn cái hẹn chích ngừa vì người dân ghi tên rất đông nhưng cơ sở y tế không có đủ thuốc chích ngừa.

Hôm Thứ Ba 26/1 Tổng Thống Biden thông báo áp dụng thêm một số biện pháp để đẩy mạnh chương trình chích ngừa trên toàn quốc, bao gồm việc đặt mua thêm 200 triệu liều vaccine (100 triệu của Pfizer/BioNTech, 100 triệu của Moderna), và yêu cầu các hãng dược phẩm phải cung ứng trước cuối mùa hè. Số vaccine mua thêm này, cộng với số hiện có, sẽ nâng tổng lượng thuốc chủng ngừa Covid-19 của nước Mỹ từ 400 triệu liều lên thành 600 triệu liều, đủ để chích ngừa cho 300 triệu người dân (vì mỗi người cần chích hai liều thuốc).

Song song với biện pháp trên đây, ông Jeff Zients – phối trí viên chương trình chống đại dịch của chính phủ Biden – đã thông báo với tất cả các vị Thống Đốc là kể từ tuần tới số lượng thuốc chủng ngừa phân phối đến 50 tiểu bang và vùng lãnh thổ sẽ được tăng thêm 16%, có nghĩa là từ 8.6 triệu mỗi tuần sẽ tăng lên thành 10 triệu mỗi tuần. Mục tiêu của kế hoạch tăng cường này nhằm thực hiện lời tuyên bố của Tổng Thống Biden, là trong vài tuần nữa sẽ đạt được tiêu chuẩn chích ngừa cho 1 triệu rưởi người mỗi ngày, thay vì 1 triệu như hiện nay.

Trở lại với tình hình đại dịch, bác sĩ Caitlin Rivers (chuyên khoa về dịch bệnh tại Đại học Johns Hopkins) nói với báo chí rằng mặc dù số lây nhiễm và số tử vong ở nước Mỹ có giảm xuống trong hai tuần lễ gần đây và đó là một dấu hiệu tốt, nhưng bà vẫn lo ngại vì coronavirus đang liên tục biến thể thành mấy chủng loại khác nhau và có thể sẽ gây ra một đợt đại dịch mới vào mùa hè năm nay. Vì vậy, song song với chương trình chích ngừa đang được tăng cường, bác sĩ Rivers nhắc nhở mọi người đừng quên tiếp tục tuân thủ các biện pháp an toàn để ngừa chống đại dịch như rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang khi ra ngoài, tránh tụ họp đông người.

Tổng Thống Biden hôm Thứ Hai tuần này đã ký sắc lệnh ghi thêm Cộng Hòa Nam Phi vào danh sách 26 quốc gia châu Âu và Nam Mỹ, nơi các chủng loại virus biến thể đang lan tràn, theo đó tất cả những người không phải là công dân Mỹ nếu đến từ các nước như Anh, Ái Nhĩ Lan, Brazil v.v… sẽ không được nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Lệnh cấm này vốn đang có hiệu lực nhưng cựu Tổng Thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hủy bỏ đúng hai ngày trước khi mãn nhiệm, nay được ban hành trở lại.

Cơ Quan Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) phổ biến thông cáo về hiện tượng coronavirus biến thể, cho biết hiện có ít nhất ba chủng loại như sau:

– Chủng loại mang mã số B.1.1.7, phát xuất từ Anh Quốc hồi tháng 9 năm ngoái, lan tràn rất dễ dàng và với tốc độ gấp đôi hoặc gấp ba chủng loại coronavirus đầu tiên (SARS-CoV2). Hơn 20 quốc gia trên thế giới đã ghi nhận các trường hợp bị lây nhiễm chủng loại biến thể này, trong đó có Canada và 23 tiểu bang Hoa Kỳ. Hôm Thứ Hai 25/1, bác sĩ M. Norman Oliver, Bộ trưởng Y tế của tiểu bang Virginia cho biết trường hợp lây nhiễm đầu tiên được ghi nhận với một người dân cư ngụ trong vùng Northern Virginia, và ngay sau đó đã được báo cáo cho Cơ Quan CDC.

– Chủng loại mang mã số 1.351, phát xuất từ Cộng Hòa Nam Phi hồi đầu tháng 10 năm ngoái, đã xuất hiện ở hơn 30 quốc gia ngoài Phi Châu nhưng cho tới ngày Thứ Năm 28/1 mới có hai trường hợp đầu tiên được ghi nhận ở tiểu bang South Carolina của Hoa Kỳ – hai người bị lây nhiễm không có liên hệ gì với nhau, và cả hai đều không du lịch ngoại quốc trong thời gian gần đây.

– Chủng loại mang mã số P.1, phát xuất từ Brazil, vừa được phát giác khi 4 người dân Brazil đi du lịch bị xét nghiệm dương tính ở phi trường Haneda thuộc vùng phụ cận thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Đến hôm Thứ Hai 25/1, một công dân Mỹ cư ngụ tại tiểu bang Minnesota đi du lịch Brazil trở về đã bị xét nghiệm dương tính và được ghi nhận là trường hợp đầu tiên. Giới khoa học gia lo ngại rằng các loại thuốc chủng ngừa hiện tại không có công hiệu miễn nhiễm đối với chủng loại coronavirus biến thể này.

THƯỢNG VIỆN KHỞI SƯ LUẬN TỘI TỔNG THỐNG DONALD TRUMP

Chiều Thứ Hai 25/1, Hạ Viện đã chính thức chuyển nghị quyết luận tội Tổng Thống Donald Trump – lần thứ nhì trong vòng hơn một năm trời – qua Thượng Viện để tiến hành thủ tục kế tiếp. Được biết phiên luận tội sẽ bắt đầu vào ngày 8 tháng 2 và các Thượng Nghị Sĩ sẽ nghe hai phía trình bày luận cứ cũng như lời khai của các nhân chứng trước khi biểu quyết. Phiên luận tội hồi năm ngoái tại Thượng Viện kéo dài 20 ngày, chưa rõ phiên luận tội lần này sẽ kéo dài bao lâu.

Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ quy định, cần hội đủ 2 phần 3 số phiếu tức phải có ít nhất 67 Thượng Nghị Sĩ bỏ phiếu thuận mới có thể kết tội Tổng Thống Trump “khích động bạo loạn” theo nội dung Nghị quyết đã được Hạ Viện thông qua ngày 14 tháng 1 với tỷ số 232/197 – bao gồm 222 phiếu thuận của các Dân Biểu đảng Dân Chủ và 10 phiếu thuận của các Dân Biểu đảng Cộng Hòa.

Phản ứng đầu tiên về vụ luận tội lần này được ghi nhận hôm Thứ Ba 26/1 khi Thượng Nghị Sĩ Rand Paul (Cộng Hòa, Kentucky) nêu ra tính chất vi hiến (không thể kết tội một Tổng Thống đã mãn nhiệm) và yêu cầu Thượng Viện biểu quyết bãi bỏ thủ tục luận tội. Cuộc biểu quyết đưa tới kết quả 45 phiếu đồng ý bãi bỏ nhưng có tới 55 phiếu không đồng ý, do đó thủ tục luận tội vẫn được tiến hành. 55 phiếu chống lại đề nghị của ông Rand Paul là của 48 Thượng Nghị Sĩ đảng Dân Chủ, 2 Thượng Nghị Sĩ độc lập bỏ phiếu theo đảng Dân Chủ, và 5 Thượng Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa gồm các ông Mitt Romney (Utah), Ben Sasse (Nebraska), Pat Toomey (Pennsylvania), bà Susan Collins (Maine) và bà Lisa Murkowski (Alaska).

Cuộc biểu quyết cho thấy càng lúc càng có thêm các Thượng Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa phản đối vụ luận tội hoặc ngần ngại trong việc bỏ phiếu kết tội Tổng Thống Trump, tuy nhiên họ vẫn muốn nghe hai phía trình bày luận cứ cũng như lời khai nhân chứng liên quan đến vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1 khi những người biểu tình ủng hộ Tổng Thống Trump tràn vào trụ sở Quốc Hội, đập phá và gây gián đoạn phiên họp khoáng đại lưỡng viện đang xác nhận phiếu cử tri đoàn toàn quốc cho cuộc bầu cử 2020.

(Ông Steven D’Antuono, phụ tá giám đốc của FBI ở Washington D.C. hôm Thứ Ba 26/1 cho biết đã nhận hơn 200,000 lời tố cáo của dân chúng qua mạng và điện thoại, nhờ đó cơ quan FBI xác định được danh tánh của 400 nghi can bị truy lùng vì tham gia vụ bạo loạn. 150 nghi can đã bị bắt giữ và Bộ Tư Pháp đang lập hồ sơ truy tố họ về nhiều tội danh khác nhau, trong đó có cả tội danh nghiêm trọng nhất là “âm mưu lật đổ chính phủ”, nếu bị kết tội bị can có thể lãnh án tới 20 năm tù).

Theo các bản tin thông tấn, có ba yếu tố khiến cho vụ luận tội lần này khác biệt với vụ luận tội lần trước (kéo dài từ tháng 9 năm 2019 đến tháng 2 năm 2020).

– Yếu tố thứ nhất, mặc dù trong cả hai vụ luận tội đảng Dân Chủ đều nắm đa số ở Hạ Viện, nhưng hồi năm 2019 khi Hạ Viện biểu quyết thông qua hai nghị quyết luận tội Tổng Thống Trump, hầu hết các Dân Biểu đảng Dân Chủ bỏ phiếu thuận và tất cả các Dân Biểu đảng Cộng Hòa đều bỏ phiếu chống, ngoài ra còn có ba Dân Biểu đảng Dân Chủ cũng bỏ phiếu chống hoặc không bỏ phiếu; ngược lại, lần này khi Hạ Viện biểu quyết thông qua nghị quyết luận tội Tổng Thống Trump, ngoài tất cả 222 Dân Biểu đảng Dân Chủ bỏ phiếu thuận, còn có 10 Dân Biểu đảng Cộng Hòa cũng bỏ phiếu thuận.

– Yếu tố thứ hai, trong vụ luận tội lần này, chính các Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ của lưỡng viện Quốc Hội cũng là nhân chứng, vì họ đã được nhân viên an ninh đưa đi tạm lánh ở nơi an toàn trong lúc những kẻ bạo loạn tấn công vào Capitol Hill.

– Yếu tố thứ ba, khi nghị quyết luận tội lần này được Hạ Viện thông qua thì Tổng Thống Trump vẫn còn tại chức, nhưng vào thời điểm phiên luận tội khởi sự tại Thượng Viện thì ông đã rời khỏi Tòa Bạch Ốc.

Cũng do yếu tố thứ ba này nên vị chủ tọa phiên luận tội tại Thượng Viện không phải là Thẩm Phán John Roberts với tư cách Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện, mà là Thượng Nghị Sĩ Patrick J. Leahy (Dân Chủ, Vermont), với tư cách Chủ Tịch lâm thời của Thượng Viện. Vị trí chủ tọa của ông Leahy bị các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa đặt vấn đề vì họ cho rằng ông “vừa làm chánh án vừa làm bồi thẩm”, nghĩa là vừa có quyền quyết định việc triệu tập nhân chứng vừa có quyền bỏ phiếu kết tội hoặc tha tội. Tuy nhiên Thượng Nghị Sĩ Leahy đã lên tiếng khẳng định ông sẽ giữ đúng lời tuyên thệ khi đảm nhiệm vai trò chủ tọa để bảo đảm sự vô tư và công chính của phiên xử. Buổi chiều cùng ngày, vị Thượng Nghị Sĩ 80 tuổi này đã phải vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe, sau đó được xuất viện về nhà và đã trở lại làm việc ngay ngày hôm sau.

Tin tức cho biết nhân vật đại diện pháp lý cho Tổng Thống Trump trước phiên luận tội ở Thượng Viện là luật sư Butch Bowers (tức Karl Smith Bowers Jr.), người đã từng biện hộ cho hai vị Thống Đốc của tiểu bang South Carolina là ông Mark Sanford (trong phiên luận tội hồi năm 2009) và bà Nikki Haley (trong một cuộc điều tra hồi năm 2012). Bên cạnh luật sư Bowers sẽ có thêm nữ luật sư Deborah Barbier, và một cựu cố vấn pháp lý của Tổng Thống Trump là ông Jason Miller.

Tin tức cũng ghi nhận, mặc dù ông Rudy Giuliani là luật sư đại diện cho Tổng Thống Trump trong các vụ tranh tụng pháp lý sau bầu cử, nhưng ông Giuliani cho biết sẽ không thể tham gia nhóm luật sư biện hộ tại phiên luận tội, bởi vì ông đã phát biểu trước đám đông biểu tình ngày 6 tháng 1 và do đó có thể sẽ phải cung cấp lời khai trước Thượng Viện với tư cách nhân chứng liên quan đến vụ bạo loạn ở Quốc Hội.

Theo kết quả một cuộc thăm dò do nhật báo New York Times thực hiện hôm 26/1 thì trong số 50 Thượng Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa ở Thượng Viện, có 27 vị bày tỏ quan điểm phản đối vụ luận tội hoặc không muốn bỏ phiếu kết tội cựu Tổng Thống Trump, 16 vị nói rằng sẽ chờ nghe các luận cứ và lời khai nhân chứng rồi mới quyết định, và 7 vị từ chối trả lời. Hầu hết trong số 27 Thượng Nghị Sĩ phản đối vụ luận tội đều dựa trên quan điểm không thể kết tội một Tổng Thống đã mãn nhiệm vì Hiến Pháp không quy định như vậy, hoặc cho rằng việc kết tội Tổng Thống Trump sau khi ông đã rời Tòa Bạch Ốc sẽ chỉ gây thêm chia rẽ trong sinh hoạt chính trị và xã hội.

Cuộc thăm dò này cũng như những sự kiện vừa được ghi nhận cho thấy thái độ đắn đo thận trọng của các Thượng Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa trước khi lựa chọn quyết định trong một vụ luận tội mà có thể sẽ ảnh hưởng đến lá phiếu cử tri dành cho họ vào năm 2022 và 2024. Chỉ riêng mình Thượng Nghị Sĩ Rand Paul đã trình bày luận cứ cho rằng những lời phát biểu của Tổng Thống Trump trước đám đông biểu tình ngày 6 tháng 1 không đủ làm bằng chứng để kết tội “khích động bạo loạn”. Trong khi đó một số nhà lập pháp của đảng Cộng Hòa, kể cả hai nhân vật lãnh đạo là Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Trưởng Khối Thiểu Số tại Thượng Viện) và Dân Biểu Kevin McCarthy (Trưởng Khối Thiểu Số tại Hạ Viện) đều công khai nói rằng Tổng Thống Trump có trách nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp đối với vụ người biểu tình bạo loạn tấn công vào Quốc Hội. Dù vậy, Dân Biểu McCarthy đã không bỏ phiếu theo đảng Dân Chủ để thông qua nghị quyết luận tội, Thượng Nghị Sĩ McConnell đến giờ này vẫn chưa quyết định bỏ phiếu kết tội hoặc tha tội, và cũng cho biết sẽ không vận động các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa để bỏ phiếu tha tội như trong vụ luận tội hồi năm ngoái, nói rằng lần này sẽ “để tùy mỗi người bỏ phiếu theo lương tâm của mình”.

Hôm Thứ Ba 26/1 tất cả 100 Thượng Nghị Sĩ đã hoàn tất nghi thức tuyên thệ để chuẩn bị đảm nhận vai trò tương đương với bồi thẩm đoàn trong phiên xử luận tội sẽ bắt đầu vào ngày 8 tháng 2. Việc đình hoãn hai tuần lễ là do sự thỏa thuận giữa hai Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer và Mitch McConnell, với mục đích để Thượng Viện có thời gian chuẩn thuận thêm các thành viên nội các của tân Tổng Thống Biden, đồng thời nhóm luật sư đại diện cựu Tổng Thống Trump cũng có thời gian thiết lập hồ sơ biện hộ để trình bày luận cứ hoặc yêu cầu triệu tập nhân chứng.

Song song với tin tức về vụ luận tội, một tin tức đáng chú ý khác là hôm Thứ Tư 27/1, Bộ An Ninh Nội Địa phổ biến thông cáo về “nguy cơ khủng bố nội địa” (National Terrorism Advisory System Bulletin), báo động với cơ quan công lực các cấp cũng như dân chúng toàn quốc là phải đề cao cảnh giác, vì mối đe dọa bạo lực từ những thành phần cực đoan bất mãn chính phủ đang có chiều hướng gia tăng, và vụ bạo loạn ở Quốc Hội hôm 6 tháng 1 có thể sẽ khích động họ và châm ngòi cho các vụ tấn công khác xảy ra.

Thông cáo nói đến “sự bất mãn từ những phần tử thuộc nhiều ý thức hệ khác nhau”, vốn đã âm ỉ từ lâu và thể hiện qua các cuộc xuống đường hồi năm 2020 do nhiều động lực – hoặc phản đối lệnh “đóng cửa” vì đại dịch Covid-19, hoặc để chống đối hành vi bạo lực của cảnh sát, hoặc từ những tin tức thất thiệt tạo ra sự nghi ngờ kết quả cuộc bầu cử 2020 – cũng như những vụ tấn công bạo lực do kỳ thị chủng tộc, chẳng hạn như vụ tấn công người gốc Mexico ở El Paso (Texas) hồi tháng 8 năm 2019 làm 23 người thiệt mạng, chưa kể đến hành động của những kẻ cực đoan bị các tổ chức khủng bố ngoại quốc khích động.

Bộ An Ninh Nội Địa không nêu ra mối đe dọa cụ thể nào, chỉ nói rằng “bầu không khí đe dọa tăng cao khắp nước Mỹ” “sẽ kéo dài nhiều tuần” sau lễ nhậm chức của Tổng Thống Biden. Thông cáo mang chữ ký của ông quyền Bộ Trưởng David Pekoske, vì nhân vật được Tổng Thống Biden đề cử vào chức vụ Bộ Trưởng An Ninh Nội Địa là ông Alejandro Mayorkas chưa được Thượng Viện chuẩn thuận. Thông cáo ghi rõ là “có hiệu lực từ ngày 27 tháng 1 cho đến ngày 30 tháng 4”.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, USA Today, The New York Times ngày 28/1/2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*