Nhân Lần Lam Phương Ra Đi, Nghĩ Về Những Kẻ Viết Nhạc Bằng Máu Lệ Người Nam

Dẫn nhập

Trong hơn năm mươi năm (từ 1968) sử dụng chữ nghĩa, hầu như tôi không đề cập đến người và việc của giới ca nhạc, cho dẫu đã tham dự sinh hoạt ca hát trong phong trào Hướng Đạo mà những ca khúc yêu nước, nhạc thanh thiếu niên của thập niên 1940, 1950 là chất men nuôi dưỡng, phát triển, gìn giữ nên tâm chất của bản thân cũng như thế hệ chúng tôi từ năm tháng xa xưa kia cho đến hôm nay.
Chỉ một lần duy nhất năm 1972, do thân quen với Trần Thiện Thanh qua những người bạn lính trong đơn vị nhảy dù (điển hình với Trần D. Phước, Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù, danh hiệu truyền tin “Phước Thiện – Tên hai người ghép lại”, tử trận cuối năm 1969 tại Tây Ninh, và lần người niên trưởng Cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo tử trận tại Cao Điểm Charlie, Kontum (12/4/1972), nên mới cộng tác với Nhật Trường thực hiện CD ca nhạc “Người Ở Lại Charlie” do Trung Tâm Tiếng Hát Đôi Mươi của TTT sản xuất. Năm 2005, tại hải ngoại lập lại thêm một lần cũng với “Người Ở Lại Charlie” trong DVD ASIA 50 kỷ niệm Nhật Trường với lời hát và âm nhạc vĩnh cửu Anh Không Chết Đâu Anh.
Sự thiếu vắng “Nhạc Tính” nơi những nội dung sáng tác dài lâu từ 1968 của tôi đã được một người bạn, anh Phg “râu”, (chuyên trình diễn ca nhạc tài tử từ Đà Lạt trước 1975 nay ở San José, California) tinh tế nhận xét và nói lên lời bình phẩm. Và tôi cùng đành chấp nhập sự thiếu sót này với cách giải thích rất nhiều thành thật (cũng có phần hài hước): Đi lính năm 17 tuổi, chỉ có hai cái bằng Nhảy Dù và Biệt Động Quân, nên cao lắm là biết violon là đàn để trên vai (như HgTThao) và guitar thì ôm trong tay (như TTTh)!

Sự thiếu sót trầm trọng kia sau 1975 khi đi tù mới vỡ ra. Đêm Giao Thừa 1975 qua 1976 không hẹn mà tất cả trại tù nơi Miền Nam đồng cất tiếng Việt Nam! Việt Nam tên gọi vào đời! Và “Ta như nước dâng dâng hoài không bao giờ tàn…” Cuối cùng dần chuyển qua một cách rất có ý thức. Cờ bay! Cờ bay… Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu. Tiếng hát dũng mãnh phơi phới bay cao, vượt qua chấn song sắt trại giam, bất chấp sự đe dọa đòi bắn bỏ của đám vệ binh cộng sản Miền Bắc.
Và sau 1976, nơi những trại tù Miền Bắc, hàng ngàn con người đói khổ, tuyệt vọng đã đồng bặt im lặng, nghẹn thở khi nghe âm vọng từ cây đàn tự chế dạo lời hát trầm buồn thăm thẳm. Mẹ ơi! Xuân này con không về. Ôi biết ra thì đã quá muộn! Hóa ra đã quá vô tâm sau bao nhiêu năm trước 1975, người Miền Nam/Người Lính Miền Nam đã được tặng hiến hàng hàng chuỗi minh châu, ngọc kết, được an ủi, nâng đỡ bởi vô vàn tiếng hát lời ca từ Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang, Lê Minh Bằng, Trầm Tử Thiêng, Trịnh Lâm Ngân, Nhật Trường, Duy Khánh, Hoàng Anh, Ngọc Minh… Và chung cho tất cả là Lam Phương như một ngọn lửa ấm áp mà người nông dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đốt lên trên cánh đồng đất ẩm mùi phù sa trải dài mênh mông tận chân trời sau mùa lúa mới gặt xong, chất lên những [đống] rơm khổng lồ nằm im lặng dưới trăng. Hò lơ… hò lơ… Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát. Biết ra thì đã quá muộn màng. Xin cho lời Ân Tạ như một cách xin lỗi, hàm ân.

Một

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một biến cố vô cùng lớn lao đối với tất cả các giai tầng xã hội Nam Việt Nam. Tuy nhiên trong số đông người Việt miền Nam hiện có mặt khắp nơi trên thế giới hôm nay có thể nói văn nghệ sĩ miền Nam là tập thể phải hứng chịu cơn chuyển đổi mạnh mẽ sâu xa nhất. Bởi khả năng nghệ thuật, tri thức nghề nghiệp của họ khó phát triển được nơi xứ lạ mà trở ngại cụ thể trước tiên là không thể nào vượt qua hàng rào ngôn ngữ dù cố gắng cải tiến tới đâu. Điển hình như bộ môn cải luơng không cách gì chuyển sang tiếng ngoại quốc. Tuy nhiên, tập thể nghệ sĩ người Việt ra đi từ miền Nam vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển với những sáng tác của họ trong rất nhiều lãnh vực sau cuộc đổi đời khốc liệt 1975. Cụ thể là nhạc Sĩ Lam Phương với những khúc hát đã một thời vang dội khắp miền Nam mà dẫu sau 45 năm (từ 1975), tiếng nhạc của người nghệ sĩ thuần hậu chân chính này vẫn tiếp tục tồn tại như thanh âm bất diệt của đất, nước, con người Miền Nam dù cách biệt bao xa, dù đã bao lâu.

Cần trở lại từ đầu, ngày còn rất trẻ khi chưa đến 20 tuổi, Lam Phương đã dựng nên Khúc Ca Ngày Mùa (KCNM). Đây là một bức tranh toàn bích về đời sống thanh bình, tươi sáng, hạnh phúc của nông thôn miền Nam sau 1954. Bài hát đã vang dội khắp xóm làng, thành phố, nơi quán hàng, rạp chớp bóng, nhà ga, bến xe, bến bắc… Nghĩa là nơi đâu [cũng] có người hát và người nghe nhạc. Thật kỳ lạ, vì người nhạc sĩ đã tạo dựng được cảnh tượng thôn dã sống động ấy khi đang sống tại Đa Kao, Sài Gòn trong một khu lao động lầy lội! Chúng ta không nói lời xưng tụng quá đáng, vì KCNM đã trở thành một bài hát của người Miền Nam và là cảnh sắc Miền Nam chứ không phải của một nơi nào khác. Và điều cảm động hơn hẳn là LP không chỉ là người tài hoa chuyên miêu tả cảnh sắc đồng quê như qua KCNM, mà ông còn là một nghệ sĩ với tâm chất sâu lắng thắm thiết qua bản Kiếp Nghèo và một người đã nghệ thuật hóa sự kiện chính trị lần chia cắt đất nước năm 1954 với nhạc phẩm Chuyến Đò Vĩ Tuyến dẫu không hề có sinh hoạt chính trị, thời sự – Đây là hai ca khúc có cấu trúc nhạc kỹ thuật cao với lời ca giầu cảm tính nghệ thuật mà ông đã sáng tạo nên vào lúc tuổi còn rất trẻ trong khu xóm nghèo ở Sài Gòn với thực tế hoàn toàn thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, tâm lý…

Hai

Biến cố 30 Tháng 4, 1975 đối với một số người có thể chỉ gây tác động bình thường tương đối, nhưng chắc đã quá lớn lao tàn nhẫn đối với một nghệ sĩ như Lam Phương, người nghệ sĩ có tâm chất vô cùng nhạy cảm hiện thực qua hơn 200 tác phẩm (mà đúng ra là 217 theo như tài liệu thống kê) đề cập đến tất cả tình huống, cảm xúc, tâm trạng của con người trong cuộc nhân sinh. Con người bình thường, nhỏ bé như tất cả chúng ta giữa cuộc sống khốc liệt của chiến tranh khởi động từ người, đảng cộng sản Hà Nội dài theo hậu bán Thế Kỷ 20 qua những biến cố 1954, 1968, 1972, 1975 và cao điểm là cảnh nước mất nhà tan lần sụp vỡ Miền Nam, 1975.

Trong một bài báo phổ biến trước đây, nhà báo chuyên về sinh hoạt sân khấu âm nhạc Trường Kỳ đã một lần đề cập đến tâm lý bi quan, u uất của LP từ thuở hàn vi khó nhọc đến lúc thành nhân, thành công trước 1975, càng hiện thực hơn sau 1975 nơi hải ngoại. Phải chăng dẫu đang lúc thành công rực rỡ nhất kéo dài trong hai thập niên sau 1954 đến 1975 ấy, LP đã linh cảm nỗi bi thảm không phải chỉ riêng cho cá nhân ông mà chung cho cả miền Nam, với hết Việt Nam. Điều này phản ảnh cụ thể qua những ca khúc có chủ đề “CHIỀU” chiếm một số lượng lớn rất rõ nét. Cụ thể như bài nhạc đầu đời, Chiều Thu Ấy, và những bài sau 1975 như Chiều Hoang Đảo, cho dẫu Chiều Hành Quân trước 1975 là bản nhạc nói về cuộc tình của Người Lính Miền Nam. Tất cả những buổi chiều trong cấu trúc nhạc của Lam Phương đều mang hình tượng của những buổi chiều chia ly, tan vỡ, nhạt nhòa… Điển hình cụ thể nhất là Chiều Hoang Vắng với những hình ảnh xa xót như:

“Có những chiều mưa buồn giăng giăng khắp lối.
Có những chiều giá lạnh tím cả hoàng hôn.
Tôi đi qua thôn xa heo hút lưng đèo.
Rừng cây hoang vắng tiêu điều…”

Với cảm tính nghệ sĩ cao độ, ông đã thấy trước những buổi chiều tàn tạ của quê hương, chiều hấp hối kiệt cùng của đất nước từ cuộc đổi đời khốc hại sau 30 Tháng 4, 1975! Chiều Tây Đô của Cần Thơ sau 1975 là điển hình rõ nét với tính bi kịch cao độ về lần tan vỡ Miền Nam qua câu hỏi xa xót cay đắng: Bao năm giải phóng như thế này phải không anh?

Với hơn 200 nhạc phẩm, LP đã đề cập hết tất cả những gì con người đã sống qua hạnh phúc lẫn khổ đau trong cuộc đời vô vàn này. Mà theo như cảm quan thông thường, giới thưởng ngoạn sắp xếp những nhạc sĩ vào một thứ hạng chung nhất dễ phân loại như Vũ Thành An, Từ Công Phụng chuyên về tình ca; Trầm Tử Thiêng nghiêng về các vấn đề xã hội. Nhưng quần chúng yêu nhạc LP hầu như đều băn khoăn trước hằng hà tác phẩm của ông mà khó định hình, xếp hạng vào một thể loại nhất định. Điều này thể hiện qua sự kiện: Là một người miền Nam thuần chất nên ông vẽ lại đủ cảnh tượng thôn quê miền Nam trong KCNM là một điều dễ hiểu, hợp lý. Nhưng tại sao, từ đâu ông lại viết nên Tình Cố Đô với những ca từ vô vàn thắm thiết:

“Buồn nhìn về xa xôi,
Hà Nội ơi đã xa thật rồi.
Mịt mùng ngàn trùng khơi,
thành phố cũ lắng sau núi đồi.
Đâu Thăng Long năm xưa,
cùng tháp cũ rêu phai mờ.
Còn tìm đâu nên thơ,
cành liễu úa rũ bên ven hồ…”

Cũng bởi Nhạc Sĩ Anh Bằng chỉ có thể viết nên lời xúc động: “Tôi xa Hà Nội…” do đã hứng chịu cảnh chia ly của năm 1954, còn Lam Phương hoàn toàn không liên hệ với nơi chốn Hà Nội kia, cũng không mảy may dính dấp đến cuộc chia ly không hề có. Thế nên, quả là một điều bí ẩn kỳ diệu mà chỉ từ tấm lòng thuần hậu, thắm thiết của một (Thật) Nghệ Sĩ mới cấu tạo nên những ca từ chân thực và cấu trúc nhạc tuyệt vời như thế kia.

Cũng thế, chỉ từ một tấm lòng chân chất mến thương mới cảm nhận đủ Nỗi Đau qua lần chia ly Người Mẹ kính yêu, nên LP mới viết nên lời rất đỗi chân thành trong Khóc Mẹ – Người Mẹ Việt Nam với nỗi hy sinh thầm lặng vô bờ mà các nhạc sĩ Thu Hồ, Y Vân đã viết nên lời xưng tụng ân tạ. Cũng thế, chỉ từ Người Con–Lam Phương mới viết nên những dòng Khóc Mẹ đầy cảm xúc.

“Cát bụi này mẹ vừa yên thân.
Sau bao năm nước mắt chảy xuôi.
Con ra đi trong giờ mẹ hấp hối.
Để muôn đời (con) thành kẻ vong ân.”

Không được có mặt với mẹ trong lần ra đi lần cuối; biến động 1975 còn giáng xuống đời ông sự mất mát tình cảm ngang trái – Không phải là tình cảnh riêng tư của gia đình Nhạc Sĩ Lam Phương mà cũng là đỗ vỡ chung của rất nhiều gia đình khác do từ lần đổi thay tàn nhẫn 1975. Tuy nhiên, cuối cùng cuộc đời vẫn không phụ kẻ có lòng, sau những lần chịu đựng khổ nạn chung với toàn dân tộc, gánh riêng cảnh ngang trái trong cuộc sống tình cảm cá nhân, gặp phải tai nạn bệnh tật… Nhạc Sĩ Lam Phương vẫn là, luôn là đối tượng thương yêu quý trọng của toàn gia đình gồm những người em với danh tính Anh Hai vô cùng kính mến. Ông vĩnh hằng là Nhạc Sĩ Lam Phương của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản, những người lớn lên, sống, chết ra đi từ Miền Nam. Những người đã cùng ông chia xẻ Nắng Đẹp Miền Nam, đã sống trong những hẻm nhỏ đường về đêm nay vắng tanh nơi Đa Kao, Phú Nhuận… Những người đã cùng ông lắng nghe đêm Sài Gòn mưa rơi tí tách.

Vâng, thưa cùng Nhạc Sĩ Lam Phương, xin nhận lời ân tạ chân thành của chúng tôi, thành phần người Miền Nam, Người Lính Cộng Hòa đã cùng ông gánh chịu cơn Thật Chết Với Quê Hương khi bầy đàn cướp nước “Tiến về Sài Gòn ta quyết diệt giặc thù…”, những kẻ gọi là “giải phóng” đến từ Miền Bắc, từ đầm lầy bưng biền Miền Nam. Vĩnh biệt nha Anh Hai!

Kết Từ

Bài viết như trên thoạt tiên nghĩ rằng tạm đầy đủ để nói về Lam Phương, nhưng nhân có sự kiện sau đây liên hệ đến với một thành phần viết nhạc nơi Miền Nam khác, chúng tôi xin kể ra để làm sáng tỏ hơn tư cách nhân hậu cao thượng của Lam Phương. Tháng 11 năm 2019, trên diễn đàn văn học của Đài VOA có phổ biến nhận định của ký giả Mặc Lâm như sau:

“Có những câu nói bị xua đuổi, những câu nói bị phỉ nhổ, và cả những câu nói bị cho là thiểu năng nhưng khi ông nhạc sĩ Trần Long Ẩn nói nền Văn Học Nghệ Thuật của Miền Nam đáng bị ‘đóng đinh’ thì nó trở thành câu nói bị khinh bỉ nhiều nhất từ xưa tới nay!”

Chuyện gì đã xảy ra đối với một người gọi là “nhạc sĩ Trần Long Ẩn”, mà quả tình chúng tôi, người lính Miền Nam lần đầu tiên mới nghe đến tính danh, 2019. Ký giả Mặc Lâm giải thích tiếp:

“Sự khinh bỉ (đối với Ẩn–Pnn) đến từ người dân cả hai miền Nam–Bắc, từ cán bộ (Cộng sản–Pnn) đến nhân viên (Trong nước–Pnn) quèn trong công sở, từ thị dân tới người nông phu căng mình dưới ruộng bởi nó dính liền tới ý thức cảm nhận cái đẹp của con người.”

Đọc thêm những bài viết khác, chúng tôi dần hiểu ra câu câu chuyện. Nguyên Trần Long Ẩn là một người gốc ở Bình Định, năm 1966 vào Sài Gòn theo học Đại Học Văn Khoa. Nhưng Ẩn không học văn khoa mà lại vào khu theo cộng sản; năm 1970 Ẩn được đưa ra Hà Nội học nhạc lý theo tinh thần và nội dung xã hội chủ nghĩa. Sau 1975, Ẩn về Nam viết những ca khúc có tên Tình Đất Đỏ Miền Đông, Đi Qua Vùng Cỏ Non, Một Đời Người Một Rừng Cây… để ca ngợi lần toàn thắng cuộc chiến cướp nước của lực lượng cộng sản Miền Bắc có tiếp tay đắc lực/tối thậm vô nghĩa của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Tóm lại, “thành tích/tác phẩm” của Ẩn là hành vi trả ơn của một văn công (hạng thừa hành) đối với Đảng Cộng Sản mà ngay chính những kẻ có lương tri, lương năng tối thiểu cũng đồng im bặt. Cho dù kẻ ấy là loại văn công được trả giá cao của chế độ Hà Nội như Văn Cao, Phạm Nhuận… hoặc trong lãnh vực văn học như Chế Lan Viên, Tô Hoài… Nhưng tại sao Ẩn “… tỏ ra cay cú đến gần như mất trí khi nói đến nền Văn Học Nghệ Thuật của vùng đất (của Miền Nam/VNCH–Pnn) mà trước đây ông ta được nuôi lớn lên, được học hành tới nơi tới chốn ngay giữa lòng Sài Gòn (Mặc Lâm ibid)”. Bài viết của một tác giả trong nước nói rõ “sự cay cú như mất trí của Ẩn” có nguyên nhân là:

“Trong Hội Nghị giao ban Quý III/2019 của Hội Đồng Lý Luận Phê Bình Văn Học, Nghệ Thuật TP.HCM, ngày 10/11 ông Trần Long Ẩn cho biết: ‘Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó (của VNCH–Pnn) xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa.’ Tại hội nghị của Hội Đồng Lý Luận Phê Bình này, Ẩn kêu gào… phong trào cách mạng ở miền Nam (trước 1975–Pnn) trong văn học, nghệ thuật rất dữ dội, rất lớn thì (LẠI–Pnn) không biểu dương, không tôn vinh, không học tập, không nhân rộng mà lại đòi xóa nhòa không còn khái niệm âm nhạc cũ trước giải phóng (Âm nhạc Miền Nam/VNCH–PNN) nữa”.

A hóa ra là vậy, tức là Người Miền Nam (cũng bao gồm người Miền Bắc) không hát, không nghe thứ gọi là “nhạc giải phóng, nhạc cách mạng” trong đó có những bài hát “nổi tiếng” của Ẩn, của một văn công thứ cấp gọi là “nhạc sĩ Năm Ẩn”.

Thế nên, coi như Năm Ẩn không hiểu, không nhận ra sự vất bỏ của quần chúng đối với “tác phẩm âm nhạc” của đương sự, chúng tôi với tính khách quan của người ngoài giới nghệ thuật sân khấu âm nhạc, cũng từ tinh thần đơn giản của Người Lính Miền Nam có nhận định sau đây căn cứ từ một bài hát “nổi tiếng/nổi tiếng nhất” của Ẩn: “Một Đời Người Một Rừng Cây. Khi nghĩ về một đời người. Tôi thường nhớ về rừng cây… Và rừng sẽ lên xanh rừng giữ đất quê hương! Xin hát về bạn bè tôi. Những người sống vì mọi người. Ngày đêm canh giữ đất trời.” Trích dẫn về nhạc và lời của “nhạc sĩ Năm Ẩn” đến đây coi như đủ để hỏi về một điều cụ thể:

Này Năm Ẩn (tên phổ thông của Ẩn ở Thành Ủy TP.HCM–Pnn) anh hãy chỉ cho chúng tôi “MỘT NGƯỜI/MỘT NGƯỜI THÔI HẲN ĐỦ/MỘT NGƯỜI SỐNG VÌ MỌI NGƯỜI/MỘT NGƯỜI CANH GIỮ ĐẤT TRỜI” nơi bộ chính trị đảng Cộng Sản ở Hà Nội?! Bởi vì nơi ấy từ rất lâu chỉ vang vang những lời chỉ đạo: Để Hoàng Sa–Trường Sa cho Trung Quốc giữ vẫn tốt hơn để bọn Mỹ–Ngụy – Lời TBT Trường Chinh, nhân lần Hải Quân Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa của VNCH, 19/1/1974. Nơi ấy cũng khắc ghi công ơn to lớn: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Sô. Đánh cho Trung Quốc”. Nếu nhắc đến những người và việc kể trên e có phần xưa cũ, xa xôi vượt khỏi hiểu biết, khả năng, trách nhiệm của Năm Ẩn, thì chúng tôi xin kể ra những vụ việc của thời đại hôm nay, tại thời điểm những bài hát của nhạc sĩ Ẩn được rầm rộ phổ biến (nhưng không người hát/không ai nghe), đấy là lời: “Khai thác Bâu–xít là chủ trương lớn của Đảng”, của kẻ được gọi là thủ tướng NTDũng khi đồng thuận cho nhà thầu Trung Cộng phá hủy toàn bộ thảm thực vật vùng Đồng Nai Thượng mà thiên nhiên ngàn năm đã xây dựng trên quê hương Cao Nguyên Trung Phần. Đấy là xác nhận: “Formosa là điển hình tiên tiến” của TBT NPTrọng trước thảm họa rộng khắp lâu dài vùng biển Hà Tĩnh do nhà thầu formosa gây nên! Đấy là nhận định từ một chị ả người Bến Tre được đưa ra Hà Nội giữ chức vị “chủ tịch quốc hội”: “Trung ương (BCT–Pnn) đã quyết định, quốc hội chỉ biểu quyết thành luật!” đối với việc thuận nhượng ký kết cho tư bản nước ngoài (chủ yếu là tư bản TC) khai thác ba Đặc Khu Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc trong vòng 99 năm! Chúng tôi có thể kể ra một danh sách bất tận những “bạn bè” của Năm Ẩn. Những người sống vì mọi người. Ngày đêm canh giữ đất trời?! Từ sáu tỉnh biên giới phía Bắc nay dùng bạc giấy in từ Bắc Kinh, và nghe đài phát thanh tiếng Hoa đến cực Nam đất Mũi Cà Mâu với những bí thư tỉnh ủy, giám đốc công an tỉnh được bổ nhiệm bởi Bộ Chính Trị Hà Nội có quyền ký giấy cho người Hoa thuê đất rừng 50, 90 năm, và bảo vệ cho tư bản TC chiếm đất lập tô giới người Hoa trên đất Việt như ở Đông Đô Đại Phố Bình Dương, ngay tại Sài Gòn, ở Thủ Thiêm, nơi Năm Ẩn đang ngồi lập lý luận, phê bình văn hóa nghệ thuật “độc hại” của VNCH qua nhạc Boléro!

Này “nhạc sĩ Năm Ẩn”, anh không thể, không có quyền bắt người Việt trong nước hát lời ca ngợi. Không thể hát lời ca ngợi kẻ bán nước. Không thể hát lời xưng tụng đứa sát nhân! Những bài hát viết từ máu lệ Miền Nam – Cũng bao gồm “Huyền Thoại Mẹ” máu me, giả trá của Trịnh Công Sơn và rất nhiều, rất nhiều nhân sự thuộc tập đoàn “cộng sự sát nhân” với đảng cộng sản Hà Nội. Đối với đám nhân sự độc hại hạ tiện này, Anh Hai Lam Phương trung hậu và cao quý biết bao nhiêu.

Phan Nhật Nam
Sinh nhật 77 tuổi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*