Số Tử Vong Vì Covid-19 Ở Mỹ Đã Vượt Quá 400,000 Người – Joe Biden Tuyên Thệ Nhậm Chức Tổng Thống

Phó Tổng thống tân cử Kamala Harris và phu quân (trái) cùng Tổng thống tân cử Joe Biden và phu nhân (phải) tưởng niệm nạn nhân COVID-19 trước Lincoln Memorial Reflecting Pool trong đêm 19/1/2021

SỐ TỬ VONG VÌ COVID-19 Ở MỸ ĐÃ VƯỢT QUÁ 400,000 NGƯỜI

Chiều Thứ Ba 19 tháng 1, khi màn đêm vừa buông xuống thủ đô Hoa Thịnh Đốn, bốn trăm ngọn đèn được thắp sáng chung quanh chiếc hồ nước trước Đài Kỷ Niệm Tổng Thống Lincoln để tưởng niệm bốn trăm ngàn người Mỹ đã thiệt mạng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát (con số cụ thể, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins ngày 19/1/2021, là 401,288 người, và chỉ hai ngày sau đó đã tăng lên thành 410,349 người).

Buổi lễ tưởng niệm nạn nhân đại dịch được thực hiện đúng một ngày trước lễ nhậm chức Tổng Thống, đã diễn ra với nghi thức đơn giản nhưng không kém phần trang trọng. Sau bài giảng và lời cầu nguyện của Đức Hồng Y Wilton Gregory (Tổng Giám Mục tổng giáo phận Washington) là phần phát biểu ngắn gọn của Tổng Thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng Thống đắc cử Kamala Harris. Tiếp đó là hai bài thánh ca: “Amazing Grace” qua tiếng hát của Lori Mary Key (nữ y tá tại bệnh viện St. Mary Mercy ở Michigan) và “Hallelujah” do nữ ca sĩ Yolanda Adams trình bày.

Cùng lúc với 400 ngọn đèn tại Lincoln Memorial, nhiều nơi khác trên nước Mỹ – như Empire State Building ở New York, Space Needle ở Seattle – cũng thắp sáng đèn vào buổi chiều ngày 19/1 để nhắc nhở mọi người nhớ đến 400,000 bệnh nhân tử vong và chia xẻ nỗi đau đớn mất mát của thân nhân họ.

Theo các bản tin thông tấn, điều kinh hoàng nhất là chỉ trong vòng 5 tuần lễ gần đây số người chết vì đại dịch đã tăng từ 300,000 lên tới 400,000, có nghĩa là từ cuối tháng 12 đến nay, ngày nào nước Mỹ cũng có trên 3,300 người chết, hay nói cách khác, cứ 26 giây đồng hồ lại có một bệnh nhân thiệt mạng vì Covid-19. Thống kê của cơ quan y tế Đại học Washington cho thấy đại dịch đang cướp đi mạng sống con người nhiều hơn tất cả các chứng bệnh khác, kể cả bệnh tim mạch và ung thư.

Tổng số bệnh nhân tử vong vì Covid-19 ở Hoa Kỳ hiện nay đã gần gấp đôi số bệnh nhân tử vong ở Brazil (211,491 người) và gấp 4 lần số bệnh nhân tử vong ở Anh Quốc (91,643 người). Tổng số trường hợp lây nhiễm coronavirus trên toàn nước Mỹ đã vượt quá 24 triệu người (cụ thể là 24,233,759 người). Những con số này khiến bác sĩ Ashish Jha, Khoa trưởng Đại học Y khoa Cộng đồng của Viện Đại học Brown tại Rhode Island, phải đưa ra lời phát biểu đầy lo ngại: “Câu hỏi cấp thiết ngay bây giờ là có cách nào để chúng ta ngăn chận cho số tử vong đừng lên tới nửa triệu vào cuối tháng 2 tới đây hay không”.

Giữa bối cảnh đại dịch lan tràn, chương trình chích ngừa Covid-19 đang được đẩy mạnh trên toàn quốc và mở ra một cánh cửa hy vọng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, kể từ khi Cơ Quan FDA chuẩn thuận thuốc chủng ngừa vào ngày 14 tháng 12, cho đến nay số người đã nhận được liều thuốc chủng ngừa đầu tiên vẫn còn quá ít so với dân số nước Mỹ (chỉ vào khoảng 3.2%, theo bản phân tích của nhật báo USA Today dựa trên dữ liệu từ Cơ Quan CDC).

Thêm một vấn đề cấp bách khác, là có tin nói rằng 60.6% lượng thuốc chủng ngừa đã phân phối nhưng chưa được sử dụng tới, ngược lại, có nhiều tiểu bang như Michigan, New Jersey, New York, Oregon, South Carolina, Vermont báo động đang thiếu thuốc chủng ngừa và thúc giục chính phủ liên bang cung cấp tiếp càng sớm càng tốt. Hôm Thứ Ba 19/1 Thị Trưởng Bill de Blasio nói thẳng là thành phố New York chỉ còn đủ lượng thuốc để chích cho dân chúng cho đến hết ngày Thứ Năm tuần này.

Ngoài ra còn một câu hỏi đang làm nhiều người nhức đầu, là các loại vaccine của Pfizer, BioNTech, Moderna, AstraZeneca… có khả năng tạo kháng thể để ngừa chống chủng loại coronavirus đang gây đại dịch (SARS-CoV-2) nhưng liệu có đối phó được luôn cả với chủng loại “coronavirus biến thể” từ nước Anh (mã số B.1.1.7.) hoặc từ Nam Phi (mã số 501.V2) hay không. Giới khoa học một mặt đã lên tiếng trấn an dư luận nhưng mặt khác vẫn phải theo dõi chặt chẽ hiện tượng biến thể liên tục của virus. Tin tức ghi nhận “coronavirus biến thể” từ nước Anh đã xuất hiện ở 20 tiểu bang Hoa Kỳ và lây nhiễm với mức độ mạnh gấp rưỡi coronavirus SARS-CoV-2.

Chính vì tình hình thực tế phức tạp như vậy nên tất cả các chuyên gia y tế đều cảnh giác dân chúng Mỹ là đừng kỳ vọng quá nhiều ở thuốc chủng ngừa mà lơ là các biện pháp phòng chống dịch bệnh (như mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn, tránh tụ tập đông người). Bác sĩ Kirsten Bibbins-Domingo, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm của Đại học California tại San Francisco, đưa ra lời báo động: “Nếu chúng ta nghĩ thuốc chủng ngừa là ánh sáng cuối đường hầm, thì đừng quên rằng đường hầm này rất dài, và mấy tháng sắp tới đây sẽ là khoảng thời gian đen tối nhất, trước khi chúng ta nhìn thấy ánh sáng”.

Tổng Thống đắc cử Joe Biden tuyên bố trong vòng 100 ngày đầu tiên nhậm chức sẽ dồn mọi nỗ lực để thực hiện kế hoạch chích ngừa cho 100 triệu người dân Mỹ. Muốn đạt được mục tiêu đó, chính phủ Biden sẽ phải giải quyết ngay tức khắc ba vấn đề quan trọng, thứ nhất là giúp các tiểu bang huấn luyện cấp tốc đội ngũ nhân viên y tế và tăng cường hệ thống phân phối thuốc chủng ngừa ở địa phương, thứ hai là thúc đẩy các hãng dược phẩm để họ bào chế và cung ứng kịp thời thuốc chủng ngừa, thứ ba là mở chiến dịch giáo dục và tuyên truyền đối với những thành phần dân chúng còn e dè chưa muốn chích ngừa, vận động giúp họ vượt qua nỗi lo ngại để hưởng ứng mạnh mẽ chương trình chích ngừa.

JOE BIDEN TUYÊN THỆ NHẬM CHỨC TỔNG THỐNG

Vào lúc 12 giờ trưa ngày Thứ Tư 20 tháng 1 năm 2021, Tổng Thống đắc cử Joe Biden đã tuyên thệ để trở thành vị Tổng Thống thứ 46 của Hoa Kỳ, trong buổi lễ nhậm chức được cử hành tại tiền đình Quốc Hội liên bang, nơi mà cách đây hai tuần lễ đã bị những nhóm biểu tình bạo loạn tràn vào đập phá và gây gián đoạn phiên họp khoáng đại lưỡng viện đang xác nhận phiếu cử tri đoàn toàn quốc cho cuộc bầu cử 2020.

Khác với truyền thống từ hơn hai trăm năm qua, buổi lễ nhậm chức Tổng Thống lần thứ 59 được tổ chức rất đơn giản, với số quan khách hạn chế, vì phải tuân thủ các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19. An ninh tại thủ đô Washington D.C. được siết chặt tối đa, với 25,000 quân nhân thuộc Lực Lượng Vệ Binh Quốc Gia trấn đóng khắp các ngả đường chung quanh khu vực hành lễ để đề phòng âm mưu phá hoại và khủng bố.

Trong thành phần quan khách có sự hiện diện của ba vị nguyên thủ quốc gia tiền nhiệm – gồm các cựu Tổng Thống Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama – và các cựu Đệ Nhất Phu Nhân. Riêng cựu Tổng Thống Jimmy Carter và phu nhân cáo lỗi không đến dự vì lý do sức khỏe. Cựu Phó Tổng Thống Mike Pence và phu nhân cũng có mặt tại buổi lễ, chỉ riêng cựu Tổng Thống Donald Trump trước đó đã cho biết không tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm.

Sau khi linh mục Leo O’Donovan và mục sư Silvester Beaman cử hành nghi thức cầu nguyện, nữ Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Sonia Sotomayor chứng kiến lễ tuyên thệ của Phó Tổng Thống Kamala Harris. Việc nhậm chức của bà Harris được coi như một sự kiện lịch sử, vì đây là lần đầu tiên nước Mỹ có một phụ nữ trở thành Phó Tổng Thống, hơn nữa lại là một phụ nữ da đen với gốc châu Á.

Tiếp theo nghi thức chào quốc kỳ, Thẩm Phán John Roberts với tư cách Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện chứng kiến lễ tuyên thệ của Tổng Thống Joe Biden. Đứng bên cạnh là Đệ Nhất Phu Nhân Jill Biden cùng hai người con, Hunter Biden và Ashley Biden.

Buổi lễ nhậm chức có sự góp mặt của hai nữ ca sĩ tên tuổi – Lady Gaga hát quốc ca Hoa Kỳ “The Star-Spangled Banner”, và Jennifer Lopez trình bày liên khúc “This Land Is Your Land” “America, The Beautiful”.

Trong bài diễn văn nhậm chức, Tổng Thống tân cử Joe Biden tuyên bố “Hôm nay là ngày của nước Mỹ, ngày của nền dân chủ, ngày của lịch sử và hy vọng hồi sinh”, bởi vì “nước Mỹ vừa bị thử thách thêm một lần nữa, và đã hiên ngang đối đầu với thử thách”, do đó, “hôm nay là ngày chúng ta mừng chiến thắng, không phải chiến thắng của một ứng cử viên, mà là chiến thắng của một lý tưởng – lý tưởng dân chủ”. Ông nhấn mạnh: “Lại một lần nữa chúng ta học được bài học là dân chủ vô cùng quý giá. Dân chủ cũng rất mong manh. Và vào giờ phút này, thưa các bạn, chúng ta có thể nói rằng dân chủ đã chiến thắng”.

Qua những lời phát biểu lần đầu tiên trong cương vị nhà lãnh đạo gửi đến dân chúng toàn quốc, Tổng Thống Biden nói về Covid-19, trận đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 400,000 người, và cuộc khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19. Ông cũng nhắc đến nạn kỳ thị chủng tộc trong xã hội Mỹ, cũng như khuynh hướng cực đoan chính trị, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, hiện tượng khủng bố nội địa đang gia tăng…, những trở lực mà ông tuyên bố “chúng ta sẽ phải đối đầu và chúng ta sẽ đánh bại”.

Từ lời khẳng định này, Tổng Thống Biden một lần nữa kêu gọi đoàn kết, bởi vì “để vượt qua thử thách, để phục hồi linh hồn và bảo đảm tương lai của nước Mỹ, công việc ấy đòi hỏi rất nhiều thứ chứ không phải chỉ có lời nói. Công việc ấy đòi hỏi yếu tố khó đạt được nhất trong một nền dân chủ: Tinh thần đoàn kết, đoàn kết toàn quốc, đoàn kết toàn dân. Và tôi kêu gọi mọi người dân Mỹ hãy cùng với tôi theo đuổi mục tiêu đó”.

Tổng Thống Biden nhấn mạnh: “Nước Mỹ phải chống lại những kẻ thù mà chúng ta đang trực diện, bao gồm sự tức giận, sự bất mãn, sự thù ghét, chủ thuyết cực đoan, thói quen vô luật pháp, bạo lực, bệnh tật, nạn thất nghiệp, nỗi tuyệt vọng”. Ông nói tiếp: “Một khi đoàn kết, chúng ta có thể làm được những việc quan trọng, sửa chữa được những sai lầm, nhưng nếu không đoàn kết, sẽ không có hòa bình, chỉ có cay đắng và phẫn nộ, sẽ không có quốc gia, chỉ còn là tình trạng hỗn loạn”. Ông kêu gọi người dân Mỹ “hãy tôn trọng nhau, hãy ngưng chửi bới, hãy bớt nóng giận”, và kết thúc bài diễn văn nhậm chức với lời cam kết: “Tôi sẽ là Tổng Thống của mọi người dân, tôi sẽ tranh đấu hết sức mình cho những người không ủng hộ tôi cũng như những người đã ủng hộ tôi”, “tất cả chúng ta sẽ chung tay góp sức để viết lên một trang sử mới cho nước Mỹ”.

Sau lễ nhậm chức, Tổng Thống Joe Biden và Phó Tổng Thống Kamala Harris đến đặt vòng hoa trước Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Vô Danh ở Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington. Cùng tham dự lễ đặt vòng hoa là ba vị cựu Tổng Thống Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama.

Do ảnh hưởng của đại dịch, chương trình văn nghệ chủ đề “Nước Mỹ Đoàn Kết” (America United) cũng chỉ diễn ra dưới hình thức trực tuyến (online), với sự đóng góp của hàng trăm nghệ sĩ chuyên nghiệp và tài tử đã thực hiện các tiết mục ca vũ nhạc từ 50 tiểu bang Hoa Kỳ để chào mừng lễ nhậm chức .

Về Tổng Thống Donald Trump, tin tức cho biết từ lúc 8 giờ sáng Thứ Tư ông và Đệ Nhất Phu Nhân Melania Trump đã rời Tòa Bạch Ốc bằng phi cơ Marine One để tới Căn Cứ Không Quân Andrews ở Maryland, tham dự buổi lễ chia tay với một số thuộc cấp và những người ủng hộ ông. Sau đó vợ chồng ông lên phi cơ Air Force One lúc 8 giờ 45 đi West Palm Beach để về khu nghỉ mát Mar-a-Lago tại Florida. Nhiệm kỳ của Tổng Thống Trump kết thúc lúc 12 giờ trưa cùng ngày.

Vào thời điểm 8 giờ rưỡi sáng, Tổng Thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng Thống đắc cử Kamala Harris đang đến giáo đường St. Matthew the Apostle ở Washington, D.C. để dự thánh lễ cùng với các vị Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu lãnh đạo ngành Lập Pháp, trước khi tất cả đi tới trụ sở Quốc Hội để bắt đầu buổi lễ nhậm chức.

THƯỢNG VIỆN BẮT ĐẦU THỦ TỤC CHUẨN THUẬN THÀNH VIÊN NỘI CÁC BIDEN

Từ cuối tuần trước Tổng Thống đắc cử Joe Biden đã thành lập xong danh sách tân nội các gồm các Bộ Trưởng và Giám Đốc những cơ quan chuyên môn. Theo quy định của Điều II Hiến Pháp, nhiều nhân vật sẽ phải điều trần trước Quốc Hội để được chuẩn thuận. Vì sự chậm trễ trong việc xác nhận kết quả bầu cử nên thủ tục chuẩn thuận thành viên tân nội các cũng bị ảnh hưởng, tuy nhiên tin tức cho biết Thượng Viện đã khởi sự lịch trình điều trần vào Thứ Ba 19/1, một ngày trước lễ tuyên thệ nhậm chức, với ưu tiên dành cho các nhân vật lãnh đạo Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng, Bộ Tài Chánh, Bộ An Ninh Nội Địa và Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia.

Song song với 5 cuộc điều trần này, nghị trình của Thượng Viện trong những ngày sắp tới còn bao gồm việc cứu xét dự luật ngân sách $1.9 ngàn tỷ dollars để cứu trợ đại dịch Covid-19 theo đề nghị của tân chính phủ Biden, cũng như tiếp tục tiến trình luận tội Tổng Thống Donald Trump theo nghị quyết luận tội mà Hạ Viện đã thông qua hôm 13 tháng 1.

Sau đây là danh sách những thành viên nội các được ông Joe Biden lựa chọn để giúp ông cùng Phó Tổng Thống đắc cử Kamala Harris điều hành guồng máy lãnh đạo quốc gia.

– Ngoại Trưởng: Antony Blinken (cựu Phụ Tá Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, cựu Phụ Tá Ngoại Trưởng dưới thời Tổng Thống Barack Obama).

– Bộ Trưởng Quốc Phòng: Tướng hồi hưu Lloyd Austin (đã có 40 năm thâm niên quân vụ, cựu Chỉ Huy Trưởng lực lượng CENTCOM tại Trung Đông và Trung Á, nếu được chuẩn thuận sẽ là người Mỹ da đen đầu tiên đảm nhận chức vụ Bộ Trưởng Quốc Phòng).

– Bộ Trưởng Tài Chánh: Janet Yellen (nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế, nguyên Chủ Tịch Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang tức Federal Reserve, nếu được chuẩn thuận sẽ là phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ Bộ Trưởng Tài Chánh).

– Bộ Trưởng An Ninh Nội Địa: Alejandro Mayorkas (gốc di dân từ Cuba, nguyên Giám Đốc Cơ Quan Di Trú và Quốc Tịch, nguyên Thứ Trưởng Bộ An Ninh Nội Địa dưới thời Tổng Thống Barack Obama).

– Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia (Director of National Intelligence): Avril Haines (nguyên Phụ Tá Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương CIA dưới thời Tổng Thống Barack Obama).

– Bộ Trưởng Tư Pháp: Merrick Garland, Chánh Án tòa liên bang D.C. (trước đây đã được Tổng Thống Obama đề cử làm Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện nhưng thủ tục chuẩn thuận bị đình hoãn, sau đó Thượng Viện chuẩn thuận Thẩm Phán Neil Gorsuch do Tổng Thống Trump đề cử).

– Bộ Trưởng Thương Mại: Gina Raimondo (đương kim Thống Đốc tiểu bang Rhode Island).

– Bộ Trưởng Y Tế và Dân Sinh: Xavier Becerra (đương kim Chánh Biện Lý tiểu bang California).

– Bộ Trưởng Gia Cư và Phát Triển Đô Thị: Marcia Fudge (đương kim Dân Biểu tiểu bang Ohio).

– Bộ Trưởng Lao Động: Marty Walsh (đương kim Thị Trưởng Boston).

– Bộ Trưởng Giao Thông: Pete Buttigieg (cựu Thị Trưởng South Bend, Indiana, cựu ứng cử viên Tổng Thống năm 2020).

– Bộ Trưởng Nông Nghiệp: Tom Vilsack (nguyên Bộ Trưởng Nông Nghiệp dưới thời Tổng Thống Barack Obama).

– Bộ Trưởng Cựu Chiến Binh: Denis McDonough (cựu Chánh Văn Phòng của Tổng Thống Barack Obama).

– Bộ Trưởng Năng Lượng: Jennifer Granholm (cựu Thống Đốc tiểu bang Michigan).

– Bộ Trưởng Giáo Dục: Miguel Cardona (đương kim bộ trưởng giáo dục của tiểu bang Connecticut).

– Bộ Trưởng Nội Vụ: Deb Haaland (Dân Biểu đương nhiệm tại Hạ Viện đại diện Đơn vị 1 của tiểu bang New Mexico, nếu được chuẩn thuận sẽ là phụ nữ gốc Da Đỏ đầu tiên đảm nhận chức vụ Bộ Trưởng).

– Đại Sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc: Linda Thomas-Greenfield (cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Liberia dưới thời Tổng Thống Barack Obama, cựu viên chức ngoại giao tại Thụy Sĩ, Pakistan, Kenya, Gambia, Nigeria và Jamaica).

– Đặc Sứ của Tổng Thống Hoa Kỳ về Khí Hậu: John Kerry (cựu Ngoại Trưởng dưới thời Tổng Thống Barack Obama, cựu Thượng Nghị Sĩ đại diện tiểu bang Massachusetts).

– Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA): William Burns (cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Nga và Jordan, cựu Phụ Tá Ngoại Trưởng dưới thời Tổng Thống Barack Obama).

– Giám Đốc Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA): Michael Regan (đương kim bộ trưởng bảo vệ môi trường của tiểu bang North Carolina).

– Giám Đốc Văn Phòng Khoa Học và Tư Vấn tại Tòa Bạch Ốc: Eric S. Lander (cựu chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Khoa Học dưới thời Tổng Thống Barack Obama).

– Tổng Y Sĩ Toàn Quốc (Surgeon General): Dr. Vivek Murthy.

– Giám Đốc Cơ Quan Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC): Bác sĩ Rochelle Walensky.

– Giám Đốc Cơ Quan Quản Trị Thiên Tai và Tình Trạng Khẩn Cấp (FEMA): Deanne Criswell.

– Tổng Quản Trị Cơ Quan Điều Hợp Các Doanh Nghiệp Nhỏ: Isabel Guzman (đương kim giám đốc Văn Phòng Điều Hợp Các Doanh Nghiệp Nhỏ của tiểu bang California).

– Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế: Cecilia Rouse (cựu thành viên Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế dưới hai thời Tổng Thống Bill Clinton và Barack Obama).

– Đại Diện Thương Mại của chính phủ Hoa Kỳ: Katherine Tai (luật sư về thương mại cho Ủy Ban Thuế Vụ Hạ Viện).

Riêng tại Tòa Bạch Ốc, các nhân vật dưới đây đã được bổ nhiệm và không cần phải được Quốc Hội chuẩn thuận (ngoại trừ bà Neera Tanden):

– Cố Vấn An Ninh Quốc Gia: Jake Sullivan.

– Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc: Ronald Klain (cựu Chánh Văn Phòng cho Phó Tổng Thống Al Gore dưới thời Tổng Thống Bill Clinton, cựu Chánh Văn Phòng cho Phó Tổng Thống Joe Biden dưới thời Tổng Thống Barack Obama).

– Phụ Tá Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc: Jen O’Malley Dillon.

– Giám Đốc Văn Phòng Quản Trị và Ngân Sách: Neera Tanden (cựu cố vấn của Bộ Trưởng Y Tế và Dân Sinh Kathleen Sebelius dưới thời Tổng Thống Barack Obama).

– Giám Đốc Hội Đồng Chính Sách Nội Địa: Susan Rice (cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời Tổng Thống Barack Obama).

– Giám Đốc Truyền Thông: Kate Bedingfield.

– Tùy Viên Báo Chí Tòa Bạch Ốc: Jen Psaki.

ĐẢNG DÂN CHỦ KIẾM SOÁT CẢ HAI VIỆN CỦA QUỐC HỘI HOA KỲ

Chiều Thứ Tư 20 tháng 1, vài tiếng đồng hồ sau buổi lễ nhậm chức, Phó Tổng Thống tân cử Kamala Harris – với tư cách Chủ Tịch Thượng Viện – đã chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức của ba vị tân Thượng Nghị Sĩ, gồm hai ông Raphael Warnock và Jon Ossoff vừa được xác nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng hai (ngày 5 tháng 1) để trở thành đại diện dân cử cho tiểu bang Georgia tại Thượng Viện Hoa Kỳ, và ông Alex Padilla (Chánh Biện Lý tiểu bang California) vừa được Thống Đốc Gavin Newsom bổ nhiệm thay thế bà Kamala Harris hoàn tất nhiệm kỳ còn lại (2016-2022), sau khi bà Harris từ nhiệm vai trò Thượng Nghị Sĩ để đảm nhận vai trò Phó Tổng Thống.

Với hai ghế Thượng Nghị Sĩ giành được từ đảng Cộng Hòa qua cuộc bầu cử ở Georgia, đảng Dân Chủ hiện nay ngoài thế đa số tại Hạ Viện, còn kiểm soát luôn cả Thượng Viện, vì Phó Tổng Thống Kamala Harris sẽ bỏ lá phiếu quyết định cho những cuộc bỏ phiếu đưa tới với tỷ số 50/50.

Vào buổi tối cùng ngày, sau cuộc điều trần tại Ủy Ban Tình Báo, Thượng Viện đã biểu quyết chuẩn thuận thành viên đầu tiên của nội các Biden. Đó là bà Avril Haines, nay chính thức trở thành Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia (Director of National Intelligence), có trách nhiệm điều khiển và phối hợp hoạt động của 18 cơ quan thuộc ngành tình báo của Hoa Kỳ.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NBC News, ABC News, Fox News ngày 21/1/2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*