Nữ Giáo Chủ Đạo Lắc Và Những Ngôi Làng Cộng Sản Đồng Trinh Tại Hoa Kỳ

Ngôi mộ của Giáo Chủ Ann Lee ở Colonie, Albany County, New York, USA

Nữ Giáo Chủ (Mẹ) Ann Lee (1736-1784)
Sinh: Ngày 29 Tháng Hai, 1736 tại Manchester, Anh Quốc
Qua Đời: Ngày 8 Tháng Chín, 1784
Hưởng Dương: 48 tuổi

Mùa thu năm 1985 tôi đến dạy học tại University of Kentucky, thành phố Lexington. Bang Kentucky nổi tiếng vì có những cánh đồng mùa Xuân cỏ mượt mà, xanh tím, có sân đua ngựa nổi tiếng thế giới, có rượu Bourbon, và bài hát “Happy Birth Day to You” được hai chị em cô giáo Mildred J. Hill và Patty S. Hill sáng tác vào cuối thế kỷ 19 (1893). Thế nhưng, Kentucky là nơi chốn cực kỳ buồn bã cô đơn cho một gã Việt Nam độc thân như tôi. Vì cô độc tôi cố tìm những điểm đặc biệt về Kentucky để ráng gượng yêu nơi chốn này.
Nhân dịp đi chung xe với cô bạn đồng nghiệp tham dự buổi hội thảo giáo dục liên quan đến ngành mình dạy được tổ chức tại Shaker Village, Pleasant Hill, cách đại học Kentucky 29 dặm Anh (khoảng 36 cây số), tôi được nghe cô bạn giới thiệu về địa điểm của buổi họp và vài chi tiết dị kỳ của đạo Shaker. Làng Shaker Village ở Pleasant Hill, Kentucky được thành lập năm 1805 và đóng cửa năm 1910. Nay chỉ là địa điểm du lịch hay nơi tổ chức các buổi hội họp nhỏ. Một trong những điều cô bạn tôi kể, và tôi được đọc thêm là đạo Shaker do một phụ nữ sáng lập, tín hữu nam nữ sống chung trong các dinh cư hay làng như người trong gia đình, ăn chung nhà, ngủ chung nhà, sở hữu tài sản chung, nhưng cấm không được liên hệ tình dục với nhau. Cuộc sống họ nghe như đời sống các tu sĩ Công Giáo tôi biết và đã sống thời niên thiếu. Thế nhưng, tu sĩ trong tu viện thời niên thiếu tôi sống hoàn toàn là đàn ông. Tôi tự hỏi, nếu tu viện tôi sống thời niên thiếu có phụ nữ thì bây giờ ra sao? Trong bài này tôi sẽ kể cho bạn đọc thêm những chi tiết về nữ giáo chủ của đạo Shaker và sinh hoạt hàng ngày của tín hữu, theo tôi, rất kỳ thú. Tên Shaker được dùng trong nhân gian vì giáo phái này khi cầu nguyện, nhất là ở thời nguyên sơ sang đến cuối thế kỷ 19, nhảy múa ca hát như lên đồng. Chữ Shaker tôi dịch sang tiếng Việt là Đạo Lắc.

Phong Trào Thức Tỉnh Tôn Giáo

Khoảng giữa Thế Kỷ 18 sang Thế Kỷ 19, các phong trào Tỉnh Thức Tôn Giáo (Great Awakening) được khởi sắc khắp nơi tại Vương Quốc Anh và Hoa Kỳ. Một số nhóm Tỉnh Thức Tôn Giáo bên Âu Châu nghĩ rằng Hoa Kỳ là miền đất hứa để thành lập những cộng đoàn thiên đường (utopian). Trong những nhóm này có Hiệp Hội Tín Hữu Ngày Tái Lâm Của Đức Jesus Christ (The United Society of Believers in Christ’s Second Appearing) do Nữ Giáo Chủ Ann Lee sáng lập. Sau khi di cư sang Hoa Kỳ một thời gian ngắn, giáo hội này đã có khoảng 6,000 tín hữu trước cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865). Tuy nhiên, vì tin vào chủ thuyết độc thân nên giáo phái này coi như sắp bị tuyệt chủng. Đến nay (thế kỷ 21) chỉ còn lại hai tín đồ cuối cùng và cả hai đang ở tuổi già.
Các giáo phái tin vào sự tái lâm (Trở lại kiếp người) của Đức Giê Su (Người đã bị đóng đinh, chết, sống lại, về Thiên Đàng, Kinh Thánh Tân Ước – the New Testament) để thống trị địa cầu thêm ngàn năm cho đến tận thế được nẩy sinh trong chiều hướng nhấn mạnh vào sự liên hệ trực tiếp và sâu đậm giữa tín hữu và Thiên Chúa, chẳng cần phải qua cha cụ hay các nghi lễ rườm rà trống rỗng. Ở Hoa Kỳ, thời gian này phong trào rao giảng tin mừng sôi động bên ngoài nhà thờ và các buổi cầu nguyện tập thể đã thu hút hàng chục ngàn người tham dự những buổi giảng thuyết và cầu nguyện nơi công viên, nông trại, hay các địa điểm công cộng. Có những buổi cầu nguyện ngoài trời đã đưa hàng ngàn người rơi vào trạng thái xuất thần. Họ la hò, ca hát, nhảy múa và nhiều người đã té nhào xuống đất vì xuất thần.
Dường như các tôn giáo chính thống và các phong trào tôn giáo cải biên cho đến thế kỷ 18 vẫn do đàn ông làm thủ lãnh nên sự xuất hiện của Nữ Giáo Chủ lãnh đạo một giáo phái ở thế kỷ 18 là chuyện khó tưởng. Xã hội thời ấy ví phụ nữ có khả năng lãnh đạo như con chó tập đi thẳng lưng bằng hai cẳng sau. Tuy vậy, Giáo Chủ Ann Lee đã trở thành thủ lãnh giáo phái mới trong thời gian rất ngắn. Bà là người phản (bất) phục (nonconformist), không tuân theo truyền thống hay tục lệ cổ hủ. Bà tự ly khai khỏi Anh Giáo vì không muốn ép mình vào những khuôn khổ bảo thủ. Con người bà toả ra bản lãnh đầy uy tín dễ dàng thu hút, lôi cuốn người chung quanh. Bà là một nhà canh tân tôn giáo và xã hội. Điều này phản ánh qua nhân sinh quan của giáo phái Shaker bằng sự yêu chuộng hoà bình, phá bỏ chế độ nô lệ, coi trọng nam nữ bình quyền, chủ trương sở hữu tập thể (cộng sản), và thực hành đời sống đồng trinh.
Ta có thể suy luận rằng phong trào Thức Tỉnh tôn giáo ở thế kỷ 18 tại Hoa kỳ đã đóng góp vào nền độc lập của quốc gia này bằng cách khuyến khích con người thoát ly khỏi ràng buộc từ tôn giáo đến sự đô hộ của Vương Quốc Anh. Tương tự như tín hữu của nhiều giáo phái ly khai khỏi sự kiềm chế của các tổ chức tôn giáo truyền thống, tín đồ Đạo Lắc tự tìm đến Thiên Chúa theo lương tâm của mình chứ không bị ràng buộc vào sự kiểm soát của hàng giáo sĩ thủ cựu hay các nghi thức lâu đời nhàm chán. Quan niệm tự do biểu lộ niềm tin tôn giáo giúp người Hoa Kỳ tranh đấu dành độc lập.

Giáo Chủ Đạo Lắc Là Ai?

Giáo chủ Ann Lee, sinh năm 1736 tại thị xã Manchester. Cha làm nghề thợ rèn (blacksmith), gia đình nghèo nên không được đi học và cả đời mù chữ. Năm lên tám bà đã phải đi làm để giúp gia đình. Cha bà bắt ép bà lập gia đình với người thanh niên tên Abraham Standerin, một học trò thợ rèn của ông. Năm bà vừa 22 tuổi, bà tìm được đường đi cho đời sống tâm linh bằng việc gia nhập phong trào “Shaking Quakers” do vợ chồng ông bà James-Jane Wardley sáng lập. Vợ chồng ông bà Wardley là cựu tín đồ giáo phái Quakers (Society of Friends, Hiệp Hội Bằng Hữu) nên việc sinh hoạt tôn giáo của họ vẫn còn chịu ảnh hưởng giáo phái Quakers về quan niệm liên hệ nội tâm giữa con người và Thiên Chúa không qua trung gian của hàng giáo sĩ hay nghi lễ tôn giáo truyền thống. Nhóm tín hữu theo vợ chồng ông bà Wardley cũng bị ảnh hưởng giáo hội Tin Lành Camisards từ Pháp sang Anh tỵ nạn tôn giáo vì chống lại chủ trương nâng đạo Công Giáo thành Quốc Giáo của vua Louis XIV. Ở Pháp thời gian này các tín hữu Tin Lành bị đàn áp tối đa. Họ bị ngược đãi và có thể bị tử hình nếu không bỏ đạo để theo Công Giáo. Tín hữu theo giáo phái Camisards chủ trương khẩu nguyện xuất thần và khi thần khí nhập thân xác, tín hữu có thể nói tiên tri. Khi tín hữu rơi vào trạng thái xuất thần lúc cầu nguyện, họ có thể la hét, nhảy múa, nói ú ớ, hay phát ngôn các tiếng lạ. Việc cầu nguyện xuất thần sống động này được cộng đoàn tín hữu của ông bà Wardley thực hành. Cộng đoàn này cũng tin rằng ngày tái lâm của Đức Giê-Su đang gần kề và Ngôi Thứ Hai (Đức Giê Su có lưỡng tính nam-nữ). Như vậy khi Đức Giê-Su tái lâm, ngài đương nhiên sẽ là một phụ nữ. Khi cầu nguyện họ ngồi trong thinh lặng chờ đợi Thánh Linh nhập thần, rồi mỗi người tự thú tội của mình, tiếp đến là uốn người, múa tay, dậm chân mạnh bạo, hát ca, la hò, nói tiên tri, và việc này thường do phụ nữ đảm trách. Bà Ann Lee dường như tìm ra con đường giải thoát qua sinh hoạt đức tin với cộng đoàn này. Nhân cách của bà thu phục được sự kính nể của nhiều tín hữu trong cộng đoàn và dường như ai cũng đặt kỳ vọng về một điều gì rất đặc biệt sẽ được biểu lộ ra từ bà. Trong thời gian ngắn bà đã được tín nhiệm và được nâng lên làm thủ lãnh của hội thánh ly khai mới có tên chính thức là “The United Society of Believers in Christ Second Appearing.” Bà công bố Thiên Chúa có lưỡng tính hay Thiên Chúa vừa là nam và là nữ. Điều kiện tất yếu để được ơn cứu độ là không “làm tình” hay không liên hệ ái ân thân xác nam nữ. Tín hữu phải tuyệt đối sống cả đời độc thân. Đức tin và lối sống dị biệt của giáo phái đã khiến bà bị ngồi tù nhiều lần. Trong tù bà được thị kiến rằng bà chính là hiện thân của Đức Giê-Su Ky-Tô. Tín đồ của bà đã công nhận bà là “Mẹ Ky-Tô” (Mother in Christ). Giáo chủ Ann Lee mù chữ nên tất cả giáo huấn của bà chỉ được kể lại bằng lời của những chứng nhân đã sống chung với bà.

Kinh Nghiệm Bi Tráng

Sau khi lập gia đình với ông Standerine, bà sinh được 4 người con, cả bốn đều qua đời lúc sơ sinh. Đây là điều thật vô phước cho một phụ nữ ở thế kỷ 18. Bà bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng, quên ăn, mất ngủ kinh niên. Bà bị dằn vặt về sự chết của các con và đã trằn trọc ngày đêm tìm câu trả lời cho mình. Có lẽ bà đã nghĩ rằng Thiên Chúa giáng tai hoạ xuống bà vì sự liên hệ tình dục với chồng. Chưa ai phân tâm giải thích việc này, nhưng tôi cắt nghĩa theo kiểu suy đoán rằng bà đã tự giải thích nguyên do các con bà phải chết là do sự ham muốn tình dục của bà. Bởi vậy, bà nghĩ rằng khi làm tình với chồng, bà chỉ chú tâm vào việc hưởng lạc quá mức nên Chúa Phạt bắt các con bà phải chết để cảnh cáo bà? Từ đấy, bà quyết định không ăn nằm với chồng nữa vì bà xem liên hệ tình dục là tội. Bà đưa ra tín điều nam nữ thọ thọ bất thân và coi việc làm tình là tội Nguyên Tổ của loài người do Adam ham mê sắc đẹp của Eve nên Thiên Chúa đuổi khỏi địa đàng và bắt mang thân phận loài phải chết. Câu chuyện trong Kinh Thánh Cổ của Thiên Chúa Giáo thì kể khác về chi tiết tại sao Adam và Eve bị đuổi khỏi Địa Đàng.

Hành Trình Lập Đạo Tại Hoa Kỳ

Chuyện kể lại vào một chiều Thứ Bảy, ông James Whittaker, môn đệ nồng cốt của bà Ann Lee, chia sẻ với bà về thị kiến ông vừa linh nghiệm. Trong lúc xuất thần ông được nhìn thấy một cây cổ thụ ở Hoa Kỳ; lá trên cành rực sáng lên như một ngọn đuốc khổng lồ. Giáo chủ Ann Lee giải thích ý nghĩa thị kiến như một điềm báo rằng giáo hội Shaker sẽ được thành lập tại Hoa Kỳ. Bà sai môn đệ John Hocknell, người giàu có nhất trong nhóm, ra cảng Liverpool trong vùng lo tìm đường cho cả nhóm di cư sang Hoa Kỳ. Phố cảng Liverpool sau này là nơi phát sinh ra ban nhạc danh tiếng thế giới, the Beatles. Ômg John về thưa bà Ann rằng có con tàu tên Mariah sẽ nhổ neo sang Hoa Kỳ, nhưng trông rất tồi tàn, không biết có thể vượt Đại Tây Dương? Mẹ Ann Lee trấn an và quả quyết rằng Thiên Chúa sẽ gìn giữ con tàu vì có chúng ta đi chung cuộc hành trình này. Đúng ngày 10 Tháng 5, 1774, Giáo Chủ Ann Lee và tám môn đệ tiên phong xuống tàu Mariah hành trình đến miền đất hứa. Trong tám môn đệ này có chồng bà, anh bà, và một cháu gái của bà đi theo.
Vừa lên tàu, nhóm tín hữu Shakers làm hành khách và thuỷ thủ đoàn khó chịu vì cách họ sinh hoạt. Ngày nào họ cũng dẫn nhau lên bong tầu cầu nguyện ồn ào và nhảy múa như điên cuồng. Thuyền trưởng phải đe dọa và cấm họ cầu nguyện ồn ào. Ông còn đe doạ sẽ bắt quăng họ xuống biển. Nhưng bà Ann dõng dạc tuyên bố bà và các tín hữu chỉ tin và nghe lời Thiên Chúa, rồi cứ tiếp tục cầu nguyện mỗi ngày. Khi tầu ra khơi chưa được bao lâu thì gặp trận bão lớn. Mọi người trên tàu khiếp đảm, bà Ann Lee trấn an rằng Thiên Thần đã cho bà biết tàu sẽ vượt thoát gian nguy. Quả như lời bà nói, sóng biển êm lại và cơn bão cũng qua nhanh. Sau trận bão lớn ấy, vị thuyền trường để bà Ann và nhóm Shakers tự do cầu nguyện nhảy múa trên bong tầu.
Cuộc hành trình kéo dài 3 tháng ròng rã mới đến được cảng New York. Khi lên được New York, cả nhóm theo bà Ann lang thang tìm nhà ở. Lúc họ đến trước cửa một căn nhà có người đang ngồi ngoài hè hóng gió mát, bà Ann đại diện nhóm chào rồi dõng dạc tuyên bố:
“Thiên Chúa đã sai tôi sang Hoa Kỳ đi rao giảng tin mừng. Và thiên thần của Thiên Chúa truyền cho tôi dẫn những người đi với tôi đến căn nhà này ở trọ.”
Chủ nhà vui vẻ mời cả nhóm vào cho tạm dung. Sau vài ngày nghỉ ngơi, họ phân tán đi tìm việc làm trước khi đoàn tụ. Bà Ann ở lại làm người ở cho chủ nhà, và chồng bà cũng tìm được việc làm thợ rèn. Đến New York không lâu, ông Standerin tìm mọi cách xui bà bỏ lối sống dị biệt. Ông muốn hai người sống như vợ chồng và có liên hệ chăn gối bình thường. Ở cuối tuổi 30, lứa tuổi còn hừng hực thèm khát thoả mãn tình dục mà đêm nằm bên vợ không được cựa quạy thì làm sao ông chịu được. Bà khăng khăng không để ông va chạm gần gũi, và đêm nào cũng tìm mọi cách để tránh sự đòi hỏi của chồng. Một ngày kia ông Standerine đưa một cô gái điếm về nhà trọ và bảo bà Ann nếu không làm tình với ông như vợ chồng, ông sẽ bỏ bà theo cô gái điếm. Đương nhiên là bà Ann, dù chẳng muốn bỏ chồng, đã không làm theo ý. Chồng bà bỏ bà đi biệt tích từ đấy. Sau một thời gian ngắn, các môn đệ của bà đã mua đất để khởi sự xây dựng ngôi làng cộng sản đồng trinh đầu tiên tại Watervliet, thuộc hạt Albany, New York, Hoa Kỳ. Nơi đây cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của bà. Khách hành hương có thể tìm thăm ngôi mộ đơn sơ của bà tại đây.

Thần Học Đạo Lắc – Shaker

Giáo hội Shaker có ba tôn chỉ, theo tiếng Anh thì 3 tôn chỉ này đều bắt đàu bằng chữ C, nên được gọi là The Three (3) C’s: Celibacy (đồng trinh), Community (sống chung-cộng sản), and Confession (thú tội). Tín đồ của giáo hội Shaker phải sống đồng trinh, khước từ việc thoả mãn tình dục với người khác phái. Không có tài liệu nào nói về việc cấm các tín hữu Shaker tự giải quyết thèm muốn tình dục như việc thủ dâm. Mọi tín hữu phải từ bỏ tài sản cá nhân để sống chung trong một cộng đoàn với sở hữu tập thể, tất cả là của chung. Tín hữu phải tự tập thú nhận tội mình trực tiếp với Thiên Chúa, không qua trung gian của bất cứ ai. Như đã kể, giáo phái Shaker cũng phát nguồn từ Thiên Chúa Giáo, nhưng nền tảng thần học của đạo Shaker quy vào hai điểm chính: (a) Thiên Chúa có lưỡng tính nam và nữ, và (b) tội nguyên thuỷ của loài người là tội đam mê sắc dục. Tín điều thứ nhất nâng phái nữ ngang hàng với phái nam. Nếu Thiên Chúa vừa là phái nữ vừa là phái nam thì con người bình đẳng không còn nam trọng nữ khinh, quan niệm cổ hủ đã hằn sâu vào văn hoá nhân loại và nhất là văn hoá của các tôn giáo lớn trên thế giới.
Tổ phụ của loài người, theo Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo, là ngài Adam và ngài Eve. Dựa theo giáo lý của đạo Shaker, ngài Adam phạm tội không hẳn vì con rắn quỷ, nhưng chính vì mê sắc đẹp thân xác của Eve. Adam làm theo ý Eve ăn trái cấm vì muốn được thoả mãn xác thịt với Eve nên đã quên giao ước với Thiên Chúa và đã bị Thiên Chúa bắt mang thân phận loài bị chết. Tự nguyên thuỷ con người được tạo dựng để sống vĩnh cửu trong địa đàng. Nhưng vì ao ước được thoả mãn dục tính xác thịt nên con người bị chết. Muốn được ơn cứu độ khỏi sự chết đời đời, tín hữu không được liên hệ tình dục nam nữ, nói cách khác, việc làm tình là đầu mối của tội lỗi đưa con người vào sự chết thiên thu. Sống đồng trinh là con đường duy nhất cho tín đồ Shaker tìm được ơn cứu độ. Vì không phải là tín đồ Shaker nên tôi nghĩ rằng ông Adam đã phạm một tội đáng phạm. Nếu phải chọn lựa giữa sự sống bất tử trong địa đàng bên một tuyệt sắc giai nhân mà suốt đời chỉ được nhìn nàng thì tôi thà bị đuổi khỏi địa đàng như ngài Adam để yêu nàng dù chỉ một lần, rồi chết thiên thu, cũng toại nguyện ngàn năm.

Cầu Nguyện Bằng Ca Hát Và Nhảy Múa

Ở thời sơ khai, các tín hữu Shakers cầu nguyện bằng ca hát và nhảy múa tự do. Việc nhảy múa trong lúc cầu nguyện cũng là cách để tín hữu thư dãn giúp giảm bớt các thèm khát nhục dục. Động tác lắc lư cả người trong lúc cầu nguyện tượng trưng cho việc rũ bỏ tội lỗi khỏi thân xác. Khi giáo hội đã được tổ chức thành những ngôi làng quy mô, việc cầu nguyện được sắp xếp thứ tự và bài bản hơn. Các nhạc sĩ thánh ca của giáo hội đã sáng tác cả ngàn bài thánh ca cộng đồng để tín hứu vừa hát vừa nhảy múa theo các nhịp điệu luân lưu nếp nang. Không một giáo phái nào ở Hoa Kỳ có kho tàng thánh ca nhiều bằng giáo phái Shaker.
Vào ngày Chủ Nhật, tín hữu họp nhau tại hội trường hay nhà nguyện, nam nữ đối diện nhau, ngồi thinh lặng, sau khi nghe một đoạn Kinh Thánh, mọi người tự động đứng lên dọn ghế ngồi để có sàn nhảy rộng. Hai bên nam nữ đứng đối diện nhau trên sàn nhảy, họ vừa hát nguyện ca, vừa vỗ tay, đập chân xuống nền nhà, và đi theo đội hình tuỳ theo bài bát, nhưng tuyệt đối không cầm tay, hay ôm nhau. Nếu bạn đã tham đự một buổi khiêu vũ dân ca kiểu Square Dance của Hoa Kỳ, bạn biết rằng trong các buổi khiêu vũ tập thể, có một người dẫn tuồng hướng dẫn các cặp khiêu vũ đi theo những vũ hình đã được định sẵn cho mỗi phần của một bản nhạc khiêu vũ nên các vũ nhân theo nhau khiêu vũ rất nhịp nhàng. Trong buổi nguyện vũ (cầu nguyện trong lúc khiêu vũ) của giáo hội Shaker, mọi người đã thuộc nằm lòng những bài nguyện ca, và đội hình khiêu vũ theo từng phần của bài hát nên dù không có người nhắc tuồng, ai nấy cũng răm rắp theo nhau múa tay, dậm chân, vỗ tay rất nhịp nhàng trên sàn hội trường hay nhà nguyện. Ý nghĩa thần học của ca nguyện vũ là cầu nguyện không chỉ bằng lời, nhưng cần được thể hiện bằng toàn thân xác. Trong lúc ca nguyện vũ, Thánh Linh nhập vào từng tín hữu để thôi thúc họ kết hợp với Thiên Chúa cả hồn lẫn xác. Việc cầu nguyện bằng múa ca cũng thể hiện được sự cộng tác bình đẳng trong việc thờ phượng của từng cá nhân mà không hề phải qua trung gian của hàng tư tế như nhiều tôn giáo khác.
Cách cầu nguyện xuất thần này cũng được thực hiện ở một số nhà thờ của các giáo phái Thiên Chúa Giáo tại Hoa Kỳ ngày nay kể cả nhà thờ Công Giáo Việt Nam. Khoảng năm 2008 tôi đi công tác nghiên cứu hậu quả trận bão Katrina ở miền duyên hải vịnh Mễ Tây Cơ (the Gulf Coast of Mexico), từ New Orleans bang Louisiana sang Pascagoula, bang Mississippi. Trên chuyến du nghiên tôi ghé New Orleans vài ngày vừa thu thập dữ kiện vừa thăm một người bạn, Linh Mục Trần Cao Tường. Ông rủ tôi đến nhà thờ họ đạo Đức Mẹ Lên Trời, ở Avondale, LA dự buổi cầu nguyện vào tối Thứ Hai.
“Cậu đi nhà thờ tối thứ Hai nhá!”
“Thứ Hai ai mà đi nhà thờ?” Tôi ngập ngừng trả lời.
“Cậu cứ đến rồi biết.” Ông quả quyết.
Tôi nghĩ bụng mình là khách phương xa nên không từ chối được. Và tôi đã đến. Dù chưa đến giờ cầu nguyện, nhưng các hàng ghế đã gần kín người. Tôi chọn một chỗ ngồi ở hàng ghế cuối để dễ quan sát. Rồi rất bất ngờ, cả giáo đường vang lên nhạc Thánh Ca nhộn nhịp vui tươi. Giáo dân hát rộn ràng theo ca đoàn. Đến đoạn cuối buổi cầu nguyện, nhất là khi L.M. Tường cử hành nghi lễ tôn kính Thánh Thể, ông nâng cao Hào Quang (Ostensorium) đựng Bánh Thánh (người Công Giáo tin miếng bánh mỏng làm bằng bột mì sau khi được hiến tế trong Thánh Lễ đã trở thành xương thịt Đức Giê-Su Ki-Tô). Tôi ngạc nhiên khi nhìn ông đi qua đi lại, lắc lư theo tiếng chuông như người đang nhảy múa. Sau nghi lễ này, giáo dân của ông xếp hàng trên lối đi giữa nhà thờ (tôi quên họ đọc kinh hay hát), nhưng nhớ rõ là trong số người đứng giữa nhà thờ tối hôm ấy có nhiều người cứ tự nhiên lăn đùng ngã xuống nền nhà thờ (cũng may không ai bị thương tích). Đấy là buổi cầu nguyện sôi động vì giáo dân không chỉ đọc kinh và hát thánh ca nhưng còn biểu lộ đức tin của mình bằng hành động té nhào xuống đất khi được xuất thần. Kiểu cầu nguyện xuất thần này cũng na ná kiểu cầu nguyện của tín hữu Shakers hay đạo Lắc.
Trong phòng họp hay phòng cầu nguyện của tín hữu Shakers không có hình tượng tôn giáo, không có các cửa kính màu như các giáo đường Công Giáo. Không có linh mục hay thầy giảng, và cũng chẳng có bàn thờ. Thường chỉ có một chậu hoa tươi. Tường phòng họp cầu nguyện được sơn trắng, khung cửa sơn xanh, màu sắc thiên thanh tượng trưng cho thiên đàng. Như đã kể, không có đạo nào ở Hoa Kỳ đã sáng tác nhiều thánh ca hơn giáo phái Shaker, có lẽ vì họ có nhu cầu hát và múa trong lúc cầu nguyện nên cần có nhiều bài ca để bớt nhàm chán. Sau đây là bài nguyện vũ ca tiêu biểu của Đạo Lắc. Bài này do một vị trưởng thượng, Elder Joseph Brackett (1797-1882), sáng tác. Ông Brackett đã sống ở ngôi làng Shaker tên là Gorham, bang Maine. Bài “Những Món Quà Đơn Sơ” (Simple Gifts), đã được phổ biến rộng rãi bên ngoài các làng Đạo Lắc cả trăm năm nay, và vẫn còn được thu âm đến ngày nay.

Simple Gifts

‘Tis the gift to be simple,
‘Tis the gift to be free,
‘Tis the gift to come down where you ought to be,
And when we find ourselves in the place just right,
’Twill be in the valley of love and delight.

Refrain:
When true simplicity is gained,
To bow and to bend we shan’t (will not) be ashamed.
To turn, turn will be our delight,
‘Til by turning, turning we come round right.

Những Món Quà Đơn Sơ

Sống đơn sơ là một món quà
Sống tự do là một món quà
Đến đúng nơi là một món quà
Và khi tìm ra đúng chỗ
Nơi ấy là thung lũng tình yêu
Tràn ngập an vui

Điệp Khúc:
Khi tìm được chân lý đơn sơ này/
Chẳng ngại ngần chi/ uỗn oẹo/ cuồng quay
Quay ta quay/ vòng quanh/ vui say
Cứ quay/ cuồng quay/ ta sẽ theo nhịp ngay

Cách Tổ Chức Đời Sống Hàng Ngày

Từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 21, đã có 20 ngôi làng của tín hữu Shaker ở Hoa Kỳ, từ vùng Đông Bắc xuống Kentucky, rồi sang Indiana, và Ohio. Các ngôi làng đạo Shaker được kiến trúc theo hàng lối ngăn nắp, đơn giản, khang trang, thoáng, để tạo ra một không gian an bình thoải mái. Kiến trúc nhà ở của đạo Shaker nhằm vào tính đơn giản, không hoa hoè rườm rà, nhưng tiện nghi, thoải mái, và ấm cúng. Những ngôi làng cộng sinh Đạo Lắc đều là những ngôi làng kiểu mẫu, khang trang, ngăn nắp không đâu sánh được. Tín hữu sống trong những tổ hợp gọi là gia đình từ 50 đến 150 người. Đời sống trong các làng này mang tính cộng sản tinh ròng, có nghĩa là mọi người bình đẳng và chia chung sở hữu.
Khoảng năm 1843, một khách vãng lai làng Shaker đã kể lại rằng mùa hè, các tín hữu thức dậy 5:00 giờ sáng, mùa đông lúc 5:30 sáng. Khi chuông hiệu vang lên, trong vòng 10 phút mọi người đã ra khỏi giường. Các chị vội vã chia nhau xếp chăn màn cho cả chung cư và giường nào cũng tươm tất thứ tự. Khăn trải giường thẳng tắp như giường khách sạn hạng sang. Trong khi các chị thu xếp giường ngủ, các anh âm thầm đi làm công việc của mình. Người cho ngựa ăn, người vắt sữa bò, hay làm những công tác đã được giao phó. Đúng 7:00 giờ sáng, chuông báo điểm tâm, mọi người ngưng công việc đề dùng điểm tâm. Khoảng 7:10 , các chị và các anh xếp hai hàng lặng lẽ theo nhau vào phòng ăn, nam một bên nữ một bên. Khi mọi người đã đứng vào chỗ của mình, một vị cao niên ra hiệu và mọi người quỳ xuống đất cầu nguyện khoảng 2 phút trong im lặng đến khi vị cao niên ra dấu hiệu cho cộng đoàn đứng lên, ngồi vào bàn và bắt đầu bữa ăn sáng trong thinh lặng. Sau bữa ăn họ tiếp tục công việc hàng ngày cho đến giờ ăn trưa. Rồi cứ thế, sau bữa trưa trong im lặng, lại tiếp tục làm việc đến giờ cơm tối. Sau cơm tối, ai lo việc chăn nuôi hay đồng áng, tiếp tục làm những việc quen thuộc như đóng của chuồng bò, hay cất nông cụ vào nhà kho. Đúng 8:00 giờ, cộng đoàn họp nhau tại phòng họp cầu nguyện rồi âm thầm về giường ngủ lúc 9:00 tối. Sinh hoạt hàng ngày của các ngôi làng đạo lắc không khác gì sinh hoạt trong các tu viện Thiên Chúa Giáo.

Những Phát Minh Của Tín Hữu Đạo Lắc

Tín hữu Shakers có tinh thần sáng tạo cao, và họ luôn tìm cách phát minh những dụng cụ hay máy móc để nâng cao đời sống và tăng thêm kết quả của lao động. Tất cả đồ dùng trong nhà đều được các tín hữu tự sáng chế từ máy giặt quần áo, đến cái kẹp gỗ dùng để kẹp quần áo phơi trên giây đeo cho khỏi rơi. Một phát minh thông dụng mà dường như khắp thế giới ngày nay nhà nào cũng sử dụng là cái chổi lưỡi ngang. Tôi nhớ ở quê tôi ngày xưa, cái chổi được làm bằng một bó rạ khô, lá cỏ tranh khô, hay một loại cành lá khô, có hình dạng như một cái đuôi, chứ không có lưỡi ngang như cái chổi ta mua ở tiệm gia cụ bây giờ. Một phát minh quan trọng và thông dụng là lưỡi cưa gỗ hình tròn vào khoảng cuối thế 19 do chị Tabithan Babbitt, một thành viên trong ngôi làng Shaker ở Harvard, bang Massachusetts, cách xa Boston khoảng 60 cây số hay gần một giờ lái xe, đã có sáng kiến chế tạo lưỡi cưa gỗ hình tròn để giúp các huynh đệ của chị xẻ gỗ làm mộc dễ dàng và và công hiệu hơn. Ngày nay các máy cưa điện có lưỡi hình tròn bán ở các cửa hàng gia dụng được dựa theo sáng kiến phát minh của chị Tabithan. Chị còn sáng chế ra cách làm răng giả, và cái xe rùa có guồng quay để rải hạt giống trong vườn. Có lẽ nhiều người ở vùng giá lạnh như tôi thời còn ở Boston đều mua một xe rùa có guồng quay để rải muối chống băng đá trên ngõ hay lối đi ven nhà vào mùa Đông. Máy giặt quần áo đầu tiên tại Hoa Kỳ cũng được tín hữu Đạo Lắc phát minh. Họ đã cho triển lãm máy giặt quần áo ở hội chợ thương mại Philadelphia năm 1875. Ngay sau đó nhiều khách sạn hay các cơ sở lớn tại Hoa Kỳ đã đặt mua máy giặt quần áo do tín hữu Shaker phát minh.
Sinh hoạt của các ngôi làng Shakers hoàn toàn biệt lập với xã hội dù họ vẫn phải tương giao với thế giới bên ngoài vì kinh tế. Đời sống trong các làng Shakers là đời sống cộng sản tuyệt đối. Không ai sở hữu tiền bạc hay tài sản gì. Làm chung, sống chung, chia sẻ cơm áo chung. Kim chỉ nam của các tín hữu là tay làm việc, hồn hướng về Thiên Chúa. Sinh hoạt hàng ngày là lao động và cầu nguyện. Nếu bạn ghé thăm một tu viện Công Giáo theo truyền thống thánh Benedict bạn sẽ thấy khẩu hiệu “Ora et Labora“ (“Cầu nguyện và Lao Động”) trong các tu viện này. Thời niên thiếu tôi được ăn học ở tu Viện Châu Sơn, Đơn Dương, Lâm Đồng và đã chứng kiến các tu sĩ đọc kinh và làm việc liên lỉ trong im lặng. Đời sống các tu sĩ như ở Châu Sơn có vẻ dễ dàng hơn là đời sống các tín hữu trong các ngôi làng Shakers. Dù cả hai đời sống đều chuyên vào cầu nguyện và lao động. Các tu sĩ như ở tu viện Châu Sơn hoàn toàn là nam tu sĩ. Trong các làng Shakers, tín hữu nam nữ sống chung, ăn chung nhưng hoàn toàn phải độc thân, không được liên hệ tình cảm trai gái. Giả như mình có yêu thầm cô nào mà cứ gặp nhau hàng ngày thì chịu sao nổi? Chắc chắn đã có nhiều cặp tín hữu Shaker lén lút yêu nhau, nhưng tôi tìm không ra thống kê hay dữ kiện về những vụ phá rào của tín hữu Đạo Lắc.
Ở chung nên họ phải vệ sinh, gọn gàng, vì thiên đàng không có bụi bặm. Đơn giản là triết lý sống và hành động của tín đồ Đạo Lắc, được thể hiện từ việc tổ chức đời sống đến công việc làm. Tín hữu Shakers nghĩ là mỗi ngày họ sống, họ sống như đang sống cả ngàn năm nên họ làm việc từ tốn cẩn thận đến nơi đến chốn, từ việc bỏ giờ đóng bàn ghế gia dụng đến chăn nuôi làm vườn.
Vào đầu thế kỷ 20, các cộng đoàn Shakers dần già phải đóng cửa vì không còn tín hữu. Nền tảng xã hội Hoa Kỳ thay đổi theo đà phát triển kỹ nghệ và khoa học. Đời sống kinh tế và an sinh xã hội đã giải phóng dân chúng khỏi cảnh đói nghèo của thế kỷ 19. Tư duy con người trở nên độc lập hơn và ảnh hưởng của tôn giáo càng ngày càng suy sụp. Các tôn giáo khác vẫn còn tín hữu, nhưng giáo phái Shaker càng ngày càng thưa thớt giáo dân vì chủ chương sống đồng trinh. Tre già, nhưng không có măng mọc. Dù giáo phái đã nhận nuôi trẻ mồ côi, nhất là thời Nam Bắc nội chiến, nhưng không chủ trương ép các trẻ mồ côi phải theo giáo phái. Khi các em đủ tuổi sống tự lập, 21 tuổi, các em có quyền bỏ ra đi mà không mang mặc cảm của người bỏ đạo hay phản đạo. Giáo lý Shaker nhấn mạnh vào việc mỗi cá nhân phải tự chọn con đường đức tin cho mình.

Hai Tín Đồ Cuối Cùng

Một Góc Làng Sabbathday Lake (hình phải)

Sang thế kỷ 21, chỉ còn lại hai tín hữu Shakers hiện đang sống trong cộng đoàn Sabbathday Lake Shaker Community ở New Gloucester, bang Maine. Ông Arnold Hadd là người đàn ông cuối cùng của đạo Shaker, năm nay vừa ngoài 60 tuổi. Người phụ nữ cuối cùng của đạo Shaker là bà June Carpenter cũng đã gần 80. Hai tín hữu này vẫn tin rằng theo lời tiên tri của Mẹ Ann Lee thì giáo hội Shaker sẽ có thời gian chỉ còn lưa thưa vài người không đủ đếm trên 10 ngón tay, nhưng rồi sẽ hoàn sinh. Ông Arnold Hadd rất tự tin và lạc quan về tương lại Đạo Lắc. Ngôi làng này vẫn nhận người đến tìm hiểu để đi theo chân Mẹ Ann, sống đồng trinh, đơn sơ, và cầu nguyện. Nhưng theo ông Hadd, người đến ở thử thì nhiều, nhưng ở lại thì chưa có ai. Hàng ngày ông Arnold và bà June vẫn thức dậy sớm, tự suy gẫm cầu nguyện một mình. Đúng 7:30 chuông hiệu điểm tâm. Sau điểm tâm là giờ cầu nguyện sáng lúc 8:00. Thường thì họ đọc hai bài Thánh Vịnh (Psalms), một đoạn Kinh Thánh, ngồi im lặng suy niệm, rồi kết thúc buổi cầu nguyện bằng một bài nguyện ca. Đúng 8:30 ai nấy tự lo làm công tác hàng ngày của mình. Giờ cầu nguyện trưa bắt đầu lúc 11:30. Bữa ăn chính trong ngày bắt đầu lúc 12:00 giờ. Đúng 1:00 ai nấy tiếp tục đi làm, không ngủ trưa như tu sĩ của nhiều tu viện Công Giáo. Bữa cơm chiều nhẹ bắt đầu lúc 5:30. Tối Thứ Tư mỗi tuần có buổi cầu nguyện lúc 5:00 và học đạo. Sáng Chủ Nhật có giờ cầu nguyện cho khách đến tham dự lúc 10:00 giờ. Đây là buổi cầu nguyện duy nhất trong tuần có khách tham dự.

Bạn có thể nghĩ rằng tín hữu Đạo Lắc là những người mê muội. Nhưng ta dựa vào gì để kết luận như vậy? Tôn giáo cho ta con đường giải thoát khỏi ám ảnh và bế tắc của hư vô. Cuối cùng thì câu trả lời nào hợp với tri thức của ta, ắt nhiên là câu trả lời đúng. Chân lý được thể hiện qua đời sống của tín hữu Đạo Lắc là sự bình đẳng giữa con người. Thượng Đế không chỉ là đàn ông như nhiều tôn giáo trên thế giới đã gọi là Ông Trời, Thiên Chúa, Đức Allah, hay Ngọc Hoàng, nhưng đối với tín hữu Shakers, Thiên Chúa là sự hợp tác của cả Nam và Nữ. Con người không cần đến ai làm trung gian với Thượng Đế, mỗi người có thể đi vào trái tim Thượng Đế qua sự cầu nguyện và đời sống hàng ngày. Tôi cũng mong cho sự lạc quan của hai tín hữu Đạo lắc còn sót lại là đúng. Vì thế giới hôm nay cũng cần có nhữnng ngôi làng kiểu mẫu của Đạo Lắc để con người học sống hoà bình, tự do trong bình đẳng và bao dung.

Tác giả trước tiệm hàng lưu niệm (hình trái)

Tháng Hai 2018, tôi đưa vợ con đi thăm làng Sabbathday Lake Shaker Community ở New Gloucester, bang Maine. Đường từ nhà tôi đến ngôi làng Shaker này dài khoảng 140 dặm (225 km). Lái xe thong thả mất khoảng hai tiếng rưỡi giờ. Con đường dẫn vào trung tâm làng Shaker này chia ngôi làng thành hai, một bên là vườn táo chưa đến mùa trổ hoa lá, nom như khu vườn của những cội cây đã chết khô, một bên là những căn nhà còn sót lại. Trời mùa đông ở Main lạnh hơn Boston, tôi cho đậu xe tạm bên lề đường, trước cửa căn nhà cổ cũng là tiệm bán đồ lưu niệm của làng, nhưng tiệm đóng của tới mùa hè mới mở lại. Ra khỏi xe tôi đi dạo một vòng, hít thở không khí của ngôi làng tịch mịch, buồn tẻ. Tôi tìm đến ngôi nhà gạch đỏ có số địa chỉ chính của làng, bấm chuông, gõ cửa, nhưng không ai mở. Vừa rời được vài bước, tôi vội đi sát vào lề đường để tránh chiếc xe nhỏ cũ kỹ ngược chiều. Quay lại tôi thấy xe táp vào lề đường ngay trước của nhà tôi vừa gõ cửa. Bước đến gần xe, tôi thấy tài xế, một phụ nữ da trắng, khoảng trung niên, chị vội vã mở cửa xe bên khách ngồi và hỳ hục giúp người ngồi ra khỏi xe. Vì là người lạ mặt, không muốn gây hoang mang cho chị, tôi giơ tay chào rồi đứng yên. Một lúc sau, tôi thấy vị khách được chị giúp ra xe là một bà già nhỏ bé, phải chống nạng bốn chân để đi.
“Sister June!” Tôi buột miệng nói to và bước lại gần bà.
Bà ngưng lại, quay về phía tôi mỉm cười.
“Are you sister June?.” Tôi hỏi tiếp.
“Yes, I am.” Bà gật đầu trả lời.
Tôi xin chụp hình, nhưng bà từ chối. Chị tài xế giúp bà June vào nhà rồi trở ra xe. Tôi cố tình đứng đợi để hỏi chị vài thông tin về ngôi làng này dù trước khi đến tôi đã đọc và biết bà June là phụ nữ duy nhất của giáo phái Shaker còn sống sót. Sau một vài phút thăm hỏi ngắn ngủi, chị tài xế cho biết nếu tôi muốn vào thăm nội thất chính của làng thì phải trở lại lúc 10:00 giờ sáng Chủ Nhật. Đây là giờ duy nhất làng mở cửa để khách và dân địa phương vào tham dự cầu nguyện chung với Sister June và Brother Arnold Hadd, hai tín đồ cuối cùng của giáo phái Shaker. Tôi hứa với chị là sang mùa Xuân tôi sẽ ghé lại thăm làng và tham dự buổi cầu nguyện sáng Chủ Nhật.

Bạn vừa đọc đôi điều về đạo Shaker, về Nữ Giáo Chủ của đạo, và đời sống trong các ngôi làng cộng sản và đồng trinh tại Hoa Kỳ. Tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện về giáo phái Oneida do giáo chủ John Humphrey Noyes sáng lập. Ngược với tín điều của giáo phái Shaker rằng con người cần phải sống đồng trinh để được lên Thiên Đàng sau khi chết, giáo phái Oneida chủ chương con đường cứu rỗi là làm tình tối đa. Tín đồ giáo phái Oneida cũng sống chung, ăn chung theo tinh thần cộng sản nguyên thuỷ, nhưng điểm đặc biệt là họ được khuyến khích tự do ái ân. Thích ai là cứ ngỏ ý hẹn nhau để ái ân. Không ai là chồng hay vợ của ai. Mọi người là của chung. Việc tự do làm tình được xem như một bí tích để con người đạt được ơn cứu độ hay được lên Thiên Đàng. Tôi sẽ kể thêm nhiều chi tiết về giáo phái này cho bạn đọc trong bài kế tiếp.

Danh Sách Những Ngôi Làng Đạo Lắc – Shaker

• Watervliet, New York: 1787-1938
• Mount Lebanon, New York: 1787-1947
• Hancock, Massachusetts: 1790-1960
• Harvard, Massachusetts: 1791-1918
• Enfield, Connecticut: 1790-1917
• Tyringham, Massachusetts: 1792-1875
• Alfred, Maine: 1793-1932
• Canterbury, New Hampshire: 1792 -?
• Enfield, New Hampshire: 1793-1923
• Sabbathday Lake, Maine: 1794-Present
• Shirley, Massachusetts: 1793-1908
• Gorham, Maine: 1808-1819
• West Union (Busro), Indiana: 1810-1827
• South Union, Kentucky: 1807-1922
• Union Village, Ohio: 1806-1912
• Watervliet, Ohio:1806-1910
• Pleasant Hill, Kentucky: 1806-1910
• Savoy, Massachusetts: 1817-1825
• Whitewater, Ohio: 1824-1916
• Sodus Bay, New York: 1826-1836
• Groveland, New York: 1836-1895
• North Union, Ohio: 1822-1889
• Narcoossee, Florida: 1896-1911
• White Oak, Georgia: 1896-1902

Trần Thu Miên

LTG: Bài này là một trong các bài tác giả viết về những câu chuyện hay sự kiện lịch sử và xã hội đã xảy tại Hoa Kỳ nhưng ít được nhắc đến và sẽ cho in thành sách với tựa đề “Nhìn Sau Lưng Nước Mỹ.”

Tài Liệu Tìm Hiểu Thêm:

– Hogan, K. M. (n.d.) The Shakers. University of Virginia. Retrieved from
http://xroads.virginia.edu/~hyper/hns/cities/shakers.html

– Larbi, O. (2002). The Shakers. Smith College. Retrieved from
https://www.smith.edu/hsc/silk/papers/larbi.html

– National Park Service. (n.d.). Utopias. Shaker Historic Trail. Retrieved from
https://www.nps.gov/nr/travel/shaker/utopias.htm

– WETA. (2002). About the Shakers. PBS. Retrieved from
http://www.pbs.org/kenburns/shakers/shakers/

– Kidd, T. D. (2008). The great awakening: a brief history with documents. Boston, MA: Bedford/St. Martin.

 

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*