Danh Ca Lệ Thu Qua Đời, Hưởng Thọ 78 Tuổi

Nữ danh ca Lệ Thu là một trong những tiếng hát nổi tiếng nhất tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. (Hình: Nguyễn Lập Hậu)

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Nữ danh ca Lệ Thu vừa qua đời vào lúc 7 giờ tối Thứ Sáu, 15 Tháng Giêng, sau một thời gian bị nhiễm COVID-19, ái nữ của bà xác nhận với nhật báo Người Việt.

Vì lý do riêng tư, ái nữ của danh ca không muốn nêu tên.

Trước đó, hôm 29 Tháng Mười Hai, 2020, ái nữ của nữ danh ca Lệ Thu kể: “Mẹ tôi nhiễm COVID-19 và được đưa vào bệnh viện MemorialCare Orange Coast Medical Center, Fountain Valley, khoảng ba tuần nay. Hiện nay, tình trạng sức khỏe mẹ tôi khả quan hơn, đang ăn uống để hồi sức.”

Cô kể tiếp: “Có lẽ mẹ tôi ăn đồ ngọt hơi nhiều, rồi nằm một chỗ, y tá cho biết lượng đường lên đến 400, phải điều trị, hơi phức tạp. Vì mệt quá, nên y tá không tập được, khó thở, nên bắt buộc phải thở bằng máy.”

Khi được hỏi mong mỏi điều gì nhất lúc này, ái nữ của nữ danh ca nói: “Tôi mong những người hâm mộ mẹ, nếu có nghĩ đến bà, xin cầu nguyện cho bà chóng qua khỏi. Nếu phải ra đi thì đi trong nhẹ nhàng. Cầu mong có một phép lạ nào đó cho bà chóng bình phục.”

Nữ danh ca Lệ Thu là một trong những tiếng hát nổi tiếng nhất tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, với các ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Đoàn Chuẩn-Từ Linh… như “Nước Mắt Mùa Thu,” “Mùa Thu Chết,” “Hạ Trắng,” “Thu Hát Cho Người”…

Theo Wikepedia, nữ danh ca Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh ngày 16 Tháng Bảy, 1943, tại Hải Phòng, trong gia đình có tám người con, nhưng trải qua thời thơ ấu ở Hà Đông.

Năm 1953, nữ danh ca cùng mẹ vào miền Nam sinh sống.

Trong khi đang theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers, vào năm 1959, trong một lần đến phòng trà Bồng Lai nghe nhạc, do sự khuyến khích của bạn bè, Lệ Thu bước lên sân khấu trình bày nhạc phẩm “Dang Dở.”

Ngay sau đó, ông chủ phòng trà mời Lệ Thu ký giao kèo biểu diễn. Cũng từ đó bà lấy nghệ danh Lệ Thu.

Trong một lần phỏng vấn, Lệ Thu trả lời: “Tôi lấy tên Lệ Thu vì tôi giấu gia đình. Thật ra tên đó nó không có trong tiềm thức của tôi nhưng tự nhiên nó bật ra, tôi không hiểu từ đâu.”

Sau khi nhận lời cộng tác với phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu vẫn tiếp tục đi học nhưng một thời gian sau quyết định nghỉ học để theo đuổi con đường ca hát.

Theo sau Bồng Lai, Lệ Thu cộng tác với Trúc Lâm Trà Thất của nhạc sĩ Mạnh Phát và kế đó là vũ trường Tự Do vào năm 1962. Thời kỳ đó Lệ Thu thường trình bày những nhạc phẩm lời Pháp và Anh, nổi bật nhất là các bản như “La Vie En Rose,” “A Certain Smile,” “La Mer,” “Love Is A Many Splendored Thing”…

Lệ Thu dần nổi tiếng và trở thành một ca sĩ quan trọng của các vũ trường lớn ở Sài Gòn. Trong những năm 1968 đến 1971, tiếng hát Lệ Thu là một trong những yếu tố đưa khách đến với các vũ trường Queen Bee, Tự Do, và Ritz.

Năm 1968, Lệ Thu về cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee.

Ngoài việc đi hát hàng đêm Lệ Thu còn ký giao kèo thu thanh băng nhạc cho Jo Marcel, khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát.

Đến giữa năm 1969, Lệ Thu cùng với chương trình Jo Marcel dời về vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo. Năm 1970 Lệ Thu trở lại với vũ trường Tự Do.

Lệ Thu cũng tham gia các chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội, và Mẹ Việt Nam, và thu âm cho nhiều băng nhạc.

Cùng với Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của Sài Gòn cho tới năm 1975.

Sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, Lệ Thu gia nhập đoàn kịch Kim Cương để đi trình diễn và hát.

Tháng Mười Một, 1979, Lệ Thu vượt biển đến Pulau Bidong, Malaysia, sau đó sang Mỹ vào giữa năm 1980.

Tại Hoa Kỳ, Lệ Thu tiếp tục đi hát, tái ngộ với khán giả trong một buổi trình diễn đặc biệt do nhạc sĩ Nam Lộc tổ chức tại Beverley Hills.

Sau đó bà cộng tác với nhiều vũ trường, và thực hiện băng nhạc đầu tiên ở hải ngoại, mang tên “Hát Trên Đường Tử Sinh,” và tiếp tục thu âm những bản nhạc từng làm bà nổi tiếng.

Sau này, bà có về Việt Nam hát một thời gian.

(Đ.D.)
Theo Người Việt online ngày 16/1/2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*