Cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ diễn ra từ hôm Thứ Ba 3 tháng 11 năm 2020 nhưng kết quả chính thức chỉ được công bố tại phiên họp khoáng đại lưỡng viện Quốc Hội vào đầu năm 2021, đúng hai tháng kể từ khi hãng thông tấn Associated Press ước đoán ứng cử viên Joe Biden có được 306 phiếu trong số 538 phiếu cử tri đoàn để hội đủ điều kiện đắc cử Tổng Thống. Và cuộc bầu cử đầy sóng gió này đã chỉ ngã ngũ sau một sự kiện gây chấn động dư luận nước Mỹ cũng như cả thế giới, đó là vụ tấn công vào trụ sở Quốc Hội liên bang của những người biểu tình ủng hộ Tổng Thống Donald Trump đòi lật ngược kết quả kiểm phiếu cử tri đoàn.
Sau khi hơn 50 vụ kiện được khởi động ở 6 tiểu bang chiến trường (Arizona, Nevada, Michigan, Wisconsin, Pennsylvania, Georgia) đều thất bại – vì bị các tòa án bác bỏ hoặc chính nguyên đơn rút lại đơn kiện do không chứng minh được hiện tượng “gian lận bầu cử” – chiến lược tối hậu của Tổng Thống Trump và các đồng minh của ông là lập biên bản bỏ phiếu của cử tri đoàn thuộc đảng Cộng Hòa tại 6 tiểu bang nói trên, nhằm mục đích dồn 79 phiếu cử tri đoàn cho Tổng Thống Trump có đủ số 270 phiếu cần thiết để đắc cử, và đòi Quốc Hội phải công nhận số phiếu cử tri đoàn này thay vì phiếu cử tri đoàn toàn quốc mà tất cả 50 tiểu bang đã biểu quyết công nhận hôm 14 tháng 12 – nói cách khác là lật ngược kết quả kiểm phiếu cử tri đoàn mang lại chiến thắng cho ông Joe Biden để chuyển chiến thắng qua cho Tổng Thống Trump.
Ít nhất 120 Dân Biểu đảng Cộng Hòa hưởng ứng cuộc vận động do Dân Biểu Mo Brooks (Alabama) chủ xướng, cho biết sẽ đứng ra phản đối việc xác nhận phiếu cử tri đoàn toàn quốc trong phiên khoáng đại lưỡng viện Quốc Hội ngày 6 tháng 1 do Phó Tổng Thống Mike Pence chủ tọa với tư cách Chủ Tịch Thượng Viện. Hôm Thứ Tư 30 tháng 12, Thượng Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa Josh Hawley (Missouri) loan báo sẽ hợp tác trong chiến lược này. Một vị Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa khác là ông Tommy Tuberville (vừa đắc cử tại Alabama) cũng cho biết sẽ hợp tác, bất chấp việc Thượng Nghị Sĩ Trưởng Khối Đa Số đảng Cộng Hòa Mitch McConnell đã liên lạc kêu gọi các vị dân cử cùng đảng không nên phản đối việc xác nhận phiếu cử tri đoàn toàn quốc, để tránh đưa đảng Cộng Hòa vào thế khó xử khi phải công khai bỏ phiếu chống lại Tổng Thống Trump.
Hai sự kiện được ghi nhận, chứng tỏ Tổng Thống Trump đã có những nỗ lực vào giờ chót với hy vọng có thể lật ngược kết quả bầu cử, mặc dù cử tri đoàn của 50 tiểu bang trên toàn quốc đã hoàn tất cuộc bỏ phiếu chính thức từ ngày 14 tháng 12 năm 2020:
– Ngày Thứ Bảy, 2 tháng 1, Tổng Thống Trump gọi điện thoại cho Bộ Trưởng Hành Chánh Brad Raffensperger của tiểu bang Georgia, yêu cầu thay đổi kết quả kiểm phiếu để đảo ngược phần thắng về cho ông, nhưng lời yêu cầu không được đáp ứng. Cuộc nói chuyện được thu âm cho thấy Tổng Thống Trump liên tục công kích, kể cả đe dọa hậu quả hình sự, rồi lại cố gắng nài nỉ Bộ Trưởng Raffensperger “sửa đổi” kết quả để ông có được số phiếu chính xác là 11,780 phiếu, tức hơn 1 phiếu so với con số 11,779 phiếu bầu của cử tri Georgia mà ông bị đối thủ Joe Biden dẫn trước.
– Trong buổi ăn trưa hàng tuần hôm Thứ Ba, 5 tháng 1, Tổng Thống Trump cố gắng thuyết phục Phó Tổng Thống Mike Pence dùng quyền Chủ Tọa phiên họp khoáng đại lưỡng viện Quốc Hội để bác bỏ và thay thế phiếu cử tri đoàn tại 6 tiểu bang chiến trường, nhưng nỗ lực này cũng thất bại. Phó Tổng Thống Pence gửi văn thư đến Quốc Hội, khẳng định ông chỉ có thẩm quyền giới hạn theo Hiến Pháp quy định: “Some believe that as Vice President, I should be able to accept or reject electoral votes unilaterally. Others believe that electoral votes should never be challenged in a Joint Session of Congress. After a careful study of our Constitution, our laws, and our history, I believe neither view is correct. It is my considered judgment that my oath to support and defend the Constitution constrains me from claiming unilateral authority to determine which electoral votes should be counted and which should not”.
NGƯỜI BIỂU TÌNH TẤN CÔNG QUỐC HỘI, THỦ ĐÔ D.C. GIỚI NGHIÊM
Hôm Thứ Ba 5 tháng 1, một ngày trước khi Quốc Hội khai mạc phiên khoáng đại, cả ngàn người đã từ nhiều tiểu bang kéo về tụ họp tại quảng trường Freedom Plaza (cách Tòa Bạch Ốc 1 block đường), chuẩn bị biểu tình tuần hành để bày tỏ sự ủng hộ Tổng Thống Donald Trump theo lời kêu gọi của ông trên mạng xã hội.
Hàng chục con đường chung quanh Tòa Bạch Ốc bị cấm lưu thông trong hai ngày liên tiếp, và một lực lượng Vệ Binh Quốc Gia được điều động để phối hợp với Cảnh Sát trong nhiệm vụ giữ gìn trật tự, ngăn chận các vụ xung đột giữa những người “bênh” và “chống” như đã từng xảy ra hồi tháng 12 năm ngoái. Cơ quan công lực dự đoán con số biểu tình lần này sẽ đông hơn, có thể lên tới cả chục ngàn người. Ngay từ chiều Thứ Ba đã có ít nhất hai người bị bắt về tội mang vũ khí, vi phạm quy định của chính quyền thủ đô D.C., và đến buổi tối lại thêm một số người bị bắt vì vượt hàng rào cảnh sát ở khu vực “Black Lives Matter Plaza”. Không khí căng thẳng khiến cho các cửa tiệm dọc theo đại lộ Pennsylvania phải ngưng hoạt động và hầu hết đều đóng ván ép che kín mặt tiền để khỏi bị đập phá.
Chiều Chủ Nhật, bà Thị Trưởng Muriel Bowser họp báo nói rằng có thể thủ đô D.C. phải ban hành lệnh giới nghiêm nếu xảy ra tình trạng bạo động, và kêu gọi dân chúng – đặc biệt là những người “phản biểu tình” (counter protesters) – nên tránh đi tới vùng downtown và tránh xung đột với các nhóm biểu tình ủng hộ Tổng Thống Trump.
Hôm Thứ Hai 4 tháng 1, tin tức cho biết thủ lãnh của nhóm biểu tình Proud Boys là Henry “Enrique” Tarrio bị bắt giữ, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi đáp máy bay từ Miami đến Washington. Sở Cảnh Sát phổ biến thông cáo cho biết ông Tarrio, 36 tuổi, bị truy tố về tội phá hoại tài sản vì đã đốt một biểu ngữ của nhóm Black Lives Matter ở nhà thờ Asbury United Methodist Church trong cuộc tập hợp ngày 12/12/2020. Ông Tarrio đã ra tòa hôm Thứ Ba và được cho tại ngoại chờ ngày xét xử, nhưng đồng thời bị tòa ra lệnh phải rời khỏi vùng thủ đô. Proud Boys là một tổ chức tổ chức cực hữu, đề cao chủ thuyết da trắng thượng đẳng và khuyến khích bạo động chính trị, nên nhiều thành viên bị Cơ Quan FBI theo dõi chặt chẽ.
Qua đến ngày Thứ Tư 6 tháng 1, một lực lượng Vệ Binh Quốc Gia cùng FBI và Cảnh Sát hỗn hợp vùng thủ đô được điều động tới để giải tán đoàn biểu tình sau khi họ tràn vào Điện Capitol gây náo loạn khiến phiên khoáng đại lưỡng viện Quốc Hội đầu năm 2021 bị gián đoạn, và nhân viên an ninh phải đưa các nhà lập pháp đến tạm lánh ở một địa điểm an toàn suốt mấy tiếng đồng hồ. Chính quyền Washington D.C. ban hành lệnh giới nghiêm từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng, và Thị Trưởng Muriel Bowser thông báo lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực đến hết ngày 21 tháng 1, tức sau khi kết thúc lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng Thống đắc cử.
Tin tức hình ảnh trên truyền hình và mạng xã hội cho thấy vào buổi trưa cả ngàn người đã tụ tập ở National Mall để nghe Tổng Thống Donald Trump phát biểu, sau đó họ kéo đến Capitol Hill theo lời kêu gọi của Tổng Thống và bắt đầu vượt qua hàng rào cảnh sát, đứng dọc theo các hành lang và tràn cả vào bên trong trụ sở Quốc Hội. Những người biểu tình, một số có mang vũ khí, hô to khẩu hiệu bày tỏ sự ủng hộ Tổng Thống Trump và đòi lật ngược kết quả bầu cử ngày 3 tháng 11 năm 2020 mà họ cho rằng đã xảy ra “gian lận” đưa tới chiến thắng của Tổng Thống đắc cử Joe Biden.
Phiên khoáng đại lưỡng viện đầu năm 2021 của Quốc Hội Hoa Kỳ khai mạc lúc 1 giờ trưa Thứ Tư với nghị trình chính thức là xác nhận các phiếu bầu mà cử tri đoàn tại 50 tiểu bang đã biểu quyết từ hôm 14 tháng 12, sau đó Phó Tổng Thống Mike Pence với tư cách Chủ Tịch Thượng Viện sẽ chính thức công bố kết quả cuộc bầu cử 2020. Tuy nhiên trước đó một số các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa gồm khoảng 120 Dân Biểu và 12 Thượng Nghị Sĩ cho biết họ sẽ phản đối phiếu bầu của cử tri đoàn ở 6 tiểu bang chiến trường (Arizona, Nevada, Michigan, Wisconsin, Pennsylvania, Georgia) và đòi Quốc Hội chấp thuận thay thế bằng phiếu bầu của cử tri đoàn thuộc đảng Cộng Hòa ở 6 tiểu bang này để Tổng Thống Trump hội đủ điều kiện đắc cử nhiệm kỳ hai.
Quốc Hội chỉ mới xác nhận được 12 phiếu cử tri đoàn của hai tiểu bang Alabama và Alaska theo mẫu tự ABC, chưa kịp bước sang tiểu bang thứ ba, thì phiên họp bị gián đoạn vì đoàn biểu tình tràn vào hành lang Quốc Hội, xung đột dữ dội với nhân viên an ninh và gây tình trạng căng thẳng kéo dài suốt mấy tiếng đồng hồ. Phó Tổng Thống Mike Pence, Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, Phó Tổng Thống đắc cử Kamala Harris cùng các nhà lập pháp lưỡng viện đã lập tức được nhân viên an ninh đưa đến tạm lánh ở các địa điểm an toàn. Cảnh sát phong tỏa toàn bộ trụ sở Quốc Hội.
Tin tức cho biết có nhiều tiếng súng nổ, một phụ nữ trong đoàn biểu tình trúng đạn và một số nhân viên cảnh sát bị thương. Phụ nữ này sau đó đã qua đời. Ngoài ra, ông Robert Contee, cảnh sát trưởng Washington DC, cho biết còn có ba người khác (1 nữ, 2 nam) chết vì hít nhằm hóa chất độc hại trong lúc hỗn loạn xảy ra.
Dân Biểu Nancy Pelosi và Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer phổ biến bản lên tiếng, yêu cầu Tổng Thống Donald Trump kêu gọi người biểu tình rời khỏi Điện Capitol ngay tức khắc. Tiếp theo đó, Tổng Thống đắc cử Joe Biden lên tiếng qua video trực tuyến từ tiểu bang Delaware, đưa ra lời yêu cầu tương tự đối với Tổng Thống Trump và gọi đám đông tấn công vào trụ sở Quốc Hội là những kẻ bạo loạn. Đồng thời 1,100 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ Binh Quốc Gia đã được điều động tới để sẵn sàng đối phó với tình hình.
Phó Tổng Thống Pence gửi tin nhắn trên mạng xã hội lúc 3 giờ 35 chiều: “Sự bạo động và phá hoại trong Điện Capitol phải ngừng lại. Những người đang có mặt hãy tôn trọng nhân viên công lực và rời khỏi đây ngay tức khắc. Biểu tình phản đối ôn hòa là quyền của mọi người dân Mỹ, nhưng sự tấn công vào trụ sở Quốc Hội như thế này sẽ không được tha thứ và tất cả những ai liên quan sẽ bị truy tố trước pháp luật”. (The violence and destruction taking place at the US Capitol Must Stop and it Must Stop Now. Anyone involved must respect Law Enforcement officers and immediately leave the building. Peaceful protest is the right of every American but this attack on our Capitol will not be tolerated and those involved will be prosecuted to the fullest extent of the law).
Khoảng 4 giờ chiều, Tổng Thống Trump gửi lên mạng xã hội một video ngắn từ Tòa Bạch Ốc để nhắn tin đến những người biểu tình với nội dung “Tôi hiểu tâm trạng đau đớn của các bạn trước cuộc bầu cử bị đánh cắp. Mọi người đều biết, và phía bên kia cũng biết là chúng ta đã thắng. Đây là một cuộc bầu cử gian lận, nhưng chúng ta không thể tạo cơ hội để họ đổ lỗi cho chúng ta. Chúng ta phải tôn trọng hòa bình, vì vậy các bạn hãy trở về nhà. Các bạn rất xứng đáng, và chúng tôi quý mến các bạn”. (I know your pain, I know you’re hurt. We had an election that was stolen from us. It was a landslide election and everyone knows it, especially the other side. This was a fraudulent election, but we can’t play into the hands of these people. We have to have peace, so go home. We love you, you’re very special).
Lệnh giới nghiêm bắt đầu được áp dụng từ 6 giờ chiều, và đến lúc đó các nhân viên công lực đã giải tán hầu hết những người có mặt trong khuôn viên Điện Capitol. Sở Cảnh Sát D.C. cho biết có 11 người bị bắt và không ai trong số đó là cư dân vùng thủ đô. Con số bị bắt sau đó tăng lên tới hơn 60 người, hầu hết vì lý do vi phạm lệnh giới nghiêm.
Nhiều nhân vật chính trị như cựu Tổng Thống George W. Bush, cựu Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr, Ngoại Trưởng Mike Pompeo, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Trưởng Khối Đa Số đảng Cộng Hòa), Dân Biểu Kevin McCarthy (Trưởng Khối Thiểu Số đảng Cộng Hòa) đồng loạt lên tiếng bày tỏ thái độ phẫn nộ trước vụ tấn công vào trụ sở Quốc Hội và lên án hành động vô pháp luật của những người biểu tình.
Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer, Thượng Nghị Sĩ Mitt Romney, Dân Biểu Liz Cheney, Dân Biểu Adam Kinzinger, Dân Biểu Mike Gallagher quy trách nhiệm cho Tổng Thống Trump đã khích động người biểu tình, đưa tới vụ hỗn loạn. Dân Biểu Ilhan Omar (đảng Dân Chủ, Minnesota) nói với báo chí là bà sẽ đệ trình một nghị quyết để yêu cầu Quốc Hội luận tội Tổng Thống Trump về vụ này trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào ngày 20 tháng 1.
QUỐC HỘI TIẾP TỤC PHIÊN HỌP KHOÁNG ĐẠI
Sau khi vụ bạo loạn kết thúc, các nhà lập pháp đã hội ý và đồng thanh quyết định Quốc Hội tiếp tục phiên họp khoáng đại lưỡng viện để xác nhận phiếu cử tri đoàn toàn quốc.
Lúc 7 giờ 49 phút tối Thứ Tư, Thượng Viện biểu quyết với tỷ số 93-6 (93 phiếu chống, 6 phiếu thuận), và Hạ Viện với tỷ số 303-121 (303 phiếu chống, 121 phiếu thuận), bác bỏ kiến nghị của hai nhà lập pháp đảng Cộng Hòa là Dân Biểu Paul Gosar (Arizona) và Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz (Texas) đòi hủy bỏ phiếu bầu của cử tri đoàn tiểu bang Arizona.
Tình hình cho thấy một số Thượng Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa thoạt đầu dự tính ủng hộ chiến lược phản đối nhưng sau khi vụ bạo loạn xảy ra đã thay đổi ý định, như Thượng Nghị Sĩ Steve Daines (Montana), Thượng Nghị Sĩ James Lankford (Oklahoma), và được chú ý nhiều nhất là Thượng Nghị Sĩ Kelly Loeffler (Georgia) qua lời tuyên bố rằng lương tâm không cho phép bà phản đối phiếu cử tri đoàn sau khi chứng kiến những kẻ bạo động tấn công thẳng vào trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ.
Tiếp theo đó, kiến nghị của các Dân Biểu đảng Cộng Hòa Jody Hice, Marjorie Taylor-Greene và Mo Brooks đòi hủy bỏ phiếu cử tri đoàn của ba tiểu bang chiến trường Georgia, Michigan và Nevada đều không được các Thượng Nghị Sĩ ký tên ủng hộ nên không hội đủ điều kiện để lưỡng viện Quốc Hội thảo luận.
Tuy nhiên, kiến nghị của Dân Biểu đảng Cộng Hòa Scott Perry đòi hủy bỏ phiếu cử tri đoàn của tiểu bang Pennsylvania được Thượng Nghị Sĩ Josh Hawley (Missouri) ký tên ủng hộ, nên Phó Tổng Thống Mike Pence tuyên bố tạm ngưng phiên họp khoáng đại, các cuộc thảo luận bắt đầu diễn ra và kéo dài đến 9 giờ 40 tối. Sau đó Thượng Viện biểu quyết với tỷ số 92-7 (92 phiếu chống, 7 phiếu thuận), và Hạ Viện biểu quyết với tỷ số 282-138 (282 phiếu chống, 138 phiếu thuận), bác bỏ kiến nghị về Pennsylvania. Các vị Thượng Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa bỏ phiếu thuận là: Ted Cruz (Texas), Josh Hawley (Missouri), Cindy Hyde-Smith (Mississippi), Cynthia Lummis (Wyoming), Roger Marshall (Kansas), Rick Scott (Florida) và Tommy Tuberville (Alabama).
Cuối cùng, Dân Biểu Cộng Hòa Louis Gohmert cho biết kiến nghị đòi hủy bỏ phiếu cử tri đoàn của tiểu bang chiến trường Wisconsin đã được một Thượng Nghị Sĩ ký tên ủng hộ nhưng sau đó vị Thượng Nghị Sĩ này rút lại chữ ký, nên không hội đủ điều kiện để lưỡng viện Quốc Hội thảo luận.
Cuộc xác nhận phiếu cử tri đoàn kết thúc. Phó Tổng Thống Mike Pence với tư cách Chủ Tịch Thượng Viện tuyên bố: Liên danh Donald Trump – Mike Pence có được 232 phiếu trong số 538 phiếu cử tri đoàn, trong khi liên danh Joe Biden – Kamala Harris có được 306 phiếu trong số 538 phiếu cử tri đoàn và hội đủ điều kiện luật định để đắc cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống Hoa Kỳ.
Sau nghi thức cầu nguyện, phiên họp khoáng đại lưỡng viện Quốc Hội kết thúc lúc 3 giờ 46 phút sáng Thứ Năm.
Lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng Thống đắc cử sẽ được cử hành theo lịch trình đã định vào ngày 20 tháng 1 năm 2021.
Sau khi phiên họp khoáng đại lưỡng viện Quốc Hội kết thúc, Tổng Thống Trump hôm Thứ Năm 7 tháng 1 đã phổ biến video thừa nhận sự chấm dứt nhiệm kỳ của ông và hứa hẹn một cuộc chuyển quyền êm thắm. Theo lời ông, “Mặc dù tôi hoàn toàn không đồng ý với kết quả bầu cử, và những sự kiện không diễn ra thuận lợi cho tôi, tuy nhiên sẽ có cuộc chuyển giao quyền hành trong trật tự vào ngày 20 tháng 1. Mặc dù điều này nói lên sự chấm dứt nhiệm kỳ đầu tiên vĩ đại nhất trong lịch sử tổng thống, nhưng đây chỉ là sự khởi đầu cuộc đấu tranh của chúng ta để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. (Even though I totally disagree with the outcome of the election, and the facts bear me out, nevertheless there will be an orderly transition on January 20th. While this represents the end of the greatest first term in presidential history, it’s only the beginning of our fight to Make America Great Again!)
Video được giám đốc truyền thông Dan Scavino của Tòa Bạch Ốc đưa lên mạng xã hội, vì cả hai tài khoản Twitter và Facebook của Tổng Thống Trump đã bị đóng sau vụ bạo loạn ở Quốc Hội Hoa Kỳ.
KẾT QUẢ BẦU CỬ QUỐC HỘI CŨNG NGÃ NGŨ, DÂN CHỦ NẮM ĐA SỐ Ở CẢ THƯỢNG VIỆN VÀ HẠ VIỆN
Một ngày trước khi Quốc Hội Hoa Kỳ khai mạc phiên họp khoáng đại lưỡng viện đầu năm 2021, tiểu bang Georgia cũng hoàn tất cuộc bầu cử vòng hai, đưa tới kết quả ngã ngũ về thế đa số tại tòa nhà lập pháp liên bang và cho thấy thắng lợi hoàn toàn nghiêng về đảng Dân Chủ
Một trong hai ứng cử viên Dân Chủ là mục sư Raphael Warnock vào lúc 1 giờ sáng Thứ Tư 06/01 đã tuyên bố thắng cử và ngỏ lời cảm ơn cử tri ủng hộ ông, mặc dù cuộc kiểm phiếu mới hoàn tất 98%. Kết quả cập nhật do hãng thông tấn AP ghi nhận lúc 2 giờ sáng cho thấy ông Warnock dẫn trước hơn 46,500 phiếu bầu và đạt tỷ lệ 50.4% so với 49.6% dành cho đối thủ đảng Cộng Hòa Kelly Loeffler, tuy nhiên bà Loeffler chưa lên tiếng thừa nhận thất bại.
Trong khi đó hai ứng cử viên Jon Ossoff của đảng Dân Chủ và David Perdue của đảng Cộng Hòa vẫn tiếp tục sát nút nhau, tuy số phiếu chênh lệch càng lúc càng nghiêng về phía ông Ossoff nhưng chỉ vào khoảng 8,500 phiếu, mãi đến trưa Thứ Tư 6 tháng 1 sau khi ủy ban bầu cử kiểm xong số phiếu còn lại, hãng thông tấn AP mới đưa ra ước đoán kết quả cho thấy ông Ossoff thắng với tỷ lệ 50.3% so với 49.7% dành cho đối thủ. Ông Perdue hiện đang tự cách ly vì nghi ngờ bị lây nhiễm Covid-19 và cũng chưa thừa nhận thất bại.
Hầu hết các phòng phiếu tại tiểu bang Georgia đều đóng cửa lúc 7 giờ chiều Thứ Ba, ngoại trừ ở một vài quận hạt được lệnh tòa án cho thêm khoảng nửa giờ. Phát ngôn viên văn phòng Bộ Trưởng Hành Chánh là ông Gabriel Sterling cho biết hai phòng phiếu của Chatham County mở cửa đến 7 giờ 33 và 7 giờ 35, phòng phiếu của Tift County mở cửa đến 7 giờ 40, và phòng phiếu của Lowndes County mở cửa đến 7 giờ 42. Theo luật bầu cử, mặc dù phòng phiếu đến giờ đóng cửa nhưng những cử tri còn đang xếp hàng vẫn được quyền vào bỏ phiếu.
Tưởng cần nhắc lại, sở dĩ tiểu bang Georgia phải tổ chức cuộc bầu cử vòng thứ nhì theo luật định, là vì ở vòng thứ nhất ngày 3 tháng 11 năm 2020, không có ứng cử viên nào hội đủ số phiếu trên 50%.
Trong cuộc chạy đua để giành hai ghế đại diện tiểu bang tại Thượng Viện Hoa Kỳ, hai Thượng Nghị Sĩ đương nhiệm đều thuộc đảng Cộng Hòa – bà Kelly Loeffler và ông David Purdue – đối đầu với hai ứng cử viên đảng Dân Chủ là mục sư Raphael Warnock và ông Jon Ossoff.
Ông David Perdue, 70 tuổi, là một doanh gia thành đạt, đắc cử Thượng Nghị Sĩ năm 2014 và tái tranh cử nhiêm kỳ hai. Đối thủ của ông là nhà báo Jon Ossoff, 33 tuổi, thành viên ban điều hành công ty truyền hình Insight TWI chuyên điều tra các vụ tham nhũng quốc tế. Nhà báo Ossoff bắt đầu nổi tiếng từ năm 2017, đặc biệt với giới trẻ, vì ông được đảng Dân Chủ đưa ra tranh cử Dân Biểu địa hạt 6 của Georgia và suýt chút nữa đã giành ghế của nữ Dân Biểu kỳ cựu đảng Cộng Hòa Karen Handel trong cuộc bầu cử vòng 2, chỉ thua bà Handel với tỷ lệ 3.6%.
Bà Kelly Loeffler, 49 tuổi, cũng là một doanh gia thành đạt, được Thống Đốc Brian Kemp chỉ định thay thế sau khi Thượng Nghị Sĩ Johnny Isakson từ nhiệm vì lý do sức khỏe, vì vậy bà Loeffler phải ứng cử để hoàn tất nhiệm kỳ của ông Isakson vào năm 2022. Đối thủ của bà là mục sư người da đen Raphael Warnock, 51 tuổi, thuộc hội thánh Tin Lành Ebenezer Baptist Church nổi tiếng tại thành phố Atlanta mà nhà lãnh tụ dân quyền Martin Luther King Jr. đã từng là mục sư quản nhiệm. Ông Warnock được nhiều nhân vật quan trọng của đảng Dân Chủ lên tiếng ủng hộ, như các cựu Tổng Thống Jimmy Carter, Barack Obama, các Thượng Nghị Sĩ Elizabeth Warren, Kirsten Gillibrand, Sherry Brown, Cory Booker, Bernie Sanders, v.v…
Cuộc tranh cử ở Georgia diễn ra vô cùng sôi nổi vì có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai đảng. Sau khi cử tri đoàn toàn quốc bỏ phiếu ngày 14 tháng 12 công nhận ông Joe Biden đắc cử Tổng Thống, đảng Dân Chủ lập tức khai thác mạnh mẽ ưu thế này để vận động cử tri, đặc biệt chú trọng đến thành phần người Mỹ da đen và giới trẻ, vì từ 2016 đến 2020 Georgia đã có thêm tới hơn 1 triệu cử tri mới ghi danh bầu cử, chứng tỏ năm nay sinh viên học sinh đi bầu rất đông. Trong khi đó đảng Cộng Hòa cũng phải nỗ lực tối đa để giữ thế đa số tại Thượng Viện, hầu duy trì sự thăng bằng của cán cân quyền lực trong bối cảnh đảng Dân Chủ làm chủ Tòa Bạch Ốc 4 năm sắp tới. Đảng Cộng Hòa chỉ cần thắng một trong hai ghế Thượng Nghị Sĩ là giữ được thế đa số như từ năm 2015 tới nay. Ngược lại, đảng Dân Chủ cần phải thắng cả hai ghế để ngang bằng đảng Cộng Hòa và chiếm lợi thế đa số – vì nếu tỷ số biểu quyết là 50/50 thì Phó Tổng Thống Kamala Harris sẽ bỏ lá phiếu quyết định với tư cách Chủ Tịch Thượng Viện.
Các chiến dịch vận động tranh cử được bắt đầu rất sớm và càng lúc càng sôi nổi. Chỉ riêng về mặt quảng cáo TV, bốn ứng cử viên đã trả cho các đài truyền hình địa phương ở Georgia khoảng $400 triệu dollars, đó là chưa kể những chiến dịch vận động trên mạng xã hội và qua điện thoại liên tục gọi đến tận nhà. Tin tức cuối tháng 12 ghi nhận ứng cử viên Jon Ossoff gây quỹ được 139.6 triệu dollars và ứng cử viên Raphael Warnock gây quỹ được $125.3 triệu dollars. Hai ứng cử viên đảng Cộng Hòa cũng chẳng thua kém bao nhiêu, ông David Perdue gây quỹ được $89.7 triệu dollars và bà Kelly Loeffler gây quỹ được $92.2 triệu dollars.
Do cuộc tranh cử mang tầm quan trọng đặc biệt vì sẽ ảnh hưởng đến vị trí quyền lực tại Thượng Viện nên cả Tổng Thống Donald Trump và Phó Tổng Thống Mike Pence đều tới Georgia để vận động cho hai ứng cử viên đảng Cộng Hòa, trong khi Tổng Thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng Thống đắc cử Kamala Harris cũng thay phiên nhau đến tận nơi tiếp xúc với cử tri ở các quận hạt chính của Georgia để vận động cho hai ứng cử viên đảng Dân Chủ.
Nhằm tránh rủi ro lây nhiễm trong lúc đại dịch vẫn lan tràn, cử tri được quyền “đi bầu sớm” kể từ ngày 14 tháng 12. Theo số liệu thống kê của cơ quan U.S. Elections Project thuộc đại học University of Florida thì tính đến ngày bầu cử 5 tháng 1, đã có hơn 3 triệu người bỏ phiếu sớm, chiếm gần 40% tổng số cử tri toàn tiểu bang Georgia. Trong số đi bầu sớm này, có 2,074,879 người trực tiếp tới phòng phiếu và 966,702 người bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Mặc dù số người bỏ phiếu sớm đông như vậy nhưng đến ngày 5 tháng 1 giới truyền thông vẫn ghi nhận hình ảnh các cử tri lũ lượt đến xếp hàng bên ngoài các phòng phiếu từ lúc sáng sớm. Phát ngôn viên văn phòng Bộ Trưởng Hành Chánh Gabriel Sterling trong cuộc họp báo sáng Thứ Ba ước đoán số cử tri đến phòng phiếu có thể vào khoảng từ 600,000 đến 1 triêu 100 ngàn người.
Kết quả bầu cử ngày 5 tháng 1, đặc biệt là chiến thắng của mục sư Warnock để trở thành Thượng Nghị Sĩ da đen đầu tiên trong lịch sử Georgia, là thêm một dấu hiệu cho thấy cục diện chính trị của miền Nam nước Mỹ – nơi khuynh hướng bảo thủ chiếm thượng phong từ mấy chục năm qua – đang thay đổi rất lớn, vì cử tri càng ngày càng đa dạng về mặt chủng tộc và phát triển về mặt văn hóa với số người tốt nghiệp đại học nhiều hơn. Trước đó, sự thay đổi này đã được chứng minh qua việc ông Joe Biden là ứng cử viên Tổng Thống đầu tiên của đảng Dân Chủ thắng phiếu tại tiểu bang Georgia kể từ năm 1992.
* Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NBC News, ABC News, USA Today ngày 7/1/2021
Be the first to comment