Anh Và Liên Hiệp Châu Âu Đạt Thỏa Thuận Cho Quan Hệ Hậu Brexit

Thủ tướng Anh Boris Johnson và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại Luân Đôn, Anh, ngày 08/01/2020 (Ảnh của REUTERS – TOBY MELVILLE)

Bảy ngày trước khi chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp của Brexit, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, trong ngày lễ Giáng Sinh 24/12/2020, đã tìm được một thỏa thuận quy định mối quan hệ thương mại trong tương lai.

Sau 10 tháng miệt mài đàm phán, Liên Hiệp Châu Âu và Vương Quốc Anh, vào chiều 24/12, đã thông báo đạt được một thỏa thuận lịch sử về quan hệ thương mại, tránh được kịch bản tai họa cho kinh tế của cả hai bên: Brexit không thỏa thuận.

Liên Âu cũng như Vương Quốc Anh ngay lập tức đánh giá đây là thắng lợi. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố trong cuộc họp báo: «Thỏa thuận này sẽ bảo vệ lợi ích của các nước châu Âu và đồng thời, theo tôi, cũng trong lợi ích của Vương Quốc Anh… Giờ đây chúng ta có thể để lại Brexit ở phía sau và hướng về tương lai». Thủ tướng Anh, Boris Johnson hứa hẹn Anh vẫn sẽ là «bạn», «đồng minh» và là «thị trường hàng đầu» của các nước Liên Hiệp Châu Âu.

Văn kiện thỏa thuận gồm tới 2000 trang được thương lượng trong suốt 10 tháng qua có rất nhiều chi tiết. Những trở ngại lớn đã được giải tỏa liên quan đến việc đánh bắt cá, và cách thức giải quyết bất đồng của hai bên và Anh được quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu.

Thông tín viên Pierre Benazet tại Bruxelles cho biết thêm chi tiết:

«Nhờ có thỏa thuận này, hàng hóa của Anh sẽ tiếp tục được vào thị trường chung châu Âu mà không bị đánh thuế hay theo hạn mức về số lượng.

Đó cũng chính là đề xuất ban đầu của Liên Hiệp Châu Âu đưa ra cho Vương Quốc Anh nhưng đổi lại, thỏa thuận cho các tàu đánh cá của các nước Liên Âu được đánh bắt trong vùng biển của Anh và mặt khác là thỏa thuận về những điều kiện cạnh tranh công bằng cũng như về một cơ chế giải quyết trong tương lai. Đó là khía cạnh căn bản.

Và cuối cùng, Liên Hiệp Châu Âu đã chấp nhận rút yêu cầu để Tòa án Tư pháp châu Âu là cơ quan phán xử cuối cùng các tranh chấp trong tương lai giữa Anh và Liên Âu. Thay vào đó, một hội đồng đối tác chung sẽ được giao làm trọng tài cho các bất đồng. Cấp cơ quan này can thiệp trong trường hợp khi một bên cho rằng bên kia vi phạm các điều kiện cạnh tranh, thí dụ như Anh trợ cấp cho một lĩnh vực cụ thể nào đó. Còn các nước châu Âu đồng ý trên nguyên tắc các biện pháp bồi thường kịp thời, giới hạn trong những lĩnh vực liên quan khi xảy ra bất đồng về các chuẩn mực sản phẩm trên phương diện kỹ thuật, môi trường xã hội chẳng hạn».

Thỏa thuận còn phải chờ được Nghị Viện Châu Âu cùng các nước thành viên EU và Quốc Hội Anh phê chuẩn để chính thức có hiệu lực. Nhìn thời gian từ nay đến hết năm không còn nhiều, thỏa thuận sẽ vẫn được coi là tạm thời áp dụng từ ngày 01/01/2021.

Dù sao thì 4 năm rưỡi sau cuộc trưng cầu dân ý tháng 06/2016 về Brexit, cuối cùng Anh Quốc và Liên Âu đã có cuộc chia tay tạm thời êm đẹp, tránh được những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế khi không có thỏa thuận quan hệ làm ăn trong tương lai.

Anh Vũ
Theo RFI tiếng Việt ngày 25/12/2020

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*