Tam Quyền Phân Lập Không Phải Là Lý Do Nền Cộng Hoà Mỹ Thoát Khỏi Tay Trump

(Theo minh họa của Annie Jen)

Vậy lý do thực sự là gì?

Người Mỹ được dạy rằng chức năng chính của bản Hiến Pháp là kiểm soát quyền hành pháp: ngăn chặn những tổng thống có thể tìm cách trở thành bạo chúa. Những nền dân chủ khác đã rơi vào chế độ độc tài (Cộng hoà La Mã, Cộng hoà Đức sau Thế chiến thứ I, Trung Hoa Dân Quốc và còn nữa), nhưng hệ thống tam quyền phân lập tinh vi trong Hiến Pháp, được thiết kế chủ yếu bởi James Madison, đã luôn bảo vệ chúng ta khỏi đi vào vết xe đổ đó.

Hoặc là chúng ta cứ tưởng như vậy. Tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, một người quyết liệt tìm cách hiện thực hoá ham muốn toàn trị của mình nhưng bị ngăn chặn hầu hết, cho thấy chúng ta nên xem xét lại quan điểm đó. Bởi vì hệ thống tam quyền phân lập của chúng ta, trong đó ba nhánh của chính quyền có quyền hạn để kiểm soát và tác động lẫn nhau, đã đóng vai trò nhỏ bé đến mức đáng thất vọng trong việc ngăn chặn ông Trump có được quyền lực vô hạn mà ông ta muốn.

Thứ thực sự cứu được nền Cộng hoà khỏi ông Trump là những quy củ hệ thống phi chính thức được các công tố viên liên bang, sĩ quan quân đội và quan chức bầu cử tiểu bang giữ vững. Có thể gọi những giá trị này là “bản Hiến Pháp bất thành văn”, mà dù gọi đó là gì thì những yếu tố này đã đóng vai trò quyết định trong việc giới hạn quyền lực hành pháp, chứ không phải hệ thống tam quyền phân lập.

Đúng là toà án các cấp, ở những thời điểm khác nhau, đã chế ngự xu hướng bạo ngược của ông Trump, như khi họ bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ của ông ta nhắm vào cuộc bầu cử và ngăn chặn nỗ lực nhằm huỷ bỏ chương trình DACA (1) không qua quy trình chuẩn mực. Nhưng trong những vụ án khác, như lệnh cấm du khách từ các quốc gia Hồi giáo, toà án các cấp đã cho thấy họ không muốn phán quyết vượt khỏi khuôn khổ để tìm ra động cơ vi hiến đằng sau. Nói đại khái hơn thì ông Trump thường hành động rất nhanh, trong khi các toà án lại vận hành chậm chạp, và điều này khiến toà án không thể phán xử được.

Một yếu tố thất bại lớn và quan trọng hơn nữa chính là Quốc hội. Ý đồ của Madison là Quốc hội phải đóng vai trò chủ đạo trong việc kiểm soát tổng thống. Tuy nhiên, thiết kế đó có một nhược điểm then chốt (như chính Madison đã nhận ra): dễ bị vô hiệu hoá bởi chính trị đảng phái. Hoá ra là, nếu đa số thành viên của ít nhất một trong lưỡng viện cho thấy sự trung thành với đảng của họ hơn với Quốc hội, Quốc hội sẽ không thể hoạt động như một chốt chặn đáng tin cậy với tổng thống cùng đảng. Đó là điều đã xảy ra với ông Trump và Thượng viện do đảng Cộng Hoà kiểm soát.

Đây là một vấn đề thâm căn cố đế, nhưng trong 4 năm qua nó đã bùng phát lan rộng dữ dội. Đối mặt với một tổng thống bất chấp luật lệ, các Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hoà đã dung túng cho ông ta làm gì thì làm, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Họ cho phép ông ta bổ nhiệm quan chức lâm thời để vận hành chính quyền (mà không cần Thượng viện phê chuẩn). Họ cho phép ông ta tiếm quyền tấn công Iran mà không cần Quốc hội cho phép. Quy trình luận tội tổng thống chỉ còn là cuộc đấu giữa hai đảng phái. Thượng viện đã mặc nhiên chấp nhận sự vượt quá thẩm quyền của nhánh hành pháp.

Thay vào đó, những ham muốn tồi tệ nhất của ông Trump đã bị vô hiệu hoá bởi ba trụ cột của “bản Hiến Pháp bất thành văn”. Thứ nhất là sự độc lập giữa tổng thống và bộ phận công tố hình sự liên bang (ngay cả khi Bộ Tư Pháp là một phần của hành pháp). Thứ hai là sự trung lập chính trị truyền thống của quân đội (ngay cả khi tổng thống là tổng tư lệnh tối cao của quân đội). Thứ ba là sự trung thực cá nhân của các quan chức quản lý bầu cử ở các tiểu bang.

Nếu như một trong những “bức tường lửa” này sụp đổ, Tổng thống Trump đã có thêm một nhiệm kỳ thứ hai và trở nên còn độc tài hơn nữa. Nhưng chúng đã đứng vững, và nền Cộng hoà nên cảm thấy biết ơn vì điều đó.

Hãy xem xét yếu tố tường chắn đầu tiên: sự độc lập công tố. Chức năng công tố của nhánh hành pháp không được đề cập trong Hiến Pháp, và nếu chỉ dựa vào chữ nghĩa được ghi trong đó – “Quyền hành pháp sẽ được giao phó cho một Tổng thống của Hợp Chúng Quốc” – một số người sẽ nghĩ (và một số khác thậm chí khăng khăng) rằng tổng thống có toàn quyền ra lệnh công tố viên liên bang làm theo ý ông ta. Ông Trump đã khẳng định ông có quyền này vào năm 2017 khi nói rằng “Tôi có quyền hành tuyệt đối để làm bất kỳ điều gì tôi muốn với Bộ Tư pháp.”

Nhưng từ lâu đã có một thông lệ bất thành văn rằng tổng thống không nên chi phối quyết định của các cơ quan thực thi pháp luật nói chung, và công tố hình sự nói riêng. Đó là lý do tại sao trong suốt mùa thu vừa qua các quan chức Bộ Tư pháp do ông Trump bổ nhiệm đã không công khai tuyên bố mở cuộc điều tra hình sự gia đình ông Biden như ông Trump đã thúc giục. Không người nào mà ông Trump bổ nhiệm muốn công khai điều tra ông Biden hay thành viên gia đình của ông ta, chứ đừng nói là ra quyết định truy tố hình sự hay kiện cáo dân sự.

Hãy tưởng tượng nếu Bộ Tư pháp tuân theo mệnh lệnh của Trump. Tưởng tượng nếu như họ truy tố hình sự ông Biden với tội danh lừa đảo như luật sư của ông Trump, Rudolph Giuliani, đòi hỏi. Cho dù ông Biden cuối cùng có thắng kiện đi chăng nữa, việc đương đầu với những cáo buộc đó trước công chúng, giữa một cuộc bầu cử, sẽ là một thảm hoạ cả về mặt chính trị lẫn tổ chức. “Bản Hiến Pháp bất thành văn” đã ngăn chặn đòn tấn công vào quy trình bầu cử này.

Sự độc lập công tố không chỉ giới hạn ở việc cự tuyệt truy tố đối lập chính trị của ông Trump, mà còn mở rộng đến mức truy tố cả đồng minh của ông ta. Trong 4 năm vừa qua, đã có sáu nhân vật thân cận của ông Trump bị kết án và bảy người bị truy tố, trong đó có cố vấn Steve Bannon, trưởng ban tranh cử Paul Manafort và luật sư riêng Michael Cohen. Hoàn toàn không thể tưởng tượng những cáo trạng đó có thể xảy ra trong một nhà nước độc tài.

Điều này không có nghĩa là Bộ trưởng Bộ Tư pháp William Barr đã hành xử phi đảng phái một cách gương mẫu, hay là Bộ Tư pháp chí công vô tư trong mọi trường hợp. Cái mà chúng ta thấy ở đây là sức mạnh của những quy củ bất thành văn, ngay cả trong một cơ quan được điều hành bởi một trung thần của tổng thống.

Bức tường lửa thứ hai của “bản Hiến Pháp bất thành văn” là truyền thống lâu đời của quân đội Mỹ tránh nhúng tay vào chính trị quốc nội. Giá trị này là vô cùng hệ trọng trong việc kiểm soát bản năng quân phiệt của ông Trump.

Ngày 1 tháng 6, khi các cuộc biểu tình và phản biểu tình nhân vụ sát hại George Floyd dẫn đến bạo lực và phá hoại tài sản, ông Trump xuất hiện trong Vườn Hồng của Nhà Trắng và lên án điều mà ông ta gọi là “hành vi khủng bố quốc nội.” Ông nói rằng sẽ “triển khai quân đội Mỹ” nếu cần thiết để “bảo vệ mạng sống và tài sản” của công dân Mỹ. Trong một buổi chụp ảnh sau đó, ông đứng giữa những quan chức cao cấp như ông Barr, Bộ trưởng Quốc Phòng Esper và tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, trong bộ quân phục. Không lâu sau đó, lực lượng chính quy từ Sư đoàn Không quân thứ 82 đã được điều động đến bên ngoài thủ đô Washington.

Kế hoạch của ông Trump nằm trong khuôn khổ luật thành văn. Không có điều khoản Hiến Pháp hay đạo luật Quốc Hội nào có thể ngăn chặn tổng thống trực tiếp ra lệnh cho quân đội chính quy đàn áp biểu tình. Hiến Pháp quy định rằng tổng thống là tổng tư lệnh quân đội; và Đạo luật Chống Nổi Loạn năm 1807 cho phép tổng thống sử dụng quân đội hoặc vệ binh Quốc gia để đàn áp bất ổn dân sự, tạo ra một ngoại lệ lớn cho quy tắc chung không được sử dụng quân đội trong nội địa.

Đó là một khoảnh khắc nguy khốn một cách vô cùng bất thường cho đất nước. Như lịch sử những nhà nước cộng hoà trở nên vô hiệu cho thấy, khi quân đội can thiệp vào chính trị nội địa, họ thường sẽ tiếp tục duy trì sự can thiệp. Nhưng hai ngày sau bài phát biểu của ông Trump, ông Esper đã công khai phản đối tổng thống, nhấn mạnh rằng quân đội chính quy chỉ nên được dùng trong những trường hợp nội chính “như một giải pháp tối hậu, và chỉ trong những tình huống khẩn cấp và ngặt nghèo nhất.” Ông kết luận rằng “tôi không ủng hộ kích hoạt Đạo luật Chống Nổi Loạn.”
Tướng Milley sau đó cũng đã xin lỗi trước công chúng vì đã tham gia vào buổi chụp ảnh của ông Trump. Ông nói “Sự hiện diện của tôi lúc đó đã tạo ra ấn tượng rằng quân đội đang nhúng tay vào nội chính”. Ông nói thêm “Lẽ ra tôi không nên có mặt ở đó.”

Kế hoạch của ông Trump không phải vi phạm pháp luật, nhưng đi ngược lại một quy tắc bất thành văn. Chỉ trong vài ngày, các binh lính chính quy tập trung quanh Washington được cho về nhà. Dù bị thử thách trong thời gian ngắn, quy củ này đã đứng vững.

Bức tường lửa cuối cùng của “bản Hiến Pháp bất thành văn” là sự trung thực của các quan chức quản lý bầu cử ở tiểu bang. Sự hủ bại của những cá nhân và định chế ban hành luật bầu cử cũng như đếm phiếu là một mối đe doạ hiển nhiên đến tiến trình dân chủ. Ví dụ như ở Nga, tính trung lập của Uỷ ban Bầu cử Trung ương dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã liên tục bị nghi vấn, nhất là khi xét đến việc chính cơ quan này lại tước bỏ tư cách tranh cử của các ứng viên và đảng phái đối lập hàng đầu.

Câu chuyện của Brad Raffensperger, bộ trưởng nội vụ tiểu bang Georgia và là quan chức đứng đầu về quản lý bầu cử, là minh chứng cho những mối đe doạ tiềm tàng đến sự trung thực của một cuộc bầu cử nóng hực. Ông Raffensperger, một đảng viên Cộng Hoà, là người chịu trách nhiệm việc kiểm phiếu ở một tiểu bang mà ông Biden thắng sát nút. Ở cương vị đó, ông Raffensperger đã bị công kích và mạt sát bởi các thành viên cao hơn trong đảng của ông, trong đó có những nhân vật sừng sỏ trong chính trường như hai Thượng nghị sĩ của tiểu bang Georgia, David Perdue và Kelly Loeffler. Hai vị này đòi ông Raffensperger phải từ chức không vì lý do nào khác hơn việc ông ta đã thất bại trong việc ngăn chặn ông Biden thắng cử ở tiểu bang này.

Bất chấp áp lực, ông Raffensperger và thống đốc tiểu bang Brian Kemp vẫn đứng vững, cùng với tuyệt đại đa số viên chức phụ trách bầu cử ở các tiểu bang trên toàn quốc. Họ từ chối “phát hiện” gian lận bầu cử mà không có bằng chứng đáng kể. Lòng trung thành với đảng phái – cho đến giờ phút này – dường như vẫn chưa suy đồi đến mức chết người để có thể làm hỏng quá trình kiểm phiếu đến mức tận cùng.

Liệu kết quả đáng mừng này có thể được tính đến cho bản thiết kế hiến định được không? Không hẳn. Các tiểu bang là một phần quan trọng trong thiết kế Hiến Pháp, và văn bản Hiến Pháp đúng là trao cho họ vai trò trung tâm trong các cuộc bầu cử liên bang. Nhưng có vẻ điều có ý nghĩa quan trọng nhất, trên khía cạnh bảo đảm sự minh bạch của quy trình bầu cử, là sự trung thực cá nhân của các quan chức quản lý bầu cử ở tiểu bang hơn là cấu trúc hiến định. Sự cam kết chức nghiệp trước việc bảo đảm tính công bằng của lá phiếu của những người này có lẽ đã cứu nền Cộng hoà thoát khỏi một cuộc khủng hoảng sống còn.

Madison từng viết một câu nổi tiếng, “Nếu con người đều thánh thiện thì chẳng cần đến chính quyền làm gì.” Những bộ óc đa nghi có thể hiểu câu này theo nghĩa rằng chúng ta không bao giờ nên tin vào con người, mà chỉ có thể dựa vào những cơ chế kiểm soát có hệ thống trên quyền lực chính quyền.

Bốn năm qua cho thấy một điều khác: các cấu trúc kiểm soát quyền lực có thể bị đánh giá quá cao. Sự sinh tồn nền Cộng hoà của chúng ta phụ thuộc, nếu không muốn nói là nhiều hơn, vào đức hạnh của những người trong chính quyền, đặc biệt qua việc giữ vững các quy củ bởi các viên chức dân sự, công tố viên và sĩ quan quân đội. Chúng ta chán ngấy những thứ như sự chuyên nghiệp hóa và các định chế, và quan niệm về những người thực hiện nghĩa vụ của họ một cách nghiêm túc. Nhưng, như mọi truyền thống đạo đức chủ lưu giảng dạy, không có sự ràng buộc bên ngoài nào có thể thay thế trọn vẹn cho sự thôi thúc bên trong bản thân để làm điều chính trực.

Nghe có thể ngây thơ khi hy vọng con người sẽ quan tâm đến luân lý và trách nhiệm nghề nghiệp trong thời đại bất tín mà chúng ta đang sống này. Nhưng Madison cũng đã thấy được sự cần thiết của niềm tin này. “Có một sự suy đồi ở mức nào đó bên trong loài người,” ông viết, “nhưng cũng có những phẩm chất trong nhân tính giúp đánh giá được phẩm hạnh và sự tín cẩn ở một mức độ nhất định nào đó.” Một chính quyền cộng hoà làm việc hiệu quả, theo ông, “đòi hỏi sự tồn tại những phẩm chất này ở một mức độ cao hơn bất kỳ dạng thức nào khác.”
Nó được gọi là đức hạnh công dân, và sau tất cả, không gì khác có thể thật sự thay thế điều đó.

Tim Wu
Theo New York Times ngày 10/12/2020
(Tim Wu là Giáo sư Luật tại Đại học Columbia)

Nguồn: What really saved the republic from Trump?
https://www.nytimes.com/2020/12/10/opinion/trump-constitution-norms.html

Người dịch: Khoa Le

4 Comments

  1. Thưa quý vị đồng hương thân mến,

    Ngoài ba thứ thực sự cứu được nền Cộng hoà Mỹ khỏi cuồng vọng thâu tóm quyền hành của ông Trump là:

    1/-Các công tố viên liên bang,

    2/-Các sĩ quan quân đội

    3/-Giới chức bầu cử tiểu bang

    như Tim Wu đã đề cập và giải thích rỏ ràng với những thí dụ minh họa cụ thể, tôi nghĩ còn một yếu tố thứ tư góp phần vào việc ngăn chặn hữu hiệu cuồng vọng bất chính của Donald Trump: giới truyền thông báo chí độc lập. Thực vậy, trong suốt bốn năm cầm quyền của TT. Donald Trump, giới truyền thông độc lập, từ các tờ báo và đài truyền hình cấp quốc gia và quốc tế, còn có những tờ báo địa phương, các diễn đàn, báo điện tử đã không ngừng vạch ra các sai trái, những lời nói dối, bóp méo sự thật của Ông Trump và các đồng minh của ông. Họ kiên vững lập trường dù bị Ông Trump đe dọa, chửi bới, mạt sát tới mức gọi họ là “kẻ thù của nhân dân.” Riêng trong cộng đồng Người Mỹ gốc Việt và các cộng đồng người Việt trên khắp thế giới, giới truyền thông độc lập ,không theo phe TT. Trump bị chính đồng hương của minh, rất nhiều khi chính là người thân trong gia đình mình, bạn đồng chí hướng với minh…từ bỏ, mạt sát thậm tệ bằng đủ mọi thứ tên: đồ thổ tả, trí thức ăn mày, phường bị quỷ ám, và nhất là phường cộng sản hay tay sai cộng sản (Việt cộng và Tàu cộng). Thậm chí mấy tuần gần đây còn có một số người ủng hộ TT. Trump triệt để đã đề nghị Ông Trump “tuyên bố tình trạng thiết quân luật,” dẹp bỏ hiến pháp, bắt giam Biden, Harris và đồng bọn gồm cả các vị dân cử liên bang, tiểu bang, quan tòa các cấp, giới “truyền thông phản động”… đã bị Tàu cộng mua chuộc, đưa tất cả ra xử cấp tốc ở các “tòa án quân sự mặt trận.” Tuy nhiên giới truyền thông độc lập, cả Mỹ lẫn Việt, đã cương quyết giữ vững lập trường. Những tin tức, bình luận của họ, dù không thể làm thay đổi lập trường của những người ủng hộ TT. Trump, nhưng chắc chắn đã góp phần không nhỏ vào việc củng cố niềm tin của những người thực sự yêu tự do, dân chủ, giúp họ quyết tâm ngăn chặn cuồng vọng của Donald Trump.

    Truyền thống dân chủ và nền cộng hòa Mỹ cần phải được vun bồi, bảo vệ như một cây quý. Chúng ta cương quyết không để cho ai đào bới làm tróc gốc cây quý này. Chúng ta trốn chạy cộng sản độc tài, độc đảng và được cây quý này che chở, dưỡng nuôi như bà mẹ nuôi tràn đầy yêu thương sau khi chúng ta đã bị chính mẹ ruột mình ruồng bỏ. Chúng ta nguyện hết lòng làm hàng rào bảo vệ nó, đúng theo câu “Ăn cây nào, rào cây nấy” mà cha ông chúng ta đã dạy. Biết ơn Nước Mỹ, xin hãy góp tay bảo vệ Nền Cộng Hòa Mỹ.

    Trân trọng cám ơn quý vị.

    Vũ Linh Huy

  2. Tác giả Tim Wu, Báo new York Times chủ trương ” Bản Hiến Pháp bất thành văn ” đã cứu Nền Cộng Hoà Mỹ! Như thế có 2 Cộng Hoà Mỹ vì có 2 Bản Hiếp Pháp song hành, một Quốc-gia trong 1 Quốc gia đang được Tim Wu chủ xướng để phân hoá Mỹ Quốc nầy, theo chước chia để trị theo Tam Thập Lục Kế ! Trong tất cả các Nhiệm kỳ Tổng Thống của 245 năm qua từ khi lập quốc Mỹ, có TT hay người dân nào chấp nhận 2 Quốc gia , 2 Hiến Pháp? Vậy là Tim Wu và New York Times bôi bác điều gì?
    Tim Wu viết lách theo lối rất thiển cận là chỉ trích, chụp mũ TT Trump thay vì khách quan nêu ra ưu và khuyết điểm ! Sử gia nào chỉ nêu ra khuyết mà không ưu của 1 nhà lãnh đạo? Trừ khi 1 chiều thiên vị hay viết theo chỉ thị kiểu con lừa bị che mắt? TT Trump với Dow Jones có chỉ số trên 30.000 cao nhất torng lịch sử Mỹ sao không đề cập? Thất nghiệp xuống 3.5, thấp nhất trong 70 năm qua trước vụ cúm Tàu sao không ghi chú? Ậu-Châu sau 70 năm nhờ dù che của Mỹ mà thịnh vượng, an toàn bây giờ góp phầm 130 tỷ mổi năm sao không thấy Tim Wu nhắc đến? Sao Tim Wu không dám nhắc đến việc TT Trump giảm thuế để khuếch trương kinh tế ? Giảm thuế từ mổi check lương của dân lao động? Chuyện DACA là lổi của Quốc hội đa số Dân chủ dưới thời Obama đã không làm gì khiến cho Obama phải ký Sắc-lệnh Hành pháp cho họ ở lại mỹ, đi học, đi làm như không có tư cách pháp lý về di dân trong 8 năm qua!Nếu muốn TT Trump tiếp tục hay không là do Quốc hội mà Hạ Viện đa số Dân chủ hành động chứ? Nhắc đến di dân DACA, có ai kể cả Tim Wu nhớ cho là TT Obama&Biden trực xuất trên 3.500.000 di dân lậu, nhốt con cái họ trong củi sắt từ 2014 xong đổ lên đầu TT Trump?
    Chỉ có những kẻ âm mưa chia để trị hầu phá tan đất nước Mỹ của con cái chúng ta mới chủ trương 1 Quốc-gia trong 1 Quốc gia, một Hiến Pháp trong 1 Hiến Pháp!

  3. Theo cách hiểu của tôi thì Tim Wu muốn nói rằng Tam Quyền phân lập theo Hiến Pháp Mỹ, tuy vẫn là căn bản cho nền cộng hòa Mỹ nhưng không đủ để ngăn chặn các TT có cuồng vọng, bất chấp luật pháp, hiến pháp như Trump. Vả lại, nếu có điều kiện thuận lợi thì một tổng thống vẫn có thể dùng chính hiến pháp để vứt bỏ kết quả bầu cử một cách hợp hiến. Giả dụ như Đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện, đồng thời các nghị sĩ và dân biểu đó đều trung thành với Trump thì ngày 6 tháng 1 năm 2021 tới đây, nếu có một dân biểu và một nghị sĩ phản đối kết quả đầu phiếu của đại cử tri đoàn thì Thượng Viện và Hạ Viện sẽ chấp nhận sự phản đối đó và vứt bỏ kết quả của 538 phiếu đại cử tri. Sau đó Quốc Hội sẽ chọn TT và Phó TT, tức là chọn Trump và Pence. Dù đó chỉ là giả thuyết, chắc chắn không thể xảy ra trong tình thế hiện nay, nhưng đâu có gì bảo đảm nó không xảy ra trong tương lai?

    Tôi cũng xin phép thưa với quý đồng hương một lần nữa răng:
    Truyền thống dân chủ và nền cộng hòa Mỹ cần phải được vun bồi, bảo vệ như một cây quý. Chúng ta cương quyết không để cho ai đào bới làm tróc gốc cây quý này. Chúng ta trốn chạy cộng sản độc tài, độc đảng và được cây quý này che chở, dưỡng nuôi như bà mẹ nuôi tràn đầy yêu thương sau khi chúng ta đã bị chính mẹ ruột mình ruồng bỏ. Không lẽ bây giờ chúng ta lại chấp nhận một chế độ độc tài, độc đảng khác trên chính quê hương thứ hai này của chúng ta. Chúng ta nguyện hết lòng làm hàng rào bảo vệ Nền Cộng Hòa Mỹ, đúng theo câu “Ăn cây nào, rào cây nấy” mà cha ông chúng ta đã dạy. Biết ơn Nước Mỹ, xin hãy góp tay bảo vệ Nền Cộng Hòa Mỹ.

    Trân trọng cám ơn quý vị.

    Vũ Linh Huy

  4. Tôi tính không có thêm ý kiến vì bài báo của Tim Wu và 2 góp ý tưởng đã đủ vì tôi tin rắng độc giả nhận xét rất chính xác! Tuy nhiên góp ý mới của Bác sĩ Vũ linh Huy ở phần 2 rất đáng để chúng ta suy nghĩ vì là người tỵ nạn csvn độc tài!
    Năm 2018, Chủ tịch đảng Dân-chủ ông Tom Perez tuyên bố là ” socialist political candidate are the future of the party “!
    Thị trưởng De Blasio của New York cho hay đã tôn sùng Marxism từ ngày còn đi học và đang vận động ” redistribution “: tái phân phối của cải từ nhà giàu!Cho dù Thống đốc New York Cuomo van vái dân giàu trở lại New York vì 1% nhà giàu trả 90% thuế cho New York nhưng chế độ khắc nghiệt của NY trong 12 tháng qua đã khiến họ ” tỵ nạn ” sang các Tiểu bang khác!Ra đi không hẹn ngày về sống lại như đa số tỵ nạn Việt-Nam!
    Cho nên việc ” Không lẽ bây giờ chúng ta lại chấp nhận một chế độ dộc tài, dộc đảng khác trên quâ gươg thứ hai này của chúng ta “!
    Giả dụ ông Biden làm Tổng Thống, Hạ viện đang đa số thuộc Dân chủ, Dân chủ thắng hay thua ở Thượng viện thì họ cũng sẽ tung hoành như 4 năm qua hay hơn thế nữa khi mà họ chỉ đa số ở Hạ viện trogn 2 nă vùa qua nhưng nào vụ chụp mũ thông đồng Trump/Nga khi mà đảng Dân chủ và Hillary đã trả tiền mua hồ sơ giả v/v nầy rừ Christ Steele xong tiếp tục giả email để xoin trát toà FASA truy tố ông Trump?
    Với người Việt tỵn nạn thì còn khốn đốn hơn vì trước 30/04/1975, ông Diden là một trong những TNS chống viện trợ cho VNCH khi mà Dân chủ nắm đa số trong quốc hội từ 1973-1975! Ông TNS Biden cũng chống luôn việc chi ngân khoản di tản tỵ nạn VN vào những ngày cuối tháng Tư 1975!
    Vài chi tiết nhưng không kém qua trọng cho những ai có niềm tin tôn giáo:Đảng DC hay ông Biden luôn ủng hộ phá thai và từ 1973 khi luật phá thai áp dụng đã có gần 60.000.000 thai nhi bị giết! Gần đây thì vài chính trị gia Mỹ gốc Việt lại nhiệt tình ủng hô phá thai hơn cả Mỹ!
    Một điểm khác cũng khá quan trọng là từ 1986-2016, Quốc hội chi tiền 186 tỷ để xây tường Mỹ/Mễ để ngân cản di dân nhưng từ khi ông Trump nhậm chức thì chỉ nhỏ dọt! Cũng không quên Obama&Biden trục xuất trên 3.500.000 di dân lậu trong 8 năm! Ông Trump trục xuất bao nhiêu? Ông Trump bị chụp mũ nhốt con nít vào chuồng cọp nhưng hình ảnh trung bày đó từ 2014, dước thời Obama&Biden khi mà Quốc hội nằm trong tay khối Dân-chủ đa số!
    Cho nên việc kêu gọi của Bác Sĩ Vũ linh Huy rất cần quan tâm “Chúng ta nguyện hết lòng làm hàng rào bảo vệ Nền Cộng Hoà Mỹ… ăn cây nào rào cây nấy ” cho dù là đa số trong Quốc-hôi, Bạch-ốc, Tối Cao Pháp Viện là Dân-chủ Hay Cộng-hoà! Có chiếm đa số hay thiểu số trong cơ chế Tam Quyền phân lập cũng là do dân bầu mà ý dân là ý trời, không đảng nào tự biên tự diễn cho dù hiện tại còn có nhiều tranh chấp vì tình nghi hệ thống bầu bán !

Leave a Reply to Bác Sĩ Vũ Linh Huy Cancel reply

Your email address will not be published.


*