Cây Thông Mùa Lễ

Hầu như khắp nơi trên thế giới, cây thông hay Christmas tree, là biểu tượng của mùa lễ cuối năm Giáng Sinh và Năm Mới dương lịch bất kể tôn giáo.

Thông là loài cây xanh mướt suốt bốn mùa nên được gọi là “evergreen”. Sách vở ghi chép về thông từ thời cổ Ai Cập và La Mã, dân Đức được xem là người khởi đầu cho tục lệ trang hoàng cây thông bằng cách treo đèn, nến lên cây. Tục lệ này được truyền sang châu Mỹ trong thế kỷ XIX.

Trước khi Thiên Chúa giáo xuất hiện, thông đã là biểu hiệu đặc biệt cho mùa đông, loài cây xanh mướt không héo úa ngay cả trong những ngày rét mướt, băng giá. Con người thủa xa xưa cũng đã trang hoàng nhà cửa bằng cách treo những cành thông trước cửa nhà để trừ… tà, tiểu trừ bệnh tật, phù thủy.

Tại Bắc Bán Cầu, ngày ngắn nhất (đêm dài nhất) thường là ngày 21, 22 tháng Mười Hai hàng năm hay “winter solstice”. Với niềm tin mặt trời là thần thánh, người xưa cho rằng vào mùa đông, thần Mặt Trời đau ốm nên không mang đủ hơi ấm đến trần gian. Họ mừng lễ “solstice” vì tin rằng vào ngày ấy, thần Mặt Trời bắt đầu hồi sức, cây cỏ sẽ bắt đầu xanh tươi trở lại và nắng sẽ về.

Người Ai Cập cổ thờ thần Ra, vòng quanh đầu chim ưng là tia sáng mặt trời, họ trang hoàng nhà cửa bằng những cây cọ xanh mướt. Vào ngày solstice, thần Ra cũng hết bịnh, cây cối sẽ xanh tươi trở lại, đời sống chiến thắng sự chết.

Người La Mã cũng cử hành lễ mừng solstice, Saturnalia, bằng cách trang hoàng nhà cửa với những cành thông xanh để mừng Saturn, vị thần độ trì canh tác. Sau solstice là cây cối, mùa màng sẽ bắt đầu hồi sinh.

Vào thế kỷ XVI, tín đồ Thiên Chúa giáo tại Đức bắt đầu tục lệ mang thông vào trong nhà, trang hoàng cây thông bằng cách treo đèn nến. Ông Martin Luther được xem là người đầu tiên đặt nến lên cây thông. Truyền thuyết kể rằng ông Luther trên đường về nhà trong một ngày đông giá, đầu óc ngẫm nghĩ về bài giảng kinh thánh thì bất chợt thấy nhiều ánh sao lấp lánh trong đêm tối. Để “thắp” lại hình tượng ấy, ông Luther dựng một cây thông trong nhà và đặt nến thắp sáng lên cành cây. Cổ tục ấy lan truyền khắp nơi và ngày nay, từ Á sang Âu, người ta dựng cây thông mừng lễ vào dịp cuối năm.

Xài thông thật chán rồi thì bá tánh xoay ra xài thông nylon, gọn và sach. Mỗi năm chỉ việc ráp các cành vào thân cây rồi đem chưng. Chẳng cần đổ nước tưới, chẳng cần dọn lá thông rụng khắp nhà. Nhưng mà thiếu một món: mùi nhựa thông, bạn ạ. Rinh về nhà cây thông mới cắt gốc, mùi nhựa thông thoảng khắp nhà. Mùi của ngày lễ cuối năm mà chẳng loại hương liệu hóa chất nào có thể thay thế. Thông “thật” chỉ có vài loại, Douglas fir, Fraser fir, cedar… nhưng thông plastic thì đủ màu sắc kích thước, xanh đậm, xanh nhạt, trắng xóa… tha hồ chọn lựa. Cây thông giả hay thật cũng bán chạy ào ào nhất là năm nay. Mùa đại dịch kéo dài hầu như suốt năm, bá tánh tiết giảm việc đi lại, rong chơi, chỉ quanh quẩn trong nhà nên dịp cuối năm, nhà nhà rần rần rủ nhau trưng bày cây Giáng Sinh thật sớm. Mới cuối tháng Mười Một mà đèn giăng khắp nơi, những món trang hoàng tràn từ trong nhà ra tới ngoài sân, ngoài vườn; ông già Noel, mấy con tuần lộc, thiên thần rủ nhau ra đứng trước cửa, ngoài ngõ…

Năm nay xem ra cây thông được mùa. Trại trồng thông nào cũng cắt và bán không kịp những cây thông được chuyên chở khắp nơi. Trị giá thương mại lên đến 2 tỷ mỹ kim!

Theo bộ Canh Nông Hoa Kỳ, khoảng 15 ngàn trang trại trồng thông, sử dụng cỡ 2-9 ngàn mẫu đất và hầu hết tập trung tại các tiểu bang Oregon, North Carolina, Michigan, và Pennsylvania.

Một cây thông thường khởi đầu từ hạt. Đến độ 2 năm thì cây được “chuyển” từ nhà “ươm cấy” (nursery) sang trang trại, trồng khoảng 1,200 cây trên mỗi mẫu đất. Thông cần 6-8 năm để đủ cao khoảng 6 bộ Anh, thời gian trồng trọt khá lâu mới được gặt hái. Và trong khoảng thời gian ấy, nông gia phải đổ mồ hôi nuôi dưỡng cây, bón phân, tưới nước, trừ bọ… chưa kể thời giờ “uốn nắn” cây thông cho nó mọc thẳng đứng. Trồng thông xem ra là một sự thử thách về lòng kiên nhẫn, sự chịu đựng và cầu may. Chẳng may thiên tai, hạn hán thì hết vốn! Ngay cả lúc được mùa thông, nông gia cũng phải cố gắng đoán xem… 10 năm sau, thông có còn được ưa chuộng nữa không mà tiếp tục bỏ vốn trồng trọt. Trồng quá nhiều cây thì mất giá, quá ít thì không đủ thông cung cấp cho thị trường.

Sách vở ghi chép rằng trong những năm 1900, nông gia trồng quá nhiều thông và đến năm 2000 thì giá thông tuột dốc khiên một số nông trại phá sản! Trong thời kinh tế suy trầm 2008, nông gia mệt mỏi vì thời thế nên bớt trồng thông; đến năm 2016 thì giá thông lại lên cao vì số “cung” thấp hơn lượng “cầu”.

Thông được bán theo phẩm chất (cây dày lá hay thưa) và chiều cao. Cây càng dày lá, rậm rạp thì càng đẹp; cây càng cao thì giá cũng cao (kèm thêm phẩm chất dày lá).

Mấy năm gần đây thì thông được mang ra thị trường qua hai ngả: Người mua đến trại trồng thông, nhìn ngắm rồi tự cưa cây mang đi; hoặc ra tiệm rinh về, khỏi cưa chặt lôi thôi. Khoảng 1/3 thông bán ra từ trang trại phần còn lại được vận chuyển đến các cửa tiệm bán lẻ.

Từ khi khuynh hướng “agrotourism” trở nên phổ thông thì bá tánh đến trang trại nhiều hơn, từ việc tự hái táo, hái dâu đến cưa thông mang về, chuyến đi thăm trang trại được xem là thú du ngoạn và được quảng cáo rầm rộ. Nhờ đó mà agrotourism chiếm được một thị trường khá lớn, cả tỷ mỹ kim hàng năm.

Trại thông lớn nhất thế giới là Holiday Tree Farms, lập nghiệp từ năm 1955 tại Corvallis, Oregon. Mỗi mùa, trang trại này bán ra một triệu cây thông trong vòng 30 ngày! Ông chủ trại, Mark Arkills sử dụng 7 chiếc trực thăng bay lượn suốt ngày, vận chuyển một ngàn cây thông / giờ lên các xe vận tải lớn để phân phối khắp nơi. Tính sơ sơ, trang trại chỉ cần 3-4 ngày để đưa thông từ trang trại miền tây đến các nhà kho của The Home Depot. Không lạ là thông cắt xong đem bán vẫn còn mùi nhựa thông thơm nồng!

Nói chung, cách bán thông “tự cưa” đem lại nhiều lợi nhuận cho chủ trại, một cây thông cao 6-7 bộ Anh có bảng giá 60-80 mỹ kim; so với việc bán thông cho các cửa tiệm hoặc đại lý lớn, trang trại chỉ thu về khoảng 35 mỹ kim cho mỗi cây thông tương tự.

Sau khi cộng trừ, nhân chia tính toán kể cả 8-10 năm trồng tỉa, chủ trại thông chỉ kiếm được khoảng 8-10 mỹ kim cho mỗi cây thông trong khi các cửa tiệm phân phối như The Home Depot có thể kiếm bạc triệu từ 250 ngàn cây thông, lời trên dưới 4 mỹ kim/cây thông!

Ngoài việc lời lỗ, hệ thống trồng thông tại Huê Kỳ xem ra thu nhỏ dần dần, chủ trại thông già nua nên bỏ nghề là một trong các yếu tố khác như thời tiết thay đổi nên việc trồng trọt khó khăn hơn nhưng yếu tố lớn nhất vẫn là việc thông giả xâm nhập thị trường một cách vũ bão.

Thông giả xuất hiện từ những năm 1930, do công ty Addis Brush Co. của Anh (cũng là nhà sản xuất các cái cọ nylon chùi rửa bồn cầu) sản xuất khi nhìn thấy sự hiếm hoi của thông thật.

Theo thống kê của Christmas Tree Association năm 2019, khoảng 80% của 100 triệu cây thông trưng bày khắp nơi là thông giả, chỉ khoảng 20% là thông thật dù số thông bán ra tương đương: 26 triệu cây thông thật và 25 triệu cây thông giả. Số thông thật bán ra vẫn đứng nguyên tại chỗ trong suốt 15 năm qua.

Cách buôn bán thông giả khác hẳn việc bán thông thật. Theo US Department of Commerce, 85% thông giả sản xuất từ Hoa Lục, tập trung tại Yiwu. Thành phố này do đó có tên “Santa’s Real Workshop,” có trên dưới 600 xưởng sản xuất, chế tạo các cây thông giả và những món trang trí.
Với 12 tiếng làm việc hàng ngày, nhân công những hãng xưởng ấy kiếm được khoảng 600 mỹ kim / tháng.

Trong khi một cây thông thật cần 8-10 năm để bán ra thị trường, thông giả có thể xuất hiện trong vài phút. Sản xuất hết tốc lực, một cơ xưởng có thể chế tạo cỡ 1.5 ngàn cây thông trong vòng hai ngày!

Dưới áp lực của thị trường, nhiều trang trại trồng thông đã bỏ cuộc. Trừ khi người tiêu thụ tiếp tục ủng hộ và mua thông thật về chưng, ngành canh tác thông sẽ đi dần vào quên lãng? Những cây thông thật thơm nồng mùi nhựa sẽ từ từ mất dấu?

Trên thị trường, một cây thông giả có bảng giá khoảng 107 mỹ kim, đắt hơn thông thật khoảng 30 mỹ kim nhưng mua sỉ, thông giả chỉ tốn khoảng 15 mỹ kim/ cây! Balsam Hill, công ty thông giả lớn nhất thế giới, đã từng bán ra những cây thông có bảng giá 3,000 mỹ kim; lợi tức năm 2018 là 150 triệu mỹ kim.

Mãi lực thông giả lên đến 1.5 tỷ mỹ kim hàng năm từ 2018.

Bạn ta, có khi nào đem một bó hoa [hồng] giả để tặng người yêu dấu? Nếu không thì mang về nhà làm chi một cây thông nhựa không mùi hương?

IItran
Ngày 14/12/2020

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*