Cuộc Chạy Đua Vaccine Chống COVID: Kẻ Tiến, Người Lùi

Trụ sở công ty Sanofi ở Paris, Pháp.

Sanofi và GlaxoSmithKline nói những cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine chống COVID của họ cho thấy không đủ đáp ứng miễn nhiễm trong những người lớn tuổi, hoãn trình làng vaccine cho đến cuối năm sau, đánh dấu một bước lùi trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch.

Loan báo ngày 11/12 nhấn mạnh đến những thách thức của việc bào chế vaccine ở tốc độ nhanh kỷ lục, gây trở ngại cho những nỗ lực phát triển nhiều phương cách mà các chuyên gia nói thế giới cần có để chống lại căn bệnh đã giết chết hơn 1,5 triệu người.

Tin này được đưa ra cùng ngày với việc Úc ngưng một dự án vaccine nội địa, cũng là một đòn giáng đối với nhiều chính phủ đặt trước hàng trăm triệu liều vaccine này, trong đó có Liên hiệp Châu Âu, Mỹ và Anh.

Cổ phần công ty Sanofi của Pháp giảm 2,8% trong khi cổ phần công ty GSK Anh tăng 0,2%.

Hai công ty này nói họ có kế hoạch bắt đầu cuộc nghiên cứu khác vào tháng 2, hy vọng có được một vaccine hiệu nghiệm hơn vào cuối năm 2021.

Bước lùi này ảnh hưởng đến một trong những công nghệ về vaccine -dùng để chống lại virus papilloma, viêm gan B, và bệnh ho gà- nhằm đưa protein được chế tạo trong phòng thí nghiệm vào cơ thể để thúc đẩy hệ thống miễn nhiễm phát triển một cơ chế phòng vệ chống lại COVID.

Việc trì hoãn và bổ sung thêm những cuộc thử nghiệm không phải là chuyện bất thường nhưng loan báo của Sanofi/GSK một lần nữa cho thấy những thách thức có một không hai mà các công ty dược phải đối mặt trong khoa học đa nhiệm vụ: tốc độ và tiếp vận trong đại dịch.

Việc này cũng nhấn mạnh đến lý do tại sao các chính phủ phải mở rộng các nỗ lực để đảm bảo có được vaccine từ các công ty khác nhau.

Úc hủy bỏ việc sản xuất vaccine COVID-19 của Trường đại học Queensland và công ty công nghệ sinh học CSL bào chế sau khi những thử nghiệm cho thấy vaccine này có thể can thiệp vào việc chẩn đoán HIV.

Hoãn đến cuối năm 2021

Sanofi nói kết quả ngày 11/12 từ Giai đoạn thử nghiệm I/II cho thấy “một đáp ứng miễn nhiễm tương tự với những người bình phục từ COVID-19 trong những người trưởng thành tuổi từ 18 đến 49, nhưng một đáp ứng miễn nhiễm thấp đối với những người lớn tuổi có phần chắc là do tập trung không đủ kháng nguyên.”

Giai đoạn III của những cuộc nghiên cứu dự trù bắt đầu trong tháng này nhưng Sanofi nói công ty sẽ nghiên cứu giai đoạn 2b vào tháng 2/2021.

Hai công ty cho hay đã “cập nhật cho các chính phủ và Liên hiệp Châu Âu, nơi đã ký các hợp đồng mua vaccine.”

Theo hợp đồng đã ký vào tháng 9, các nước EU không bắt buộc phải mua vaccine, không như các thỏa thuận đã ký với các công ty sản xuất vaccine khác đòi hỏi có cam kết chặt chẽ về phía các chính phủ Châu Âu.

Anh đi trước

Sanofi và GSK đã gia tăng dây chuyền sản xuất để sẵn sàng xuất xưởng đến một tỷ liều vaccine của họ vào năm 2021. GSK nói mục tiêu sản xuất một tỉ liều chất tăng cường khả năng miễn nhiễm của cơ thể trong năm 2021 vẫn duy trì nhưng đang được duyệt xét lại.

Cuộc nghiên cứu giai đoạn I/II kiểm tra tính an toàn, chấp nhận được và đáp ứng miễn nhiễm của vaccine đối với 440 người lớn khỏe mạnh tại 11 địa điểm tại Mỹ.

Tuần này, Anh bắt đầu phân phối vaccine của Pfizer-BioNTech, đi trước các nước trong cuộc chạy đua.

Canada cũng bật đèn xanh cho vaccine Pfizer, trong khi một ủy ban cố vấn bên ngoài cho Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ ngày 10/12 đã bỏ phiếu ủng hộ việc cho phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ.

Công ty AstraZeneca của Anh và Trường đại học Oxford cũng báo cáo dữ liệu giai đoạn cuối vaccine COVID của họ cho thấy có tỉ lệ trung bình thành công là khoảng 70%.

Sanofi hiện đang làm việc trên một ứng viên vaccine khác với công ty Mỹ Translate Bio sử dụng công nghệ mRNA. Giai đoạn I thử nghiệm sẽ bắt đầu trong tháng này.

Theo Reuters ngày 12/12/2020

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*