Tin Tổng Hợp Ngày 3/12/2020: Hồng Kông Bỏ Tù Ba Nhà Đấu Tranh Dân Chủ – Bầu Cử Hoa Kỳ 2020

HỒNG KÔNG BỎ TÙ BA NHÀ ĐẤU TRANH DÂN CHỦ

Ba nhà hoạt động đấu tranh dân chủ trẻ tuổi ở Hồng Kông là Joshua Wong, Ivan Lam và Agnes Chow vừa bị tòa án khu vực Tây Cửu Long tuyên án tù hôm Thứ Tư 2/12 về tội tổ chức và tham dự các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ năm 2019, đặc biệt là cuộc biểu tình trước trụ sở cảnh sát Wan Chai ngày 21 tháng 6. Cả ba người đều bị kết tội “tụ tập trái phép”.

Tưởng cần nhắc lại, khởi đi từ mục tiêu chống dự luật dẫn độ nghi phạm hình sự qua xét xử ở Trung Hoa Lục Địa (mà cuối cùng chính quyền Hồng Kông đã phải rút lại), làn sóng xuống đường của người dân – bao gồm đông đảo giới trí thức và sinh viên học sinh – đã phát triển thành một phong trào biểu tình vĩ đại nhằm chống cảnh sát dùng bạo lực, đòi bầu cử tự do, và phản đối nhà cầm quyền Trung Cộng vi phạm nguyên tắc “một quốc gia hai thể chế” mà trên nguyên tắc Hồng Kông phải được hưởng cho đến năm 2047. Bắc Kinh quyết dập tắt làn sóng này bằng cách ban hành “luật an ninh” vào cuối tháng 6 năm 2020, quy định mức án hình sự nặng nề cho những thành phần chống đối. Tuy nhiên, vì ba nhà hoạt động đã tổ chức và tham dự biểu tình từ năm 2019, trước khi luật an ninh có hiệu lực, nên họ không bị kết án tù chung thân.

Các bản tin thông tấn cho biết Hoàng Chi Phong (Joshua Wong, 24 tuổi), bị tuyên án tù 13 ba tháng rưỡi, Châu Đình (Agnes Chow, 24 tuổi) bị tuyên án tù 10 tháng, và Lâm Lãng Ngạn (Ivan Lam, 26 tuổi) bị tuyên án tù 7 tháng. Cả ba người bị bắt từ tháng 8, bị đưa ra trước tòa án khu vực Tây Cửu Long (West Kowloon Magistrate Court) ngày 23 tháng 11 và bị tạm giam cho tới khi tòa công bố phán quyết ngày 2 tháng 12.

Hôm 23/11 Hoàng Chi Phong nói với các phóng viên có mặt ở tòa án: “Chúng tôi đã quyết định nhận mọi tội danh mà họ cáo buộc. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu tôi bị đưa đến trại tù ngay hôm nay”. Anh nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho tự do. Bây giờ không phải là lúc để chúng tôi quỳ lạy và đầu hàng Bắc Kinh”. Đến hôm 02/12, khi nghe tuyên án, anh hô lớn trong lúc bị áp giải ra khỏi tòa: “Những ngày sắp tới sẽ rất khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ đứng vững”.

Trong khi đó nữ thẩm phán Lily Wong Sze-lai nói với thông tín viên AFP: “Các bị cáo đã kêu gọi người biểu tình bao vây trụ sở cảnh sát và hô vang các khẩu hiệu làm xói mòn uy tín của cơ quan công lực. Việc bỏ tù ngay tức khắc là lựa chọn phù hợp duy nhất”.

Bản tin đài BBC cho biết trước đó, Hoàng Chi Phong đã viết một lá thư ở trại tạm giam, trong đó có đoạn: “Thật sự là rất khó khăn để giữ vững tinh thần, nhưng tôi hy vọng các bạn sẽ tiếp tục, để những người biểu tình đang phải đối diện với các vụ án và bị cầm tù như tôi biết rằng họ không cô đơn”, “những chiếc lồng không thể khóa nhốt được linh hồn”.

Các bản án tù của ba nhà hoạt động trẻ tuổi bị dư luận quốc tế chỉ trích nặng nề. Cựu Toàn Quyền Anh, Sir Chris Patten, phát biểu “lại thêm một sự kiện chứng tỏ Trung Quốc quyết tâm khóa chặt đôi tay của Hồng Kông bằng một chiếc còng”. Phát ngôn viên Maria Adebahr của Bộ Ngoại Giao Đức Quốc nói với báo chí “chính quyền Hồng Kông vừa xây thêm một tầng mới cho những vi phạm nhân quyền và dân quyền đã chồng chất suốt năm 2019”. Tại Hoa Thịnh Đốn, Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi phổ biến thông cáo báo chí nói rằng Quốc Hội Hoa Kỳ “vô cùng quan tâm” trước việc Hoàng Chi Phong bị ngược đãi trong tù, và các nhà tranh đấu dân chủ có thể sẽ bị xử thêm các tội danh khác. Quốc Hội Hoa Kỳ đưa ra lời kêu gọi: “Chúng tôi kêu gọi tất cả những người yêu tự do trên khắp thế giới hãy cùng chúng tôi phản đối bản án không công bằng cũng như cuộc tấn công của chính quyền Trung Quốc nhắm vào người dân Hồng Kông”.

Ngay sau khi tòa tuyên án, ông Yamini Mishra, giám đốc khu vực Á Châu Thái Bình Dương của tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) nhận định: “Việc bỏ tù ba nhà hoạt động này là sự vi phạm trắng trợn quyền tự do ngôn luận và quyền tụ tập ôn hòa. Bản án dành cho họ phải bị hủy bỏ, không chậm trễ, và họ phải được trả tự do ngay tức khắc, vô điều kiện”. Thông cáo của Ân Xá Quốc Tế vạch rõ: “Đây là các nhà hoạt động nổi tiếng trong một phong trào phản kháng tự phát. Qua việc bỏ tù họ, chẳng qua giới lãnh đạo chỉ muốn hăm dọa người dân Hồng Kông là bất cứ ai dám công khai chống đối chính quyền sẽ nhận lãnh số phận tương tự”.

Bản tin đài BBC nhắc lại, ngay từ làn sóng biểu tình đòi dân chủ mệnh danh là “Phong Trào Dù Vàng” ở Hồng Kông năm 2014, ba nhà hoạt động vừa bị kết án tù đã trở thành những khuôn mặt nổi bật. Lúc đó Hoàng Chi Phong và Châu Đình tuy vẫn còn ở tuổi “teen” đã bắt đầu được coi là các lãnh tụ sinh viên.

Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), nhà bất đồng chính kiến được biết đến nhiều nhất, là nhân vật then chốt trong các nỗ lực đòi dân chủ suốt mấy năm sau đó và đã từng lãnh các bản án tù ngắn hạn. Anh vừa ra khỏi tù vào tháng 6 năm 2019 là dấn thân vào phong trào chống dự luật dẫn độ, gây nên một làn sóng xuống đường làm rung chuyển thành phố Hồng Kông và dẫn tới các cuộc xung đột nghiêm trọng giữa người biểu tình với cảnh sát.

Khi Quốc Hội Bắc Kinh thông qua luật an ninh cho Hồng Kông, quy định mức hình phạt nặng nề đối với “các hành động đòi ly khai, lật đổ và cấu kết với các lực lượng nước ngoài”, Hoàng Chi Phong quyết định giải tán tổ chức chính trị Demosisto (Hương Cảng Chúng Chí) do anh và Châu Đình (Agnes Chow) đồng sáng lập. La Quan Thông (Nathan Law) là chủ tịch đầu tiên của nhóm này, người kế nhiệm là Lâm Lãng Ngạn (Ivan Lam). Tiền thân của Demosisto là Scholarism (Học Dân Tư Trào) do Hoàng Chi Phong và Lâm Lãng Ngạn sáng lập năm 2011, đã ngưng hoạt động vào năm 2016. Châu Đình là người được báo chí Nhật Bản tặng biệt danh “nữ thần dân chủ” (goddess of democracy), và ngoài tội danh “tụ tập trái phép”, cô còn bị cáo buộc tội “xúi giục ly khai”.

BẦU CỬ MỸ 2020: NHỮNG VỤ TRANH TỤNG CUỐI CÙNG

Mấy ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12 cho thấy nhiều sự kiện dồn dập chung quanh cuộc tranh chấp pháp lý liên quan đến kết quả bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan tràn khắp các tiểu bang và đe dọa tình trạng lây nhiễm sẽ bùng phát dữ dội do các cuộc tụ họp đông đảo vào dịp lễ lạc cuối năm.

Một trong những tin tức gây nhiều chú ý là lời phát biểu của Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr hôm Thứ Ba 1/12 khi trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Associated Press, nói rằng Bộ Tư Pháp “không thấy chứng cớ đã xảy ra tình trạng gian lận bầu cử rộng lớn có thể làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử”. Vẫn theo ông Barr thì “có lời cáo giác về tình trạng gian lận có hệ thống, cho rằng các máy kiểm phiếu đã bị điều khiển để đảo lộn kết quả bầu cử”, nhưng “Bộ Nội An và Bộ Tư Pháp đã xem xét việc này, và cho tới nay chúng tôi vẫn chưa thấy điều gì minh chứng cho lời cáo giác đó”. Mặc dù ông Barr không nhắc đến tên, nhưng người cáo giác có thể là nữ luật sư Sidney Powell, từng tham gia nhóm luật sư đại diện cho ủy ban tái tranh cử của Tổng Thống Donald Trump.

Ông Bộ Trưởng Barr nói thêm “nhiều người lầm lẫn giữa nhiệm vụ của hệ thống pháp lý liên bang với những vụ tranh tụng ở tòa án dân sự”, không hiểu rằng các khiếu nại về bầu cử phải để cho các giới chức tiểu bang hoặc địa phương kiểm tra rồi giải quyết chứ không phải là Bộ Tư Pháp. Theo ông thì “càng lúc càng có khuynh hướng là hễ cứ bất bình điều gì là người ta đòi Bộ Tư Pháp phải điều tra, như thể Bộ Tư Pháp giải quyết được tất cả mọi chuyện”, nhưng về mặt nguyên tắc “trước hết phải có một cơ sở để tin rằng có hành vi phạm pháp cần được điều tra”.

Bản tin AP ghi nhận đây là sự kiện rất đáng chú ý, vì Bộ Trưởng William Barr vốn được coi là một trong các nhân vật trung thành nhất với Tổng Thống Trump, nhưng những quan điểm này của ông lại tương phản với luận cứ của Tổng Thống Trump cho rằng cuộc bầu cử đầy dẫy dấu hiệu gian lận, và do luận cứ này nên ông Trump không thừa nhận thất cử, vẫn tiếp tục các vụ kiện tại 6 tiểu bang chiến trường.

Nhóm luật sư của Tổng Thống Trump ngay tức khắc đã phản đối lời phát biểu của Bộ Trưởng Barr và khẳng định “có bằng chứng bỏ phiếu bất hợp pháp tại ít nhất 6 tiểu bang”. Hai luật sư Rudy Giuliani và Jenna Ellis phổ biến thông báo nói rằng “chúng tôi tôn trọng ông Bộ Trưởng Tư Pháp, nhưng ý kiến của ông chứng tỏ ông không biết hoặc không điều tra những vụ bỏ phiếu bất hợp lệ và gian lận có hệ thống”.

Song song với sự kiện liên quan đến Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr là hai vụ tranh tụng cùng lúc được khởi động trong ngày Thứ Ba 1/12, một vụ trước Tối Cao Pháp Viện của tiểu bang Wisconsin và một vụ lên tới Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

Trong vụ thứ nhất, ủy ban tranh cử của Tổng Thống Trump kiện Thống Đốc Tony Evers và Ủy Ban Bầu Cử của tiểu bang Wisconsin, đòi hủy bỏ tất cả các phiếu bầu khiếm diện trong quận hạt Dane County và quận hạt Milwaukee County, vốn là hai khu vực có đông đảo cử tri ủng hộ đảng Dân Chủ. Đơn kiện không nêu cụ thể trường hợp gian lận bầu cử nào, nhưng yêu cầu hủy bỏ khoảng 220,000 phiếu bầu khiếm diện mà ủy ban cáo buộc là bất hợp lệ vì giới chức bầu cử điền giùm chi tiết thiếu sót cho những cử tri đi bầu sớm – mặc dù Ủy Ban Bầu Cử cho biết thủ tục bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 cũng giống như thủ tục đã áp dụng từ nhiều năm qua. Đơn kiện cũng đòi hủy bỏ việc Thống Đốc Tony Evers xác nhận kết quả bầu cử hôm 30/11, công nhận 10 phiếu cử tri đoàn của tiểu bang Wisconsin cho ứng cử viên Joe Biden.

Tưởng nên nhắc lại là hồi tuần rồi ủy ban tranh cử của Tổng Thống Trump đã trả trước số tiền ký quỹ $3 triệu dollars để yêu cầu đếm phiếu lại ở hai quận hạt Dane và Milwaukee. Nhưng kết quả đếm phiếu cho thấy ông Biden lại được thêm 74 phiếu, và vẫn thắng trên toàn tiểu bang với 1,630,866 phiếu bầu, trong khi Tổng Thống Trump được 1,610,184 phiếu bầu, tức chênh lệch 20,682 phiếu bầu, tỷ lệ 49.6% so với 48.9%.

Cho đến ngày 2/12 vẫn chưa rõ Tối Cao Pháp Viện của Wisconsin có nhận thụ lý vụ kiện này hay không. Thành phần tòa tối cao tiểu bang gồm 7 vị thẩm phán và các thẩm phán với khuynh hướng bảo thủ hiện đang nắm đa số 4-3.

Trong vụ kiện thứ nhì, Dân Biểu đảng Cộng Hòa Mike Kelly cùng 7 nguyên đơn khác yêu cầu Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ngăn chận tiểu bang Pennsylvania xác nhận mọi kết quả kiểm phiếu và hủy bỏ sự xác nhận của Thống Đốc Thomas Wolf hôm 24/11 công nhận 20 phiếu cử tri đoàn cho ứng cử viên Joe Biden. Theo kết quả kiểm phiếu do bà Kathy Boockvar (Bộ Trưởng Hành Chánh của tiểu bang) công bố, ông Biden được 3,458,229 phiếu bầu, Tổng Thống Trump được 3,377,674 phiếu bầu, như vậy ông Biden hơn 80,555 phiếu và thắng với tỷ lệ 50.01% so với 48.8%.

Đơn kiện đưa ra luận cứ là Quốc Hội tiểu bang Pennsylvania đã vi hiến khi thông qua luật nới rộng thủ tục cho cử tri bầu bằng thư, thay vì đáng lẽ phải tu chính hiến pháp của tiểu bang. Trên luận cứ này, đơn kiện yêu cầu Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đảo ngược phán quyết của Tối Cao Pháp Viện tiểu bang Pennsylvania hôm Thứ Bảy 29/11.

Tưởng cần nhắc lại, một ngày sau khi kết quả bầu cử được Thống Đốc Thomas Wolf xác nhận, Chánh Án Patricia McCullough của tòa liên bang hôm Thứ Tư 25/11 đưa ra phán quyết tạm ngưng việc xác nhận trong lúc chưa giải quyết xong tranh chấp. Sự tranh chấp trong vụ này liên quan đến đạo luật “Act 77” mà tiểu bang Pennsylvania thông qua ngày 31/10/2019 cho phép toàn thể cư dân tiểu bang được bầu bằng thư. Dân Biểu Mark Kelly nộp đơn kiện đòi 2.5 triệu phiếu bầu bằng thư trong cuộc bầu cử năm 2020 phải bị hủy bỏ vì dựa trên một đạo luật vi hiến. Khi nội vụ lên tới Tối Cao Pháp Viện của tiểu bang, các vị thẩm phán – gồm 5 thẩm phán với khuynh hướng cấp tiến và 2 thẩm phán với khuynh hướng bảo thủ – đã bác bỏ luận cứ này, vì “các nguyên đơn chờ tới hơn một năm sau mới nộp đơn ngày 21/11/2020 để phản đối đạo luật Act 77, lúc đó hàng triệu cử tri của Pennsylvania đã bỏ phiếu để bày tỏ ý nguyện của họ trong cuộc bầu cử sơ bộ vào tháng 6 và cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 11, và cuộc kiểm phiếu đã hoàn tất với kết quả rõ ràng”. Phán quyết của tòa tối cao Pennsylvania cũng vô hiệu hóa phán quyết của Chánh Án McCullough ở tòa dưới, và đây là cơ sở để vụ kiện lên tới Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

Tin tức cho biết đơn kiện của Dân Biểu Mark Kelly và 7 nguyên đơn khác được gửi đến Thẩm Phán Samuel Alito, là một trong 6 vị Thẩm Phán với khuynh hướng bảo thủ tại Tối Cao Pháp Viện và là người được chỉ định để tiếp nhận các vụ khiếu tố thuộc Địa Hạt 3 – bao gồm các tiểu bang Delaware, New Jersey, Pennsylvania và quần đảo Virgin Islands. Hiện chưa rõ Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ có nhận thụ lý vụ kiện này hay không.

Trong khi cuộc tranh chấp pháp lý vẫn đang tiếp diễn, việc xác nhận kết quả bầu cử Tổng Thống cũng đã hoàn tất ở 35 tiểu bang trên toàn quốc. Ngoại trừ ba tiểu bang Hawaii, Rhode Island và Tennessee không ấn định thời hạn xác nhận kết quả kiểm phiếu, hiện nay còn 12 tiểu bang và thủ đô Washington D.C. đã hoặc sắp hoàn tất việc kiểm phiếu đúng thời hạn, là New Hampshire, D.C. (2/12), West Virginia, Washington, Texas, Oregon, Connecticut (3/12), Illinois (4/12), New York (7/12), New Jersey, Missouri, Maryland (8/12), và California (11/12).

Sau khi việc kiểm phiếu kết thúc và tất cả các vụ tranh chấp pháp lý được giải quyết trước thời hạn 8 tháng 12 (safe harbor deadline), cử tri đoàn của 50 tiểu bang sẽ bỏ phiếu xác nhận kết quả bầu cử vào ngày 14 tháng 12 để gửi về Thượng Viện Hoa Kỳ. Kết quả bầu cử sẽ được công bố tại phiên khoáng đại Quốc Hội kỳ 117 vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, và lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng Thống sẽ được cử hành ngày 20 tháng 1 tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, BBC, Fox News, USA Today

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*