Liệu Hoa Kỳ Có Tái Đàm Phán Gia Nhập Hiệp Định CPTPP ?

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP, gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định được ký kết ngày 8 tháng 3 năm 2018 tại thành phố Santiago, Chile.

Tổng thống Donald Trump sau khi lên nhậm chức đã nhanh chóng ký quyết định rút khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nay nhìn trở lại cuộc tranh cử 2016, tôi tin rằng nếu giả sử bà Hillary Clinton thắng cử, bà cũng khó có thể đưa nước Mỹ gia nhập TPP.
Nhìn từ hệ thống chính trị Mỹ, từ vai trò của Tổng thống đến vai trò của Quốc Hội trong việc hoạch định chiến lược và chính sách ngoại thương sẽ thấy rằng bất kỳ ai thắng cử năm 2020 cũng không thể đưa Mỹ quay trở lại Hiệp Định CPTPP.

 

Tổng Thống Thương Thuyết, Quốc Hội Biểu Quyết

Tổng thống là người đại diện cho nước Mỹ, nên có thẩm quyền thương thuyết các hiệp định thương mãi quốc tế, còn các Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu là người đại diện cho tiểu bang và địa phương là những người quyết định phê chuẩn.
Mỗi hiệp định ảnh hưởng đến quyền lợi của mỗi tiểu bang, của mỗi địa phương mỗi cách khác nhau.
Nên nếu phía Hành Pháp, tức là Tổng thống muốn một hiệp định được Quốc Hội phê chuẩn phải thuyết phục được cử tri Mỹ hiệp định đó có mang lại lợi ích thiết thực cho nước Mỹ và không để một tiểu bang hay một địa phương nào bị thua thiệt một cách quá đáng.

 

Vì Sao Hiệp Định TPP Bị Cử Tri Mỹ Chống Đối ?

Hiệp Định TPP nằm trong nỗ lực của Tổng thống Barack Obama nhằm gia tăng hợp tác kinh tế với 11 quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bao vây kinh tế và giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
Nhưng cái giá nước Mỹ phải trả cho TPP là công ăn việc làm của công nhân sẽ lọt vào tay các quốc gia công nhân ít được bảo vệ bởi hệ thống chính trị và bởi các nghiệp đoàn, công nhân được trả đồng lương rẻ mạt nên giá thành sản phẩm sản xuất rất thấp.
Nên ngay khi Tổng thống Obama bắt đầu ngồi vào bàn thương thuyết TPP đã bị nhiều Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu thuộc cả hai đảng Dân Chủ và đảng Cộng hòa công khai chống đối.
Tổng Liên đoàn Lao động và Đại hội các Tổ chức Công nghiệp Hoa Kỳ (The American Federation of Labor and Congress of Industrial Organizations) là tổ chức đại diện cho người lao động lớn nhất ở Mỹ cũng công khai chống đối ngay từ những ngày đầu thương thuyết.
Đến cuộc Bầu cử giữa kỳ 2010 đảng Dân Chủ mất Hạ viện, đến bầu cử giữa kỳ 2014 đảng Dân Chủ mất luôn Thượng viện, thương thuyết TPP hoàn tất nhưng không được Quốc Hội thuộc đảng Cộng Hòa mang ra thảo luận.
Vì thế, trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2016 cả ông Trump lẫn bà Clinton đều cam kết nếu họ thắng cử họ sẽ hủy bỏ mọi thương thuyết của Chính Phủ Obama về Hiệp Định TPP.
Giả sử bà Clinton thắng cử năm 2016 nếu bà mang Hiệp Định TPP ra thảo luận thì cũng khó được lưỡng viện Quốc Hội thuộc đảng Cộng Hòa thông qua.
Muốn hiểu rõ lý do cử tri và Quốc Hội Mỹ không ủng hộ TPP cần hiểu rõ 2 chiến lược ngoại thương khác của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua: (1) chiến lược tự do thương mãi quốc tế và (2) chiến lược thương mãi với Trung cộng.

 

Chiến Lược Tự Do Thương Mãi Quốc Tế

Từ thập niên 1960, lý thuyết kinh tế tân tự do bắt đầu được giới khoa bảng Mỹ đưa ra thảo luận.
Lý thuyết này lấy tự do thương mãi quốc tế làm động năng giúp san bằng cách biệt giàu nghèo giữa các quốc gia trên thế giới.
Những nhà khoa bảng và chính trị gia tin rằng tự do thương mãi quốc tế sẽ chuyển đổi thế giới ngày một tự do hơn, các nước chậm phát triển trở nên dân chủ hơn nhằm chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản mà không cần đến sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ.
Từ thời Tổng thống Dân Chủ Jimmy Carter và Tổng thống Cộng Hòa Ronald Regan các chính trị gia Mỹ bắt đầu chịu ảnh hưởng của lý thuyết tân tự do.
Hai vị Tổng thống trên bắt đầu những cải cách kinh tế gồm tư nhân hóa các dịch vụ công cộng, bãi bỏ rào cản đầu tư và thương mãi, cho phép nước ngoài được tham gia thị trường Mỹ cạnh tranh với các công ty Mỹ.
Tổng thống Regan và Tổng thống Bush (cha) đã bắt đầu thương lượng tự do hóa thương mãi Bắc Mỹ, Mễ Tây Cơ, Gia Nã Đại và Hoa Kỳ.
Tổng thống Clinton là người đã khai sinh Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, khiến hàng hóa từ Mễ Tây Cơ đổ vào nước Mỹ làm hằng triệu công nhân lâm vào cảnh thất nghiệp.
Cử tri từ những tiểu bang và địa phương có nền kinh tế dựa vào công nghiệp đã trừng phạt ông Clinton nên ngay trong cuộc bầu cử giữa kỳ 1994, đảng Dân Chủ mất cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện.
Lần đầu tiên trong vòng 40 năm đảng Cộng Hòa kiểm soát được Hạ Viện và đảng Cộng Hòa liên tục giữ cả hai viện Quốc Hội trong sáu năm còn lại của Tổng Thống Clinton.

 

Chiến Lược Với Trung Cộng

Tổng thống Clinton một tín đồ của trường phái tân tự do tin rằng khi mở cửa chào đón Bắc Kinh, Trung cộng sẽ tôn trọng luật chung, đôi bên cùng có lợi, Bắc Kinh sẽ từng bước dân chủ hóa thể chế và như thế thế sẽ mang lại tự do và hòa bình cho toàn thế giới.
Dựa trên niềm tin đó ông Clinton đã thuyết phục được lưỡng viện Quốc Hội thuộc đảng Cộng Hòa ban cho Bắc Kinh quy chế Tối Huệ Quốc, mở cửa cho hàng hóa Trung cộng đổ vào nước Mỹ.
Năm 2001, Mỹ chấp nhận Bắc Kinh tham gia vào Tổ chức Thương Mãi Thế Giới (WTO), nhưng thay vì tôn trọng luật chung, cạnh tranh tự do và công bằng với Mỹ, Trung cộng đã sử dụng các chiến thuật như thao túng tiền tệ, thuế quan, hạn ngạch nhập cảng, trợ cấp nhà nước, bán phá giá, tấn công mạng, trộm cắp trí tuệ và gián điệp kinh tế.
Trung cộng đã giết chết các công ty công nghệ Mỹ, xâm chiếm và thống trị thị trường Mỹ, buộc nước Mỹ lệ thuộc vào hàng hóa và chuỗi cung ứng của Trung cộng, khiến nước Mỹ càng ngày càng lụn bại, tầng lớp công nhân Mỹ ngày càng khốn khó.
Tổng thống George W. Bush (con) nhận ra hiểm họa của Bắc Kinh nhưng phải tập trung vào chiến tranh chống khủng bố ở Trung Đông, nên Trung cộng ngày càng vươn lên về kinh tế và ảnh hưởng đến chính trị thế giới.
Tổng thống Barack Obama đã dành suốt 8 năm trong vai trò Tổng thống thương thuyết Hiệp Định TPP nhằm chống lại bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh, nhưng kết quả được trình bày ở phần trên.

 

Tổng Thống Trump Đối Đầu Trực Diện Với Bắc Kinh…

Cử tri thuộc tầng lớp công nhân ở các tiểu bang công nghệ Đông Bắc nước Mỹ đã không tin lời hứa ngừng thương thuyết Hiệp Định TPP của bà Clinton, nên trong cuộc bầu cử 2016 đã bỏ đảng Dân Chủ và bầu cho ông Trump giúp ông thắng cử Tổng thống.
Ông Trump đảo ngược các chiến lược thương mãi quốc tế trước đây với Bắc Kinh, một mặt trực diện đối đầu làm suy yếu Trung cộng, mặt khác xây dựng công nghệ Mỹ vừa có khả năng cạnh tranh với Trung cộng vừa tạo công ăn việc làm cho tầng lớp công nhân Mỹ.
Trước đại dịch, chính sách kinh tế của ông Trump giúp nước Mỹ liên tục phát triển, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong vòng 50 năm, lương trung bình người lao động liên tục gia tăng và các tiểu bang dựa vào công nghệ từng bước được phục hồi.
Nhưng vì ông Trump một lượt phá vỡ cả 2 chiến lược thống trị nước Mỹ suốt 50 năm qua: chiến lược tự do thương mãi quốc tế và chiến lược ngoại thương với Trung cộng.
Nên ông gặp nhiều chống đối, từ các chính trị gia cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ, giới công chức hành chánh, thành phần khoa bảng, giới truyền thông, đến giới tư bản, các nhóm lợi ích, những người được hưởng lợi từ toàn cầu hóa và buôn bán với Bắc Kinh.
Ông Trump đã phá vỡ giai đoạn đầu “giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình đến năm 2050 sẽ trở thành siêu cường thống lĩnh toàn cầu và ngăn chặn sáng kiến “Vành Đai Con Đường”.
Ông cũng liên tục nhắc cử tri Mỹ nhận thức được mối hiểm họa của đảng Cộng sản Trung Hoa với Mỹ và thế giới, nên nếu ông Trump thắng cử đương nhiên ông sẽ tiếp tục chiến lược đối đầu với Bắc Kinh.

 

Nếu Ông Biden Thắng Cử…

Ông Biden là một chính trị gia chuyên nghiệp với 47 năm kinh nghiệm nghị trường, năm 2000 trong vai trò thượng nghị sĩ, ông đã ủng hộ việc ban Tối Huệ Quốc cho Bắc Kinh và cho phép Trung cộng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, tạo mối quan hệ thương mại bình thường và vĩnh viễn giữa Mỹ với Trung cộng.
Nhưng tình hình nay đã thay đổi, nếu ông Biden được khẳng định thắng cử, chiến lược đối đầu với Bắc Kinh sẽ vẫn giữ nguyên, nội việc thuế quan Mỹ đánh trên hàng hóa nhập cảng từ Trung cộng muốn tháo gỡ cũng cần một thời gian dài thương thuyết và chưa chắc ông Biden sẽ đáp ứng được nguyện vọng từ các ngành kỹ nghệ hưởng lợi từ chính sách này.
Từ năm 2007-17, trong vai trò là phó tổng thống và chủ tịch Thượng Viện, ông Biden ủng hộ Hiệp định TPP, nên trước việc Trung cộng và 14 quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nhiều người nghĩ ông Biden sẽ thương thuyết gia nhập Hiệp Định CPTPP.
Nhưng như tôi đã trình bày bên trên chính cử tri đã quyết định việc Mỹ rút khỏi Hiệp Định TPP, nhiệm kỳ 2021-24 cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện chỉ hơn kém nhau vài ghế nên việc quay trở lại Hiệp Định CPTPP là mạo hiểm chính trị cho cả ông Biden lẫn cho đảng Dân Chủ.
Chính phủ Biden có rất nhiều chính sách kinh tế nội trị cần được Quốc Hội thông qua, như chính sách “Mua hàng Mỹ” (buy Americans). Chính phủ Biden dự định sẽ mua thêm 400 tỷ Mỹ Kim hàng hóa sản xuất tại Mỹ, tạo công ăn việc làm cho công nhân Mỹ.
Nếu trong kỳ bầu cử Thượng Viện tại Georgia ngày 5/1/2021 sắp tới đảng Cộng Hòa thắng và giữ được Thượng Viện thì với chủ trương tự do kinh doanh và giảm chi phí chính phủ, liệu Thượng Viện có thông qua ngân sách để ông Biden thực hiện chính sách này?
“Mua hàng Mỹ” là một chính sách bảo trợ công nghiệp, nội việc đề ra chính sách đã cho thấy ông Biden không còn tha thiết với tự do thương mãi quốc tế mà muốn quay lại bảo vệ kỹ nghệ nước Mỹ.
Nhưng nếu ông Biden tiến hành việc tái thương thuyết gia nhập Hiệp Định CPTPP thì cũng là chuyện “chính trị quốc tế” như đã trình bày bên trên khi Chính Phủ Obama thương thuyết Hiệp Định TPP.
Nói tóm lại giới bình luận chính trị thường tập trung vào vai trò của Tổng thống Mỹ, mà quên đi vai trò của Quốc Hội trong việc hoạch định chiến lược và chính sách, hiểu rõ hệ thống chính trị Mỹ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quan hệ ngoại giao, ngoại thương, quốc phòng giữa Mỹ và các quốc gia trên thế giới.

 

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
22/11/2020

 

Tham khảo:
Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*