Tiếp Tục Chuyện Đại Dịch COVID-19 Và Bầu Cử 2020 (Bản Tin Tổng Hợp – 20/11/2020)

ĐẠI DỊCH COVID-19 LẠI BÙNG PHÁT KHẮP NƯỚC MỸ

Một tuần lễ trước ngày Lễ Tạ Ơn theo truyền thống của nước Mỹ, các vị Thống Đốc tại nhiều tiểu bang cũng như Thị Trưởng tại nhiều thành phố lớn vừa ban hành những quy định mới, nhằm hạn chế phần nào sinh hoạt của dân chúng trong mùa lễ Thanksgiving năm nay, vì Covid-19 lại đang bùng phát với mức độ báo động và chắc chắn các chuyến du lịch cũng như các buổi tụ họp gia đình sẽ tạo thêm cơ hội để đại dịch lan tràn.

Hôm Chủ Nhật 15/11 tổng số các trường hợp lây nhiễm trên toàn quốc Hoa Kỳ vượt mức 11 triệu, có nghĩa là chỉ trong 8 ngày vừa qua đã có thêm 1 triệu người bị lây nhiễm. Trước đó coronavirus cũng đã lan tràn với tốc độ kinh hoàng: từ 8 triệu lên 9 triệu trong vòng 16 ngày, rồi từ 9 triệu lên 10 triệu trong vòng 10 ngày. Nhưng đáng sợ nhất là tuần lễ từ 11/11 đến 16/11, ngày nào nước Mỹ cũng có thêm ít nhất 140,000 người mới bị lây nhiễm và ngày nào cũng có khoảng 1,120 bệnh nhân chết vì Covid-19.

Hai tiểu bang Texas và California báo cáo số trường hợp lây nhiễm cao nhất (Texas 1.1 triệu người, California 1.04 triệu người). Các tiểu bang miền Trung Tây cũng có số lây nhiễm rất cao, như Wisconsin (335,000 người), Iowa (188,000 người), Nebraska (98,000 người), North Dakota (65,000 người), South Dakota (66,000 người). Tiểu bang Illinois đang trở thành tâm điểm mới của đại dịch, với 587,000 trường hợp lây nhiễm, 11,217 bệnh nhân tử vong, và chỉ nội ngày Thứ Sáu 13/11 đã có thêm 15,433 người mới bị lây nhiễm, đó là con số cao nhất từ trước tới nay (hồi tháng 7 kỷ lục thuộc về tiểu bang Florida với 15,300 người mới bị lây nhiễm trong một ngày).

Nếu nhìn rộng hơn, nước Mỹ vẫn dẫn đầu và chiếm 20% tổng số trường hợp lây nhiễm trên toàn thế giới (hiện đã lên tới hơn 56 triệu người). Nước Mỹ cũng dẫn đầu về số tử vong là 250,485 người, chiếm gần 19% tổng số bệnh nhân chết vì Covid-19 trên toàn thế giới (hiện đã lên tới 1 triệu 349,339 người) tính đến Thứ Năm 19 tháng 11.

Trước tình hình đại dịch bùng phát và thời tiết càng lúc càng lạnh tạo thêm cơ hội cho coronavirus hoành hành, hầu hết các tiểu bang Hoa Kỳ đều ban hành quy định mới, nhằm hạn chế hoạt động thương mại cũng như sinh hoạt xã hội. Tuần lễ vừa qua ghi nhận những con số đáng báo động: 40 tiểu bang báo cáo số trường hợp mới lây nhiễm tăng vọt mỗi ngày, 20 tiểu bang ghi nhận số tử vong cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, và 26 tiểu bang lập kỷ lục về số người nhập viện chữa trị Covid-19. Tại tiểu bang New Mexico, Thống Đốc Michelle Lujan Grisham kêu gọi dân chúng bớt di chuyển và giao tiếp bên ngoài, nên ở trong nhà càng nhiều càng tốt. Tại tiểu bang New Jersey, Thống Đốc Phil Murphy ra lệnh nếu ở trong nhà chỉ được tụ tập tối đa 10 người không cùng sống trong một gia đình, và ở ngoài trời chỉ được tụ tập tối đa 150 người. Tại tiểu bang Ohio, Thống Đốc Mike DeWine cũng công bố quy định giới hạn tương tự như vậy. Tại tiểu bang Michigan, Thống Đốc Gretchen Whitmer ban hành lệnh cấm có hiệu lực 3 tuần lễ, theo đó dân chúng chỉ được tụ tập tối đa hai gia đình, mọi tiệm ăn và quán rượu không được tiếp khách ở bên trong. Riêng thành phố Philadelphia ban hành lệnh hạn chế rất gắt gao, cấm mọi sự tụ tập bất kể số lượng bao nhiêu người, dù ở nơi công cộng hay ở tư gia, chỉ trừ những người cùng sống trong một gia đình.

Đến hôm Thứ Năm 20/11, Cơ Quan Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) ra thông báo chính thức khuyên người dân Mỹ không nên du lịch trong dịp Thanksgiving để hạn chế lây nhiễm, báo trước đây sẽ là mùa Lễ Tạ Ơn đầu tiên thiếu vắng không khí hội họp quây quần của mọi gia đình theo truyền thống kể từ năm 1863.

Hôm Thứ Sáu 13/11 Thống Đốc tiểu bang Nevada là ông Steve Sisolak loan báo bị xét nghiệm dương tính với coronavirus, và trở thành vị Thống Đốc thứ năm của nước Mỹ bị lây nhiễm (trước đó là các Thống Đốc Kevin Stitt của Oklahoma, Mike DeWine của Ohio, Mike Parson của Missouri và Ralph Northam của Virginia). Ngoài ra còn có thêm 3 nhà lập pháp cũng vừa bị xét nghiệm dương tính, đó là Thượng Nghị Sĩ Chuck Grassley, Dân Biểu Dan Newhouse và Dân Biểu Doug Lamborn. Cho tới nay, tổng cộng đã có 8 Thượng Nghị Sĩ và 26 Dân Biểu trong Quốc Hội Hoa Kỳ bị lây nhiễm và phải cách ly vì Covid-19.

Các bản tin thông tấn ghi nhận việc mang khẩu trang hiện đã trở thành bắt buộc tại 35 tiểu bang. Ngay cả 5 tiểu bang miền Trung Tây và Tây Bắc mà các Thống Đốc đều thuộc đảng Cộng Hòa trước giờ vẫn chống đối việc ra lệnh mang khẩu trang, thì nay cũng phải thay đổi thái độ trước đợt bùng phát mới của đại dịch. Ngoại trừ Thống Đốc Kristi Noem của South Dakota vẫn chủ trương “để cho dân chúng tự ý thức trách nhiệm”, các Thống Đốc Doug Burgum (North Dakota), Mark Gordon (Wyoming), Kim Reynolds (Iowa), Pete Ricketts (Nebraska), Brad Little (Idaho) đều ra thông báo hạn chế số người trong các tiệm ăn, quán rượu, tiệm hớt tóc v.v… và yêu cầu mọi người mang khẩu trang.

Tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, tình hình đại dịch được các chuyên gia y tế theo dõi chặt chẽ để giúp chính quyền ban hành những quy định thích ứng. Số liệu thống kê của WTOP News ngày Thứ Ba 17/11 cho thấy mức độ lây nhiễm coronavirus đã gia tăng trong toàn vùng vào tuần lễ vừa qua, ở Virginia với tỷ lệ 7% (206,762 trường hợp lây nhiễm, 3,835 người chết), ở Maryland với tỷ lệ 6.57% (169,805 trường hợp lây nhiễm, 4,335 người chết), và ở Washington D.C. với tỷ lệ 4.1% (19,309 trường hợp lây nhiễm, 660 người chết).

Để đối phó với đợt bùng phát mới của đại dịch trước mùa Lễ Tạ Ơn, Thống Đốc Ralph Northam cho biết các quy định mới được áp dụng kể từ ngày Thứ Hai 16 tháng 11 trên toàn tiểu bang Virginia, theo đó:

– Hạn chế tụ họp: Tối đa 25 người, ở trong nhà cũng như ở nơi công cộng (quy định trước đây là được tụ họp tối đa 250 người).

– Khẩu trang: Tất cả mọi người kể cả trẻ em từ 5 tuổi trở lên đều phải mang khẩu trang khi vào công tư sở hoặc cơ sở thương mại (quy định trước đây là từ 10 tuổi trở lên).

– Giữ khoảng cách an toàn: Mọi cơ sở thương mại và tiệm bán lẻ (kể cả tiệm thuốc tây, chợ, siêu thị) đều phải tuân thủ các biện pháp giữ khoảng cách an toàn, giữ vệ sinh và mang khẩu trang.

– Hạn chế bán rượu: Cấm bán và uống rượu sau 10 giờ tối ở tiệm ăn hoặc quán rượu. Các tiệm ăn và quán rượu phải đóng cửa lúc 12 giờ đêm.

Trong khi đó tại tiểu bang Maryland, ngay từ hôm Thứ Tư tuần trước (11/11) Thống Đốc Larry Hogan đã thông báo hạn chế một số hoạt động thương mại, theo đó các tiệm ăn và quán rượu chỉ được tiếp khách đến mức tối đa 50% diện tích trong tiệm (quy định trước đây là 75% diện tích). Đến Thứ Ba tuần này (17/11) Thống Đốc Hogan nhắc nhở thêm lần nữa rằng “tiểu bang phải quay trở lại Giai Đoạn 2”, và kêu gọi mọi cư dân hãy thể hiện tinh thần trách nhiệm chung, vì theo lời ông: “Covid-19 không phải là bệnh cúm, Covid-19 cũng không phải là tin tức bịa đặt. Đây là một trận chiến tranh, và coronavirus đang thắng”.

Những quy định được áp dụng tại Maryland kể từ ngày 20 tháng 11 gồm có:

– Mọi tiệm ăn và quán rượu phải đóng cửa lúc 10 giờ tối.

– Khách vào uống rượu trong quán chỉ được ngồi ở bàn, không được đứng uống rượu ở quầy.

– Các tiệm bán lẻ, tiệm ăn, quán rượu, các trung tâm thể dục, bingo, bowling, bi-da, skating… chỉ được tiếp khách đến mức tối đa 50% diện tích trong tiệm

– Tất cả các sân vận động tổ chức những cuộc thi đấu thể thao và các trường đua ngựa đều không được cho khán giả vào xem.

Riêng thủ đô Washington D.C. vẫn đang tiếp tục áp dụng quy định hạn chế số người đến mức tối đa 50% diện tích của cơ sở thương mại, vì Thị Trưởng Muriel Bowser chưa từng tuyên bố kết thúc Giai Đoạn 2 để bước sang Giai Đoạn 3 như hai tiểu bang Virginia và Maryland. Ngoài ra, để đối phó với đợt đại dịch đang bùng phát, Washington D.C. còn ra thông báo yêu cầu du khách đến từ các tiểu bang khác (hoặc cư dân vùng thủ đô từ các tiểu bang khác trở về) phải được xét nghiệm coronavirus, nếu có kết quả dương tính sẽ bị cách ly trong 14 ngày.

Giữa những ngày đại dịch đang bùng phát, chỉ có một tin vui duy nhất. Đó là, cả hai hãng dược phẩm Pfizer và Moderna đều đã thu thập đủ dữ kiện từ cuộc thử nghiệm Giai Đoạn 3 để chứng tỏ hai loại thuốc chủng ngừa do họ bào chế có công hiệu tới 95% trong việc ngăn chống coronavirus. Pfizer và Moderna sẽ nộp hồ sơ xin Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm Dược Phẩm của chính phủ Hoa Kỳ (FDA) duyệt xét và cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp thuốc chủng ngừa cho những nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch vào tháng 12 năm nay. Sau đó hai hãng dược phẩm này sẽ cung cấp số lượng lớn để chủng ngừa cho dân chúng ở Mỹ và các quốc gia khác, dự trù vào tháng 4 hoặc tháng 6 năm 2021.

BẦU CỬ BAO GIỜ MỚI NGÃ NGŨ?

Hơn hai tuần lễ sau ngày 3 tháng 11, cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ vẫn chưa thực sự ngã ngũ, mặc dù các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông từ ngày 7 tháng 11 đã ước đoán ứng cử viên Joe Biden được trên 270 phiếu cử tri đoàn để trở thành Tổng Thống tân cử.

Các nhóm ủng hộ Tổng Thống Trump đã vận động một buổi tập hợp và diễn hành đông đảo mang tên “Million MAGA March” hôm Thứ Bảy 14/11 ở thủ đô Washington D.C. và một số thành phố khác. Mục tiêu tập hợp là để bày tỏ thái độ phủ nhận chiến thắng của ông Joe Biden và thúc đẩy những vụ kiện ở 6 tiểu bang chiến trường nhằm tố cáo “gian lận” theo lời cáo buộc của Tổng Thống Trump – mặc dù chỉ hai ngày trước đó các giới chức giám sát bầu cử toàn quốc đã lên tiếng phản bác lời cáo buộc này.

Các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông đưa ra ước lượng khác nhau về số người từ nhiều tiểu bang kéo về D.C. tham dự “Million MAGA March”. Bản tin Reuters viết “hàng chục ngàn người”, nhưng các bản tin Associated Press, Fox News và USA Today chỉ ghi nhận “hàng ngàn người”. Trên mạng xã hội, Tổng Thống Trump viết “hàng trăm ngàn người” (Hundreds of thousands of people showing their support in D.C.), trong khi tùy viên báo chí Tòa Bạch Ốc Kayleigh McEnany nói con số lên tới “hơn một triệu người” (More than one MILLION marchers for President Trump on the swamp in support).

Những người diễn hành từ Freedom Plaza đến trụ sở Tối Cao Pháp Viện đã reo hò phấn khởi khi đoàn xe đưa Tổng Thống Trump trên đường đến sân golf chạy ngang qua và Tổng Thống ngồi trong xe ra hiệu vẫy chào. Hình ảnh cho thấy rất nhiều người mang cờ Mỹ, đội nón hoặc mặc áo in khẩu hiệu MAGA (Make America Great Again), giơ cao các biểu ngữ như “Trump 2020”, “Stop the Steal” v.v… và hầu như không mấy ai mang khẩu trang.

Buổi tập hợp diễn ra trong không khí náo nhiệt và ôn hòa, tuy nhiên đến chiều tối thì xảy ra vài vụ xung đột giữa các nhóm người ủng hộ và các nhóm người phản đối, mặc dù cảnh sát đã cố gắng lập hàng rào cản để ngăn chận đôi bên. Sở Cảnh Sát D.C. cho biết vào lúc 8:12 giờ tối ở góc đường số 10 và New York Ave. NW có một người bị đâm bằng dao, được đưa vào bệnh viện điều trị với vết thương không nguy hiểm đến tánh mạng. Vẫn theo cảnh sát thì có 21 người bị bắt về các tội danh như “mang súng bất hợp pháp”, “hành hung”, “tấn công nhân viên công lực” “xâm phạm trật tự công cộng”.

Trong lúc “Million MAGA March” diễn ra tại thủ đô D.C. thì việc kiểm phiếu và đếm phiếu lại cũng như các vụ kiện về bầu cử vẫn tiếp diễn ở 6 tiểu bang chiến trường là Michigan, Pennsylvania, Wisconsin, Nevada, Georgia và Arizona. Ủy ban vận động tái tranh cử của Tổng Thống Trump đang thu thập bằng chứng nhằm hỗ trợ cho 21 đơn kiện về những cáo buộc gian lận đã nộp để yêu cầu tòa án ra lệnh hoãn xác nhận kết quả kiểm phiếu tại 6 tiểu bang này.

Tin tức hôm Thứ Hai 16/11 cho thấy luật sư James Bopp Jr. vừa rút lại đơn kiện của ba cử tri ở ba quận hạt Milwaukee, Dane, Menominee của tiểu bang Wisconsin. Hồi tuần trước, hôm Thứ Ba 10/11 và Thứ Sáu 13/11, ở các tiểu bang khác cũng có những đơn kiện đã được rút lại và ít nhất 9 đơn kiện bị tòa án bác bỏ vì thiếu bằng chứng.

Qua tuần này, bản tin Reuters ghi nhận tổ hợp luật sư Porter Wright Morris & Arthur đã nộp hồ sơ tại tòa án để xin rút ra khỏi vụ kiện ở Pennsylvania, và tổ hợp luật sư Snell & Wilmer cũng nộp hồ sơ xin rút ra khỏi vụ kiện ở Arizona. Mặc dù vậy, phát ngôn viên ủy ban vận động tái tranh cử là ông Tim Murtaugh phổ biến thông cáo nói rằng ủy ban sẽ chuyển qua nhờ những văn phòng luật sư khác thụ ủy để tiếp tục các vụ kiện.

Hôm Thứ Ba 17/11, ủy ban vận động tái tranh cử của Tổng Thống Trump bị Tối Cao Pháp Viện của tiểu bang Pennsylvania ra phán quyết bác bỏ đơn kiện hội đồng bầu cử tại thành phố Philadelphia về việc hội đồng không cho các quan sát viên đảng Cộng Hòa đứng gần để theo dõi việc kiểm phiếu bầu bằng thư. Sau khi thất bại về vụ kiện này, ủy ban vận động tái tranh cử vẫn theo đuổi vụ kiện một số quận hạt về việc cho phép cử tri sửa lỗi trên phiếu bầu bằng thư. Theo các giới chức bầu cử thì dù được tòa án sở tại đồng ý, vụ kiện cũng chỉ ảnh hưởng đến một số lượng phiếu bầu rất nhỏ và không làm thay đổi kết quả trên toàn tiểu bang.

Đơn kiện mới nhất do ủy ban vận động tái tranh cử của Tổng Thống Trump đệ nạp là tại thủ phủ Carson City của tiểu bang Nevada, vào ngày Thứ Tư 18/11. Ủy ban không kiện các viên chức bầu cử, thay vì vậy lại kiện 6 thành viên cử tri đoàn của Nevada – là những người cam kết bỏ phiếu xác nhận ông Joe Biden thắng ở tiểu bang này. Quận hạt Clark, bao gồm thành phố Las Vegas, đã xác nhận kết quả bầu cử, nhưng ủy ban yêu cầu tòa án vô hiệu hóa 6 phiếu cử tri đoàn vì “có những sự kiện bất thường, bất hợp lệ và gian lận, ảnh hưởng đến 40,000 phiếu bầu của cử tri”. Trong số 6 thành viên cử tri đoàn của Nevada có một cựu nữ quân nhân thuộc binh chủng Hải Quân là bà Gabrielle d’Ayr, hiện đang sống trong cảnh vô gia cư.

Song song với cuộc tranh chấp pháp lý, thủ tục kiểm phiếu bầu khiếm diện và bầu bằng thư ở các tiểu bang chiến trường vẫn còn tiếp diễn vì chưa hoàn tất 100%. Ủy ban vận động tái tranh cử của Tổng Thống Trump hôm Thứ Tư 19/11 đã trả trước số tiền ký quỹ 3 triệu dollars để yêu cầu đếm lại phiếu bầu ở hai quận hạt Milwaukee và Dane của tiểu bang Wisconsin. Việc đếm lại sẽ phải hoàn tất trước ngày 1 tháng 12.

Tính đến Thứ Tư 18/11, ông Biden đang dẫn trước ông Trump 81,671 phiếu ở Pennsylvania, 146,007 phiếu ở Michigan, 33,596 phiếu ở Nevada, 20,565 phiếu ở Wisconsin và 10,377 phiếu ở Arizona.

Tại Georgia, nơi đang kiểm tra và đếm phiếu lại bằng tay, ông Biden cũng dẫn trước ông Trump 13,977 phiếu. Theo luật quy định, tiểu bang Georgia phải đếm lại gần 5 triệu phiếu bầu vì tỷ lệ cách biệt giữa hai ứng cử viên Tổng Thống chưa tới 1%. Việc đếm lại đã hoàn tất và kết quả sẽ được công bố vào Thứ Năm 19/11. Tin tức cập nhật cho biết đã phát giác 5,932 phiếu bầu bị đếm sót do lỗi kỹ thuật, gồm 2,600 phiếu ở quận hạt Floyd, 2,755 phiếu ở quận hạt Fayette, 284 phiếu ở quận hạt Walton và 293 phiếu ở quận hạt Douglas. Các giới chức bầu cử ước tính Tổng Thống Trump có thêm khoảng 1,000 phiếu từ số phiếu bầu bị đếm sót này. Nếu không còn sự thay đổi đáng kể nào khác nữa thì kết quả sẽ xác nhận ông Biden thắng 16 phiếu cử tri đoàn của Georgia và được tổng cộng 306 phiếu cử tri đoàn.

Vì Tổng Thống Trump mới chỉ có được 232 phiếu cử tri đoàn và hiện đang bị dẫn trước hơn 300,000 phiếu bầu ở 6 tiểu bang chiến trường, cách biệt quá lớn, nên các bản tin thông tấn ghi nhận rằng những vụ kiện sẽ khó có cơ hội đảo ngược kết quả để mang lại chiến thắng cho Tổng Thống Trump – ngoại trừ trường hợp chứng minh được là có sự gian lận hàng trăm ngàn phiếu bầu như lời Tổng Thống Trump cáo buộc cho đảng Dân Chủ. Khó khăn hơn nữa là sự cáo buộc này lại bị phản bác bởi chính các giới chức đặc trách giám sát bầu cử toàn quốc, qua một Bản Lên Tiếng Chung nói rằng “cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020 là cuộc bầu cử an toàn nhất trong lịch sử nước Mỹ” (The November 3rd election was the most secure in American history) và “không có bằng chứng cho thấy bất cứ hệ thống nào đã xóa bỏ, làm mất phiếu, đổi phiếu hay sửa đổi kết quả bằng cách này hoặc cách khác” (There is no evidence that any voting system deleted or lost votes, changed votes, or was in any way compromised).

Bản Lên Tiếng Chung (Joint Statement) đề ngày 12/11, đứng tên 10 viên chức điều hành Hội Đồng Phối Trí Cơ Cấu Tổ Chức Bầu Cử của chính phủ Hoa Kỳ (Election Infrastructure Government Coordinating Council – GCC), trong đó quan trọng nhất là Cơ Quan An Ninh Mạng và Hạ Tầng Cơ Sở (Cybersecurity and Infrastructure Security Agency – CISA). Được thành lập vào tháng 11 năm 2018 chiếu theo đạo luật cùng tên mà Quốc Hội đã biểu quyết và Tổng Thống Trump ký ban hành, cơ quan CISA trực thuộc Bộ An Ninh Nội Chính và được lãnh đạo bởi Giám đốc Christopher Krebs.

Bản Lên Tiếng Chung viết rõ trong phần kết luận như sau: “Chúng tôi biết đang có nhiều sự cáo buộc vô căn cứ và tin tức thất thiệt về bầu cử, nhưng chúng tôi cam đoan với tất cả mọi người rằng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự an toàn và trung thực của cuộc bầu cử năm nay, và quý vị cũng nên tin tưởng như vậy. Nếu có thắc mắc, xin quý vị hãy nêu ra với các viên chức đặc trách tổ chức và giám sát bầu cử vì đó là những tiếng nói đáng tin cậy”. (While we know there are many unfounded claims and opportunities for misinformation about the process of our elections, we can assure you we have the utmost confidence in the security and integrity of our elections, and you should too. When you have questions, turn to elections officials as trusted voices as they administer elections).

Bản tin ABC News trích dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn Reuters cho biết hai giới chức cao cấp của cơ quan CISA là ông Bryan Ware và bà Valerie Boyd đã bị yêu cầu từ chức hôm Thứ Năm 12/11 (cùng ngày với Bản Lên Tiếng Chung), và ông Christopher Krebs, Giám đốc CISA, cũng có thể bị cách chức. Điều dự đoán này đã trở thành sự thật vào chiều Thứ Ba 17/11 khi Tổng Thống Trump gửi tin nhắn trên mạng xã hội với nội dung như sau: “Bản lên tiếng mới đây của Chris Krebs về mức độ an toàn của cuộc bầu cử 2020 không hề chính xác, bởi vì đã xảy ra rất nhiều sai lệch và gian lận (…) Do đó, Chris Krebs đã bị cách chức Giám đốc cơ quan CISA ngay tức khắc”.

Hôm Thứ Tư 18/11, một loạt các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng Hòa lên tiếng bày tỏ thái độ bất đồng, như Thượng Nghị Sĩ Susan Collins, Thượng Nghị Sĩ Shelley Moore Capito, Thượng Nghị Sĩ Mike Rounds, Thượng Nghị Sĩ John Cornyn, Thượng Nghị Sĩ Ben Sasse, tất cả đều chỉ trích Tổng Thống Trump đã cách chức ông Christopher Krebs, một viên chức có nhiều năng lực, kinh nghiệm và thành tích trong việc ngăn chận tin tặc từ nước ngoài xâm phạm an ninh quốc gia cũng như hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ.

Ba ngày trước đó, vào sáng Chủ Nhật 15/11, Tổng Thống Trump gửi tin nhắn trên Twitter, cũng để tiếp tục cáo buộc bầu cử gian lận, nhưng đã khiến nhiều người ngạc nhiên vì tin nhắn viết “Ông ta thắng nhờ bầu cử gian lận” (He won because the Election was Rigged). Có thể do mạng xã hội lan truyền những suy đoán bất lợi rằng đây là một sự gián tiếp công nhận ông Biden thắng cử, nên sau đó 1 giờ đồng hồ Tổng Thống Trump gửi tiếp tin nhắn như để đính chính: “Ông ta chỉ thắng dưới mắt của Truyền Thông Bịa Đặt. Tôi không thừa nhận thất cử gì hết! Con đường còn dài. Đây là một cuộc bầu cử gian lận!” (He only won in the eyes of the FAKE NEWS MEDIA. I concede NOTHING! We have a long way to go. This was a RIGGED ELECTION!). Và đến 10 giờ tối Chủ Nhật Tổng Thống Trump lại gửi thêm tin nhắn với bốn chữ viết hoa “Tôi đã thắng cử” (I WON THE ELECTION).

Nhưng ngày hôm sau, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của Tổng Thống là ông Robert O’Brien lại đưa ra những phát biểu trái ngược tại buổi khai mạc Hội Thảo An Ninh Toàn Cầu trực tuyến do Soufan Center (một trung tâm chiến lược phi đảng phái) tổ chức vào sáng Thứ Hai 16/11. Ông O’Brien nói: “Nếu kết quả bầu cử quyết định liên danh Biden-Harris thắng cử, và có vẻ thực tế đang cho thấy như vậy, thì chắc chắn là chúng tôi sẽ thực hiện một cuộc bàn giao rất nghiêm túc từ Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Họ sẽ đưa những người rất chuyên nghiệp đến để đảm nhận các vị trí này, trong đó có nhiều người đã từng tham gia các chính quyền trước đây tại Tòa Bạch Ốc”. (If the Biden-Harris ticket is determined to be the winner, and obviously things look that way now, we’ll have a very professional transition from the National Security Council, there’s no question about it. They’re going to have very professional folks who are coming in to take these positions, many of whom have been here before and spent a lot of time in the White House in prior administrations).

Lời phát biểu của Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Robert O’Brien được coi như sự thừa nhận đầu tiên từ một giới chức cao cấp Tòa Bạch Ốc về chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11.

Cho tới giờ này, Cơ Quan Quản Trị Dịch Vụ Tổng Hợp (The General Services Administration – GSA) của chính phủ Trump vẫn chưa ký văn bản xác nhận và chưa giao cho ủy ban tranh cử của ông Joe Biden ngân khoản 9.9 triệu dollars cũng như các văn phòng và những dịch vụ để chuẩn bị hoạt động sau ngày nhậm chức (20 tháng 1). Tuy nhiên Cố Vấn An Ninh Quốc Gia O’Brien đã bác bỏ dư luận lo ngại rằng việc chuyển quyền chậm trễ sẽ phương hại đến an ninh quốc gia, nhất là ở thời điểm đại dịch đang hoành hành. Ông O’Brien nhắc lại hồi năm 2000, sau cuộc tranh cử của hai ông George W. Bush và Al Gore, “việc chuyển quyền phải chờ tới giữa tháng 12, và rồi mọi việc cũng xong xuôi”. Và ông kết luận: “Nếu tình thế khiến chúng tôi không được tham gia nhiệm kỳ thứ nhì của Tổng Thống Trump như nhiều người ở Tòa Bạch Ốc mong đợi, mà lại là một chính phủ khác, thì chắc chắn chúng tôi sẽ vẫn thực hiện một cuộc bàn giao rất nghiêm túc”. (I’m old enough to remember Bush v. Gore, and the transition there didn’t start until mid-December and yet it got done. And if we’re in a situation where we’re not going to a Trump second term, which I think people here where I’m sitting in the White House would like to see, if it’s another outcome, it’ll be a professional transition, no question about it).

Nếu ủy ban vận động tái tranh cử của Tổng Thống Trump không trưng dẫn đủ bằng chứng để thuyết phục các tòa án và thất bại trong những vụ kiện về “gian lận bầu cử”, kể cả việc khiếu tố lên Tối Cao Pháp Viện, thì hạn chót để 6 tiểu bang chiến trường xác nhận kết quả kiểm phiếu sẽ là: Ngày 20 tháng 11 cho Georgia, ngày 23 tháng 11 cho Michigan và Pennsylvania, ngày 30 tháng 11 cho Arizona, ngày 1 tháng 12 cho Nevada và Wisconsin. Sau đó đến ngày 14 tháng 12 cử tri đoàn tại 50 tiểu bang sẽ biểu quyết để xác nhận kết quả bầu cử toàn quốc, và gửi về Thượng Viện trước ngày 23 tháng 12. Lưỡng viện Quốc Hội (với thành phần vừa được bầu lại) sẽ nhóm phiên khoáng đại vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 để công bố kết quả trước dân chúng Hoa Kỳ.

Hôm Thứ Ba 17/11, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Trưởng Khối Đa Số đảng Cộng Hòa) khi trả lời báo chí đã khẳng định “sẽ có một cuộc chuyển quyền trong trật tự từ chính phủ hiện tại, và chính phủ mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2021”. (All of this will happen right on time and we’ll swear in the next administration on January 20. We’re going to have an orderly transfer from this administration to the next one. What we all say about it is, frankly, irrelevant).

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, CNBC, Fox News, USA Today
Ngày 20/11/2020

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*