Những cáo buộc về một cuộc bầu cử gian lận được đương kim Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và các nhóm ủng hộ ông chia sẻ hàng giờ trên các phương tiện truyền thông xã hội, khiến cho không ít người nghi ngờ về tính chính danh và độ tin cậy của cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2020.
Hiện nay, nhóm của Tổng thống Trump đang tìm cách lật ngược kết quả của bầu cử tại năm tiểu bang, bao gồm Pennsylvania, Michigan, Nevada, Georgia và Arizona. Những nơi này đều là những tiểu bang mà Trump đã vượt trước Joe Biden trong đêm bầu cử ngày 3 tháng 11, nhưng lại hụt hơi khi bắt đầu đếm số phiếu bầu qua thư.
Trước tiên, cần lưu ý rằng các đặc trưng chính trị của các chính quyền tiểu bang này đều rất đa dạng. Như Luật Khoa đã từng giới thiệu trong bài viết 5 câu hỏi giúp bạn hiểu cách hệ thống bầu cử Mỹ vận hành, việc quản trị và vận hành cuộc bầu cử tại các tiểu bang đều do chính các tiểu bang này tự “bao tiêu”.
Pennsylvania đang có một thống đốc Đảng Dân chủ nhưng cả lưỡng viện đều do Đảng Cộng hòa kiểm soát. Michigan cũng có đặc trưng tương tự.
Riêng Georgia và Arizona thì cả thống đốc lẫn lưỡng viện đều nằm dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng hòa.
Duy nhất Nevada là nơi hoàn toàn do Đảng Dân chủ kiểm soát.
Với đặc trưng chính trị như vậy, việc cho rằng Đảng Dân chủ bằng cách thần kỳ nào đó một tay che trời, thực hiện gian lận bầu cử ở cả năm tiểu bang là rất thiếu thuyết phục.
Vậy nhóm của Trump có thật sự đưa ra được bằng chứng then chốt hay chí mạng để bác bỏ tính chính danh của cuộc bầu cử? Hoặc liệu có việc Hiến pháp vĩ đại Hoa Kỳ đã bị xâm phạm như Trump tuyên bố? Để biết sức nặng của những cáo buộc này trên thực tế quan trọng đến thế nào, chúng ta cần nhìn vào nội dung, bằng chứng và những câu hỏi pháp lý mà đội ngũ Trump có thể thật sự đưa ra đến đâu, và họ đang yêu cầu những gì.
Để tổng hợp cho bạn đọc không có nhiều thời gian, có ba yếu tố chính được Trump và đội ngũ pháp lý của ông nhắm vào khi họ không công nhận hay loại trừ những phiếu bầu không dành cho ông:
- Thách thức pháp lý liên quan đến tình hình quan sát bầu cử dành cho các quan sát viên (election observers) của Đảng Cộng hòa, với các luận điểm như ranh giới không đủ gần để quan sát quy trình kiểm đếm phiếu.
- Thách thức pháp lý liên quan đến các phiếu bầu qua thư chưa kịp định danh, hoặc sai sót, khiếm khuyết về hình thức.
- Thách thức pháp lý liên quan đến thời điểm được nhận các phiếu bầu qua thư.
Cả ba vấn đề pháp lý này đều không bao gồm những tin giật gân như “xé phiếu bầu cử”, “vứt phiếu bầu cử” vào thùng rác; “giả số phiếu bầu cử”, “sửa kết quả bầu cử”… nhan nhản trên mạng xã hội hiện nay. Việc này cho thấy những thông tin vừa nêu nhiều khả năng chỉ là tin giả.
Đối với ba vấn đề pháp lý được nêu ra trước cơ quan tư pháp ở cấp tiểu bang Hoa Kỳ nói trên, những gì được gọi là “chiến thắng” của đội ngũ pháp lý Trump vẫn chỉ mang tính chất biểu tượng và gần như không thể làm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử.
Luật Khoa tóm gọn một số vụ kiện từ nhóm của Tổng thống Trump tại năm tiểu bang mà họ cho rằng kết quả bầu cử phải mang ra tranh chấp như sau.
Pennsylvania: Đưa ra cáo buộc một đằng, khởi kiện một nẻo
Thống đốc: Đảng Dân chủ
Lưỡng viện Quốc hội tiểu bang: Đảng Cộng hòa
Pennsylvania có thể là tiểu bang quan trọng nhất trong cuộc chiến pháp lý của Trump. Không chỉ bởi vì đây là tiểu bang có nhiều phiếu đại cử tri nhất (20 phiếu) trong năm tiểu bang tranh chấp, mà vì đội ngũ pháp lý của Trump còn thách thức tính hợp pháp của tổng cộng đến hơn 2,65 triệu phiếu bầu qua thư.
Phiếu bầu qua thư là nhóm mà các chuyên gia thường giả định là do các ủng hộ viên của Đảng Dân chủ trong mùa bầu cử này chiếm đa số, bởi vì bệnh dịch COVID-19 nên họ không đến những điểm bỏ phiếu mà gửi phiếu bằng thư. Các đơn khởi kiện được nhóm Trump nộp rải rác ở các quận hạt và các thành phố lớn, ví dụ như thành phố Philadelphia (có truyền thống bỏ phiếu xanh cho Đảng Dân chủ). Thế nhưng, nội dung của các đơn kiện này thì mỗi nơi mỗi khác.
Ví dụ như tại thành phố Philadelphia, đội ngũ của Trump đã giành một chiến thắng biểu trưng khi Tòa án thành phố đồng ý với luận điểm của họ rằng quy chuẩn 20 feet (khoảng 6m) cách biệt giữa người quan sát và các nhân viên kiểm đếm phiếu là không cần thiết và giảm nó xuống còn 6 feet (khoảng gần 2m). Nhưng chính quyền thành phố đã lý giải rằng, yêu cầu này được đặt ra vì COVID-19 và quy định bầu cử tiểu bang cũng không công nhận các quan sát viên có được “quyền khoảng cách”. Lãnh đạo tư pháp của thành phố Philadelphia đã kháng cáo quyết định này của tòa án và vụ việc vẫn trong giai đoạn được xem xét trong tuần này.
Tuy nhiên, mục tiêu chính của đội luật sư của Trump là yêu cầu không công nhận hơn… 680 ngàn phiếu được kiểm đếm trong điều kiện quan sát nói trên thì lại được cân nhắc ở một vụ việc khác, và vẫn chưa ngã ngũ. Mặc dù vậy, kết quả cuối cùng vẫn khó mà nghiêng về phía Trump. Đó là vì nếu chúng ta quan sát những vụ kiện khác được đưa ra xét xử về cuộc bầu cử 2020 gần đây, những cáo buộc từ phía Trump đã không đưa ra được chứng cứ và đã bị tòa án bác bỏ đơn kiện.
Ngoài ra, ở một diễn biến khác cũng tại Pennsylvania, nhiều phiếu bầu qua thư đang được nhóm Trump yêu cầu tòa phải tuyên bố vô hiệu do các sai sót hình thức.
Trong đó, có 4.466 phiếu được ký và ghi ngày tháng năm nhưng thiếu tên in ở đầu trang và địa chỉ của người bỏ phiếu; 1.259 phiếu không có ngày tháng cạnh chữ ký; 860 phiếu đủ thông tin nhưng lại không in tên của người bỏ phiếu trên đầu trang.
Với sự tập trung vào những tiểu tiết nói trên, rõ ràng các cáo buộc “gian lận” phiếu bầu tại tiểu bang Pennsylvania mang tính diễn ngôn và gây hiểu sai hơn là có sức nặng pháp lý.
Dưới đây là một cuộc đối thoại giữa một luật sư của Trump – Jonathan Goldstein – trong vụ kiện tại hạt Montgomery, Pennsylvania, với thẩm phán tại tòa:
Thẩm phán: “Tôi hỏi anh một câu hỏi rất cụ thể, và tôi muốn nhận được một câu trả lời cụ thể, luật sư. Anh có đang đưa ra cáo buộc rằng có gian lận bầu cử liên quan đến 592 phiếu bầu đang tranh chấp?”
Luật sư: “Với những thông tin mà tôi có hiện nay, không, thưa quý tòa”.
Nằm hoàn toàn bên ngoài các cáo buộc gian lận, một vụ kiện khác đã lên đến Tối cao Pháp viện tiểu bang Pennsylvania. Theo đó, đội ngũ pháp lý của Trump đưa ra yêu sách không kiểm đếm phiếu qua thư đến các trụ sở kiểm đếm sau ngày bầu cử. Tối cao Pháp viện tiểu bang không hoàn toàn ủng hộ yêu sách này, cho rằng các phiếu được chuyển đến cơ sở kiểm đếm ba ngày sau ngày bầu cử vẫn sẽ được tính là hợp lệ, miễn dấu bưu điện ghi nhận ngày 3 tháng 11 năm 2020. Đến nay, đây là vụ kiện duy nhất có khả năng được trình lên Tối cao Pháp viện liên bang.
Ông Biden đang dẫn trước Trump khoảng hơn 70.000 phiếu phổ thông tại Pennsylvania.
Michigan: Cách biệt quá lớn
Thống đốc: Đảng Dân chủ
Lưỡng viện Quốc hội tiểu bang: Đảng Cộng hòa
Bốn năm về trước, Trump đã giành toàn bộ 16 phiếu đại cử tri tại Michigan với chênh lệch chỉ vừa tròm trèm 10.000 phiếu phổ thông.
Hiện nay, ông đang bị Biden vượt đến gần 150.000 phiếu phổ thông.
Trong ngày 4 tháng 11, tức ngay sau đêm bầu cử, đội ngũ pháp lý của Trump nhanh chóng khởi kiện lên tòa địa phương, cáo buộc rằng các phiếu bầu khiếm diện (absentee ballots, đồng nghĩa với bầu qua thư) đã được đếm khi không có sự hiện diện của các quan sát viên từ Đảng Cộng hòa.
Một số cáo buộc khác được ghi nhận cũng cho rằng quan sát viên thuộc Đảng Cộng hòa cảm thấy bị đe dọa. Vài người kể lại việc nhiều nhân viên đếm phiếu mặc áo Black Lives Matter (BLM – một phong trào dân quyền da đen đương đại có diễn ngôn chống Trump mạnh mẽ). Tuy nhiên, hầu hết đều không làm rõ là liệu các hiện tượng này có thật sự làm sai lệch kết quả bầu cử hay không.
Trong hai đơn khởi kiện liên quan đến cùng vấn đề, một đơn khởi kiện đã bị một thẩm phán tại Michigan từ chối tiếp nhận vì đối tượng khởi kiện sai.
Đối với trường hợp còn lại, Thẩm phán Timothy Kenny cũng từ chối can thiệp vào quá trình cấp chứng nhận kết quả bầu cử, cho rằng tòa không thể xác định được chứng cứ khả dĩ nào cho thấy các cáo buộc gian lận bên nguyên đơn là có cơ sở, để từ đó tạm hoãn việc cấp chứng nhận. Đó chỉ là quan sát và nhận xét cảm tính (speculation) của nguyên đơn mà thôi – vị thẩm phán này nhận định.
Một đơn kiện khác đã được đệ trình lên Tòa Phúc thẩm Michigan, tiếp tục yêu cầu tạm dừng quá trình chứng nhận kết quả bầu cử cuối cùng của tiểu bang, vẫn dẫn chứng một số phàn nàn của các nhóm quan sát viên.
Tính đến thời điểm này, đội ngũ pháp lý của Trump ở Michigan vẫn án binh bất động. Rất ít thông tin về những bằng chứng cụ thể liên quan đến khả năng gian lận bầu cử được công bố.
Nevada: Im lặng
Thống đốc: Đảng Dân chủ
Lưỡng viện Quốc hội tiểu bang: Đảng Dân chủ
Như đã nhắc đến ở trên, Nevada là bang duy nhất do Đảng Dân chủ kiểm soát, song các cáo buộc của đội ngũ luật sư của Trump vẫn xoay quanh các vấn đề liên quan đến hình thức.
Cụ thể, họ cho rằng có hơn 3.000 người dân thuộc bang Nevada đã bỏ phiếu trong khi họ đã rời khỏi tiểu bang để sinh sống ở nơi khác với danh sách kèm theo (nhóm này được gọi là moved voters). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và các nhà quan sát cho rằng đây là kiểu khởi kiện “chịu đấm ăn xôi”, “quét nhà ra rác” bởi pháp luật Hoa Kỳ cho phép các công dân rời khỏi tiểu bang trong vòng 30 ngày được quyền hoặc bầu ở nơi ở mới, hoặc tiếp tục bầu tại tiểu bang gốc của mình.
Những nhóm phản đối quan điểm của những luật sư cho Trump cũng lên tiếng phản pháo là trong danh sách đó có nhiều quân nhân tại ngũ và sinh viên du học ở nước ngoài. Đó là những người hoàn toàn có quyền bầu cử qua thư từ bên ngoài Nevada.
Trong một diễn biến khác, Đảng Cộng hòa chi bộ Nevada cũng khởi kiện tại hạt Clark đông dân nhất tiểu bang, cho rằng đơn vị kiểm đếm phiếu không được phép sử dụng máy móc và trí thông minh nhân tạo để rà soát chữ ký của cử tri. Tuy nhiên, yêu cầu này đã sớm bị thẩm phán liên bang Andrew Gordon khước từ.
Georgia: Đảng Cộng hòa đấu… Đảng Cộng hòa
Thống đốc: Đảng Cộng hòa
Lưỡng viện Quốc hội tiểu bang: Đảng Cộng hòa
Không có nhiều bằng chứng hay thông tin liên quan đến các vụ kiện tại Georgia. Vụ kiện duy nhất được nộp lên tòa án hạt Chatham ngay trong ngày 4 tháng 11, đưa ra dẫn chứng duy nhất là một nữ quan sát viên thấy một nhân viên phòng phiếu trộn lẫn “50 phiếu bầu trực tiếp không rõ nguồn gốc (bị cáo buộc là nhận sau 7 giờ tối ngày bầu cử – ND) vào một chồng các phiếu bầu qua thư”. Tuy nhiên, người này sau đó không đưa ra được bằng chứng nào cụ thể, và vụ việc cũng nhanh chóng bị một thẩm phán địa phương gạt bỏ.
Tuy nhiên, thú vị nhất là với quy trình bầu cử hoàn toàn do chính quyền tiểu bang của Đảng Cộng hòa kiểm soát, hai Thượng nghị sĩ liên bang thuộc Đảng Cộng hòa là David Perdue và Sen. Kelly Loeffler lại đưa ra yêu cầu buộc một thành viên khác trong đảng là Brad Raffensperger, đương kim Sở trưởng Ngoại vụ tiểu bang Georgia, từ chức. Họ cho rằng ông này đã không làm hết mình, để tình trạng gian lận phiếu bầu trở nên phổ biến.
Brad Raffensperger tất nhiên phản pháo, khẳng định toàn bộ quá trình kiểm đếm phiếu là vô cùng chặt chẽ và cho biết: “Không phiếu nào bất hợp pháp được xem xét.”
Các cáo buộc gian lận tại Georgia, vì nhiều lý do, có thể sẽ chỉ dậm chân tại chỗ như hiện nay.
Arizona: Khởi kiện vì một số máy bỏ phiếu… hư
Thống đốc: Đảng Cộng hòa
Lưỡng viện Quốc hội tiểu bang: Đảng Cộng hòa
Cũng không có bằng chứng kinh thiên động địa nào liên quan đến quá trình bầu cử tại Arizona. Đơn khởi kiện đầu tiên được nộp vào ngày 7 tháng 11, cho rằng “một số” phiếu bầu hợp lệ đã bị từ chối.
Trong hồ sơ, nhóm luật sư của chiến dịch của Trump chỉ nêu ra được một vài tuyên bố của các quan sát viên và hai cử tri, ghi nhận họ gặp rắc rối với các máy bỏ phiếu. Vụ việc vẫn đang được cơ quan tư pháp xem xét, nhưng xét theo việc Biden dẫn Trump 0,31 điểm, tức khoảng 11.000 phiếu, thì việc cho rằng một vài cử tri gặp vấn đề với máy bỏ phiếu là gian lận hay cướp đoạt cuộc bầu cử khó được chấp nhận.
Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cũng đã phủ nhận những cáo buộc liên quan đến gian lận phiếu bầu tại Arizona.
* * *
Cái hại lớn nhất của việc tuyên truyền sai lệch về mức độ và cường độ của những sai lệch trong bầu cử, trước tiên, là khiến cho chính một bộ phận lớn người dân Hoa Kỳ không còn tin tưởng và có thói quen phủ nhận kết quả đại diện của cả hệ thống dân chủ đang vận hành.
Như trong trường hợp của Georgia và Arizona, dù Đảng Cộng hòa nắm trọn quyền hành pháp lẫn lập pháp tại đây, các diễn ngôn và lời kêu gọi sai lệch khiến người dân nghi ngờ và phản bác cả những nhân viên công quyền đáng lẽ ra phải ở vị trí công bình và khách quan nhất.
Với các câu hỏi và vấn đề pháp lý được đặt ra ở trên, sẽ rất khó có khả năng bất kỳ bản án nào sẽ được Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ thụ lý. Lý do là vì Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ là tòa bảo hiến và chỉ tiếp nhận những vụ việc trực tiếp liên quan đến Hiến pháp Mỹ.
Ví dụ, trong án lệ Bush v. Gore, một trong ba án lệ quan trọng của bầu cử Mỹ từng được Luật Khoa giới thiệu, câu hỏi mà đội luật sư của Bush đã đặt ra phải là rất khéo để đặt Tối cao Pháp viện Mỹ vào tình thế phải tiếp nhận vụ việc.
Trong đó, họ hỏi:
“Việc Tối cao Pháp viện tiểu bang Florida đặt ra các quy tắc bầu cử mới (ý chỉ luật tiểu bang và liên bang không có quy định đếm phiếu bằng tay – ND) có vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ hay không? và
Việc đếm phiếu không quy chuẩn bằng tay có vi phạm các điều khoản về bảo vệ bình đẳng (equal protection) và chuẩn mực pháp lý (due process) hay không?”
Đối với những cáo buộc gian lận nhưng không có bằng chứng rõ ràng của Trump tại hầu hết các tiểu bang đang tranh chấp, việc khái quát hóa chúng lên thành một câu hỏi bảo hiến là gần như bất khả.
Nguyễn Quốc Tấn Trung
Theo Luật Khoa Tạp chí ngày 17/11/2020
Copyright @2018 | Người Việt Boston
Be the first to comment