Nhạc Sĩ Lê Dinh ra đi vào lúc 4:00AM ngày 9 tháng 11 năm 2020, Thọ 86 tuổi
Nhạc sĩ Lê Dinh sinh ngày 8-9-1934 tại Tỉnh Tiền Giang, nước Việt Nam. Ông sống và làm việc chủ yếu ở Thành phố Montreal, nước Canada.
Trước năm 1975 Lê Dinh cùng với nhạc sĩ Minh Kỳ và Anh Bằng thành lập nhóm Lê Minh Bằng. Nhóm Lê Minh Bằng đã cho ra mắt nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như: Gõ cửa, Chuyện tình Lan và Ðiệp, Căn nhà ngoại ô, Linh hồn tượng đá, Ðêm nguyện cầu… Nhóm Lê Minh Bằng cũng đã góp phần đào tạo nên những ca sĩ nổi tiếng như: Giáng Thu, Trang Mỹ Dung, Hải Lý, Mạnh Quỳnh, Ngọc Tuyết…
Từ tháng 10/1978 , nhạc sĩ Lê Dinh định cư ở Montréal, Canada cho đến nay.
Nhạc sĩ Lê Dinh sáng tác chủ yếu ở hai đề tài là nhạc tình, và nhạc quê hương với các bài viết về Huế, về miền cao nguyên.
Những sáng tác:
1. Làng anh làng em (1956), tác phẩm đầu tay, Nhà xuất bản Tinh Hoa miền Nam
2. Ngày ấy quen nhau (1959)
3. Thương đời hoa (1960)
4. Hôm nào anh đi (1960)
5. Có nhớ không anh (1960)
6. Tấm ảnh ngày xưa (1961)
7. Cánh thiệp hồng (1961)
8. Ga chiều (1962)
9. Xác pháo nhà ai (1964)
10. Chiều lên bản Thượng (1964)
11. Tình yêu trả lại trăng sao (1964)
12. Thương về xứ Thượng (1965), đồng sáng tác với Hồ Đình Phương
13. Ngang trái (1965)
14. Nỗi buồn Châu Pha (ký tên Nhật Nguyệt Hồ)
15. Biển dâu
16. 13 tuổi lính
17. Bốn mùa thương nhớ (Vân Tùng)
18. Cánh thiệp đầu xuân
19. Cho tôi nhớ lại một người (Vân Tùng)
20. Cớ sao em buồn (Vân Tùng)
21. Đường chiều sơn cước
22. Đường về khuya
23. Đêm ngoại ô (Vân Tùng)
24. Gác nhỏ đêm xuân
25. Giấc mộng đêm xuân
26. Hạnh phúc đầu xuân
27. Kỷ niệm một mùa xuân
28. Mang theo kỷ niệm vào đời
29. Một chuyến xe hoa
30. Một phút suy tư (Vân Tùng)
31. Mỗi người một tâm sự (Vân Tùng)
32. Mùa xuân gửi em
33. Mưa trên phố Huế
34. Ngày sau sẽ ra sao (Vân Tùng)
35. Người em xứ Thượng
36. Thu tím lá vàng (Vân Tùng)
37. Tiếng hát Mường Luông
38. Tôi đã gặp
39. Hồi tưởng
40. Bài hát của người điên
41. Nắng bên này sông
42. Cho người tình cũ
43. 10 bài hận ca
44. Thương về Gò Công
45. Sao anh không nhớ Gò Công
46. Dòng kỷ niệm
47. Chữ tình
48. Huế buồn
49. Chỉ là phù du (2003)
Lê Dinh thời trẻ
Từ năm 1948-1953, nhạc sĩ Lê Dinh học trung học tại Collège Le Myre de Vilers (Mỹ Tho). sau đó, ông học thêm một lớp hàm thụ về hòa âm và sáng tác tại École Universelle de Paris.
Từ năm 1953-1955, ông theo học tại trường Cao đẳng Vô Tuyến Ðiện Saigon (École Supérieure de Radioélectricité de Saigon).
Từ năm 1955-1957: Dạy học Pháp văn và âm nhạc ở Gò Công và ở Chợ Lớn.
Từ năm 1957-1975: Làm việc tại Ðài Phát thanh Saigon VTVN. Chức vụ: Chủ sự Phòng Sản Xuất rồi Chủ sự Phòng Ðiều Hợp.
Tấm Ảnh Ngày Xưa – Nhạc Sĩ Lê Dinh
“Ngày nao em đến chơi tặng tôi một chiếc hình
Ghi nhớ ngày chúng mình vừa quen nhau
Năm tháng dài ngày sau ghi nhớ mãi…
Hình em tóc ngang vai lược giắt với hoa cài
Nét mi cong viền khoé mắt u hoài
Khoé mắt u hoài làm xao xuyến lòng ai…
Chiều nay sao nhớ thương người em qua chiếc hình
Qua nét mực yêu kiều và xinh xinh
Ghi mấy hàng gởi anh câu luyến mến…
Tặng anh để mai sau mình vẫn nhớ nhau hoài
Dẫu xa xôi lòng vẫn nhớ thương hoài
Thương nhớ lâu dài này anh nhé đừng quên…
Rồi thời gian êm trôi xa cách buồn vời vợi
Khi ánh trăng vàng lên khơi
Người về nơi xa xôi năm tháng để một người
Thương nhớ thuở nào nguôi…
Rượu nồng chưa nâng ly sao uống cạn để rồi
Lưu luyến phương trời mờ xa
Rồi ngày nay phôi pha, thương lúc đầu mặn mà
Thương này vui chóng qua…
Giờ đây trong bóng đêm mình tôi bên chiếc hình
Bao kỷ niệm êm đềm ngày xa xưa
Như sống lại người ơi trong ánh mắt…
Dù cho cách xa nhau lòng vẫn nhớ nhau hoài
Tháng năm qua hình bóng khó phai mờ
Ôi khó phai mờ thuở niên thiếu mộng mơ…”
Nhắc đến Nhạc sĩ Lê Dinh, hầu như người yêu dòng nhạc vàng đều từng nghe về ông và từng thưởng thức những nhạc phẩm của ông. Tên tuổi của NS Lê Dinh đã được biết đến từ những thập niên 50 cho đến tận thời điểm bây giờ, khi mà đông đảo số lượng người thực sự yêu mến dòng nhạc vàng chỉ tăng thêm chứ không hề bớt. Với trên 200 tác phẩm có thể được chia làm 3 giai đoạn sáng tác, có thể nói giai đoạn sáng tác đầu – tức là giai đoạn NS Lê Dinh sáng tác một mình mà chưa cộng tác cùng NS Anh Bằng và cố NS Minh Kỳ – được xem là giai đoạn khá quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Đó là giai đoạn cho ra đời những nhạc phẩm nổi tiếng mà chúng ta rất yêu mến như: Làng Anh Làng Em, Ngày Ấy Quen Nhau, Xác Pháo Nhà Ai, Cánh Thiệp Hồng, Ngang Trái, Thương Ðời Hoa, Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao v.v.. và TẤM ẢNH NGÀY XƯA – nhạc phẩm mà Nhạc Vàng xin chọn để mời Quý vị đã biết đến nhạc phẩm một lần thưởng thức lại, cũng như để giới thiệu với các bạn trẻ đã và đang gieo tình yêu với dòng nhạc này.
“Ngày nao em đến chơi tặng tôi một chiếc hình
Ghi nhớ ngày chúng mình vừa quen nhau
Năm tháng dài ngày sau ghi nhớ mãi…”
Tiếng nhạc lời thơ như đưa người nghe bồi hồi quay về với những tháng ngày tinh khôi tuổi học trò, đầy kỷ niệm mà khi nghĩ về, ai từng đi qua một lần, lòng lại không thôi nhung nhớ…
Tình cảm người con gái e ấp được gửi gắm qua tấm hình có “em tóc ngang vai lược giắt với hoa cài, nét mi cong viền khoé mắt u hoài, khoé mắt u hoài làm xao xuyến lòng ai” và mấy dòng “yêu kiều, xinh xinh” để thầm mong anh:
“…mai sau mình vẫn nhớ nhau hoài
Dẫu xa xôi lòng vẫn nhớ thương hoài
Thương nhớ lâu dài này anh nhé đừng quên.”
Nhưng rồi cái thuở ban đầu lưu luyến ấy cũng dần trôi vào dĩ vãng, khi một người “về nơi xa xăm” báo trước sự biệt ly, chỉ còn “trong bóng đêm mình tôi bên chiếc hình” ngày nào em trao…
Vậy nhưng, “Dù cho cách xa nhau lòng vẫn nhớ nhau hoài” chứ không nghĩ về nhau với nỗi giận hờn, oán trách…
Xin được phép kết thúc bài viết này bằng lời nhận xét của nam ca sĩ Anh Ngọc – thành danh từ thập niên 50 khi phụ trách chương trình phê bình nhạc của đài phát thanh Sài Gòn về nhạc sĩ Lê Dinh mà Nhạc Vàng đọc được trong một bài viết trên tạp chí Nghệ Thuật số 29/ tháng 8-1996:
”Qua Lê Dinh người ta tiếp nhận những âm điệu uyển chuyển, dồi dào, không nhàm chán và phần lời ca của Lê Dinh rất chân thật, rất đơn sơ nhưng không kém phần điêu luyện và nhờ đó đi thẳng vào lòng người nghe một cách dễ dàng.”
Quả thật, với cảm nhận cá nhân của mình, Nhạc Vàng mạo muội cảm thấy rằng: âm nhạc hay, cũng một phần bởi vì nó đã chuyên chở trọn vẹn tiếng lòng của người sáng tác, và cả của người lắng nghe…
Văn – Trọng – Thiên – Huy
(Ảnh Và Tư Liệu Sưu Tầm Nhiều Nguồn)
Be the first to comment