Màn Hình Ipad, Điện Thoại Ảnh Hưởng Đến Trí Não Trẻ Thế Nào

(NGUỒN HÌNH ẢNH, GETTY IMAGES)

Trước khi đứa con chập chững của tôi biết nói, nó đã biết điện thoại nào là của tôi, chiếc nào là của ba nó.

Chúng trông gần như y hệt nhau, nhưng nó sẽ hét lên nếu ai đó không phải tôi chạm vào di động của tôi. Ngay cả khi nó thấy tôi chuyển điện thoại cho ai đó để họ xem hình, nó sẽ làm giặc làm dữ một cách đáng kinh ngạc.

Trong thế giới của nó, điện thoại di động là một phần của tôi cũng giống như đôi giày hay quần áo vậy, bởi vì nó hầu như luôn ở bên cạnh tôi và con gái tôi rõ ràng một mực bảo vệ những gì thuộc về tôi.

Phần tất yếu của cuộc sống

Nhận thức được điều đó là khoảnh khắc ta trở nên tỉnh táo, nhưng điều đó cũng phản ánh thực tế rằng hơn bao giờ hết, màn hình điện thoại đang là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Mặc dù tôi cố gắng hết sức để giảm thiểu sử dụng điện thoại, nhưng nó vẫn hữu ích không gì có thể so sánh được trong việc tra đường đi, xem mạng xã hội, mua đồ ăn qua mạng, nghe sách nói và nhiều thứ khác.

Vì không có ông bà nào của con gái tôi sống gần đây, nó cũng là một cách quan trọng để chúng tôi giữ liên lạc, nhất là khi tôi đã không gặp mẹ kể từ năm 2019 do lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại.

Màn hình điện thoại có mặt ở mọi ngóc ngách, do đó không thể tránh khỏi con em chúng ta tiếp nhận nó một cách nhanh chóng, dễ dàng và trực giác.

Đứa con nhỏ của tôi thậm chí còn biết – gần như theo bản năng – rằng bằng cách quẹt chiếc điện thoại, cái gì đó sẽ sáng lên. Thậm chí nó dường như còn biết điều đó khi nó chưa tròn một tuổi.

Science Photo Library

Chúng ta biết rằng điện thoại cũng cực kỳ gây nghiện, chúng định hình tâm trí con cái chúng ta theo những cách mà giờ đây chúng ta đang dần dần bắt đầu hiểu.

Nó không hẳn là xấu, nhưng rõ ràng là không phải điều tốt, và học cách sử dụng nó tốt hơn, hoặc biết khi nào thì nên dừng lại, sẽ có những kết quả tích cực lâu dài.

Những tác động bên ngoài gây ảnh hưởng tới đâu tới việc làm sai lệch suy nghĩ của con cái chúng ta – đó không phải là nỗi lo lắng gì mới mẻ.

Ngay cả Plato cũng lo ngại rằng thơ ca và kịch có thể ảnh hưởng tâm trí trẻ. Và những lo lắng tương tự đã xuất hiện kể từ khi tivi trở thành một phần thiết yếu trong các gia đình. Phụ huynh được cảnh báo là con em họ sẽ nghiện TV với việc sẽ suốt ngày dán mắt vào màn hình. Có lẽ đó là lý do tại sao thi sỹ Roald Dahl đã viết trong bài thơ ‘Charlie và Nhà máy Sô cô la’ vào năm 1964 như sau:

“Này, chúng tôi nài nỉ, chúng tôi khẩn cầu,

Hãy làm ơn vứt tivi đi,

Thay vào đó hãy đặt lên

Trên tường một kệ sách dễ thương.”

Nội dung giáo dục

Mặc dù chúng ta biết rằng đọc sách có lợi cho một loạt các khả năng trí tuệ, nhưng đồng thời, trẻ em lớn lên trong một thế giới mà đâu đâu cũng là màn hình.

Do đó, việc bọn trẻ dán mắt vào màn hình đang tạo nên một bức tranh có phần đáng lo ngại.

Các ước tính cho thấy trẻ em dưới hai tuổi dành hơn ba tiếng đồng hồ trước màn hình mỗi ngày, tức là tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua. Một nghiên cứu khác cho thấy đối với trẻ em trong độ tuổi đi học, 49% xài màn hình trên hai giờ mỗi ngày và 16% hơn bốn giờ.

Bỏ nhiều thời gian trước màn hình có thể phải trả giá bằng việc giảm hoạt động thể chất, tăng chỉ số cân nặng và gia đình ít ăn cùng nhau hơn.

Nó cũng dẫn đến việc ngủ ít hơn ở trẻ em cũng như người lớn. Chẳng hạn những đứa trẻ có TV trong phòng ngủ ít hơn 31 phút mỗi ngày.

Thoạt nhìn, tất cả điều này có vẻ đáng báo động, nhưng hóa ra không phải tất cả chương trình TV đều giống nhau và xem một số chương trình giáo dục thực sự có thể có ích cho trẻ, nhưng chỉ những trẻ từ hai tuổi trở lên. Trẻ em dưới hai tuổi nhìn chung không hưởng lợi gì cả.

Getty Images

May mắn là một số nhà sản xuất hiểu biết đã đưa các yếu tố giáo dục vào chương trình TV, Chương trình Sesame Street là một ví dụ điển hình. Và nội dung giáo dục trên truyền hình đã được chứng minh là giúp cải thiện hành vi, khả năng đọc viết và năng lực trí tuệ cho trẻ từ ba đến năm tuổi.

“Nếu đó là chương trình truyền hình giáo dục và nó được thiết kế tốt thì nó không quá tệ cho trẻ em. Và trên thực tế, nó có thể giúp ích rất nhiều đối với các trẻ nhỏ không có nhiều phương tiện tiếp xúc,” bà Kathy Hirsh-Pasek từ Phòng thí nghiệm Ngôn ngữ Trẻ nhỏ thuộc Đại học Temple ở Philadelphia nói.

“Tuy nhiên, nếu đó là tin tức hàng đêm hoặc một số chương trình bạo lực mà ngày nay ai trong chúng ta cũng có trên tivi của mình, thì điều đó khá khủng khiếp đối với trẻ.”

Điều này cũng đúng đối với các phương tiện truyền thông khác. Thời gian tương tác trước màn hình, chẳng hạn như gọi điện video với người thân, được nghe đọc truyện từ xa hoặc xem chương trình và tương tác với con cái trong khi xem, có thể có ích lợi chính nhờ vào tính chất tương tác này.

Vấn đề là, đa phần trẻ em lại không sử dụng màn hình vì các mục đích đó, và chúng có lý do chính đáng để làm vậy.

Các bậc phụ huynh đã đối mặt với những căng thẳng chưa từng thấy vào năm 2020, với ranh giới công việc và cuộc sống gia đình bị xóa nhòa theo những cách chưa từng thấy.

Trẻ em thường tiếp thu truyền thông một cách thụ động, và đó là điều có thể gây hại. Một nghiên cứu mới cho thấy trẻ em có thể học từ mới tốt hơn nếu được dạy trực tiếp hoặc thông qua cuộc gọi video tương tác, so với việc xem từ đó được nói ra một cách thụ động trên màn hình.

Hình ảnh trí tuệ

Não bộ của trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng và sự tương tác với cha mẹ hoặc người chăm sóc vẫn có vai trò rất quan trọng để giúp chúng học hỏi.

Dành thời gian xem màn hình nhiều quá có thể can thiệp vào cách chúng trải nghiệm thế giới ba chiều của chúng ta. Trẻ 15 tháng tuổi có thể học từ mới từ máy tính bảng nhưng sau đó gặp khó khăn khi áp dụng kiến thức này vào đời sống thực tế.

Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc xem tivi và giảm trí tưởng tượng sáng tạo. Cho kết quả tương ứng, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng việc dán mắt lên màn hình ở trẻ em trong độ tuổi đi học làm giảm ‘kỹ năng hình ảnh tâm trí’ của trẻ.

Hình ảnh tâm trí là cách chúng ta sử dụng đầu óc để tưởng tượng về con người, địa điểm hoặc sự kiện trên thế giới.

Đó là đặc điểm phổ quát ở con người vốn cho phép chúng ta phản ánh trong tâm trí về các sự kiện trong đời thực mà không cần phải có mặt ở đó. Đó là cách chúng ta đọc cái gì đó và tưởng tượng mình có mặt ở chỗ đó.

“Khi tôi thực hiện một hành động, trong não tôi cấu trúc thần kinh sẽ sáng tạo ra hành động đó, cho phép tôi làm lại hành động đó trong tâm trí mà không cần thực hiện nó,” tác giả nghiên cứu Sebastian Suggate, chuyên gia về sự phát triển khả năng ngôn ngữ tại Đại học Regensburg ở Đức, cho biết.

Nghiên cứu đã theo dõi 266 trẻ em trong độ tuổi từ ba đến chín, kiểm tra các em trong một nhiệm vụ hình ảnh tâm trí hai lần trong thời gian 10 tháng. Các em được hỏi những câu như: “Cái nào sáng loáng hơn, cái kèn trumpet hay đàn violon? Cái nào nhọn hơn, đinh hay đinh ghim?”

Những câu hỏi gợi này đã giúp các trẻ vận dụng trí tưởng tượng hình ảnh của chúng, bởi vì việc hiểu rằng hòn đá nhẵn thín hơn là, chẳng hạn như đinh ghim, là học được từ kinh nghiệm hơn là được dạy cho biết. Để trả lời câu hỏi này nhanh chóng thì cần phải so sánh ‘hình ảnh tâm trí’ của các đồ vật này.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng tất cả các hình thức dán mắt vào màn hình, cả thụ động – như truyền hình – lẫn mang tính tương tác nhiều hơn – chẳng hạn như chơi game – đều liên quan đến việc hình thành hình ảnh tâm trí ít hơn trong suốt giai đoạn nghiên cứu.

Hãy nhắm mắt lại và hình dung lần cuối cùng bạn ở trong hồ bơi. Sẽ dễ dàng tưởng tượng cảm giác nước chạm vào cơ thể, nó có mùi thế nào và mặt sàn trơn thế nào. Những cảm giác này chỉ đến từ những kinh nghiệm trong quá khứ. Nếu chúng ta chỉ xem ai đó bơi trên màn hình thì chúng ta không thể nhớ lại một cách sống động như vậy.

Đó là do màn hình làm việc đó cho chúng ta. Màn hình hiển thị thông tin đến mắt và tai của chúng ta mà không ảnh hưởng đến các giác quan khác của chúng ta, như xúc giác, vị giác hay khả năng thăng bằng.

“Trong 10 năm đầu đời và cả trong độ tuổi vị thành niên, chúng ta biết rằng thông tin giác quan vẫn đang được tinh chỉnh. Đây là thời điểm phát triển độ nhay nhạy của các giác quan của bạn,” Suggate nói.

Bài học cho phụ huynh

Vậy làm thế nào các bậc cha mẹ hiểu được tất cả những điều này, vì màn hình thiết bị ngày càng là một phần trong cuộc sống chúng ta?

Tin tốt là cha mẹ rất dễ giúp trẻ phát huy kỹ năng hình ảnh trí óc, đồng thời giảm sự lệ thuộc của chúng vào màn hình.

Tất cả những gì chúng ta cần làm là để cho chúng chơi, nhất là khi hình ảnh tâm trí là nền tảng của trò chơi sáng tạo, Suggate nói.

Trẻ em càng tham gia trò chơi mô phỏng nhiều chừng nào, thì trẻ càng có khả năng vận dụng trí tưởng tượng tốt hơn.

Điều này là quan trọng vì cùng với sự gia tăng thời gian sử dụng thiết bị, trẻ em đang dành ít thời gian ngoài trời hơn bao giờ hết.

“Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều đang sống trong thời kỳ hiện đại, và việc dán mắt vào màn hình về cơ bản là điều không thể tránh khỏi,” Suggate nói. “Đó không phải là việc đánh giá hoặc nói với các bậc phụ huynh rằng những gì quý vị đang làm không đủ tốt, mà có lẽ là cần tin vào bản năng của trẻ trong việc tìm kiếm và cho phép chúng tham gia vào những trải nghiệm phong phú trong đời thực.”

Đối với nhiều bậc phụ huynh, điều này có thể không dễ như vậy. Do đó, điều quan trọng là cần hiểu rằng ‘thời gian trên màn hình’ bao gồm nhiều thứ khác nhau.

Điện thoại, máy tính bảng, TV và chơi game tất cả đều được xếp vào một nhóm chung là màn hình thiết bị. Máy tính bảng đã xuất hiện được hơn một thập niên nhưng chúng đang thay đổi cách thức hoạt động của lớp học và học tập từ xa.

Đó là lý do tại sao sử dụng đúng màn hình tương tác, được thiết kế tốt thực sự có thể làm lợi cho trẻ em, chính xác bởi vì “nó có thể thích ứng và mang tính ương tác, trong khi hầu hết các màn hình khác chỉ là ngồi xuống và nghe, làm nên những đứa trẻ nằm ườn,” Hirsh-Pasek cho biết.

Chẳng hạn, trong thời gian phong tỏa, Hirsh-Pasek và các đồng nghiệp đã nghiên cứu trẻ mẫu giáo phản ứng như thế nào với việc kể chuyện ảo.

Tương tự như nghiên cứu của họ trước đây của họ về học từ vựng, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng trẻ em có thể được hưởng lợi từ những câu chuyện ảo được kể qua cuộc gọi truyền hình và chúng hiểu câu chuyện cũng nhiều như khi được đọc cho nghe trực tiếp. Chúng phản hồi tích cực hơn khi đó là một video trực tiếp, thay vì phiên bản được quay từ trước của cùng câu chuyện.

Điều này cho thấy nếu các thiết bị có màn hình có thể khai thác các yếu tố tương tác qua lại mà chúng ta biết là điều then chốt trong việc học, thì chúng thực sự hữu ích.

Và mặc dù video trực tiếp thì hay hơn video được quay sẵn, trẻ bốn tuổi vẫn có thể học hỏi từ video quay sẵn, chỉ có điều chúng không tương tác được nhiều như vậy.

Do đó, thông điệp không nên nhất định là màn hình tốt hay xấu, Hirsh-Pasek nói. Thay vào đó, chúng ta có thể coi một số loại thiết bị màn hình như một công cụ.

“Chúng ta phải tạo ra những màn hình trở thành chất xúc tác cho tương tác xã hội, chứ không phải để thay thế cho tương tác xã hội.”

Ngay cả như thế, đáng để hiểu rằng dán mắt vào màn hình quá nhiều, ngay cả trong bối cảnh giáo dục, có thể ảnh hưởng đến khả năng con cái chúng ta tưởng tượng về thế giới thực.

Melissa Hogenboom
Theo BBC Future 9 tháng 11, 2020

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*