Bầu Cử 2020: Sự Ủng Hộ Khác Nhau Giữa Các Vùng Và Sức Nặng Cử Tri Gốc Việt

Cử tri Mỹ gốc Á (Hình của GETTY IMAGES)

Có sự ủng hộ khác nhau giữa các đô thị lớn và các thành phố nhỏ, vùng nông thôn, giữa các sắc dân, và đối với người Việt giữa lớp đầu và các thế hệ sinh ra tại Mỹ trong bầu cử năm 2020.

Trong khi các thành phố lớn, đô thị phát triển ở Mỹ thường bầu cho đảng Dân Chủ, thì tại các vùng ít dân cư có xu hướng bầu cho đảng Cộng Hòa.

‘Vùng sâu vùng xa’ muốn giữ Donald Trump

Mùa hè vừa rồi tôi cùng gia đình đi nghỉ ở Ocean Shores. Một vùng biển khá đẹp thuộc tiểu bang Washington. Để đến đó, tôi lái xe qua các thành phố Aberdeen với khoảng 17 ngàn dân và thành phố Hoquiam với hơn 8 ngàn dân. Trên đoạn đường qua hai thành phố này tôi thấy trước nhiều ngôi nhà có treo cờ, cắm bảng “Make America great again”, “Keep America great”, “Vote for Trump”, … Đây là những tín hiệu ủng hộ đương kim Tổng thống Donald Trump.

Điều mà tôi rất khó thấy tại các vùng đô thị phát triển như ở Seattle, Bellevue, Tacoma, Olympia… Thành phố Aberdeen và Hoquiam giống như những thị trấn thuộc “vùng sâu vùng xa” ở Việt Nam.

Bảng mới dựng lên trên đường Jimmy Carter, con đường có nhiều người Việt qua lại ở Atlanta, Georgia.
(Hình của LŨY ĐẶNG)

Nhà cửa kiểu cũ. Không có nhiều tòa nhà, công trình mới được xây dựng. Tuy nhiên, nhìn những tòa nhà cũ lớn đang xuống cấp cho thấy những thành phố này khá nhộn nhịp trong quá khứ.

Tìm hiểu về lịch sử, tôi được biết trước đây hai thành phố này đã có nền kinh tế khá thịnh vượng với ngành khai thác, chế biến các sản phẩm từ gỗ và các tài nguyên thiên nhiên khác. Nhưng từ nhiều chục năm nay cả hai đã chứng kiến nhiều nhà máy đóng cửa và dân số giảm dần.

Aberdeen từng là cảng nhà của con tàu Lady Washington. Bản sao của con tàu nhỏ hơn được sử dụng bởi thuyền trưởng Robert Grey trong bộ phim ăn khách phần Black Pearl (ra mắt vào năm 2003) của loạt phim Cướp biển vùng Caribe.

Trên đất Mỹ tôi thấy những vùng quê nhìn còn tiêu điều hơn. Nhiều ngôi nhà, công trình đổ nát do thiếu hơi người. Chỉ có vài ngôi nhà có biểu hiện ra bên ngoài vẫn còn có người sinh sống. Điểm chung của các thành phố nhỏ, vùng quê thuộc ‘vùng sâu vùng xa” tôi cảm nhận được vắng nhà xưởng, doanh nghiệp hoạt động. Cư dân di chuyển đến nơi khác và sự phô trương ủng hộ đương kim Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

Hai thành phố Aberdeen và Hoquiam khá tiêu biểu cho những ‘vùng sâu vùng xa’ ủng hộ Trump mà tôi có dịp chứng kiến qua những chuyến đi chơi, trong những lần lái xe đi làm việc đến nhiều vùng nông thôn, thành phố nhỏ. Tôi nghĩ họ ủng hộ Trump vì hy vọng vào lời hứa đem việc làm trở lại. Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại theo điều họ từng có trong quá khứ.

Nhưng thật rất khó cho một chủ doanh nghiệp, người quyết định đầu tư mở hãng xưởng tại những nơi này trong thời đại toàn cầu đã giống như một cái làng.

Đảng Dân Chủ có ưu thế tại các thành phố lớn

Một bài báo của hãng tin Bloomberg đưa ra hồi năm 2016, các đô thị lớn của Mỹ chiếm 85% dân số và tạo ra 90% sản lượng kinh tế.

Trong cuộc bầu cử vào bốn năm trước, Hillary Clinton đã giành chiến thắng tại 88 trong tổng số 100 quận lớn nhất nước Mỹ.

Trước đó, lần bầu cử vào năm 2008 Barack Obama đã dành chiến thắng tại 88 trên tổng số 100 quận lớn nhất nước Mỹ. Bốn năm sau đó ông dành chiến thắng 86 trên tổng số 100.

Tại những vùng quê không quá khó để bắt gặp những hình ảnh như thế này. Ảnh chụp tại tiểu bang Washington (Hình của VÕ NGỌC ÁNH)

Tại Mỹ bầu cử được tính theo đơn vị hành chính quận hạt (county). Một quận hạt gồm nhiều thành phố. Có thành phố dưới 10 ngàn dân, nhưng cũng có thành phố hằng trăm ngàn, hàng triệu cư dân.

Do đó bầu cử cấp địa phương có tính quyết định. Ngay cả bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện cũng được bầu từ cấp quận hạt với nhiệm kỳ hai năm bầu một lần. Nếu cử tri quận đó không ủng hộ, bà Nancy cũng chỉ về nhà dắt chó đi dạo.

Các cuộc bầu cử ở Mỹ gần đây cho thấy tại các thành phố lớn đảng Dân Chủ thắng cho dù đó là tiểu bang ‘sân nhà’ của đảng Cộng Hòa.

Trong lần bầu cử vào năm 2016, ngay tại tiểu bang Texas, một thành trì của đảng Cộng Hòa thì các thành phố lớn như Austin phần thắng cũng thuộc về đảng Dân Chủ.

Hoặc như thành phố Atlanta, thuộc tiểu bang Georgia đảng Dân Chủ cũng dành chiến thắng.

Tại Raleigh, thành phố lớn thứ nhì tại tiểu bang North Carolina do đảng Cộng Hòa thống trị đảng Dân Chủ vẫn dành phần thắng. Miami thành phố lớn thứ hai thuộc tiểu bang Florida đảng Dân Chủ được đông đảo cử tri chọn.

Một nhóm người Việt ủng hộ Trump tranh cãi cùng nhóm ủng hộ Biden khu Catinat Plaza trên đại lộ Bolsa (Trần Hưng Đạo), thành phố Westminster, Nam California (Hình của FACEBOOK)

Trong 10 thành phố lớn nhất nước Mỹ đảng Dân Chủ thắng 6.

Ngay cả chiến thắng của Donald Trump tại thành phố lớn của bang Texas là San Antonio và Houston có sự khác biệt không lớn với bà Hilary Clinton, lần lược là 48.4 và 47.2, 48.5% và 47.5%.

Chính sự cởi mở, dân cư trẻ, có học vấn, đa dạng về sắc tộc, nền kinh tế năng động là những yếu tố đem lại chiến thắng cho đảng Dân Chủ.

Đảng có xu hướng cấp tiến, quan tâm nhiều đến các yếu tố về phúc lợi xã hội, y tế, môi trường, cởi mở hơn trong nhiều vấn đề của đạo đức, niềm tin đã có sức thu hút hơn với giới trẻ, người nhập cư.

Lá phiếu cử tri gốc Việt có ảnh hưởng ra sao?

Đa số người gốc Việt sinh sống tại các vùng đô thị. Vì nơi tập trung đông các hãng xưởng, kinh doanh nhà hàng, tiệm nail… Tuy nhiên, người Việt lại là dân nhập cư có tỷ lệ ủng hộ Trump khá cao.

Trong một cuộc khảo sát trên gần 1.600 người Mỹ gốc Á từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, cho thấy có 48% người Việt ủng hộ Tổng thống Trump. Cao nhất trong các trong các sắc dân được khảo sát gồm người Việt, Hoa, Ấn, Hàn, Nhật Bản và Philippines. Cuộc khảo sát được thực hiện bởi APIAVote, AAPI Data và Asian American Advance Justice-AAJC

Một cuộc khảo sát về cử tri gốc Á cũng được các cơ quan này thực hiện vào hai năm trước còn cho thấy người Việt ủng hộ Tổng thống Trump lên đến 64%.

Người Việt ở Mỹ có khuynh hướng bầu cho đảng Cộng Hoà, nhưng xu hướng này đã thay đổi, giảm tầm ảnh hưởng gần đây.

Trong mười quận có đông người Việt sinh sống nhất nước Mỹ gồm: Santa Clara (7.1% dân số chung), Orange County (6.1%), California; Fairfax (2.7%) ở Virginia, King (2.0%) ở Washington; Los Angeles (0.9%), San Diego (1.4%), Alameda (2.0%) ở tiểu bang California; Harris (2.0%), Tarant (1.6%), Dallas (1.1%) ở Texas.

Rất khó để bắt gặp những hình ảnh như thế này tại khu vực đô thị. Ảnh chụp tại tiểu bang Georgia (Hình của LŨY ĐẶNG)

Những vùng người Việt sinh sống đông đã có sự thay đổi đáng kể qua năm mùa bầu cử gần đây.

Nếu như đảng Dân Chủ chỉ thắng trong 4 trên 10 quận hạt có nhiều người Việt sinh sống trong cuộc bầu cử năm 2000. Con số này từ từ tăng dần lên tới 5 vào năm 2004, 8 vào năm 2008, và 9 trên mười quận (trừ Tarant) vào năm 2016. Quận Cam (Orange County) đã chuyển mầu xanh vào năm 2016. Quận Harris (nơi có thành phố Houston) đã xanh từ năm 2008.

Thêm vào đó, khác với thế hệ đầu đến Mỹ do tỵ nạn, hoặc đi theo diện HO. Người Việt thế hệ thứ hai tại Mỹ có xu hướng bầu cho đảng Dân Chủ nhiều hơn.

Thử phân tích, quận Santa Clara, ở Bắc California có tỉ lệ dân số người Việt cao nhất nước Mỹ hiện nay hơn 7% ở quận hạt. Trong đó có hơn một nửa có quyền bầu cử và đi bầu. Cho dù 80% dân Việt ủng hộ ông Trump, thì cũng cao lắm là được 3-4% số phiếu của toàn quận hạt.

Các quận khác người Việt ít hơn còn không khả quan như thế. Ngoài Santa Clara và Orange thì ở các quận hạt khác, người Việt chỉ chiếm 1-3%, không đáng kể. Trên năm quận hạt đó đông người Việt nhất ở California nếu người Việt ở đó có bầu hết cho ứng viên đảng Cộng Hoà, thì đảng Dân Chủ vẫn thắng ở California.

Tuy nhiên, bầu cử không phải chỉ là chọn các ứng viên cấp tiểu bang hoặc liên bang. Lá phiếu của cử tri gốc Việt có ảnh hưởng nhiều với ứng viên cấp địa phương, từ dân biểu tiểu bang đến thị trưởng hoặc nghị viên thành phố. Điều này đã được chứng minh ở một vài thành phố ở California và Texas.

Mùa bầu cử năm 2020 này sẽ còn nhiều thú vị vì sẽ có sự khác biệt giữa lá phiếu của các cử tri vùng quê và các thành phố lớn, giữa các sắc dân, các thế hệ người Việt ở Mỹ.

Võ Ngọc Ánh
Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.
Theo BBC tiếng Việt ngày 21 tháng 10, 2020

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*