Blogger Phạm Đoan Trang của Việt Nam được nhận giải Tự do Báo chí năm 2019 (Hình của RSF)
Nhiều nhà hoạt động loan tin vào sáng 7/10 rằng bà Phạm Đoan Trang, người tích cực đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, bị nhà chức trách Việt Nam bắt lúc gần nửa đêm hôm 6/10 ở thành phố HCM.
Các nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên, Bạch Hồng Quyền, Mạnh Kim, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Quang A… đăng lên Facebook cá nhân cho hay công an Việt Nam bắt bà Trang tại một nhà trọ lúc 11h30 đêm.
Chiều 7/10, một loạt các báo nhà nước trong đó có Thanh Niên, Tuổi Trẻ đăng tin xác nhận vụ bắt giữ đã diễn ra.
Các báo dẫn lời Bộ Công an cho hay Công an thành phố Hà Nội “chủ trì phối hợp” với một số đơn vị của bộ và Công an TP.HCM thi hành “lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét khẩn cấp đối với bị can Phạm Thị Đoan Trang”.
Bà Trang, 42 tuổi, bị khởi tố về các tội “tuyên truyền chống nhà nước” quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999, và tội “làm, phát tán thông tin nhằm chống nhà nước” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015, các báo tường thuật, dẫn thông tin từ Bộ Công an.
Việc bắt giữ này diễn ra giữa lúc Việt Nam và Mỹ đang tiến hành đối thoại nhân quyền trong hai ngày 6 và 7/10. Giới quan sát xem đó như là một động thái thể hiện thái độ rõ ràng của Hà Nội về nhân quyền.
Nhà hoạt động nữ Phạm Thanh Nghiên, một người bạn thân thiết của bà Trang, cho biết qua Facebook cá nhân rằng mẹ của bà Trang “chết lặng người, không nói được gì” khi bà Nghiên báo tin về vụ bắt bớ.
Mặc dù nhà hoạt động nữ Phạm Đoan Trang là tác giả của nhiều cuốn sách về nhân quyền, dân chủ, cũng như vố số bài bình luận, song bạn bè trong giới tranh đấu với bà Trang nhận định rằng lý do dẫn đến vụ bắt giữ là cuốn Báo cáo Đồng Tâm do bà và ông Will Nguyễn ở Mỹ làm đồng tác giả.
“Tôi không ngạc nhiên về việc bạn tôi bị bắt, nhất là sau những gì cô ấy viết về Đồng Tâm và bản báo cáo mới phổ biến trên truyền thông”, bà Phạm Thanh Nghiên bày tỏ trên mạng xã hội.
Trang bìa Báo cáo Đồng Tâm, phiên bản thứ ba, công bố ngày 25-9-2020
Nội dung của ấn phẩm – dày 128 trang bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, được công bố hồi cuối tháng 9 – nói về vụ đụng độ giữa công an và người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, hồi đầu tháng 1/2020 do tranh chấp đất đai, khiến ông Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm, và ba công an thiệt mạng.
Báo cáo cũng nêu các diễn biến sau đó cho tới hết phiên xét xử sơ thẩm trong nửa đầu tháng 9, trong đó, chính quyền tuyên án tử hình đối với 2 người dân, 27 người khác bị kết án từ tù treo đến tù chung thân.
Bà Phạm Đoan Trang phát biểu trên đài SBS hôm 28/9 về mục đích viết Báo cáo Đồng Tâm: “Chúng tôi muốn ghi lại vì cộng sản không sợ gì bằng việc bị ghi lại và bị phê bình. Khi bị ghi lại họ sẽ cảm thấy không an tâm”.
“Chúng tôi cũng hy vọng rằng cộng đồng người Việt có thể dùng báo cáo này như một công cụ để vận động cho người dân Đồng Tâm nói riêng và vận động cho các vấn đề đất đai hay nhân quyền Việt Nam nói chung”, bà nói thêm.
Ở Mỹ, nhà hoạt động vì dân chủ Will Nguyễn đăng lên bức thư bằng tiếng Việt và tiếng Anh của bà Phạm Đoan Trang mà ông nói là bà Trang để lại cho ông, nhờ ông công khai khi bà bị bắt.
Trong bức thư đề ngày 27/5/2019 mở đầu với câu “Nếu tôi có đi tù…”, bà Trang thể hiện sự bình thản về việc có thể phải đi tù vì đấu tranh cho tự do.
Phản Kháng Phi Bạo Lực, sách của Phạm Đoan Trang
Đồng thời, qua thư, bà kêu gọi bạn bè giúp hoàn thành các mục đích gồm vận động thông qua luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới; quảng bá các cuốn sách do bà viết; và tận dụng việc bà bị bỏ tù để đàm phán, gây sức ép với chính quyền, buộc chính quyền thực hiện các yêu cầu của giới tranh đấu.
Nhà hoạt động nữ nêu ra những cuốn sách bà mong phổ biến nhiều nhất là Chính trị bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực, Chúng ta làm báo, Politics of a Police State, và các ấn phẩm liên quan tới bầu cử.
Bà Phạm Đoan Trang cũng nêu ra nguyện vọng là bạn bè chăm sóc cho người mẹ của bà, bên cạnh đó là bảo vệ các anh trai và chị dâu vì họ bị công an đe dọa rất nhiều.
Dự liệu về việc bạn bè sẽ đấu tranh, vận động để bà được trả tự do, bà Trang bày tỏ mong muốn được thả và vẫn ở Việt Nam, không bị trục xuất.
Kết thúc bức thư, bà viết: “Tôi không cần tự do cho riêng mình … Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn”.
Cách đây hơn một năm, hồi tháng 9/2019, với tư cách là nhà báo tự do, blogger, đồng thời là một nhà đấu tranh dân chủ có tiếng ở Việt Nam, bà Trang được tổ chức Phóng viên Không Biên giới trao giải Tự do Báo chí của năm 2019, ở hạng mục Ảnh Hưởng.
Bà Trang không thể đến dự lễ trao giải, do lo ngại rằng nếu xuất cảnh, bà có thể không được cho nhập cảnh trở lại Việt Nam. Một người khác đã làm đại diện cho bà Trang để nhận giải.
Theo VOA Tiếng Việt ngày 7/10/2020
Be the first to comment