Sau Tháng Tư, 1975, dân chúng miền Nam ai cũng đã từng nghe câu nói “nếu cái cột đèn… mà biết đi…”. Tác giả câu nói này có người cho là của nghệ sĩ Trần Văn Trạch, nhưng báo chí ngoại quốc dẫn chứng là của Ginetta Sagan.
Ginetta Sagan là một nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Ý nổi tiếng với công việc của mình với Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế thay mặt cho các tù nhân lương tâm. Câu nói dí dỏm của bà Sagan đã diễn tả được một thực trạng rất bi hài của dân tộc Việt Nam kể từ Tháng Tư, 1975.
Theo thống kê của các cơ quan quốc tế đáng tin cậy, từ 1975 cho đến 2005, trong 30 năm đã có gần 3 triệu người Việt định cư ở 126 quốc gia trên toàn thế giới.
Trong số người đi bằng đường biển có gần 1 triệu người đi vượt biên. Thống kê của các trại tị nạn Đông Nam Á vào năm 1995 là 839,200 người, kể cả 42,900 người đi bằng đường bộ. Có phỏng chừng 300 đến 400 ngàn người đã bị bỏ mình không đi đến được bến bờ tự do. Nguyên nhân chỉ vì dân chúng ai cũng muốn chạy trốn ra khỏi nước để tránh chế độ Cộng Sản. Đó là một sự thật hiển nhiên không thể chối cãi được, chứng minh bằng cái chết của hằng trăm nghìn người bỏ xác ngoài biển khơi và trong rừng rậm.
45 năm sau cái ngày quốc nạn, một trong bọn người đã gây ra tai ương, tang tóc cho dân tộc Việt Nam, là Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như sau: “Trước đây, sau năm 1975 một thời gian dài, người ta nói: ‘Nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết.’ Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác thì ‘Nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam.’”
Từ lâu nay, Nguyễn Xuân Phúc, nổi tiếng là đã nói nhiều câu ngốc ngếch, thiếu trí tuệ và làm trò cười cho bàn dân thiên hạ. Lần này, Phúc lấy một câu chuyện có thật thời 1975, đem ghép vào thời sự hôm nay, một nhận định mà từ một đứa trẻ đến một người điên khùng cũng không ai tin được!
Cái lối nói mà chúng ta thường nghe từ miệng các lãnh đạo CSVN, nói như Tướng Trần Độ, là “bọn lưỡi gỗ,” “nói xuôi nói ngược, nói sao cũng đựợc,” vô nghĩa, ấu trĩ, không suy nghĩ.
Cái chế độ đó vô nhân, tàn ác thế nào, mà 45 năm nay, người Việt ai cũng muốn bỏ nước ra đi, bằng cách này hay cách khác, dù phải hy sinh cả mạng sống. Phủ nhận một sự thật rõ ràng như vậy, tên hề Nguyễn Xuân Phúc, một lần nữa, cho chúng ta thấy tính chất rẻ tiền, ngốc nghếch của một tên lãnh đạo thất học và dốt nát của chế độ. Câu nói không những làm người ta không tin, ý nghĩa hoàn toàn trái ngược, đáng lẽ phải che đậy, mà còn phơi bày lộ liễu một sự thật đau lòng!
Nguyễn Xuân Phúc không chứng minh được gì về câu nói của y! Thực trạng đất nước trong 45 năm qua là một sự thật thê thảm. Ngày nay, mặc dầu chuyện đi ra khỏi đất nước tương đối dễ dàng, thuận lợi hơn, nhưng câu nói “nếu cái cột đèn… mà biết đi…” vẫn còn đúng cho hoàn cảnh… Việt Nam!
Trong cái thời đại “rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam,” không chỉ trong cơn hoảng loạn Tháng Tư 1975, mà năm 2017 vẫn còn những cái cột đèn có chân đến Đài Loan, năm 1999 đến Hồng Kong, năm 2018-20 còn người vượt biển đến Úc!
Chưa ai thấy cái cột đèn Mỹ… có chân về Việt Nam như thế nào, nhưng thiên hạ thấy người Việt xếp hàng tại các Tòa Ðại Sứ, Lãnh Sự Mỹ để xin visa du học, du lịch, kết hôn… không lúc nào ngưng. Cán bộ nhà nước xác nhận tình trạng nhân viên du học không về và con cái họ cũng chọn chuyện… ở lại ngoại quốc như là một điều đương nhiên.
Theo RFI, căn cứ vào số liệu của Bộ Tư Pháp Việt Nam, trong năm 2015 có 4,474 người từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Còn theo Bộ Kinh Tế và Xã Hội Liên Hợp Quốc (United Nations Department of Economic and Social Affairs), ước tính từ năm 1990 đến 2015 có tới 2.6 triệu công dân Việt Nam rời đất nước đến sống ở một quốc gia phát triển hơn, tức trung bình mỗi năm có gần 100,000 người bỏ nước ra đi.
Con số mà Viện Chính sách Di cư (Migration Policy Institute) thống kê cho thấy năm 1980, số người Việt Nam cư trú ở Mỹ là 231,000; năm 2000 lên đến 988,000 và năm 2017 đã là 1,343,000 người.
Riêng về du học sinh, con số mới nhất được Student and Exchange Visitor Information System cập nhật vào Tháng Ba năm 2019 là có 30,684 sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ ở tất cả các cấp, tăng 3% so với Tháng Tám năm 2018.
Việt Nam CHXHCN không phải là đất lành nên uớc tính từ năm 1995 đến 2003, số phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Đài Loan đã tăng vọt từ 1,476 lên hơn 60,000 người, khiến người Việt Nam là nhóm nhập cư đông nhất sống ở đảo này. Ước tính có khoảng 30% lao động bất hợp pháp đang làm việc tại Đài Loan.
Tại Nam Hàn, hiện nay (cuối năm 2012) có hơn 120,000 người Việt Nam đang sinh sống, trong đó gần 26,000 người cư ngụ bất hợp pháp. Ngoài vài ngàn người là sinh viên du học, hầu hết người Việt tại Hàn Quốc là lao động chân tay hoặc phụ nữ kết hôn với người bản xứ chỉ vì lý do kinh tế.
Lâu nay, đa số những người đi theo hình thức bất hợp pháp là những người dân ở vùng quê, họ đã bỏ ra không ít tiền để theo các “đường dây chui” đưa sang lao động ở nước ngoài. Tuy nhiên, làm việc chui ở nước ngoài có thật sự là thiên đường hay những đồng tiền kiếm được nơi đất khách đều là xương máu?
Chưa ai quên câu chuyện 39 người Việt thiệt mạng trong thùng xe container ở Anh, khiến nhiều người bàng hoàng. Ngoài 110 nghìn lao động xuất cảnh hợp pháp hàng năm theo hiệp định và thỏa thuận hợp tác nhân lực của Việt Nam với các quốc gia, còn có số lượng rất lớn lao động di cư làm việc ở nước ngoài theo nhiều con đường khác nhau và phần lớn trong số đó là bất hợp pháp.
Người Việt có thế lực, ai cũng chân trong chân ngoài, không mua quốc tịch ngoại quốc thì cũng đầu tư, mua nhà. Nguyễn Xuân Phúc đã có con trai mua nhà ở Anaheim, California, đã biện minh việc người Việt gửi $3 tỷ sang Hoa Kỳ mua nhà không hẳn là những tín hiệu tiêu cực. Điều đó cho thấy môi trường tài chính, kinh doanh của Việt Nam là thông thoáng, thuận lợi !
Thôi thì ai đi được cứ đi, nhưng xin những cái đầu rỗng, mồm loa, đầy tính chất chọc cười thiên hạ, rẻ tiền như Nguyễn Xuân Phúc bớt giùm sự hoang tưởng lại, thông thường, người liêm sỉ phải biết đỏ mặt. Thế gian này, chỉ đứa nào mang mặt… mo mới không biết… ngượng!
Huy Phương
Theo Người Việt Online ngày 27/9/2020
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/cai-cot-den-ma-biet-di/
Be the first to comment