Cử Tri Gốc Á

(Ảnh của Mark Rightmire, Orange County Register / SCNG)

Người Mỹ gốc Á là nhóm cử tri phát triển nhanh nhất trong số các nhóm sắc tộc và chủng tộc chính tại Hoa Kỳ. Đây cũng là nhóm sắc tộc lớn duy nhất trở thành công dân qua con đường nhập tịch chứ không phải là người sinh ra tại Mỹ, theo phân tích của Trung tâm nghiên cứu Pew qua dữ liệu của Cục Kiểm Tra Dân Số. Với hơn 11 triệu công dân từ 18 tuổi trở lên sẽ có thể bỏ phiếu trong năm nay, chiếm gần 5% số cử tri đủ điều kiện của nước Mỹ, lá phiếu của nhóm cử tri này sẽ góp phần tạo nên sự thay đổi cục diện chính trường nước Mỹ qua lá phiếu của mình, đặc biệt tại các tiểu bang bất phân thắng bại.

Trong 20 năm qua, từ 2000 đến 2020, số lượng cử tri Mỹ gốc Á Châu đủ điều kiện bỏ phiếu đã tăng hơn gấp đôi, tăng khoảng 139%. Các cử tri gốc Mỹ La-Tinh tăng trưởng với tỉ lệ theo sau là 121%, trong khi nhóm cử tri da đen và da trắng tăng chậm hơn nhiều với 33% và 7%. Việc nhập cư rồi nhập tịch đã giúp cho sự phát triển nhanh chóng về nhóm cử tri Châu Á.  Từ năm 2000 đến năm 2018, là năm bầu cử gần đây nhất thì số lượng cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu trong nhóm gốc Á đã tăng gấp đôi từ 3.3 triệu lên 6.9 triệu và những công dân thông qua nhập tịch chiếm khoảng hai phần ba tổng số cử tri gốc Á đủ điều kiện tại Hoa Kỳ.

Mặc dù người Mỹ gốc Á được dự đoán sẽ chiếm mức cao kỷ lục là 4.7% số cử tri đủ hợp lệ trong năm nay, tỉ lệ này vẫn thấp hơn tỉ lệ tính theo tổng dân số nước Mỹ là 5.6%. Sự khác biệt một phần là do 4.5 triệu người trưởng thành Châu Á nhập cư nhưng chưa phải là công dân nên không thể bỏ phiếu. Nhóm này bao gồm thường trú nhân và những người đang trong quá trình xin quy trú thường trú nhân, những người đang cư trú tại Hoa Kỳ bằng thị thực tạm thời và những di dân lậu. Nói chung là khoảng gần 60% trong số 18.2 triệu người gốc Á tại Hoa Kỳ, tức khoảng 11 triệu người như nói trên là cử tri hợp lệ.

Nhóm cử tri gốc Á tại Mỹ là một nhóm đa dạng, với các cử tri đến từ các quốc gia tại Ðông Á, Ðông Nam Á và tiểu lục địa Ấn Ðộ. Sáu nhóm chính này, chiếm đến 85% tổng số người gốc Á tại Mỹ bao gồm người gốc Trung Hoa, Phi Luật Tân, Ấn Ðộ, Việt Nam, Nam Hàn và Nhật Bản.

Một cuộc khảo sát vào năm 2018 của AAPI Data cho thấy liên đới đảng phái chính trị có khác nhau tùy theo nhóm dân. Ví dụ người Mỹ gốc Việt xem mình thuộc đảng Cộng hòa là 42% so với 28% xem là đảng Dân chủ. Ngược lại, người Mỹ gốc Ấn lại thiên về Dân chủ cao nhất so với bất kỳ nhóm Á Châu khác, với 50% nhận là thuộc về đảng Dân chủ và chỉ 18% là đảng Cộng hòa.

Người Việt tại Seattle tham gia tuần hành ủng hộ Ứng cử viên Tổng Thống – nguồn nvnorthwest.com

Các cử tri người Mỹ gốc Á có mặt khắp nước Mỹ nhưng hơn một nửa tập trung tại ba tiểu bang lớn. Dẫn đầu là California có 3.6 triệu cử tri, chiếm 35% tổng số cử tri châu Á của Hoa Kỳ. Hai tiểu bang kế tiếp là New York với 920,000 cử tri và thứ ba là Texas với 698,000 cử tri.

Tuy nhiên xét theo số cử tri hợp lệ chung thì người Mỹ gốc Á tại Hawaii chiếm tỉ lệ cử tri cao hơn bất kỳ nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc nào với 38% số cử tri cả tiểu bang này. California theo sau với cử tri gốc Á chiếm 14% tổng cử tri tiểu bang.

Về mặt ngôn ngữ thì nhóm cử tri gốc Á cho biết 71% có nói tiếng Anh ở nhà hoặc nói tiếng Anh giỏi, thấp hơn tỉ lệ nói ở nhóm Mỹ La Tinh là 80%, da đen là 98% và da trắng là 99%. Nhưng có sự khác biệt đáng kể về trình độ tiếng Anh theo nhóm xuất xứ. 91% cử tri gốc Nhật cho biết họ nói tiếng Anh “rất tốt”. Trong khi cử tri gốc Miến Ðiện chỉ có khoảng 49% cho biết như vậy. Nguồn gốc của hai nhóm này có thể giúp giải thích sự khác biệt vì hầu hết người Mỹ gốc Nhật (80%) là sinh ra tại Mỹ, trong khi hầu hết người gốc Miến Ðiện (85%) là vào đất nước này với tư cách là người tị nạn.

Nhóm cử tri Mỹ gốc Á có trình độ học vấn cao nhất so với bất kỳ nhóm chủng tộc và sắc tộc chính nào. Khoảng 50 % có bằng cử nhân trở lên, cao hơn so với nhóm da trắng là 34 %, da đen là 20 % hoặc gốc Mỹ La Tinh là 18 %. Cũng vậy, học vấn giữa các nhóm cử tri gốc Á này cũng khác nhau. Với cử tri gốc Ấn Ðộ có ít nhất bằng cử nhân là 65% so với cử tri gốc Campuchia là 19%, thấp nhất so với bất kỳ nhóm người Mỹ gốc Á nào.

Người Mỹ gốc Á là nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc phát triển nhanh nhất trong khu vực bầu cử Hoa Kỳ – photo Joana Toro/VIEWPress/Corbis via Getty Images

Các cử tri gốc Á đủ điều kiện tại Hoa Kỳ có thu nhập gia đình trung bình hàng năm là 105,000 đô la, cũng là mức cao nhất so với bất kỳ nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc nào. Các cử tri hợp lệ da trắng, gốc Mỹ La-Tinh và da đen đều có thu nhập gia đình trung bình dưới 80,000 đô la. Trong đó nhóm gốc Ấn Ðộ có thu nhập gia đình cao nhất với 139,000 đô la so với người Mỹ gốc Miến Ðiện thấp nhất là 69,000 đô la.

Ðộ tuổi trung bình của cử tri người Mỹ gốc Á là 46, già hơn cử tri da đen là 44 tuổi, gốc Mỹ La-tinh là 38 nhưng trẻ hơn nhóm cử tri da trắng là 51 tuổi. Tuy nhiên, các cử tri Châu Á sinh ra tại Mỹ trung bình là 31 tuổi, trẻ hơn 20 tuổi so với cử tri sinh ra ở nước ngoài là 51 tuổi. Người Mỹ gốc H’mong là nhóm trẻ nhất, với độ tuổi trung bình là 32 so với người Mỹ gốc Nhật là nhóm lớn tuổi nhất với tuổi trung bình là 59.

Nhìn chung, đặc tính nhân khẩu của nhóm cử tri gốc Á Châu không khác mấy so với đặc tính nhân khẩu cộng đồng gốc Á tại Mỹ với mức thu nhập và trình độ học vấn cao hơn các nhóm dân khác. Tuy nhiên một thực tế qua các số liệu thì đây là cộng đồng đã đi bỏ phiếu thấp nhất so với các cộng đồng sắc tộc khác. Trong hai cuộc bầu cử năm 2012 và 2016, chỉ dưới 50% cử tri gốc Á hợp lệ đã đi bỏ phiếu (47% và 49%), trong khi so với cộng đồng người da trắng là 64% và người da đen là 67%.

Trở thành một phần của Hoa Kỳ, dù xuất xứ từ quốc gia nào, chỉ còn lại chung là những công dân Hoa Kỳ mang trách nhiệm và bổn phận công dân qua lá phiếu cử tri. Ngược lại, đó cũng chính là quyền lợi của mỗi người khi kết quả bầu cử các cấp, từ địa phương đến liên bang sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chính mỗi cá nhân và gia đình họ. Ðó là lý do bất kể cuộc bầu cử nào và liên đới đảng phái ra sao, mỗi lá phiếu cá nhân hay của một cộng đồng sắc tộc đều cần tích cực tham gia và có thể góp phần tạo nên sự thay đổi to lớn.

Nguồn ppic.org

Đinh Yên Thảo
Theo Báo Trẻ Online ngày 21/9/2020
(Nguồn: Pew Research Center)

1 Comment

  1. Khi đã có Quốc tịch Mỹ thì có cần nhắc đến gốc Tàu, gốc Việt, gốc Ấn-Độ…vì mặc cảm thua sút với dân sinh tại Mỹ? Thết thì con cái chúng ta sinh tại Mỹ có cần là gốc gì?

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*