Nhà văn Nhật Tiến tên thật là Bùi Nhật Tiến, sinh ngày 24 tháng 8 năm 1936 tại Hà Nội, mất ngày 14 tháng 9, 2020 tại Santa Ana, California Hoa Kỳ. Hưởng thọ 84 tuổi.
Với gần 70 năm cầm bút, 15 tuổi có bài đăng báo, 23 tuổi có sách xuất bản, 24 tuổi lãnh giải văn chương toàn quốc năm 1960-1961, ông để lại một gia tài văn chương đồ sộ với gần 100 tác phẩm đủ loại truyện dài, truyện ngắn, kịch bản, biên khảo, bút ký. Sách của ông đã được dịch ra trên 10 thứ tiếng và phát hành tại nhiều quốc gia. Thường thì một người giỏi về văn chương thì không giỏi về khoa học nhưng điều hiếm có ở nhà văn Nhật Tiến là, ông không chỉ sáng tác văn chương mà còn sống bằng nghệ dạy môn khoa học lý hóa rất thành công. Là nhà văn, ông được độc giả yêu thương, mến mộ. Là nhà giáo, ông được học trò và đồng nghiệp nể nang, kính.trọng.
Nhà văn thần tượng của tuổi thanh thiếu niên
Lứa tuổi 60, 70 hiện nay của người Nam Việt Nam, trong đó có tôi hầu hết đã lớn lên và hình thành nhân cách của mình cùng với những tác phẩm: Người Áo Trắng (1959), Những Vì Sao Lạc (1960), Chuyện Bé Phượng (1964), Chim Hót Trong Lồng (1966)… của nhà văn trẻ tuổi nhất nhưng tuổi nghề có lẽ dài nhất trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhà văn Nhật Tiến. Ông được xem là nhà văn kế tục sự nghiệp của Tự Lực Văn Đoàn. Ông được nhà văn Nhất Linh thu nhận từ năm 1958 và làm Phó chủ tịch văn đoàn này cho tới năm 1975. Những ngày ấy, ông như một thần tượng của tuổi đang lớn của chúng tôi.
Văn của ông bình dị, gãy gọn, súc tích, và linh động. Lời văn không chải chuốt văn hoa, nhưng nhẹ nhàng, có sức lôi cuốn và chuyển tải tài tình cảm xúc từ những nhân vật đến người đọc một cách tự nhiên, rất thật, rất gần gũi như hơi thở, như sự sống. Với khuynh hướng xã hội, nhân vật của nhà văn Nhật Tiến hầu hết là những nhân vật nghèo khó, hoặc trong những hoàn cảnh éo le, khó khăn, đáng thương, ông dã đứng vào hoàn cảnh của họ để cảm thông và bênh vực họ.
Chúng tôi đã từng thổn thức đọc đi, đọc lại những gìong nhật ký của cô bé sống trong trại mồ côi mong mẹ đến thăm vào cuối tuần nhưng mẹ đã không đến của tác phẩm Chim Hót Trong Lồng:
“Chủ Nhật Ngày 16 tháng 11…
Má ơi,
Thế là hôm nay má không đến con rồi. Con bắt đền má đấy. Cả buổi tối hôm qua con gấp áo ở đầu giường, con đi ngủ rồi mà còn nghĩ đến má. Con cũng nằm mơ thấy má dẫn con đi nhặt lá đa ở trên hồ, nhưng không phải là hồ gươm đâu má ạ. Cái hồ này có khói mờ mờ trên mặt nước. Con thì mặc áo đầm xanh mà má mới mua cho con. Còn má thì mặc quần đen, áo đen. Má đánh môi son làm ai cũng nhìn. Con đang mơ thì Ma soeur Fe’licite’ đến đánh thức con dậy…”
Nguồn: https://nhavannhattien.wordpress.com/truyen-dai-chim-hot…/
Hay khổ đau ray rứt với tâm trạng hối lỗi vì hành động nông nỗi với Sơ bề trên đã đem lại cái chết đau thương của bà trong Chuyện Bé Phương:
“Sáng hôm qua hồi 9 giờ 15 phút, Mẹ giám đốc bề trên đã từ trần tại phòng thuốc Cô Nhi Viện. Bác sĩ nói rằng Mẹ đã chết vì bệnh đau tim. Nhưng chúng con thì quả quyết rằng Mẹ đã chết do bàn tay của chúng con nhúng vào. Ôi những bàn tay nhơ nhuốc, những bàn tay ô uế và tội lỗi. Thật là kinh khủng và hãi hùng. Nếu chúng con biết rằng hậu quả có thể xẩy đến tai hại như thế thì không bao giờ chúng con giám hành động một điều gì cả cho dù chúng con có phải tủi nhục và khốn khổ đến đâu. Đêm ngày chúng con vẫn thường cầu nguyện cùng Chúa và tự hỏi chúng con sẽ làm gì cho đúng ý Chúa. Những lời cầu xin của những kẻ tội lỗi không bao giờ thấu tới Đức tối cao. Chúng con sẽ bị hôn mê và hành động theo lời quỉ dữ. Chúng con đã dứt đứt sợi dây liên lạc giữa chúng con và Mẹ bề hằng kính, hằng trọng. Công ơn của Mẹ bề trên đối với chúng con đầy như trời biển…”
Nguồn: https://nhavannhattien.wordpress.com/truyen-dai-chuyen…/
Hoặc xót xa cho những xóm nghèo trong Thềm Hoang (1961) tác phẩm được giải văn chương toàn quốc năm 1960-1961:
“Trời đổ mưa dữ dội. Những giọt mưa đầu mùa sầm sập rơi như thác chảy. Xóm Cỏ chìm trong làn nước trắng xóa mù mịt. Nước xoáy miết vào những đống tàn than và gạch vữa, bào lên từng mảng đất bở, rồi cuốn trôi băng băng theo cùng rác rưởi. Dòng nước đen ngầu sùi bọt, ứ lên từ những chỗ trũng, trào len lỏi qua những chiếc rui cột chỏng trơ rồi đổ ra đường cái. Gió thổi phần phật vào những mái lều dựng tạm thời trên một khoảng đất mới dọn. Những cái cột mỏng manh nghiêng đi, vít từng sợi dây thừng căng ra nghiến ken két vào thớ gỗ. Nước quạt ào ào trên nóc lều, thổi tung từng cánh bạt, hắt xiên vào quá nửa mé bên trong”
Nguồn: https://nhavannhattien.wordpress.com/…/them-hoang…/
Rồi theo dõi những tác phẩm khác của ông lần lượt ra đời trước 1975: Những Người Áo Trắng (truyện dài1959), Những Vì Sao Lạc (truyện dài1960), Thềm Hoang (truyện dài 1961), Người Kéo Màn (tiểu thuyết kịch 1962), Mây Hoàng Hôn (truyện dài 1962), Ánh Sáng Công Viên (tập truyện 1963), Chuyện Bé Phượng (truyện dài 1964), Vách Đá Cheo Leo (truyện dài 1965), Chim Hót Trong Lồng (bút ký 1966), Giọt Lệ Đen (tập truyện 1968), Tay Ngọc (bút ký 1968), Giấc Ngủ Chập Chờn (truyện dài 1969) Quê Nhà Yêu Dấu (1970), Theo Gió Ngàn Bay (Huyền Trân 1970), Tặng phẩm của dòng sông (tập truyện1972), Thuở mơ làm văn sĩ (1974)… và một số truyện viết cho tuổi thiếu nhi như: Lá Chúc Thư, Đường lên Núi Thiên Mã…
Một nhà giáo đức độ và yêu nghề
Thật may mắn cho tôi, một độc giả trung thành của nhà văn Nhật Tiến, đã được quen biết và đồng hành với ông trong nhiều sinh hoạt. Năm 1971, Khi tôi vào làm cho báo Sóng Thần, ngoài việc đi săn tin của một phóng viên, tôi còn được Tổng Thư Ký Uyên Thao và Chủ Nhiệm Trùng Dương giao cho việc phụ trách trang thiếu nhi có tên Khu Vườn Của Em và viết dưới bút hiệu Trâm Khanh, tôi được giới thiệu với hai nhà văn Nhật Tiến và Đỗ Phương Khanh lúc đó họ đang làm chủ bút cho tờ Thiếu Nhi do ông giám đốc nhà sách Khai Trí xuất bản.
Trang Khu Vườn Của Em rất đông độc giả, mỗi ngày Trâm Khanh nhận nhiều thư từ có khi phải đựng bằng bao lớn đưa lên bàn viết của tôi trên cái gác lửng của tòa soạn Sóng Thần tại số 33 đường Võ Tánh nay có tên là đường Nguyễn Trãi, gần nhà thờ Huyện Sĩ. Các em gửi thư hỏi thăm, gửi bài viết hoặc xin vấn kế về những khúc mắc của đời sống. Để gần gũi, gắn bó và để giúp các em có những trải nghiệm thực tế, tôi xin phép anh Tổng Thư ký lâu lâu cho tôi tổ chức những buổi sinh hoạt gặp gỡ các em và đưa các em đi thăm nhiều cơ sở trong thành phố và vùng phụ cận như thăm phòng quay phim của đài Truyền hình quốc gia, Thư viện Đắc Lộ, cơ sở sản xuất thuốc lá Phillips, cô nhi viện… và nhiều lần chúng tôi cùng tổ chức với ông bà Nhật Tiến và Đỗ Phương Khanh cùng các em độc giả của tờ Thiếu Nhi. Chúng tôi thân nhau từ đó. Anh chị luôn coi tôi như là cô em nhỏ. Nhiều lần họ mời tôi đến căn nhà gần cổng xe lửa số 6 chất đầy sách vở và những đứa con xinh sắn, dễ thương luôn chạy tung tăng.
Gần gủi ông bà, tôi cảm phục sức làm việc không biết mệt và nghiêm túc của họ. Việc gì họ làm cũng được họ chăm chút từ li, từng tí mặc dù những năm tháng đó nhà văn Nhật Tiến vừa đi dạy học tại các trường Trung học, giảng viên tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị của Việt Nam Cộng Hòa, chủ nhiệm tuần báo Thiếu Nhi với sự tiếp tay của bà Đỗ Phương Khanh, điều hành nhà xuất bản Huyền Trân (từ năm 1959), sinh hoạt thường xuyên với phong trào Hướng Đạo. Điều đáng nể là tất cả những công việc của ông bà đều rất thành công.
Tiếc thay, sau 30 tháng 4, 1975, báo Sóng Thần cùng toàn thể báo chí, truyền thanh, truyền hình, cơ sở xuất bản đều bị đóng cửa, Khu Vườn Của Em và Tuần Báo Thiếu Nhi cùng chung một số phận. Bạn bè báo chí kẻ ở, người đi, gia đình, bạn bè ly tán. Mất việc làm báo, tôi trở lại trường Trung học Đức Minh Thủ Đức, ngôi trường tôi dạy học trước đây để xin dạy trở lại. May mắn là tên tôi vẫn nằm trong danh sách giáo sư (sau này nhà trường XHCN gọi là giáo viên), Linh Mục Hiệu trưởng Nguyễn Đức Chấn nhận tôi vào dạy trở lại. Cũng nhờ vậy mà mùa hè 1976 trong khóa học được gọi là bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ tại trường Trung học Trưng Vương, ngôi trường tôi đã “mài đũng quần” trong những năm Trung học, tôi vô tình gặp lại nhà văn Nhật Tiến. Hai anh em tay bắt mặt mừng. bùi ngùi kể cho nhau nghe về những bạn bè, người thân; kẻ ở, người đi, những người đang nằm trong tù và cả những người chết vào giờ thứ 25 của ngày 30 tháng 4, 1975, ngày đất nước hoàn toàn rơi vào tay cộng sản, như nhà văn Chu Tử, vị thầy dẫn dắt tôi vào nghề báo đã trúng đạn cộng sản trên chuyến tàu Việt Nam Thương Tín.
Chúng tôi cũng đã chia sẻ với nhau những nỗi nhục nhằn, đau khổ đến ám ảnh của những cảnh oái oăm dở khóc, dở cười của nhà giáo trong nhà trường XHCN mà nhà văn Nhật Tiến sau này đã viết lại trong cuốn hồi ký của một nhà giáo, tác phẩm Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác: (2012). Cuốn sách dày 285 trang đã lột tả đầy đủ đến từng chi tiết về chánh sách giáo dục vô nhân, dùng thấy cô giáo như dụng cụ tuyên truyền, đầu độc giới trẻ để các em trở thành những nô bộc mù quáng cho tham vọng chính trị của họ. Điều này đảng và nhà nước không cần giấu diếm, họ đã nói thẳng, nói huỵch toẹt vào mặt các nhà giáo rằng: ”Nhà giáo là công cụ của đảng và nhà nước”. Ông viết:
“Nói tóm lại, cái thành quả giáo dục trong hơn nửa thế kỷ qua dưới mái nhà trường XHCN cộng với sự tiếp tay của rất nhiều thế hệ những ngòi bút vô lương tâm, chỉ biết tô son điểm phấn cho những sai lầm to tát của chế độ nên đã đem lại cho đất nước triền miên những mùa hoa trái ung thối, nhiễm độc, kể từ khi có những vụ Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm…và cho đến tận ngày nay vẫn còn xẩy ra những chuyện lạ lùng như bầy tỏ lòng yêu nước thì bị cấm đoán, triệt hạ, những người yêu nước thì lại bị bắt giữ, cầm tù”.
Và ông quyết tâm:
“Thành quả giáo dục đen tối như thế, chất chứa những nguyên nhân còn gây tác họa lâu dài như thế, vậy tại sao không ghi gói lại để các thế hệ sau tìm đến như tìm những vết xe đổ cần tránh xa, để không lập lại?”
(Trích Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác, trang 13)
Nguồn: https://vietmessenger.com/books/…
Cám ơn nhà văn Nhật Tiến đã dùng ngòi bút sắc bén cuả mình để ghi lại tội ác của cộng sản trong ngành giáo dục Việt Nam.
Hơn một phần tư thế kỷ làm thầy giáo, dù trong tình huống nào, Thầy Nhật Tiến có hàng nhiều ngàn học sinh và hàng trăm đồng nghiệp, mọi người đều kính nể kiến thức chuyên môn dầy dặn của Thầy, và yêu quý sự tận tụy, nhân cách cao quý, và tinh thần yêu nghề, gần gũi với học sinh của Thầy.
Nhà văn của Thuyền Nhân Việt Nam
Sau đó, anh em chúng tôi không có dịp gặp nhau nữa. Đầu năm 1979, khi đang dạy môn văn lớp 9 và lớp 10 tại Trung học Giồng Ông Tố, Thủ Đức, bây giờ là Quận 2, nhân dịp nghỉ Tết, tôi và một nhóm 22 người vượt biên. Chuyến đi dài 22 ngày đói khổ vì hết lương thực và những trận bão liên tiếp, bị hải tặc cướp nhiều lần nhưng may mắn chúng tôi không bị đánh đập nặng nề hay xâm phạm thân thể cho đến khi được một tàu cá vớt, chúng tôi được đưa vào trại tị nạn Songkhla, Thái Lan và ở đây cho tới tháng 8, 1079 thì được định cư tại Hoa Kỳ với sự bảo trợ của gia đình người chị ruột tại New Jersey. Mấy tháng sau, tôi được nghe tin nhà văn Nhật Tiến cùng gia đình vượt biên đến Songkhla.
Chuyến đi của gia đình ông thật truân chuyên vì nạn hải tặc ngày càng hoành hành hung ác. Nhà văn Nhật Tiến cùng với hai phóng viên Dương Phục và Thanh Thủy đi cùng chuyến tàu đã viết “Cáo Trạng Hải Tặc Thái Lan” tố cáo sự độc ác của bọn hải tặc cướp của, hiếp phụ nữ, giết người kể cả những em bé vô tội bị quăng xuống biển tạo thành một thảm trạng kinh hoàng của thuyền nhân trên biển Đông. Cáo trạng với hàng trăm nhân chứng sống đã được gửi lên Cao Ủy Liên Hiệp Quốc và báo chí khắp thế giới gây áp lực nặng nề cho chính quyền Thái Lan và đánh thức lương tâm toàn thế giới về thuyền nhân Việt Nam. Liên Hiệp Quốc được sự tài trợ của nhiều quốc gia đã đẩy mạnh chương trình chống hải tặc. Nhiều hải tặc bị bắt và bị án tù nên nạn hải tặc đã được cải tiến rất nhiều sau đó. Một lần nữa, nhà văn Nhật Tiến đã dùng ngòi bút của mình để đấu tranh cho những người thấp cổ, bé miệng trong cơn hoạn nạn khốn cùng.
Sau khi đến Hoa Kỳ và hoàn tất việc học tại New Jersey, gia đình chúng tôi dời về Houston vì không chịu nổi cái lạnh buốt xương của vùng đông bắc, tôi nhận làm Tổng Thư Ký, lo bài vở cho tờ báo Ngày Nay. Với công việc này, anh em chúng tôi lại có dịp liên lạc và làm việc với nhau thường xuyên. Ông gửi bài đều đăn cho tờ báo và chúng tôi thường gọi điện thoại cho nhau để bàn bạc mỗi khi có những vấn đề cần thiết, nhưng chúng tôi vẫn chưa có cơ hội gặp lại nhau. Mãi cho đến khi tôi cho in và phát hành truyện dài Bọt Biển (1988) , tiểu thuyết lấy trại tị nạn Songkhla làm bối cảnh, nhân vật là hư cấu nhưng thân phận bọt bèo của họ được dựa trên những sự thật mà thuyền nhân Việt Nam phải trải qua, những cảnh chết chóc, nguy hiểm của họ khi bắt đầu bước chân lên thuyền, liều chết, bỏ gia đình, người thân, nhà cửa, tài sản để đi tìm tự do tại một nơi gần như vô định. Rồi cảnh cực khổ, vất vả nhiều ngày tháng, có người nhiều năm tại trại tị nạn, và nhiều người không bao giờ tìm được tự do trước khi trút hơi thở cuối cùng. Nhà văn Nhật Tiến đã viết tựa cho tiểu thuyết Bọt Biển và khi cuốn sách được ra mắt tại Houston ngày 2 tháng 10 năm 1988, ông đã từ California sang để làm diễn giả giới thiệu Bọt Biển tới khán giả.
Vận hội không thành và nỗi buồn của một sĩ phu yêu nước
Mười hai năm gặp lại, nhà văn Nhật Tiến vẫn thế; miệng luôn nở nụ cười thân thiện, nhiệt thành, cười hết ga như không còn gì để giữa lại cho mình, và vẫn với tư thái của người hết lòng với bạn bè, người chung quanh. Ông luôn nhìn người khác ở cái mặt tốt của họ. Ông còn luôn bảo bọc, nâng đỡ những người gặp cảnh khó khăn theo tinh thần của một Hướng Đạo sinh mà ông đã nhiều năm sinh hoạt với cái tên là Én Nhanh Nhẹn. Người đời thường nói: “văn là người”, trường hợp của nhà văn Nhật Tiến có thể nói là đúng hoàn toàn, nên ông luôn được mọi người quý mến. Phải nói rất khó để ghét nhà văn Nhật Tiến.
Trong câu chuyện hàn huyên, ông nói với tôi rất say sưa về những tác phẩm ông đang viết và những tác phẩm ông chuẩn bị viết. Đến Hoa Kỳ vào năm 1981. vừa phải đi học để trở thành chuyên viên ngành điện toán cùng với bà Đỗ Phương Khanh, để lo cuộc sống cho một gia đình với hai vợ chồng và 7 người con, nhà văn Nhật Tiến vẫn dành thì giờ để viết. Ngoài việc viết báo cho nhiều tờ báo tại hải ngoại, ông cũng lần lượt cho ra đời các tác phẩm: Tiếng kèn (1981), Hải tặc trong vịnh Thái Lan (viết chung với Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, (1981), Một thời đang qua (1985), Mồ hôi của đá (1988), Cánh cửa (1990), Quê nhà Quê người (viết chung với bào đệ, nhà văn Nhật Tuấn, ấn hành ở trong nước, 1994), Thân Phận Dư Thừa (2002), bản dịch cuốn The Unwanted của Kiên Nguyễn, Hành Trình Chữ Nghĩa (2012) – Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác (2012) – Sự Thật Không Thể Bị Chôn Vùi (2012) – Một Thời… Như Thế (2012)
Và lúc gặp tôi, nhà văn Nhật Tiến đang viết cuốn Cánh Cửa (1990). Tình hình thế giới lúc đó đã hoàn toàn đổi khác. Sự xụp đổ giây chuyền từ các nước cộng sản bắt đầu với phong trào Đoàn kết của Walesa tại Ba Lan rồi lan sang các nước Hungary, Đông Đức, Tiếp khắc, Bulgaria, Romania, Albania, Nam Tư…
Tại Liên Xô, cái đầu tàu của chủ nghĩa cộng sản bắt đầu lung lay cùng với những bước chân xiêu vẹo vì đói và quần áo rách tả tơi của đoàn quân xâm lăng tiến vào Afghanistan năm 1979. Trong nước, dân chúng Nga bất mãn vì đói khổ bắt đầu vùng lên khắp nơi nên chính quyền Liên Xô đã phải tự cứu bằng cách nới lỏng kinh tế và chính trị qua hai chương trình đổi mới perestroika và glasnost. Từ dó, nhiều cuộc cải cách liên tiếp để đưa Liên Xô ra khỏi quỹ đạo của chế độ cộng sản tàn bạo, đẩy một nước Nga từng là cường quốc đến bờ vực thẳm của nghèo đói và tha hóa. Ngày 25 tháng 12 năm 1991, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev chính thức tuyên bố giải thể Liên bang Xô viết, 15 nước cộng hòa đã bị đảng Cộng sản Liên Xô thâu tóm cho “giấc mơ thế giới đại đồng” giành được độc lập, và cuộc Chiến tranh Lạnh với Hoa Kỳ, chính thức chấm dứt. Các nước cộng sản khác trên thế giới trước đây vẫn nhận sự tài trợ của Liên Xô nay nguồn tài chánh này không còn nữa thêm vào những thất bại thảm hại của nền kinh tế cộng sản đưa họ đến đường cùng, trong đó có Việt Nam. Việt nam còn bị nặng nề hơn vì đang gánh chịu hai cuộc chiến tranh; một tại biên giới Trung Việt với Trung Cộng, và thứ hai là cuộc xâm lăng Cambochia.
Trong nước, hai cuộc cải cách kinh tế 5 năm (1976-1980) và (1980-1985) thất bại ê chề.. Việt nam trong những năm 1983-1985 đã có nạn đói không được công bố. Hàng vạn người chết vì thiếu ăn, khiến hai lực lượng có vũ trang là công an và quân đội đã chỉa mũi súng vào nhau quyết ăn thua đủ để dành quyền lợi. Tổng thư ký đảng cộng sản Nguyễn Văn Linh (1969-1991) đã phải tuyên bố “thay đổi hay là chết” và phong trào đổi mới Glasnot và Pedestroika bắt chước theo Liên xô được đưa vào Việt Nam qua việc công nhận một số quyền tư hữu và bỏ dần kinh tế hợp tác xã. Để xả bớt những uất ức các nhà văn, nhà báo cũng được sáng tác rộng rãi hơn; những tác phẩm nói nên đời sống cơ cực và tinh thần bị o ép của người dân dưới bàn tay sắt của cộng sản, những ác ôn của tầng lớp cai trị đã đẩy đất nước và người dân đến thống khổ tột cùng được đề cập tới; với sự tham gia nhiệt tình của các nhà văn Dương Thu Hương, Trần Dần, Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Trần Thị Hoài, Trần Mạnh Hảo, Lưu Quang Vũ
Nhà văn Nhật Tiến thật hứng khởi chia sẻ với tôi về điều mà ông gọi: đây là một vận hội của dân tộc và ông mong mỏi có một sự tập hợp giữa người Việt trong và ngoài nước, đặc biệt là những nhà văn, nhà báo những sĩ phu có ảnh hưởng đến quần chúng để chuẩn bị cho cuộc mai táng cho chế độ phi nhân cộng sản, để đất nước có cuộc thay da đổi thịt đem lại tự do, no ấm và tiến bộ cho dân tộc. Ông trải những suy nghĩ, ước mơ và hy vọng của ông trong những truyện ngắn trong tập truyện Cánh Cửa và Quê Nhà Quê Người, tập truyện viết chung với nhà văn bào đệ Nhật Tuấn.
Sau đó, ông đứng chủ biên Tuyển tập Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương, tập hợp một số tác phẩm và những bài viết về Cao Trào Văn Nghệ Phản Kháng Tại Việt Nam 1986-1989; gồm 27 tác giả có tiếng tại hải ngoại như Nguyễn Mộng Giác, Nghiêm Xuân Hồng, Hoàng Khải Phong, Phan Tấn Hải, Thụy Khê, Nguyễn Đức Lập… Và 79 tác giả nổi tiếng trong nước như Dương Thu Hương, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Huy Thiệp, Hà Sĩ Phu, Phạm Thị Hoài… do nhà xuất bản Lê Trần tại California xuất bản năm 1990
Trong Lời Nói Đầu, nhà xuất bản Lê Trần đã viết: “Đặt tựa đề “Trăm Hoa Đua Nở” cho Tuyển tập này chúng tôi muốn làm công việc tương tự công trình sưu tập văn liệu mà cụ Hoàng Văn Chí đã làm vào thập niên 50 với cuốn “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc“. Chúng tôi cũng muốn ghi lại những chứng tích của một cuộc đấu tranh cho Tự Do Dân chủ và Nhân quyền khởi đi từ những người trong nước hiện nay…”
Nguồn: https://nhavannhattien.wordpress.com/tram-hoa-van-no…/
Cũng nên nhắc lại Tuyển tập Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc do Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm của những nhà văn, nhà báo, những người làm văn nghệ hưởng ứng chương trình sửa sai của chính sách cải cách ruộng đất đẫm máu người dân và những tàn bạo của giới thống trị tại miền Bắc vào những năm 1955-1958.
Cũng như “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc”, ở trong nước, những người có mặt trong “Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương” đã bị trù đập thẳng tay: tác phẩm của họ không được xuất bản, họ bị o ép, bị điều tra, bị mất việc, bị tù như nhà khoa học- nhà văn Hà Sĩ Phu, hay nhà văn Dương Thu Hương cuối cùng bà phải lưu vong vì không muốn bị bắt tù trở lại, hoặc cái chết đầy bí ẩn của vợ chồng nhà biên kịch Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh (1988) và còn nhiều trường hợp khác.
Chỉ có một điều khác là “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” từ tác phẩm đến tác giả bị đảng và nhà nước CS vùi dập và trấn áp thẳng tay, thì “Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương” ngoài những trận đòn thù khốc liệt không kém trong nước, nó còn bị chối bỏ, vùi dập không nương tay tại hải ngoại, vùng đất mà quyền tự do phát biểu được tôn trọng gần như tuyệt đối. Và cánh chim đầu đàn là nhà văn Nhật Tiến bị đánh phá không nương tay. Có những người được gọi là nhà văn lớn viết bài chối bỏ “không hề có Phong Trào Văn Nghệ Phản Kháng trong nước”, họ lập luận: đó chỉ là phong trào phản kháng cuội do nhà nước cs lập nên để xoa dịu người dân. Họ nêu ra những lý do không căn cứ như những nhà văn, nhà báo trong phong trào này không ai bị đi tù (sic), nhà văn Nhật Tiến và nhà văn Nhật Tuấn là hai tay sai, đón gió của đảng và nhà nước cs. Nhà văn Nhật Tiến là kẻ phản bội… Sau đó là những màn đấu tố trên báo chí với những lời thóa mạ bằng những loại văn chương phố chợ.
Hy vọng của nhà văn Nhật Tiến về một vận hội cho quê hương đã hoàn toàn bị bóp chết!
Michael Bùi, giám đốc nhà xuất bản Huyền Trân, con trai út của nhà văn Nhật Tiến đã nhắc lại chuyện này trong bài “Bố Tôi” đăng trên FaceBook của anh để tiễn đưa cha mình như sau:
“….Với cả một công trình tim óc của cả trăm tác giả trong và ngoài nước như thế nhưng có một số người ở hải ngoại đã cắt xén những câu văn qua lời giới thiệu của Bố tôi để vu khống tập truyện “Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương”. Nào là công cụ của Đảng ta, nào là hòa hợp hòa giải với tà quyền, nào là bợ đít chế độ đương thời. Chưa thỏa mãn, họ còn đi vu cáo Bố tôi tiếp tay với nhà văn Bùi Nhật Tuấn để nhuộm đỏ hải ngoại, trong khi hỏi tới thì chính họ cũng chưa từng đọc qua tập truyện đã được gom lại của cao trào phản kháng này, mặt mũi trang bìa ra sao, màu gì, họ cũng không hề biết.
Qua danh nghĩa chống Cộng họ viết bài đánh phá Bố tôi triền miên từ năm nay qua năm khác, cứ toác miệng ra vu khống chửi bới cho sướng cái mồm, khốc liệt đến nỗi chính những tác giả ở Hải Ngoại có bài trong “Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương” cũng phải e dè, không có một lời thanh minh thanh nga trong khi Bố tôi đang bị đánh hội đồng…”
Trích Nguồn: https://www.facebook.com/michaeltrubui2/posts/10158453887488405
Thật ra số người dám đứng ra nói lên lẽ công bằng có nhưng rất ít. Những năm đó tôi đã dọn nhà lên Austin, Ông chủ nhiệm Thanh Trúc đã giao tờ Ngày Nay cho nhà báo lão thành Nguyễn Ngọc Linh làm chủ nhiệm và nhà báo Trương Trọng Trác làm chủ bút, tôi chỉ còn là cộng tác viên, nhưng tôi và Trương Trọng Trác đã có những bài viết để nói lên lời công đạo cho Nhật Tiến và cho phong trào văn nghệ phản kháng trong nước. Nhưng không thấm vào đâu so với đám người đông đảo a dua trong những cuộc đấu tố bằng chữ nghĩa khốc liệt và dài nhiều năm khiến tinh thần của nhà văn Nhật Tiến mỏi mệt và buồn chán.
Ông chia sẻ với tôi: điều thất vọng nhất của ông là về thế thái nhân tình đổi trắng thay đen. Không cần phân biệt phải trái, không cần tìm hiểu sâu xa, ngọn nguồn, chỉ nghe chuyện đồn thổi, đọc những bài viết chụp mũ không căn cứ rồi người mới hôm qua đây còn ngồi trong nhà ông, ăn cùng bữa cơm, chia nhau từng tách cà phê, hôm sau đã có bài viết lên án, chửi rủa ông không tiếc lời. Rồi lại có những người bạn chủ báo, chủ bản tin từng là bạn cố tri, thân thiết với gia đình ông từ thửa còn ở Việt Nam cho đăng những bài viết đánh phá này mà chẳng màng gọi cho ông một cú điện thoại để kiểm chứng.
Có lẽ đối với họ lúc đó cái tin: “Nhật Tiến đã phản bội, Nhật Tiến bắt tay với cộng sản đâm sau lưng chiến sĩ…” là cái tin nóng, tin giật gân không thể bỏ qua, không thể không nói tới và họ không cần kiểm chứng, không cần phải nghe tiếng nói phía người bị kết tội. Nhất là sau chuyến viếng thăm Việt Nam vì người anh trai của ông lâm trọng bệnh vào năm 1991, trước và sau khi đi, ông không những bị chửi bới mà còn bị hăm dọa đến tánh mạng. Tất nhiên với tánh khí của ông, ông không hề khiếp sợ mà chỉ buồn phiền.
Những năm sau đó hầu như không muốn tiếp xúc nhiều với bên ngoài mà chỉ với một vài người bạn thân trong đó có tôi. Ông cũng ngưng sáng tác nhiều năm. Tới năm 2001 ông cộng tác với tờ Việt Tide do Mai Khanh, ái nữ của ông chủ trương cho đến năm 2011. Sau đó ông trở lại viết biên khảo và dịch thuật cho đến khi về hưu vì sức yếu.
Nhà văn viết cho ai?
Tháng 10 năm 1992, ông được lãnh giải truyện ngắn quốc tế xuất sắc tại Đại Hội Các nhà văn vùng Thái Bình Dương tại Vancouver, Canada, tôi cũng được mới tham dự. Trong buổi nói chuyện với độc giả, gồm hấu hết là những nhà văn, nhà báo và sinh viên, một trong những câu hỏi khá thú vị dành cho các tác giả là “nhà văn viết cho ai?”.
Những câu trả lời của 5 nhà văn được mời làm thuyết trình viên, trong đó có nhà văn Nhật Tiến cũng thú vị không kém. Người thì nói viết vì yêu văn chương, kẻ nói viết cho người yêu, có người thì nói rằng sự nghiệp văn chương của họ bắt đầu bằng thất tình, người trả lời rằng viết cho chính mình. Riêng nhà văn Nhật Tiến đã trả lời rằng ông viết cho những người khốn khổ, những mảnh đời rách nát, những người bị chèn ép ép, đối xử bất công, những người không tiếng nói với hy vọng thân phận của họ được quan tâm, tiếng nói của họ được lắng nghe để xã hội con người được tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Bài tường trình của tôi về Đại hội được chuyển tới nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, và anh rất tâm đắc. Anh cho đăng trên báo Người Việt Daily News, lúc đó anh đang làm Tổng Thư ký.
Hôm Nay đây, mọi chuyện đã lắng xuống, nhà văn Nhật Tiến cũng đã vĩnh viễn ra đi, nhìn vào toàn bộ những tác phẩm của nhà văn Nhật Tiến viết trong gần 70 năm, mọi người hiểu được câu trả lời trên của ông rất chân thật, Ông cầm bút không phải để mưu sinh, mặc dầu lượng và phẩm của các tác phẩm của ông đã tự nói lên ông là một nhà văn lớn và chuyên nghiệp. Nhưng vì “không phải qua sông, nên ông không phải lụy đò”. Ông không viết cho thị hiếu hoặc làm vừa lòng độc giả hay nhà xuất bản. Ông viết để thực thi một sứ mạng, sứ mạng tranh đấu cho người kém may mắn, cho người bị áp bức, cho công bằng xã hội, cho quê hương dân tộc đang bị tàn phá, Vì thế, nhận xét cho rằng nếu nhà văn Nhật Tiến không rời bỏ văn chương để làm chính trị, thì ông sẽ luôn là nhà văn đứng hàng đầu thì quả thực người nhận xét đã không hiểu văn chương của Nhật Tiến.
Những tác phẩm của ông đã được nhà xuất bản Huyền Trân cho in lại và đưa lên mạng internet toàn cầu. Số người tìm đọc vẫn không giảm. Thế hệ hôm nay và mai sau sẽ luôn có những trái tim thổn thức, rung động khi đọc văn của Nhật Tiến, và chính sự rung động đó sẽ xây dựng nên những con người với lòng nhân ái, biết yêu thương đồng loại, biết yêu chuộng cái hay, cái tốt mà phẫn nộ, đứng lên tranh đấu trước cái xấu, cái ác, cái hèn để xã hội mỗi ngày mỗi tốt đẹp và nhân bản hơn. Nhìn ở góc cạnh này thì nhà văn Nhật Tiến đã hoàn thành sứ mệnh của ông.
Và tôi tin chắc rằng nhà văn Nhật Tiến, chim Én Nhanh Nhẹn của Hướng Đạo Sinh Việt Nam hôm nay đang bay lượn trên bầu trời tự do, ríu rít vui đùa bên cạnh người bạn đường yêu quý, nhà văn Đỗ Phương Khanh,
Hôm nhận được tin nhà văn Đỗ Phương Khanh từ trần, tôi gọi điện thoại tới nhà văn Nhật Tiến để chia buồn, ông rất yếu và chỉ nghe được tôi nói và trả lời rất yếu ớt, người chăm sóc cho ông phải nói lại cho tôi nghe và nhà văn Nhật Tiến đã nói với tôi: “Anh nghe Triều Giang nói đầy đủ. Anh cám ơn rất nhiều!”. Tin ông từ trần hai tuần sau đó khiến tôi không ngạc nhiên nhưng cảm thấy như tôi vừa mất đi một điều gì đó rất gần gũi, rất quý giá của đời mình!
Vĩnh biệt nhà văn Nhật Tiến và nhà văn Đỗ Phương Khanh.
Người bạn nhỏ của anh chị.
Triều Giang
(09/2020)
Be the first to comment